Fatima Biến cố Lịch sử Thế Giới và Giáo Hội Công Giáo trong Thế kỷ XX

Lễ Kính Ðức Mẹ Fatima – 13/5

Fatima Biến cố Lịch sử Thế Giới và Giáo Hội Công Giáo trong Thế kỷ XX

(Radio Veritas Asia – 14/05/2002) – Ngày Mùng 5 tháng 5 năm 1917, lúc Ðệ nhị Thế chiến (1914-1918) bước vào giai đoạn khốc liệt, Ðức Thánh Cha Benoit XV (1914-1922) kêu gọi các Tín đồ Công giáo trên cả Thế giới tham dự Chiến dịch Cầu nguyện cách riêng trong Tháng 5, Tháng Dâng kính Mẹ Thiên Chúa, để xin Ðức Maria cứu giúp chấm dứt những cuộc tàn phá, đau khổ, chết chóc ! Ngoài ra, Ngài còn đặt tượng Ðức Mẹ bế Chúa Con bằng cẩm thạch trong Ðền Thờ Ðức Bà Cả, với hàng chữ : “Regina Pacis “ (Nữ Vương Hòa Bình).

Tám ngày sau, tức 13 tháng 5/1917, tại thung lũng Cova da Iria (Fatima) bên Bồ Đào Nha, Ðức Trinh Nữ Maria hiện ra với ba em Mục đồng : Lucia, Phanxicô  và  Giaxinta.  Phanxicô và Giaxinta là hai anh em ruột, đã qua đời sau ít năm. Mộ của hai em hiện nay trong Nhà Thờ Fatima.

                  ĐGH Gioan Phaolô II và Soeur Lucia

Ngày 13 tháng 5, trong Năm Ðại Toàn Xá 2000, ÐTC Gioan Phaolô II đã đích thân đến Hành Hương lần Thứ ba tại Fatima, để Tôn phong hai em lên Bậc Chân Phước. Ðây là hai vị Thánh trẻ nhất, không Tử đạo, được cất nhắc lên danh dự Bàn thờ. Cũng trong dịp này, vào cuối Thánh Lễ, nhân danh Ðức Thánh Cha, ÐHY Angelo Sodano – Quốc Vụ Khanh đã tiết lộ : Sau khi đã tham khảo ý kiến  Nữ Tu Lucia (95 tuổi) trong Tu Viện Kín ở Coimbra (vẫn thỉnh thoảng còn được Ðức Mẹ hiện ra), “Phần Thứ ba của Bí mật Fatima” được giữ kín trong nhiều Năm, gây thắc mắc và lo sợ trong Dân chúng, bởi vì có một số người đã giải thích như một “biến cố kinh khủng”, giống những hiện tượng và dấu hiệu  được báo trước về Ngày Tận Thế !  Nhưng thực sự không phải vậy ! “Phần thứ ba của Bí mật Fatima” theo sự tiết lộ chính thức của Tòa Thánh trong ngày 13 tháng 5 năm 2000, là việc bách hại đẫm máu dữ dội, xẩy đến trong Thời chế độ Cộng sản Liên Xô cầm quyền, nhất là “vụ mưu sát Vị Lãnh đạo Tối cao Giáo Hội” ! Bí mật Thứ ba đã nói đến hình ảnh : “Một vị Giám Mục mặc áo trắng bước qua những xác chết ngổn ngang và chính Vị đó cũng bị mưu sát” ! Việc tiết lộ bí mật Thứ ba của Fatima hôm ngày 13/5/2000,   không thuyết  phục một số người, nhất là những người đã giải thích “Bí mật Fatima” theo cái nhìn riêng của Họ, căn cứ trên hình ảnh “Vị mặc áo trắng bị mưu  sát” ! Thực ra, nếu không có Phép lạ Ðức Mẹ Fatima, thì “Vị Giám Mục mặc áo trắng này không thể thoát chết”! Chính tên sát thủ Mehmet Ali Agca, người đã bắn những phát chí tử vào Ðức Gioan Phaolô II, đã hết sức ngạc nhiên tại sao bị thương như vậy mà ÐTC đã không chết! Việc ÐTC không chết là vì có bàn tay Ðức Mẹ Fatima. Chính ÐTC đã công nhận như vậy vào ngày 12 -13/05/1982, Ngài đã đến Fatima Hành Hương để Tạ ơn Ðức Mẹ và tuyên bố rõ ràng : “Ðức Mẹ Maria đã cứu sống Tôi”.

        ĐGH Gioan Paul II  vào tù thăm Ali Agca (người bắn Ngài)

Một trong những viên đạn được lấy ra lúc giải phẫu cho ÐTC tại Bệnh viện Bách Khoa Gemelli ở Roma, đã được ghép vào Triều Thiên của Ðức Mẹ tại Ðền Thánh Fatima, trong dịp ÐTC đến Hành hương Tạ ơn 13/05/1982. Trong Cuộc hành hương Năm Thánh 2000, ÐTC còn để lại một kỷ niệm khác nữa đặt dưới chân Mẹ chiếc nhẫn Giám Mục cao quý, do Ðức Cố Hồng Y Stefan Wyszynski – Giáo Chủ Ba Lan (TGM Varsovie) tặng cho Ngài khi được bầu làm Giáo Hoàng (16/10/1978).  Còn chiếc giây lưng trắng bị đẩm máu trong vụ mưu sát tại Quảng Trường Thánh Phêrô  lúc 17giờ 10 phút  – ngày 13/05/1981, đã được để lại làm kỷ niệm tại Czestochowa – Ðền Thánh Quốc Gia Ba Lan, nơi ÐTC đã đến hành hương nhiều lần trong những năm sinh sống tại Ba Lan và cả sau khi đã làm Giáo Hoàng.

Nhưng hành thể có tính cách Hoàn vũ để nhớ ơn Mẹ Maria Fatima trong muôn Thế hệ Tương lai, là việc ÐTC lập Lễ Kính các lần Ðức Trinh Nữ Maria hiện ra tại Fatima. Năm 2002 ngày 13/05 là lần Thứ nhất Lễ kính này được cử hành trên cả Thế giới Công giáo. Nhật báo “Người đưa Tin (Il Messaggero), một trong các Tờ báo  lớn xuất bản ở Roma, số ra ngày Chúa nhật 12/03/2002, đã viết nơi Trang nhất với Tựa đề khá lớn như sau : “ÐTC Thánh Hiến Niên Hiệu của vụ mưu sát”. Bên nhật báo Roma viết : “Trong năm 1981, ngày 13 tháng 5, ngày mà những phát đạn của Ali Agca bắn vào Ðức Gioan Phaolô II, được Dâng kính Ðức Mẹ Fatima”.

Từ nay theo Lịch Phụng vụ, ngày 13/05 Lễ kính Ðức Mẹ Fatima sẽ được Cử hành trong Toàn Giáo Hội. Cũng như ngày 11 tháng 2, kính nhớ những lần Ðức Mẹ hiện ra với Cô Bernardette (từ 11 tháng 2 năm 1858 đến ngày 16 tháng 7 cũng năm 1858), trong 18 lần tại Hang đá, kế bên sông Gave, thuộc Thành phố Lourdes (Lộ Đức), miền Nam nước Pháp.

From: Le Ngoc Bich & KimBang Nguyen

Mời nghe nhạc:

Như Một Vầng Trăng

 HÀNH TRÌNH MÙA VỌNG CỦA ĐỨC MARIA

 HÀNH TRÌNH MÙA VỌNG CỦA ĐỨC MARIA

 Cùng đi với Đức Maria đến nhà bà Êlisabét

Việc cử hành mừng Lễ Giáng sinh của chúng ta sẽ thế nào nếu Đức Trinh nữ Maria chỉ là một “người đóng vai phụ” trong vở kịch?  Khi chúng ta nghĩ về Đức Maria, gần như ngay tức khắc chúng ta nghĩ đến hai câu chuyện: Truyền Tin và Thăm Viếng.  Ai có thể quên được bài tường thuật về việc sứ thần đến viếng thăm và hứa hẹn một trẻ thơ sẽ kế thừa ngai vàng của Vua Đavít?  Ai có thể quên được câu trả lời tuyệt vời của Đức Maria: “Xin cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38)?  Và ai có thể quên được lời kinh Magnificat, lời cầu nguyện ngợi ca bay vút cao của Đức Maria khi Mẹ đến thăm người chị họ Êlisabét của mình (x. Lc 1, 46-55)?

Nhưng ở giữa hai cuộc gặp gỡ này, một điều gì khác đã xảy ra: hành trình Mùa Vọng đầu tiên.  Thánh Kinh nói với chúng ta rằng sau khi sứ thần rời bỏ Maria, Maria “vội vã lên đường đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa.  Bà vào nhà ông Giacaria và chào hỏi bà Êlisabét” (Lc 1,39-40).  Cuộc hành trình này, khoảng cách chừng một trăm dặm, có lẽ Maria phải mất khoảng một tuần để đi.  Điều đó đã cho Maria có thời gian để cầu nguyện và suy gẫm, và giờ đây Mẹ mời gọi chúng ta đi cùng với Mẹ.  Vì thế chúng ta hãy tưởng tượng chính chúng ta đang cùng đi với Mẹ Maria và nghĩ về những gì có thể đã diễn ra trong tâm trí của Mẹ.

Suy Gẫm về Những Lời Hứa của Chúa.  Tất nhiên, chúng ta không biết chính xác những gì Đức Maria đã nghĩ, nhưng chúng ta biết rằng Mẹ là một con người cầu nguyện (x. Lc 2,19.51).  Chắc hẳn, Mẹ đã dành ít là một chút thời gian để suy gẫm về mọi điều Mẹ vừa trải nghiệm.  Chắc chắn Mẹ đã bắt đầu cố gắng hiểu ý nghĩa của tất cả.

Có lẽ Maria nhớ lại những lời của sứ thần và đã cầu nguyện: “Lạy Chúa, Chúa đã hứa sẽ ban cho con một đứa con, một đứa con trai, ngay cả trước khi Giuse và con đến với nhau trong hôn nhân.  Rồi con đã thưa xin vâng với Chúa, cho dẫu điều đó có nghĩa là con phải mất Giuse, và con vẫn tiếp tục thưa vâng với Chúa, bất kể hậu quả thế nào.  Lạy Chúa, xin hãy giúp con hiểu trọn vẹn hơn lời kêu gọi này mà con vừa mới đón nhận.”

Kinh Ngợi Khen (Magnificat).  Ngay khi đến nơi, Mẹ đã cất tiếng chào bà Êlisabét, Mẹ đã dâng lời Kinh cầu nguyện của chính mình, lời Kinh Ngợi Khen Magnificat (x. Lc 1,46-55).  Lời cầu nguyện ngợi khen này hẳn đã tràn ngập trong tất cả những suy nghĩ của Mẹ trên hành trình Mẹ đi, một sự suy gẫm về tất cả những gì Thiên Chúa đã giúp Mẹ hiểu về hành trình của Mẹ.

Mẹ Maria bắt đầu cất tiếng: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi” (Lc 1,46-47).  Thật ngạc nhiên khi Mẹ Maria quá vui mừng và tin tưởng.  Cuộc sống của Mẹ vừa mới bị đảo lộn.  Với cái tin về sự có thai ngoài dự kiến, hôn nhân của Mẹ với Giuse bị đe đọa và thậm chí Mẹ phải đối diện với khả năng bị ném đá cho đến chết.  Tuy nhiên, niềm vui dường như bao phủ Mẹ.

Tại sao Mẹ lại quá vui mừng?  Trong số nhiều khả năng, có hai khả năng nổi bật:

Trước hết, Maria có thể thấy rằng Thiên Chúa đang thực hiện những lời hứa của Người với dân Israel. Khi bà Êlisabét chào đón Mẹ là “Thân Mẫu Chúa tôi”, lòng tin hẳn đã phải tăng lên trong Mẹ (x. Lc 1,43).  Những lời của sứ thần là đúng thật – ơn cứu độ của Thiên Chúa đã gần kề!  Có lẽ Mẹ Maria đang nhớ lại một trong những thánh vịnh: “Người đã nhớ lại ân tình và tín nghĩa dành cho nhà Israel” (Tv 98,3).  Như thế, Mẹ Maria đã vui mừng về sự trung tín của Chúa: “Chúa độ trì Israel, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cùng cha ông chúng ta vì Người nhớ lại lòng thương xót” (Lc 1,54-55).  Mẹ Maria đã ý thức rằng chính con trai của Mẹ, Đấng thực sự là “Đức Chúa”, sẽ thực hiện lời hứa xưa kia của Thiên Chúa để giải thoát dân Israel (Lc 1,43).

Thứ hai, Mẹ Maria vui mừng trước cách làm việc bất ngờ của Thiên Chúa.  Vương quốc của Người đang đến qua những người yếu thế, chứ không phải qua những kẻ uy quyền.  Mẹ đã chứng kiến những “kẻ thống trị” Rôma ngạo mạn đang lạm dụng dân Chúa (x. Lc 1,52).  Mẹ đã thấy cách những người lính của họ đã dùng sự đe dọa và bạo lực để giữ hòa bình ở Israel.  Mẹ biết về chứng hoang tưởng và giết người của Vua Hêrôđê.  Tuy nhiên, Thiên Chúa đã chọn Mẹ, một người phụ nữ nghèo ở Galilê, để hạ bệ “kẻ ngạo mạn” và nâng cao “kẻ khiêm nhường” lên nơi danh dự (Lc 1,51.52).  Maria biết rằng bằng cách nào đó, Thiên Chúa sẽ dùng con của Mẹ để làm cho điều này xảy ra.

Như ngôn sứ Isaia và nhiều ngôn sứ trước mình, Maria nhận thấy rằng Thiên Chúa có một tình yêu đặc biệt dành cho những người khiêm tốn: “Ta ngự chốn cao vời và thánh thiện, nhưng vẫn ở với tâm hồn khiêm cung tan nát” (Is 57,15).  Mẹ biết rằng Thiên Chúa cho những người khiêm tốn và đói khát ở cận kề trái tim Người.  Vì thế, điều đó hẳn phải làm cho Mẹ vui mừng biết bao khi nhận ra rằng Thiên Chúa đã chiếu cố đến “sự thấp hèn” của Mẹ, và rằng người con của Mẹ sẽ thực hiện những lời Thiên Chúa đã hứa để đem lại sự an ủi cho những người cùng khổ túng thiếu (x. Lc 1,48).

Bài ca của Đức Maria là một lời cầu nguyện diễn tả sự kinh ngạc và lòng kính sợ trước sự kiện là Thiên Chúa đang làm cho ơn cứu độ của Người trở nên sẵn sàng cho mọi người, người giàu cũng như người nghèo, người quyền thế cũng như người yếu đuối.  Thiên Chúa không phân biệt đối xử với bất cứ ai.  Thiên Chúa không thiên vị người giàu hoặc coi khinh những người nghèo khổ, như một số người nghĩ như thế.  Không phải vậy, thực ra Thiên Chúa yêu thương tất cả chúng ta như nhau.  Thiên Chúa muốn giúp cho những kẻ kiêu ngạo học biết lãnh nhận ân sủng mà họ không thể tự kiếm được bằng sức riêng của họ, và Người muốn tỏ cho những người khiêm nhường biết rằng Người yêu thương họ, và ước ao chữa lành cho họ cách sâu sắc thế nào.

Những Lời Hứa Bền Vững.  Tất cả những suy nghĩ này hẳn phải ở hàng đầu trong tâm trí của Mẹ Maria suốt chín tháng sau đó khi Mẹ và Giuse đi tới Bêlem.  Khi các ngài đến thành phố ấy, Maria và Giuse chỉ là một đôi vợ chồng nghèo đến từ Galilê, không thể gặp được hầu như bất cứ ai trong phần lớn những người ở đó.  Thậm chí còn tồi tệ hơn khi chẳng có ai đón tiếp các ngài; không ai biểu lộ bất cứ sự quan tâm hay lòng trắc ẩn nào đối với các ngài.  Hơn bao giờ hết, các ngài đã ở giữa những con người nghèo khó và hèn mọn.

Khi đến thời gian chào đời của Chúa Giêsu, tất cả những gì mà Mẹ Maria và dưỡng phụ Giuse có là một cái máng ăn, một số quần áo quấn tã, và một số người chăn chiên cừu.  Chắc chắn Mẹ Maria hiểu điều đó thích hợp thế nào với Đấng sẽ nâng cao những người khiêm nhường, Người sẽ đến với chúng ta trong cách khiêm tốn nhất.  Chắc chắn điều này này mang lại cho Mẹ niềm an ủi cho dẫu những khó khăn xung quanh đang bao phủ Mẹ.  Chắc chắn Mẹ có thể nhìn thấy sự trung tín của Thiên Chúa trong khuôn mặt của Chúa Giêsu.

Có lẽ Mẹ Maria đã nhớ lại những lời này vào những năm sau khi con trai của Mẹ bắt đầu rao giảng: “Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn”, “sự giải thoát cho những kẻ bị giam cầm”, “sự tự do cho những người bị áp bức” (Lc 4,18).  Hãy tưởng tượng điều đó chắn hẳn phải làm cho Mẹ cảm thấy thế nào khi Mẹ nhìn thấy Chúa đang chữa lành, đang giải thoát và đang tha thứ cho tất cả mọi loại người.

Cuối cùng, hãy tưởng tượng Mẹ Maria, ba năm sau đó, Mẹ chứng kiến con trai mình bị đóng đinh.  Tất nhiên, với tư cách là mẹ của Chúa Giêsu, lòng Mẹ tràn ngập nỗi đau đớn khủng khiếp.  Tuy nhiên vốn là một người phụ nữ có đời sống cầu nguyện sâu sắc, Mẹ thấy Chúa Giêsu đón nhận cái chết cách khiêm nhường biết chừng nào.  Mẹ đã nghe thấy Chúa Giêsu kêu lên: “Lạy Cha, xin tha cho họ”, một lời cầu nguyện có lẽ Mẹ đã dạy Người (Lc 23,34).  Mẹ nhìn thấy con trai Mẹ đang hy hiến chính mình cho mọi người.  Người đang nâng cao những kẻ khiêm nhường, từng con người bị khuất phục bởi tội lỗi.  Bị treo cao trên thập giá, Chúa Giêsu bẻ tan chế độ tội lỗi đã trói buộc mọi và mỗi người trong chúng ta.  Ở đó (trên thập giá), bằng những lời tha thứ của mình, Chúa Giêsu đang nâng mọi người lên và tháo gỡ gánh nặng tội lỗi cho chúng ta.  Nơi đó, Chúa Giêsu đã hoàn thành lời hứa của Thiên Chúa để cứu độ dân Người.

Câu Chuyện của Mẹ Maria là Câu Chuyện của Chúng Ta.  Bài ca (bài hát) của Mẹ Maria là bài ca của chúng ta.  Đó là bài ca của Giáo Hội.  Đó là bài hát của bất cứ ai đã trải nghiệm lòng quảng đại và ân sủng chan chứa của Thiên Chúa.  Cho dẫu Mẹ Maria đã được tự do khỏi tội nguyên tổ, Mẹ vẫn hát bài hát của mọi người, những con người đang phải đối diện với tội lỗi của mình và đã tìm thấy một Thiên Chúa của lòng thương xót và tha thứ, một Thiên Chúa đón tiếp chúng ta và thanh tẩy lương tâm của chúng ta.  Đó là bài hát của tất cả mọi người, những người bắt đầu nhận ra rằng Thiên Chúa yêu thương họ một cách cá nhân (riêng biệt), cá vị và vô điều kiện. “Thiên Chúa đã chọn tôi.  Bất kể tội lỗi và đức tin yếu kém của tôi, Người vẫn yêu thương tôi và quý trọng tôi.  Vâng, thần trí tôi vui mừng hớn hở trong Chúa, Đấng cứu độ tôi!”

Không chỉ bài hát của Mẹ Maria là bài hát của chúng ta, mà câu chuyện của Mẹ cũng là câu chuyện của chúng ta.  Mẹ đã sống hầu hết cuộc đời mình trong một thị trấn nhỏ bé.  Những ngày của Mẹ cũng bận rộn với những công việc giặt giũ, bếp núc và việc chăm sóc cho gia đình.  Cũng vậy, hầu hết chúng ta sống cuộc sống “ẩn dật” và bình lặng.  Nhưng chúng ta cố gắng sống tốt những ngày tháng cuộc đời mình bằng cách chu toàn trách nhiệm của chúng ta và cố gắng sống bình an với những người xung quanh chúng ta.

Tuy nhiên khi Mẹ Maria sống ẩn thân như Mẹ có thể, Mẹ đóng một vai trò hết sức quan trọng trong kế hoạch của Thiên Chúa.  Mỗi lần Mẹ hành động trong tình yêu, mỗi lần Mẹ làm chứng bằng sự kiên nhẫn hay thương xót, mỗi lần Mẹ cầu nguyện, những lời nói và hành động của Mẹ đã dạy dỗ con trai mình (Chúa Giêsu) và giúp Người hiểu thấu được ơn gọi đặc biệt mà Thiên Chúa dành cho Người.  Cũng thế, mỗi lần chúng ta cầu nguyện với gia đình chúng ta, mỗi lần chúng ta chọn sự thương xót thay vì bực bội oán giận, mỗi lần chúng ta cho thay vì nhận – tất cả những hành động này đều ảnh hưởng đến những người xung quanh chúng ta.  Những hành động này giúp mang sự hiện diện của Chúa Giêsu vào trong nhà (gia đình) và những nơi chúng ta làm việc.  Mỗi lần chúng ta làm cho Chúa lớn lên, đặc biệt là khi chúng ta khiêm tốn chia sẻ đức tin của chúng ta, thì chúng ta đang thay đổi thế giới này nhiều hơn một chút.

Hãy Thực Hiện Hành Trình (Mùa Vọng Này) với Mẹ Maria.  Qua bài hát về niềm vui và lòng biết ơn của mình, Mẹ Maria chỉ cho mỗi người chúng ta thấy chúng ta có thể mang Chúa Kitô vào thế giới, bất kể chúng ta có thấp kém thế nào.  Vì thế hãy tưởng tượng chính bạn đang cùng đi với Mẹ Maria trong Mùa Vọng này.  Bạn hãy chia sẻ với Mẹ những lý do vui mừng hớn hở của bạn.  Những điều ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn là gì, những điều khiến bạn phải làm cho Chúa lớn lên?  Bạn cũng hãy nói với Mẹ về “sự hèn kém” trong cuộc sống của bạn ngay bây giờ có thể phản ánh sự khiêm tốn của Mẹ.  Cuối cùng, bạn hãy xem mình có thể noi gương sự khiêm nhường của Mẹ Maria thêm một chút trong những mối tương quan gia đình hoặc tại nơi làm việc hoặc trong giáo xứ của bạn không.

Hãy tiến lên và chia sẻ điều này với Mẹ Maria.  Rồi bạn hãy lắng nghe những gì Mẹ đã nói với bạn.  Hãy để cho những lời của Mẹ trong Thánh Kinh, gương mẫu về cuộc sống của Mẹ và lời xin vâng của Mẹ với Chúa dạy bạn biết vui mừng hớn hở trong Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ của bạn như thế nào.

Theo The Word Among Us [wau.org] – Advent 2019 Issue
Chuyển ngữ:  Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương

LỄ ĐỨC MẸ GUADALUPE

LỄ ĐỨC MẸ GUADALUPE

Một Thánh Lễ để vinh danh Đức Mẹ Guadalupe đã có từ thế kỷ thứ 16.  Niên sử của thời đại đó kể cho chúng ta biết câu chuyện sau đây:

Một người thổ dân nghèo hèn tên Cuatitlatoatzin được rửa tội và lấy tên là Juan Diego.  Ông 57 tuổi, goá vợ và sống trong một làng nhỏ gần Mexico City.  Vào buổi sáng thứ Bảy, ngày 9 tháng 12 năm 1531, ông đến nhà nguyện gần đó để tham dự lễ kính Đức Mẹ.

Khi đang đi trên ngọn đồi gọi là Tepeyac thì ông nghe có tiếng nhạc du dương như tiếng chim hót.  Sau đó một đám mây sáng chói xuất hiện, đứng trên đám mây là một trinh nữ người thổ dân mặc y phục như công chúa của bộ lạc Aztec.  Trinh nữ nói chuyện với ông bằng tiếng bản xứ và sai ông đến với Đức Giám Mục của Mexico, là một tu sĩ dòng Phanxicô tên Juan de Zumarraga, và yêu cầu Đức Giám Mục xây cất một nguyện đường nơi Trinh Nữ hiện ra.

Dĩ nhiên vị Giám Mục không tin, và bảo Juan Diego xin Trinh Nữ cho một dấu chỉ.  Trong thời gian này, người chú của ông bị bệnh nặng.  Điều đó khiến ông cố tránh né không muốn gặp Trinh Nữ.  Tuy nhiên, Đức Trinh Nữ tìm ông, đảm bảo với ông là người chú sẽ khỏi bệnh, và bảo ông hái các bông hồng quanh đó để làm bằng chứng với vị Giám Mục.  Lúc ấy là mùa đông thì không thể có bông hoa nào mọc được, nhưng lạ lùng thay, gần chỗ Trinh Nữ hiện ra lại đầy dẫy những hoa hồng tuyệt đẹp.  Và ông đã dùng chiếc áo tơi của mình để bọc lấy các bông hồng đem cho vị Giám Mục.

Trước sự hiện diện của Đức Giám Mục, ông Juan Diego mở áo tơi ra và bông hồng đổ xuống tràn ngập khiến vị Giám Mục phải quỳ gối trước dấu chỉ lạ lùng ấy.  Lạ lùng hơn nữa, trên chiếc áo tơi lại có in hình Đức Trinh Nữ như ngài đã hiện ra với ông ở đồi Tepeyac.  Đó là ngày 12 tháng Mười Hai 1531.

Lời Bàn

Việc Đức Maria hiện ra với Juan Diego dưới hình thức một người đồng hương của ông nhắc nhở cho chúng ta thấy, Đức Maria và Thiên Chúa, là Đấng đã sai ngài đến, chấp nhận mọi dân tộc.  Trong hoàn cảnh thời bấy giờ, khi người Tây Ban Nha đối xử tệ hại và dã man với người thổ dân, việc hiện ra là lời khiển trách người Tây Ban Nha cũng như một biến cố trọng đại đối với người thổ dân Mỹ Châu.  Trước khi có biến cố này, việc trở lại Kitô Giáo chỉ thưa thớt, nhưng sau đó họ trở lại cả đoàn.  Theo một sử gia đương thời, có đến chín triệu người thổ dân trở lại đạo Công Giáo trong một thời gian rất ngắn.  Ngày nay, chúng ta thường nghe là Thiên Chúa ưu đãi người nghèo, và Đức Mẹ Guadalupe minh chứng rằng tình yêu Thiên Chúa dành cho người nghèo, và chính Mẹ đồng hóa với người nghèo là một chân lý đã có tự ngàn xưa, được phát xuất từ Phúc Âm.

Lời Trích

Đức Maria nói với Juan Diego: “Hỡi con rất yêu dấu của Mẹ, ta là Trinh Nữ Maria, là Mẹ của Thiên Chúa thật, Người là Tác Giả của Sự Sống, là Tạo Hóa của muôn loài và là Chúa của Thiên Đàng cũng như Trái Đất… và điều ta mong muốn là một nhà thờ sẽ được xây cất ở đây cho ta, là nơi ta sẽ chứng tỏ lòng khoan dung và nhân hậu của ta đối với người thổ dân, và tất cả những ai yêu mến và tìm đến ta, như một người Mẹ đầy lòng thương xót của con và của mọi người dân của con…” (trích từ niên sử cổ).

Lời Nguyện: Kinh dâng nước Việt Nam cho Đức Mẹ MARIA Vô Nhiễm Nguyên Tội

Lạy Mẹ MARIA Vô Nhiễm Nguyên Tội, chúng con toàn thể giáo hữu Việt Nam hết lòng tin cậy chạy đến cùng Mẹ.

Mẹ là Mẹ THIÊN CHÚA, là Mẹ chúng con, Mẹ là Nữ Vương Toàn Năng, là Đấng bầu cử cho chúng con trước tòa Chúa.  Biết bao nhiêu lần, Mẹ đã cứu vãn Giáo Hội, và các dân tộc trong cơn nguy biến.

Chúng con hết lòng thành kính hiến dâng Giáo Hội và tổ quốc Việt Nam cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ.  Để thực hành mệnh lệnh của Mẹ, và để nhờ Mẹ che chở phù trì, ngày nay và mãi mãi.

Xin Mẹ gìn giữ Giáo Hội Việt Nam.  Xin Mẹ soi sáng hàng Giáo Phẩm, dìu dắt và thánh hóa các Linh Mục.  Xin Mẹ giúp sức cho toàn thể giáo dân được trung thành giữ luật Chúa, và sốt sắng làm việc tông đồ.  Xin Mẹ nâng đỡ và ủi an những anh chị em của chúng con, đang phải khốn khó vì Đạo Chúa.

Xin Mẹ chúc lành cho tổ quốc Việt Nam.  Xin Mẹ hướng dẫn các nhà lãnh đạo dân tộc, xin Mẹ đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần tất cả các cơ cấu quốc gia, xin Mẹ cho toàn thể dân Việt biết đoàn kết, để cùng nhau xây dựng lại giang sơn.

Nhất là xin Mẹ cứu chúng con thoát nạn Cộng Sản vô thần, để mọi người được sống trong tự do, hòa bình, ngõ hầu Nước Chúa được mở rộng khắp nơi.

Chúng con nguyện muôn đời ghi nhớ ơn Mẹ, và cùng nhau xây dựng một đền thờ hay một công tác nào khác dâng kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, để lưu truyền cho hậu thế ơn che chở đặc biệt của Mẹ.

Lạy Mẹ MARIA Vô Nhiễm Nguyên Tội, chúng con thành khẩn kêu đến Mẹ, vì chúng con biết Mẹ sẽ nhậm lời chúng con.  Và mặc dầu mọi nỗi khó khăn hiện tại, chúng con tin chắc Trái Tim Mẹ sẽ thắng.  Amen!

From: Langthangchieutim

MẸ VÔ NHIỄM

MẸ VÔ NHIỄM

Vô nhiễm là gì?

Một số học thuyết của Giáo hội Công giáo bị hiểu lầm là tín điều Vô nhiễm Nguyên tội.  Nhiều người, kể cả nhiều người Công giáo, nghĩ rằng học thuyết đó nói đến việc thụ thai Đức Kitô qua tác động của Chúa Thánh Thần trong cung lòng Trinh nữ Maria.  Sự kiện đó được mừng kính trong lễ Truyền tin (ngày 25-3, trước lễ Giáng sinh 9 tháng).

Vô nhiễm nó đến tình trạng Đức Mẹ không mắc Nguyên tội ngay từ lúc Đức Mẹ được thụ thai trong lòng người mẹ, thánh Anna.  Chúng ta mừng lễ Sinh nhật Đức Mẹ vào ngày 8-9, 9 tháng trước ngày 8-12 (lễ Mẹ Vô nhiễm).

Linh mục John Hardon, S.J. (Dòng Tên), trong cuốn Từ điển Công giáo Hiện đại (Modern Catholic Dictionary), ngài nói: “Không phải các giáo phụ Hy Lạp hoặc Latinh dạy rõ ràng về Vô nhiễm Nguyên tội, mà các ngài bày tỏ điều đó một cách mặc nhiên.”  Phải mất nhiều thế kỷ để Giáo hội Công giáo nhận biết đặc ân Vô Nhiễm Nguyên tội là tín điều, và mãi đến ngày 8-12-1854 Đức Giáo Hoàng Piô IX mới tuyên bố đó là tín điều.

Đức Giáo Hoàng Piô IX viết trong Hiến chế Ineffabilis Deus (Thiên Chúa bất khả ngộ): “Chúng tôi công bố và xác nhận rằng tín điều về Đức Maria, ngay lúc được thụ thai, nhờ đặc ân và đặc quyền của Thiên Chúa Toàn năng, vì công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ nhân loại, được giữ không mắc Nguyên tội, là tín điều được Thiên Chúa mạc khải, và vì thế mỗi tín hữu phải luôn tin vững vàng.”

 Linh mục Hardon viết thêm: “Đức Mẹ không mắc Nguyên tội là một tặng phẩm hoặc một đặc ân của Thiên Chúa, một ngoại trừ hoặc một đặc ân, điều mà không một thụ tạo nào có được.”

Khái niệm sai lầm về Vô nhiễm Nguyên tội

Một khái niệm sai lầm khác là ơn Vô nhiễm Nguyên tội của Đức Maria cần thiết để bảo đảm rằng Nguyên tội không bị truyền qua Đức Kitô.  Điều này không là một phần trong giáo huấn về Vô nhiễm Nguyên tội.  Hơn nữa, ơn Vô nhiễm Nguyên tội thể hiện Ơn Cứu Độ của Đức Kitô hoạt động nơi Mẹ Maria khi đồng công cứu chuộc nhân loại, và trong sự tiên liệu của Thiên Chúa đối với sự chấp nhận Ý Chúa nơi Đức Mẹ.

Nói cách khác, Vô nhiễm Nguyên tội không là điều kiện tiên quyết trong công cuộc cứu độ của Đức Kitô mà là kết quả của Ơn Cứu Độ.  Đó là cách giải thích cụ thể về Tình yêu Thiên Chúa dành cho Đức Maria, vì Đức Mẹ hiến dâng trọn vẹn, đầy đủ, không chút do dự khi tuân phục Thánh Ý Chúa.

Lịch sử

Lễ Vô nhiễm Nguyên tội có dạng cổ xưa nhất, trở lại từ thế kỷ VII, khi các Giáo hội Đông phương bắt đầu mừng lễ Sinh nhật Đức Mẹ.  Nói cách khác, lễ này mừng Đức Mẹ được thụ thai trong lòng thánh Anna.

Tuy nhiên, lễ Sinh nhật Đức Mẹ không được hiểu như lễ Vô nhiễm Nguyên tội trong Giáo hội Công giáo ngày nay, dù Giáo hội Chính thống Đông phương vẫn mừng.  Lễ này đến Tây phương có lẽ từ thế kỷ XI, lúc đó bắt đầu liên quan việc tranh luận về thần học.  Cả Giáo hội Đông phương và Tây phương vẫn cho rằng Đức Mẹ không mắc Nguyên tội, nhưng có những cách hiểu khác nhau về ý nghĩa.

Đối với giáo lý về Nguyên tội, một số người ở Tây phương bắt đầu tin rằng Đức Maria không thể vô tội nếu Đức Mẹ không được cứu thoát khỏi Nguyên tội vào lúc được thụ thai (như vậy làm cho việc thụ thai thành “vô nhiễm”).  Tuy nhiên, một số thần học gia, kể cả thánh Thomas Aquinas, cho rằng Đức Maria không được cứu độ nếu Đức Mẹ không mắc tội – ít nhất là Nguyên tội.

Để trả lời cách phản đối của thánh Thomas Aquinas, như chân phước John Duns Scotus (qua đời năm 1308) đã bày tỏ, đó là Thiên Chúa đã thánh hóa Đức Mẹ ngay lúc Đức Mẹ thụ thai trong sự tiên liệu của Thiên Chúa về việc Đức Mẹ vui nhận mang thai Đức Kitô.  Nói cách khác, Đức Mẹ cũng được cứu độ – ơn cứu độ của Đức Mẹ được hoàn tất ngay lúc Đức Mẹ thụ thai, còn các Kitô hữu là lúc lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy.

Phát triển lễ ở Tây phương

Sau khi chân phước John Duns Scotus phản đối về Vô nhiễm Nguyên tội, lễ này phát triển khắp Tây phương, dù lễ này vẫn thường cử hành vào lễ Thụ thai của Thánh Anna (tức là Sinh nhật Đức Mẹ).  Tuy nhiên, ngày 28-1-1476, Đức Giáo Hoàng Sixtô IV mở rộng lễ này cho toàn Giáo hội Tây phương, và năm 1483 ngài ra vạ tuyệt thông cho những người chống lại tín điều Vô nhiễm Nguyên tội.  Khoảng giữa thế kỷ XVII, mọi sự chống đối tín điều này đều không còn trong Giáo hội Công giáo.

Trầm Thiên Thu 

 chuyển ngữ từ Catholicism.about.com

From:Langthangchieutim

XIN MẸ THIÊN CHÚA GỞI CÁC THIÊN THẦN ĐẾN BẢO VỆ CHÚNG CON!

Gương chứng nhân của Sr. Minh Nguyệt
14- tháng 10-2012

XIN MẸ THIÊN CHÚA GỞI CÁC THIÊN THẦN ĐẾN BẢO VỆ CHÚNG CON!

.. Chúa Nhật 13-2-2005 Chị Lucia dos Santosêm ái trút hơi thở cuối cùng nơi Đan Viện Kín Cát-Minh Coimbra hưởng thọ 98 tuổi. Chị chào đời ngày 22-3-1907 tại làng Fatima bên nước Bồ-Đào-Nha.

Chị Lucia dos Santos cùng với 2 em họ Phanxicô và Giaxinta Marto được diễm phúc trông thấy Đức Mẹ MARIA hiện ra lần đầu tiên tại Fatima ngày 13-5-1917. Phanxicô Marto qua đời năm 1919 hưởng dương 11 tuổi và Giaxinta Marto qua đời năm 1920 hưởng dương 10 tuổi. Hai anh em Phanxicô và Giaxinta Marto được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tôn phong chân phước ngày 13-5-2000 trong Thánh Lễ trọng thể cử hành tại đền thánh Đức Mẹ ở Fatima.

Lúc sinh thời, Chị Lucia dos Santos đã viết một bức thư gởi các Cộng Đoàn Thánh Mẫu nói về tầm quan trọng, quyền lực và sức hữu hiệu của việc lần hạt Mân Côi như sau.

Anh chị em rất thân mến. Tôi khuyến khích anh chị em đọc lại và suy gẫm sứ điệp mà Đức Mẹ MARIA gởi đến chúng ta trong đó Đức Mẹ nói với chúng ta về quyền lực và sức hữu hiệu của Kinh Mân Côi. Kinh Mân Côi đạt mức thành công rất lớn trên Trái Tim THIÊN CHÚA và Trái Tim Con Chí Thánh của Ngài.

Vì vậy mà, trong những lần hiện ra, chính Đức Mẹ MARIA cũng dự phần vào việc lần hạt Mân Côi như nơi Hang Đá Lộ-Đức với thánh nữ Bernadette Soubirous (1844-1879) vào năm 1858, và tại Fatima khi hiện ra với tôi và Phanxicô cùng Giaxinta vào năm 1917.

Và chính trong lúc lần hạt Mân Côi mà Đức Mẹ MARIA xuất hiện từ đám mây rồi đứng trên cây sồi xanh và nói chuyện với chúng tôi từ trong ánh sáng của Đức Mẹ. Về phần tôi, từ Đan Viện Kín Cát-Minh ở Coimbra này, tôi hiệp ý với tất cả anh chị em để chúng ta cùng nhau tạo thành một mặt trận hùng mạnh đại đồng của kinh nguyện và của lời cầu xin.

Tuy nhiên xin anh chị em ghi nhớ rằng không phải chỉ riêng tôi góp lời cầu nguyện với anh chị em mà còn có toàn thể triều thần thiên quốc cùng hợp chung tiếng hát hòa điệu với các tràng kinh Mân Côi nhịp nhàng anh chị em đọc. Thêm vào đó cũng có các Đẳng Linh Hồn nơi Lửa Luyện Tội kết hợp lời nguyện xin tha thiết của các vị với lời khẩn cầu của anh chị em.

Ngoài ra ngay mỗi khi bàn tay anh chị em mân mê tràng chuỗi và bắt đầu lần hạt Mân Côi thì tức khắc các Thánh Thiên Thần và Các Thánh Nam Nữ cũng hòa nhịp với anh chị em trong lời Kinh.

Chính vì các lý do trên đây mà tôi khuyến khích anh chị em hãy sốt sắng lần hạt Mân Côi. Anh chị em hãy lần hạt Mân Côi với trọn tâm tình, với Đức Tin và cùng lúc hãy suy gẫm ý nghĩa các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi. Tôi cũng xin nhắc anh chị em nhớ rằng đừng đợi đến khuya-lắc khuya-lơ mới lẩm nhẩm lời Kinh Kính Mừng. Đừng lần hạt Mân Côi khi anh chị em đã mệt-đừ sau một ngày lao công vất vả! Rồi xin anh chị em hãy lần hạt Mân Côi riêng hoặc lần hạt chung nơi cộng đoàn, lần hạt ở gia đình hay bên ngoài, lần hạt trong nhà thờ cũng như khi đi lại ngoài đường phố. Anh chị em hãy lần hạt Mân Côi với tâm tình đơn sơ như đi theo từng bước của Đức Mẹ MARIA và Con Dấu Ái của Đức Mẹ.

Anh chị em hãy lần hạt với trọn Đức Tin để cầu cho các trẻ em sắp sinh ra, cho người đau khổ, cho người đang làm việc cũng như xin cho người hấp hối được ơn chết lành.

Mỗi khi lần hạt Mân Côi anh chị em hãy hiệp ý với mọi người công chính trên toàn cõi địa cầu cũng như với tất cả các Cộng Đoàn Thánh Mẫu, nhưng nhất là anh chị em hãy lần hạt Mân Côi với trọn tâm lòng đơn sơ con trẻ, bởi vì, tiếng nói trẻ thơ thường hòa nhịp êm ái với tiếng hát du dương của Các Thánh Thiên Thần.

Đã không có biết bao nhiêu lần, chỉ một tràng hạt Mân Côi thôi, đủ để làm nguôi cơn thịnh nộ của THIÊN CHÚA Chí Công khiến THIÊN CHÚA tuôn đổ Tình Yêu từ bi thương xót của Ngài trên thế giới và cứu được nhiều linh hồn khỏi hư mất và bị trầm luân đời đời trong Lửa Hỏa Ngục. Chính với tràng chuỗi Mân Côi, với việc sốt sắng lần hạt Mân Côi mà chúng ta sớm được trông thấy ngày Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ MARIA chiến thắng trên thế giới.

Tôi xin ưu ái ôm hôn tất cả anh chị em.

Ký tên: Nữ Tu Lucia dos Santos.

MÓN QUÀ MỌN DÂNG MẸ MARIA TRONG NGÀY SINH NHẬT

MÓN QUÀ MỌN DÂNG MẸ MARIA TRONG NGÀY SINH NHẬT

 Tuyết Mai

** Lạy Mẹ Maria, Mẹ Nhân Ái và luôn yêu thương con cái Mẹ dưới gầm trời này – Dù rằng chúng con có hư đốn, có gian tà, có đủ thứ tội lỗi cùng nghiện ngập đủ mọi thứ nghiện ngập từ nhẹ cho tới nghiện nặng. Nhưng rồi đâu đó trong quãng đời, Mẹ lại có cách mang chúng con trở về bên Mẹ, bên Chúa Đấng vô cùng quyền năng nhưng rất yêu thương chúng con; vì chúng con là do Thiên Chúa tác thành để nên giống hình hài của Chúa.

** Hôm nay là ngày Sinh Nhật của Mẹ mà toàn thế giới đều dâng mọi thứ quà rất đẹp đẽ, rất sang trọng và rất có ý nghĩa là sự chia sẻ ít nhiều cho anh chị em khốn cùng nữa. Hay có người chỉ có thể dâng lên Mẹ quà là những hy sinh bé nhỏ nhất, việc làm hèn mọn nhất hay hy sinh nhỏ bé nhất mà có thể. Vâng, người đó là con của Mẹ đây. Ai có gì thì dâng cái nấy phải không thưa Mẹ yêu?. Bởi ngày ngày con chẳng đi đến đâu ngoài 4 bức tường yên lặng nhưng đối với con là một khoảng trời hạnh phúc như việc con đang làm đây là viết tâm thư dâng lên cho Mẹ hết cả tâm tình, hết cả trái tim & và hết cả khả năng mà con có thể có.

** Con từ nhỏ đã sống thiếu tình yêu thương của người mẹ sinh đẻ ra con nhưng thiết nghĩ Mẹ đã từng hiện ra để nuôi con khôn lớn làm người suốt mấy chục năm qua cho đến khi 2 chân của con được vững vàng. Cho đến khi trái tim của con được băng bó lành lặn vì có Mẹ luôn ở cùng nhất là dần biết tha thứ cho chính mình. Được Mẹ an ủi cũng như đem lại cho con và cho gia đình mọi điều bình an mà có nhiều khi tưởng rằng chiếc thuyền gia đình nó gặp bão tố đánh cho tan tành nhưng rồi Mẹ cũng có đó để hàn gắn lại mọi sự hiểu lầm, mọi xung khắc trong gia đình và mọi sự dữ như xâm chiếm tâm hồn của chúng con.

** Ngay cả ở thời điểm của hiện tại hình như gia đình nào có cố gắng, có hy sinh, có thay đổi ít nhiều gì chăng nữa nhưng cũng luôn bị cám dỗ; nhất là tuổi trẻ, tuổi của con cái và cháu chắt của chúng con. Nhưng thưa Mẹ con vẫn cố gắng một lòng bám vào Mẹ luôn mãi vì hiểu rằng cuộc đời mà không có Mẹ ở bên, ở cùng thì tin rằng không ai mà giỏi để có thể thoát được sự cám dỗ vô cùng nguy hiểm của chúng quỷ được đâu. Chúng nó biết được lòng dạ của con người thì luôn mê đắm. Đàn ông thì dính vào tứ đổ tường (Rượu chè, cờ bạc, hút sách và trai gái).

** Còn đàn bà thì mê sắc đẹp của chính mình, mê mua sắm, mê khoe khoang, mê kiếm tiền mà bỏ mặc cả con cái cho người lạ trông nom. Con đã học được bài học đó từ kinh nghiệm sống của chính đời mình nên con tự hứa với lòng là cố gắng sống gần với con cái, luôn cho chúng tình yêu thương của mẹ cha và dạy cho chúng những điều căn bản trong cuộc sống. Là yêu gia đình vì nếu không thì chúng không thể nào lấy người ngoài mà thay thế cho người trong gia đình được cả và đó là điều chắc chắn; nếu có thì cũng rất hiếm hoi.

** Chúng con thật không biết lấy lời gì hơn để chúc cho Mẹ Maria, Mẹ của chúng con trong ngày Sinh Nhật của Mẹ cho xứng cả vì trên Trời cao từ Thiên Chúa Cha đến Chúa Con và Chúa Thánh Thần cùng cả triều thần thiên quốc làm yến tiệc đãi Mẹ mà không nơi nào trên trần gian này lại có được. Nói chi dám so sánh cho được sự thánh thiện và sự sáng láng. Nên xin Mẹ nhận lấy lời thành kính của con cùng của gia đình con dâng lên cho Mẹ những hành động thật nhỏ, thật khiêm nhường là những từ bỏ thói hư khó bỏ và hằng ngày dâng Mẹ những lời kinh Mân Côi rân ran mà Mẹ yêu thích nhất.

** Sau cùng chúng con hết thảy chúc Mẹ Maria ngày sinh nhật vui vẻ và hạnh phúc nhất mà Thiên Chúa thưởng ban cho Mẹ trên Thiên Đàng và đồng thời Mẹ cũng chung vui với chúng con dưới trần thế Mẹ Maria hiền mẫu của chúng con, Mẹ nhé!. Amen.

**

Y Tá của Chúa,

Tuyết Mai

8 tháng 9, 2019

ĐỂ LÊN TRỜI CẦN BẮT CHƯỚC CÁC NHÂN ĐỨC CỦA MẸ

ĐỂ LÊN TRỜI CẦN BẮT CHƯỚC CÁC NHÂN ĐỨC CỦA MẸ

    Sống trên đời ai cũng có một người mẹ.  Người mẹ đó không chỉ sinh ra chúng ta mà còn yêu thương và nuôi dạy chúng ta lớn lên thành người.  Vì vậy, qua mọi thời, con người không ngớt lời ca ngợi công ơn sinh thành dưỡng dục của người mẹ.  Con dân Nước Việt cũng có nhiều câu ca dao tục ngữ, để nói lên tình yêu vô bờ bến của người mẹ:

Đôi vai mẹ một gánh đầy huyền thoại,

tình yêu thương hào phóng đến khôn cùng;

Mênh mông bát ngát đại dương,

Cũng không sánh được tình thương mẹ hiền.

Nhưng cho dầu có dùng hết ngôn ngữ trần gian để ca tụng tình mẹ, thì cũng không thể nào diễn tả hết:

Ngôn ngữ trần gian khờ dại quá,

Đựng sao đầy hai tiếng: Mẹ ơi!

 Trong đức tin Công giáo, mỗi người kitô hữu chúng ta có chung một người Mẹ, đó là Đức Maria.  Công ơn của Mẹ Maria đối với mọi người không những không thua kém người mẹ trần thế mà còn gấp ngàn lần.  Mẹ là Mẹ Đức Giêsu, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Hội Thánh và là Mẹ của mỗi người chúng ta.  Nhờ Mẹ, chúng ta có Đức Giêsu là Đấng Cứu Chuộc loài người.  Nhờ Mẹ chúng ta có tất cả trong đức tin: Được làm người Công giáo, được lãnh nhận các Bí tích, được có nhiều cơ hội để lo phần rỗi hầu ngày sau được về Thiên đàng.

Mẹ được Thiên Chúa ban cho 4 đặc ân cao cả:Đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, đặc ân Đồng trinh trọn đời, đặc ân làm Mẹ Thiên Chúa và đặc ân Hồn Lẫn Xác Lên Trời.  Đối với đặc ân Hồn Xác Lên Trời đã được truyền thống Giáo hội và các Kitô hữu tôn kính từ xa xưa, nhưng mãi tới ngày 01 tháng 11 năm 1950, Đức Giáo hoàng Piô XII mới tuyên bố thành tín điều.  Mặc dầu trong Kinh Thánh không có chỗ nào nói rõ về đặc ân này, nhưng nếu chúng ta để ý thì chúng ta vẫn thấy đặc ân Mẹ Lên Trời cả hồn lẫn xác ẩn chứa trong nhiều đoạn Kinh Thánh.  Chẳng hạn, lời thiên thần chào Mẹ “Kính chào Bà đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng bà, bà có phúc lạ hơn mọi người phụ nữ.” Hay lời ca tụng của bà Êlizabét: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (Lc 1, 42).  Rồi, lời ca tụng Thiên Chúa của Đức Mẹ trong bài Magnificat: “Từ nay muôn đời sẽ khen rằng tôi có phúc, bởi Đấng toàn năng đã làm cho tôi những điều cao cả.” (x. Lc 1,48-49).  Mặt khác, bình thường chúng ta cũng có thể dễ chấp nhận đặc ân này.  Bởi vì, thân xác chết là do tội lỗi.  Nhưng Đức Maria không hề mắc tội Tổ tông truyền và tội riêng.  Do đó, thân xác Mẹ không bị hủy hoại tiêu tan.

Hơn nữa, các thánh và nhiều bậc thông thái trong Giáo hội cũng đã từng quả quyết về việc Đức Mẹ được đặc ân lên trời cả hồn lẫn xác.  Thánh Đamascênô tiến sĩ quả quyết: “Vì Đức Mẹ đã được sinh con mà vẫn trinh nguyên, thì cần thiết là sau khi qua đời, xác Đức Mẹ cũng phải được bảo tồn nguyên vẹn.”  Cha Ađômêô thì nói rằng: “Thân xác Đức Mẹ không hề bị hư nát vì đã kết hợp với linh hồn và đã được đầy ơn.”

    Ngày lễ hôm nay, cùng với Giáo hội, chúng ta tuyên xưng niềm tin hồn xác lên trời của Mẹ.  Đồng thời, chúng ta cùng cảm tạ Thiên Chúa vì đã thưởng công Mẹ hồn xác lên trời.  Mặt khác, đây là dịp nhắc nhở chúng ta rằng, quê hương chúng ta ở trên trời.  Mẹ đã lên trời, đó là niềm hy vọng để mỗi người chúng ta tiếp bước theo sau.  Nhưng để được lên trời với Mẹ chúng ta phải cố gắng sống như Mẹ, đi con đường Mẹ đã đi.  Sống như Mẹ, đi con đường Mẹ đã đi đó chính là noi gương bắt chước các nhân đức của Mẹ:

Thứ nhất, chúng ta bắt chước nhân đức khiêm nhường của Mẹ: Sau lời sứ thần truyền tin, Đức Mẹ đã khiêm tốn thưa với Thiên thần rằng: Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền.” (Lc 1,38).  Từ đó, Mẹ sống tinh thần khiêm nhường thẳm sâu trước mặt Chúa và mọi người: Khi Bà Êlizabét ca ngợi Mẹ, Mẹ đã qui hướng tất cả những gì mình có là do tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa: “Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn;”(Lc 1,49).  Mẹ sống âm thầm trong vai trò làm vợ và làm mẹ tại mái ấm gia đình Nagiarét đến nỗi không ai biết Mẹ là Mẹ của Thiên Chúa; Khi Đức Giêsu được nổi danh do lời giảng dạy và các phép lạ Ngài làm, Đức Mẹ vẫn sống âm thầm và ẩn danh…Tất cả điều đó cho chúng ta thấy nhân đức khiêm nhường của Mẹ.  Đó là mẫu gương cho tất cả mỗi người chúng ta noi theo.

Thứ hai, chúng ta bắt chước Mẹ sống tin tưởng và phó thác vào Chúa: Sau khi thưa xin vâng, Mẹ trở thành Mẹ của Chúa Giêsu.  Bào thai trong cung lòng của Mẹ ngày càng lớn lên.  Nhưng không ai hiểu về nguyên nhân, kể cả Thánh Giuse.  Bằng chứng là Thánh Giuse định tâm bỏ Mẹ mà trốn đi.  Rồi, người thân và làng xóm láng giềng, chắc chắn không thiếu những lời đàm tiếu, thị phi.  Vậy mà Mẹ vẫn tin tưởng phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa.  Đúng như lời bà Thánh Êlizabét ca tụng Mẹ: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45).  Sự tin tưởng và phó thác vào Chúa của Mẹ là mẫu gương cho tất cả mỗi người chúng ta noi theo.

Thứ ba, chúng ta bắt chước Mẹ để sống hiền lành và nhịn nhục: Từ khi cưu mang Đức Giêsu cho đến khi Con Mẹ chịu chết treo trên thập giá, Đức Mẹ phải đối diện với biết bao đau khổ: Đau khổ khi nghe ông Simêon nói tiên tri về Mẹ và Hài Nhi; Đau khổ khi đưa Hài Nhi trốn sang Ai Cập khỏi tay Hêrôđê lùng bắt; Đau khổ khi lạc mất Con ở Jêsusalem trong ba ngày; Đau khổ khi gặp Đức Giêsu vác Thập giá trên đường đến Núi Sọ; Đau khổ khi thấy Đức Giêsu bị đóng đinh; Đau khổ khi chứng kiến việc tháo xác Đức Giêsu xuống khỏi thập giá; Đau khổ khi phải chứng kiến việc chôn xác Đức Giêsu trong mồ.  Nhưng trong khi chịu đựng những đau khổ đó, Đức Mẹ không hề trách móc kêu la một lời nào.  Sự hiền lành và nhịn nhục của Mẹ là mẫu gương cho tất cả mọi người chúng ta noi theo.

Thứ tư, chúng ta bắt chước Mẹ để hết lòng yêu mến Chúa: Lòng yêu mến Chúa của Mẹ được thể hiện qua những việc tiêu biểu như:  Ba tuổi Mẹ đã dâng mình trong đền thờ; Khi Thiên thần đến truyền tin cũng là lúc Mẹ đang đắm chìm trong lời kinh nguyện; Mẹ thưa “Xin Vâng” để cộng tác với chương trình cứu độ của Thiên Chúa; Hơn ba mươi năm Mẹ nuôi nấng chăm sóc Đức Giêsu; Mẹ chạy đôn đáo tìm cho bằng được khi Đức Giêsu đi lạc trong đền thờ…  Tất cả những thái độ trên đều thể hiện một lòng yêu mến Chúa hết lòng hết sức trên hết mọi sự của Mẹ.  Đó là mẫu gương cho tất cả mỗi người chúng ta noi theo. 

Thứ năm, chúng ta bắt chước Mẹ để sống yêu thương hết mọi người: Vì yêu thương nhân loại nên Mẹ đã chấp nhận làm Mẹ Thiên Chúa, nhờ đó nhân loại được cứu chuộc.  Vì yêu thương nên Mẹ đã vội vã lên đường thăm bà Êlizabét để chia sẻ niềm vui có Chúa và để giúp đỡ bà chị họ trong những ngày thai nghén sinh nở.  Vì yêu thương nên Mẹ đã cầu bầu cùng Đức Giêsu làm phép lạ biến nước thành rượu ngon để cứu gia chủ khi họ hết rượu.  Vì yêu thương nên khi đã về trời Mẹ vẫn hiện ra đây đó trên thế giới để ủi an nâng đỡ con cái loài người…  Đó là mẫu gương yêu người cho tất cả mỗi người chúng ta noi theo.

  Như vậy, Đức Mẹ được lên trời cả hồn lẫn xác không chỉ nhờ những đặc ân Thiên Chúa ban mà còn nhờ những nhân đức mà Mẹ ra sức rèn luyện.  Chúng ta muốn được lên Thiên đàng phải đi con đường Mẹ đã đi, phải sống như Mẹ đã sống, đó là biết noi gương bắt chước các nhân đức của Mẹ.

    Lạy Thiên Chúa là nguồn Tình Yêu, Chúa đã cho Mẹ hồn xác lên trời.  Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ, xin giúp chúng con biết sống làm sao để một ngày kia cũng được hưởng hạnh phúc trên Trời với Mẹ.  Amen.

 Lm. Anthony Trung Thành

From: KittyThiênKim & KimBang Nguyen

ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC

ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC

Lộ Đức là một thành phố nhỏ thuộc miền tây nam nước Pháp, ngày nay được nhiều người trên thế giới biết đến là nhờ cuộc hiện ra của Đức Mẹ Chúa Trời với một em nhỏ cách đây 150 năm vào năm 1858.
 
1.  Sự Tích Hiện Ra:

Hôm đó là ngày 11 tháng 2 năm 1858, trời mùa Đông ở miền núi, lạnh kinh khủng.  Bernadette Soubirous cùng với 2 bạn khác ra phía rừng cạnh bờ sông Gave để nhặt củi.  Bernadette lúc đó 15 tuổi mà chưa biết đọc biết viết, vì nhà nghèo, em phải làm việc để phụ vào với gia đình.
 
Sau khi vào tu Dòng, Benadette được học và cô tả lại trong lá thư trình bề trên như sau: “Hôm ấy tôi đi kiếm củi với hai đứa bạn ở bờ sông Gave.  (Khi ra tới bờ sông, hai em kia đi xa hơn, còn Benađette tìm củi quanh hang Massabiel.)  Bất ngờ tôi nghe có tiếng động.  Tôi ngoái nhìn về phía đồng cỏ.  Không thấy cây cối rung động gì cả.  Tôi ngẩng đầu nhìn lên hang.  Tôi thấy một Bà mặc áo trắng (bà còn trẻ lắm, chừng 16, 17 tuổi, mặc áo dài trắng, thắt dây lưng xanh da trời, hai tay chắp lại, đeo tràng hạt trên cánh tay phải.  Bà đẹp vời Benadette tiến lại gần hơn và mỉm cười với em).  Áo bà trắng nhưng thắt lưng lại xanh, và mỗi bên bàn chân có một bông hồng vàng.  Mầu chuỗi hạt của Bà cũng vàng nữa.
 
Khi thấy như vậy, tôi vội chùi mắt vì tưởng mình lầm.  Rồi thọc tay vào áo, tôi thấy có chuỗi hạt.  Tôi muốn giơ tay làm dấu thánh giá, nhưng không đưa nổi tay lên trán.  Tay tôi rớt xuống.  Còn hình Bà kia thì lại làm dấu thánh giá.  Tay tôi run quá.  Tôi thử làm dấu lại và làm được.  Tôi bắt đầu lần chuỗi.  Hình kia cũng lần chuỗi của Bà, nhưng không hề máy môi.  Tôi lần chuỗi xong thì hình kia cũng biến mất tức thì.
 
(Khi gặp lại hai đứa bạn kia ) Tôi hỏi hai đứa không thấy gì sao?  Chúng bảo không.  Và chúng hỏi tôi thấy gì vậy, và buộc tôi phải nói cho chúng nghe.  Tôi kể rằng tôi đã thấy một Bà mặc áo trắng, nhưng tôi không biết Bà đó là ai, và không cho chúng được kể lại với ai.  Chúng bảo tôi không nên trở lại đó nữa.  Tôi bảo không.  Đến ngày Chúa nhật, tôi trở lại đó lần thứ hai vì cảm thấy bị thúc đẩy ở trong lòng.
 
Đến lần thứ ba, Bà kia mới nói với tôi.  Bà hỏi tôi có bằng lòng trở lại đây trong 15 ngày liên tiếp không.  Tôi bằng lòng.  Bà bảo tôi phải về nói với các linh mục xây một nhà thờ tại chỗ này.  Rồi Bà bảo tôi phải đi uống nước ở suối.  Tôi không thấy có suối nào cả, nên tôi ra đi uống nước ở sông Gave.  Bà bảo tôi không phải ở đó, và Bà lấy ngón tay chỉ cho tôi chỗ suối nước.  Tôi đến, nhưng chỉ thấy một chút nước dơ.  Tôi thò tay xuống nhưng không múc được.  Tôi liền cào đất ra, và tôi đã múc được nước, nhưng tôi lại hất đi ba lần, đến lần thứ bốn tôi mới dám uống.  Thế rồi hình kia biến đi và tôi cũng ra về.
 
Trong 15 ngày liên tiếp, tôi đã trở lại nơi đó.  Ngày nào tôi cũng thấy hình kia hiện ra, trừ ngày thứ Hai và thứ Sáu.  Bà nói đi nói lại với tôi rằng: “Tôi phải thưa các linh mục xây cho Bà một đền thờ tại đây.  Tôi phải đến rửa ở suối nước, và tôi phải cầu nguyện cho tội nhân trở lại.”
 
Nhiều lần tôi đã hỏi Bà là ai?  Nhưng Bà chỉ cười.  Rồi bỏ tay thõng xuống, Bà ngước mắt lên trời và bảo tôi Bà là Đấng đầu thai Vô nhiễm.
 
Trong khoảng thời gian 15 ngày đó, Bà nói với tôi 3 điều bí mật, nhưng bắt tôi giữ kín, không được nói với ai, và cho đến nay tôi vẫn trung thành giữ như vậy.”
 
2.  Sứ Điêp Đức Mẹ Muốn Nhắn Nhủ Con Cái Người :
“Hãy cầu nguyện cho kẻ có tội”
“Hãy nói với các linh mục xây nhà thờ kính Mẹ ở đây, và để dân chúng đến đây rước kiệu.”

 
3.  Ta Là Đấng Vô Nhiễm:
Khi linh mục xứ muốn biết tên Bà, Bernadette đã hỏi thì ngày 25 tháng 3 năm 1858, Đức Mẹ xưng mình là: “Ta là Đấng Vô nhiễm Nguyên tội.”  Nhưng Bernadette không hiểu.  Khi cô nói lại với cha xứ ngài mới nhận ra bà lạ đó là Đức Mẹ hiện ra.
 
Để chứng tỏ Mẹ hiện ra thật, Mẹ bảo Bernadette bới đất chỗ cô qùy để có một giòng nước vọt ra cho cô uống và sau đó chữa mọi thứ bệnh.
 
Sau này, ĐGM giáo phận đã gửi Bernadette đi tu tại Nevers cách xa Lộ đức cả nửa ngày đường xe.  Bernadette sống rất khiêm tốn ở đây.  Cô bị nhiều xỉ nhục nơi các chị em dòng, bị nhiều bệnh đau đớn cho tới chết, nhưng lúc nào Tràng hạt Mân côi cũng là niềm an ủi của cô.  Chính kinh Mân côi đã là đường lối nên thánh của cô.  (Riêng Bernadette Đức Mẹ đã nói: ” Mẹ không hứa cho con hạnh phúc đời này, nhưng là hạnh phúc đời sau.)
 
4.  Lộ Đức Ngày Nay:
Đã trở nên một trung tâm hành hương lớn nhất thế giới.  Hàng năm có tới 4 triệu người đến kính viếng và xin ơn Đức Mẹ.  Giáo hội đã đặt lễ kính Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức vào ngày 11 tháng 2 hàng năm.  Từ năm 1992, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chỉ định ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức là Ngày Thế giới cầu cho các bệnh nhân.
  
5.  Đức Thánh Cha Với Lộ Đức:
Ngày 14 và 15 tháng 8 năm 2004, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viếng Đức Mẹ Lộ Đức.  Đây là chuyến đi để kỷ niệm 150 năm Giáo hội Công giáo tuyên bố tín điều Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, là chuyến đi thứ 104 ra ngoài Vatican của Đức Thánh Cha, là lần thứ 7 Người tới nước Pháp.  Lần trước Người tới Lộ Đức vào tháng 8 năm 1997 để dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới.  Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chủ ý viếng nơi Đức Mẹ đã hiện ra với cô thôn nữ Bernadette, và ngày 25 tháng 3 năm 1858, Đức Mẹ xưng mình: “Ta là Đấng Vô nhiễm Nguyên tội”, bốn năm sau khi Đức Thánh Cha Piô IX công bố tín điều Đức Mẹ Vô nhiễm (1954).  Ngày lễ kính Đức Mẹ Lên Trời, Đức Thánh Cha dâng lễ lúc 10 giờ sáng tại đền thánh.  Sau trưa, Người cầu nguyện âm thầm trước hang đá nơi Đức Mẹ hiện ra.
 
Sáng 15-9-2008, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã cử hành thánh lễ cho 100 ngàn tín hữu, trong đó có đông đảo các bệnh nhân, tại quảng trường trước Vương cung thánh đường Đức Mẹ Mân Côi ở Lộ Đức.
 
Đây là thánh lễ lộ thiên thứ 3 và cũng là thánh lễ cuối cùng trong 4 ngày viếng thăm của nước Pháp.
 
Dưới bầu trời nắng đẹp, các bệnh nhân và người tàn tật, phần lớn ngồi trên xe lăn, ở khu vực trước bàn thờ.  Đồng tế với Đức Thánh Cha còn có hàng trăm Giám mục Pháp và nước ngoài.  
 
Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha đã giải thích ý nghĩa ngày lễ Đức Mẹ sầu bi, mừng kính ngày 15-9-2009.  Ngài nhận định rằng “ngày nay, Mẹ Maria đang ở trong niềm vui và vinh quang Phục Sinh.  Những giọt lệ của Mẹ dưới chân Thánh Giá đã biến thành một nụ cười mà không gì xóa bỏ được, trong khi lòng từ bi hiền mẫu của Mẹ đối với chúng ta vẫn nguyên vẹn.  Mẹ Maria yêu thương mỗi người con của Mẹ, Mẹ đặc biệt quan tâm đến những người, giống như Con của Mẹ trong giờ Khổ Nạn, đang phải chịu đau khổ; Mẹ yêu thương họ chỉ vì họ là con cái của Mẹ, theo ý muốn của Chúa Kitô trên Thánh Giá.”
 
Đức Thánh Cha đặc biệt giải thích câu 13 của thánh vịnh 44 trong bài đáp ca của ngày lễ nói tiên tri về Mẹ Maria “Những người giàu có nhất trong dân… sẽ tìm kiếm nụ cười của bà” (TV 44,13).  Ngài nói: “Nụ cười của Mẹ Maria là cho tất cả mọi người chúng ta, và đặc biệt cho những người đau khổ, để họ có thể tìm được qua đó sự an ủi và giảm bớt đau khổ.  Tìm kiếm nụ cười của Mẹ Maria không phải là một điều sùng mộ theo tình cảm hoặc lỗi thời, nhưng đúng hơn đó là một sự diễn tả đúng đắn quan hệ sinh động và có đặc tính nhân bản sâu xa liên kết chúng ta với Đấng mà Chúa Kitô đặt làm Mẹ chúng ta”.
 
Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng “Mỗi lần đọc kinh Magnificat là chúng ta được trở thành chứng nhân về nụ cười của Mẹ Maria.  Tại Lộ Đức này, trong cuộc hiện ra của Đức Mẹ ngày thứ tư, 3-3-1858, thánh nữ Bernadette đặc biệt chiêm ngắm nụ cười của Mẹ Maria.  Nụ cười này là câu trả lời đầu tiên mà Bà Đẹp gửi tới Bernadette khi cô bé muốn hỏi danh tánh của Bà”.
 
Cũng trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói về sự trợ giúp của Mẹ Maria dành cho các bệnh nhân và những người đau khổ, và nói rằng:
 
“Có những cuộc chiến đấu mà con người không thể một mình đương đầu được, nếu không có ơn Chúa.  Khi lời nói không tìm được những từ thích hợp, ta cần có một sự hiện diện yêu thương: khi ấy chúng ta tìm kiếm sự gần gũi không những của những người ruột thịt và bạn hữu, nhưng của những người gần gũi chúng ta qua liên hệ đức tin.  Ai có thể gần gũi thiêng liêng với chúng ta hơn là Chúa Kitô và Đức Mẹ Vô Nhiễm, Người Mẹ thánh thiện của Ngài?  Hơn ai hết, các Ngài có thể hiểu chúng ta và thấy rõ cuộc chiến đấu cam go chống lại bất hạnh và đau khổ…  Ngoài ra, nơi Mẹ Maria chúng ta cũng được ơn thánh để chấp nhận rời bỏ trần thế này vào thời điểm Chúa muốn mà không chút sợ hãi hay cay đắng.”
 
Sau cùng, Đức Thánh Cha giải thích về ý nghĩa bí tích xức dầu bệnh nhân và nói rằng: “Ơn thánh thiêng của bí tích này hệ tại đón nhận vào mình Chúa Kitô Y Sĩ.  Nhưng Chúa Kitô không phải là y sĩ theo kiểu thế gian này.  Để chữa lành chúng ta, Chúa không ở bên ngoài đau khổ người ta phải chịu; để thoa dịu đau khổ, Chúa đến ở trong tâm hồn người bị bệnh tật, để cùng chịu và sống đau khổ ấy với họ.  Con người không còn chịu thử thách một mình, nhưng họ trở nên đồng hình dạng với Chúa Kitô Đấng tự hiến dâng cho Chúa Cha; trong tư cách là chi thể của Chúa Kitô chịu đau khổ, người bệnh tham gia vào việc sinh ra thụ tạo mới trong Chúa Kitô”.
 
“Nếu không có ơn phù trợ của Chúa, cái ách bệnh tật và đau khổ sẽ nặng nề kinh khủng.  Khi lãnh nhận bí tích bệnh nhân, chúng ta không mong muốn mang ách nào khác ngoài ách của Chúa Kitô, trong niềm tin tưởng mạnh mẽ nơi lời hứa của Ngài cho chúng ta, theo đó ách của ngài dễ mang và gánh của ngài nhẹ nhàng (cf Mt 11,30).  Tôi mời gọi tất cả những người sẽ lãnh nhận bí tích bệnh nhân trong thánh lễ này hãy tiến vào niềm hy vọng như vậy.”

Nguyễn Thế Bài

LỄ MẸ THIÊN CHÚA ĐẦU NĂM

LỄ MẸ THIÊN CHÚA ĐẦU NĂM

 Tuyết Mai

Lạy Mẹ Maria Thánh Mẫu Thiên Chúa! Nhân trần chúng con chỉ là giống người vô dụng, chẳng hữu ích chẳng có gì cho người. Mà ngày ngày chỉ ngồi lê đôi mách, nói hành nói xấu để gia đình người ta bị rạn nứt, bị khổ đau và bị tan nát. Vì những lời không nói có, có nói không của chúng con; cùng gieo biết bao nhiêu họa đến cho người nhưng miệng thì luôn dẻo quẹo thân thưa: “Lạy Chúa, chúng con luôn yêu Chúa” rồi dám mở miệng xin những thứ chỉ làm hại thân. Bụng thì rỗng tuếch, tâm thì không thì làm sao Chúa thương tình mà ban ơn cho chứ?.

Ấy thế mà Thiên Chúa Người vẫn cứ yêu thương con người chúng con, phải không thưa Mẹ? Chúa ban cho hết thảy chúng con có đôi mắt nhưng cũng giống như không. Bởi thấy mà làm ngơ, làm lờ, giả mù nhìn chỗ khác. Chúa ban cho đôi tai rất thính nhưng chỉ ngóng nghe những chuyện riêng của người vì tánh thích tò mò muốn biết và để có chuyện mới cho ngày mới vì hình như những chuyện đau khổ của người lại làm nguồn vui cho mình thì phải … nếu không thì ăn sẽ không ngon và ngủ sẽ không yên.

Chúa ban cho chúng con có cái miệng thật là xinh xắn ấy thế mà một lời cảm tạ Thiên Chúa cũng không có. Một lời yêu thương cho người thân thương trong gia đình cũng hà tiện nhưng lại thích nghe người nhà hay người ngoài mở miệng khen nịnh thì thích lắm, mà chẳng mảy may biết những lời khen ấy chỉ là giả dối thôi. Còn lấy lời lành mà khuyên người ư! Thì càng hiếm họa lắm mới nghe. Chỉ giỏi tám chuyện từ trong nhà cho đến ngoài công sở thì hình như ai cũng giành nhất. Thế thì thưa Mẹ làm sao mà Mẹ lại không khóc ra huyết lệ chứ?. Thế thì làm sao mà Chúa Giêsu hằng ngày không bị loài người cứ tiếp tục đóng đinh cho nát người ra chứ?.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ của chúng con ơi! Thử tưởng tượng mà xem nếu chúng con không có Mẹ để hằng ngày được Mẹ cứu giúp, để được Mẹ gìn giữ xác hồn, để khuyên nhủ trong việc siêng năng lần chuỗi Mân Côi là khí cụ duy nhất và hữu hiệu nhất mà Mẹ trao ban cho chúng con. Để mỗi khi đọc lên thì mọi cám dỗ, mọi sự dữ và mọi sự tối tăm sẽ xa tránh chúng con. Hay khi chúng con đọc kinh Mân Côi thì nhất thời tất cả chúng quỷ cha con chúng nó đều trốn sâu dưới Hỏa Ngục vì lời kinh khen Mẹ Maria làm cho chúng nhức nhối lắm, phải không thưa Mẹ?.

Vì thế mà chúng con hết thảy hằng ngày rất biết ơn và cảm tạ Mẹ Maria và chỉ biết chạy đến Mẹ để xin Mẹ khẩn cầu cùng Thiên Chúa chậm giận mà đừng trừng phạt chúng con theo tội của chúng con nhưng xin nhìn đến đức tin của Hội Thánh Chúa mà ban cho chúng con được bình an và được sửa đổi để sống theo Thánh Ý Chúa cách thánh thiện hơn, hướng về Chúa hơn và được Thiên Chúa thương yêu ban cho Nước Trời ở ngày sau hết. Amen.

Y Tá của Chúa,

Tuyết Mai

1 tháng 1, 2019

TÌM HIỂU GỐC TÍCH THÁNG HOA ĐỨC MẸ

TÌM HIỂU GỐC TÍCH THÁNG HOA ĐỨC MẸ

Là người Công giáo Việt Nam, nhất là những người đã lớn lên trong một xứ đạo miền Bắc, Trung hoặc Nam, có lẽ không ai lạ gì sinh hoạt tôn giáo trong tháng Năm, tháng Hoa Đức Mẹ.  Khi ngàn hoa xanh, đỏ, trắng, tím, vàng nở rộ trong cánh đồng, thì con cái Mẹ cũng chuẩn bị cho những đội dâng hoa, những cuộc rước kiệu, để tôn vinh Mẹ trên trời.  Những điệu ca quen thuộc trìu mến bỗng nổi dậy trong tâm hồn cách thân thương, nhất là bài “Đây Tháng Hoa” của nhạc sĩ Duy Tân với điệu  2/4 nhịp nhàng:

“Đây tháng hoa, chúng con trung thành thật thà.  Dâng tiến hoa lòng mến dâng lời cung chúc.  Hương sắc bay tỏa ngát nhan Mẹ diễm phúc.  Muôn tháng qua lòng mến yêu Mẹ không nhòa.

– Đây muôn hoa đẹp còn tươi thắm xinh vô ngần.  Đây muôn tâm hồn bay theo lời ca tiến dâng.  Ôi Maria, Mẹ tung xuống muôn hoa trời.  Để đời chúng con đẹp vui, nhớ quê xa vời.

– Muôn dân trên trần mừng vui đón tháng hoa về.  Vang ca tưng bừng ngợi khen tạ ơn khắp nơi.  Ánh hồng sắc hương càng tô thắm xinh nhan Mẹ.  Sóng nhạc reo vang tràn lan đến muôn muôn đời”.

Nếu có ai tự hỏi: Tháng Hoa có từ đời nào?  Do ai khởi xướng? thì câu trả lời cũng không khó khăn gì.

Gốc tích như thế này:

Vào những thế kỉ đầu, hàng năm, khi tháng Năm về, người Rôma tôn kính sự thức giấc sau mùa đông dài của thiên nhiên bằng những cuộc tổ chức gọi là những ngày lễ tôn kính Hoa là Nữ thần mùa Xuân.  Các tín hữu Công giáo trong các xứ đạo đã thánh hóa tập tục trên.  Họ tổ chức những cuộc rước kiệu hoa và cầu nguyện cho mùa màng phong phú.

Có nơi người ta tổ chức các cuộc “Rước xanh.”  Người ta đi cắt các cành cây xanh tươi đang nở hoa,  đưa về trang hoàng trong các nhà thờ và đặc biệt các bàn thờ dâng kính Đức Mẹ.  Các thi sĩ cũng như các thánh đua nhau sáng tác những bài hát, bài giảng ca tụng những ngày lễ đó cũng như ca tụng Đức Mẹ.

Đến thế kỷ 14, linh mục Henri Suzo dòng Đaminh, vào ngày đầu tháng 5, đã dâng lên Đức Mẹ những việc tôn kính đặc biệt và lấy hoa trang hoàng tượng Đức Mẹ.

Thánh Philipe đệ Nêri, cũng vào ngày 1 tháng 5, thích tập họp các trẻ em lại chung quanh bàn thờ Đức Mẹ, để cùng các bông hoa mùa xuân, Ngài dâng cho Đức Mẹ các nhân đức còn ẩn náu trong tâm hồn non trẻ của chúng.

Đầu thế kỷ 17, tại Napoli, nước Ý, trong thánh đường kính thánh Clara của các nữ tu Dòng Phanxicô, tháng Đức Mẹ được cử hành công cộng: Mỗi chiều đều có hát kính Đức Mẹ, ban phép lành Mình Thánh.  Từ ngày đó, tháng Đức Mẹ nhanh chóng lan rộng khắp các xứ đạo.

Năm 1654, cha Nadasi, dòng Tên, xuất bản tập sách nhỏ khuyên mời giáo hữu dành riêng mỗi năm một tháng để tôn kính Đức Mẹ Chúa Trời.

Đầu thế kỷ 19, hết mọi xứ trong Giáo hội đều long trọng kính tháng Đức Mẹ.  Các nhà thờ chính có linh mục giảng thuyết, và gần như lấy thời gian sau mùa Chay là thời gian chính thức để tôn kính Đức Mẹ.  Trong việc này linh mục Chardon đã có nhiều công.  Không những ngài làm cho lòng sốt sắng trong tháng Đức Mẹ được phổ biến trong nước Pháp mà còn ở mọi nước Công giáo khác nữa.

–          Đức Giáo hoàng Piô 12, trong Thông điệp “Đấng Trung gian Thiên Chúa”, cho “việc tôn kính Đức Mẹ trong tháng Năm là việc đạo đức được thêm vào nghi thức Phụng vụ, được Giáo hội công nhận và cổ võ”.

–          Đức giáo hoàng Phaolô 6, trong Thông điệp Tháng Năm, số 1 viết: “Tháng Năm là Tháng mà lòng đạo đức của giáo dân đã kính dâng cách riêng cho Đức Mẹ.  Đó là dịp để ” bày tỏ niềm tin và lòng kính mến mà người Công giáo khắp nơi trên thế giới có đối với Đức Mẹ Nữ Vương Thiên đàng. 

Trong tháng này, các Kitô hữu, cả ở trong thánh đường cũng như nơi tư gia, dâng lên Mẹ từ các tấm lòng của họ những lời cầu nguyện và tôn kính sốt sắng và mến yêu cách đặc biệt.  Trong tháng này, những ơn phúc của Thiên Chúa nhân từ cũng đổ tràn trên chúng ta từ ngai tòa rất dồi dào của Đức Mẹ” (Dictionary of Mary, Catholic book Pub. 1985, p. 236)

Một câu truyện cũ đáng ta suy nghĩ:

Ở thành Nancêniô trong nước Pháp, có một gia đình trung lưu.  Vợ đạo đức, chồng hiền lành nhưng khô khan.  Vợ luôn cầu xin Chúa mở lòng cho chồng sửa mình, nhưng chồng cứng lòng mãi.  Năm ấy đầu tháng Hoa Đức Mẹ, bà sửa sang bàn thờ để mẹ con làm việc tháng Đức Mẹ.  Chồng bà bận việc làm ăn, ít khi ở nhà, và dù ông ở nhà cũng không bao giờ cầu nguyện chung với mẹ con.  Ngày lễ nghỉ không bận việc làm thì cũng đi chơi cả ngày, nhưng ông có điều tốt là khi về nhà, bao giờ cũng kiếm mấy bông hoa dâng Đức Mẹ.

Ngày 15 tháng Sáu năm ấy, ông chết bất thình lình, không kịp gặp linh mục.  Bà vợ thấy chồng chết không kịp lãnh các phép đạo, bà buồn lắm, nên sinh bệnh nặng, phải đi điều trị ở nơi xa.  Khi qua làng Ars, bà vào nhà xứ trình bày tâm sự cùng cha xứ là cha Gioan Vianey.

Cha Vianey là người đạo đức nổi tiếng, được mọi người tặng là vị thánh sống.  Bà vừa tới nơi chưa kịp nói điều gì, cha Gioan liền bảo:

–          Đừng lo cho linh hồn chồng bà.  Chắc bà còn nhớ những bông hoa ông vẫn đem về cho mẹ con bà dâng cho Đức Mẹ trong tháng Hoa vừa rồi chứ?

Nghe cha nói, bà hết sức kinh ngạc, vì bà chưa hề nói với ai về những bông hoa ấy, nếu Chúa không soi cho cha, lẽ nào người biết được?

–          Cha sở nói thêm: Nhờ lời bà cầu nguyện và những việc lành ông ấy đã làm để tôn kính Đức Mẹ, Chúa đã thương cho ông ấy được ăn năn tội cách trọn trong giờ chết.  Ông ấy đã thoát khỏi hỏa ngục, nhưng còn bị giam trong luyện ngục, xin bà dâng lễ, cầu nguyện, làm việc lành thêm cầu cho ông chóng ra khỏi nơi đền tội nóng nảy mà lên Thiên đàng.

Nghe xong lời cha Gioan,  bà hết sức vui mừng tạ ơn Đức Mẹ. (Sách Tháng Đức Bà, Hiện Tại xuất bản, 1969, trang 10).

 Nếu chỉ vì mấy bông hoa mọn dâng kính Đức Mẹ cũng được Đức Mẹ ban ơn cứu rỗi lớn lao như vậy, thử hỏi, những ai trong tháng Năm này tham dự dâng Hoa, rước kiệu, đọc kinh Mân côi, hơn nữa, họ dâng lên Mẹ những hoa tin, cậy, mến, hi sinh, đau khổ, bệnh nạn… chắc sẽ còn được Đức Mẹ ban muôn ơn trọng hơn nữa vì Mẹ thích những bông hoa Xanh của lòng Cậy, hoa Đỏ của Lòng mến, hoa Trắng của lòng trong sạch, hoa Tím của hãm mình, hoa vàng của niềm tin, hoa Hồng của kinh Kính mừng lắm lắm.

Thánh Anphongsô Ligori quả quyết rằng: “Nếu tôi thật lòng yêu mến Mẹ, thì tôi chắc chắn được lên thiên đàng”.

Thánh Bênado diễn tả văn vẻ hơn: Được Mẹ dẫn dắt, bạn sẽ không ngã.  Được Mẹ che chở, bạn sẽ không sợ.  Được Mẹ hướng dẫn, bạn sẽ an lòng.  Được Mẹ ban ơn, bạn sẽ đạt đích mong chờ.

Lm. ĐoànQuang, CMC

From Langthangchieutim 

C MARIA, MẪU GƯƠNG TRUYỀN GIÁO

ĐỨC MARIA, MẪU GƯƠNG TRUYỀN GIÁO

Đôi khi tôi tự hỏi, tại sao Chúa Nhật Truyền Giáo lại được nhắc đến trong tháng Mân Côi, tháng dâng kính Đức Mẹ, cùng với Đức Mẹ chiêm ngắm tình thương của Thiên Chúa, bằng những tràng chuỗi đơn sơ và thành kính nhất qua lối cầu nguyện theo Tin Mừng.  Những dòng suy niệm này trả lời cho tôi câu hỏi đó.

Những trang Tin Mừng về Đức Maria thật là phấn khởi cho trần thế chúng ta.  Có một người phụ nữ, mang trọn vẹn sứ điệp Tin Mừng của Thiên Chúa vào trong lòng nhân thế.  Nhân loại vui mừng bởi sự đón nhận này của Mẹ Maria, “để từ nay mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.”  Thiên Chúa đã làm những kỳ công lớn lao nơi Mẹ, và còn làm những điều lớn lao ấy cho nhiều tâm hồn nhân thế chúng ta.

Sự chuẩn bị một tâm hồn vô tì tích là nhờ sự chuẩn bị của Thánh Thần, Chúa Thánh Thần thực hiện nơi Đức Maria những điều lớn lao, bởi Mẹ là người đã để Chúa Thánh Thần hoạt động và làm phát sinh hoa trái của Người.  “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ ngự xuống trên Bà” (Lc 1, 35), hoa trái của Chúa Thánh Thần là hoan lạc và bình an.  Mẹ đã mang hoan lạc và bình an của Thiên Chúa cắm rễ vào trong trái đất.  Maria, công trình tuyệt diệu của Chúa Thánh Thần thực hiện cho nhân loại, nhân thế có một con người được Chúa Thánh Thần chuẩn bị cho sự toàn vẹn để xứng đáng đón nhận Đức Giêsu, Con thiên Chúa vào trong lòng nhân thế, lịch sử đã đổi hướng đi về nguồn ơn cứu độ, về niềm vui của Thiên Chúa đã hứa từ ngàn xưa, và trở nên hiện thực trong sự cưu mang này.

Maria là người Mẹ truyền giáo đúng nghĩa nhất, bởi sự tinh tuyền của Mẹ, bởi Mẹ là kỳ công của Chúa Thánh Thần hoạt động trên trái đất này.  Mẹ đã đón nhận Con Thiên Chúa cho thế gian, và đưa Con Thiên Chúa vào trong thế gian, và đó là Tin Mừng đúng nghĩa nhất cho trần thế.  Từ nay, nhân loại nhận ra rằng: Sứ vụ truyền giáo là sứ vụ của người mang tin vui, tin cứu độ, tin được Thiên Chúa đoái thương.  Đức Giêsu Con lòng Mẹ, một Người Con của nhân loại, một người Con của Thiên Chúa là nguồn ơn cứu độ, suối trào niềm vui cho nhân thế.

Người loan báo Tin Mừng là người được Chúa Thánh Thần tác động cách đặc biệt trên cuộc đời của họ. “Đức Maria lên đường vội vã” (Lc 1, 39).  Sự vội vã của con người mang niềm vui khôn tả, thúc đẩy mau mắn lên đường, nhắc lại hình ảnh xưa Isaia đã tiên báo: “Đẹp thay trên núi đồi bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ và nói với Sion rằng: “Thiên Chúa ngươi là vua hiển trị.” (Is 52, 7).  Đức Maria mang trọn niềm vui Đấng Cứu Độ mà nhân loại đón đợi, không thể không vui và niềm vui chất ngất, thúc đẩy lên đường loan báo tin vui.  Nếu trong lòng tôi và trong lòng bạn mang niềm vui ngập tràn như thế, tôi và bạn cũng sẽ vội vã lên đường loan báo.  Đức Maria trở nên người loan báo Tin Mừng đúng nghĩa bởi vì Mẹ mang trọn niềm vui Chúa Thánh Thần.  Ai để cho Chúa Thánh Thần hoạt động trong cuộc đời của mình cũng là người mang trọn niềm vui loan báo.

Không chỉ là loan báo mà thôi, Đức Maria còn là người công bố Tin Mừng.  Người công bố là người đã xác tín một cách chắc chắn về những gì Thiên Chúa đã làm cho mình.  Đức Maria đã nghiệm thấy như thế trong cuộc đời của Mẹ: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn” (Lc 1, 49).  Thấy được tình thương Thiên Chúa thể hiện trong cuộc đời mình, người loan báo sẽ đi xa hơn nữa để công bố Tin Mừng Thiên Chúa đã làm cho mình.  Sự công bố mang một niềm tin xác tín, đã gặp và đã thấy.  Sứ vụ loan báo Tin Mừng hôm nay, cần chứng nghiệm nơi người loan báo Tin Mừng như thế, bởi vì người ta đang cần chứng nhân hơn thày dạy.  Đức Maria nhận ra bàn tay Toàn Năng của Thiên Chúa thực hiện trong cuộc đời của Mẹ, nên Mẹ là người công bố sứ điệp chắc chắn về Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa cho nhân loại.

Niềm xác tín của Đức Maria mang một chiều kích rất riêng tư, nhờ Mẹ đã “hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 3, 51).  Cầu nguyện là chiêm ngắm những điều Thiên Chúa đã thực hiện nơi mình, là cuộc trao đổi, đối thoại giữa nhưng khó khăn, thử thách.  Đức Maria trở thành người công bố Tin Mừng, bởi Mẹ đã chiêm ngắm công trình của Thiên Chúa thực hiện cho dân tộc, cho chính Mẹ.  Sự chiêm ngắm, đối thoại dẫn đến một xác tín riêng tư chắc chắn để đi đến một công bố cho muôn người.  Con đường cầu nguyện của Đức Maria đã đi qua là con đường mời gọi những người truyền giáo hôm nay thực hiện.

Truyền giáo không là công cuộc cày xới những mảnh đất hoang, cũng không là công cuộc cải đạo cho những người khác niềm tin.  Đối với Đức Maria truyền giáo có nghĩa là đem chính Đức Giêsu cho nhân loại.  Đức Giêsu có là niềm vui cho bạn không?  Trước khi là niềm vui công bố cho người chung quanh bạn, trở lại niềm xác tín này chúng ta trở lại niềm xác tín của Đức Maria, khi Mẹ xác tín: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa” (Lc 1, 46).  Tràn ngập niềm hân hoan bởi Mẹ đã gặp thấy và cưu mang chính niềm vui của Đức Giêsu trong lòng Mẹ.  Đức Maria không mang niềm vui nào khác ngoài niềm vui: “Thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi” (Lc 1, 47).  Niềm vui của Thiên Chúa trong ngày Thiên Chúa đoái thương, ngày nào không là ngày Thiên Chúa đoái thương, nhưng đôi lúc chúng ta lại quên mất cảm nghiệm thực sự điều này, để rồi sứ vụ truyền giáo của mỗi thành viên chúng ta cứ hoài dang dở.  Đức Maria đã mang chính Đức Giêsu, quà tặng tuyệt hảo nhất của Thiên Chúa, nguồn ơn cứu rỗi duy nhất, công bố, trao tặng cho nhân loại.

Dù là người loan báo, dù là người công bố Tin Mừng đi chăng nữa, Đức Maria luôn đặt mình dưới sự bảo trợ hoạt động của Chúa Thánh Thần.  Không thể tách rời Đức Maria khỏi hoạt động của Chúa Thánh Thần, dù Đức Maria có được như thế nào chăng nữa, Mẹ cũng luôn đặt mình trong tâm khảm của người: “phận nữ tỳ hèn mọn, Người đã đoái thương nhìn tới” (Lc 1, 48).  Người truyền giáo cũng thế, không thể tách rời Chúa Thánh Thần với hoạt động của mình được.  Ai có thể chinh phục sự sâu thẳm của lòng người quy hướng về Thiên Chúa, nếu đó không phải là tác động của Chúa Thánh Thần.  Chúa Thánh Thần mời gọi con người theo nhiều nẻo đường khác nhau, để quy tụ cho Thiên Chúa một Dân được thánh hiến.  Chúng ta là những dụng cụ Thiên Chúa dùng, và hãy đặt cuộc đời mình vào bàn tay của Thiên Chúa.

Không có công trình nào là thua mất cả với ánh mắt nhìn đức tin của Đức Maria, đôi khi gặp những người cứng cỏi quá sức, hãy phó dâng cho Thiên Chúa, như người gieo giống chỉ biết chờ đợi cho hạt giống nảy mầm.  Đức Maria đã nghiệm thấy điều này trong cuộc đời của Mẹ: “Chúa biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng” (Lc 1, 51).  Chúng ta cần biết chờ đợi điều Thiên Chúa sẽ cho mọc lên, sự chờ đợi là một bài học cuối kết thúc cho sứ vụ truyền giáo chúng ta học nơi Đức Maria.

Kính dâng Mẹ những suy nghĩ này, bởi hơn ai hết Mẹ là vị Thày tốt nhất dạy chúng con sống sứ vụ truyền giáo.

Lm Hoàng Kim Toàn