Suy Tư Về Việc Hoa Kỳ Chấp Thuận Hôn Nhân Đồng Giới

Suy Tư Về Việc Hoa Kỳ Chấp Thuận Hôn Nhân Đồng Giới

TRẦM THIÊN THU

Ngày 26-6-2015, Hoa Kỳ đã hợp pháp hóa việc hôn nhân đồng giới. Một tiếng sét ngang tai đối với người Công giáo. Chúng ta nên làm gì?

Hôn nhân truyền thống là điều tốt lành của Thiên Chúa, sự thiết lập này được thể hiện qua việc kết hợp của một người nam và một người nữ, nhờ đó mà xã hội phát triển. Nhưng người ta không tin như vậy. Đa số thất vọng với quyết định của Hoa Kỳ về việc chấp nhập hôn nhân đồng giới. Kinh khủng quá!

Cơn cám dỗ này là sự hôi thối sỉ nhục trong góc thánh thiện, là đào hố sâu dưới chân chúng ta, là cú đá ngược bất ngờ khiến chúng ta thất vọng. Nhưng chúng ta vẫn khả dĩ làm tốt hơn bằng cách ấp ủ Tám Mối Phúc:

Hãy vui mừng, không chỉ trong quyết định, mà còn vui mừng trong Chúa, và hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh. Chúa Giêsu nói: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế” (Mt 5:11).

Vui mừng cái gì? Hãy chú ý những điều quan trọng: Thiên Chúa vẫn hiện hữu, không phải Ngài không biết, nhưng Ngài làm ngơ và chờ đợi chúng ta ăn năn sám hối; sự chết và sự phục sinh của Đức Kitô vẫn mãi là sức mạnh cứu độ đối với mọi người; Tin Mừng vẫn làn tỏa khắp nơi; Tòa án Tối cao hoặc Quốc hội Hoa Kỳ không thể chống lại Giáo Hội của Đức Giêsu Kitô, vì Ngài đã xác định với giáo hoàng tiên khởi: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16:18). Chắc chắn “không có gì tách chúng ta khỏi tình yêu của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô” (Rm 8:35). Nước Thiên Chúa sẽ ngự đến – và vẫn có những công việc để chúng ta làm trong Giáo Hội và trong xã hội ngày nay.

HÃY SÁM HỐI. Hiện nay một cơn cám dỗ khác đang nhắm vào các sức mạnh về chính trị, xã hội, triết học, tâm linh, để chống lại Giáo Hội và giáo huấn luân lý. Thánh Phaolô khuyên chúng ta khi tham gia cuộc chiến thiêng liêng: “Anh em hãy tìm sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Người. Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ. Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao. Bởi đó, anh em hãy nhận lấy toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa; như thế, anh em có thể vận dụng toàn lực để đối phóđứng vững trong ngày đen tối” (Ep 6:10-13). Chúng ta nên làm gì và có thái độ thế nào khi xã hội loại bỏ các giá trị đạo đức? Hành động trái ngược đã bộc lộ nỗi sợ hãi và dịnh kiến. Đam mê của chúng ta có nguồn gốc từ tội lỗi liên quan tình dục, lãnh đạm với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, thói tham lam, thói giả hình, tính vị kỷ,… Tu thân rồi mới tề gia, sau đó mới khả dĩ trị quốc và bình thiên hạ. Bắt đầu là điều khó, bắt đầu từ chính mình lại càng khó hơn. Nhưng ai cũng PHẢI bắt đầu. Tu thân là sửa tính nết, canh tân lối sống, sám hối tội lỗi: “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an” (Mt 5:5).

HÃY SUY NGHĨ LẠI. Hãy suy nghĩ về những gì mình đã làm, đang làm và sẽ làm. Hôn nhân đồng giới là trái tự nhiên, là “cặp đôi KHÔNG hoàn hảo”.

Một vấn đề đòi hỏi suy nghĩ nghiêm túc là việc ly hôn, ly thân và tái hôn. Kinh Thánh nói nhiều về hôn nhân. Sách Khôn Ngoan cảnh báo: “Họ quả không coi trọng mạng sống và xem thường cuộc hôn nhân trong sạch. Người này giăng bẫy sát hại người kia, người ta giết nhau bằng thủ đoạn hoặc làm khổ nhau vì chuyện ngoại tình. Nơi đâu cũng hỗn loạn: đổ máu và giết người, cướp giật và lừa đảo, nhũng lạm, bất tín, bạo loạn, bội thề. Vàng thau lẫn lộn, bội nghĩa vô ân, tâm hồn nhơ nhuốc, dục tình đồi bại, rồi hôn nhân hỗn loạn, ngoại tình và phóng đãng” (Kn 14:24-26). Thiên Chúa quả quyết: “Ta ghét việc rẫy vợ, và kẻ lấy thói bạo tàn làm áo che thân. Hãy coi chừng và chớ phản bội!” (Mlk 2:16). Và Chúa Giêsu dạy: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19:6; Mc 10:9). Đó là Ngài nói về hôn nhân lưỡng tính (một nam và một nữ) chứ không là hôn nhân đồng tính (một nam và một nam, hoặc một nữ và một nữ). Thế nhưng người ta nới lỏng Luật Chúa và không tôn trọng lời thề hôn nhân. Người ta coi thường Thánh Ân nên không muốn tuân giữ Thánh Luật. Sự mâu thuẫn đã làm đảo lộn trật tự xã hội vì người ta muốn thoát ra khỏi Giáo Hội. Giáo Hội cấm ly hôn chứ không cấm tái hôn, nhưng chỉ tái hôn khi một người không còn (qua đời) chứ không tái hôn sau khi ly hôn.

Ai khao khát sự công chính thì sẽ được mãn nguyện: “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng” (Mt 5:6). Nhưng khao khát thì phải hành động chứ không “há miệng chờ sung rụng”.

HÃY SẮP ĐẶT LẠI. Chúng ta đang “sống lưu vong” và “lữ hành trần gian”. Một thanh niên Miến Điện đến Hoa Kỳ vài tháng trước. Anh ta nói rằng ở Miến Điện, các Kitô hữu bị hạn chế xây dựng nhà thờ và trường học. Hành vi thù địch về xã hội và chính trị đã khiến anh chống đối, anh phải trốn sang Indonesia. Tại đây, anh bị tù 7 tháng vì không có giấy tờ tùy thân. Nhờ tổ chức World Relief, anh được đến Hoa Kỳ, phải “vật lộn” với ngôn ngữ mới và văn hóa mới, trong khi phải nuôi sống gia đình với số lương bèo bọt. Nghĩa là anh ta phải sắp xếp lại mọi thứ để sớm thích nghi với hoàn cảnh mới với mọi thứ mới.

Đó là một dạng sống lưu vong, dù xã hội Hoa Kỳ vẫn cho phép tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo, tôn trọng nhân quyền, cho phép công dân tham công việc gia quản trị. Tự do luôn có sẵn hầu như ở mọi nơi trên thế giới. Kiến tạo hòa bình là điều tốt chung: “Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5:9). Nói chung, chúng ta phải sắp xếp lại quan điểm và hoạt động chính trị.

HÃY VƯƠN XA. Vấn đề hôn nhân đồng giới đã được hợp pháp hóa ở Hoa Kỳ, chúng ta buồn nhưng chúng ta lại có cơ hội để xây dựng các mối quan hệ đơm hoa kết trái với những người ghét các Kitô hữu: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5:44; Lc 6:27). Về điểm này, người Công giáo chúng ta bị coi là mối đe dọa đối với chính trị. Chúng ta “mất mát” về vấn đề hôn nhân đồng giới, mối đe dọa đã không còn. Chúng ta hãy mong đợi những cơ hội mới để có dịp chia sẻ về Lòng Chúa Thương Xót: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5:7). Đó chính là Tin Mừng vậy.

HÃY TỰ HÀO. Thánh Phaolô động viên: “Hãy vui mừng và gắng nên hoàn thiện. Hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hoà. Như vậy, Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an, sẽ ở cùng anh em” (2 Cr 13:11). Vả lại, chính Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta ngay trong bước ngoặt lịch sử này – Hoa Kỳ chấp thuận hôn nhân đồng giới. Trong quá khứ, Giáo Hội hồi thế kỷ IV có trách nhiệm suy tư vầ bản chất của Đức Kitô, Giáo Hội hồi thế kỷ XVI có trách nhiệm suy tư về mối quan hệ giữa đức tin và công việc, còn hiện nay, Giáo Hội có trách nhiệm suy tư về vấn đề giới tính. Điều chúng ta dạy và việc chúng ta làm trong thời đại chúng ta sẽ định hình tư tưởng của Giáo Hội và cuộc sống đối với các thế hệ tương lại.

Đây không chỉ là lời kêu gọi đối với các vị lãnh đạo quốc gia và Giáo Hội, mà còn đối với mỗi gia đình Kitô giáo. Dù chúng ta có đi vận động hành lang ở sảnh Quốc hội hay không để xem việc buôn bán người hoặc dạy trẻ em về tặng phẩm tình dục quý giá thế nào, chúng ta vẫn đang củng cố và định hình giáo huấn của Giáo Hội về giới tính.

Chúng ta đang bước vào tương lai chưa biết sẽ đáng quan ngại hay hay không, nhưng cần có lòng khiêm nhu và tự tin: “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp” (Mt 5:4). Đức Kitô là Thiên Chúa Ngôi hai và vẫn là Hoa Tiêu điều khiển Con Tàu Giáo Hội. Phúc cho ai chân nhận điều này, vì họ sẽ được Nước Trời làm gia nghiệp đời đời!

MARK GALLI

TRẦM THIÊN THU

(Chuyển ngữ từ ChristianityToday.com)

Chị Nguyễn Kim Bằng gởi

Con Cái Thời Nay

Con Cái Thời Nay

Huy Phương

Xem tin tức ở Việt Nam chúng ta thường nghĩ đến lúc đạo lý đã suy đồi. Thời gian qua, số vụ án con cái giết cha mẹ đang có chiều hướng gia tăng. Trên báo chí, không thiếu tin tường thuật những vụ án mạng tàn bạo do những đứa con bất hiếu thẳng tay đâm chém cha mẹ dù chỉ với những bất bình nhỏ.

Nếu kể chuyện nghịch nữ hoặc nghịch tử ở Việt Nam, hẳn phải mất hàng nghìn trang giấy: Tơ Đênh Triệu (Quảng Nam) say rượu giết cha. Đặng Hùng Phương (Vĩnh Long) giết cha rồi đem lên Sài Gòn phi tang. Trần Văn Kiệt (Tây Ninh) đâm cha sau một lần cãi vã. Lê Văn Lực (Thanh Hóa) chỉ vì lời mắng “đồ ăn hại” đã đoạt mạng cha mình. Nguyễn Xuân Hậu (Lào Cai) chỉ vì bị la không chịu lo sửa soạn Tết đã đâm chết cha. Nguyễn Khả Đ. (Rạch Giá) giết mẹ rồi giấu xác trong lu nước. Nguyễn Thị Phin (Tây Ninh) giết mẹ chiều 30 Tết để lấy tiền, vàng. Nông Văn Thùy (Bắc Giang) xin tiền không được, đã vung chày sát hại mẹ. Bùi Minh Đạt (Hà Nội) vì mâu thuẫn đất đai, đã dùng dao chém nhiều nhát vào cổ, đầu, tay mẹ khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Lê Văn Phước (Đồng Nai) trong lúc tắm rửa, vệ sinh cho người mẹ 82 tuổi bị tai biến, đã liên tục chửi bới và đánh đập khiến bà cụ tử vong…

Chúng ta những người Việt đang sinh sống ngoài Việt Nam, ở Hoa Kỳ hay các nước khác thường cho là mình may mắn không phải sống ở cái đất nước đạo lý suy đồi, luân thường bại hoại. Nước Mỹ có 320 triệu dân, nửa năm chưa xảy ra một vụ án mạng con giết cha mẹ, đất nước Việt Nam chỉ có 90 triệu dân, tuần nào cũng có chuyện cha mẹ bị con đâm chém. Nhưng như thế có phải cha mẹ người Việt sống ở Mỹ, đời sống được bảo vệ và có hạnh phúc hơn không? Sở dĩ chúng tôi trình bày như vậy, vì giữa văn hóa Việt và Mỹ có những phần khác biệt.

Nhà văn Lâm Ngữ Đường trong “Một Quan Niệm Về Sống Đẹp” (Nguyễn Hiến Lê dịch) đã cho rằng người cao niên ở Mỹ về già vẫn làm việc hăng hái, vì họ theo chủ nghĩa cá nhân một cách thái quá, tự đắc, muốn độc lập, cho sự nhờ vả con cái là tủi nhục. Trong các quyền của công dân không có cái quyền của cha mẹ được con cái phụng dưỡng. Tại phương Tây, ông già bà lão không muốn xen vào đời sống của con, lánh mặt trong một nơi nào đó, tự lo cho cái ăn ngủ của mình. Người Trung Hoa (và người Á Đông?) không có cái quan niệm cá nhân độc lập, mà cho rằng những người trong gia đình có bổn phận giúp nhau, nếu về già mà phải nhờ cậy con, có điều chi mà xấu hổ!

Bản năng của muôn loài là thương yêu và bảo vệ con. Con gà mẹ dùng đôi cánh che chở cho bầy gà con trước sự hung hiểm của diều hâu. Con chim bay xa tha mồi về mớm cho con non nớt yếu đuối bên bờ tổ. Hung dữ như cọp beo cũng không có loài nào ăn thịt con. Nhưng muôn loài cũng không có cái cảnh nào có đàn con đi kiếm thức ăn cho những người sinh nở ra chúng lúc họ về già, không còn khả năng săn nhặt, nằm chờ chết trong hang ổ. Nhà văn Lâm Ngữ Đường cho rằng, “Người nào cũng yêu con, nhưng người có văn hóa mới biết thương yêu cha mẹ!”

Ở Mỹ, trong giờ hành chánh mà một đứa con lang thang ngoài đường, thì cảnh sát lập tức kết tội cha mẹ của chúng, nhưng một cụ già bị bỏ ngoài đường thì người ta tìm đến sở xã hội, liệu có ai truy tìm và lên án những đứa con.

Chúng ta phải chờ vài ba thế hệ nữa may ra, chứ hiện nay, các bậc cha mẹ người Việt ở Mỹ, tâm lý vẫn chưa sẵn sàng, còn cảm thấy tổn thương và đau khổ, than trách khi bị con cái đẩy ra khỏi nhà. Những vị cao niên Mỹ không ai than phiền vì con cái không quan tâm hay “bỏ rơi” mình. Đối với họ, con trên 18 tuổi đã ra khỏi gia đình, vì muốn cho con tự lập, có khi muốn con đi học xa, thăm hỏi, quan tâm là điều tốt, nhưng cha mẹ không bao giờ kỳ vọng nơi con cái khi mình về già, trông đợi sự giúp đỡ của con. Cha mẹ và con cái từ đây hết còn bổn phận với nhau. Do đó, họ chuẩn bị để dành tiền, đầu tư, mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm “sức khỏe lâu dài,” chuẩn bị “hậu sự” cho mình.

Như vậy các bậc cha mẹ này không còn cảm thấy đau khổ vì những lý do về con cái.

Trái lại người Việt hay Á Đông luôn cho rằng trong trăm nết thì chữ hiếu đứng đầu (Bách hạnh hiếu vi tiên). Theo Phật Giáo thì “tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật.” Khi thấy con cái đối xử với mình tệ bạc thì đem lòng ai oán, nhất là vào buổi giao thời, vẫn thường so sánh lối sống của gia đình ngày xưa, với lối sống “Mỹ hóa” bây giờ của con cái, và cũng vì chính sự đổi thay quá nhanh chóng của con cái, sinh ra ở Mỹ, hay chịu lối sống Mỹ quá sớm, hoặc là dùng chữ gia đình “vô phước” như cách than phiền của nhiều vị.

Quí vị đã có dịp lui tới chuyện trò với các vị cao niên người Việt trong các nhà dưỡng lão, đã thường biết đến nỗi buồn của họ, không phải vì tiền, vì danh mà vì một nỗi cô đơn, chỉ vì con cái không ngó ngàng đến họ. Khi tôi muốn kể nỗi lòng của một vị cao niên buồn bã, cô đơn trong một nhà dưỡng lão, trên trang báo, thì ông cụ chấp tay vái tôi, “Thôi xin ông, con tôi mà biết tôi kể lể với ông thì chúng hành tôi đến chết mất!”

– Một gia đình, khi người cha qua đời, những đứa con thấy mẹ thui thủi một mình, khuyên mẹ bán ngôi nhà rồi về ở với chúng nó. Như một trái bóng, bà bị đưa qua đưa lại giữa những đứa con, và chỗ ở cuối cùng của bà bây giờ là nhà dưỡng lão!

– Một bà cụ khi bị đưa vào bệnh viện, rồi nhà hưu dưỡng, vì lo xa, bà làm thủ tục trao cho cô con gái duy nhất, ngôi mobile home của bà, nhưng chỉ ít lâu sau, cô này bán ngôi nhà lấy tiền bỏ túi. Khi khỏe mạnh được trở về nhà, bà phải đi “share” phòng cho đến lúc qua đời.

– Một gia đình lúc người cha mất, bà mẹ vội vã sang tên ngôi nhà cho hai cô con con gái. Cô chị trả cho em một nửa số tiền để lấy hẳn ngôi nhà, và mời bà mẹ ra khỏi nhà. Lý do: Hạnh phúc gia đình của riêng cô. Người mà cô chọn là chồng, chứ không phải mẹ!

– Nếu bạn đọc thấy một người phụ nữ luống tuổi thường đi xe đạp trong khu Little Saigon, đó là người mẹ có bốn đứa con, bà đang ở nhà “share” vì không đứa con nào chịu “nuôi” mẹ.

Hầu hết những nhân vật trong câu chuyện này là quý bà, vì trong buổi giao thời này, còn mang tâm lý “nội trợ,” không biết lái xe, không biết Anh ngữ, và tình thương con cái còn nhiều như thuở còn ở Việt Nam, còn các ông thì dễ sống hơn. Mặt khác là bậc cha mẹ người Việt ở Mỹ không biết là các con đổi thay quá nhanh.

Phần đông những bậc cha mẹ ở Mỹ lâm vào cảnh ngộ trên vì có con cái sinh ra ở Mỹ hay được đem đến Mỹ quá sớm, và con cái có bằng cấp càng cao, giàu có càng nhiều thì hình như càng không nghĩ đến chuyện mình phải có bổn phận phụng dưỡng cha mẹ già. Không những phụng dưỡng cha mẹ già mà còn như lường gạt, lừa đảo các bậc sinh thành như những câu chuyện thường xảy ra trong cộng đồng Việt Nam mà chúng tôi trình bày ở trên. Cái cảnh trong gia đình nghèo, anh chị em thương nhau, con cái hiếu với cha mẹ, hình như chúng ta vẫn thường thấy trong đời. Những đứa con lớn lên ở Việt Nam, đã qua cái cảnh thiếu ăn, cha tù đày, mẹ vất vả ngược xuôi, hẳn trong lòng chúng còn một chỗ tựa cho cha mẹ.

Những câu chuyện con, dâu, con rể mời cha mẹ ra khỏi nhà không thiếu ở đây, nhan nhản, chẳng khác gì những thảm cảnh con cái giết cha mẹ ở Việt Nam. Gia đình người Việt ở Mỹ chưa thấy cảnh cha mẹ chết dưới tay con, nhưng khổ đau u sầu do con cái gây nên thì không thiếu, “Giết nhau chẳng cái Lưu Cầu, giết nhau bằng cái u sầu độc chưa?”

Cuối cùng bài học chưa thuộc của tuổi già vẫn là: “…Người hiểu đời coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, không mong chờ báo đáp. Chờ báo đáp là tự làm khổ mình.” (Chu Dung Cơ).

Bài học thứ hai là đừng bao giờ “dốc túi” cho con quá sớm trước khi nhắm mắt.

Thực ra, “Nuôi con mới biết lòng cha mẹ, về già mới biết lòng con cái.”

Trong chúng ta ai thực sự đã chuẩn bị cho tuổi già như người bản xứ, thôi thì trăm sự, đường cùng phải nhờ đến ông nhà nước.

Huy Phương

Chị Nguyễn Kim Bằng gởi

HÔN LỄ TRONG THÁNH ĐƯỜNG.

HÔN LỄ TRONG THÁNH ĐƯỜNG.

Trong thánh đường, một hôn lễ đang được tổ chức.
Linh Mục xuất hiện với với bài giảng về hôn nhân Linh mục cầm tờ 100 đôla còn mới trên tay và nói:
“Có ai muốn được tờ tiền này không?”.
Không có tiếng trả lời…
Linh Mục nói:
“Đừng xấu hổ, ai thích thì hãy giơ tay lên”.
Một phần ba số người có mặt ở đó giơ tay.
Linh Mục vo tròn tờ tiền lại rồi hỏi:
“Bây giờ có còn ai thích sở hữu nó nữa không?”
Vẫn còn người giơ tay, nhưng đã ít đi một nửa.
Linh Mục vứt tờ tiền xuống đất, giẫm chân lên rồi nhặt lại.
Tờ tiền vừa bẩn vừa nhàu nhĩ.
Ông lại cất tiếng hỏi:
“Còn ai thích nữa không?”
Chỉ còn một người giơ tay…
Cha cố mời anh ta lên phía trên, trao cho anh tờ tiền và nói anh ta là người duy nhất đã giơ tay cả ba lần.
Lập tức mọi người trong Thánh đường đều cười to nhưng Linh Mục ra hiệu yên lặng.
Ông nói với chú rể:
“Hôm nay con cưới một cô gái con yêu nhất đời.
Nhưng giống như tờ tiền này, năm tháng trôi qua cộng thêm vất vả với gia đình, con cái… cô ấy sẽ không còn xinh đẹp như bây giờ. Nhưng thực tế, tiền vẫn là tiền, giá trị của nó chẳng hề thay đổi. Hy vọng con giống như chàng trai này, luôn hiểu giá trị và ý nghĩa đích thực, đừng vì vẻ bề ngoài mà đánh mất mọi thứ.”
Hình thức bên ngoài của mỗi người sẽ biến đổi theo thời gian, con người có thể già hơn và xấu đi, nhưng tâm hồn đẹp thì sẽ vỉnh viễn không thể thay đổi.
– Vào một buổi tối, nhìn vào cơ thể thon thả, mảnh mai của người con gái đang nằm bên cạnh anh. Giây phút đó, anh thề rằng, anh nhất định sẽ mang lại hạnh phúc cho cô.
Anh ta từ một kỹ sư xây dựng mới chân ướt chân ráo bước ra khỏi cánh cổng trường đại học, và sau đó xây dựng đội ngũ kỹ thuật của riêng mình. Bây giờ, đã trở thành ông chủ một công ty xây dựng có tiếng tăm trong thành phố.
Bên cạnh anh có quá nhiều cám dỗ của cuộc đời. Trong khi đó, vợ anh ngày càng xấu đi vì những vất vả gia đình..v.v. thân hình trở nên xồ xề, da dẻ cũng không hồng hào, mịn màng như trước. So với vô vàn kiều nữ bên cạnh anh, vợ anh thật quê mùa, ảm đạm.
Sự hiện diện của vợ nhắc nhở quá khứ tầm thường, thấp kém của anh.
Anh nghĩ cuộc hôn nhân này nên chấm dứt ở đây. Anh gửi vào tài khoản của vợ 500 triệu, mua cho cô một ngôi nhà ở trung tâm thành phố nhộn nhịp. Anh không phải người đàn ông vô lương tâm. Vì vậy, nếu như không sắp xếp cuộc sống ổn thỏa cho vợ anh sau này, anh sẽ cảm thấy vô cùng tội lỗi… Cuối cùng, anh chủ động đề nghị ly hôn.
Vợ anh ngồi đối diện, trầm tư nghe anh giải thích lý do ly hôn. Đôi mắt ấy rất đỗi dịu dàng. Nhưng 20 năm làm vợ chồng, anh quá hiểu rõ về cô, đằng sau đôi mắt hiền dịu ấy, anh biết rằng trái tim cô đang rỉ máu. Anh chợt nhận ra mình thật tàn nhẫn.
Ngày vợ anh đồng ý rời khỏi nhà. Công ty phải giải quyết một vài vấn đề, anh bảo cô đợi ở nhà, trưa về anh sẽ giúp cô chuyển nhà,chuyển đến căn hộ chung cư anh mua cho. Đồng nghĩa với việc cuộc hôn nhân kéo dài 20 năm sẽ kết thúc tại đây.
Buổi sáng ngồi trong phòng làm việc ,anh bồn chồn,thấp thỏm. Đến trưa, anh vội vã về nhà. Căn nhà được dọn dẹp sạch sẽ, vợ anh đã đi mất rồi. Trên bàn đặt chiếc chìa khóa nhà anh mua cho cô, sổ tiết kiệm 500 triệu đồng và một bức thư cô viết cho anh.
Đây là bức thư đầu tiên mà cô viết cho anh:
“Em đi đây, em về nhà mẹ. Chăn em giặt phơi khô rồi đấy, cất ở ngăn cuối cùng bên trái tủ quần áo. Trời lạnh anh nhớ lấy ra đắp. Giày da tất cả em đều đánh xi rồi nhé, nếu anh không tự mình đánh được thì mang đến tiệm ông Tư đầu ngõ ấy. Sơ mi treo ở phía trên, vớ, thắt lưng ở trong ngăn kéo phía dưới tủ. Mua gạo nhớ mua gạo tám thơm của Thái Lan, anh nhớ vào siêu thị mua nhé, mua bên ngoài anh không thạo người ta bán hàng giả cho đấy. Dì Hai mỗi tuần đều đến dọn dẹp nhà cửa một lần, cuối tháng anh nhớ gửi tiền cho dì ấy. Còn nữa, đồ cũ cứ cho ông Tư đầu ngõ nhé, ông ấy gửi về quê cho bọn trẻ con, chắc chúng nó sẽ vui lắm.
Dạ dày anh không tốt, em đi rồi anh nhớ uống thuốc đều đặn. Thuốc em nhờ người ta mùa từ Quảng Bình, có lẽ cũng đủ dùng nửa năm. Anh ra ngoài thường quên mang theo chìa khóa nhà, em gửi một chùm ở chỗ bảo vệ , lần sau nếu quên thì đến đấy lấy nhé. Buổi sáng đi ra ngoài anh nhớ đóng cửa sổ, mưa tạt vào sẽ làm ướt nhà đấy. Canh chua món mà anh thích em để ở trong tủ lạnh. Anh về nhớ hâm lại rồi hãy ăn nhé..v.v… Gửi anh, người em yêu nhất ”
Những dòng chữ xiêu vẹo nhưng tại sao nó cứ như những viên đạn bắn vào trái tim anh, mỗi viên đều mang theo tấm chân tình xuyên thẳng vào ngực đau nhói.
Anh từ từ đi vào nhà bếp. Mỗi đồ vật ở đây đều lưu giữ dấu tay, hơi thở của cô. Anh chợt nhớ về 20 năm trước, anh làm ở công trường xây dựng dầm mưa dãi nắng. Những ngày tháng bần hàn của cuộc đời đều có cô bên cạnh. Nhớ lại bát canh chua nóng hổi đã sưởi ấm trái tim anh trong những ngày mùa đông lạnh cắt da cắt thịt, nhớ lại giây phút anh đã từng hứa với lòng mình nhất định sẽ mang lại hạnh phúc suốt đời cho cô.
Anh quay người, nhanh chóng khởi động xe.
Nửa tiếng sau, cuối cùng anh cũng tìm thấy cô đang đợi tàu trở về quê.
Anh giận dữ nói: “Em muốn đi đâu? Anh làm việc mệt mỏi cả ngày, về đến nhà, đến cơm nóng cũng không có mà ăn. Em làm vợ như vậy à? Về nhà với anh ngay”
Anh trông rất hung dữ và thô lỗ.
Đôi mắt cô ướt nhòe, cô đứng lên, ngoan ngoãn theo sau anh đi về nhà. Giọt nước mắt xen lẫn niềm vui ……
Cô không biết rằng, lúc này đi trước cô, anh đang dằn lòng cố kìm nén những giọt nước mắt… Suốt quãng đường từ nhà đến đây, anh thực sự rất sợ, sợ không tìm thấy cô, sợ từ đây sẽ mất cô mãi mãi.
Anh tự trách mình sao lại ngu ngốc đến vậy, hóa ra đánh mất cô ấy cũng giống như anh đánh gãy xương sườn của mình… Hai mươi năm đồng cam cộng khổ, hai người đã buộc chặt cuộc đời mình vào nhau, mãi mãi không thể tách rời.
Tại thời điểm sai lầm, địa điểm sai lầm, chỉ cần gặp được đúng người, tất thảy mọi thứ đều sẽ đúng.
Giàu có thực sự không phải số tiền trong thẻ ngân hàng, mà là nụ cười hạnh phúc trên khuôn mặt bạn.
Tiền nhiều hay ít không quan trọng, quan trọng là tìm được một người toàn tâm toàn ý yêu thương bạn.
Trên thế giới này, hạnh phúc nhất là 3 từ: I Love you “Anh (em) yêu Em (anh)”, Ta Yêu Nhau.
Hiểu được bản thân mình muốn gì, thế giới mới có thể hiểu được bạn.
Bất cứ người phụ nữ nào trên thế gian này đều đc trải qua tuổi thanh xuân, thời kì đỉnh cao nhất về nhan sắc của mình nhưng rồi họ cũng phải làm vợ, làm mẹ, làm con dâu… phải đương chức trọng trách cao cả, trách nhiệm của 1 người đàn bà không ngoại trừ bất cứ ai. Tất cả mọi thứ rồi cũng phai tàn theo năm tháng, theo những sóng gió của cuộc đời theo quy luật của tạo hóa Người đàn ông người chồng thực thụ sẽ thấu hiểu, trân trọng và yêu thương người phụ nữ của đời mình đã hi sinh cả tuổi thanh xuân ấy để dành cho họ. Họ sẽ không chạy theo những hào nhoáng nhan sắc vô thường để đánh đổi bất cứ điều gì, Sống theo thời gian mới hiểu nhan sắc của phụ nữ là thứ vô thường trong cuộc đời, khi hi sinh đánh đổi điều đó họ đc những thứ còn ý nghĩa lớn hơn vô vàn nhưng nếu ko may gặp phải người chồng không thấu hiểu không trân trọng sự hi sinh đó thì bất hạnh vô cùng.
Hi vọng tất cả những người đàn ông, người chồng, người cha có con gái, đều hiểu đc sâu xa ý nghĩa câu chuyện này.

T​ôi yêu Mẹ hay yêu Cha?

T​ôi yêu Mẹ hay yêu Cha?

1 tuổi , con tập đi, Mẹ chạy theo đỡ mỗi khi con ngã. Ba ngăn lại bảo rằng hãy để con tự tập đứng lên.

3 tuổi, con vòi vĩnh khóc đòi quả ớt trên mâm cơm. Mẹ kiên quyết không cho. Trong khi Ba lại bảo hãy để con nếm thử rồi con sẽ tự tránh xa.

5 tuổi, con nhất định không đến nhà trẻ, Mẹ không nỡ buông tay, đứng trước cổng trường nhìn con mãi. Ba quay đầu bảo Mẹ lên xe mau.

6 tuổi, con vào lớp 1, Mẹ căn dặn cô giáo xem chừng con bị bắt nạt. Thế mà Ba lại nói với cô rằng con làm gì sai cứ đánh phạt thẳng tay.

9 tuổi, con đánh nhau với thằng bạn học đến trầy cả mặt mày. Mẹ lo lắng muốn rơi cả nước mắt. Vậy mà Ba lại la con và bắt con phải đi xin lỗi người bạn đó.

12 tuổi, con đòi gắn mạng trong phòng. Mẹ vui vẻ chấp nhận ngay, trong khi Ba chỉ đồng ý cho đặt máy tính ở phòng khách làm con chẳng được thức khuya cày game cùng lũ bạn.

15 tuổi, con xin đi phượt cùng bạn bè Mẹ đồng ý nhưng càu nhàu mãi vì lo lắng. Trong khi Ba gật đầu ngay. Suốt chuyến du lịch Mẹ gọi điện hỏi thăm con đủ thứ, nào là vui không, ăn gì chưa, chỗ ngủ thế nào, có gì trở ngại không? Còn Ba suốt những ngày đó chỉ điện thoại cho con 1 lần lúc con mới xuống xe. Ba chỉ nói vỏn vẹn 3 câu, tới chưa, khi nào về và chúc con đi chơi vui vẻ.

16 tuổi con tụ tập bạn bè hút thuốc, Mẹ nổi giận la con. Trong khi Ba nhẹ nhàng dắt con ra ban công cho con xem bảng xét nghiệm ung thư phổi của Ba.

17 tuổi con dắt 1 cô gái về nhà. Mẹ bảo con còn rất nhỏ để nghĩ đến chuyện yêu đương. Ba mỉm cười nói rằng bị tổn thương ắt tự vứt bỏ. Cũng năm đó con xin 1 chiếc tay ga. Mẹ đắn đo 1 hồi rồi chấp nhận vậy mà Ba lại đi mua cho con ngay 1 chiếc xe đạp điện hơn chục triệu. Cũng là tay ga nhưng con không được tham gia đội đua xe với lũ bạn được.

Năm con 18, là lúc bệnh của Ba trở nặng. Ngày con thi Đại học Mẹ chỉ dặn dò qua loa rồi thu xếp vào bệnh viện chăm Ba. Đến giờ nghỉ trưa, con nhận được điện thoại của Ba. Ba nói rằng Ba rất khỏe. Thi xong con không về ngay mà đi ăn mừng cùng lũ bạn vì bài làm rất tốt. Khi con về đến nhà thì Ba đã ra đi rồi. Mẹ bảo Ba nhất định không cho Mẹ điện thoại cho con. Ba muốn con thi thật tốt.

21 tuổi, con được 1 phần học bổng sang Mỹ đào tạo. Con biết nếu Ba còn sống nhất định khuyên con đi. Nhưng bây giờ con không hỏi ý kiến Mẹ mà đã từ chối phần học bổng đó. Con không muốn sau 5 năm đi đào tạo về con lại trải qua cảm giác giống ngày con đi thi đại học về.

Ba à con chưa bao giờ nghĩ Ba thương con nhiều như Mẹ. Trong khi Mẹ dặn con rằng nếu làm gì không được, hãy nhờ mọi người, thì Ba lại dạy con nếu làm gì được thì hãy giúp mọi người.

Nhưng bây giờ, nếu có người hỏi con thương ai nhất trên đời con sẽ không suy nghĩ mà trả lời ngay là Mẹ. Và nếu người ta hỏi ai là người thương con nhất con cũng sẽ trả lời ngay là Ba

Anh chị Thụ Mai gởi

Cao hơn Đỉnh Thái

Cao hơn Đỉnh Thái

Giới thiệu:

Quý anh chị Cursillista rất thân mến.

“ Công Cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”

Trên đời, những câu chuyện cảm động về tình mẹ có rất nhiều và bàng bạc trong văn chương. Tình Mẫu Tử cao thượng, hy sinh tất cả cho con là điều không thể chối cãi. Nhân ngày Lễ của Cha (Father’s day) chúng tôi muốn chia sẻ với quý Anh Chị một câu chuyện rất cảm động, khi đọc câu chuyện này chúng ta nghĩ rằng đó là một  chuyện cổ tích, nhưng thực ra đây là câu chuyện hoàn toàn có thật, đã lấy đi không biết bao nhiêu là nước mắt của độc giả trên toàn thế giới. Câu chuyện kể về tình Phụ Tử, một tình yêu của người cha dành cho đứa con vô cùng bao la, vĩ đại không bút nào kể xiết. Trong tâm tình đó, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với quý Anh Chị câu chuyện CAO HƠN ĐỈNH THÁI.

Thân kính.

Dick Hoyt và Rick Hoyt, hai cha con 66 tuổi và 44 tuổi, đang nổi tiếng hiện nay trên thế giới với cái tên ‘Đội Hoyt’ (Team Hoyt). Hai con người phi thường này đã lập nên những kỉ lục bất cứ vận động viên vĩ đại nào cũng phải thán phục. Nhưng trên hết đó là một câu chuyện về tình cha con, sự yêu thương và hy sinh vô bờ bến.

Một câu chuyện thật về tình yêu thương, niềm tin và hy vọng

Dick Hoyt đáng được tôn vinh là một người cha vĩ đại. Nếu ai đã trải qua cảm giác phải chăm sóc một người tật nguyền lâu năm, ắt sẽ thấy rằng không có một tình yêu nào có thể lớn hơn tình yêu của ông bố Hoyt với cậu con trai chưa sinh ra đời đã bị chẩn đoán mắc bệnh bại não (cerebral palsy), một loại bệnh tĩnh với các tổn thương não đã định hình khó có thể thay đổi.

Khởi đi từ bất hạnh

Năm 1962, Dick Holt đau xót nhìn đứa con trai chào đời trong tình trạng bị dây rốn quấn cổ và được chẩn đoán liệt não, sẽ phải sống như thực vật cả đời. Vì tình trạng đó, các bác sĩ khuyên vợ chồng Dick và Judy nên đưa con vào một trung tâm bảo trợ xã hội đặc biệt. Tuy nhiên, với lòng thương con vô bờ, Holt cha từ chối lời khuyên đó. Người cha trẻ mới 22 tuổi  để ý thấy đôi mắt của Rick, tên đứa con, biết hướng mắt nhìn theo ông khi ông di chuyển quanh phòng. Vì vậy Dick hy vọng và tin tưởng rằng Rick vẫn có thể suy nghĩ và nhận thức được mọi sự việc xảy ra chung quanh.

Thế rồi vợ chồng Dick tìm đủ mọi cách để giúp đứa con tham dự vào mọi sinh hoạt của gia đình. Khi làm bất cứ điều gì, họ cũng tâm niệm rằng Rick đang dõi theo và cố gắng nhận biết tất cả mọi việc, như bất cứ một đứa trẻ nào khác. Đôi vợ chồng nuôi dưỡng niềm tin một ngày con họ có thể giao tiếp được trong một chừng mực nào đó.

Họ đưa con đến những trung tâm phục hồi chức năng, đến cầu cạnh những nhà nghiên cứu y khoa, cho con tham gia vào tất cả các hoạt động gia đình, vui chơi trong vườn, giúp con tận hưởng niềm vui được bơi dưới nước mà đứa trẻ nào cũng khao khát hoặc đưa Rick đi cùng trong các kỳ nghỉ của gia đìn Nói cách khác, cặp vợ chồng trẻ Dick và Judy đối xử với Rick như đối xử với một đứa trẻ bình thường. Để làm được điều đó, họ phải hy sinh hầu như tất cả những thú vui trong đời, dành hết thì giờ bên Rick, tìm hiểu Rick và tiếp tục nuôi hy vọng.

Các bác sĩ, dù đã cố thuyết phục bố mẹ Rick rằng họ chẳng có chút hy vọng nào, dù có cố gắng đến đâu. Tuy nhiên, năm 11 tuổi, trong nỗ lực không thể tả được bằng lời, cha mẹ Rick đã thuyết phục các nhà khoa học Trường Đại học Tuft, bang Massachusetts kể cho Rick nghe một câu chuyện hài. Trước sự ngạc nhiên của họ, Rick đã cười. Các nhà khoa học thừa nhận rằng họ đã lầm, Rick vẫn nhận biết được thế giới sinh động quanh cậu và cậu rất muốn được tham gia và khám phá thế giới ấy.

Cuối cùng, người ta làm riêng cho Rick một chiếc máy tính đặc biệt, có thiết bị gắn vào đầu Rick, bộ phận duy nhất trên người cậu có thể cử động được đôi chút. Thiết bị này giúp Rick mã hóa những điều não cậu muốn nói và chuyển thành âm thanh điện tử. Điều đầu tiên mà cậu bé Rick nói với bố mẹ là một môn thể thao. Bậc phụ huynh đáng kính ấy giờ đây biết thêm một điều, niềm đam mê của con trai họ là thể thao.

Khi chiếc máy mang tên Hi vọng được gắn vào đầu Rick, cậu đồng thời được chấp nhận đến trường học. Cũng trong thời gian này, cậu bé bộc lộ niềm đam mê với môn điền kinh. Năm 1977, khi trường cậu bé có chương trình chạy marathon để quyên góp cho một học sinh bị tai nạn xe hơi, Rick đã nói với bố rằng: “Bố ơi, con muốn chạy để quyên tiền cho bạn ấy!”. Một nguồn tin khác cho biết Rick đã nảy ra cảm hứng muốn tham dự vào các cuộc chạy thể thao sau khi xem một bài báo. Dick, một trung tá thuộc Lực Lượng Vệ Binh Quốc Gia Hoa Kỳ, sửng sốt trước ý muốn bất ngờ hầu như không tưởng của đứa con 16 tuổi. Lòng ngập tràn vui mừng lẫn lo âu, người cha ôm con nói: “Được rồi con. Chúng ta sẽ chạy thi.” Thế rồi người cha 37 tuổi mà trước đó chưa hề chạy marathon bao giờ phải khổ luyện tập dợt để sẽ đẩy con chạy.

Thể hiện tình cha

Dick bắt đầu tập luyện chạy mỗi ngày với một bao xi măng đặt trong chiếc xe lăn thay cho trọng lượng của Rick vì Rick bận học ở trường. Dick đã có thể cải thiện sức khỏe của mình rất nhiều mà ngay cả khi đẩy con, ông đã có thể tạo được một kỷ lục cá nhân là 5km trong 17 phút.

Sau khi hai cha con kết thúc cuộc đua đầu tiên dài năm dặm, Rick mừng rỡ nói: “Thưa cha, khi chúng ta đang chạy, con cảm thấy như con không còn tật nguyền nữa.” Dù đang mệt muốn kiệt sức, Dick sung sướng rưng rưng nước mắt trước niềm vui của con.

Từ đó, vì niềm đam mê điền kinh và thể thao nói chung của đứa con tật nguyền, Dick cho con mượn thân xác để tham gia vào những cuộc thi triền miên được tổ chức tại nhiều nơi suốt năm trong và ngoài nước Mỹ với danh hiệu tham dự viên là “Team Holt”.

Năm 1984, Dick trở thành một vận động viên điền kinh nổi tiếng và được mời tham dự các cuộc thi ba môn phối hợp (bơi, đạp xe, chạy bộ). Đó vốn là cuộc thi dành cho những người có sức khỏe tốt và dẻo dai. Ban tổ chức muốn Dick tham gia và chỉ mình ông mà thôi, không có Rick. Ông từ chối. Năm kế tiếp, họ lại đưa ra lời mời tương tự, nhưng một lần nữa ông lại từ chối nếu không có con trai của mình cùng tham gia.

Dick nói với các nhà tổ chức, “Rick chính là lý do tôi tham gia các cuộc thi này; tôi không muốn thi đấu một mình. Rick là động lực thúc đẩy tôi. Hơn nữa, nếu không có Rick, tôi không biết phải làm gì với hai cánh tay của mình”. Sau khi miệt mài thiết kế cho con những phương tiện an toàn như ban tổ chức yêu cầu, đội Hoyt được tham gia và về đích trong số 50% những người về đầu.

Sau khi hoàn tất cuộc đua Boston Marathon lần thứ 15, cuộc đua mà họ đã bị từ chối vào năm 1981 khi lần đầu tiên đăng ký tham gia, họ đã được tôn vinh như những Anh hùng của nước Mỹ nhân kỷ niệm lần thứ 100 môn marathon.

Năm 2003, Dick bị một cơn trụy tim, tuy nhiên, bác sĩ cho biết chính tình trạng sức khỏe tốt nhờ tham gia thể thao thường xuyên đã cứu sống ông. Sau khi hồi phục, hai cha con Dick và Rick lại tiếp tục những cuộc đua mới. Dick vẫn khăng khăng rằng chính con trai mình mới là vận động viên điền kinh, chứ không phải ông. Dick nói: “Tôi không biết phải giải thích thế nào, nhưng mỗi khi đứng đằng sau chiếc xe lăn của con trai, tôi cảm thấy lâng lâng khó tả. Rick là cỗ máy hoạt động của cả hai chúng tôi. Tôi cho Rick mượn thân thể mình, nhưng chính tinh thần của Rick mới là động lực thúc đẩy chúng tôi tiến về phía trước”.

Thành tích 36 năm kiên trì

Mặc dù người ta nhìn thấy Dick và Rick Hoyt trên trường đua nhiều lần, nhưng không lần nào khán giả ngừng ngưỡng phục người cha đáng kính vừa chạy vừa đẩy con mình đang ngồi trong xe lăn, gò lưng đạp xe kéo theo một chiếc xe lăn lên dốc xuống đồi, hay vừa bơi vừa kéo đứa con tật nguyền.

Rick cũng đã chứng tỏ mình hơn cả một vận động viên “đặc biệt” khi lấy xong bằng tốt nghiệp Đại học Boston và trở thành người khuyết tật bại não đầu tiên tốt nghiệp đại học. Rick làm việc tại phòng thí nghiệm máy tính của trường, nơi anh có thể hỗ trợ phát triển một hệ thống giúp những người khuyết tật có thễ giao tiếp thông qua các cử động của đôi mắt. Rick nói: “Tôi đã chứng minh cho những người khuyết tật thấy rằng họ không nhất thiết phải suốt đời ngồi yên một chỗ và nhìn cuộc sống trôi qua trước mắt. Họ cũng có thể tới trường, có việc làm và tham gia vào các hoạt động hàng ngày trong xã hội”.

Tính đến hết năm 2009, Team Holt đã tham gia cả thảy 1.009 cuộc thi, trong đó có đủ các môn, từ marathon đến ba môn phối hợp và thậm chí cuộc chạy bộ vòng quanh nước Mỹ. Đội Holt luôn về đến đích trong các cuộc đua, có khi bỏ lại phía sau hơn một nửa số vận động viên khác và đôi lần về nhất.

Đội Hoyt được tôn vinh tên tuổi vào Viện Người Thép Danh Tiếng (Ionman Hall of Fame) vào năm 2008.

Tính đến tháng Tư năm 2013, hai cha con Hoyt đã tham dự tổng cộng 1,077 cuộc chạy gay go đòi hỏi sức chịu đựng bền bỉ, trong số đó gồm có 70 cuộc đua chạy việt dã (marathon) và sáu cuộc đua tam hợp Người Thép (Ionman triathlon). Họ đã tham dự cả thảy 30 lần trong giải Boston Marathon. Ngoài ra, để bổ sung vào danh sách những thành tựu của họ, năm 1992 cha con Dick và Rick đạp xe và chạy vòng quanh nước Mỹ, hoàn thành khoảng đường dài 3,735 dặm (6,011 km) trong 45 ngày.

Khi dự thi ba bộ môn thể thao phối hợp triathlon, Dick bơi với giây cột quanh eo để kéo Rick nằm trên một xuồng phao. Qua phần đua xe đạp, Rick ngồi phiá trước một chiếc xe đạp dọc được thiết kế đặc biệt. Đối với phần chạy bộ, Dick đẩy Rick ngồi trên xe lăn.

Năm  2013, Dick đã là một người già 73 tuổi và Rick đã 51 tuổi nhưng mãi mãi vẫn là một đứa con tật nguyền. Mỗi lần chuyển đổi giữa các bộ môn thi từ bơi sang đạp xe đạp, từ đạp xe đạp đổi qua chạy bộ, người cha già phải thao tác thật nhanh tự tay bồng con đặt vào ghế, nai nịch an toàn, xong tiếp tục cuộc thi. Xin mời xem đoạn phim thật cảm động dưới đây:

Click:  http://www.youtube.com/watch?v=QnN5bvVtVao.

Thú thật cùng quý Anh Chị, cứ mỗi lần xem đoạn video này, tôi không khỏi nghẹn lòng, phải ngưng gõ bàn phím chữ và ngồi thừ ra một lúc. Đây quả là một trong những đoạn video về tình cha  gây xúc động nhất.

Ngày nay, hai cha con Holt -hay nói cho đúng hơn là người cha Dick Holt đã già- mỗi năm dự đua ít hơn và dành thì giờ cho các cuộc nói chuyện trước công chúng nhiều hơn. Thuở bắt đầu sự nghiệp thể thao, họ tham gia 50 cuộc đua mỗi năm nhưng bây giờ chỉ nhắm mục tiêu tham dự còn khoảng phân nửa số lượng đó mỗi năm mà thôi. Holt cha cho biết chưa có ý định hoàn toàn rút lui các cuộc thi.

Ngày 08 tháng Tư năm 2013, một bức tượng đồng vinh danh cha con Hoyt đã được khánh thành gần khởi điểm của cuộc chạy đua Boston Marathon tại Hopkinton, Massachusetts.

Do vụ khủng bố đặt bom nổ ngày 15 tháng Tư, Đội Hoyt chưa kịp hoàn tất cuộc chạy đua Boston Marathon năm 2013. Lúc vụ nổ xảy ra, họ còn cách lằn mức đích khoảng một dặm và đã bị giới hữu trách cuộc đua chặn lại cùng với hàng ngàn vận động viên khác. Họ an toàn và được một người lái xe SUV ngang qua chở họ đến khách sạn Sheraton tạm trú.

Kết luận

Tình yêu vị tha thực sự giúp con người có được sức mạnh để làm những điều không tưởng. Sở dĩ ông Dick Hoyt có đủ kiên nhẫn và nghị lực trải qua tất cả những cuộc đua đầy thử thách là vì ông đã tìm thấy mục đích cao cả trong đời là đem lại niềm vui và hạnh phúc của con trai ông. Ông không muốn để cho con mình bị xem là người thừa trong xã hội. Ông muốn cho con tham gia vào các hoạt động xã hội để giúp con cảm thấy hạnh phúc.Vì lẽ đó, ông đã luôn cố gắng hơn bao giờ hết.

“Nếu trong tim ta có một tình yêu vô điều kiện, ta có thể tìm thấy cho mình một nguồn năng lượng to lớn để thực hiện những điều không tưởng. Ta có thể vượt qua những giới hạn của bản thân và chuyển hóa mọi giới hạn đó thành điều kỳ diệu.”

Khẩu hiệu của Đội Hoyt đó là “bạn có thế” và họ chính là sự minh chứng sống khẳng định bạn có thể khi bạn quyết định làm. Thông điệp của đội Hoyt đã làm rung động mọi người.

Dù có mang trên người những khiếm khuyết về mặt thể chất hay không đi chăng nữa, chúng ta có thể học được rất nhiều từ câu chuyện của họ, hãy cho ước mơ của chúng ta một hy vọng, một cơ hội thứ hai để sống mặc cho tuổi tác có như thế nào đi chăng nữa, và hãy nhìn thế giới một cách rộng mở hơn. Câu chuyện của Rick và Dick cũng khiến cho chúng ta phải suy nghĩ lại về những gì chúng ta cho rằng “không thể” cho tới giờ và hãy thử cố gắng hết sức một lần nữa xem.

Tóm tắt về thành quả giúp con vượt lên trên số phận, Dick Holt nói: “Tôi yêu gia đình và chỉ muốn trở thành một người cha tốt nhất trong khả năng của tôi. Chỉ cần có được niềm vui khi ở bên cạnh con, được tận hưởng những giây phút đó, chúng tôi sẽ tiếp tục vượt  qua được những khó khăn trở ngại phía trước”.

Qua 36 năm dài sống cho con và hy sinh cho con, ông quả xứng đáng là một trong những người cha tốt nhất thế giới.

Phan Hạnh sưu tầm.

BMH

Washington, D.C

Tình Cha Cho Con

Tình Cha Cho Con

Thu Oanh

Khi đặt bút viết về cha tôi, tôi thấy sao mà khó quá, bởi không biết nên bắt đầu từ đâu!

Tôi thấy văn, thơ, và nhạc ca ngợi về mẹ nhiều quá, nhưng văn, thơ và nhạc để ca ngợi tình phụ tử thì thật là hiếm hoi. Giải thích cho hiện tượng thiếu quân bằng này, có người nói bởi mẹ thì ngọt ngào và hiền dịu, nhưng cha thì lại khô khan, cứng ngắc… Cho nên thông thường văn thi sĩ không được giàu có với dòng tư tưởng và luồng cảm xúc, khi chuẩn bị đặt ngòi bút bắt đầu nắn nót trên giấy trắng những dòng chữ viết về cha.

Tôi thì không nghĩ như vậy, tôi không biết bắt đầu từ đâu khi viết về cha, là vì tôi có quá nhiều điều, nhiều kỷ niệm mà cha đã cho chị em tôi. Cha đã cho chị em tôi tình thương yêu, lời dạy bảo, và chính đời sống của cha đã trở thành một mẫu gương tốt cho chị em chúng tôi nhìn vào và sống theo như một ngọn hải đăng vươn cao dẫn lối cho những con thuyền nan bập bềnh trên sóng nước đại dương vào một ngày biển động.

Rất tiếc những ngày sống động và vui tươi đó giờ này đã qua mau!!!

Trước mặt tôi hiện bây giờ là một người ngồi ngơ ngẩn, đôi mắt đã mất hết sự tinh anh, tâm trí như đang ở một cõi vô định. Cha tôi đó! Cha tôi bây giờ như một cái bóng trong nhà với không ý niệm về thời gian và không gian. Ngày được bác sĩ báo cho biết cha tôi bị bệnh Mất Trí Nhớ, cả gia đình tôi bàng hoàng đau đớn. Tôi nhớ, ngày hôm đó, trong khi đang khám bệnh cho cha tôi, ông bác sĩ hỏi cha tôi một câu hỏi:

— Ông có bao giờ bị té nặng, đầu bị đập vào đâu, hoặc đau buồn chuyện chi hay không?

Cha tôi nhìn ông bác sĩ, yên lặng không nói chi. Nhưng tôi nhớ, vào lúc đó, tôi đã nhè nhẹ gật đầu hộ cho cha tôi, và tôi muốn hét to, hét lớn cho cả thiên hạ cùng nghe,

— Có, cha tôi đã từng té, cha tôi đã từng đau đứt ruột đứt gan bởi gia đình của cha tôi bị bỏ rơi lại sau một trận bão cuốn trôi cả một nửa nước Việt Nam …

Ngày đó…

Ngày mà cuộc chiến Nam Bắc tương tàn cuối cùng dẫn đến hỗn loạn với cảnh người sống, kẻ chết, chia lìa, tang tóc.

Ngày đó, ngày 30 tháng 4.

Ngày cha tôi bị bứt lìa khỏi gia đình, quê hương, bước chân lên tàu để lánh nạn cộng sản, bỏ lại sau lưng ông bà nội, mẹ và bảy chị em chúng tôi. Là trụ cột chính trong gia đình, giờ này lại bỏ đi, cha tôi đã lo âu cho cha mẹ già, vợ dại và con thơ! Rồi những ngày đầu tiên xa lạ trên đất khách quê người, cha tôi phải lao vào cuộc sống lạ với nhiều phương cách mưu sinh mới. Tiếng Anh thì cha tôi không biết nhiều, văn hóa xứ người thì xa lạ, lòng người của vùng trời xứ tuyết cũng lạnh băng như bão tuyết vào những ngày giữa đông… Nhiều lần cha tôi đã muốn quỵ ngã nơi xứ người, muốn buông xuôi bỏ cuộc. Nhưng rồi cha vẫn đứng dậy, bởi người biết bên kia cả một đại dương vẫn là một gia đình bị bỏ rớt lại với bảy đứa con, đứa lớn nhất mới mười bốn tuổi, thêm tôi thân gái èo uột yếu đuối.

Trước biến cố 75, bởi tôi bệnh tật, cha mẹ đã gởi tôi học tại trường của các Nữ Tử Bác Ái, Sài Gòn. Năm một lần, tôi được phép quay lại về nhà nghỉ hè. Tôi làm sao quên được lần đó, sau hai tháng nghỉ hè với gia đình tại Vũng Tàu, cha đưa tôi quay lại về trường. Hôm đó xe đò hành khách thả hai cha con xuống tại ngã tư Bẩy Hiền. Cha tôi vẫy tay đón xe xích lô về số 215 đường Hiền Vương của trường Nữ Tử Bác Ái. Đối với một người bình thường, đi bộ thì không bao xa, nhưng cha và tôi còn vác thêm cái valy quần áo của tôi nữa. Thấy vậy, ông xích lô đòi thật nhiều tiền cho một quãng xe ngắn. Thấy vậy, cha tôi nhỏ nhẹ cám ơn bác phu xe, rồi một tay cha bế tôi lên, một tay cha xách cái valy, vừa đi cha vừa thở nặng nhọc. Tới cửa trường, trước khi giao tôi cho các sơ, cha hôn lên trán tôi một cái hôn thiết tha, cười và nói,

— Thôi, con ở lại với các sơ, vâng lời sơ và học giỏi nghen, đầu tháng tới ba lên Sài Gòn thăm con.
Giọng cha lúc đó tự dưng chùng xuống, âm thanh nghẹn ngào làm cặp mắt tôi long lanh giọt vắn, giọt dài. Tôi không còn biết nói chi nữa, nhưng tự dưng nỗi cảm xúc dâng cao cuồn cuộn trong lòng. Tôi thương cha tôi quá!

Tôi nhớ, khi chị em tôi còn bé, nếu có thời gian rảnh rỗi, cha hay chơi đùa với chị em chúng tôi. Có khi cha bế đứa này trên tay, có khi cha cõng đứa kia trên lưng, còn không thì cha kiệu đứa khác trên cổ. Cha tôi còn có tài may quần áo, mà may quần áo đẹp lắm. Nào là áo đầm cổ tròn hình lá sen điểm nơ màu hồng, vải ren xếp tay phồng cho mấy đứa con gái. Nào là quần đùi ca rô cho thằng em trai tôi. Nào là áo bà ba vải lụa và quần tuyết nhung dành riêng cho mẹ tôi mặc. Mấy đứa bạn thấy tôi mặc áo đầm đẹp, cứ hay chạy theo hỏi,

— Ai may cho mày vậy?

Tôi ngẩng cao mặt, hãnh diện khoe,

— Ba tao may cho tao đó, chỉ cho một mình tao mà thôi.

Mỗi lần cha ngồi may, cha tôi ưa cất giọng hát, “Anh còn, còn có mỗi, mỗi cây đàn, anh đem là đem bán hết, anh theo là theo cô nàng, tình tính tang, là tang tính tình…” Vào những giây phút bất chợt đó, nếu có mẹ tôi xuất hiện đâu đó, thế nào bà cũng sẽ nguýt, lườm, và nói mát,

— Theo cô nàng là cô nàng nào?

Hình ảnh, lời ca, và hoạt cảnh giữa cha và mẹ tôi đã đi sâu vào tâm trí tôi thật sâu.

Cuối cùng, nhờ ơn trời cao, gia đình tôi cũng được đoàn tụ nơi đất khách quê người. Sau 15 năm xa cách, được gặp lại người cha của ngày xưa, mẹ và chị em chúng tôi rất vui mừng. Riêng tôi, có đôi lúc tôi thoáng lo sợ, bởi nghe nói trên vùng đất lạ, có rất nhiều người, sau khi bảo lãnh vợ con qua Mỹ, lại không chịu ở chung, nhưng bỏ đi để vui vầy duyên mới với vợ bé. Tôi chép miệng, mà cũng khó trách được họ, bởi nếu đặt mình vào trong hoàn cảnh của những ngày đầu tiên nơi đất khách quê người, ngày thì đến hãng, đến sở, đêm về lủi thủi một mình với ngày đông tháng giá. Đàn ông mà, làm sao họ có thể sống nổi với nỗi cô đơn trống trải. Vì thế, tôi biết có một vài người đàn ông nơi đất khách quê người đã âm thầm tự lên đường đi tìm cho riêng mình một sự ấm áp, một mái nhà khác mà quên đi tất cả trước đấy. Tôi lo lắng và hy vọng cha tôi sẽ là một ngoại lệ. Tôi cứ chờ, chờ mãi, và tạ ơn trời, tôi vẫn không thấy điều chi xảy đến cho mái ấm của gia đình tôi. Ngày lại ngày bóng của cha tôi vẫn đổ dài trên bốn bức tường của căn nhà thân quen. Sáng sớm tinh sương cũng như khi đêm tối buông màn, cha tôi vẫn như ngọn đèn hải đăng chiếu rọi sáng cả căn nhà thân thương ngọt ngào.

Ngày gặp cha, tôi vui mừng đến rơi nước mắt, bởi nhìn thấy cha to trông như ông Mỹ, cha đã cao sẵn nay cha mập ra nữa, nhìn hồng hào đẹp đẽ. Cha ôm từng đứa con, hôn lên má. Rất tiếc, bởi chúng tôi đã lớn hết rồi, nếu không, cha đã bế lên vai hay kiệu từ cổng của phi trường ra đến chỗ lấy xe.

Về đến nhà cha đã làm sẵn tiệc tùng mời mọi người đến chung vui ngày cha đón mẹ và chị em chúng tôi. Đời sống hạnh phúc tưởng là đã mất đi, nay lại tiếp nối nơi vùng trời Portland với bao nhiêu là sự dạy dỗ của cha. Cha luôn luôn nhắc nhở chúng tôi câu nói: “Các con hãy cẩn thận, đời nhiều cạm bẫy lắm!”. Có lần cha thấy em trai tôi hút thuốc, người nói: “Mới đầu một hai điếu không là gì, nhưng sau thành thói quen, rồi đi vào cần sa ma túy lúc nào không hay!”.

Rượu, trà và cà phê cha tôi không nghiền một thứ nào. Cha tôi ghét nhất lời nói tục tĩu cho nên trong nhà mọi người phải “chấp hành lệnh nghiêm chỉnh”. Tôi chỉ thấy một lần trong đời cha tôi lỡ miệng nói một câu nặng nề. Hôm đó gần ngày 30 tháng 4, khi nghe đài phát thanh tuyên bố ông Dương Văn Minh lên làm tổng thống, cha tôi bật miệng nói một câu với những lời khá cay chua!!!
Cha tôi ít nói. Có tiệc tùng hay nhậu nhẹt chi với các bác, các chú, về tới nhà, cha nói láo xáo vài câu tếu tếu rồi đi nghỉ, không rượu vào lời ra chửi mắng mẹ và chị em chúng tôi bao giờ.

Tôi cũng như chị em tôi đã học được nhiều nơi lòng đạo đức, tính nết hiền lành, và tinh thần tự lập của cha. Cha dậy chúng tôi phải biết thương người hoạn nạn và làm ăn liêm chính không gian dối. Người đã dậy cho chúng tôi tính tự lập, bởi người hay nói, “Sống thì phải sống như cây tùng, cây bách, không nên sống gởi gấm như loài cây tầm gửi”.

Trong ngày Lễ Từ Phụ năm nay, chị em chúng tôi lại về quây quần bên cha, tuy cha không còn biết chi nữa. Tôi luôn cầu mong cho cha được thêm tuổi thọ để chúng tôi phụng dưỡng cha, để người tiếp tục ngồi đó sáng sớm đêm khuya như một ngọn đèn hải đăng, mặc dù giờ này lửa đã bắt đầu nhạt nhòa, nhưng ngọn hải đăng vẫn sừng sững vươn cao trên nền bầu trời như là một điểm mốc cho chị em chúng tôi nhắm đến, nhìn vào, và tiếp tục đi tới.

Mỗi đêm thắp ngọn đèn trời,
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.

Thu Oanh

HY SINH CHO YÊU THƯƠNG TẠO HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH

HY SINH CHO YÊU THƯƠNG TẠO HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH
(Hạnh phúc gia đình)

Tuyết Mai

Không ai con cái Chúa lại không biết tên một Thánh nhân nữ có tên là Têrêsa Hài Đồng Giêsu là tiến sĩ của Hội Thánh.   Do hằng ngày ngài chỉ làm được những chuyện nhỏ bé như quét cái nhà, lượm cọng rác, giặt dũ, nấu ăn, khâu vá, chăm sóc một Sơ già bệnh tật khó tánh không ai chịu được, v.v… Thánh đã làm được tất cả chỉ vì lòng yêu mến và chỉ thế thôi mà ngài đã thành công và trọn hảo trong công việc ngày qua ngày, rất đẹp lòng Chúa trong suốt bao nhiêu năm ngài sống trong dòng kín.

Nếu ai trong chúng ta cũng bắt chước được như thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu thì chắc hẳn trong gia đình và trong xã hội của chúng ta sẽ thay đổi rất nhiều trong chiều hướng nên tốt lành và tốt đẹp hơn nhiều.   Ấy thử tưởng tượng nhà có đến 5 người xả rác mà không ai chịu lượm lên vứt đi thì chỉ cần 1 tuần lễ rác sẽ chất cao che hết lối đi, thưa có phải?.   Mà thật sự khi ta lượm rác của người có nghĩa ta phải có lòng yêu thương thì ta mới có thể làm được?.

Chẳng phải nói để phụ nữ chúng tôi kể công nhưng thực sự khi Thiên Chúa tác thành ra các phụ nữ thì đã được Chúa ban tặng cho một chức vị cao quý là được làm vợ và làm mẹ.   Đó là quán xuyến tất cả mọi công việc trong nhà cách hoàn hảo mà người nam không thể so sánh cho được.   Tuy dù chúng tôi cũng phải đi làm kiếm tiền bao nhiêu đó giờ như các ông.   Do đó xin Thiên Chúa luôn thêm sức cho các phụ nữ chúng tôi để hằng ngày gánh vác được tất cả mọi công việc từ ngoài nhà cho đến trong nhà mà các ông thường chẳng ai muốn động tay hay tự động mà làm bao giờ.

Càng nhiều năm làm vợ, làm mẹ thì thật bà nào cũng đáng được Thiên Chúa thưởng ban cho Nước Trời rồi.   Vì các bà đã sanh ra cho Thế Giới biết bao nhiêu Đức Giáo Hoàng, Tổng Thống của mọi dân nước và mọi đàn ông có mặt trên Trần Gian này.   Nên khuyên tất cả người cha, người chồng và anh em hãy biết thương mẹ và chị em gái của mình.   Hãy biết phụ một tay làm việc nhà để giờ cơm trưa, cơm chiều được cho đúng giờ.   Để mẹ và chị em gái được nghỉ ngơi, có chút giờ riêng trước khi lên giường ngủ.   Để đủ sức gánh vác tiếp công việc của ngày hôm sau.

Thường ít có anh trẻ nào lại có thể nghĩ được là sau này mình cũng sẽ làm bố của vài cô con gái.   Cũng sẽ phải tìm cho ra anh nào thật xứng đáng để gởi gắm con gái cưng của mình nhưng giờ thì đối xử rất tệ bạc với mẹ, với chị em gái của mình, nhất là người vợ yêu quý của mình là con gái cưng của nhà người ta … Mà các anh chỉ là người dưng nước lã.   Trong khi bố mẹ của tất cả các bà vợ ấy còn chưa nhận được một ngày trả hiếu, đáp đền công ơn dưỡng dục nay phải theo chồng về phục vụ cho cả một đại gia đình chồng.   Rồi coi con gái cưng nhà người ta chẳng ra gì cả.

Hy vọng các bà mẹ đã có quá nhiều kinh nghiệm làm dâu nhà người khuyên dạy con trai quý của mình biết trân trọng người phụ nữ và là bạn đời nhất là không cần phải tỏ lộ sự ghen tuông với vợ của chúng … Vì thưa rằng nếu chúng ta biết dạy dỗ con trai của mình từ tấm bé thì khi con trai chúng trưởng thành, lấy vợ thì chúng sẽ hiểu trách nhiệm và bổn phận đối với mẹ và vợ của chúng cách rõ ràng.

Quý lắm thay nếu chúng học được gương của bố đối với mẹ của chúng cách tốt đẹp và yêu thương từ ngay trong gia đình thì chúng hẳn sau này đến tuổi lập gia đình chúng sẽ trở thành người chồng Giuse gương mẫu, rất đẹp lòng Thiên Chúa.   Thì chuyện ly dị sẽ chỉ là có trong chuyện phim tiểu thuyết chớ không có thật.   Amen.

** Xin bấm vào mã số để hát:
https://www.youtube.com/watch?v=p93r3ru1jGs

(Bắt chước gương Thánh Giuse)

Y Tá của Chúa,
Tuyết Mai
06-10-15
———————————————–
** Bắt Chước Gương Thánh Giuse **
Ca Ngợi Thánh Cả Giuse 03-05-11

Người người sống trên thế trần
Ai chẳng mong được một lần sống đôi
Trai mê gái tuổi ô môi
Dáng người mảnh khảnh, đẹp ơi tóc thề!

Yêu nàng ngóng sáng trưa về
Theo sau cái dáng, bên lề đường thưa
Theo nàng chẳng kể ngày mưa
Ngày nào chẳng đón chẳng đưa anh buồn

Rất ít khi thấy em buồn
Em như sáo sậu tâm hồn trắng trong
Tiếng nói em nghe lảnh trong
Em ca nho nhỏ cho hồn anh vui

Tiếng hát em khi buồn vui
Anh mê tiếng hát anh vui trong lòng
Được theo em suốt năm ròng
Anh về nói mẹ, phải lòng với em

Đem trầu cau sang nhà em
Để anh xin được tay êm anh cầm
Anh nhớ mang cả chiếc trâm
Cài trên mái tóc anh thầm ước mơ

Con gái có nhiều mộng mơ
Mơ thành người lớn để cô kiếm chồng
Tìm chồng vừa bảnh vừa khôn
Tìm chồng là để gởi lòng gởi thân

Tìm chồng ước như Thánh Nhân
Yêu con yêu vợ, chuyên cần sớm hôm
Làm việc vì thương vợ con
Trách nhiệm, bổn phận, sống không vì mình

Làm nhiều, nói ít, dâng kinh
Đẹp lòng Thiên Chúa, thần linh cũng mừng
Thánh Giu-se là mẫu gương
Người chồng tuyệt đối ai hơn được ngài?

Xin cho chúng con năm dài
Được luôn bền đỗ tháng ngày thủy chung
Vợ ngoan cùng chồng hợp chung
Cả hai như một như cùng một thân

Quyết tâm giữ lấy chữ Chân
Chữ Tín phải giữ mới thành phu thê
Chồng giận thì vợ nói êm
Vợ giận chồng phải làm êm giúp lời

Không nên nói lớn để rồi
Lời ra tiếng lại người đời cười chê
Gia đình, phụ tử, phu thê
Trên nhường dưới nhịn đề huề sống vui

*** Để cảm tạ, ngợi khen, và tôn vinh Thiên Chúa là Cha chung của tất cả chúng ta, tôi chân thành mời anh chị em hãy dùng những bài hát của tôi để hát, đem đến tận phương trời xa, để làm Sáng Danh Thiên Chúa.

HIỀN PHỤ

HIỀN PHỤ

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Tình cha núi thái cao vời,
Trao duyên kết nối, ơn trời phú ban.
Tình yêu đắp đổi nồng nàn,
Cha trao mẹ đón, muôn vàn yêu thương.

Đời con có chỗ tựa nương,
Mẹ cha sinh dưỡng, bên giường ấm êm.
Mỏi mòn canh thức từng đêm,
Say mê giấc ngủ, êm đềm bên cha.

Vững chân cột trụ mái nhà
Vòng tay ấm áp, hải hà dấu yêu.
Ơn cha nghĩa mẹ cao siêu,
Một đời chung thủy, thiên triều khắc ghi,

Dù cho gian khó lo chi,
Lao công vất vả, cũng vì đàn con.
Tình cha duyên mẹ sắt son,
Cha nâng mẹ đỡ, vuông tròn thánh gia.

Xứng danh tiếng gọi là cha,
Thiện tâm công đức, ngợi ca rạng ngời.
Mừng ngày Hiền Phụ, cha ơi,
Tạ ơn Thiên Chúa, muôn đời chúc khen.

Ngày Hiền Phụ (Father’s Day), dân nước Hoa Kỳ dành ngày Chúa Nhật thứ ba của tháng Sáu để đặc biệt tôn vinh các người cha.

Thật là sung sướng khi được sống trong tổ ấm gia đình có mẹ có cha. Cha là cột trụ, mẹ là mái che. Mẹ cha, thuận vợ thuận chồng thì con cái được ấp ủ trong yêu thương đùm bọc. Một gia đình lý tưởng gồm ba thành viên: Cha, mẹ và con cái. Con cái là hoa quả của tình yêu. Sự liên kết giữa cha mẹ và con cái tạo nên một thế vững chân kiềng. Tình yêu được thăng hoa, trao đổi và thánh hóa nên hoàn thiện.

Hôm nay chúng ta tôn vinh tất cả những người làm cha. Được gọi là ‘cha’ là một đặc ân tuyệt vời. Tiếng gọi ba ơi, cha ơi, thầy ơi, daddy ơi và tía ơi… nghe thật là thân thương trìu mến. Con cái rất quý mến và tôn trọng cha. Trong đời sống, chúng ta biết có rất nhiều người cha gương mẫu, biết chu toàn bổn phận, chăm lo và gầy dựng cho đời sống gia đình, yêu vợ thương con. Mong là ‘Cha mẹ hiền lành để đức cho con’. Các người cha đôi khi cũng nên tự vấn rằng mình đã sống đúng tư cách của một người cha hay chưa? Vì có rất nhiều người cha đã đang sa đà rơi vào nghiện ngập, bài bạc, hút sách, si tình, bỏ bê vợ con, ăn chơi trác táng và chỉ lo tìm thỏa mãn cuộc sống riêng tư. Con cái sẽ bị nhiễm độc: ‘Đời cha ăn mặn, đời con khát nước’ hay lại ‘cha nào con nấy’.

Hiện hữu trên đời, ai cũng có một người cha ruột thịt. Chúng ta biết rằng không phải tất cả mọi người cha đều tốt và hoàn thành trách nhiệm của mình. Kinh nghiệm cuộc sống xã hội hôm nay cho chúng ta thấy đang có quá nhiều đổi thay trong quan niệm sống. Ảnh hưởng của cá nhân chủ nghĩa và tục hóa hưởng thụ, đã có biết bao gia đình đang phải sống trong cảnh đổ vỡ chia xa. Đời sống hôn nhân gia đình bị rơi vào sự bế tắc và khủng hoảng. Có rất nhiều gia đình, mẹ đóng hai vai và không cần bóng dáng đàn ông. Dần dần, chỗ đứng của người cha trong gia đình không còn là trụ và là nóc nữa. Người ta thường nói: ‘Con có cha như nhà có nóc’. Có nguy cơ lỗi thời!

Tiếng ‘CHA, DADDY’ rất là cao đẹp. Cha là thần tượng của con cái. Cuộc sống dài hay ngắn không quan trọng. Mỗi người cha hãy cố gắng sống với danh hiệu ‘cha’ của mình. Dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta đều có cơ hội nên tốt, làm tốt và sống tốt hơn. Không có khi nào trễ, nếu chúng ta biết bắt lại từ đầu. Quay đầu là bờ. Tôi xin chia sẻ một câu truyện nhỏ. Con cái của chúng ta tuy nhỏ bé nhưng luôn ngưỡng mộ những người cha biết lo cho gia đình. Vai trò người của cha trong đời sống gia đình quan trọng hơn bao giờ hết. Nó đòi hỏi một sự hy sinh, nhiệt tình và hướng thiện.

Truyện kể: Cô bé đứng bên một đám đông, trong khi ba của cô trình bày về một sự thật việc Chúa Giêsu đã đánh động thay đổi đời sống của ông. Ông đang minh chứng làm thế nào mà Chúa đã cứu và giải thoát ông khỏi lối sống cũ như một tay nghiện ngập. Hôm đó, có một người hay chỉ trích cũng đứng trong đám đông. Ông ta không thể chịu nổi khi nghe những chứng cứ về tôn giáo vô nghĩa này. Nên ông la to:“Tại sao ông già dịch không câm miệng và ngồi xuống. Ông chỉ đang mơ màng”.

Bất chợt, ông đa nghi này cảm thấy có cái gì đang níu kéo tay áo của ông. Ông ta nhìn xuống và thấy một cô bé. Cô bé nhìn ông ngạc nhiên trong khóe mắt và nói: “Thưa ông, đó là ba của cháu mà ông đang nói tới đó. Ông đã nói rằng ba cháu là người mơ mộng phải không? Để cháu kể về ba của cháu. Ba của cháu là một tay nghiện và mỗi đêm khi trở về nhà, ba đã đánh đập mẹ của cháu. Mẹ khóc suốt đêm. Và thưa ông, chúng cháu thường không có quần áo tốt để mặc, vì ba cháu tiêu xài và trả tiền rượu whiskey hểt rồi. Đôi khi, cháu không có giầy để mang khi đến trường. Nhưng bác nhìn nè, đây là giầy mới và quần áo mới! Bây giờ ba cháu đã có công việc tốt”. Cô bé chỉ qua phía bên kia và nói: “Bác có thấy người đàn bà đang mỉm cười kia không? Mẹ của cháu đó! Mẹ không còn khóc qua đêm nữa. Bây giờ mẹ vui lắm! Rồi cô bé nắm tay xác tín. Cô bé nói: Chúa Giêsu đã làm thay đổi đời ba cháu. Chúa Giêsu đã đổi thay gia đình của cháu. Thưa ông, nếu ba của cháu đang mơ mộng, xin ông đừng đánh thức ba cháu dậy.”

Những người cha như là những mắt xích nối kết truyền gieo sự sống đời này qua đời khác. Cha là dụng cụ Thiên Chúa đã quan phòng sắp đặt để sự sống được nối dài. Cha đã cộng tác vào công trình sáng tạo và hoàn thành sứ mệnh. Một sứ vụ cao cả và nhiệm mầu. Cám ơn cha đã truyền cho con sự sống.

Chúng con cũng biết ơn và tôn vinh tất cả những ai mang danh hiệu là cha, cha tinh thần, cha đỡ đầu, cha linh hướng và cha nuôi… Xin dâng lời tạ ơn Thiên Chúa. Cầu xin cho các người Cha được chu toàn bổn phận, trách nhiệm và nêu gương sáng cho lũ cháu đàn con. Xin Thánh Cả Giuse là mẫu gương của sự khiêm nhường, nhịn nhục và đơn sơ thánh thiện phù trợ và bảo vệ. Xin Thiên Chúa gìn giữ và chúc phúc lành cho tất cả các người cha đang hiện diện với chúng con đây.

Chúng con cũng nài xin lòng nhân lành Chúa đón nhận tất cả các linh hồn những người cha đã qua đời, được vào nơi hằng sống hưởng phúc trường sinh. Amen.

“Gia đình là gì?”

“Gia đình là gì?”

Người Mỹ đã dùng danh từ FAMILY trong khi người Việt chúng ta gọi là GIA ĐÌNH. Mời bạn đọc một mẫu chuyện dưới đây để tìm hiểu giá trị của Family như thế nào nhé. FAMILY là gì?

Tôi va phải một người lạ trên phố khi người này đi qua. “Ồ xin lỗi”, tôi nói.

Người kia trả lời: “Cũng xin thứ lỗi cho tôi, tôi đã không nhìn cô” . Chúng tôi rất lịch sự với nhau.

Nhưng ở nhà thì mọi chuyện lại khác. Tối nọ, lúc tôi đang nấu bếp thì cậu con trai đến đứng sau lưng. Tôi quay người và đụng vào thằng bé làm nó ngã chúi xuống sàn nhà. ”Tránh ra chỗ khác” – tôi cau mày nói. Con trai tôi bước đi, trái tim bé nhỏ của nó vỡ tan. Tôi đã không nhận ra là mình đã quá nóng nảy

Khi đã lên giường, tôi nghe một giọng nói thì thầm: “Khi đối xử với người lạ con rất lịch sự, nhưng với con mình con đã không làm như vậy. Hãy đến tìm trên sàn nhà bếp, có những bông hoa đang nằm ở cửa. Đó là những bông hoa mà con trai con đã mang đến cho con. Tự nó hái lấy những bông hoa này: nào hoa hồng, màu vàng và cả màu xanh. Nó đã yên lặng đứng đó để mang lại cho con điều ngạc nhiên, còn con thì không bao giờ thấy những giọt nước mắt đã chảy đẫm lên trái tim bé nhỏ của nó”.

Lúc này thì tôi bật khóc. Tôi lặng lẽ đến bên giường con trai và quì xuống: “Dậy đi, con trai bé nhỏ, dậy đi. Có phải những bông hoa này con hái cho mẹ không?”. Thằng bé mỉm cười: “Con tìm thấy chúng ở trên cây kia. Con hái cho mẹ vì chúng đẹp như mẹ. Con biết là mẹ thích lắm, đặc biệt là bông hoa màu xanh”.

Thế bạn có biết từ family có nghĩa là gì không?

FAMILY = Father And Mother, I Love You

Bạn có cảm động không khi đọc xong mẫu chuyện nói trên? Chắc hẵn là phải có rồi. Tôi nghĩ thế! Mời bạn đọc thêm một câu chuyện có thật khá cảm động khác dưới đây:

Một người đàn ông, trong lúc đang chùi cho láng chiếc xe hơi của anh ta, đứa con trai 4 tuổi của anh ta nhặt một hòn đá và rạch vào bên hông xe.Trong cơn tức giận, anh ta chụp lấy tay đứa con trai và đánh vào tay nó nhiều lần mà không nhận ra rằng anh ta đang đánh bằng cái mỏ lết

Tại bệnh viện, đứa bé mất hết các ngón tay vì xương thịt dập nát. Khi đứa trẻ thấy bố nó… Với đôi mắt đau buồn, nó hỏi: “Bố ơi các ngón tay con đâu rồi?”. Anh ta rất đau lòng, không nói nên lời và trở lại bên xe, đá vào chiếc xe nhiều lần.

Suy sụp bởi hành động vô ý thức của mình…., ngồi trước chiếc xe hơi, anh ta nhìn vào vết xước trên hông xe….. thằng bé đã viết: “Con Yêu Bố, bố ơi!”. Ngày hôm sau, người đàn ông tự tử…

Giận dữ và yêu thương không có giới hạn, hãy chọn YÊU THƯƠNG để có một cuộc sống xinh tươi và đẹp đẽ.

Đồ vật được sản xuất để XỬ DỤNG và con người được thọ tạo để YÊU THƯƠNG….

Vấn nạn của một phần thế giới hôm nay lại là…. Con người bị XỬ DỤNG còn đồ vật thì được YÊU THƯƠNG !!!

Chị Nguyễn Kim Bằng gởi

BÀI GIÁO LÝ CỦA ĐTC PHANXICÔ VỀ GIA ĐÌNH VÀ SỰ NGHÈO KHỔ

BÀI GIÁO LÝ CỦA ĐTC PHANXICÔ VỀ GIA ĐÌNH VÀ SỰ NGHÈO KHỔ

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

“Hội Thánh là mẹ, và không được quên được thảm cảnh này của con cái mình.  Chính Hội Thánh cũng phải nghèo, để trở nên hiệu quả và đáp ứng với đau khổ lớn lao như thế.  Một Hội Thánh nghèo là một Hội Thánh tự nguyện thực hành sự đơn giản trong cuộc sống của mình – trong các cơ cấu của mình, trong cách sống của các thành viên của mình – để đạp đổ mọi bức tường ngăn cách, đặc biệt là với người nghèo.”

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô được ban hành ngày 3 tháng 6 năm 2015 trong buổi Triều Yết Chung tại Quảng Trường Thánh Phêrô.  Hôm nay ĐTC tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về Gia Đình.  Ngài giải thích về tầm quan trọng của việc giúp đỡ các Gia Đình Nghèo.

* * *

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong ngày thứ tư này, chúng ta suy nghĩ về gia đình và tiếp tục vấn đề này, suy nghĩ về gia đình.  Giờ đây chúng ta bắt đầu bài giáo lý với sự suy tư để cân nhắc về tính dễ bị tổn thương của các gia đình trong các điều kiện sống mà họ đang bị thử thách.  Các gia đình đang bị thử thách về rất nhiều vấn đề.

Một trong những thử thách này là sự nghèo khổ.  Chúng ta hãy nghĩ đến rất nhiều gia đình đang sinh sống ở các vùng ngoại ô của các thành phố lớn, mà cũng nghĩ đến các vùng nông thôn…  Có biết bao đau khổ, biết bao tồi tệ!  Và rồi, để làm cho vấn đề thêm trầm trọng, ở một số nơi còn xảy ra chiến tranh.  Chiến tranh luôn luôn là một điều khủng khiếp.  Nó cũng đặc biệt ảnh hưởng đến thường dân và các gia đình.  Quả thật, chiến tranh là “mẹ của mọi sự nghèo khổ”, chiến tranh bần cùng hoá gia đình, một dã thú lớn cướp đi sự sống, linh hồn, những cảm giác thánh thiêng nhất và những người thân yêu nhất.

Bất chấp tất cả những điều ấy, có nhiều gia đình nghèo mà vẫn cố gắng sống xứng đáng với nhân phẩm trong cuộc sống hàng ngày của mình, thường thì bằng cách công khai tín thác vào phúc lành của Thiên Chúa.  Tuy nhiên, chúng ta không được dùng bài học này để biện minh cho sự thờ ơ của mình, mà nó phải làm cho chúng ta thêm xấu hổ về thực tại là có quá nhiều nghèo khổ!  Hầu như là một phép lạ khi ngay cả trong cảnh nghèo đói mà các gia đình vẫn tiếp tục hình thành, và thậm chí, khả dĩ để bảo tồn tính nhân bản đặc biệt trong những mối liên hệ của nó.  Thực tại này làm cho những người soạn thảo kế hoạch an sinh phải bực bội vì họ coi tình cảm, việc sinh sản con cái và những liên hệ gia đình như những điều thứ yếu so với phẩm chất của đời sống.  Họ chẳng hiểu gì cả!  Trái lại, chúng ta nên quỳ xuống trước những gia đình này, là những trường học thật sự của nhân loại, họ cứu xã hội khỏi cảnh dã man.

Thực ra, chúng ta còn lại gì nếu chúng ta đầu hàng thư hăm doạ tống tiền của Caesar và Ma Môn, bạo lực và tiền bạc, mà cũng chối từ tình cảm gia đình?  Một nền đạo đức dân sự mới sẽ chỉ có thể đến khi những người có trách nhiệm về đời sống công cộng xắp đặt lại những liên hệ xã hội bắt đầu từ cuộc chiến chống lại tình trạng xoắn quyện éo le giữa gia đình và sự nghèo đói, là điều đưa chúng ta xuống vực thẳm.

Nền kinh tế ngày nay thường chuyên chú vào việc hưởng thụ hạnh phúc cá nhân, nhưng rộng rãi thực hành việc khai thác các mối liên hệ gia đình.  Đó là một mâu thuẫn nghiêm trọng!  Đương nhiên là những công việc bao la của gia đình không được liệt kê trong bản báo cáo tài chính!  Thật vậy, nền kinh tế và chính trị rất keo kiệt với những giải thưởng trong lĩnh vực này.  Tuy nhiên, việc đào luyện bên trong của con người và sự chuyển động của tình cảm trong xã hội có trụ cột của chúng ngay ở đó.  Nếu mất nó, thì tất cả mọi sự đều sụp đổ.

Đó không chỉ là vấn đề cơm bánh.  Chúng ta nói về công ăn việc làm, chúng ta nói về việc giáo dục, chúng ta nói về việc chăm sóc sức khỏe.  Thật quan trọng để hiểu điều này.  Chúng ta luôn luôn rất xúc động khi thấy hình ảnh các trẻ em thiếu ăn và bệnh tật ở rất nhiều nơi trên thế giới được chỉ cho chúng ta.  Đồng thời, chúng ta xúc động trước những cặp mắt lấp lánh của nhiều trẻ em, tuy thiếu thốn đủ mọi thứ, ở trong những trường học không có gì, khi chúng hãnh diện khoe những cây bút chì và tập vở của chúng.  Và cách chúng nhìn cô giáo hoặc thầy giáo của chúng thật trìu mến ra sao!  Thực sự, các trẻ em biết rằng người ta không chỉ sống bằng cơm bánh!  Nhưng cả những tình thương trong gia đình; khi có sự khốn cùng, các trẻ em đau khổ vì chúng muốn tình yêu và các liên hệ gia đình.

Là Kitô hữu, chúng ta phải gần gũi hơn với những gia đình đang bị nghèo đói thử thách.  Nhưng anh chị em có nghĩ rằng tất tất cả anh chị em đều biết có một gia đình nào: người cha đang thất nghiệp, người mẹ không có việc làm… và gia đình đang đau khổ, mối liên gia đình đang bị suy yếu.  Điều này xấu.  Thực ra, những đau khổ xã hội ảnh hưởng đến gia đình và đôi khi phá huỷ nó.  Việc thiếu hoặc mất việc làm, hoặc sự rất bấp bênh của nó, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến gia đình, chồng chất một thử thách nặng nề lên trên các mối liên hệ.  Các điều kiện sống trong các khu phố nghèo nàn nhất, với những vấn đề gia cư và giao thông, cũng như việc giảm bớt các dịch vụ xã hội, y tế và giáo dục, tạo thêm những khó khăn.  Thêm vào những yếu tố vật chất này là những thiệt hại gây ra cho gia đình bởi các kiểu mẫu giả dối, được phổ biến bởi các phương tiện truyền thông, dựa trên chủ nghĩa tiêu thụ và việc tôn thờ vẻ bề ngoài, ảnh hưởng đến các tầng lớp xã hội nghèo nhất và gia tăng sự tan rã của các liên hệ gia đình.  Hãy chăm sóc cho các gia đình, chữa lành những đau khổ, khi sự khốn cùng thử thách gia đình!

Hội Thánh là mẹ, và không được quên được thảm cảnh này của con cái mình.  Chính Hội Thánh cũng phải nghèo, để trở nên hiệu quả và đáp ứng với đau khổ lớn lao như thế.  Một Hội Thánh nghèo là một Hội Thánh tự nguyện thực hành sự đơn giản trong cuộc sống của mình – trong các cơ cấu của mình, trong cách sống của các thành viên của mình – để đạp đổ mọi bức tường ngăn cách, đặc biệt là với người nghèo.  Phải cầu nguyện và hành động. Chúng ta hãy nhiệt thành cầu nguyện với Chúa, để Người lay động chúng ta, biến gia đình Kitô hữu của chúng ta thành những tác nhân chính của cuộc cách mạng gần gũi gia đình này, mà giờ đây quá cần thiết!  Chính sự gần gũi này của gia đình, ngay từ thủa ban đầu, đã làm thành Hội Thánh.  Và chúng ta đừng quên rằng sự phán xét của những người túng thiếu, những người bé nhỏ và người những nghèo tiên liệu sự phán xét của Thiên Chúa (x. Mt 25:31-46).  Chúng ta đừng quên điều này và hãy làm tất cả mọi sự có thể để giúp các gia đình tiến bước trong cuộc thử thách của nghèo đói và khốn khổ, là điều ảnh hưởng đến tình cảm và các liên hệ gia đình.  Tôi muốn đọc lại bản văn Thánh Kinh mà chúng ta đã nghe lúc đầu và mỗi người trong chúng ta hãy nghĩ đến những gia đình đang bị thử thách bởi đau khổ và nghèo đói, Thánh Kinh nói: “Con ơi, đừng chối từ người nghèo những gì họ cần cho cuộc sống, đừng thờ ơ với cái nhìn của người túng thiếu.  Đừng làm cho kẻ đói phải buồn lòng, đừng chọc giận ai khi họ gặp bước khó khăn.  Đừng làm phiền một tâm hồn đang bực bội, đừng chối từ quà tặng cho kẻ nghèo.  Đừng từ chối lời nài xin của kẻ khốn cùng, đừng ngoảnh mặt đi khi gặp người nghèo khó.  Ai xin con thì đừng lơ mắt, chớ làm cớ cho người ấy nguyền rủa mình.” (HC 4:1-5a).  Bởi vì đó là điều Chúa sẽ làm – như nói trong Tin Mừng – nếu chúng ta không làm những điều này.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

http://giaoly.org/vn/

Nguyên bản: http://w2.vatican.va/content/francesco/it/audiences/2015/documents/papa-francesco_20150603_udienza-generale.html.

Hạnh Phúc Gia Đình

Hạnh Phúc Gia Đình

Giuse Thẩm Nguyễn

Gia đình là cơ cầu nền tảng của Giáo Hội và xã hội, vì thế gia đình có một vị trí rất quan trọng trong việc đào luyện và cung cấp cho Giáo Hội và xã hội những thành viên ưu tú trong tương lai.

Ý niệm về gia đình đã bị bóp méo khi mà có sự cho phép hôn nhân giữa hai người cùng phái. Danh từ vợ chồng thân thương đã bị thay thế bằng bên A và bên B trong một hợp đồng sống chung. Gia đình kiểu này không đáp ứng mục đích của gia đình lúc ban đầu là ” hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất…”(ST 1,28). Hai anh đực hay hai chị cái sống với nhau như vợ chồng thì làm sao có con được, có chăng là sự vay mượn, lấp liếm điền vào chỗ trống qua việc nhận con nuôi… mong thỏa mãn nỗi khát khao được làm cha mẹ.

Đó là cái nhìn về gia đình hiện nay mà xã hội chúng ta phải đối diện. Nhưng trong phạm vi chia sẻ cảm nghĩ về gia đình, tôi xin thu hẹp cái nhìn của mình vào gia đình, một gia đình Công Giáo mà thôi.

Tôi đã có dịp tham gia các cuộc hội thảo về gia đình. Buổi hội thảo nào cũng rất hay, cũng hữu ích cho các cặp hôn nhân. Các diễn giả trình bày về tâm lý người nam, tâm lý người nữ, cách giáo dục con cái, nhưng tôi có cảm tưởng là họ thiếu tâm lý Giê-su. Khoa tâm lý chỉ đưa ra cách giải quyết cái ngọn trong khi cội nguồn của hạnh phúc là chính Đấng Tạo Hóa thì bị quên lãng. Người ta chỉ có thể đem áp dụng kiến thức hôn nhân gia đình khi chúng ta có tình yêu nơi Chúa Giê-su. Vì Chúa là tình yêu, cho nên ta không yêu Chúa là Đấng Tạo Hóa thì ta không có khả năng yêu con người, một thụ tạo bằng tình yêu chân thật được. Do vậy mà tham gia hội thảo hoài, học hỏi mãi mà gia đình vẫn không có hạnh phúc?

Có lẽ những lý thuyết về tâm sinh lý, cách cư xử, điều nên làm, việc cần tránh… để có hạnh phúc thì ai cũng biết, nhưng từ cái biết, cái kiến thức đến việc thực hành có vẻ như rất xa. Các nhà tâm lý có câu “Con đường dài nhất của thế giới là con đường 18 inches từ cái đầu đến trái tim của bạn” hay là “ Khả năng biến đổi từ sự hiểu biết đến hành động là một quá trình vô cùng khó khan”. Vâng quả là khó khăn lắm đến nỗi có chuyện ngược đời là một nhà tâm lý kia khi thao thao thuyết giảng về cách bảo vệ hạnh phúc gia đình thì ông ta đang chờ ngày ra tòa ly dị vợ mình.!

Thật ra chúng ta chỉ có khả năng biến đổi, nhất là biến đổi mình để được yêu thương hơn, hạnh phúc hơn nơi Chúa Giê-su.

Là người Công Giáo, chúng ta biết rằng Giáo Hội khuyên chúng ta học hỏi và noi gương mẫu của gia đình Narazeth. Trong các lễ cưới, cha chủ tế thường hay lấy hình ảnh Thánh Gia làm khuôn mẫu cho đôi tân hôn. Vậy gia đình Thánh Giuse, Mẹ Maria, Chúa Giê-su có những bí quyết gì để chúng ta học hỏi.

Trong thời Thánh Giuse chắc là chưa có các nhà chuyên môn về tâm sinh lý, chưa có các chuyên viên về gia đình, chưa có sách học bí quyết sống hạnh phúc gia đình. Vậy thì trong hoàn cảnh đó gia đình Narazeth, tôi nghĩ sẽ không rành về tâm sinh lý, sẽ không đọc sách dạy khôn chuyện gia đình, sẽ không tham gia hội thảo như bây giờ.

Bởi đâu mà gia đình Thánh Gia hạnh phúc và nêu gương mẫu cho chúng ta. Trả lời của tôi cho câu hỏi này không biết đến từ đâu, có thể từ Kinh Thánh, từ lời dạy của Giáo Hội, từ những kinh nghiệm thực tế của cuộc sống? Nhưng tôi cảm nhận được rằng:

Gia đình Thánh Gia hạnh phúc vì có Chúa Giê-su hiện diện. Chính Chúa là nguồn yêu thương, chính Chúa là cội rễ của mọi nguồn an vui hạnh phúc. Chúng ta không tìm được hạnh phúc nơi gia đình vì gia đình mình vắng bóng Chúa Giê-su.

Vì không có Chúa nên gia đình luôn bất an tựa như con thuyền mong manh tròng trành, nhấp nhô giữa sóng đời. Tính ích kỷ, thói ghen tuông, lòng tham lam đố kỵ làm rạn nứt mối quan hệ gia đình. Sự thiếu cảm thông, thiếu hy sinh, thiếu quan tâm, thiếu tôn trọng đào sâu thêm những rạn nứt càng ngày càng trầm trọng hơn và hậu quả tất yếu là gia đình thành bãi chiến trường: những cuộc khẩu chiến, những thắng, thua, hơn, thiệt, chán nản, ngoại tình, hận thù và tan vỡ.

Khi chúng ta dọn đến một căn nhà mới, người Công Giáo thường mời linh mục đến làm phép nhà rồi sau đó là tiệc mừng. Nhưng làm phép nhà để làm gì? Phải chăng làm phép nhà là mời Chúa vào ở với mình? Khi có Chúa hiện diện, chúng ta sẽ dễ dàng nhìn nhau bằng ánh mắt yêu thương, sẽ ngọt ngào trong cách cư xử, sẽ nhận ra nhu cầu của người khác, sẽ biết cho đi hơn là nhận. Không những chúng ta cần Chúa hiện diện trong căn nhà mình đang sống (house), mà chúng ta cũng cần Chúa hiện diện nơi gia đình (home), nơi tâm hồn của mỗi thành viên trong gia đình. Ý thức về sự hiện diện của Chúa giúp chúng ta rất nhiều trong việc biến đổi cách sống mỗi ngày.

Gia đình Thánh Gia hạnh phúc vì có một gia trưởng là Thánh Giuse, một người công chính. Người công chính là người luôn trung thành thờ phượng Thiên Chúa, luôn tìm kiếm và thực thi theo ý muốn của Thiên Chúa. Khi biết mẹ Maria có thai, không phải là con của mình, Thánh Giuse không điên tiết, ghen tuông, hành động cục cằn thô lỗ, mà ngài âm thầm tìm hiểu sự thật qua cầu nguyện, lắng nghe ý Chúa. Ngài nghĩ tốt về Mẹ Maria, về người bạn trăm năm của mình. Khi được Thiên Thần báo mộng, Thánh Giuse chấp nhận và làm theo ý Chúa. Ngài làm thợ mộc để nuôi vợ là Maria và con là Chúa Giê-su. Ngài kiếm tiền bằng sức lao động của mình và dạy con bằng chính đời sống của mình.

Gia đình Thánh Gia hạnh phúc vì có người vợ, người mẹ dịu hiền và khiêm nhường là Mẹ Maria, một phụ nữ được Thiên Chúa chúc phúc. Mẹ Maria là một người mẹ can đảm,sẵn sàng chấp nhận hy sinh và thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Mẹ Maria phục tùng chồng là Thánh Giuse và cậy dựa vào sự bao bọc của chồng. Nơi Mẹ toát ra sư yêu thương ngọt ngào làm cho Thánh Giuse quên hết sự vất vả lao động hằng ngày. Mẹ không than trách, không nhiều lời trước những biến cố trong gia đình.. Mẹ giữ lấy trong lòng những biến cố buồn vui ấy và gói ghém như món quà dâng lên Chúa.

Trong phúc âm, Chúa Giê-su đã nhiều lần nhắc đến việc Ngài đến thế gian để làm theo ý Chúa Cha. “vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6,38).Trong hôn nhân, Thánh Giuse cũng luôn tìm hiểu và làm theo ý Chúa. Mẹ Maria cũng luôn chấp nhận và làm theo ý Chúa. Trong cuộc sống gia đình, để có được hạnh phúc chúng ta cũng phải tìm kiếm, chấp nhận và làm theo ý Chúa như trong Kinh Lạy Cha “Xin cho ý­­ Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Làm theo ý Chúa thì sẽ đẹp ý chồng, trong ý vợ, được ý con.

Quả thật, Giáo Hội đã rất khôn ngoan khi dạy con cái mình noi theo gương mẫu Thánh Gia để xây dựng hạnh phúc gia đình. Thiên Chúa là cha yêu thương sẽ ban cho chúng ta mái gia đình hạnh phúc nếu chúng ta biết mở lòng đón Chúa ngự vào. Người làm chồng hãy sống như Giuse, người làm vợ hãy sống như Mẹ Maria, người làm con hãy sống như Chúa Giê-su. Hạnh phúc gia đình nằm trong tầm tay, chúng ta chỉ cần giơ tay đón lấy.

Lạy Thánh Gia xin nâng đỡ và bảo vệ hạnh phúc gia đình chúng con. Amen

Má tôi, vài tâm tình và lòng biết ơn.

Má tôi, vài tâm tình và lòng biết ơn.

Người viết: Phùng Văn Phụng

(Hôm nay 26-05-2015 kỷ niệm ngày má tôi mất được 30 ngày)

Từ trong nhà thờ ra, đang chạy xe về, con gái út báo tin bà nội mất. Lòng tôi xao xuyến, buồn , hụt hầng, bàng hoàng và vẫn bất ngờ vì tôi vẫn hy vọng má tôi còn sống thêm thời gian nữa. Không biết phải tính làm sao, chắc chắn không về kịp rồi vì má đã dặn chỉ làm đám tang trong ba ngày. Má mất sáng chúa nhật 26 tháng 4 năm 2015 ở Việt nam. Ở Mỹ mới là tối thứ bảy, má dặn tẩn liệm trong ngày. Ngày thứ hai thăm viếng và ngày thứ ba thì lễ an táng. Như vậy làm sao mà về dự tang lễ được.

Tử biệt sinh ly là qui luật của đất trời. Không ai thoát khỏi. Vậy mà tôi vẫn cảm thấy buồn, vẫn không muốn chấp nhận.

Mẹ tôi đã sống được 103 tuổi, thật là quý hiếm, hồng ân Thiên Chúa bao la. Thượng Đế đã thương ban cho má con dư đầy,  nên má con mới được hưởng phúc sống lâu trăm tuổi. Vậy mà tôi vẫn còn muốn má tôi sống thêm vài năm nữa.

Nói về cuộc đời của má tôi thì không thể kể hết được những khó khăn, cực khổ theo vận nước nổi trôi.

Trước đình chiến năm 1954, má tôi sống tại làng Đông Thạnh, quận Cần Giuộc, gần chợ Rạch Núi, tảo tần buôn bán để lo cho các con ăn học. Từ năm 1959, 1960, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam thành hình, má tôi chịu sống giữa hai lằn đạn của hai bên quốc gia và cộng sản, thường ngủ ở dưới hầm để tránh đạn của hai bên đánh nhau. Đến năm 1963 má tôi phải bỏ nhà cửa ở dưới quê lên Sài gòn, vừa tránh chiến tranh, vừa để lo nấu nướng cơm nước cho các con đi học.

Rồi đến biến cố ngày 30 tháng 04 năm 1975, má tôi rất lo buồn vì có hai đứa con đi ” học tập cải tạo” không biết ngày về. Tôi ở trong các trại cải tạo miền Bắc Việt Nam gần 8 năm, em tôi chịu đựng đói khát, khổ sở trong các trại cải tạo miền Trung, gần 13 năm mới được về với gia đình. Sau ngày 30 tháng 04 năm 1975, má tôi phải bỏ Sài gòn tiện nghi để về quê làm ruộng. Má tôi có tiệm tạp hóa nhỏ để buôn bán, sống với ba đứa cháu nội vừa giữ nhà và giữ vài công ruộng, nếu không có mặt ở dưới quê, nhà nước mới sẽ tịch thâu ruộng đất, nhà cửa.

Sức chịu đựng của má tôi trong thời gian này thật vô cùng lớn lao. Không than thở, không oán trách ai.

Lúc còn trẻ, có lần tôi than phiền chưa làm được việc gì,chưa có sự nghiệp gì, má tôi liền nói: “ Mầy có mấy đứa con rồi đó còn muốn gì nữa.” Rất đơn giản thôi. Sống bình dị, đơn giản như mọi người vậy là vui vẻ, hạnh phúc lắm rồi.

Má tôi phải qua cuộc giải phẩu bao tử ở bịnh viện Grall, còn gọi là “bịnh viện đồn đất” hồi năm 1972, tưởng rằng sẽ giảm thọ nhiều năm.

Sau này, khi về già, có lúc lẫn lúc không. Lúc lẫn, nói chuyện thời xưa nhiều, đòi đi ra khỏi nhà, lúc đó má tôi có sức mạnh lạ kỳ và nhanh nhẹn nữa. Cản má đi ra ngoài nhà, thật là vất vả. Khi tỉnh lại má tôi đâu có mạnh được như  thế đâu, muốn đi đâu cũng phải sốc nách, dẫn đi. Không hiểu tại sao lúc đó lại mạnh như  vậy?

Sau này, phải xay nhuyển thức ăn để đút cho má ăn, chứ không còn ăn cơm bình thường được. Tắm rửa, ăn uống, nhờ con cháu trong nhà, chứ không tự làm lấy được. Hồi năm 2011, tôi về thăm, lúc đó má đi đâu cũng phải dẫn rồi. Mấy tháng sau này chỉ nằm, không thể ngồi được nữa, ăn uống càng ngày càng ít đi.

Các chú, các thím thay nhau đút cơm, tắm rửa, thay quần áo cho má.

Nhiều lúc má không tỉnh mới là rắc rối vì nhiều khi đi vệ sinh mà không biết, thường xuyên phải giặc giũ thay áo quần và tấm “ra”trải giường.

Trước khi má tôi mất một tuần lễ, thím ba đã rửa tội cho má tôi, lấy tên Thánh là Anna, để má được làm con cái Chúa, để  được hưởng VĨNH PHÚC trên Thiên đàng như Cha Chu Quang Minh phân ưu, cầu nguyện  như sau:

Chân thành cầu khẩn để

Cụ LÂM THỊ CHẦU

Mau được An Hưởng Vinh Phúc Ngàn Thu trên Thiên Đàng,

và Phân Ưu cùng anh chị song nguyền Phụng & Điện

cũng như toàn thể tang quyến trong lúc tử biệt uy nghiêm.

Thành kính,

Lm. Phêrô Chu Quang Minh, S.J.

Sáng lập Chương Trình TTHNGĐ

Chúng con xin cám ơn Cha Chu Quang Minh sáng lập Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia đình, Tân và Cựu Chủ nguyền cũng như các song nguyền của Chương trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình .

Xin cám ơn Cha Nguyễn Ngọc Thụ Chánh Xứ Giáo Xứ Ngôi Lời Nhập Thể.

Xin cám ơn Cha Bùi Tiến, Thầy Phó Tế Nguyễn Sĩ Bạch, chị Kim Bằng,

Xin cám ơn  Thầy Cựu Hiệu Trưởng Uông Đại Bằng, Thầy Cựu Giám Học Hồ Công Hưng, và các em Cựu Học sinh trường Lương văn Can Quận 8 Sài gòn.

Ban Trị Sự Họ Đạo Cao Đài quận 8 và quý Đạo Hữu Đạo Cao Đài,

Xin cám ơn Anh Đoàn Hữu Đức và các bạn trong văn phòng Đoàn Agency

Xin cám ơn các bạn Cựu giáo sư và Cựu học sinh truờng Châu văn Tiếp.

Nhóm cầu nguyện, chia sẻ Lời Chúa tối thứ năm hàng tuần.

Xin cám ơn Ban Điều Hợp Lớp Tân Tòng.

Đoàn Liên Minh Thánh Tâm của Giáo Xứ Ngôi Lời.

Anh chị em đồng hương Cần Giuộc Ca li và Houston.

Các thông gia và gia đình.

Xin cám ơn bà con, anh chị em ở Phạm Thế Hiển và xã Tân Tập, quận Cần Giuộc Long An.

đã phân ưu, gởi vòng hoa, đọc kinh, xin lễ, điện thư chia buồn, tiễn đưa Mẹ của chúng con là

Cụ Bà Anna Lâm Thị Chầu

đến nơi an nghĩ cuối cùng.

Xin quý vị tiếp tục cầu nguyện cho linh hồn Mẹ con. Trong tang lễ chắc chắn có nhiều điều thiếu sót, xin niệm tình tha thứ và xin Chúa chúc lành cho quí vị.

Vợ chồng Phùng văn Phụng, gia đình các em 

và các con, các cháu.

26 -05-2015

Tác giả: Phùng Văn Phụng