GIA ĐÌNH – T/g: Võ Ngọc Trí

Con gái tò mò hỏi: "Con sinh ra từ đâu", mẹ trẻ bình tĩnh đáp 1 câu ...

‐ Mẹ ơi, sao mẹ toàn mua đồ rẻ tiền cho bà ăn thế?

‐ Vì nói rẻ tiền bà mới chịu ăn, con ạ.

– Mẹ toàn lấy tiền của bố rồi đưa cho bà đếm, nhưng lại bảo tiền của chú út, là sao vậy mẹ?

‐ Vì chú út ở xa, bà nhớ, nên mẹ làm vậy để chú út lúc nào cũng ở gần bà.

– Hôm trước bà làm đổ bát cháo, nhưng mẹ nhận lỗi và rối rít xin lỗi bà. Sao phải thế ạ?

‐ Vì mẹ biết tay bà bị run, vậy mà mẹ sơ ý để cho bà tự ăn, nên lỗi là do mẹ.

– Bà có nghe được nữa đâu, sao mẹ phải xin phép mỗi khi vào phòng bà ạ?

‐ Vì bà nhiều tuổi hơn mẹ. Là mẹ của bố con, nên mẹ phải xin phép.

– Vì sao mỗi tối cả nhà mình phải vào phòng chơi với bà ạ?

– Cho bà đỡ buồn. Để bà cảm nhận cái không khí đầm ấm của gia đình, con gái ạ.

– Mẹ giỏi thật đấy. Lớn lên con cũng giống như mẹ.

– Mẹ cảm ơn con. Nhưng chuyện ấy tính sau. Còn bây giờ, con giúp mẹ dọn cơm nhé, bố con sắp về rồi. Để mẹ lên tắm rửa cho bà.

– Dạ mẹ…

Bài ntv ảnh st

From: Tu-Phung

 

NỖI LÒNG CỦA CỤ ÔNG VIỆT KIỀU VỚI BỮA ĂN MỘT MÌNH

VietBF

Hiện nay tôi đang sống với gia đình cô con gái út. Cháu có một gái đã trưởng thành sống ở tiểu bang khác và một cháu trai đang học năm cuối của trung học. Chồng cháu thỉnh thoảng phải đi làm xa. Hai vợ chồng tôi đã đến tuổi già gần đất xa trời, nên thời khắc biểu của những thành viên trong gia đình rất khác nhau, nên ít khi chúng tôi ngồi lại cạnh nhau cùng ăn chung một bữa cơm.

Buổi sáng thức dậy trễ, thì con cái đã đi làm, cháu đã đến trường, vợ thì luẩn quẩn ở sau khu vườn nhỏ, đành ngồi ăn sáng một mình. Buổi tối, thấy cơm canh đã sẵn sàng nhưng chưa thấy ai sẵn sàng cùng ăn với mình. Gọi vợ thì vợ bảo:

-“Ông cứ ăn đi, tôi mới ăn củ khoai, còn ngang bụng!” Gọi con thì con thưa: “Ba cứ dùng cơm đi, con đang bận tay!” Ðứa cháu thì khi hiện khi biến, chẳng mấy khi gặp mặt, có khi ăn ở trong bếp hay đem phần ăn lên phòng riêng để có sự tự do một mình.

Tôi muốn có những bữa ăn đông người, vui vẻ, có tiếng cười nói rộn ràng, nhưng thường là phải ăn những bữa ăn một mình. Bữa ăn một mình thì đâu cần đến mâm bàn dọn ra ngay ngắn, tươm tất, mà sao cũng cho xong một bữa ăn. Một tô cơm trộn thức ăn, và một cái muỗng, ngồi trước máy computer hay trước máy truyền hình. Bạn có nghĩ một bữa ăn như thế có dễ tiêu hoá, có lợi cho sức khoẻ hay không? Và một bữa ăn như thế có buồn không?

Tôi không bao giờ quên được những bữa ăn gia đình thời thơ ấu. Tất cả mọi người trong gia đình đều chờ nhau vào mâm cơm một lượt, dù là buổi sáng giờ trưa hay bữa chiều tối. Bữa cơm có cả ông bà nội, cha mẹ, cả anh chị cùng mấy đứa em nhỏ, kể cả thành viên nhỏ bé của đại gia đình là con mèo vàng luẩn quẩn chờ miếng ăn trong lòng bà nội tôi.

Rồi thời gian qua đi, kẻ còn, người mất, gia đình mỗi người một nơi. Tôi lớn lên, tạo lập một gia đình nhỏ, có những bữa ăn sum họp gia đình, nhưng không quên được những người đã đi xa, không còn hiện diện trên cuộc đời này nữa.

Rồi chiến tranh, tù đày, xô đẩy con người mỗi người đi mỗi hướng. Trong một trại tù nào đó, trên cái chõng tre tập thể, hay bữa trưa ngoài bìa rừng, tôi ngồi dùng đũa đếm những hạt ngô bung, xót xa nhớ đến những bữa cơm gia đình. Khi tôi từ nhà tù trở về, thì bữa cơm không còn là bữa cơm nữa. Con tản mát, vợ chạy gạo mỗi ngày, nồi cơm lạnh lẽo trên bếp, ai thấy thì ăn. Thời Cộng Sản vào nhà, không còn hai chữ “sum họp,” cũng chẳng còn câu “ngồi lại với nhau.”

Ra hải ngoại, thì cái văn hoá “bữa cơm gia đình” cũng đã mờ nhạt. Ly cà phê bữa sáng trên xe, cái hamburger cùng ly coke vào giờ lunch và những buổi tối về nhà trong giờ giấc trước sau không đồng nhất. Phải chờ đến những ngày Lễ Tết, sinh nhật, cha con, anh chị em họa hoằn mới có dịp ngồi lại trong những bữa tiệc cuối tuần.

Các bạn còn trẻ có lẽ chưa cảm nhận được nỗi buồn khi phải ngồi ăn một mình. Thức ăn có ngon đến đâu, bổ dưỡng đến đâu mà không “dịch vị” của tiếng cười, niềm vui, chỉ còn “gia vị” của cô đơn, buồn nản, thì bữa ăn ấy chỉ còn là bổn phận ăn để sống. Chính các vị y sĩ cũng đã khuyên người già “ăn uống phải có bạn, nên ăn chung với gia đình hay con cháu. Về phần con cháu, cũng không nên để cho cha mẹ mình ăn uống trong cô đơn buồn tẻ, vì khi ăn một mình, sẽ kém vui, và ăn ít đi, không tốt cho sức khoẻ. Sự cô đơn sẽ làm miếng ăn thêm cay đắng.”

Rõ ràng là tâm lý đã tác dụng vào sinh lý. Dù đau yếu, suy kiệt, mòn mỏi nhưng tôi vẫn nghĩ rằng những người sống chung với con cháu, hay còn vợ chồng có khả năng sống lâu hơn là những ông bà cụ già hiện đang sống một mình trong những căn phòng lạnh lẽo của những căn “nursing home.”

Trong nhà dưỡng hưu, tôi đã thấy những bữa cơm gọn gàng trong những cái khay nhỏ do nhà bếp đưa đến tận giường, để cả giờ nguội lạnh mà các ông bà vẫn chưa muốn ăn. Tôi đã đến thăm nhà thơ Nguyễn Chí Thiện lẻ loi trong căn nhà già ở Santa Ana lúc ông chưa vào bệnh viện. Lúc ấy vào buổi xế trưa, mà từ sáng đến giờ, nồi cơm điện còn nguyên chưa được xới ra trên bếp, thức ăn còn để lạnh ngắt trong tủ lạnh. Ông thú nhận là ông không muốn ăn, mà chỉ ăn vì “nghĩa vụ,” một nghĩa vụ nặng nề! Chung quy cũng vì nỗi buồn cô đơn, thui thủi một mình.

Keith Ferrazzi, tác giả cuốn sách “Ðừng bao giờ đi ăn một mình (Never eat alone) không nói về sự cô đơn mà nói về sự giao tiếp đưa đến sự thành công và hạnh phúc cho cuộc sống. Chúng ta không bàn đến chuyện “ăn một mình” theo lối này.

Ðã đi hết một chặng đường dài, đã lo toan cho mọi thứ, nhưng cuối cùng tuổi già cô độc bên mâm cơm, lặng lẽ một mình. Những bậc cha mẹ già không mong con tặng quà, phải chi con ghé nhà thăm, ngồi ăn với cha hay mẹ một bữa cơm, nói cười như thuở ấu thơ.

From :TU-PHUNG

Thời điểm nào vợ chồng nên gặp tư vấn hôn nhân?

Báo Nguoi-viet

February 22, 2023

LOS ANGELES, California (NV) – Cho dù bạn đang trong giai đoạn nào của cuộc sống lứa đôi, có thể là vừa mới đính hôn, kết hôn hay thành vợ chồng đã lâu năm, thì việc gặp gỡ các chuyên viên tâm lý về đời sống hôn nhân là điều cần thiết và duy trì.

Dưới đây là những dấu hiệu cho thấy đã đến lúc cả bạn và chàng nên đi tư vấn hôn nhân, để giúp cho mối quan hệ trở nên tốt hơn, giải quyết được mâu thuẫn len lỏi trong mối quan hệ và quan trọng nhất là cả hai đều có thể giải tỏa được tâm lý một cách tốt nhất, giúp giữ gìn được cuộc sống lứa đôi hạnh phúc, theo trang mạng Well+Good.

Trong đời sống hôn nhân sẽ có những lúc khiến bạn bế tắc. (Hình minh họa: Diana Sanchez/Getty Images)

4 DẤU HIỆU NÊN ĐI TƯ VẤN HÔN NHÂN

  1. Khi vấn đề càng lúc càng rõ ràng nhưng bạn không thể giải thích được

Ngay cả khi bạn cùng chồng đang rất hạnh phúc thì cũng sẽ có đôi lúc cả hai trải qua những tình huống căng thẳng.

“Các vấn đề sẽ luôn nảy sinh trong mối quan hệ của bạn, tuy nhiên, có những lúc các vấn đề đó nó tồn tại một cách tiềm ẩn và đó là khi cả hai không thể nào tìm ra giải pháp tốt nhất để thảo luận với nhau,” chuyên viên tâm lý Leslie Montanile, giám đốc trung tâm tâm lý Leslie The Lawyer, cho biết. “Lúc này, khi bạn tìm kiếm lời khuyên từ một bên thứ ba trung lập sẽ giúp tác động tích cực to lớn, giúp đưa ra những giải pháp chưa từng được nghĩ đến.”

  1. Khi cả hai không kiên nhẫn khi lắng nghe nhau

Không chỉ có giao tiếp và đối thoại mà việc lắng nghe nhau một cách bình tâm, kiên nhẫn và thấu hiểu cũng rất quan trọng nhưng không phải lúc nào bạn cũng làm được điều đó.

Khi đi tư vấn hôn nhân, bạn không chỉ được học về cách trao đổi suy nghĩ, lo lắng và quan điểm như thế nào mà còn học cách lắng nghe và tiếp thu hoàn toàn. Khi chúng ta biết lắng nghe một cách kiên nhẫn và thật tâm, bạn sẽ thấu hiểu đối phương hơn mà không phải đưa mình vào thế đề phòng và chỉ trích đối phương.

  1. Khi bạn nhận ra có điều gì đó không ổn nhưng không biết đó là điều gì

Một trong những điểm mạnh mà tư vấn hôn nhân giúp cho các cặp chính là giúp bạn và chàng nhận ra và xác định cảm xúc của mình.

Khi chúng ta xác định được cảm xúc của mình, bạn sẽ học được cách chia sẻ về những suy nghĩ và mong muốn của mình một cách lành mạnh nhất. Khi cảm giác cho bạn biết có điều gì đó không ổn nhưng lại không thể biết nó đến từ đâu, chuyên viên tâm lý sẽ giúp bạn khơi gợi lại câu chuyện và trải nghiệm hôn nhân của bạn từ trước đến nay để bạn có thể xác định được cảm xúc và suy nghĩ của mình.

Một khi chúng ta nắm rõ được chính bản thân, bạn sẽ dễ dàng nhận ra vấn đề tồn tại ở đâu.

  1. Bạn cảm thấy bế tắc nhưng không muốn từ bỏ

Cả bạn và chàng đến đối diện với một vấn đề nào đó, nó có thể đến mức ảnh hưởng đến mối quan hệ của bạn nhưng lại không đến mức phải hủy bỏ đám cưới hay đệ đơn ly dị? Hãy tìm đến chuyên viên tư vấn hôn nhân để họ có thể giúp bạn giải quyết vấn đề.

Khi bạn đã cố gắng nói về vấn đề đó rồi hoặc đã cố gắng tiếp cận vấn đề theo một cách khác nhưng vẫn nhận lại kết quả tiêu cực thì việc tư vấn có thể giúp mở ra con đường giao tiếp giữa bạn và đối phương tốt hơn, dẫn đến giải pháp có lợi cho đôi bên.

Đôi khi nói chuyện với bên thứ ba trung lập sẽ giúp bạn giải quyết được vấn đề khúc mắc của mình. (Hình minh họa: Timothy A. Clary/AFP via Getty Images)

LÀM SAO ĐỂ THUYẾT PHỤC CHÀNG ĐI TƯ VẤN VỚI BẠN

Thông thường, nam giới sẽ có xu hướng tránh né việc đi gặp tư vấn vì họ ngại phải chia sẻ những điều riêng tư cho người thứ ba.

Để thuyết phục đối phương, bạn có thể bắt đầu câu chuyện bằng cách gợi mở như sau “Dạo gần đây em thấy có một số vấn đề giữa anh và em mà chưa được giải quyết cặn kẽ… Em cảm thấy sợ hãi, bất lực và buồn khi chúng ta gặp mâu thuẫn. Em lo lắng nếu như chúng ta không đi trị liệu tâm lý hôn nhân thì chúng ta dễ càng gây gổ hơn…”

Cuối cùng bạn hãy đưa ra giải pháp và hỏi chàng rằng liệu chàng sẽ cảm thấy như thế nào nếu như cùng nhau đặt hẹn tư vấn hôn nhân.

Trong trường hợp chàng từ chối, bạn vẫn có thể tự tham gia vào các liệu trình tư vấn một mình.

Khi tự mình đi tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia tâm lý, bạn sẽ có các kỹ năng để đối phó với cảm xúc của mình, cũng như giúp bạn học được các phương pháp làm chủ cảm xúc và tình hình, cũng như cách bạn tìm lại bình yên, và sau đó chính là cách bày tỏ suy nghĩ của mình một cách tích cực và chân thật nhất.

Tóm lại, bạn nên biết rằng, mọi thứ đều cần thời gian và cả việc đi gặp chuyên gia tư vấn cũng thế. Không phải chỉ cần một hay hai buổi gặp gỡ là có thể giải quyết vấn đề mà nó có thể kéo dài hơn cả năm và còn nhiều hơn thế.

Đồng thời, cả hai còn phải cùng nhau nâng đỡ, quyết tâm, cải thiện, và đồng hành để hôn nhân có thể lâu bền và hạnh phúc. (UPK) [qd]

HÔN NHÂN MỘT ƠN GỌI, MỘT TRÁCH NHIỆM

Rung Nga Nguyen

HÔN NHÂN MỘT ƠN GỌI, MỘT TRÁCH NHIỆM

Trong Cựu ước Tobia nói với Sara rằng: “Chúng ta là con cháu các thánh, chúng ta không thể kết bạn như những người không nhận biết Thiên Chúa” (Tb 8:5). Điều này nhắc nhở các gia đình Công giáo một sứ điệp quan trọng trong ngày lễ hôn phối.

Hôn nhân là “ơn gọi” hiến dâng đời mình cho đối tượng tình yêu cao cả là gia đình. Một hôm người Pharisêu hỏi Đức Giêsu về việc rẫy vợ. Người đáp :”Các ông không đọc thấy lời này sao : “Thuở ban đầu, Đấng Tạo hoá đã làm ra con người có nam có nữ, và Người đã phán : Vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn phải là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt”(Mt 19,4-6) cuộc hôn phối đầu tiên đã diễn ra giữa Ađam và Evà.

Lập gia đình một thông lệ xưa nay việc lập gia đình là một việc tự nhiên, bình thường vì nam nữ hấp dẫn nhau, yêu nhau muốn kết hợp với nhau.

– Gia đình là một cộng đồng yêu thương.

– Gia đình là nơi nương tựa bởi không ai có thể sống một mình.

– Gia đình là nơi sinh sản lưu truyền nòi giống và giáo dục con cái.

– Gia đình còn là nền tảng của xã hội.

Vì thế đối với người Công giáo hôn nhân còn là một bí tích cao trọng. Ai sống theo ơn gọi là sống theo ý Chúa. Ngài sắp đặt và kêu gọi ta vào một cuộc sống cụ thể với kế hoạch về con người, chỉ mong ta thực hiện đúng chương trình của Ngài. Chúa đã gọi ta vào cảnh sống nào thì Ngài ban ơn để ta có thể thực hiện một cách tốt đẹp, chỉ cần ta kiên nhẫn vì không ai bị buộc phải làm cái không có thể làm được.

Đây không chỉ là tiếng gọi của cuộc sống hôn nhân mà còn được hiểu là tiếng gọi của cuộc sống tu trì. Theo Chúa ngay trong những hẹn hò gặp gỡ với người yêu, theo Chúa trong ngày bước lên xe hoa, theo Chúa trong bổn phận gia đình, phục vụ cộng đoàn… ơn gọi là máng chuyển những ơn lành của Thiên Chúa xuống cho gia đình, cho cộng đoàn do đó cái máng cần phải sửa soạn chuẩn bị thật hoàn hảo chu đáo (không lủng) thì mới chuyển hết những ân phúc xuống đầy đủ được.

Ơn gọi không là lời mời gọi hưởng hạnh phúc, mà là một sự DẤN THÂN lãnh trách nhiệm, lao đầu vào những gian nan khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ mà không cần đáp trả. Một danh nhân nói :” Những người anh hùng nhất là người dám lập gia đình, dám dấn thân trong đời sống tu trì”. Sở dĩ có câu nói này vì họ không hề nắm vững được tương lai như thế nào, không thể đo lường được con đường phía trước với đầy gian nan, bất trắc có thể xẩy ra bất cứ lúc nào. Đôi khi có những nỗi buồn trên đường đời nhưng vẫn còn rất nhiều niềm vui. Chúng ta vẫn phải tiếp tục tiến về phía trước ngay cả khi chúng ta đang bị tổn thương, vì chúng ta không bao giờ biết điều gì đang chờ đợi mình. Có lẽ vì thế mà người ta nói Hôn nhân là một cuộc xổ số!

Như vậy ơn gọi gia đình hay tận hiến cho Thiên Chúa, người được mời gọi đáp trả một cách tự nguyện, tự mình đón nhận những trách nhiệm một cách nhưng không.

S.T.

Phương cách giúp hôn nhân bền chặt trước những khó khăn

Dòng Tên Việt Nam

Tác giả: Jeannie Ewing

Ben và tôi nhẹ nhàng cùng nhau chạm bàn tay phải lên cây thánh giá, sau khi tuyên bố lời ước nguyện trong Thánh lễ Hôn phối. Tôi biết lời hứa này thực sự sẽ tồn tại suốt đời, và trái tim tôi tràn ngập niềm vui chưa bao giờ có như lúc này.

Vài năm sau, tôi nhớ mình nói với mẹ tôi: “Con muốn khung cảnh thiên đường giống như ngày cưới của con, xung quanh là tất cả những người chúng ta yêu thương nhất khi cười và ăn mừng cùng nhau.” Có thể điều đó nghe có vẻ ngây thơ hoặc sáo rỗng, nhưng nó đúng với tôi như bất cứ điều gì đã từng xảy ra. Tôi chỉ không ngờ rằng hôn nhân sẽ thử thách chúng tôi theo những cách không thể hiểu nổi.

Ben và tôi kỷ niệm 14 năm ngày cưới vào ngày 30 tháng Sáu. Khi chúng ta trao nhau ánh mắt yêu thương, một cái nhìn cảm thông và nụ cười hạnh phúc. Có điều gì đó đã trải qua mà chúng tôi – những cặp vợ chồng trẻ trung, hạnh phúc mới cưới – không thể hiểu được. Tương tự như vậy, chúng tôi nhận thấy những cặp vợ chồng lớn tuổi đã kết hôn được vài chục năm và họ toát lên trong mắt sự khôn ngoan mà Ben và tôi chưa biết.

Gần đây, chúng tôi đã thảo luận về một số cách giúp vượt qua khó khăn trong cuộc hôn nhân của chính mình. Những gì chúng tôi đã học được là giá trị của sự chia sẻ.

Chịu đựng trong lúc khó khăn

Hầu hết các cặp vợ chồng trẻ đều sẵn sàng chuẩn bị khi cuộc cãi vã, thậm chí là bạo lực gia đình xảy đến thực sự trong cuộc sống hôn nhân của họ; nhưng những điều này luôn bao gồm cách làm lành và vượt qua. Thật khó để biết trước mỗi gia đình ban đầu của chúng ta đã hình thành thế giới quan như thế nào và cách giao tiếp cũng như tương quan với nhau như thế nào— cho đến khi chúng ta kết hôn được một thời gian và nhận ra những khuôn mẫu đang hình thành.

Ben và tôi đối mặt với chẩn đoán hội chứng Apert rất khác của con gái chúng tôi- Sarah. Tôi cần phải nói về mọi thứ: suy nghĩ, cảm xúc, những gì nếu như theo một cách cởi mở. Đó là cách tôi chia sẻ trải nghiệm này với Ben, cũng như giải quyết phức tạp. Mặt khác, Ben rút lui vào trong và đóng cửa. Anh không nhận ra nỗi đau của mình, cũng không hiểu làm thế nào để bày tỏ những cảm xúc rất lớn mà anh mang trong lòng.

Theo thời gian, chúng tôi bước vào giai đoạn mà chúng tôi gọi là “giai đoạn sa mạc” trong cuộc hôn nhân của mình. Chúng tôi nói chuyện hàng ngày, nhưng cuộc trò chuyện xoay quanh cuộc sống hàng ngày. Chúng tôi không tìm hiểu kỹ càng vì cả hai đều đang phải đối mặt với tình trạng kiệt sức và cảm xúc khó chịu mới xuất hiện. Kể từ đó, chúng tôi đã đi qua nhiều thung lũng hơn, nhưng chúng giống như những ngọn đồi thoai thoải hơn.

Một từ mà Chúa đã đặt vào trái tim của cả hai chúng tôi là: kiên nhẫn. Kiên Nhẫn có nghĩa là gì? Như một định nghĩa, kiên nhẫn bao gồm ngồi chịu đựng trong quá trình khó khăn hoặc đau đớn mà không nhường bước. Một số từ đồng nghĩa là khoan dung, nhẫn nhịn và dũng cảm.

Điều khiến cho việc chịu đựng những khó khăn trở nên đau đớn trong hôn nhân là việc chúng ta đang chia sẻ cuộc sống với một người mà cơ bản chúng ta không hề quen biết. Kiểu cô đơn và cô lập về cảm xúc này gây tổn thương tệ hơn nhiều so với khi chúng ta cắt đứt tình bạn hoặc bị đồng nghiệp phớt lờ. Làm thế nào để chúng ta chịu đựng? Bằng cách ngồi với những cảm xúc khó chịu và mạo hiểm với tổn thương cần thiết để mở lòng với nhau một cách chậm rãi nhưng nhất quán.

Kiên nhẫn trong các thử thách của chúng tôi

Cùng với sức chịu đựng, vốn tập trung chủ yếu vào việc chịu đựng nỗi đau, kiên nhẫn là cách chúng ta vượt qua nỗi đau. Về mặt tinh thần, sự kiên nhẫn cũng giống như chịu đựng lâu dài, khả năng chịu đựng từng bước phải thực hiện trên hành trình tiến về đồi Canvê. Hôn nhân phải gắn liền với Thập giá; không có cách nào khác để một cặp vợ chồng sống sót trước những thay đổi không thể tưởng tượng xảy ra với họ.

Và con đường dài, tẻ nhạt đến nơi bản thân chúng ta bị đóng đinh phải được thực hiện cùng nhau. Chính khi bản thân trở nên trống rỗng, chúng ta bắt đầu dành chỗ cho người khác, trước tiên là Thiên Chúa, sau đó là chồng/vợ. Và với cách này, việc cắt tỉa này, gây đau đớn khủng khiếp. Cảm thấy rất giống cái chết, và đúng là như vậy. Nhưng chỉ từ cái chết, sự sống mới có thể xuất hiện.

Kỷ luật trong cuộc sống hàng ngày

Cách đây vài năm, tôi đã đọc quy tắc sống của một người mẹ dựa trên lời giới thiệu của một người bạn. Khái niệm tạo ra nhịp điệu trong nhà thông qua thói quen hàng ngày đã thu hút khuynh hướng u sầu của tôi khi hướng tới điều gì có trật tự và tổ chức. Tuy nhiên, khi con cái còn nhỏ hoặc khi chúng có nhu cầu đặc biệt, thì cuộc sống có khuynh hướng hỗn loạn hơn là bình lặng.

Hầu hết các bà mẹ đều cảm thấy việc thiết lập một nhịp điệu như nhà tu là điều nằm ngoài tầm với của mình, và thực sự thì điều đó có thể xảy ra. Nhưng những gì chúng ta có thể làm, làm tốt là nơi tôi bắt đầu – với những bước nhỏ hướng tới thói quen. Đầu tiên, chúng tôi có giờ ăn với nhau, và chia sẻ với nhau thường xuyên. Tiếp theo, chúng tôi có khoảng hai giờ vào giữa ngày để nghỉ ngơi. Mọi người trong gia đình ngủ trưa hoặc có thời gian yên tĩnh đọc sách và chơi với thú nhồi bông.

Thói quen trở nên cực nhọc khi không được sống một cách vui vẻ và yêu thương. Cuộc sống hôn nhân và gia đình không phải lúc nào cũng viên mãn tràn tình cảm êm dịu, màu hồng. Thực tế, hầu hết thời gian, những điều này rất khó xảy ra. Vấn đề là chúng ta nhận ra món quà kỷ luật, trước tiên là trong lời cầu nguyện hàng ngày, sau đó là cho những người trong gia đình.

Khó khăn trong hôn nhân không nhất thiết luôn phải vượt qua. Thay vào đó, chúng được dệt thành tấm thảm phức tạp trong cuộc sống. Sự cám dỗ chạy trốn vào thứ hạnh phúc mơ hồ, khó nắm bắt sẽ luôn cố gắng lôi kéo chúng ta xa rời ơn gọi thực sự của mình, đó là tình yêu. Và tình yêu không bao giờ được nở hoa nếu một người không hướng tới sự thông cảm – kiên nhẫn – vô số cách mà chúng ta được mời để chết cho sự ích kỷ của mình và khám phá (hoặc khám phá lại) những hồi sinh nhỏ đang diễn ra xung quanh chúng ta.

Tác giả: Jeannie Ewing

Chuyển ngữ: Phê-rô Đại yên

Nguồn: https://catholicexchange.com/how-can-marriage-persevere-through-hardships/

“CHO MẸ GỌI ĐIỆN VỚI CON MỘT CHÚT THÔI…!”

Rất nhiều người cứ nghĩ báo hiếu với cha mẹ chỉ cần tiền là đủ, nhưng không phải là như thế…

Mỗi ngày, mẹ nhắn tin cho tôi: “Con có bận không cho mẹ gọi điện nói chuyện với con một tí, chỉ một dòng ngắn ngủi nhưng nước mắt tôi cứ thế mà chảy ra…!

Từ khi nào, cha mẹ gọi cho con của chính mình mà phải xin phép…!

Từ khi nào mà việc lắng nghe nhau khó khăn đến mức như thế này…?

Tôi đã làm gì để hằn lên tâm trí cha mẹ một rào cản như thế…? Ngày xưa, chỉ khi bị cha mẹ đánh đòn đau khi tôi có lỗi để dạy con, tôi mới khóc, còn bây giờ, chẳng ai rầy la mà sao nước mắt tôi cứ chảy ra…!

Với con, tôi vẫn kiên nhẫn giải thích từng chữ cái từng con số, thì với đồng nghiệp, dù tức giận đến đâu tôi vẫn nở nụ cười, nhưng riêng với cha mẹ mình, tôi lại chẳng ngại ngần mà nói: “Con bận…, rồi dập máy.”

Vì tôi biết,

– Nếu tôi có cúp máy với người ngoài, người ta sẽ không bao giờ làm việc với tôi.

– Nếu tôi cúp máy với cha mẹ, cha mẹ vẫn mãi chờ tôi, không oán hận, không hề trách móc một lời nào…

Chúng ta càng lớn càng muốn rời xa khỏi vòng tay của bố mẹ, nhưng phía cha mẹ càng già, lại càng muốn nương nhờ con cháu, chẳng phải vì mong được báo đáp, mà vì mắt không còn nhìn đã mờ, chân không còn đứng vững nữa rồi.

Ta cứ nghĩ kiếm được nhiều tiền để gởi về đã được gọi là báo hiếu, hãy nhớ là không cha mẹ nào cần tiền, cái cần là không khí đầm ấm của gia đình, là tiếng cười đùa của con cháu, là tiếng xuýt xoa khen chén canh bà nấu, là lời hỏi thăm chân thành, là vòng tay ôm lấy mỗi khi đi xa về nhà….

Báo hiếu thật ra không quá to lớn, báo hiếu chính là đặt cha mẹ ở vị trí quan trọng nhất trong lòng mình, luôn luôn biết lắng nghe và cần phải chia sẻ, chăm sóc cho sức khỏe và cảm xúc của họ…!

From: TU-PHUNG

ÐÀN ÔNG… ÐÀN BÀ – Nguyễn-Thượng-Chánh

           Nguyễn-Thượng-Chánh

Ðàn ông và Ðàn bà là cả 2 thế giới khác biệt nhau. Họ khác nhau về thể chất, về tinh thần, về cách suy nghĩ, cũng như về cách hành xử trong cuộc sống. Bởi vì những nguyên nhân này mà thường xảy ra biết bao nhiêu là chuyện hục hặc, hiểu lầm lẫn nhau, cơm không lành canh chẳng ngọt, khắc khẩu…Ảnh hưởng không nhỏ đến hạnh phúc cho biết bao gia đình. Bài viết này được phỏng theo tác phẩm nổi tiếng đã đạt số bán ra kỷ lục 8 triệu cuốn:”WHY MEN DON’T LISTEN & WOMEN CAN’T READ MAPS” by Barbara and Allan Pease (Broadway Books Store in New-York).

         Ở đây người viết không có chủ đích đánh gía hay phán xét sự tốt xấu của các hành động nơi phía người Ðàn ông cũng như tại ở người Ðàn bà. Tất cả các điều nêu ra dưới đây là kết quả nghiên cứu và nhận xét của giới y-khoa và của các nhà tâm lý học Tây-Phương. Ðúng hay sai đều do bạn đọc tự mình phê phán lấy.

Ðàn ông và Ðàn bà khác nhau về nhiều mặt như sau: về thể chất, về tinh thần về cách suy nghĩ cũng như đôi khi về cách giải quyết một vấn đề! Họ thường tuân thủ theo những quy luật khác nhau…Ðấy là chưa nói đến cá tánh bẩm sinh của từng cá nhân. Ngoài tôn giáo ra, sự giáo dục gia đình và kinh nghiệm sống cũng chi phối phần nào cách suy nghĩ và hành động của họ.

Mỗi khi người Ðàn ông đi vào Washroom là họ đã có mục đích rõ rệt và nhất định rồi. Về phần Ðàn bà thì không những xem Washroom là một nơi để giải quyết một nhu cầu của cơ thể mà còn là một nơi hẹn hò, để các bà tâm sự to nhỏ với nhau về đủ thứ chuyện và dĩ nhiên cũng là nơi chốn để làm duyên, để tô lại môi son thêm chút má hồng và chải lại mái tóc. Bạn có để ý không? Giữa buổi tiệc các bà có lệ là thường rủ nhau đi Washroom cùng một lúc. Và ngược lại, các ông nếu cần thì chỉ tự động đi có một mình mà thôi…Lúc xem TV, đến phần quảng cáo thương mại các ông thường bấm cái (remote control) lia lịa để đổi đài (channel), ngược lại các bà thì nhẫn nại hơn và vẫn tiếp tục xem phần quảng cáo cho tới hết một cách bình thản. Các bà thường phàn nàn các ông sao làm biếng kéo cái nắp (toilet) xuống mỗi khi đi”tè”xong, còn các ông thì càu nhàu tại sao các bà xong cái việc”kia”thì chẳng khi nào chịu dỡ cái nắp lên cho người ta nhờ một tí. Các bà thường hay tỉ mỉ từng ly từng chút, chi tiết qúa trời nên thường trách các ông sao qúa bừa bãi. Ðàn ông thường phải mất nhiều thời giờ để tìm được 2 chiếc vớ cùng màu bỏ lộn xộn không thứ tự trong ngăn tủ quần áo, nhưng ngược lại các CDs của họ đều được sắp xếp rất ư là thứ tự trên bàn. Ðàn ông phải mất cả buổi mới tìm ra xâu chìa khóa xe bị thất lạc đâu đó ngay tại trong nhà, còn Ðàn bà tìm ra ngay chỉ trong một thời gian rất là ngắn.

Ðàn bà thường không thấy ánh đèn phực lên ngay trước mặt báo hiệu xe sắp hết xăng, nhưng họ thấy ngay chiếc vớ hôi bẩn vất bừa bãi trong góc kẹt tại căn phòng. Các ông thường trách các bà về cách lái xe, còn các bà thì không hiểu tại sao các ông lại rất thích đậu xe kiểu song song (parallel parking) bằng cách vừa nhìn kính chiếu hậu vừa chui vô chỗ đậu hẹp bé tí mới thích thú.

Ðàn ông có khiếu xác định vị trí trong không gian, họ đọc bản đồ rất nhanh và tìm ra hướng Bắc rất dễ dàng.Nhờ năng khiếu này mà thuở tạo thiên lập địa, người Ðàn ông mới có thể đi săn thú trong rừng để nuôi sống gia đình. Ðàn bà nếu có xem bản đồ, thì họ thường xem ngược lại. Lỡ có lạc đường, các bà thường mau mau ngưng xe lại các trạm xăng để hỏi thăm, còn các ông thì ít chịu làm như vậy để khỏi bị chê là mình qúa yếu qúa dở…Các ông thường hay ráng chạy loanh quanh cả tiếng đồng hồ để tìm đường, miệng thì lẩm bẩm:”Hình như tôi có thấy chỗ này rồi, hay là nói sắp tới rồi…chỉ gần đây thôi”.

Ðàn bà thường có thị giác ngoại biên rộng lớn (Wider peripheral vision), Ðàn ông thì có thị giác hẹp hơn nhưng lại thấy rất xa (Narrow tunnel vision). Bởi vậy, nếu có lái xe đường xa, người ta thường khuyên nên để cho các bà lái xe lúc ban ngày sáng tỏ, còn các ông thì nên lái xe lúc về ban đêm tăm tối vì họ có thể nhận thấy các xe khác từ xa ở phía trước lẫn tại phía sau.

Ðàn bà xem việc đi chợ, đi Shopping hay đi Window-shopping là một cái thú tiêu khiển, một cách để giảm bớt Strees mặc dù không cần phải mua một món hàng nào cả. Ngoại trừ mấy năm đầu vừa mới cưới vợ về, Ðàn ông thường tò tò theo chân bà xã cho bả ấy vừa vui lòng vừa hãnh diện với thiên hạ là có một ông chồng hết mực là”galăng”tay trái lẫn tay phải hết sức bận bịu với hàng chục cái túi xách nách mang…Nhưng lần lần mươi năm sau đó thì các ông rất ngại cái món này, nó vừa mỏi cẳng, vừa bực mình và nó cũng vừa mất công mất thời giờ qúa đi thôi. Trong các tiệm bán thời trang cũng như trong các thương xá người ta thường thấy có băng có ghế cho các ông và cho các cụ ông ngồi chờ các bà, các cụ bà. Ðàn ông nếu có muốn mua một món gì thì họ đã biết họ thích cái gì rồi, cho nên đi thẳng vào tiệm mà mua một cái”rụp”khỏi mất công lê bước hết tiệm này đến tiệm khác.

Ðàn bà rất tinh ý, và có lẽ có giác quan thứ 6 gì đó, người Ðàn bà có khiếu bắt mạch và hiểu rất dễ dàng ý nghĩa của các sự thay đổi trên nét mặt của Ðàn ông. Các ông đừng có mong dối gạt các bà được đâu, nếu có muốn nói dối thì hãy dùng phoné, viết thơ, hoặc gởi email thì có thể dễ thành công hơn là phải chạm mặt (face to face) thẳng với các bà. Ðàn ông không có cái khiếu này như ở Ðàn bà.

Ðàn bà cũng rất thính tai hơn Ðàn ông. Nửa đêm, nếu cháu bé khóc oẹ oẹ ở bên phòng cạnh thì thường các bà hay liền. Nước”lavabo” nhiễu lỏn tỏn thì các bà biết ngay, còn các ông thường thì ngủ khò khò. Não của Ðàn ông chỉ”program” để làm mỗi lần một việc mà thôi, chỉ xử dụng có 1 bán cầu não(thường là phía trái)để suy nghĩ. Mỗi khi ngừng xe lại để đọc bản đồ là họ cần phải vặn nhỏ cái “radio” xuống rồi mới có thể đọc được. Ðang xem TV mà bà xã hỏi chuyện thì có ông nào nghe đâu. Bởi vậy lúc các ông xã đang lái xe xin các bà đừng nên nói đừng nên đặt hỏi gì hết, có thể gây nguy hiểm đó! Ngược lại ở Ðàn bà, mỗi khi suy nghĩ họ thường xử dụng cả 2 bán cầu não(phía phải và phía trái), và nhờ vậy các bà có thể dễ dàng làm được nhiều việc cùng một lúc. Ðàn bà có thể vừa đọc sách vừa nghe “radio” vừa nấu nướng hoặc vừa nói chuyện điện thoại…v.v. Các bạn có để ý không, trong các siêu thị tại quày trả tiền các cô thâu ngân viên, mắt vừa nhìn các món hàng tay thì bấm máy lia lịa, đôi khi vừa làm vừa trả lời khách hàng hoặc vừa viết và vừa nói phoné kẹp nơi cổ. Nếu hỏi bất thình lình phía nào là tay phải, phía nào là tay trái, các bà thường hay lộn nếu họ không nhìn vào chiếc nhẫn đeo trên tay. Các ông thường phàn nàn các bà là miệng thì bảo người ta quẹo trái nhưng trong đầu họ thật sự muốn mình quẹo mặt. Ðàn ông thán phục Ðàn bà về cách bắt chuyện giữa đám đông hay trong các buổi tiệc. Mặc dù toàn là khách lạ nhưng các bà vẫn có cách trao đổi với nhau về đủ thứ chuyện, người này khen qua người kia khen lại, nói đẩy đưa dây dưa qua lại quên thôi. Các bà cho rằng các ông thường hay lạnh nhạt về tình cảm, ít thố lộ tâm sự và có vẻ kín đáo e dè trước đám đông. Các bà nghĩ rằng Ðàn bà có nhiều tình cảm hơn Ðàn ông, còn các ông thì cho rằng bọn họ cũng rất tình cảm nhưng ít bộc lộ ra ngoài. Tuy nhiều lúc thấy người Ðàn ông im lặng nhưng thật sự chính lúc đó họ nói một cách âm thầm cho chính họ. Ðàn ông không thích ai cho mình ý kiến này nọ. Sự ít nói của người Ðàn ông có thể bị người Ðàn bà hiểu lầm là không còn được người tình hay người chồng yêu thương mình nữa.

Ðối với chuyện chăn gối, các bà thường trách các ông thiếu sự lãng mạng, sao cho chỉ muốn vụ”đó” một cách nhanh chóng, nhào vô là làm liền để các ông có thể hạ hỏa gấp rút rồi sau đó nằm lăn ra ngủ khò quên cả người đang nằm bên cạnh, còn các ông đôi khi trách các bà hơi thụ động và thiếu sáng kiến hay ho hơn.

Nói tóm lại, theo Allan Pease thì:”MEN WANT TO HAVE SEX, BUT WOMEN WANT TO MAKE LOVE”. Ðàn ông thường trách Ðàn bà hay nói nhiều, nói dai và hay so sánh qúa. Nói chuyện mới đã đành đi, đàng này chuyện cũ đã nói nhiều lần rồi nhưng các bà vẫn có thể hâm nóng lại và đem ra nói nữa.Ở người Ðàn bà, các dữ kiện, tín hiệu, thông tin bên ngoài được cất giữ trong não của họ một cách khá lộn xộn. Cách duy nhất để các bà đem vấn đề ra ngoài là phải nói nó ra và phải nhìn nhận nó, bởi vậy Ðàn bà nói nhiều hơn Ðàn ông là lẽ thường. Các bà cần nói ra để bớt căng thẳng tinh thần, để làm giảm Strees, các ông phải ráng nghe mà thôi chớ đừng bao giờ đề nghị thêm một giải pháp nào hết cho vấn đề mà các bà tuôn ra, các bà chỉ cần có người ngồi nghe chớ không phải các bà muốn tìm cách giải quyết vấn đề đâu. Ở Ðàn bà, việc nói chuyện và việc tâm sự là cách duy nhất để họ làm bạn với nhau, tuy cả ngày đã đi Shopping với bà bạn mà khi vừa về đến nhà các bà cũng còn chuyện để nói với nhau qua điện thoại cả hàng giờ đồng hồ nữa, còn các ông mỗi khi cần nói chuyện là họ đi thẳng vào vấn đề. Ở người Ðàn ông các tín hiệu thông tin bên ngoài được cất giữ riêng rẽ trong những ngăn riêng biệt trong não bộ. Cuối ngày các ông đem nó ra ngoài rất dễ dàng để giải quyết.

Việc nói nhiều của các bà thường làm cho các ông bực mình không ít, nhưng đó là dấu hiệu tốt có nghĩa là các bà còn thương, còn quan tâm đến các ông, cần người chia xẻ các vui buồn khổ cực trong cuộc sống vợ chồng. Trong trường hợp các bà im lặng thì các ông phải đề phòng là sẽ có điều chẳng lành sắp xảy ra đó còn tệ hơn nữa là các bà phớt tỉnh”Ăng-lê” không thèm đếm xỉa đá động gì đến các ông và xem các ông như”Nơ-pa” không dòm ngó gì nữa, coi như không có thì đó là dấu hiệu sắp tan rã rồi khó tránh khỏi!!!

Tóm lại dù Ðông hay Tây, dù Xưa hay Nay, Ðàn bà vẫn là Ðàn bà còn Ðàn ông vẫn là Ðàn ông:

      CHỒNG GIẬN THÌ VỢ BỚT LỜI.

      CƠM SÔI BỚT LỬA CHẲNG ÐỜI NÀO KHÊ,

      ÐẦU TÔM NẤU VỚI RUỘT BẦU.

      CHỒNG CHAN VỢ HÚP, GẬT ÐẦU KHEN NGON…                                

Nguyễn-Thượng-Chánh                             

 Kinh Hôn Nhân Gia Đình

Nhân ngày lễ Thánh Gia Thất, xin mời đọc kinh này để hy vọng tìm thấy bình an, hạnh phúc 

Lạy Thánh Gia, xưa Thánh Cả Giuse đã dẫn đưa Mẹ Maria và Chúa Giêsu trốn sang Ai Cập. Thánh Gia đã chia sẻ những tân toan trong đời sống gian nan.

Xin cho gia đình chúng con:

Biết CẢM THÔNG và SỐNG theo Lời Chúa dạy trong Thánh kinh,

Biết LẮNG NGHE  KÍNH TRỌNG NHAU, lúc vui cũng như khi buồn,

Biết NHẪN NHỤC và HÒA GIẢI. khi tính tình và cách cư xử khác nhau,

Biết HIẾU NGHĨA và CHUNG THỦY, từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội,

Biết lấy GƯƠNG LÀNH, mà dưỡng dục con cái.

 GIÊSU – MARIA – GIUSE

Đời chúng con sóng gió ba đào, xin Thần Linh Chúa ban ơn CAN ĐẢM, KIÊN TRÌ.

Gia đình chúng con TRẺ GIÀ XUNG KHẮC, xin ban ơn QUẢNG ĐẠI, THỨ THA, để chúng con AN VUI CHẤP NHẬN LẪN NHAU.

Giáo Hội Chúa cần nhiều tín hữu NHIỆT THÀNH SỐT MẾN,

xin cho chúng con biết PHỤNG SỰ, TIN YÊU, để cùng nhau XÂY DỰNG NƯỚC CHÚA MUÔN ĐỜI.

Giêsu-Maria-Giuse, con mến yêu, xin thương cứu các linh hồn.

Giêsu-Maria-Giuse, con mến yêu, xin thương cứu các gia đình.

Giêsu-Maria-Giuse, con mến yêu, xin thương cứu gia đình con. Amen.

Lễ kính Thánh Gia thất – Cha Vương

Chúc bình an! Hôm nay Giáo Hội mừng lễ kính Thánh Gia, cầu mong gia đình bạn luôn hạnh phúc và bền vững trong Chúa Ki-tô, thánh cả Giuse, và Mẹ Maria nhé.

Cha Vương

Thứ 6: 30/12/2022

TIN MỪNG: Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” (Mt 2:13)

SUY NIỆM: Gia đình nào cũng gặp những khó khăn, khủng hoảng trong đời sống, do công ăn việc làm khó khăn, con cái hư hỏng, cha mẹ bất hoà… Phương thế vượt qua không phải là giận ghét, bạo lực, nghi kỵ, nhưng là TÌNH YÊU, tình yêu dựa trên đức ái. Chỉ có tình yêu mới “cứu vãn” được gia đình, một tình yêu dựa trên lòng đạo đức, vâng giữ điều răn Chúa dạy. Mời bạn suy niệm lời của Thánh Phaolô nhắc nhở bạn về đời sống gia đình theo tinh thần của Chúa. Đừng để tinh thần của thế tục lừa dối Bạn nhé. “Thưa anh em, anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. Ước gì ơn bình an của Đức Ki-tô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân. Ước chi lời Đức Ki-tô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng. Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giê-su, và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha. Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. [Xin lưu ý: Quan niệm văn hóa thời bấy giờ trong đó vợ phải phục tùng chồng, con cái phục tùng cha mẹ, và nô lệ phục tùng chủ nhân của họ. Nhưng câu này không phải thế, Thánh  Phaolô đề cập tới việc phục tùng lẫn nhau hơn là sự cầm quyền của đối tượng này trên đối tượng khác, “hãy coi ai là ‘boss’ của ai nè”. Vợ chồng, vì thế, sẽ phục tùng lẫn nhau khi mỗi bên bắt chước tình yêu tự hiến của Đức Ki-tô đối với Hội Thánh. “Vì lòng kính sợ Đức Ki-tô, anh em hãy phục tùng lẫn nhau” (5:21)] Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ. Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng.” (Côlôsê 3:12-21)

Câu/chữ nào đánh động bạn nhất, tại sao? Hãy chia sẻ cảm nghĩ của bạn với vợ, chồng, con, bạn bè, v.v… trong gia đình.

LẮNG NGHE: Thiên Chúa đã xuất hiện trên mặt đất và sống giữa loài người chúng ta. (Br 3,38)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Giêsu, gương mẫu của gia đình Thánh Gia dạy cho con biết tất cả hạnh phúc gia đình đều bắt nguồn từ việc tuân hành thánh ý Chúa. Xin cho các bậc phụ huynh và những người con cháu trong gia đình luôn biết chu toàn bổn phận của mình để gia đình được hạnh phúc, Thiên Chúa được vinh danh, xã hội luôn an bình.

THỰC HÀNH: Tránh ngôn từ dằn vặt, chỉ trích xem ai là người có lỗi trong gia đình, và hãy dặn lòng tập sống khoan dung hơn.

From: Đỗ Dzũng

Tan vỡ ở tuổi bạc đầu

 Giận giữ như sóng ngầm…

“Mấy chục năm ở chung, tôi chỉ biết sống cho ông, cho các con. Giờ gần cuối đời rồi, hãy để tôi được sống cho mình”. Đó là lời tuyên bố lạnh lùng, cay nghiệt mà bà Hương đã nói với ông Bình trước khi dọn ra ở riêng.

Ngày còn trẻ, ông bà ra sức làm lụng, tích góp mua bằng được 2 cái nhà nghĩ để sau này cho hai cậu con trai. Nhưng khi các con học hành thành tài, chúng đều chọn thành phố làm nơi định cư. Ờ, thì tụi nhỏ chọn nơi phố hội làm chỗ cắm dùi cũng là quy luật tự nhiên, làm sau ông bà có thể cản chúng được. Mai này có thêm cháu chắc, tụi nó cũng sẽ có thêm cơ hội học hành thăng tiến hơn cái vùng quê nghèo này… Tự an ủi mình như thế, hai ông bà thấy phần nào nhẹ bớt buồn phiền và cũng dần quen với sự quạnh hiu, vắng vẻ.

Mọi việc nhà bà Hương, ông Bình cứ diễn ra suôn sẻ, chúng chỉ thực sự xáo trộn khi ông Bình chính thức nghỉ hưu. Suốt hơn 40 năm làm công chức trong vị thế của một trưởng phòng của mười mấy nhân viên. Ông ho một cái mọi người đã sợ, hôm nào ông không vui họ đã run… thì nay khi về hưu, cứ đi ra đi vào trong căn nhà quạnh quẽ, ông Bình thấy mình thành thừa thãi nên đâm ra hay cáu giận. Quen cung cách của một người làm sếp, bữa cơm nào bà lỡ tay nấu mặn là ông lập tức cằn nhằn. Ấm trà uống dở bà quên pha mới cũng trở thành nguyên cớ để ông bực bội…

Còn bà, suốt mấy mươi năm làm vợ đã quen với cảnh chồng sáng đi chiều về, bà ở nhà nuôi con, trồng rau nuôi gà, cơm nước… nên vợ chồng ít có thời gian ở bên nhau nên cũng ít cãi vã, kể cả việc ông đôi lần ‘trăng gió’. Vậy mà giờ đây, khi đã lên chức bà nội, bà Hương lại bị “soi mói” bởi ông chồng khó chịu. Bà cảm thấy mình như trở lại thời mới về làm dâu cứ co ro, khúm núm trước mẹ chồng. Thế là những uất ức bà mang chịu từ lâu nay bỗng ùa về.

Buồn bực và bất mãn, bà Hương cũng bắt đầu đá thúng đụng nia, lườm nguýt, chống đối chồng. Chỉ cần ông nói “Canh hơi mặn”, bà sẵn sàng nói ngay: “Có người nấu cho ăn là may lắm rồi. Những cô người tình thời trẻ của ông có còn bên ông thế này không?”.

Cứ thế, ông bà giống như mặt trăng, mặt trời. Ngày xưa khi ông bà còn trẻ, còn nhiều mối lo chung cho tương lai con cái, vẫn còn chia sẻ với nhau niềm vui thể xác… thì mọi bất đồng đều trở thành chuyện nhỏ. Nhưng nay khi con cái phương trưởng, khi những mối lo chung cũng như niềm vui thể xác không còn, ông bà trở thành 2 dấu lặng trái chiều.

Ngày bà quyết định dọn qua căn nhà thứ 2 ở. Cả ông và mấy đứa con chỉ nghĩ bà ra trông coi nhà cửa ít hôm thôi. Hôm chúng dẫn khách về quê ra tìm bà về cho đông đủ thì bà giận dỗi: “Mấy đứa con về đi, nói là tao bận không về”. Tưởng bà giận vì con ít thăm hỏi, chúng thuyết phục “xin nể mặt khách”, bà đành về.

Nhưng vừa chạm mặt ông thì hai bên đã muốn cự cãi nhau. Bắt đầu là câu nói của ông: “Hội phụ nữ gửi giấy mời cho bà, lần sau bà bảo họ gửi sang địa chỉ nhà kia nha”. Bà nổi sùng: “Ông yên tâm, tôi không làm phiền gì tới ông nữa đâu”. Khách khứa của con ngơ ngác, ái ngại, con cái thì được phen xấu hổ, bữa cơm hôm đó diễn ra nặng nề, không khí căng thẳng phả ra từ nét mặt “hình sự” của hai “tấm gương” cao nhất trong nhà.

Lúc khách khứa ra về, con cái họp bàn khuyên giải, thì bà tuyên bố: “Thực ra tao đâu phải ra đó trông nhà, tao và ông ấy ly thân”. Anh con trai lớn ngà ngà men rượu, lại phẫn uất vì xấu hổ nên cứ kêu trời: “Ba mẹ làm gì kỳ cục vậy. Hồi trẻ không sao, giờ già hết cả rồi lại đòi ly thân. Đúng là không còn ra thể thống gì”.

Nghe con trách móc, bà bật khóc bỏ đi một mạch ra khỏi nhà: “Mẹ đã vì anh em mày mà chịu đựng ông ấy gần hết đời. Giờ mấy con đã lớn, tự gây dựng được danh tiếng, ai thèm chấp người già. Giờ mẹ muốn sống cho mẹ. Không có cái nhà kia thì mẹ cũng ngăn đôi cái nhà này ra, chứ nhất định không sống chung nữa”.

Người già khó cứu

Lý giải cho tình cảnh cắn đắng nhau của các cặp vợ chồng già, các chuyên gia tâm lý cho biết nguyên nhân chính thường xuất phát từ những mâu thuẫn khi họ còn trẻ nhưng cố chịu đựng nhau. Khi về già, những sợi dây liên kết ngày mong manh dần, khiến họ chỉ muốn sổ lồng vì:

Tình dục: Là yếu tố cơ bản, đặc trưng phân biệt một cặp vợ chồng với những người có mối quan hệ khác dưới một mái nhà. Khi mâu thuẫn, vợ chồng trẻ còn ham muốn nhau sẽ dễ dàng dùng sex để làm lành. Nhưng về già, chuyện lệch pha hoặc cả hai cùng hết ham muốn thì chỉ càng khiến họ muốn “tách” rời nhau.

Con cái: Là sợi dây chỉ ra cái chung vĩnh cửu nhất của hai người trong hôn nhân. Nên khi con cái còn nhỏ, trông chờ vào bố mẹ thì họ nín nhịn nhau, đôi khi có người chấp nhận hy sinh hạnh phúc riêng, niềm vui riêng vì chúng. Nhưng khi cha mẹ bạc đầu, con cái phương trưởng, chúng đã tự lập có mối quan tâm riêng thì đó chính là lúc cái tôi của họ người già bùng phát. Theo phân tâm học thì từ 60 tuổi trở đi, con người ta nhìn lại quá khứ để tổng kết. Do đó họ muốn “phục thù” hoặc “tự giải phóng” mình.

Công việc: Đây cũng là một vấn đề lớn khiến các cặp vợ chồng trẻ, trung niên “ít còn thời gian” để cãi nhau. Họ cùng mải lo cho những tham vọng thăng tiến nên cố giữ hôn nhân để ổn định. Có người giữ hôn nhân để lấy danh tiếng, tạo thuận lợi cho công việc. Nhưng khi về già, họ “không còn gì để mất” mới muốn ly hôn, giải thoát mình.

Thay đổi tâm tính: Về già tinh thần suy giảm và sự trái tính, trái nết kéo theo sức khỏe kém khiến họ kém chịu đựng, dễ nổi nóng. Vì vậy với những cặp vợ chồng có tình trạng này thì càng dễ cau có, tranh cãi.

Tình cảnh chung

– Hiện nay, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác phải đối mặt với sự đổ vỡ, tranh cãi, ly hôn của những cặp đã qua 20 năm chung sống ngày càng tăng.

– Theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc, tỷ lệ này ở Nhật những năm đầu thế kỷ 21 được cho là “ngang ngửa” với cặp vợ chồng trẻ.

– Số người Mỹ trên 60 tuổi, thậm chí 90 tuổi vẫn gia nhập đội ngũ ly hôn ngày càng nhiều.

– Tại Hàn Quốc, ly hôn ở các cặp vợ chồng có trên 20 năm chung sống chiếm tới 18,3%, con số này tăng 4 lần so với 24 năm trước.

From: TU-PHUNG