Tôn giáo và các Lớp Dậy Nghề Tại các Quận 6, 7, 8 Sài Gòn

Tôn  giáo  và  các  Lớp  Dậy  Nghề Tại  các  Quận  6,  7,  8  Sài  Gòn

Bài 2:

Hồi tưởng của Đoàn Thanh Liêm

*      *     *

Ngòai việc mở thêm 2 trường trung học cộng đồng ở quận 6 và 8, chúng tôi còn tìm cách giúp mở thêm nhiều lớp dậy nghề trong cả 3 quận 6,7 và 8. Các lớp dậy nghề này hầu hết là được tổ chức tại các chùa hay nhà thờ và do các vị tu sĩ và tín đồ chịu trách nhiệm chính yếu. Xin lần lượt ghi ra các địa điểm có tổ chức các lớp dậy nghề đó như sau.

1 – Tại Chùa Huê Lâm ở Khu Bùng Binh Cây Gõ – Quận 6

Ngôi chùa Huê Lâm tọa lạc tại góc đường Lục Tỉnh và đường Minh Phụng là một cơ sở tôn giáo rất nổi tiếng tại vùng Chợ Lớn. Sư Bà Thích Như Thanh là người rất có uy tín, nên được nhiều Phật tử khắp nơi đến theo học với Bà, tôn vinh Bà là vị Thày hướng dẫn cho mình về các mặt tu đức và hành đạo.

Tại đây, còn có ngôi trường Tiểu học lấy tên là Kiều Đàm dành cho con em các gia đình bình dân lao động trong khu vực. Và đặc biệt có những lớp dậy thêu đan dành cho các thiếu nữ. Tất cả các lớp học này đều miễn phí, học viên không phải trả tiền cho nhà trường.

Có vài lần, theo yêu cầu của Sư Cô Như Châu là người trực tiếp phụ trách các cơ sở giáo dục và huấn nghệ này, thì Chương Trình chúng tôi đi gõ cửa nơi cơ quan CARE để xin họ giúp cho lớp học vài máy thêu đan và máy may. Ban Giám đốc cơ quan này gửi người đến tận nơi xem xét và cuối cùng họ đã vui vẻ cấp phát máy móc đúng theo lời yêu cầu của nhà chùa.

Sư Bà Như Thanh đã viên tịch từ lâu. Và hiện tại, theo chỗ tôi biết, thì Sư Cô Như Châu là người kế vị Sư Bà tại ngôi chùa danh tiếng này.

2 – Tại nhà thờ Bình Đông, phường Rạch Cát, Quận 7.

Nhà thờ này tọa lạc trong một khu đất rộng nằm sát cây cầu hình chữ U bác qua Kinh Ngang số 3 từ phường Bình Đông qua phường Rạch Cát. Giáo xứ này chỉ có chừng vài ba trăm gia đình công giáo và do Linh mục Nguyễn Huy Chương phụ trách cai quản.

Tuy sức khỏe yếu kém, nhưng linh mục Chương cũng cố gắng mời được các chuyên viên kỹ sư từ Sài gòn đến giúp dậy về kỹ thuật sửa chữa radio/tv cho các học viên ở địa phương. Và do sự giao tế khôn khéo, ông đã đi xin được nhiều dụng cụ và máy móc cũ để cho các học viên thực tập. Vì thế, mà Chương Trình Phát Triển chúng tôi cũng không phải bận tâm lo lắng gì cho các lớp dậy nghề tại đây.

Sau năm 1975, linh mục Chương bị bắt giam và vào năm 1983 – 84, ông đã chết tại nhà tù có số hiệu là A20 ở Xuân Phước Tuy Hòa. Nhà báo Vũ Ánh cũng bị giam giữ tại đây khá lâu và có tường thuật lại vụ các tù nhân chính trị bỏ xác tại trại giam được gọi là Thung Lũng Tử Thần này.

3 – Tại chùa Đông Phước, Phường Bình Đông, Quận 7.

Chùa Đông Phước tọa lạc ở phía giữa cù lao Bình Đông, là một ngôi chùa lâu đời nhất tại vùng Chợ lớn. Nhìn qua mấy ngôi mộ sát bên hông chùa, ta có thể suy đóan được ngôi chùa này được tạo dựng đã trên 100 năm dưới thời Vua Tự Đức. Vì tình hình lọan lạc, nên rất đông bà con đã tụ tập về nơi đây từ lâu và cất nhà la liệt ngay trong khuôn viên nhà chùa – đến nỗi mà không còn cả cái hàng rào để ngăn cách ngôi chùa với khu nhà của dân chúng lân cận nữa. Thật đúng là chuyện “Cửa chùa rộng mở vậy”.

Vị sư trụ trì hồi thập niên 1960 – 80 là Thượng Tọa Thích Tắc Thành. Thày là người vui vẻ xởi lởi, nên được nhiều Phật tử yêu mến kính trọng, họ thường gọi ông bằng cái tên thân mật là Thày Mười.

Bắt đầu từ năm 1969 – 70, Thày Mười cho mở thêm một phòng phát thuốc và mấy lớp dạy may cắt cho các thiếu nữ tại địa phương. Cả hai cơ sở này đều được Nhóm Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội cung cấp thuốc men và máy móc, cho nên nhà chùa chỉ phải tìm chuyên viên may cắt đến chỉ dẫn cho các học viên mà thôi.

Sau năm 1975, thì tất cả mọi lớp huấn nghệ của các tổ chức tôn giáo như ở đây đều phải ngưng họat động. Và nhà nước cho cán bộ đến chở hết các máy móc thiết bị đi nơi khác.

Vào các năm 1985 – 86 trở đi, tôi hay có dịp đến thăm Thày Mười và lần nào Thày cũng đích thân pha một bình trà ngon ra để đãi tôi. Có lần Thày lại giữ tôi lại dùng cơm chay chung với Thày nữa. Thày nói : “Gần đây tại khu vực Chơ lớn, nhà nước cho mở nhiều nhà máy chuyên may quần áo để xuất khẩu. Nhờ vậy mà các học viên xưa kia theo học may cắt ở đây, thì bây giờ đều kiếm được việc làm tươm tất trong các xí nghiệp may xuất khẩu gần nhà. Thật là điều đáng mừng cho bà con ở xung quanh đây vậy đó…”

4 – Tại nhà thờ Bình An, Quận 8.

Nhà thờ Bình An tọa lạc trên bến Phạm Thế Hiển dọc theo con sông Kinh Đôi, phía bên kia cầu Nhị Thiên Đường. Đây là một giáo xứ với cả ngàn gia đình giáo dân do vị linh mục nổi danh là Hòang Quỳnh đưa dân di cư từ miền Bắc vào hồi 1954.

Vào năm 1969, chúng tôi xin với một cơ quan xã hội quốc tế để cấp cho giáo dân tại đây một dãy nhà tiền chế khung sắt, mái lợp tôle dài đến 30 mét để dùng làm một Trung Tâm Xã Hội. Người phụ trách điều khiển cơ sở này là linh mục Đinh Công Hùynh hồi đó mới có chừng 30 tuổi. Ông là người phụ tá cho linh mục Chánh Xứ Hòang Quỳnh đã ở vào tuổi 70. Sau 1975, cha Quỳnh bị bắt giam và đã chết tại nhà tù Chí Hòa.

Trung tâm này còn có cả một ký nhi viện và rất nhiều lớp dậy nghề. Các lớp dậy nghề ở đây phần lớn là nhằm dậy về cắt may, dậy cắm hoa dành riêng cho các thiếu nữ. Nhưng cũng có vài lớp dậy về đánh máy chữ, dậy tập võ và đặc biệt còn có lớp hướng dẫn dành riêng cho các em “bụi đời” nữa. Nhưng sau 1975, thì Trung Tâm bị đóng cửa.

Vào cuối thập niên 1970, vì lý do gặp nhiều phiền phức với nhà cầm quyền cộng sản, nên linh mục Hùynh đã phải tìm cách xuống tàu vượt biên và hiện đang là cha xứ coi sóc một họ đạo có nhiều giáo dân người Việt tại thành phố Philadelphia.

5 – Các lớp nữ công gia chánh lưu động ở Quận 6 và 8.

Ngòai các lớp dậy nghề tại các chùa, các nhà thờ như đã ghi trên đây, thì chúng tôi còn mở các lớp gia chánh lưu động tại Quận 6 và Quận 8. Các lớp này lại cũng được các giảng viên do Nữ tu Nicole trong tu viện Regina Pacis giới thiệu đến giảng dậy. Vì lớp học được tổ chức vào ban tối tại các trường học ở địa phương, nên chương trình chúng tôi phải kiếm xe lam để đưa đón các cô giáo đến giảng dậy mỗi ngày trong tuần. Thành ra, dù lớp học do chúng tôi tổ chức, thì rút cục vẫn phải nhờ cậy đến vị nữ tu công giáo này mới có thể duy trì lâu dài trong nhiều khóa học được.

Nhân tiện, tôi cũng xin nói qua về vài lớp học chuyên hướng dẫn về kỹ thuật sửa mày thủy động cơ do chúng tôi tổ chức tại Quận 8 vào năm 1966. Các lớp này do kỹ sư người Nhật từ đại lý hãng Kubota gửi đến giúp đỡ chúng tôi – lý do là vì bà con ở địa phương hay dùng các lọai máy chạy tàu, chạy ghe, nhất là máy đuôi tôm, nên đã yêu cầu chương trình phát triển làm sao mở được các lớp đặc biệt như vậy.

6 – Để tóm tắt lại.

Trong mấy năm họat động tại địa phương các quận 6,7 và 8 Sài gòn, chương trình phát triển chúng tôi đã có dịp hợp tác với các tổ chức tôn giáo để góp phần xây dựng cộng đồng về nhiều phương diện. Và đặc biệt trong lãnh vực huấn nghệ để đào tạo những công nhân có tay nghề vững chắc, đủ khả năng đảm nhận một công việc chuyên môn trong các công ty xí nghiệp – thì tại các chùa, các nhà thờ, giới tu sĩ và tín đồ đều tham gia hết sức phấn khởi tận tình trong việc tổ chức và điều hành những lớp học nghề – như đã ghi chi tiết ở trên.

Sự kiện đó chứng tỏ rằng : “Tôn giáo ở nước ta vẫn còn có thể đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc phục vụ xã hội ngay tại các cơ sở hạ tầng (at the grassroots)”.

Rất tiếc rằng, từ khi nắm giữ được chính quyền trong tay, người cộng sản quá khích cuồng tín đã dẹp bỏ tòan thể những cơ sở y tế, xã hội, giáo dục và văn hóa do các tôn giáo tự nguyện hy sinh đảm trách. Quả thật, đó là một sự phí phạm quá lớn lao về tiềm năng chung của dân tộc và cũng là điều thiệt thòi không có gì bù đắp nổi cho các tầng lớp nhân dân sinh sống tại những khu vực nghèo túng nữa vậy./

Costa Mesa California, Tháng Chín 2015

Đoàn Thanh Liêm

Chương trình Phát triển Quận 8 Sài gòn: Vài câu chuyện đáng nhớ từ những ngày đầu

Chương trình Phát triển Quận 8 Sài gòn:

Vài câu chuyện đáng nhớ từ những ngày đầu

*     *     *

(Bài đầu)

Ở vào tuổi 80, đúng theo với quy luật tự nhiên, thì trí óc của tôi cũng đã bắt đầu suy giảm phai mờ đi ít nhiều rồi. Vì thế mà tôi phải cố gắng rà sóat lại trí nhớ để có thể ghi lại một cách tương đối chính xác những sự việc bản thân mình đã trực tiếp tham dự cùng chung với các bạn – hoặc đã chứng kiến câu chuyện qua việc “tai nghe, mắt thấy”.

Để cho ngắn gọn, tôi xin tường thuật một số chuyện ngộ nghĩnh liên hệ đến Chương Trình Phát Triển Quận 8 vào lúc khởi đầu đại lược như sau.

1 – Những phiên họp vào ban tối tại nhà anh Võ Long Triều.

Vào khỏang tháng 5, tháng 6 năm 1965 sau khi tham gia họat động với các bạn trong Chương Trình Công Tác Hè, thì một số anh em chúng tôi thường hội họp với nhau tại nhà anh Võ Long Triều tại đường Mạc Đĩnh Chi vào các buổi chiều tối. Anh em lúc đó ở vào lứa tuổi 25 – 30.

Tôi còn nhớ có chừng trên dưới 10 người tham dự thường xuyên các phiên họp này, đại khái có các bạn Hồ Văn Minh, Hồ Ngọc Nhuận, Mai Như Mạnh, Võ Long Triều, Đòan Thanh Liêm, Nguyễn Văn Mừng, Võ Trọng Di, Nguyễn Hữu Dõan, Trần Viết Ngạc, Lê Phú Khôi. Và một vài lần, lại có anh Phạm Thanh Thời hồi trước 1963 đã là Quận Trưởng Quận 8. Và chính nhờ anh Thời góp thông tin về tình hình ở Quận 8, mà chúng tôi mới thỏa thuận với nhau để chọn Quận 8 làm thí điểm cho các họat động tập thể của mình.

Kết quả là vào đầu tháng 7, chúng tôi đã sọan thảo xong một bản tài liệu gọi là “Dự Án” gồm chừng 30 trang với nhan đề như sau :

“Phong Trào Xây Đời Mới

Chương Trình Phát Triển Quận 8 Sài Gòn”.

Anh em nhờ anh Võ Long Triều đem bản Dự Án này trực tiếp gửi đến Tướng Nguyễn Cao Kỳ là vị Thủ Tướng – với chức danh là “Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương”.

Và sau đó không lâu, chúng tôi nhận được sự chấp thuận của Thủ Tướng về mặt nguyên tắc. Còn về các chi tiết thực hành, thì chúng tôi phải đến bàn thảo với hai cơ quan bảo trợ là Bộ Thanh Niên và Tòa Đô Chính Sài Gòn.

2 – Chuyện thật khó nói trong phiên họp tại Tòa Đô Chính Sài Gòn.

Một trong những quyết định của nhóm anh em chúng tôi là: Đề nghị với chính quyền chấp thuận bổ nhiệm hai chức vụ này:

a/ Hồ Ngọc Nhuận làm Quận Trưởng

b/ Mai Như Mạnh làm Phụ Tá Quận Trưởng.

Anh Nhuận là người Nam lại có tài tháo vát năng nổ và ăn nói họat bát trước công chúng. Anh Mạnh là người Bắc, tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh. Vì dân chúng ở quận 8 đại đa số là người Nam, cho nên chúng tôi nghĩ để anh Nhuận làm Quận trưởng thì thuận lợi hơn.

Trong một phiên họp vào cuối tháng 7 tại Tòa Đô Chính có đông đủ giới lãnh đạo của Bộ Thanh Niên và Tòa Đô Chính do Bác sĩ Nguyễn Tấn Hồng, Bộ trưởng và Bác sĩ Văn Văn Của, Đô trưởng đồng chủ tọa, chừng trên 10 anh em chúng tôi đã có dịp trình bày chi tiết hơn về những việc anh em dự định thực hiện ở địa phương quận 8. Và tiếp theo, thì có sự trao đổi đại lược về hai việc như sau:

c/ Bác sĩ Hồng nêu thắc mắc rằng: “Tôi thấy các anh sắp xếp hai chức vụ Quận trưởng cho anh Nhuận và Phụ Tá Quận trưởng cho anh Mạnh, thì không ổn chút nào. Anh Mạnh có kinh nghiệm về hành chánh, thì nên đảm nhiệm chức vụ Quận trưởng, thì thích hợp hơn…”

Thế nhưng, trước số đông người trong phiên họp công khai như vậy, chúng tôi không thể nêu cái li‎ do “Nam/Bắc” ra để trả lời cho Bác sĩ Hồng được. Mà cuối cùng, thì một anh em còn nói cụt ngủn rằng : ”Đây là một sự sắp xếp dứt khóat của tập thể anh em chúng tôi chủ trương, do đó mà không thể nào thay đổi được…” Nghe vậy Bác sĩ Hồng tỏ vẻ miễn cưỡng không vui. Và sau này, có người thuật lại rằng ông than phiền về thái độ quá cứng rắn đó của bọn thanh niên chúng tôi.

d/ Đến lượt Bác sĩ Văn Văn Của là Đô Trưởng, thì cũng tương tự như vậy. Ông nói :” Tôi không thấy ông Quận Trưởng đương nhiệm là Cao Minh Chung có một lỗi lầm nào để mà phải ngưng chức của ông đi. Thật khó nghĩ đấy …”

Trong bụng chúng tôi nghĩ: Đây là thứ chuyện “Cách Mạng”, do đó mà cũng không thể giải thích theo cái lối lí luận thông thường được. Và dĩ nhiên là không một ai trong chúng tôi lại trực tiếp trả lời Bác sĩ Của nữa. Lại thêm “một chuyện khó nói” nữa vậy.

Và sau đó ông Đô Trưởng lại cử ông Cao Minh Chung ở lại làm một “Cố vấn Thanh tra” bên cạnh Tòa Hành Chánh Quận 8 nữa. Sự kiện này cũng gây khó khăn trở ngại cho các anh Nhuận và Mạnh trong vài tháng trước khi ông Chung được đưa về Tòa Đô Chánh.

3 – Chuyện xuất quân đến Quận 8 vào giữa tháng 8 năm 1965.

Với khí thế hăng say của tuổi trẻ, bọn chúng tôi lục tục kéo nhau xuống quận 8 ngay sau Lễ Bàn giao chức vụ Quận trưởng cho anh Hồ Ngọc Nhuận và Mai Như Mạnh. Hai anh lúc đó đều là sĩ quan được biệt phái và đến năm 1966 thì được giải ngũ.

Trong số những anh em nòng cốt mà vẫn hội họp với nhau vài tháng trước, thì có 5 anh em chúng tôi là Nhuận, Mạnh, Minh, Liêm và Mừng là xuống bắt tay vào công việc ở quận 8 với sự tiếp tay của chừng vài chục thiện nguyện viên khác nữa, kể cả nam và nữ. Số thiện nguyện viên này gồm chừng 7 – 8 em học sinh cỡ tuổi 17 – 18 từng họat động trong Phong Trào Học Đường Phục Vụ Xã Hội và một nhóm gồm chừng 10 người lớn tuổi hơn đã từng tham gia sinh họat trong các đòan thể khác. Người đứng đầu nhóm thứ hai này là anh Hòang Quốc Dũng là người do anh Nguyễn Thành Vinh giới thiệu đến với chúng tôi.

Như vậy trong thành phần chừng trên 20 người đầu tiên đến làm việc ở quận 8, thì chỉ có 2 người là anh Nhuận và Mạnh là viên chức giữ nhiệm vụ hành chánh. Còn lại, tất cả đều nằm ngòai guồng máy công quyền và việc tổ chức phân công trong nội bộ riêng của Chương Trình Phát Triển chúng tôi, thì nhà nước không hề can thiệp vào. Có thể nói đây là một Chương Trình Phát Triển Cộng Đồng do sáng kiến của anh chị em chúng tôi chủ động cùng hợp lại chung với nhau – nhằm cộng tác với nhà nước để thực hiện những công tác xây dựng cụ thể thiết thực tại địa phương quận 8. Dĩ nhiên là mọi hoạt động của chúng tôi đều được đặt dưới sự kiểm sóat và bảo trợ của Bộ Thanh Niên và Tòa Đô Chính Sài gòn. Đó là tính chất căn bản của cái “dự án thí điểm” (pilot project) này vậy.

Trong mấy tháng đầu, chúng tôi đều hy sinh dấn thân làm việc miệt mài và hầu hết đều sinh sống ngay tại địa phương – theo phương thức “Tam Cùng” – tức là Cùng Ở, Cùng Ăn, Cùng Làm Việc với đồng bào địa phương. Đòan công tác do anh Dũng điều động, thì phải trú ngụ tại Đình An Phú thuộc Phường Hưng Phú. Nhờ vậy mà dễ gây được mối thiện cảm của giới thân hào nhân sĩ tại chỗ và được họ góp ‎sáng kiến chỉ dẫn cho phải thực hiện lọai công tác nào mà đem lại ích lợi thiết thực nhất cho cộng đồng địa phương.

Cụ thể là chỉ trong vòng 3 tuần lễ sau khi đến quận 8, chúng tôi đã hòan thành ngay được một ngôi trường 5 lớp học tại Phường Hưng Phú – để giúp giải tỏa các “lớp học ban trưa” vì lúc đó các trường tiểu học công lập đều không có đủ phòng ốc dành cho số học sinh quá đông đảo. Công tác đầu tay này đã làm cho các phụ huynh và thầy cô giáo rất hài lòng và từ đó mà họ bắt đầu đặt niềm tin nơi chương trình phát triển.

Và tiếp theo là 2 công trường chỉnh trang khá quy mô tại Liên Khóm 14&15 trong Khu Xóm Đầm thuộc Phường Hưng Phú và Khóm 5A thuộc Phường Chánh Hưng sát với Khu Sở Rác. Hai công trình này phải nhờ đến cả một con tàu hút bùn cát từ lòng sông Kinh Đôi và Rạch Ụ Cây làm việc liên tục ngày đêm trong mấy tháng, thì mới có thể lấp được các hố trũng trong khu vực. Nhờ vậy, mới có đất để làm đường cũng như làm nền nhà cho dân.

Cả hai công trình này đã được Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ giới thiệu với Phó Tổng Thống Mỹ là Hubert Humphrey nhân chuyến viếng thăm vào tháng 2 năm 1966 – sự kiện này đã gây tiếng vang thật sôi nổi trên báo chí Việt nam cũng như quốc tế hồi đó.

4 – Sư tiếp trợ của bạn bè thân hữu vào lúc khởi sự của Chương Trình.

Phải nói chuyện giới trẻ ở Sài gòn mà lặn lộn xuống tận quận 8 thật xa lạ vào thời đó, thì có thể coi như là một cuộc phiêu lưu mạo hiểm. Vì thế, mà chúng tôi được nhiều bậc đàn anh cũng như thân hữu thông cảm, hiểu rõ tinh thần hăng say thiện chí của nhóm anh em chúng tôi và rồi tìm cách khuyến khích nâng đỡ về tinh thần cũng như về vật chất cho chương trình. Xin trưng dẫn một vài nhân vật tiêu biểu sau đây.

a/ Anh chị Nguyễn Văn Tánh & Bạch Nhật.

Anh Tánh làm việc ở Tổng Liên Đòan Lao Công, Dược sĩ Bạch Nhật bà xã của anh là một thanh tra của Bộ Y Tế. Cả hai anh chị đều khuyến khích yểm trợ tinh thần hết mình cho chúng tôi. Chị còn giới thiệu với một vài dược phòng để chúng tôi tới xin thuốc để cấp phát cho bệnh nhân. Anh Trần Hữu Hải lúc đó cũng ở chung với anh chị Tánh, thì giới thiệu chúng tôi với một vài nhà máy để xin vật liệu xây dựng như gỗ, ván dăm bào v.v…

b/ Luật sư Trần Văn Tuyên và Linh mục Bernard Pineau.

Luật sư Tuyên rất chú trọng theo dõi công việc chúng tôi làm ở quận 8. Vào đầu năm 1966, có lần Linh mục Pineau nói với tôi rằng : “Luật sư Tuyên và tôi vừa mới chuyện trò trao đổi với nhau về chuyện các em làm ở quận 8. Cả hai chúng tôi đều coi đó là những “micro-réalisation” (nguyên văn tiếng Pháp) rất đáng khuyến khích. Các em cứ cố gắng làm việc như thế nhé…”

c/ Dược sĩ La Thành Nghệ lúc đó là một Nghị viên Đô Thành Sài gòn.

Ông có thiện cảm với chúng tôi và cũng thường cấp thuốc men cho Đòan Y Tế do anh Bác sĩ Minh phụ trách khám bệnh cho bà con ở địa phương. Ngòai ra, ông cũng còn bênh đỡ chúng tôi trước sự phê bình chỉ trích của một vài nghị viên khác tại Hội Đồng Đô Thành.

d/ Đỗ Ngọc Yến và Chương Trình Công Tác Hè 1965.

Trong thời gian mới xuống Quận 8, chúng tôi thiếu thốn mọi thứ vì mãi mấy tháng sau mới nhận được ngân khỏan của chính phủ cấp phát tài trợ. Cụ thể là trong việc xây dựng ngôi trường đầu tiên vào cuối tháng 8 năm 1965, thì các em trong Phong Trào Học Đường Phục Vụ Xã Hội cung cấp nhân công, nhưng phải nhờ anh Đỗ Ngọc Yến trích quỹ của Chương Trình Hè để mua cho một số gỗ làm cột nhà, đòn tay, cửa v.v… Còn phần thực phẩm, thì chúng tôi cũng phải đi xin từ nhiều nhà hảo tâm khác nữa.

đ/ Giới lãnh đạo của Bộ Thanh Niên và Tòa Đô Chính.

Cả hai Bác sĩ Hồng Bộ Trưởng Thanh Niên và Bác sĩ Của Đô Trưởng Sài gòn đều tận tình khích lệ và yểm trợ anh chị em thiện nguyện trong chương trình của chúng tôi. Đặc biệt là các Phụ tá của Bác sĩ Của như Lê Công Truyền, Bùi Thế Cảnh đều có thiện cảm và lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ cụ thể về mặt khai thông những bế tắc trong thủ tục hành chánh mỗi khi chúng tôi gặp trở ngại gì.

* * Để tóm kết lại.

Đã 50 năm qua, sau bao nhiêu tang thương biến đổi trên đất nước ta, trong số  anh chị em thiện nguyện chúng tôi ở Quận 8 hồi đó, thì nay nhiều người đã ra đi từ giã cõi đời này. Số còn lại thì cũng đều đã ở vào lứa tuổi 70 – 80 với trí óc lẩm cẩm lẫn lộn nhiều rồi.

Những dòng ghi trên đây chỉ nhằm gợi lại một chút kỷ niệm vui buồn của chúng tôi gặp phải trong những ngày đầu lúc mới khởi sự của chương trình phát triển ở khu vực ven đô Sài gòn hồi năm 1965 – giữa lúc cuộc chiến đang bắt đầu leo thang sôi động ác liệt khiến cho nhiều người phải rời bỏ vùng quê mất an ninh để chạy về trú ngụ nơi các thành phố.

Tôi hy vọng sau này, trong lớp con cháu của chính các gia đình cư ngụ tại địa phương quận 8 xưa nay, sẽ có người đi thu thập tài liệu, thống kê v.v… liên hệ đến chương trình phát triển tại cả 3 quận 6,7 và 8 này – để rồi trình bày trong một công trình nghiên cứu lịch sử xã hội của địa phương. Tài liệu nghiên cứu chi tiết như thế sẽ có giá trị khách quan, có sức thuyết phục hơn là do người trong cuộc chủ quan viết ra. Và rồi qua đó mà rút ra được một bài học kinh nghiệm có giá trị đối với thế hệ tương lai của đất nước vậy./

Costa Mesa California, Tháng Chín 2015

Đoàn Thanh Liêm

KINH – TẾ – HỌC PHẬT – GIÁO

KINH – TẾ – HỌC   PHẬT – GIÁO

Đoàn Thanh Liêm

‘Chánh Nghiệp’ là một trong tám ‘con đường tu’ rất căn bản và quan trọng của ‘Bát Chánh Đạo’ nhằm giúp người tu dứt được những nguyên nhân xa gần của mọi khổ đau trong đời sống thường ngày. Đức Phật đã thuyết giảng đề tài này ngay sau khi Ngài thành đạo, rồi tiếp tục suốt 45 năm hoằng pháp, kể cả những ngày cuối đời                                                    

“Chánh nghiệp”  là những nghề nghiệp, việc làm chân chính, ngay thẳng, dựa vào chính sức lực của tim óc và bắp thịt của mình để mưu cầu cuộc sống. Vì thế, ta có thể nói rằng đạo Phật đã có một hướng đi đúng đắn làm nền tảng cho bộ môn Kinh-Tế-Học Phật-Giáo.

Tại những quốc gia mà đa số dân chúng tin theo đạo Phật thường bảo rằng họ muốn gìn giữ đức tin theo chánh pháp của Phật giáo. Ở Miến Điện, người dân thường nói rằng “Chúng tôi không thấy có sự đối nghịch nào giữa giá trị tôn giáo và sự tiến bộ của kinh tế cả. Sự an lạc của ‘thân’ và sự thanh tịnh của ‘tâm’ vẫn thường trợ duyên cho nhau mà không hề có tương phản nào” hoặc là “Chúng tôi có thể kết hợp những giá trị tôn giáo và truyền thống tâm linh với những lợi ích có được từ  kỹ thuật tân kỳ rất thành công.” hay là “Người dân Miến Điện chúng tôi có bổn phận phải biết dung hợp một cách hài hòa giữa ‘mộng’ và ‘thực’ trong đức tin của mình, và suy nghĩ đó vẫn luôn luôn mang lại kết quả viên mãn.

Cũng thế, có những  quốc gia khác lại cho rằng họ có thể theo mẫu mực thiết lập kế hoạch phát triển kinh tế hiện đại, và rồi sẽ mời gọi các kinh tế gia từ những quốc gia tân tiến đến hướng dẫn họ phác họa chương trình có tầm cỡ để phát triển kinh tế theo những loại như ‘Kế Hoạch Ngũ Niên’ chẳng  hạn. Và không ai có thể ngờ rằng phương cách sống theo đạo Phật, mà ta có thể gọi là kinh tế học Phật giáo, giống như nếp sống duy vật chất hiện đại, lại có thể mang đến sự thăng tiến như thế.

Ngay cả những kinh tế gia, cũng như hầu hết mọi chuyên gia khác, vẫn thường loay hoay trong cái mù quáng có tính siêu hình của mình mà cứ  cho đó là khoa học của sự thật tuyệt đối cố định, và không được định hình từ trước. Có một số vị lại cho rằng những  luật kinh tế đều không mang ‘tính siêu hình’ hay ‘tính giá trị’ như định luật của trọng lực. Tuy vậy, chúng ta cũng không nên bận tâm đến những cuộc tranh cãi về phương pháp luận mà chỉ nên suy gẫm về một số điều căn bản nhất rồi thử nhìn sự việc bằng cặp mắt của một kinh tế gia hiện đại và một kinh tế gia phật giáo để xem sự thể như thế nào.

Gần như ai cũng đồng ý rằng sức lao động của con người chính là cội nguồn căn bản của mọi sự giàu có trên đời. Trong khi đó thì những  kinh tế gia lại cho rằng ‘sức lao động’ hay việc làm lao công chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu rất bình thường của con người. Còn đối với một chủ nhân ông của thời kỳ hiện-đại-hóa thì phải giảm đến mức tối thiểu sức lao động này, và nếu cần thì làm triệt tiêu luôn, để làm giảm giá thành sản phẩm. Nhưng với cách nhìn của người công nhân thì đó là sự bất công, vì khi lao động , con người đã hy sinh thời gian rảnh rỗi và sự thoải mái của đời mình để đổi lấy đồng lương, coi như là một đền bù cho sự hy sinh, mất mát đó.

2

Vì thế nên người chủ chỉ muốn có sản phẩm ra khỏi nhà máy mà chỉ phải sử dụng thật ít sức lao động của thợ thuyền, còn giới công nhân thì mong được làm việc để lãnh lương và không phải lo bị thất nghiệp.

Trong thực tế, không dễ gì áp dụng một trong hai phương cách trên và phải loại bỏ phương cách kia, mà nên dung hòa bằng cách biết sử dụng  máy móc ở một mức độ thích hợp nhằm giảm bớt công việc nặng nhọc cho người lao động, như thế năng suất lao động sẽ tăng lên và sản phẩm sẽ xuất xưởng nhiều hơn. Đồng thời cũng nên áp dụng chế độ khen thưởng để khích lệ tinh thần làm việc. Phương pháp chia việc ra từng phần nhỏ để tăng thêm việc, và tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều người có ít tay nghề. Sự thật thì cách vận hành này cũng đã được áp dụng từ thời xa xưa.

Khi sắp xếp lao động , người phật tử thường nhìn đến ba phương diện : trước tiên là tạo cơ hội cho công nhân thi thố tài năng, thứ đến là giúp cho mỗi người cùng cộng tác với  các đồng nghiệp để tự xóa dần tính vị kỷ,(chấp ngã), và sau cùng là mang đến nhiều phúc lợi để cuộc sống được an lạc trong tự tại. Và như thế, phương cách này nên được áp dụng liên tục và mãi mãi.

Nếu sự tổ chức công việc mà luộm thuộm, không hợp lý, không gây được hứng khởi, mà chỉ tạo căng thẳng tinh thần, dễ gây ra bất đồng, mất đoàn kết và đưa đến bạo động, nghĩa là chỉ tạo điều kiện cho tội lỗi phát sinh. Nếu người chủ thiếu lòng từ bi, chỉ quan tâm đến sản  lượng mà không để ý gì đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của người thợ là đã cố ý hay vô tình làm thui chột ý thức muốn hướng về chân, thiện, mỹ của họ. Mọi cố gắng  đem sự thoải mái vào việc làm sẽ giúp cho người thợ thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Đó là những yếu tố rất cần thiết cho thực tế cuộc sống có đạo lý.

Cũng từ nhận thức đó, người phật tử đã thấy rõ sự khác biệt giữa việc sử dụng máy móc như công cụ phục vụ con người, làm thăng hoa cuộc sống,  và việc dùng con người làm nô lệ cho máy móc. Để làm sáng tỏ ý nghĩa này, Ananda Coomaraswamy , một người rất am tường về nét đặc thù của nét hiện đại phương Tây và nét cổ truyền phương Đông đã phân tích : “Một người thợ thủ công giỏi bao giờ cũng thấy được sự khác biệt giữa một chiếc máy và một dụng cụ cầm tay. Cái khung cửi dệt thảm được chuẩn bị một cách cẩn thận, giúp cho người thợ khéo tay, sử dụng thật tài tình các ngón tay của mình đê luồn lách đưa từng sợi chỉ màu khác nhau  với con thoi tay để có thể dệt một tấm thảm đạt đến tuyệt đỉnh của nghệ thuật, diễn tả hết nét đẹp tuyệt vời của văn hóa dân tộc anh, mà chiếc máy dệt tân kỳ thì không làm sao diễn đạt được nét tuyệt mỹ ấy.” Từ cách suy nghĩ này ta có thể phân biệt được kinh tế học Phật giáo và kinh tế học hiện đại. Người phật tử thấy được cái tinh túy của  văn minh nhân loại trong sản phẩm hơn là chấp chặt vào sản lượng trong văn minh cơ khí hóa. Tính cách nhân bản này, thực sự đã hình thành từ khi con người đã biết sản xuất. xác định được nhân cách và nhận thức chuộng sự tự do muốn chọn cho mình một phương cách sản xuất. Một triết gia, cũng là một nhà kinh tế người Ấn Độ Ông J.C.Kumarappa đã đúc kết rằng :

3

“Nếu mọi người biết quí trọng đúng mức đặc tính của việc làm, thì sẽ thấy  ra giá trị cao hơn trong tương quan nhân quả của việc và sản phẩm, giống như sự liên hệ giữa sức khỏe của cơ thể con người và thực phẩm được hấp thụ. Nhận thức đó sẽ nuôi dưỡng và tạo duyên cho con người sáng suốt hơn, thăng tiến khả năng sản xuất của mình, hun đúc thêm tinh thần cầu tiến và cũng biết tự chế lòng ham muốn thấp hèn để luôn luôn có chỗ đứng xứng đáng trong mọi giai tầng của công việc. Đồng thời, khả năng thi thố cũng được nâng cao để thể hiện tư cách, phẩm giá của mình.”

Nếu một người bị mất việc, thì anh ta sẽ rất lo lắng và thất vọng, vì không những chỉ mất đồng lương, mà còn thiếu cả nguồn sống từ vật chất đến tinh thần là những giá trị khó có gì thay thế được. Một kinh tế gia thời nay có thể tính toán hết sức chuẩn xác làm sao để mọi người đều có việc làm cố định và được hưởng lương, hoặc một cách kinh tế hơn, là  bảo đảm được đồng lương trong khi việc làm có thể thay đổi, biến động theo tình thế, v.v.. Tiêu chuẩn căn bản của sự thành công trong kinh doanh hiện nay vẫn là tổng sản lượng hàng hóa phải xuất xưởng trong một thời gian qui định.

“Nếu mức độ tiêu thụ hàng hóa bị giảm sút nghiêm trọng, thì sẽ khó tránh được tình trạng phải sa thải công nhân ở những mức độ khác nhau, hoặc vừa phải hoặc ào ạt” như giáo sư Gaibraith đã viết trong tạp chí The Affluent Society, và hơn thế nữa: “Nếu vì sự ổn định của lợi nhuận mà phải chấp nhận sa thải công nhân thì phải cung cấp đủ nhu yếu phẩm cho những người bị mất việc, để họ có thể giữ được mức sống bình thường, như một biện pháp cần thiết không thối thoát được”.

Theo cách nhìn của người phật tử thì họ cũng thấy được trong thực tế thì còn nhiều người vẫn coi trọng sản phẩm hơn giá trị con người, và số lượng hàng hóa được tiêu thụ vẫn quan trọng hơn phẩm chất của sản phẩm mang tính sáng tạo. Nghĩa là đã xem nhẹ cái tài hoa khéo léo của người thợ, hay nói một cách khác, là hạ thấp giá trị nghệ thuật của người thợ đi, để tôn vinh cái gì ô uế, xấu xa theo thị hiếu thường tình. Điều quan trọng hơn hết trong quan niệm kinh tế của phật giáo là làm sao cho mọi người đều có công ăn việc làm ổn định để kiếm sống. Đó không phải là một cường điệu trong sự tạo việc làm, hoặc sự gia tăng tối đa sản lượng. Khi những  người phụ nữ của gia đình phải đi tìm việc ở các văn phòng hay những nhà máy thì đó là chỉ dấu thất bại nghiêm trọng của kinh tế. Cụ thể như là phải nhìn thấy các bà mẹ đang làm việc trong xưởng máy và bỏ các đứa con của mình  chạy chơi rong ngoài đường phố là không hợp lý một chút nào trong ánh mắt của nhà kinh tế phật giáo. Còn đối với các kinh tế gia thời hiện đại thì bất kỳ ai là người thợ giỏi thì đó là người chiến sĩ can trường của mặt trận sản xuất.

4  Trong khi những người ham sống xa hoa, mong muốn có nhiều  hàng hóa để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng, thì người phật tử chân chính chỉ nghĩ đến sự giải thoát khỏi những vướng mắc vật chất thường tình. Dựa vào con đường “Trung Đạo” của Phật giáo, người phật tử sẽ không thấy có gì là khúc mắc trong sự an lạc của tự thân . Sự giàu có không có chỗ đứng trong sự giải thoát, mà đó chỉ là vướng víu trở ngại mà thôi. Họ không cho hưởng thụ vật chất là thú vui, mà đó chỉ là những thèm muốn của dục vọng thấp hèn. Nét căn bản của kinh tế  phật giáo là tính giản dị và tinh thần bất bạo động. Từ cách nhìn của một  người làm kinh tế  phật giáo thì tính mầu nhiệm trong cách sống đạo hạnh có thể làm toát ra sự hợp lý của từng mẫu mực – có khi với những phương tiện bé nhỏ đến bất ngờ lại có thể mang đến các kết quả mỹ mãn thật tuyệt vời.

Đối với một kinh tế gia hiện đại thì điều này thật là khó hiểu. Ông ta thường đo lường mức sống thường ngày bằng số lượng hàng hóa tiêu thụ hằng năm của một người, và cho rằng bao giờ một người biết tiêu thụ nhiều thì đời sống của anh ta phải tốt hơn so với một người ít biết tiêu thụ.

Một kinh tế gia phật giáo thì nghĩ khác, và cho rằng sự tiêu dùng phung phí là không hợp lý, vì như thế là trái với sự quân bình của con người. Mục tiêu mà người phật tử phải đạt được chính là sự an lạc tối thượng của thân tâm, và đó phải là kết quả của sự hưởng thụ có chừng mực. Vì thế, nếu ta chỉ cần quần áo để mặc đủ ấm đối với thời tiết và đủ đẹp khi được nhìn thì hà tất phải chạy theo thời trang để phải vứt bỏ đi một cách uổng phí những quần áo không còn hợp thời nữa. Như thế, ta sẽ có đủ thời gian, sức khỏe và phương tiện để chăm sóc làm đẹp cuộc sống tinh thần, nghệ thuật và tâm linh. Thật là không kinh tế chút nào khi chúng ta phải mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để nuôi dưỡng những kỹ nghệ may mặc tây phương trong khi còn quá nhiều người nghèo trên khắp địa cầu không có đủ mảnh vải để che thân và cần sự giúp đỡ, chia xẻ của chúng ta.  Kinh tế học phật giáo đã nghiên cứu một cách có hệ thống nhằm chấm dứt mọi nhu cầu xa xỉ bằng ý thức “tri túc “ và “thiểu dục”.

Một mặt khác thì kinh tế học hiện đại lại quan niệm rằng sự tiêu thụ là cứu cánh tối thượng và cũng là mục tiêu chính của mọi sinh hoạt xã hội, nên phải sử dụng nhiều đất đai,cũng như sức lao động và vốn liếng để làm phương tiện phát triển sản xuất.

Nói tóm lại, tùy vào cách nhìn của hai nền kinh tế phật giáo và hiện đại, ta thấy được sự dị biệt tùy thuộc ở giá trị tinh thần và vật chất của hai quan niệm này về sự tiêu thụ hàng hóa. Từ đó, ta cũng biết được áp lực đè nặng trên vai của người dân tại hai nước Miến Điện và Hoa Kỳ khác biệt như thế nào. Một nơi thì mọi người được sống thanh thản, còn nơi kia thì sự  căng thẳng cứ triền miên, mặc dù ở Miến Điện tỉ lệ sử dụng máy móc thay cho sức người lao động so với Hoa Kỳ thì thật là khiêm tốn.

Ai cũng biết rằng tính bất bạo động có liên hệ rất mật thiết với cách sống giản dị, nên khi nhu cầu tiêu dùng ở mức độ vừa phải thì ta sẽ thấy tinh thần được thảnh thơi, bớt được nhiều nỗi lo toan, chạy vạy cho có đủ phương tiện tiền bạc nhằm thỏa mãn ý thích.  Như thế là đáp ứng được ý lời Phật dạy: “luôn tránh điều xấu ác, làm nhiều điều thiện lành,

và giữ tâm thanh tịnh “

5

Củng vì tài nguyên thiên nhiên ở khắp mọi nơi đang cạn dần, và nếu mọi người đều tự bớt nhu cầu tiêu dùng thì sẽ giúp làm giảm thiểu được những tranh giành, cướp giật đầy tính bạo hành mà ta thường thấy xảy ra ở những quốc gia, dân chúng đang sống dựa vào nền kinh tế  toàn cầu.

Mọi nền sản xuất khởi đi từ tài nguyên của địa phương nhằm thỏa mãn nhu cầu của dân chúng cùng sống trong vùng, thì đó là phương cách rất thích hợp với quan điểm kinh tế Phật giáo. Nếu phải tùy thuộc vào nguồn hàng hóa nhập từ một nơi xa xôi, và được sản xuất bởi những người xa lạ thì đó là những trường hợp ngoại lệ và chỉ được áp dụng  rất giới hạn trong  cộng đồng phật giáo.

Chính vì kinh tế gia hiện đại chấp nhận một sự tốn kém khi để một người phải di chuyển thật xa từ nhà đến nơi làm việc, và cũng không hợp với tiêu chuẩn của nếp sống cao, nên kinh tế gia phật giáo đã thấy ra đó là một sự thất bại khi phải dùng nhân sự đến từ một nơi xa xôi để thỏa mãn theo ước muốn của họ, thay vì sử dụng những người sống trong vùng lân cận.

Thống kê kinh tế hiện đại thường dựa vào sự tăng trưởng của các con số ‘tấn hàng hóa’ hoặc ‘dặm đường vận chuyển’ tính trên đầu người của dân số mỗi quốc gia. Phương pháp này được xem như là tiêu chuẩn của sự phát triển kinh tế, thì những số liệu thống kê này lại trở thành chỉ dấu của sự tàn hại các mẫu mực nhận thức về nhu trong cuộc sống của người có đức tin Phật giáo .

Một nhận định rất nổi cộm về sự khác biệt giữa hai nền kinh tế này đối với việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên của trái đất. Bertrand de Jouvenel, một triết gia về chính trị rất nổi tiếng người Pháp đã định hình “Con người Tây phương” theo lời mô tả rõ ràng của một kinh tế gia hiện đại là:

Ông ta có khuynh hướng không kể bất kỳ thứ gì là phí tổn,  mà chỉ chú tâm vào sự nỗ lực của con người, ông ta có vẻ như không màng đến tài nguyên mà mình đã phí phạm, và tệ hại hơn nữa, là có bao nhiêu sinh linh mà ông ta đã hủy diệt. Ông ta tỏ vẻ như không cần biết rằng nếp sống của con người  là một phần lệ thuộc vào một hệ thống kinh tế gồm nhiều hình thái của đời sống. Vì thế giới này như bị chi phối bởi những thành phố mà ở đó người ta bị tách ra từ hình thái nào đó của đời sống không phải là tính người, và cảm giác về những gì là sở hữu của hệ thống kinh tế coi như là đã mất hẳn. Điều này đưa đến những hệ quả rất tệ hại không lường trước được trong cách hành xử đối với những thứ mà con người phải rất cần đến, giống như đối với nước uống và cây rừng vậy .

6

Hơn nữa, đức Phật cũng truyền dạy  mọi người nên đối xử từ bi  không những chỉ đối các sinh vật như loài người và động vật mà  cả với cây cỏ nữa. Mỗi phật tử nên phát tâm thường xuyên trồng thêm cây và chăm bón  cho  đến khi cây có đủ sức tự lớn mạnh. Nhìn vào sự kiện này, người phật tử có thể xác định tính độc lập của nền kinh tế, nghĩa là không cần sự trợ giúp nào từ bên ngoài mà vẫn có thể tự phát triển. Có nhiều  quốc gia ở vùng đông nam Á châu (và cả một số các vùng khác trên thế giới) vẫn bị chậm tiến một cách tủi hổ vì coi thường việc trồng cây gây rừng.

Còn kinh tế học hiện đại thì không để ý vào sự dị biệt giữa những vật liệu tái sinh được và không tái sinh được, mà chỉ lo tính cho quân bình và đủ số lượng của những vật liệu ấy bằng cách dùng trị giá của đồng tiền để chi trả. Vì thế, khi phải sử dụng những loại nhiên loại có thể thay thế cho  nhau như than đá, dầu hỏa, cây rừng, hoặc sức nước, thì các kinh tế gia hiện đại chỉ nói đến trị giá tương đương của từng loại để phân biệt. Và dĩ nhiên loại nào rẻ nhất sẽ được ưu tiên dùng đến, vì nếu không là như thế thì chẳng hợp lý và kinh tế chút nào! Theo quan điểm của kinh tế gia phật giáo thì dĩ nhiên không phải là như thế, vì  sự khác biệt giữa hai loại nhiên liệu không tái sinh được như dầu hỏa hay than đá và tái sinh được như cây rừng hay sức nước thì không thể được xem xét quá giản dị như thế. Đối với loại nhiên liệu không tái sinh được thì chỉ nên dùng khi thực sự cần thiết, và phải hết sức cẩn trọng vì lý do cần được bảo tồn. Sử dụng bừa bãi và lãng phí loại nhiên liệu này là một hành động mang tính bạo động. và để chu toàn việc gìn giữ tính bất bạo động trên trái đất này là điều khó  đạt được. Bổn phận của mỗi con người là phải hướng đến mục đích lý tưởng là làm bất cứ việc gì cũng không được bạo động.

Chính như một kinh tế gia hiện đại ở Âu châu có thể không nghĩ rằng nếu tất cả tài sản nghệ thuật đã bán sang Mỹ với giá hấp dẫn thì không phải là một động thái thành công về kinh tế. Còn kinh tế gia phật giáo thì nhấn mạnh rằng nếu dân chúng chỉ sống dựa vào những loại nhiên liệu không tái sinh được như dầu hỏa hay than đá thì cũng như là sống bám vào tư bản thay vì dựa vào thu nhập của chính mình. Nếp sống ấy sẽ không bao giờ được thường xuyên ổn định mà phải được điều chỉnh sao cho được thích hợp một cách tạm thời. Vì nếu những nguồn nhiên liệu như than đá, dầu hỏa và khí đốt được khai thác quá đáng và phân bố không đều đặn trên toàn cầu, thì ắt hẳn đó là một hành động có tính  bạo  lực đối với thiên nhiên và sẽ không tránh đưa tới sự bạo động giữa con người.

Riêng sự kiện này thôi cũng là chất liệu cho những quốc gia phật giáo phải suy nghĩ. Cho dù họ không quan tâm gì đến những giá trị tôn giáo và tâm linh trong truyền thống của  mình, họ vẫn rất mong được ôm cả chủ nghĩa duy vật của kinh tế học hiện đại càng nhanh càng tốt. Trước khi cởi bỏ được quan niệm kinh tế học phật giáo, vì đó chỉ là một giấc mơ muốn ‘trở về cố hương’ không hơn không kém, thì họ cũng rất muốn sẽ đi được trên  con đường phát triển của nền kinh tế hiện đại, và rồi sẽ dẫn họ đến một nơi mà họ muốn tới.

Dẫn chứng ở phần cuối của tác phẩm đáng khích lệ của mình là quyển ‘The Challenge of Man’s Future ‘giáo sư Harrison Brown ở viện kỹ thuật California đã đánh giá rằng:

7

Như chúng ta thấy một cách căn bản rằng xã hội công nghiệp thì không còn ổn định nữa, mà phải bị biến dạng thành một hình thái mang tính nông nghiệp, và trong  đó,  những điều kiện cho tự do cá nhân cũng không còn chỗ đứng với khả năng tránh được những tình trạng bị áp bức bởi một hình thái tổ chức chặt chẽ với sự kiểm soát độc đoán. Thật vậy, khi  chúng ta quan sát tất cả những khó khăn có thể hăm dọa sự sống còn của nền văn minh công nghiệp, mà ta đã biết từ trước, thì thật là không dễ gì tìm ra phương cách để vẫn giữ được sự ổn định của nó cho đến cuối và bảo toàn được sự tự do cá nhân như một dung hợp hài hòa.

Cho dù hiện tượng này đã không còn nữa trong cách nhìn dài hạn, nhưng ta vẫn phải đối diện với vấn đề tức thời là liệu “sự hiện đại hóa”- vẫn đang tồn tại bất chấp những giá trị tôn giáo và tâm linh- có còn thực sự sản sinh được những hệ quả chấp nhận được hay không. Những khối lượng được thấy được thì thật là kếch xù, nhưng hậu quả thì cũng thật là khủng khiếp – nền kinh tế nông thôn thì đã sụp đổ, tình trạng thất nghiêp thì lan tràn khắp mọi thành phố và quốc gia, còn sự tăng trưởng tính vô sản thành phố thì không có khả năng nuôi dưỡng được con người cả phần thể chất lẫn cả tâm hồn nữa.

Dù cho ai còn tin tưởng rằng sự tăng trưởng kinh tế là quan trọng hơn những giá trị tôn giáo và tâm linh, thì dưới ánh sáng của cả kinh nghiệm thực tiễn trong hiện tại và viễn ảnh tương lai dài hạn, việc nghiên cứu kinh tế học phật giáo vẫn rất cần được quan tâm. Vì đó không phải là việc chọn lựa giữa “sự lớn mạnh hiện đại” và “sự trì trệ cổ điển”, mà là vấn đề tìm ra một con đường đúng cho sự phát triển. Đó chính là con đường “Trung Đạo” giữa sự thờ ơ của các “sứ giả duy vật” và sự bất động của các “nhà tồn cổ”. Hay nói một cách ngắn gọn là tìm cho ra con đường của“Chánh Nghiệp”.

Bài 2 – Giới thiệu sách “Small is Beautiful”

Bài 2  –  Giới  thiệu  sách  “Small  is  Beautiful”

Tác  giả  : E F Schumacher

( xuất bản lần đầu : Năm 1973)

Đòan Thanh Liêm.

Như đã có dịp trình bày nơi bài 1 trước đây, cuốn sách “Small is Beautiful” đã được tờ New York Times xếp vào lọai “100 cuốn sách có ảnh hưởng nhất” kể từ sau thế chiến hai ( the most influential books). Và sau 30 năm kể từ khi ra mắt độc giả, thì đã lưu hành được tới trên một triệu cuốn riêng về ấn bản tiếng Anh; đó là chưa kể đến các bản dịch ra nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới. Tác giả Schumacher là một kinh tế gia đã từng làm việc lâu năm trong ngành quản lý về than đá tại Anh quốc, đặc biệt trong lãnh vực thống kê, nên ông đã đưa ra những số liệu khá vững chắc và khả tín để minh họa cho lý luận của mình. Xuyên suốt qua gần 300 trang sách, tác giả đã lần lượt trình bày suy nghĩ và tìm kiếm của mình trong suốt 40 năm vừa học tập, làm việc, trao đổi và nghiên cứu của mình về những vấn đề căn bản của nhân sinh trên phạm vi tòan cầu. Người đọc có thể thấy tác giả đã gửi gấm vào tác phẩm tất cả tài năng trí tuệ và tấm lòng tha thiết nóng bỏng đối với cuộc sống của con người, mà phần đông đang là nạn nhân khốn khổ của cái đường lối sai lầm vì coi nhẹ giá trị đạo đức nhân bản và nhân ái của giới điều hành guồng máy kinh tế tại chính các quốc gia tiền tiến trong thế giới hiện đại. Có thể coi cuốn sách là “lời cảnh báo” về mối nguy cơ trầm trọng đang đe dọa cuộc sống của nhân lọai ngày nay, và đồng thời tác giả cũng khơi mào cho việc tìm kiếm một lối thóat khả dĩ cho con người, đặc biệt là cho hàng tỉ con người kém may mắn (underpriviledged) trong các quốc gia được liệt kê vào lọai “ đang phát triển” ( developing countries)

Nhan đề chính của cuốn sách là “Small is Beautiful” lại được kèm theo câu phụ diễn cho thêm rõ ý nghĩa nữa : “ Economics as if People Mattered”, xin tạm dịch là “Kinh tế học Dân Vi Quý”. Và riêng trong ấn bản năm 1999, thì lại còn kèm theo nhiều bình luận của các thức giả đương thời được in bên lề các trang sách nữa. Bài giới thiệu này chủ yếu dựa vào ấn bản năm 1999, nhân kỷ niệm 25 năm ngày ra mắt ấn bản đầu tiên năm 1973.

Sách được trình bày thành 4 phần trong 19 chương như sau  :

Phần 1  :  Thế giới hịên đại      (Chương 1-5)

Phần 2  :  Tài nguyên               (Chương 6-10)

Phần 3  :  Thế giới thứ ba         (Chương 11-14)

Phần 4  :  Tổ chức và Sở hữu   (Chương  15-19).

Nói chung thì sau trên 30 năm, các luận đề do Schumacher nêu ra trong cuốn sách vẫn còn giữ được tính cách thực tiễn khách quan và được coi như những gợi ý rất sâu sắc cho sự thảo luận và tìm kiếm của giới hàn lâm, cũng như của công chúng có sự quan tâm đến vấn đề sinh tử của con người trong bối cảnh văn hóa xã hội của thế kỷ XXI hiện nay.     Nhằm trình bày sáng sủa, gọn gàng tư tưởng của tác giả, người viết xin được tóm gọn trong mấy luận điểm chính yếu được lựa chọn như sau đây :

1/  Hai triệu ngôi làng trong thế giới thứ ba  :  Làm sao mà phát triển?

Schumacher đưa ra con số hai triệu ngôi làng trong thế giới thứ ba mà gồm các quốc gia đang phát triển, với bình quân mỗi làng có 1000 người. Như vậy là trong 2 triệu ngôi làng, thì có đến 2000 triệu người (2 tỉ), tức là tương đương với dân số ở mức nghèo túng trên thế giới vào thập niên 1960 lúc tác giả viết cuốn sách này. Tình trạng sinh sống của người dân tại các vùng quê như ở Ấn độ đã được Schumacher rất lưu tâm quan sát, tìm hiểu và cố gắng đưa ra một phương thức kiến hiệu và hợp lý, hợp tình nhất để gây ra được một “khí thế phát triển” (development mood) thật là sinh động tại hạ tầng cơ sở các địa phương đó.

Từ sau thế chiến 2, các quốc gia Âu Mỹ giàu có đã đề ra các chương trình viện trợ khi thì đa phương thông qua Liên Hiệp Quốc, khi thì song phương nhằm giúp đỡ các nước nghèo thóat được cảnh bần hàn khốn khổ. Nhưng Schumacher đã chỉ ra là hầu hết cái lối viện trợ kiểu này không đem lại kết quả bao nhiêu, bởi lẽ là những chuyên gia viện trợ đã không nắm bắt được tâm lý và hòan cảnh phức tạp của đa số quần chúng nông dân vừa ít học, vừa bị giới trung gian khai thác lợi dụng. Và hơn nữa, các kỹ thuật áp dụng lại không thích hợp với hòan cảnh văn hóa xã hội và tâm linh truyền thống tại miền nông thôn địa phương. Vì thế mà Schumacher đã mạnh dạn đưa ra những đường hướng quyết liệt là : “ Viện trợ tốt nhất là thứ viện trợ trí tuệ (Intellectual aid), viện trợ kỹ năng hữu ích (gift of useful knowledge), chứ không phải là quà tặng vật chất. “ Lối viện trợ như vậy mới làm cho người nhận sớm trở thành tự lập và không còn bị lệ thuộc vào nguồn cung cấp mãi của thứ “con bò sữa” như vẫn thường xảy ra. Phương thức này vừa ít tốn phí, mà vừa kích thích được cái mầm mống tự cường, tự túc vẫn có sẵn trong tiềm thức của lớp người dân vốn có lòng tự trọng, tự tin ở khả năng của bản thân mình. Đây mới đích thực là cách thức hay nhất để thực hiện được chủ trương “Giúp dân để người dân có thể tự giúp bản thân họ” ( Helping the people to help themselves).

Muốn đảy mạnh phong trào như vậy, thì phải lôi cuốn được các tổ chức thiện nguyện phi-chánh phủ (non-governmental voluntary agencies) ở cả hai phía quốc gia bên viện trợ cũng như bên nhận lãnh (donor/recipient countries); chứ không thể hòan tòan do hai bên chánh phủ độc quyền đứng ra hành động bao biện như từ bao lâu nay. Phương thức này, nói theo ngôn ngữ hiện nay, thì là : “Phải vận động Xã hội Dân sự từ cả hai nước cùng dấn thân nhập cuộc vào tiến trình phát triển và xây dựng tòan diện và điều hòa này” (total and harmonized development). Nhờ vậy mà cả một tập thể cộng đồng như được kích thích gây men ngay trong nội tâm sâu kín của mình (Mass fermentation and mobilization), để tạo ra được một thứ “năng động nhóm” (group dynamics) nhằm tiến hành được một sự phát triển bền vững lâu dài tại địa phương (self-sustaining community development).

Xin trích nguyên văn một đọan cuối của “ Chương 13 : Two million villages ” như sau :  “Phát triển kinh tế chỉ có thể thành công nếu nó được tiến hành như một phong trào quần chúng rộng rãi dấn thân vào công cuộc tái thiết (a broad, popular movement of reconstruction), tập trung chủ yếu vào việc tận dụng sự hăng say phấn khởi, sự tài trí và sức lao động của tất cả mọi người trong công đồng…Sự thành công chỉ có thể đạt tới là do quá trình phát triển bao gồm cả trình độ giáo dục, tính tổ chức và cả tính kỷ luật của tòan thể các thành viên trong cộng đồng. Thiếu một yếu tố nào kể trên, thì chỉ là gặt hái sự thất bại mà thôi “ ( trang 171).

2/   Đi tìm lọai kỹ thuật thích hợp nhất (Appropriate Technology AT)

Với tinh thần thực dụng, Schumacher chủ trương cần phải phát triển lọai “kỹ thuật trung gian” để thích hợp với hòan cảnh kinh tế xã hội tại các nước đang phát triển. Ông dành hẳn Chương 12 cho đề tài này với nhan đề như sau :   “ Social and Economic Problems Calling For The Development Of Intermediate Technology ” (Những Vấn Đề Xã Hội và Kinh Tế Đòi Hỏi Phải Phát Triển Lọai Kỹ Thuật Trung Gian). Tác giả viện dẫn hai lý do chính yếu sau đây  :  Thứ nhất là kỹ thuật quá tân tiến thì lại tốn phí, nên các nước nghèo không thể áp dụng phổ biến rộng rãi khắp nơi được. Thứ hai là trình độ văn hóa kỹ thuật của dân chúng miền quê không thể dễ dàng thích nghi với cái kỹ thuật quá tinh vi, phức tạp do các nước phát triển đề xuất ra. Do đó mà cần phải tìm kiếm cho ra được lọai “kỹ thuật thích hợp” mà thường cũng được gọi là “kỹ thuật trung gian” (Intermediate Technology), tức là thứ kỹ thuật đứng giữa lọai kỹ thuật lạc hậu cổ truyền  (mà rất rẻ tiền) với kỹ thuật hiện đại (mà rất là đắt tiền).

Tác giả lại có kinh nghiệm thực tiễn về chủ trương này, khi ông cùng với một số bạn hữu thành lập hẳn một Nhóm riêng biệt để nghiên cứu và thử nghiệm lọai kỹ thuật này tại Luân Đôn vào năm 1965 gọi là “The Intermediate Technology Development Group” ( ITDG). Cụ thể như : Nếu dùng kỹ thuật cao cấp như máy gặt liên hợp (combine harvester), thì phải tốn phí hết 70,000 dollar cho một người làm việc (workplace); như vậy thì các nước nghèo khó mà có thể tạo ra đủ công ăn việc làm cho cả triệu người được. Nhưng nếu sử dụng lọai kỹ thuật trung gian chỉ tốn kém có 700 dollar cho một người lao động, thì với số tiền 70,000 nói trên ta có thể tạo ra việc làm cho cả 1000 người. Và rõ ràng đây là thứ kỹ thuật thích hợp nhất cho các nước nghèo của thế giới thứ ba vậy. Cho đến nay ITDG đã phát triển và phổ biến khá rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới, cả ở khu vực tiền tiến cũng như khu vực đang phát triển.

Cũng vì nhằm tạo ra thật nhiều công ăn việc làm ổn định hầu đáp ứng nhu cầu rất lớn cho nhiều khu vực nông thôn và các thị trấn nhỏ bé, mà việc nghiên cứu kỹ thuật trung gian này phải được thực hiện trong quy mô của một miền bao gồm nhiều cộng đồng nông thôn và đô thị nhỏ, chứ không thể làm theo cái lối khép kín, hạn hẹp trong môi trường quá hạn chế được. Do đó Schumacher đã khẳng định rằng “ Nếu mục tiêu của sự phát triển là giúp đỡ cho những người cần được giúp đỡ nhất, thì “ Mỗi một Miền hay Quận hạt trong một quốc gia phải có riêng một chương trình phát triển cơ hữu của mình.” Cụ thể như tại nướcThụy sĩ chỉ có chưa đày 6 triệu dân số, mà họ lại chia ra thành 20 quận hạt (cantons), mà mỗi đơn vị lại là một quận hạt phát triển riêng thích hợp với điều kiện đặc thù của mình (development district). Và chính nhờ vào sự “Phân quyền” (Decentralisation) như vậy, mà cả quốc gia này luôn giữ được sự phát triển điều hòa, ổn định trong một nền dân chủ mà mọi người dân đều có cơ hội tham gia vào công việc điều hành của cộng đồng nơi mình sinh sống (Participatory Democracy).

3/  Vấn đề Cạn kiệt Tài nguyên Thiên nhiên ( Depletion of Natural Resources)

Là người làm việc lâu năm trong ngành than đá, nên Schumacher rất chú trọng đến tình trạng sự dụng bừa bãi phí phạm về tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt trong các nước văn minh tiền tiến Âu Mỹ. Cụ thể là về dầu khí, than đá và nhất là rừng cây. Bằng những con số thống kê chính xác, tác giả đã nêu lên các sự thao túng, lạm dụng và ích kỷ của các nước giàu có trong việc xài hoang phí các tài nguyên thiên nhiên. Schumacher phân biệt rất rõ rệt hai lọai tài nguyên : lọai tái tạo được và lọai không tái tạo được (renewable/non-renewable resources). Ông còn chỉ rõ ra là :  Thiên nhiên luôn luôn hào phóng trong việc cung cấp cho con người những tài nguyên dồi dào phong phú, để mà khai thác đáp ứng nhu cầu sinh họat của nhân lọai. Nhưng thật  đáng buồn là con người trong mấy thế kỷ gần đây đã dùng khoa học kỹ thuật để mà khai phá quá mức đến độ tàn phá thiên nhiên một cách vô tội vạ, tạo ra cảnh cạn kiệt mau chóng các tài nguyên thiên nhiên (rapid depletion/exhaustion), tạo ra một sự mất quân bình giữa con người với thiên nhiên, cũng như giữa hiện tại với tương lai, và cả giữa con người với con người nữa. Ông còn nói rõ là : Phải coi thiên nhiên như một “ nguồn vốn” (Capital) và nhờ biết khai thác khôn khéo, chừng mực đối với thiên nhiên mà con người kiếm ra được các “ lợi tức” (Income). Và như vậy, thì chỉ được quyền sử dụng lợi tức trong việc thanh thỏa các nhu cầu chính đáng của mình; chứ không được tiêu xài vào cái nguồn vốn chỉ có giới hạn nhất định nào đó mà thôi. Schumacher đã rất nghiêm khắc phê phán cái sự kiêu căng, tham lam quá độ và nhất là cái thái độ bạo hành của con người đối với thiên nhiên, cũng như giữa con người đối với nhau nữa. Ông đề cao chủ trương “Bất bạo động, Bất hại “ (Non-violence, Ahimsa) của thánh Gandhi cũng như của Đức Phật, mà ông có dịp khảo sát tại Ấn Độ và Miến Điện. Những suy ngẫm này ông đã ghi rõ ràng trong Chương 4 nhan đề là  : “Buddhist Economics” ( Kinh tế học Phật giáo) mà chúng tôi sẽ dịch nguyên văn ra Việt ngữ được trình bày với đày đủ chi tiết trong một bài sau.

Cũng trong dòng chảy suy nghĩ đó mà Schumacher đã dành hẳn một Chương 9 với nhan đề : “ Nuclear Energy – Salvation or Damnation ?” (Năng lượng Hạt nhân – Sự Cứu Rỗi hay là Án Phạt?) để bàn về cái lợi hay cái hại của năng lượng hạt nhân. Tác giả kiên quyết chống lại việc sử dụng lọai máy phát điện nguyên tử vì lý do chất thải của lọai máy này chứa nhiều chất phóng xạ rất nguy hiểm lâu dài cho nhiều thế hệ sau này. Và may thay, do các biến cố “rò rỉ tại nhà máy điện hạt nhân Three Miles Island” ở Mỹ và nhất là tai nạn thảm khốc Chernobyl ở Liên Xô, mà việc xây dựng bừa bãi các nhà máy hạt nhân này mới bị kìm hãm lại. Rõ rệt là Schumacher là một vị tiền phong đóng góp rất lớn cho phong trào bảo vệ môi sinh trên khắp thế giới từ mấy chục năm gần đây.

4/   Phải Định Hướng lại cho Khoa Học và Kỹ Thuật ( The Re – Orientation of Science and Technology).

Hơn ai hết, Schumacher là người luôn luôn cảnh giác về tính kiêu căng ngạo mạn và ngoan cố của giới khoa học ngày nay, nhất là trong ngành kinh tế học là lãnh vực họat động chuyên môn suốt cả cuộc đời của ông. Bàng bạc trong cuốn sách này, ta thấy tác giả luôn đề cao sự khiêm tốn, tinh thần nhân ái và nhân bản trong việc đề ra đường lối họat động cụ thể mà thiết thực, nhằm vào việc “Cải thiện thế giới” (World Improvement). Ta có thể thấy lời cảnh giác này đã có từ mấy trăm năm trước qua nhà hiền triết Rabelais ở Pháp mà dịch ra tiếng Anh là : “ Science without conscience is the ruin of the soul” (Khoa học mà không có lương tâm thì chỉ là sự suy đồi của tâm hồn).

Tác giả đề cao tinh thần bao dung, đơn sơ, hòa ái của thánh Gandhi và nhất là của Phật Tổ, mà ông rất say mê nghiên cứu học hỏi trong thời gian làm việc ở Ấn Độ và Miến Điện. Nếu ta chú ý đến môi trường tôn giáo mà ông vẫn sinh họat tại nước Đức cũng như ở nước Anh, nhất là khi về già ông đã gia nhập đạo công giáo nữa, thì ta lại càng khâm phục cái thái độ thành tâm cầu thị, khiêm nhu và quý trọng của ông đối với Phật giáo và Thánh Gandhi ở Á châu. Ông đặc biệt đem thêm khía cạnh phẩm chất (qualitative aspects) và đạo đức (ethics) vào trong môn Kinh tế học là môn học mà các chuyên viên kinh tế thường chỉ chú trọng đến khía cạnh định lượng mà thôi (quantification). Tác giả luôn nhắc nhủ các nhà khoa học là phải tìm kiếm sự minh triết (wisdom) vốn đã ăn rễ sâu trong truyền thống đạo đức văn hóa trong các xã hội phương đông, mà thường bị người phương tây vì quá say mê và kiêu hãnh với tiến bộ khoa học, kỹ thuật vất chất nên đã xem thường. Vì thế ông mới gọi đó là môn “Siêu kinh tế học” (Meta-Economics).

Nói vắn tắt lại, các luận đề Schumacher đưa ra trong cuốn sách “Small is Beautiful” này hiện vẫn còn được thảo luận, khai thác rộng rãi trên tòan thế giới. Lọat bài viết ngắn ngủi này chỉ nhằm giới thiệu sơ lược về tư tưởng độc đáo, can đảm, mà lại rất táo bạo dứt khóat của Fritz Schumacher. Cuốn sách này là đúc kết kinh nghiệm họat động và suy nghĩ tìm kiếm trong suốt cuộc đời của tác giả, với tấm lòng tha thiết phục vụ cho nhân quần xã hội, đặc biệt đối với lớp đa số quần chúng kém may mắn nhất trên thế giới ngày nay. Bạn đọc có thể tham khảo thêm trên internet, để có số liệu cập nhật hóa rất đày đủ và phong phú về các đề tài mà Schumacher đã gợi ra trong cuốn sách thời danh này.

Người viết mong ước giới trẻ Việt nam, ở trong cũng như ở ngòai đất nước, để tâm theo dõi sự phát triển của lọai tư tưởng đày tính nhân bản và nhân ái tương tự như thế này, mà hiện đang có sức rất thuyết phục, quyến rũ cho cao trào tranh đấu bảo vệ nhân phẩm, nhân quyền và cả bảo vệ môi sinh đang dâng cao khắp thế giới ngày nay trong thế kỷ XXI. Và cũng mong được sự tiếp tay trong việc đào sâu và phổ biến trào lưu tư tưởng tiến bộ này từ nơi các bậc thức giả trong những tổ chức chuyên về văn hóa khoa học, cụ thể như : Viện Việt Học, Lê Văn Duyệt Foundation, Hội Khoa Học Kỹ Thuật, Hội Chuyên Gia Việt nam, Các Viện Nghiên Cứu thuộc các Tôn Giáo Việt nam v.v…

California, Mùa Phật Đản Kỷ Sửu 2009

Đòan Thanh Liêm

( Bài 3  :  Kinh Tế Học Phật Giáo – Buddhist Economics)

(bản dịch tòan bộ Chương 4)

Nhỏ bé thì mới đẹp đẽ .

Nhỏ bé thì mới đẹp đẽ .

( Small is beautiful )

Đòan Thanh Liêm

is beautiful”, đó là nhan đề của một cuốn sách xuất bản năm 1973. Tác giả là một kinh tế gia đã từng làm việc lâu năm tại Cơ quan quản lý về ngành than đá của nước Anh (National Coal Board NCB), tên là E F Schumacher. Ngay khi ra mắt công chúng, cuốn sách đã gây được tiếng vang lớn khắp thế giới, và cho đến nay sau trên 30 năm thì đã lưu hành được đến trên một triệu đơn vị, đó là chưa kể các ấn bản được dich ra nhiều thứ tiếng khác nữa.

Vào năm 1973 đó, tôi chỉ mới được đọc có một bài giới thiệu về cuốn sách này, trong đó có câu nguyên văn như sau khiến tôi nhớ mãi : “Small is beautiful, Simple is beautiful, Non-violent is beautiful too”. Mãi đến năm 1979-80, thì cụ Nguyễn Hiến Lê mới được ngưới cháu làm ở Liên Hiệp Quốc tại Geneva về thăm và mang cho bản dịch tiếng Pháp mà vẫn để nguyên nhan đề bằng tiếng Anh theo như nguyên tác, chứ lại không dịch ra tiếng Pháp : “Small is beautiful”. Cụ Nguyễn xem xong và cho tôi mượn đọc cuốn sách thật là hiếm mà có được ở Việt nam vào thời gian đó. Không những tôi đã say mê đọc, mà còn chuyển cho một vài người bạn thân thiết khác cùng đọc nữa. Rồi tôi lại có dịp đến trao đổi với cụ Nguyễn về nội dung cuốn sách này; nhờ vậy mà tôi vỡ lẽ ra được nhiều điều mới lạ mà tác giả đã gợi ra cho người đọc nào có sự chú tâm và đồng cảm với quan điểm của mình.

Đáng chú ý nhất là trong cuốn sách có một chương dài chừng 10 trang nhan đề là “Buddhist Economics” (Kinh tế học Phật giáo). Tác giả Schumacher viết rất gọn gàng khúc chiết, diễn giải một cái nhìn rất khác lạ đối với công chúng ở các nước Âu Mỹ.

Từ mấy tháng nay trước sự hỏang lọan cực kỳ rối ren đen tối phát sinh từ cuộc khủng hỏang kinh tế tài chánh của nước Mỹ và nhiều nơi trên thế giới, tôi đã tìm đọc lại cuốn sách này nơi ấn bản năm 1999 kỷ niệm 25 năm ngày xuất bản đầu tiên năm 1973 như đã ghi ở trên. Và với thêm nhiều tài liệu được cập nhật hóa liên quan đến tác giả và tác phẩm, tôi bèn nảy ra ý nghĩ là phải trình bày với chi tiết thật sáng sủa, mà gọn gàng về tư tưởng của tác giả Schumacher với các bạn đọc người Việt nam chúng ta.

Để cho vấn đề trình bày được thêm mạch lạc sáng tỏ, người viết xin chia ra thành 3 phần được diễn trình trong 3 bài như sau :

Bài 1/  Thân thế và sự nghiệp tác giả E F Schumacher

Bài 2/  Giới thiệu cuốn sách “Small is beautiful”

Bài 3/   Kinh tế học Phật giáo (dịch nguyên văn từ chương “Buddhist Economics”)

Nhân tiện người viết cũng xin ghi lời tưởng nhớ với niềm ngưỡng mộ chân thành và lòng biết ơn sâu sắc đối với cụ Nguyễn Hiến Lê, là một học giả đã góp phần rất lớn lao trong công trình xây dựng văn hóa nước nhà, dưới chế độ tự do ở miền Nam Việt nam hồi trước năm 1975. Cụ sinh năm 1912 (suýt soát với tuổi của E F Schumacher) ở Hanoi, và đã từ trần vào năm 1984 ở Saigon. Và năm 2009 này là kỷ niệm 25 năm kể từ ngày Cụ từ giã chúng ta.

Bài 1  —   Ernst  Friedrich  Schumacher  (1911 – 1977)

Thân thế và Sự nghiệp

1/  Sơ Lược Tiểu sử

E F Schumacher sinh tại thành phố Bonn, nước Đức năm 1911 (cùng năm xảy ra cuộc Cách Mạng năm Tân Hợi ở Trung quốc, lật đổ vương triều nhà Mãn Thanh). Thân phụ là Giáo sư Hermann Schumacher chuyên dậy về môn Kinh tế học tại nhiều trường Đại học ở Đức, kể cả tại thủ đô Berlin vào hồi đầu thế kỷ XX. Thân mẫu là Bà Edith Zitelmann, một tài năng về tóan học. Trong chỗ thân mật E F thường được gọi là Fritz. Với cha mẹ như vậy, nên người ta không ai ngạc nhiên về sự thông minh xuất chúng của Fritz là một học sinh luôn luôn đứng vào hàng đầu trong các lớp học. Lại nữa, Fritz còn được thụ giáo với các bậc đại sư nổi danh khắp thế giới như Joseph Schumpeter gốc Áo quốc, như John Maynard Keynes bên Anh quốc v.v…

Là một sinh viên xuất sắc, nên Fritz đã được học bổng Rhodes Scholar để theo học tại Đại học Oxford hồi đầu thập niên 1930, và lại được tiếp tục theo học tại Mỹ trong ngành kinh tế tài chánh. Sau thời gian ngắn làm việc tại Đức, Fritz không thể chấp nhận đường lối độc tài phát xít của Hitler, nên đã sang làm việc bên Anh quốc ít lâu trước khi thế chiến thứ hai xảy ra năm 1939. Lúc đầu khi mới nổ ra cuộc chiến, vì là công dân Đức nên Fritz cũng bị đối xử rất ngặt nghèo như là kẻ thù địch và bị xếp vào lọai người bị cô lập  trong một trại tập trung rất khắc nghiệt. Nhưng sau ít lâu, thì cũng được các bạn hữu giải thóat ra khỏi tình trạng quản chế này và được trao phó cho công viêc thích hợp với khả năng chuyên môn của một kinh tế gia.

Chiến tranh chấm dứt, Fritz nhờ đã có quốc tịch Anh, nên được phái sang Đức với nhiệm vụ làm cố vấn kinh tế cho phái bộ Anh đặc trách về vấn đề bình định và tái thiết trong khu vực thuộc quyền quản lý của quân đội nước Anh tại Đức. Vì được chứng kiến tận mắt những tàn phá mất mát của bà con ruột thịt với mình, nên Fritz đã ngày đêm miệt mài tìm cách xây dựng lại hệ thống quản lý và phân phối ngành năng lượng, chủ yếu là than đá vốn là huyết mạch của sự phục hồi kỹ nghệ tại nước Đức, cũng như tại tòan bộ các nước thuộc miền Tây Âu châu. Sau đó ông trở về lại nước Anh và nhận chức vụ cố vấn kinh tế cho cơ quan National Coal Board (NCB), đây là công việc ông làm trong nhiều năm nhất (gần 20 năm) cho đến khi về hưu vào năm 1970.

Về đời sống gia đình, Fritz  đầu tiên cưới bà vợ người Đức là Anna Maria Petersen vào năm 1936. Anna Maria thường được gọi là Muschi trong chỗ thân mật gia đình và bạn hữu. Hai vợ chồng rất gắn bó với nhau và đã trải qua những năm khốn khó giữa thời chiến tranh bên nước Anh. Họ có với nhau 5 người con. Nhưng không may, Muschi bị bệnh ung thư và mất sớm vào năm 1960, lúc chưa đày 50 tuổi. Sau đó, thì Fritz tục huyền với bà Vreni Rosenberger, người Thụy sĩ. Cuộc hôn nhân thứ hai này đem lại cho Fritz thêm 3 người con nữa. Bà Vreni là người chăm sóc tận tình cho Fritz vào thời cuối đời, đặc biệt là cho lũ con riêng của Fritz mà còn rất nhỏ tuổi, khi người mẹ của chúng là bà Muschi qua đời. Và rốt cuộc, chính Fritz Schumacher cũng đã kiệt sức vì làm việc quá nhiều, và đã qua đời trên chuyến đi diễn thuyết tại Thụy sĩ vào năm 1977 lúc mới có 66 tuổi.

Chi tiết về cuộc đời và họat động của Fritz Schumacher đã được người con gái lớn là Barbara Schumacher Wood ghi lại khá đày đủ trong cuốn tiểu sử xuất bản năm 1984, với nhan đề là  :   “ E F Schumacher , His Life and Thought “. Nhờ tham khảo cuốn sách này, mà người viết có thể cống hiến cho bạn đọc những chi tiết lý thú.

2/  Hành trình tư tưởng của Fritz Schumacher.

Có thể nói Fritz là một nhân vật xuất chúng cả trong hành động cụ thể, cũng như trong công cuộc tìm kiếm giải pháp tốt đẹp có tầm vóc tòan cầu trước những khó khăn bế tắc của thế giới hiện đại. Như đã trình bày ở phần trên, thông qua việc học hỏi và làm việc tại các quốc gia tiền tiến như Đức, Anh và Mỹ trong hơn 60 năm, ông đã được tiếp cận với các luồng tư tưởng, với các nhân vật ngoại hạng, cũng như tham gia vào các hoạt động ở tầm mức cao nhất trên thế giới. Và cùng với một trí tuệ thông minh vượt trội và sức làm việc cần mẫn, say sưa miêt mài trong nhiều năm, ông đã đạt tới tình trạng “ngộ ra được’ một đường lối phải noi theo để góp phần xây dựng tốt đẹp nhất cho thời đại ngày nay. Ông đã đi khắp năm châu, bốn biển, nhất là Phi châu, châu Mỹ la tinh , Ấn độ, Miến điện để nhận diện được sự phức tạp của hòan cảnh sinh họat văn hóa xã hội và cả mặt tâm linh của nhiều sắc dân với truyền thống lịch sử rất khác biệt với nhau.

Lúc còn trẻ, vì hăng say làm việc và nghiên cứu với tinh thần lạc quan khoa học, ông như người vô thần, không chú tâm gì đến khía cạnh tâm linh của con người. Nhưng sau này, nhờ quan sát tại chỗ ở nhiều quốc gia trên thế giới, ông đã chú trọng đến ảnh hưởng của tôn giáo trong các nền văn hóa. Đặc biệt ông rất khâm phục chủ trương “Bất bạo động” của Thánh Gandhi bên Ấn độ và lối sống thanh thóat của người Phật tử tại Miến điện. Và đến cuối đời, thì ông gia nhập đạo công giáo.

Bởi vậy mà suy nghĩ của Schumacher càng thêm chín mùi hơn với khía cạnh nhân bản và nhân ái, vượt thóat được thái độ kênh kiệu, tự cao tự đại và tự mãn thường thấy nơi những người quá say mê với thành tựu khoa học kỹ thuật, cũng như về kinh tế của các nước Âu Mỹ. Càng tìm hiểu nơi các nền văn hóa cổ truyền bên ngoài thế giới Tây phương, ông càng có thái độ khiêm tốn, phục thiện và mở rộng tâm hồn để đón nhận những luồng tư tưởng khác lạ mà lại rất phong phú của nhân lọai. Có thể nói Schumacher luôn luôn nhất quán trong việc đề cao khía cạnh đạo đức nhân bản trong lề lối tổ chức sinh họat kinh tế xã hội cho con người trong thế giới ngày nay. Ông luôn nhắc nhủ, cảnh giác cái thái độ tự phụ của các nhà lãnh đạo các cường quốc chỉ biết đến khoa học, đến năng suất kinh tế thương mại, mà sao lãng vấn đề lương tâm và trách nhiệm liên đới của các quốc gia là thành viên trong cộng đồng nhân lọai.

Cụ thể Schumacher phê phán nhà bác học Einstein rằng : Vì ông ta quá mức đề cao thuyết tương đối (Relativity), thì đâm ra chối bỏ cái tiêu chuẩn đạo đức vốn có giá trị tuyệt đối. Cũng vậy, lý thuyết của Freud coi rằng con người hành động là do sự ẩn ức của sinh lý bị dồn ép, thì không còn phải chịu trách nhiệm gì về việc làm xằng bậy của mình nữa. Như vây là sự vô trách nhiệm. Schumacher cũng phê phán Karl Marx về lý thuyết định mệnh lịch sử, thì con người cũng không còn chịu trách nhiệm cá nhân của riêng bản thân nữa. Ông cũng cực lực lên án chủ trương gieo rắc hận thù của người macxít, vì đó là nguyên nhân của các vụ tàn sát kinh hòang trong thế giới cộng sản. Ta sẽ có dịp xem xét chi tiết hơn về tư tưởng của Schumacher khi đọc tác phẩm chính yếu “Small is beautiful” là đề tài sẽ được trình bày trong bài sau.

3/  Ảnh hưởng của tư tưởng Schumacher

Báo New York Times đã xếp cuốn “Small is beautiful” là một trong 100 cuốn sách có ảnh hưởng nhất trên thế giới (the most influential books) kể từ sau thế chiến 2. Tác giả đã được mời đi diễn thuyết tại nhiều nơi trên thế giới và được nhiều vị nguyên thủ quốc gia tham khảo ý kiến, trong đó có cả Tổng Thống Jimmy Carter của nước Mỹ. Tại nhiều nước, đặc biệt là ở Anh và Mỹ, các thân hữu ái mộ ông đã lần hồi thành lập “Hiệp hội E F Schumacher” (E F Schumacher Society) nhằm nghiên cứu, khai triển và phổ biến tư tưởng của ông. Và còn rất nhiều các tổ chức và các nhóm khác đã chịu ảnh hưởng của tư tưởng của ông, mà điển hình như “ Institute for Community Economics”, “Council on Economic Priorities”, “Friends of the Earth”, “Greenpeace”, “Worldwatch Institute”, “Soil Remineralization Network”, “Global Warming Network” v.v…

Ta có thể lược kê ra các đề tài được Schumacher nêu ra ngay từ thập niên 1960 và hiện nay vào thế kỷ XXI vẫn còn tính cách thời sự cấp bách, mà được quần chúng cũng như giới trí thức hàn lâm rất quan tâm.  Điển hình một số các đề tài đó như sau  :

  • Phê phán các hệ thống tổ chức quá mức (overorganised systems) làm phá họai tinh thần con người, cũng như cả hành tinh trái đất.
  • Đề cao sự quan trọng của “mức thang nhân sinh” (human scale) trong việc tổ chức sinh họat kinh tế xã hội.
  • Ý niệm về “kỹ thuật với bộ mặt nhân bản” (technology with human face), về “kỹ thuật thích hợp” (appropriate technology) cho từng quốc gia, có tính cách đơn giản, bất bạo động và có thể kiểm sóat được (controllable).
  • Ưu tư về sự mau cạn kiệt (rapid depletion) các tài nguyên thiên nhiên, khiến đưa tới sự phá hủy môi sinh.Cần cảnh giác về việc sử dụng quá mức các lọai tài nguyên không thể tái tạo (non-renewable resources) như than đá, dầu khí, gas…
  • Sự quan trọng của việc phục hồi lại cái hệ thống giá trị về một lối sống tốt đẹp, một xã hội an hòa (good life, good society) thay vì cứ để bị mê hoặc bởi các lọai lợi ích ngắn hạn nhất thời.
  • Sự cần thiết phải trở về với “Bốn Nhân Đức Nền Tảng” (Four Cardinal Virtues), đó là : Sự Khôn ngoan, Công lý, Dũng cảm và Tiết chế ( tiếng latin : Prudentia, Justitia, Fortitudo, Temperantia)  …

Đại khái các đề tài này đã luôn luôn được đưa ra thảo luận trong các cuộc hôi thảo, các buổi nói chuyện trao đổi giữa nhiều nhóm, nhất là giới sinh viên Đại học, các tổ chức tôn giáo… Và các lọai ý kiến xuất phát từ các cuộc gặp gỡ này hiện vẫn được chuyển tải thường xuyên trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là trên internet.

Sức thu hút của tư tưởng Schumacher đối với nhiều người, đó là do sự chính xác của lý luận và phân tích tình hình xã hội của ông được thể hiện rõ ràng qua sự kiểm chứng đối chiếu với thực tiễn sinh động tại nhiều nơi trên thế giới ngày nay. Cụ thể như : Các nhà máy phát điện với kích thước quá lớn đã lần hồi bị thay thế bởi các đơn vị nhỏ bé hơn, bởi lẽ các nhà máy với quy mô vừa phải thì mới có hiệu quả chắc chắn, vũng bền hơn. Cũng như các nhà máy điện nguyên tử không còn được xây dựng ào ạt sau các vụ rì rỏ tại “Three Miles Island” ở Mỹ và nhất là sau tai nạn thảm khốc Chernobyl ở Liên Xô vào thập niên 1980, sau khi Schumacher đã qua đời năm 1977.

Nhân tiện cũng nên ghi nhận chủ trương của tác giả “Small is beautiful” cũng có nhiều nét tương đồng với quan điểm của nhà tư tưởng đương thời và cũng nổi danh khác, đó là Karl Popper gốc từ Áo quốc (1905-1994), là một vị giáo sư lâu năm của Đại học London School of Economics cũng ở nước Anh. Đó là chủ trương “Piecemeal Social Engineering” ( “Xây dụng xã hội từng mảnh một “, như đã được trình bày khá chi tiết trong tác phẩm nổi danh của ông với nhan đề là : “The Open Society and Its enemies “), mà nhà tỉ phú George Soros là một môn đệ hiện đang theo đuổi áp dụng thông qua tổ chức “Open Society Institute OSI” do ông sáng lập, có trụ sở chính tại New York, và chuyên chú về công cuộc phục hồi tại các nước Đông Âu trong giai đọan hậu cộng sản từ 20 năm nay. Người viết mong sẽ có dịp trình bày chi tiết hơn về cặp đại sư Karl Popper và môn sinh George Soros này trong một dịp khác, cũng như đã viết về vị đại sư cũng rất nổi danh khác của nước Pháp là Raymond Aron (1905-1983) vào đầu năm 2008 vừa qua./

California, Tháng Tư 2009

Đòan Thanh Liêm

( Bài 2   : Giới thiệu tác phẩm “Small is beautiful”). (tiêp theo)

Suy nghĩ nhân kỷ niệm 50 năm Chương Trình Phát Triển Quận 8 Sài gòn (1965 – 2015)

Suy nghĩ nhân kỷ niệm 50 năm Chương Trình Phát Triển Quận 8 Sài gòn (1965 – 2015)

Bài ghi ngắn của Đoàn Thanh Liêm

Mấy năm gần đây, tôi đã có dịp viết nhiều bài về các mặt sinh họat của chương trình phát triển cộng đồng này tại một quận ven đô Sài gòn hồi giữa thập niên 1960. Nay nhân kỷ niệm 50 năm ngày khởi sự Chương Trình Phát Triển Quận 8 vào trung tuần tháng Tám năm 1965, tôi xin ghi ra một số suy nghĩ đúc kết được gói ghém trong mấy mục ngắn gọn như sau đây:

1 – Vào năm 1965, quận 8 là một địa phương có nhiều khu nhà ổ chuột, có nơi nhà ở xen kẽ với những ngôi mộ vô thừa nhận. Dân Sài gòn thường biết đến các địa danh như Lò Heo, Trại Tế Bần, Sở Rác mà đều có chung một tên là Chánh Hưng. Vì tình hình mất an ninh ở nông thôn, nên bà con kéo về tá túc rất đông ở vùng ven biên đô thị tiếp giáp với các huyện Cần Đước, Cần Giuộc thuộc tỉnh Long An. Có thể nói quận 8 lúc đó là một khu vực kém phát triển nhất của thành phố Sài gòn (the most depressed area). Đó là lý do tại sao anh chị em chúng tôi đã quyết định đến nơi đây và khởi sự một chương trình cải tiến xã hội từ năm 1965.

Và qua năm 1966, thì chương trình lại nới rộng địa bàn họat động qua hai quận 6 và 7 lân cận – với tổng số dân trong 3 quận là khỏang 500,000 người.

2 – Tính chất căn bản của Chương trình này là sự hợp tác giữa chánh quyền nhà nước và giới thanh niên tự nguyện đến phục vụ bà con tại địa phương.  Hồi đó, lớp bạn trẻ chúng tôi đều ở vào lứa tuổi từ 20 tới 30 – có người còn là học sinh trung học, có người là sinh viên đại học và một số huynh trưởng đã tốt nghiệp đại học.

Thọat đầu, anh chị em đầu đàn họp lại chung với nhau để cùng sọan thảo ra được một bản Dự án lấy tên là “Chương Trình Phát Triển Quận 8 Sài gòn” (CTPT.Q8). Dự án này được đệ trình lên văn phòng cấp trên và được vị Thủ Tướng Chánh Phủ lúc đó là Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ chấp thuận và giao cho Bộ Thanh Niên và Tòa Đô Chánh Sài gòn là hai cơ quan đứng ra bảo trợ và giám sát mọi họat động của Chương Trình.

Nói theo ngôn ngữ ngày nay, thì đây là một dự án của Xã hội Dân sự mà được chánh quyền nhà nước chấp thuận và theo dõi yểm trợ.

3 – Sau gần 6 năm họat động, chương trình đã đạt được nhiều thành quả tốt đẹp về nhiều mặt qua hàng trăm những dự án công tác lớn, nhỏ nhằm cải thiện môi trường sống nơi các xóm hẻm tối tăm lầy lội, chỉnh trang tái thiết gia cư – đặc biệt sau vụ tấn công hồi Tết Mậu Thân 1968 – mở mang giáo dục phổ thông, tổ chức những lớp dậy nghề, chăm sóc y tế v.v…

Mấu chốt của sự thành công này là do nơi các anh chị em cán bộ tự nguyện của chương trình đã gây được sự tin tưởng tín nhiệm và phấn khởi của số đông quần chúng nhân dân tại địa phương – để họ cùng hăng say tham gia “kẻ góp của, người góp công” vào vô vàn vô số những dự án cụ thể và thiết thực nhằm xây dựng cuộc sống mới tiện nghi thỏai mái cho tập thể cộng đồng sở tại.

Với phương thức hòa đồng vào trong môi trường quần chúng địa phương – qua lối sống “Tam Cùng” tức là Cùng Ăn, Cùng Ở, Cùng Làm với bà con tại chỗ – mà anh chị em cán bộ đã gây được mối thiện cảm của người dân – để rồi từ đó mà tiếp tục nhận lãnh thêm được những sáng kiến tích cực trong việc cải tiến dân sinh sao cho thật phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa phương xóm ngõ.

4 – Về mặt nhân sự tham gia chương trình, thì vì tính chất hòan tòan tự nguyện, nên các thành viên tham gia công tác tùy theo hòan cảnh thuận tiện cho cá nhân từng người một. Do đó, mà có người chỉ nhập cuộc với chương trình trong thời gian ngắn một vài tháng, có người thì tham gia lâu dài hơn và có người thì sinh họat bền bỉ với chương trình trong suốt 6 năm ròng rã. Đó là thành phần cán bộ tự nguyện cơ hữu của chương trình.

Còn thành phần các thân hữu do các đòan thể, tổ chức bạn gửi đến tham gia trong từng công tác ngắn hạn một vài ngày, thì rất đông đảo – có thể lên đến con số cả ngàn người trong 6 năm họat động của chương trình.

Nhưng thành phần chủ chốt vẫn là đại bộ phận đông đảo hàng ngàn, hàng vạn đồng bào địa phương – vì chính khối quần chúng này mới là chủ thể của mọi dự án công tác được gọi là “Phát Triển Cộng Đồng”. Đó là hàng nhiều trăm những dự án công tác mà do sáng kiến và nỗ lực của tòan thể dân chúng nơi cộng đồng sở tại góp phần vào việc cải thiện cuộc sống của mỗi thành viên trong chính cộng đồng đó vậy.

5 – Về mặt yểm trợ vật chất cũng như tinh thần, thì có thể liệt kê như sau:

A – Từ phía chánh quyền nhà nước.

Ngòai việc biệt phái một số nhỏ nhân viên công chức cho chương trình, thì chánh quyền còn cấp phát hai đợt ngân khỏan, tổng cộng là 30 triệu đồng. Cấp lãnh đạo là vị Bộ Trưởng Thanh Niên và nhất là vị Đô Trưởng Sài gòn đã luôn luôn khích lệ và yểm trợ tinh thần cho các anh chị em cán bộ tự nguyện chúng tôi.

B – Từ phía cơ quan Viện Trợ Mỹ USAID.

Qua sự giới thiệu của chánh quyền, cơ quan USAID đã cung cấp khá dồi dào cho chương trình phát triển chúng tôi các vật liệu xây dựng cơ bản như ciment, sắt và tôle. Nhờ vậy, mà chương trình mới có thể thực hiện được nhiều công trình xây dựng và tái thiết lên đến nhiều ngàn đơn vị gia cư, hai trường trung học và hàng trăm dự án chỉnh trang xóm ngõ v.v… trong cả ba quận 6,7 và 8 Sài gòn. Ngòai ra USAID còn trích ngân khỏan 10 triệu đồng vào giai đọan chót của chương trình trong các năm 1970 -71.

C – Từ phía các cơ quan từ thiện nhân đạo quốc tế.

Chương trình còn nhận được sự yểm trợ lin tinh về dụng cụ thiết bị đặc biệt cho các lớp dậy nghề như máy may, máy thêu đan, máy đánh chữ, dụng cụ sửa radio, TV v.v… từ nhiều cơ quan tư nhân quốc tế – điển hình như CARE, Catholic Relief Service, Vietnam Christian Service, Asian Christian Service, Adenauer Foundation, OXFAM, IVS v.v…

6 – Để tóm kết lại.

Kể từ ngày khởi sự CTPT Q8 vào năm 1965 đến nay là năm 2015, thì đã có biết bao nhiêu anh chị em trong số hàng trăm thiện nguyện viên – cũng như biết bao nhiêu thân hào nhân sĩ, các vị tôn trưởng cùng rất đông đồng bào địa phương trong cả 3 quận 6,7 và 8 đã rũ áo ra đi về miền miên viễn. Số người quá vãng quá nhiều, tôi không thể nào liệt kê ra đây cho hết được.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm này (1965 – 2015), tôi xin ghi lời thương tiếc chân thành đến tất cả quý vị cùng quý anh chị. Và xin cầu chúc quý vị cùng anh chị luôn được thanh thản nơi cõi Vĩnh Hằng.

Và tôi cũng xin gửi lời tri ân nồng thắm đến tất cả các ân nhân và cơ quan nhân đạo đã tận tình hỗ trợ cho chương trình phát triển chúng tôi trong thời gian chiến tranh vẫn còn tàn phá khốc liệt vào những năm xa xưa đó.

Và cuối cùng, tôi cũng cầu mong cho thế hệ hậu duệ của quý vị tôn trưởng, thân hào nhân sĩ ở địa phương cũng như của các anh chị em thiện nguyện viên sẽ giữ mãi được cái ngọn lửa thiêng liêng của lòng nhân ái nơi cha bác của mình – để mà tiếp tục công cuộc phục vụ nhân quần xã hội trong hòan cảnh hiện tại trên quê hương đất nước thân yêu ngàn đời của mình vậy.

Westminster California, Ngày 15 Tháng 8 Năm 2015

Đoàn Thanh Liêm

 

Chương trình Phát triển Quận 6, 7, 8 Saigon đã chấm dứt như thế nào?

Chương trình Phát triển Quận 6, 7, 8 Saigon đã chấm dứt như thế nào?

Bài viết nhân kỷ niệm năm thứ 46 kể từ ngày thành lập

(1965 – 2011)

Đòan Thanh Liêm

Trong mấy năm gần đây, tôi đã viết nhiều bài về họat động của các bạn thanh niên sinh viên trong khuôn khổ sinh họat của chương trình phát triển cộng đồng tại các quận 6,7 và 8 Saigon vào hồi cuối thập niên 1960. Bài mới nhất viết hồi tháng Tám năm 2010 có nhan đề là : “Làm Men trong Bột”. Và kỹ sư Võ Long Triều, trong cuốn 1 Bộ Hồi ký của ông phổ biến trong năm 2010, cũng đã viết nhiều về chương trình này rồi.

Nhưng vì có một số bạn đọc thắc mắc muốn biết thêm chi tiết về giai đọan kết thúc của chương trình này, nên tôi thấy cần phải trình bày thêm về giai đọan cuối của chương trình, mà chưa được đề cập với chi tiết khả dĩ trong các tài liệu đã được phổ biến trước đây. Để giúp những bạn đọc chưa có dịp đọc các bài viết đó, tôi xin ghi vắn tắt lại những nét chính yếu của chương trình này, trước khi viết về giai đọan kết thúc của nó vào năm 1971.

I – Đại cương về sinh họat của chương trình phát triển cộng đồng tại các quận 6,7,8 Saigon khởi sự từ tháng 8 năm 1965.

Vào hồi tháng 6/1965, một số bạn trẻ chúng tôi cỡ tuổi 25 -30 họp bàn với nhau để thành lập một chương trình họat động tại quân 8 Saigon. Anh em sọan thảo một tài liệu về dự án phát triển tại địa phương quận này, và đem đệ trình nơi văn phòng của vị Thủ tướng Chánh phủ lúc đó do Tướng Nguyễn Cao Kỳ cầm đầu với danh xưng là “Chủ tịch Ủy Ban Hành phápTrung ương”.

Tướng Kỳ chấp thuận dự án này, và quyết định như sau :

A – Bổ nhiệm hai sĩ quan biệt phái là các Anh Hồ ngọc Nhuận và Mai Như Mạnh làm Quận trưởng và Phụ tá Quận trưởng Quận 8 Saigon.

B –  Đặt Chương trình Phát triển Quận 8 dưới sự bảo trợ của Bộ Thanh niên và Tòa Đô chánh Saigon. Lúc đó Bác sĩ Nguyễn Tấn Hồng là Ủy viên Thanh niên điều khiển Bộ Thanh niên, và Bác sĩ Văn Văn Của là Đô trưởng Saigon

C –  Cấp ngân khỏan 10,000,000 VN$ (10 triệu) trích từ Ngân sách quốc gia để làm quỹ hoạt động của chương trình.

Như vậy là chỉ có hai người trong Nhóm chúng tôi giữ nhiệm vụ về hành chánh của Nhà nước, còn tất cả đều là các thiện nguyện viên. Nói theo ngôn ngữ hiện nay, thì đây là một sự hợp tác của Xã hội Dân sự với chánh quyền Nhà nước ở tại địa phương Quận 8 Saigon. Vì thế Ban Quản lý Chương trình có được sự độc lập tự trị, mà không bị ràng buộc chi phối theo quy chế của một cơ sở hành chánh thông thường. Bác sĩ Hồ Văn Minh và tôi Đòan Thanh Liêm giữ nhiệm vụ làm Quản lý và Phụ tá Quản lý của chương trình này.

Thế là vào trung tuần tháng 8, anh chị em chúng tôi khởi sự “ra quân” tại 5 Phường thuộc Quận 8 nằm bên kia cầu chữ Y, cầu Chà Và, cầu Nhị Thiên Đường, dọc theo mấy con kinh Tàu Hủ, Ụ Cây, kinh Đôi phiá nam của Chợ Lớn.

Công tác chính yếu của Chương trình là vận động quần chúng các khóm hẻm tham gia vào các dự án cải tiến dân sinh, cụ thể như khai thông ngập lụt, sửa đường trong các ngõ hẻm, tu sửa nhà vệ sinh công cộng, đặc biệt là chỉnh trang nhà cửa ở các khu ổ chuột, mở thêm các lớp học, các lớp dậy nghề, chăm sóc y tế v.v…Vai trò của các thiện nguyện viên là làm chất men, chất xúc tác nhằm khơi động quần chúng ý thức rõ ràng về các nhu cầu thiết thực của cộng đồng lối xóm (felt needs) và rồi cùng nhau góp công sức và vật liệu vào các công trình cải thiện môi trường tại địa phương, cũng như phát triển về giáo dục, về y tế, về sinh họat tương thân tương trợ lẫn nhau trong các thành viên của cộng đồng địa phương.

Qua năm 1966, chương trình lại mở rộng địa bàn họat động thêm nữa sang các quận 6 và 7, nâng tổng số dân mà chương trình nhằm phục vụ trong cả 3 quận lên đến gần 500,000 người. Chương trình lại được cấp thêm ngân khỏan 20 triệu đồng cũng trích từ Ngân sách quốc gia. Về vật liệu xây dựng như sắt, ciment và tôle, thì chúng tôi được cơ quan USAID cung ứng cho khá đày đủ theo nhu cầu của các dự án tái thiết và phát triển cộng đồng.

Còn các dụng cụ trang bị cho lớp dậy nghề như máy may, máy đan, máy đánh chữ, máy động cơ v.v…, thì chúng tôi đi xin nơi các cơ quan xã hội quốc tế có trụ sở ở Saigon.

Tính ra trong 6 năm họat động (1965 – 1971), chương trình đã cùng với đồng bào địa phương thực hiện được rất nhiều công tác cải tiến dân sinh, điển hình như sửa sang cả trăm ngõ hẻm lầy lội, tái thiết đến 8,000 đơn vị gia cư trong 20 khu vực bị tàn phá trong các cuộc tấn công năm Mậu Thân 1968… Đặc biệt là thành lập được 2 trường Trung học Cộng đồng tại quận 6 và 8, mà vào niên khóa 1974 -75, tổng số học sinh trong 2 trường này đã lên đến 3,000 em.

II – Chương trình được lệnh phải đóng cửa vào tháng 4 năm 1971.

Như đã trình bày ở trên, đây là một chương trình họat động xã hội, chủ yếu là để phục vụ tầng lớp đồng bào thiếu may mắn tại khu vực ven đô, mà phần đông là dân tỵ nạn từ các vùng mất an ninh ở miền quê phải đổ xô về thành phố. Chương trình không hề chịu ảnh hưởng của một nhóm chính trị hay tôn giáo nào, mà chỉ do các bạn trẻ cỡ tuổi 20-30 cùng hợp lại với nhau trong những công tác cụ thể, thiết thực sát cánh với bà con ở địa phương. Đặc biệt là kể từ cuối năm 1968 trở đi, thì anh chị em rất bận rộn với công việc chỉnh trang tái thiết tại 20 khu vực bị tàn phá nặng nề nhất trong cả 3 quận, với tổng số nhà phải xây cất lại lên đến 8,000 đơn vị.

Thế nhưng, do có sự mâu thuẫn căng thẳng giữa hai vị lãnh đạo quốc gia là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, mà chương trình chúng tôi nhận được lệnh của phía Tướng Thiệu là phải chấm dứt họat động kể từ tháng 4 năm 1971.

Nguyên do dẫn đến việc này là vào tháng 9 năm 1971 đó, sẽ có cuộc bầu cử Tổng thống và Phó Tổng thống, mà cả hai Tướng Thiệu và Kỳ đều tranh đua với nhau để mỗi bên đứng ra lập một liên danh riêng biệt. Và cả hai phía đều ráo riết tổ chức việc vận động để dành phần thắng cử về cho mình, nên đã sử dụng mọi đòn phép chính trị mua chuộc sự ủng hộ khắp nơi, chỗ này chỗ nọ.

Vì như đã ghi ở trên, chương trình phát triển này lúc khởi sự vào năm 1965 là do Tướng Kỳ với thẩm quyền là Thủ tướng đã chấp thuận cho chúng tôi họat động và còn cấp ngân khỏan điều hành nữa. Nên phía Tướng Thiệu lúc đó lại có thành kiến cứ coi chương trình này là của riêng Tướng Kỳ, hay cũng ngả về phe phái của Tướng Kỳ, và từ đó mà đưa đến việc ra lệnh cho chương trình phải chấm dứt họat động. Thời đó, Tổng thống Thiệu đã nắm hết quyền hành trong tay mình, và Phó Tổng thống Kỳ chỉ còn giữ tính cách tượng trưng về nghi lễ, không có thực quyền như lúc giữ vai trò của một vị Thủ tướng như thời kỳ 1965 – 67 nữa.

Trước chỉ thị của chánh quyền như vậy, Ban Điều hành của chương trình phát triển chúng tôi đâu có thể làm gì khác, ngòai việc phải tuân theo mà thôi. Cơ quan chính quyền trước đây cho phép họat động, bây giờ rút lại cái giấy phép đó, thì đó là thuộc phạm vi quyền hạn của nhà nước, mình chỉ là một nhóm thiện nguyện viên tư nhân thì làm sao mà cưỡng lại được?

III –  Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ chủ tọa Lễ Bế mạc Chương trình Phát triển.

Và, theo đúng chỉ thị của cấp trên, anh chị em chúng tôi đã tổ chức một buổi lễ khá long trọng vào thượng tuần tháng 4 năm 1971, với số tham dự gồm đông đủ các thân hào nhân sĩ địa phương cả 3 quận và rất nhiều giới chức quan khách – để tuyên bố kết thúc sự họat động của chương trình phát triển mà đã khởi sự từ năm 1965. Chúng tôi mời Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ đến chủ tỏa Lễ Bế mạc này, vì dầu sao lúc đó Ông cũng là nhân vật lãnh đạo đứng hàng thứ hai của quốc gia, chỉ đứng sau vị Tổng thống mà thôi. Lại nữa vào năm 1965, chính Tướng Kỳ với cương vị là Thủ tướng chánh phủ đã cho phép chương trình họat động, nay đến lúc kết thúc, thì cũng nên mời Phó Tổng thống đến tham dự và chủ tọa buổi lễ, đó là điều cũng hợp lý, phải đạo và sòng phẳng vậy thôi. Lúc đó thì có một người bạn phê một câu bằng tiếng Pháp rằng : “Commencé par Kỳ, terminé aussi par Kỳ “ (Khởi sự bởi Kỳ, thì cũng kết thúc bởi Kỳ).

Sau buổi lễ này, chương trình trao lại các cơ sở, xe cộ, vật dụng và hồ sơ giấy tờ cho Tòa Đô chính Saigon Và chúng tôi chia tay nhau một cách êm thắm nhẹ nhàng, người nào cũng còn giữ lại được những kỷ niệm đẹp đẽ trong suốt nhiều năm tháng sát cánh bên nhau trong bao nhiêu công tác phát triển cộng đồng cùng hợp chung với bà con trong các khu xóm trong cả 3 quận. Ai nấy, mỗi người trở về lại với nghề nghiệp và cương vị riêng của mình.

Có điều đáng ghi nhớ là cho đến nay, sau 40 năm chia tay nhau, anh chị em chúng tôi vẫn tiếp tục còn gắn bó mật thiết với nhau trong tinh thần anh chị em ruột thịt một nhà, vì tất cả đều cùng theo đuổi một lý tưởng nhân ái là phục vụ đồng bào, nhất là các nạn nhân chiến cuộc hồi đó.

Hai trường Trung học ở quận 6 và 8 thì vẫn tiếp tục họat động bình thường, không hề bị ảnh hưởng của việc đóng cửa chương trình này. Lại nữa, trong hàng ngũ chúng tôi, thì có 2 người được bầu làm Dân biểu Hạ Nghị Viện, đó là các anh Hồ Văn Minh và Hồ Ngọc Nhuận. Và 3 người được bầu làm Nghị viên Hội đồng Đô thành Saigon, đó là các anh Mai Như Mạnh, Dương Văn Long và Lê Xuân Tảng. Hai người được bầu vào làm Ủy viên Hội đồng Văn hóa Giáo dục, đó là các Hiệu trưởng Võ Văn Bé và Uông Đại Bằng.

Và quan trọng nhất là hàng ngàn các cựu học sinh xuất thân từ 2 trường Trung học quận 6 và quận 8, nay đã vào lớp tuổi 50 – 57, thì các em vẫn nối tiếp cái tinh thần hy sinh phục vụ xã hội tại địa phương trong tầm tay với của mình. Đó là niềm hy vọng và an ủi cho tất cả anh chị em chúng tôi vậy.

Nhân dịp này, tôi cũng xin được bày tỏ lòng thương tiếc đến với các bạn đã ra đi, điển hình như các anh Trần Kim Hoa, Nguyễn Trọng Khánh, Lương Bá Cậy, Nguyễn Văn Bọt, Nguyễn Ngọc Phan, Đặng Kỳ Trân, Nguyễn Ngọc Thạch, Nguyễn Hữu An… Các bạn này đã cùng sát cánh với anh chị em chúng tôi trong suốt thời gian công tác tại các địa phương quận 6,7 và 8 Saigon giữa thời kỳ chiến tranh khói lửa kinh hòang thuở ấy.  Xin cầu chúc các bạn luôn thanh thản nơi cõi Vĩnh Hằng. R.I.P./

California, Trung tuần tháng Tám năm 2011

Đòan Thanh Liêm

Làm Men trong Bột

Làm  Men  trong  Bột

(Bài viết nhân kỷ niệm năm thứ 45 Ngày Thành Lập Chương Trình Phát Triển Quận 8 Saigon 1965-2010)

Đòan Thanh Liêm

Tháng 8 năm 1965, giữa lúc chiến tranh bắt đầu leo thang dữ dội tại nhiều nơi trên khắp lãnh thổ miền Nam Việt nam, thì một nhóm anh chị em trẻ cỡ tuổi 18 đến 30 chúng tôi hợp chung lại với nhau, để khởi xướng một chương trình xây dựng cụ thể tại một địa phương còn kém phát triển ở Saigon. Đó là một chuơng trình phát triển cộng đồng có danh hiệu là : “Chuơng Trình Phát Triển Quận 8 Saigon”.

Đây là một chương trình họat động có tính cách tự nguyện của giới thanh niên, sinh viên và học sinh, mà được sự chấp thuận và yểm trợ của cơ quan nhà nuớc, cụ thể là Tòa Đô chánh Saigon và Bộ Thanh niên.  Nói theo ngôn ngữ ngày nay, thì đó là sự hợp tác của một thành phần thuộc lãnh vực Xã hội Dân sự với cơ quan Nhà nước, để cùng theo đuổi việc cải tiến dân sinh tại một khu vực ven biên thành phố thủ đô, nơi có nhiều đồng bào phải rời bỏ miền quê mất an ninh , để về tá túc tại những khu nhà ổ chuột, thiếu thốn mọi tiện nghi vật chất như đường xá, điện, nước và mọi dịch vụ công cộng thông dụng nhất của một đô thị bình thường.

Vì là một chương trình thí điểm của giới trẻ, vốn chỉ có lòng hăng say nhiệt thành muốn đóng góp công sức vào việc cải tiến xã hội một cách thiết thực cụ thể, nhưng tất cả lại chưa hề có kinh nghiệm họat động trong một môi trường với đông đảo quần chúng xa lạ, như ở một địa phương tương đối hẻo lành này. Vì thế, phải mất một thời gian dò giẫm, thử nghiệm, rồi các bạn mới tìm ra được phương cách thích hợp trong công tác vận động bà con ở địa phương cùng tham gia vào công cuộc xây dựng tại hạ tầng cơ sở, nơi mà người dân đang phải sinh sống trong các điều kiện hết sức khó khăn chật vật.

Công tác đầu tiên mà các bạn trẻ này làm để “ra mắt trình diện với đồng bào ở địa phương”, đó là việc hòan thành được một ngôi trường với 5 phòng học tương đối rộng rãi khang trang, tại phường Hưng Phú gần với khu Lò Heo Chánh Hưng. Ngôi trường này được xây cất gấp rút trong vòng 2 tuần lễ với vật liệu nhẹ, cột bằng gỗ, tường bằng ván dăm bào aerolith và mái lợp tôn, nhằm đáp ứng với việc “giải tỏa các lớp học ban trưa nóng bức”, bởi lẽ hồi đó trường ốc rất thiếu thốn, nên  nhiều nơi đã phải mở thêm các suất học từ 11 giờ sáng đến 2 giờ trưa, nhằm dậy thêm được một số học sinh. Công tác đầu tay này đã gây được sự phấn khởi của giáo chức, và nhất là của đông đảo phụ huynh học sinh tại địa phương, với hậu quả là các thân hào nhân sĩ, giới lãnh đạo tôn giáo đã bắt đầu tìm hiểu và có sự tin tưởng, thông cảm với nhóm thanh niên thiện nguyện từ các nơi xa mà đến góp phần vào công việc xây dựng tại khu vực, vốn xưa kia là lãnh địa của quân đội Bình Xuyên vào hồi đầu thập niên 1950.

Và rồi nhờ sự thông cảm và hợp tác của các bậc tôn trưởng tại địa phương như vậy, mà Chương trình Phát triển đã lần hồi lôi cuốn được đông đảo bà con cùng quy tụ lại với nhau, để thực hiện những công việc xây dựng tích cực, cụ thể như khai thông tình trạng ngập lụt, sửa sang các đường hẻm, cải thiện các nhà vệ sinh công cộng v.v… Qua những dự án hợp tác đại loại như thế, mà bà con lối xóm có dịp quen biết lẫn nhau và gắn bó thân thương với nhau, mỗi ngày một bền chặt, khắng khít hơn. Và các thiện nguyện viên từ nơi xa đến cũng gây dựng được sự tin tưởng, và thiện cảm của quần chúng nhân dân trong cộng đồng địa phương. Đó chính là mấu chốt của sự thành công trong việc “Gây được sự hưởng ứng tự nguyện của chính đồng bào là đối tượng phục vụ của Chương trình Phát triển ở Quận 8” vậy.

Sau trên một năm hoạt động, Chương trình Phát triển này lại được chánh quyền chấp thuận cho khuếch trương  thêm, kể từ năm 1966, sang các quận 6 và 7 lân cận, để phục vụ cho khối dân số tổng cộng trong cả 3 quận lên đến 500,000 người. Từ những công tác cải thiện môi trường với quy mô đơn sơ nhỏ bé, trong các khu xóm lầy lội, chật hẹp, tối tăm, Chương trình đã tiến tới việc thực hiện được những công trình chỉnh trang gia cư khá rộng lớn, điển hình như khu chỉnh trang xóm nghĩa địa thuộc liên khóm 14 &15 thuộc khu Xóm Đầm ở phường Hưng Phú Quận 8, với trên 130 căn nhà được phân phối trong 7 lô gồm các căn nhà sát vách với nhau. Rồi đến khu định cư Nam Hải dành riêng cho đồng bào tỵ nạn từ Phước Long chạy về, với  con số trên 300 căn nhà xây cất trên  khu bãi đổ rác Chánh Hưng của thành phố v.v…

Và nhất là công trình chỉnh trang tái thiết đến gần 20 khu vực nhà cửa bị tàn phá trong mấy đợt tấn công của quân đội công sản trong dịp Tết Mậu Thân năm 1968, tổng cộng lên tới gần 8,000 đơn vị gia cư trong cả ba quận 6, 7 và 8 Saigon. Điển hình như tại khu tái thiết ở phường Cầu Tre-Bình Thới thuộc Quận 6, thì có đến 1,200 đơn vị gia cư được xây cất lại.

Tất cả các khu chỉnh trang này đều được thực hiện theo phương thức “Phát triển Cộng đồng”, tức là người dân địa phương đóng vai trò chủ động chính yếu vừa góp công, vừa góp của, để thực hiện việc xây dựng lại nhà cửa cho chính mình. Cán bộ của Chương trình Phát triển chỉ đóng vai trò tổ chức cho bà con hội họp bàn thảo và quyết định với nhau trong việc phân phối căn nhà cho từng gia chủ. Và rồi hướng dẫn kỹ thuật cho việc xây cất theo họa đồ thiết kế đã được các chuyên viên kỹ sư phác họa sẵn.

Chứ đó không phải là những công trình xây cất thuần túy do Nhà nước thực hiện từ đầu đến cuối, như tại các khu cư xá của Tổng Nha Kiến Thiết, hay của  Khu Gia cư Liêm giá cuộc của Tòa Đô chánh Saigon.

Có hai công trình với quy mô và ảnh hưởng lâu bền nhất, đó là việc thành lập được Trường Trung học Cộng Đồng ở quận 8, rồi cả ở quận 6, với tổng số học sinh lên tới 3000 em vào niên khóa 1974-75. Chương trình Phát triển đã kêu gọi được sự hợp tác rất hăng say của giới phụ huynh và các thân hào nhân sĩ địa phương, để thực hiện được công cuộc phát triển giáo dục mà cho đến ngày nay, sau trên 40 năm  thì vẫn tiếp tục được duy trì để phục vụ cho các thế hệ trẻ mỗi ngày một thêm đông đảo. Các em học sinh lớp đầu tiên nhập học vào năm 1966 lúc đó ở tuổi 13-14, thì năm 2010 này đã ở vào lứa tuổi 57 – 58, với nhiều em đã lên tới chức ông nội, bà ngoại cả rồi.. Và đặc biệt các cựu học sinh này vẫn còn gắn bó thân thương với nhau trong tổ chức Hội Ái Hữu Cựu Học sinh với Ngày Họp Truyền Thống của trường xưa vào tháng 12 mỗi năm..

Ngoài ra, Chương trình còn yểm trợ rất nhiều lớp Dậy nghề do các Chùa và Nhà thờ ở địa phương tổ chức và điều hành, cụ thể như tại Chùa Huê Lâm ở quận 6, Chùa Bình Đông , Nhà thờ Rạch Cát ở quận 7, Nhà thờ Bình An ở quận 8 v.v…Về y tế, Chương trình còn tổ chức cả một xe Y tế lưu động để lo khám bệnh và cấp phát thuốc cho bệnh nhân tại một số khóm hẻm ở quá xa với trạm y tế.

Về thành phần nhân sự, thì tất cả đều tham gia họat động trong khuôn khổ chương trình với tinh thần tự nguyện. Có em là học sinh dưới 20 tuổi, còn đang theo học tại các trường trung học. Có em là sinh viên cấp đại học. Và cũng có những bạn lớn tuổi hơn, nhưng phần đông đều vào lứa tuổi trên dưới 30. Những người làm việc thường xuyên, thì được hưởng một số trợ cấp sinh họat tối thiểu, chứ không phải là một thứ lương bổng nào theo quy chế của cơ quan nhà nước. Các bạn trẻ này vốn đã từng được đào tạo trong các tổ chức thanh thiếu niên, như tại Phong trào Hướng Đạo, Sinh viên Phật tử, Sinh viên Công giáo, Thanh niên Thiện chí, Phong trào Học đường Phục vụ Xã hội v.v… Đó là những nhân sự cơ hữu công tác thường xuyên, mà tỗng số chỉ có vào khỏang từ 30 đến 40 người. Còn số thiện nguyện viên lâu lâu đến hợp tác trong một dự án ngắn hạn, mà cần thêm nhiều lao động vào một vài ngày nghỉ cuối tuần, thì có thể kể đến con số hàng ngàn người, số này do các đòan thể hiệp hội bạn hướng dẫn đến để tăng cường cho nhân số cơ hữu vốn luôn ít ỏi của chương trình phát triển.

Về phương tiện tài chánh và vật liệu, thì chương trình được chánh quyền cấp cho một số ngân khỏan trong 2 đợt đầu từ năm 1965 đến 1969, tổng cộng là 30 triệu đồng, trích từ ngân sách quốc gia, và trong đợt cuối vào năm 1970 thêm được 10 triệu nữa, trích từ ngân sách ngọai viện. Còn các vật liệu xây dựng chính yếu là sắt, tôle và ciment, thì do Cơ quan Viện trợ Mỹ USAID cung ứng cho khá đày đủ. Ngòai ra, chương trình cũng còn được sự trợ giúp về dụng cụ huấn nghệ như máy may, máy đan, máy đánh chữ, dụng cụ sửa radio, sửa máy nổ , về thuốc men và một số vật dụng linh tinh khác…từ các tổ chức từ thiện quốc tế như CARE, Catholic Relief Service, Asian Christian Service, Vietnam Christian Service, Adenauer Foundation, OXFAM…Các dụng cụ này được sử dụng vào việc trang bị cho các trung tâm dậy nghề, do các tổ chức tôn giáo ở địa phương trực tiếp điều hành.

*            *           *

Đẻ tóm lược lại, ta có thể ghi nhận vài nét chính yếu như sau đây :

1 / Trong suốt quá trình hoạt động sôi nổi từ những năm 1965 trở đi, các anh chị em thiện nguyện viên này luôn ý thức được vai trò chủ yếu của mình là : “Vận động quần chúng tự nguyện tham gia vào các công trình cải tiến dân sinh” tại chính địa phương của họ. Đây đích thực là vai trò “làm chất men, chất súc tác” được vùi vào trong môi trường của quần chúng nhân dân, nhằm gây được một “tác dụng dây chuyền”, theo lối “vết dầu loang”, để mỗi ngày một phát triển rộng thêm mãi ra. Thành ra lớp người cán bộ tự nguyện như vậy chính là một thứ tác nhân có khả năng góp phần khơi động được thành cả một “Phong trào quần chúng tham gia vào công cuộc phát triển xã hội ngay tại hạ tầng cơ sở, nơi địa phương của chính họ” (Mass Fermentation/Mobilisation at the grassroots). Một anh bạn đã phát biểu tóm gọn vai trò của anh chị em thiện nguyên viên một cách thật chính xác là : “Những người vận động cho công cuộc phát triển toàn diện và điều hòa” (animateurs de de’veloppement total et harmonise’) tại địa phương các quận 6,7 và 8 Saigon thời đó vậy.

2 / Nếu cần phải đánh giá chung về Chương trình Phát triển này đã hoạt động liên tục trong 6 năm, từ 1965 đến 1971, thì ta có thể nói rằng : “Đây mới chỉ là một lọai hình họat động tiêu biểu trong số đông những Mảnh Nhỏ Cố Gắng của cả một Phong trào Thanh Thiếu niên lúc đó, nhằm góp phần vào công cuộc Xây dựng Xã hội tại miền Nam Việt nam thời kỳ trước năm 1975”. Và theo như lối mô tả của Giáo sư Karl Popper thuộc Trường Kinh tế Luân Đôn (LSE = London School of Economics) trong cuốn sách thời danh xuất bản từ năm 1945 của ông, với nhan đề là : “The Open Society & its enemies”, thì đây chính là một cách thể hiện cái phương thức : “Piecemeal Social Engineering”, tức là  “Xây dựng Xã hội từng Mảnh một” vậy.

3 / Và cuối cùng, nhân dịp kỷ niệm năm thứ 45 ngày thành lập Chương trình Phát triển Cộng đồng này, người viết xin được bày tỏ lòng thương tiếc và quý mến sâu sắc đối với một số bạn và thân hữu đã lìa trần trong mấy năm gần đây, cụ thể điển hình như các bạn Đặng Kỳ Trân, Trần Kim Hoa, Luơng Bá Cậy, Nguyễn Trọng Khánh, Lương Văn Tròn, Nguyễn Ngọc Phan, Nguyễn Văn Bọt, Nguyễn Ngọc Thạch… Và các thân hữu như Nguyễn Hữu An, Trần Hữu Hải,Trần Đại Lộc, Đỗ Ngọc Yến…

Tuy các bạn đã đi xa, nhưng cái kỷ niệm thân thương gắn bó keo sơn ấy của tất cả tập thể anh chị em chúng ta, trong bao nhiêu ngày tháng miệt mài say mê với công tác xã hội sát cánh cùng với đồng bào tại các quận 6,7, 8 Saigon những năm xưa, giữa cuộc chiến tranh khói lửa mịt mù tàn bạo lúc đó, thì không bao giờ lại có thể phai mờ quên lãng đi được./

California, Tiết Trung Thu Canh Dần 2010

Đoàn Thanh Liêm

Các bạn ơi! Hãy Yêu thương trọn vẹn

Các  bạn  ơi! Hãy  Yêu  thương  trọn  vẹn

(Let’s love totally)

Đoàn Thanh Liêm

*     *     * Gần đây, tôi nhận thấy trên các ly đựng café Starbucks người ta có in một số câu nói thật ngắn gọn của Oprah Winfrey là một người rất nổi danh với chương trình hội thọai trên truyền hình tại Mỹ từ vài ba chục năm gần đây. Điển hình như câu phát biểu sau đây của người nghệ sĩ tài ba này : “Cuộc sống của bạn thật to lớn. Hãy tiếp tục vươn tới” – Nguyên văn tiếng Anh : “Your life is big. Keep reaching”.

Câu nói này khiến tôi liên tưởng đến cái khẩu hiệu rất thông dụng trong giới trẻ trên thế giới từ ba bốn chục năm nay. Câu đó chỉ gồm có 4 chữ thế này : “Think Globally, Act Locally”. Xin tạm dịch dài dòng cho rõ nghĩa hơn : “Hãy suy nghĩ toàn cục, Hãy hành động tại điạ phương”. Nhân tiện, tôi cũng xin trình bày một vài suy nghĩ liên hệ đến chủ đề này như sau.

I –  Thích nghi với hòan cảnh mới của xã hội tiến bộ.

Ngày nay với sự tiến bộ thần kỳ của khoa học kỹ thuật cũng như sự thịnh vượng về mặt kinh tế tại khắp nơi trên thế giới – và đặc biệt là sự bùng nổ thông tin và giao lưu giữa các dân tộc – thì hiện tượng tòan cầu hóa càng ngày càng mở rộng trên khắp các lãnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa cũng như chính trị. Trong một thế giới văn minh phát triển như thế, thì mỗi cá nhân riêng lẻ –  cũng như mỗi tập thể dân tộc của một quốc gia – đều phải cố gắng học tập, suy nghĩ, tìm hiểu để mà theo kịp được với những sự chuyển biến lớn lao của xã hội. Như dân gian ta thường nói : “ Mỗi khi nước nổi lên, thì con thuyền cũng phải dâng cao theo”. Đó là một quy luật trong cuộc tranh đấu sống còn của thiên nhiên cũng như của cộng đồng nhân lọai vậy.

Còn về mặt hành động, thì cũng phải thích nghi với hòan cảnh thực tế tại mỗi địa phương với những đặc thù về văn hóa xã hội cũng như về kinh tế chính trị riêng biệt tại mỗi nơi, mỗi lúc. Cụ thể như tại nhiều nơi trên thế giới kể từ thập niên 1950, người ta thường phát động những chương trình họat động gọi là “Phát triển Cộng đồng” (Community Development Program) nhằm cải thiện môi trường sinh họat của từng địa phương. Đó là những công tác cải tiến xã hội thực tiễn mà được thực hiện với sự tham gia tự nguyện và hăng say phấn khởi của chính người dân địa phương, ngay tại “hạ tầng cơ sở” nơi đó (at the grassroot).

Cũng tại các điạ phương, thì thường xảy ra những bất công áp bức do người có quyền thế gây ra làm khổ cực cho người dân “thấp cổ bé miệng, thân cô thế cô”. Vì thế mà cần phải có những người trượng phu quân tử dám ra tay nghĩa hiệp để bênh đỡ cho những nạn nhân của bất công xã hội đó. Như cha ông ta xưa kia đã từng nhắc nhở trong câu “Anh hùng thấy sự bất bình chẳng tha”. Và chính vì khía cạnh “Hành động nhằm bênh vực sự Công bằng Xã hội” này, mà tôi muốn khai triển chi tiết hơn trong mục sau đây.

II – Vai trò làm “Đối trọng” của Xã hội Dân sự hiện nay.

Như ta đã biết Xã hội Dân sự đóng hai vai trò chính yếu, đó là vừa làm “Đối tác” và vừa làm “Đối trọng” đối với chính quyền nhà nước (Counterpart/Counterbalance). Làm đối tác là cùng sát cánh với nhà nước trong lọai công việc từ thiện nhân đạo, giáo dục thanh thiếu niên v.v…, như các Hội Hồng Thập Tự, Hướng Đạo, Cứu trợ Nạn nhân Thiên tai Bão lụt. Còn làm đối trọng là tranh đấu bênh vực những nạn nhân của bất công áp bức do cán bộ nhà nước gây ra, điển hình như bênh vực Dân oan bị mất nhà mất đất, bảo vệ các nạn nhân bị công an cảnh sát đối xử tàn bạo, chà đạp nhân phẩm v.v…

Từ trên 60 năm nay, kể từ ngày Liên Hiệp Quốc công bố Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền vào năm 1948, thì lần lượt tại khắp nơi trên thế giới đã phát sinh ra một Phong trào Tranh đấu cho Phẩm giá và Quyền Con Người. Cuộc tranh đấu này đã và đang diễn ra hết sức kiên cường sôi nổi nhằm bắt buộc giới cầm quyền cũng như giới tài phiệt tại từng quốc gia phải chấm dứt mọi hành động bất công áp bức đối với người dân sở tại. Và đặc biệt trong vòng 30 năm nay, nhờ sự phổ biến của Internet mà người dân tại nhiều quốc gia đã có thể trao đổi tin tức vừa mau lẹ vừa chính xác cho nhau – để rồi từ đó mà đưa ra những hành động hợp thời, hiệu quả nhằm bênh vực quyền lợi chính đáng của bà con đồng bào ruột thịt của mình.

Riêng ở nước Việt nam chúng ta hiện nay, thì đang xuất hiện công khai các nhóm, các tổ chức tự phát mà có đủ cả ba tính chất “phi chính phủ”, “bất vụ lợi” và “tự nguyện” của Xã hội Dân sự nhằm đòi hỏi nhà cầm quyền cộng sản phải thực tâm tôn trọng những quyền tự do căn bản của mỗi người công dân – như đã được ghi rõ trong Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và  các văn bản liên hệ khác cũng do Liên Hiệp Quốc ban hành. Như vậy là cuộc tranh đấu của bà con chúng ta ở trong nước đã đi đúng hướng với phong trào tòan cầu để đòi hỏi mọi chính phủ phải thực thi những cam kết về Bảo vệ Nhân quyền từ lúc họ k‎ý‎‎ kết phê chuẩn các Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị, cũng như về Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa.

Cụ thể là gần đây, nhiều nhà tranh đấu nhân quyền từ Việt nam đã có mặt tham gia tại các buổi điều trần công khai về nhân quyền do Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Geneva Thụy sĩ hay do tổ chức Cộng Đồng Âu Châu (EU = European Union) hoặc do chính phủ Liên Bang Hoa Kỳ mở ra cho công chúng tham dự. Rõ rệt là các vị đó đang cất lên tiếng nói thay cho những nạn nhân của bất công áp bức ở Việt nam – những người luôn bị chính quyền cộng sản bịt miệng không cho phát biểu – điển hình là Linh mục Nguyễn Văn L‎ý đã bị công an công khai bịt miệng trước phiên tòa.‎‎ (Voice for the Voiceless in Vietnam).

Như vậy là cuộc tranh đấu cho Tự do, Dân chủ và Nhân quyền tại địa phương Việt Nam chúng ta hiện đang có được sự thông cảm, liên đới và sự tiếp tay yểm trợ của nhiều dân tộc trên thế giới vậy đó (Local Action with Global Solidarity and Support).

III – Chúng ta tranh đấu vì “Yêu thương trọn vẹn” đối với đồng bào ruột thịt thân yêu của mình.

Vào năm 1995, lúc còn bị giam giữ tại trại Z30D ở Hàm Tân Phan Thiết, tôi có làm một bài thơ song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh nhan đề “Nói với Bạn Trẻ” – trong đó có mấy câu cuối như sau :

…”Hãy sống thật sung mãn

Bằng Yêu thương trọn vẹn

Và biết tận hưởng

Sự An bình Ngây ngất

Trong sâu thẳm nội tâm chúng ta./”

Tôi muốn đưa cụm từ ngữ “Hãy yêu thương trọn vẹn” trong bài thơ này để góp thêm vào với cái khẩu hiệu “Hãy suy nghĩ toàn cục, Hãy hành động tại địa phương” đã ghi ở trên thành một khẩu hiệu có ba vế mà được viết ra tiếng Anh như sau :

“ Think Globally – Act Locally – Love Totally”.

Và tôi cũng muốn nói rõ hơn với các bạn trẻ rằng : Ở vào đầu thế kỷ XXI này, hiện phần đông trong chúng ta đang được hưởng thụ những thành quả tốt đẹp của sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật, của nền kinh tế thịnh vượng và của sự thông cảm và liên đới quốc tế. Đó là những phúc lộc do cha ông chúng ta trước đây và cũng do nhân lọai tiến bộ ngày nay đã góp phần tạo dựng ra để cho tất cả chúng ta được sống trong bàu không khí nhân ái an hòa, được chia sẻ sự thịnh vượng và tiến bộ của cộng đồng thế giới hiện nay.

Vì từ gần 70 năm qua, người cộng sản đã gieo rắc hận thù ân óan của chủ thuyết “đấu tranh giai cấp” với “chuyên chính vô sản” vào trong lòng dân tộc ta – khiến cho cái nọc độc bạo lực căm thù đó đã tàn phá đến tận cội rễ trong tâm hồn con người Việt Nam chúng ta, làm băng họai tiêu diệt hết cái truyền thống nhân ái bao dung trong xã hội – mà phải biết bao nhiêu thế hệ vất vả cực nhọc cha ông ta mới gầy dựng nuôi dưỡng lên được. Do đó, mà tôi muốn kêu gọi các bạn trẻ hãy nghiêm túc nghe theo lời kêu gọi khuyên nhủ của cha ông chúng ta từ xa xưa – mà được gói ghém trong hai câu văn thật ngắn gọn như sau :

“Đem Đại nghĩa thắng Hung tàn.

Lấy Chí nhân thay Cường bạo”.

Trong cuộc sống của con người thời nào và ở đâu cũng vậy – điều qu‎ý báu nhất là do nơi tấm lòng nhân ái yêu thương đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ nhau mỗi khi có ai gặp họan nạn, bị bóc lột chèn ép… Các bạn trẻ ngày nay được học hỏi tiếp cận nhiều với thế giới văn minh tiến bộ, thì các bạn càng có nhiều khả năng, nhiều sáng kiến để mà đem ra giúp dân giúp nước đang bị cả hai thứ “thù trong, giặc ngòai” quấy phá.

Và chỉ khi nào mà – thông qua những hành động cụ thể tích cực – các bạn biết đem hết cái Tình Yêu Thương Trọn Vẹn đó ra để san sẻ rộng rãi với đông đảo các bà con đang là những nạn nhân khốn khổ bất hạnh của cường quyền bạo lực ở nơi quê nhà, thì cuộc sống của các bạn mới thật sự sung mãn và có ý ‎nghĩa cao đẹp tuyệt vời vậy./

San Clemente California, ngày 8 tháng Bảy 2014

Đoàn Thanh Liêm

*          *          *

Ghi chú  :

1 – Bạn đọc muốn tìm hiểu thêm về các câu nói của Oprah Winfrey hay về khẩu hiệu “Think Globally, Act Locally”, thì có thể tìm kiếm trên Internet bằng cách bấm Google và đánh các chữ liên hệ như “Oprah Winfrey quotes”, “Think Globally, Act Locally”.

2 – Ba văn kiện căn bản hợp thành Bộ Luật Quốc Tế Nhân Quyền (do Liên Hiệp Quốc ban hành năm 1976) gồm :

A – Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (công bố năm 1948)

B – Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (LHQ biểu quyết năm 1966 và các quốc gia lần lượt phê chuẩn)

C – Công ước Quốc tế về Quyền kinh tế, Xã hội và Văn hóa (LHQ biểu quyết năm 1966 và các quốc gia lần lượt phê chuẩn).

Tiếng Anh :The International Bill of Human Rights (IBHR) consists primarily of  three fundamental texts :

I- The Universal Declaration of Human Rights (UDHR);

II- The International Covenant on Civil and Political Rights  (ICCPR);

III – The International Covenant on Economic, Social and Cultural Rights  (ICESCR).

3 – Về bản tiếng Anh của bài thơ “A Message to Youth” tôi làm hồi còn ở trại Z30D Hàm Tân Phan Thiết năm 1995, thì cũng có trên Google với mục “Poems from Prison Doan Thanh Liem”.

4 – Bản tiếng Việt của bài thơ “Nói Với Bạn Trẻ’ nguyên văn như sau :

I – Bạn trẻ của tôi ơi!

*Hãy suy nghĩ chính xác

Để khám phá được

Những điều kỳ diệu

Trong thiên nhiên

Và Xã hội loài người.

*Hãy có lòng nhân hậu

Để yêu thương tất cả mọi người

Kể cả thù địch.

II – Bạn trẻ của tôi ơi!

*Hãy nâng tâm trí lên cao

Để tạo cho cuộc sống thêm ý nghĩa.

*Hãy chịu trả đắt giá

Để có được sự cao cả nơi tâm hồn.

III – Bạn trẻ của tôi ơi!

*Hãy chia sẻ những phúc lộc

Cùng với tất cả anh chị em mình.

*Hãy đích thực là mình

Với phong cách tốt đẹp xưa nay

Giữa lòng cái thế giới hỗn độn này.

IV – Bạn trẻ của tôi ơi!

*Hãy có hành động thích đáng

Trong giờ phút đày thử thách

Của Lịch sử vinh quang chúng ta.

*Hãy sống thật sung mãn

Bằng Yêu thương trọn vẹn

Và biết tận hưởng

Sự An bình Ngây ngất

Trong sâu thẳm nội tâm chúng ta./

Làm tại Hàm Tân, Mùa Xuân 1995

Sao lục lại tại California, năm 2010

Những chuyện vui nho nhỏ dọc đường.

Những  chuyện  vui  nho  nhỏ  dọc  đường.

Bài ghi ngắn của Đoàn Thanh Liêm

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trong vòng 15 năm nay, tôi đã đi đến mấy chục vòng xung quanh nước Mỹ và 3 lần đến Canada nữa. Thường thường  tôi đi bằng máy bay từ California ở phía bờ biển miền Tây (West Coast) qua phía bờ biền miền Đông (East Coast), rồi thì dùng xe lửa hay xe bus hoặc nhờ bà con chở bằng xe riêng để di chuyển đến các thành phố lân cận trong vùng.

Mùa Xuân năm 2015 này, cũng như mọi năm tôi lại từ West Coast đi qua East Coast và kể từ giữa tháng Ba đến nay là giữa tháng Tư, tôi đã lần lượt đi qua 4 thành phố, đó là Philadelphia, New York, Boston ở Mỹ và hiện nay đang ở thành phố Toronto thuộc Canada. Trong bài viết này, tôi xin kể lại hầu quí bạn đọc một số chuyện vui vui nho nhỏ gặp bất ngờ ở dọc đường, lần lượt theo thứ tự thời gian như sau đây.

1 – Trên máy bay từ Denver đến Philadelphia vào ngày 18 tháng Ba 2015.

Bữa đó, máy bay tôi đi từ Santa Ana thì đỗ lại ở phi trường Denver để cho một số hành khách xuống và lại rước thêm số hành khách mới để đi tiếp tới Philadelphia. Trên đọan đường Denver đi Philadelphia này, người ngồi bên cạnh tôi là một phụ nữ Mỹ vào độ trên 30 tuổi. Sau khi chuyện trò xã giao ít lâu, tôi đã tự giới thiệu tên, tuổi của mình cho cô và được cô cho biết tên của cô là Catherine (Katie). Cô làm việc ở Portland Oregon và đang trên đường về thăm gia đình với mẹ cô hiện sinh sống tại một thành phố ở tiểu bang New Jersey gần kề với Philadelphia.

Tôi cho Katie biết là tôi là một luật sư ở Việt nam, tôi đã sống sót qua cuộc chiến tranh dài đằng đẵng mấy chục năm trời, rồi lại đến 6 năm trời trong nhà tù cộng sản nữa. Và cuối cùng, tôi cùng gia đình đã đến định cư tại California từ gần 20 năm nay. Tôi mở laptop cho Katie xem vài bài bằng tiếng Anh tôi mới viết gần đây, cô đọc xong rồi tò mò hỏi : “Bác thật may mắn là đã sống sót trải qua bao nhiêu gian truân nguy hiểm của chiến tranh, của chế độ độc tài và của bao nhiêu năm bị giam giữ tù đày khốn khổ như thế. Cháu xin có lời chức mừng bác, thật vậy đó. Bác viết là có được một nền giáo dục rất tốt, xin bác cho biết rõ hơn làm sao mà bác lại có được điều đó, trong khi chiến tranh kéo dài hàng mấy chục năm ở Việt nam? ”

Trả lời cho Katie, tôi nói : “Có đến mấy năm, tôi không thể đến trường học vì phải tản cư chạy lọan. Nhưng khi được đi học lại, thì tôi phải miệt mài ngày đêm với chuyện bài vở học tập để mà bù lại những năm tháng phải bỏ học như thế. Cô biết không, trong thời gian chạy lọan lúc 14 – 16 tuổi, tôi còn được học cả tiếng La tinh nữa đó. Điều may mắn này giúp tôi sau này khi lên Đại học, thì tôi phải học nhiều về môn Triết học và các môn Luật nữa v.v…” Nghe vậy, Katie cười và nói : “Mẹ cháu xưa kia cũng là một cô giáo dậy tiếng La tinh cho các học sinh bậc trung học đấy. Nếu mà bác gặp mẹ cháu, thì chắc hai người sẽ chuyện trò tâm đắc lắm đấy nhỉ?” Tôi cười xòa và nói : “Đã trên 60 năm, vì ít có dịp đọc sách viết bằng tiếng La tinh, nên tôi cũng quên đi mất nhiều lắm rồi …”

Đại khái chuyện trò trao đổi thật là hồn nhiên cởi mở giữa Katie với tôi kéo dài trong suốt chuyến bay từ Denver đến Philadelphia dễ mất đến gần 3 giờ đồng hồ. Thật cũng là một kỉ niệm vui vui ngộ nghĩnh vậy đó.

2 – Trên chuyến xe bus từ New York đến Boston vào ngày 1 tháng Tư 2015.

Xe bus Greyhound từ New York đến Boston kéo dài đến 4 tiếng đồng hồ. Dọc đường, tôi thấy tuyết còn đọng trắng xóa và khá dày trên các vạt rừng cây, nơi ven các sông hồ. Số hành khách khá đông, chiếm hầu hết 50 chỗ ngồi trên xe. Người ngồi bên cạnh tôi là một phụ nữ ở tuổi ngòai 50. Sau hồi chuyện trò ít lâu, tôi trao cho chị danh thiếp trong đó có ghi số điện thọai, email và tổ chức mà tôi tham gia sinh họat. Đó là Vietnam Human Rights Network (Mạng Lưới Nhân Quyền Việt nam). Chị cũng trao danh thiếp cho tôi, với tên gọi là Susan Stanley và số điện thọai, địa chỉ email v.v…

Vì đường dài, nên chúng tôi có bao nhiêu chuyện để cùng trao đổi về đủ mọi thứ đề tài với nhau. Từ chuyện riêng tư trong gia đình đến chuyện họat động ngòai xã hội. Tôi còn mở laptop để Susan đọc một số bài viết gần đây của tôi. Chị hỏi rất kỹ về hòan cảnh tù đày của tôi ở Việt nam vào những năm 1990. Qua đó mà câu chuyện giữa chúng tôi mỗi lúc lại càng thêm thân mật đặm đà hơn. Nhất là khi tôi nói đến chuyện văn chương thi phú, thì Susan càng chú ‎tâm nghe và hăng hái góp phần trao đổi nhận xét của riêng mình.

Điển hình như khi tôi nhắc đến câu thơ của Walt Whitman ở thế kỷ XIX : “ Behold, I don’t give lectures or a little charity, When I give, I give myself”. Hay cả một đọan thơ của Robert Frost hồi đầu thế kỷ XX : “ The woods are lovely, dark and deep, But I have promises to keep, And miles to go before I sleep, And miles to go before I sleep” – thì Susan phải thốt lên : “Sao mà anh lại thuộc kỹ thơ văn của các tác giả Mỹ đến thế nhỉ!”

Nhân tiện, tôi cũng cho Susan biết là hồi ở trong tù, tôi có làm được nhiều bài thơ, mà vì không có giấy bút để ghi lại, nên đã quên đi khá nhiều. Tuy vậy, sau khi qua Mỹ, tôi đã cố gắng nhớ lại và ghi ra được vài chục bài thơ ngắn. Cụ thể như bài thơ chỉ gồm 4 câu cảm đề từ thơ của Robert Frost ghi ở trên – mà hai câu cuối được dịch ra tiếng Anh thế này : “The long march is indeed exhausting, But still I am adamant and firmly committed to this earthly life” (Nguyên văn tiếng Việt như sau : “Đường xa vạn lý mỏi mòn, Vẫn nòi quân tử sắt son với đời”.

Đại khái như thế, chuyện trò giữa Susan và tôi cứ miên man dàn trải suốt cuộc hành trình, không lúc nào mà cạn đề tài cả. Cuối cùng, trước khi chia tay ở bến xe South Station của Boston, Susan mới mở túi lấy ra cuốn sách và nói với tôi : “Tôi đem cuốn sách này để mà đọc cho khuây khỏa dọc đường. Ấy thế mà gặp anh bữa nay chuyện trò vui quá, nên cũng chẳng cần phải mở sách này ra đọc nữa. Xin cảm ơn anh nhiều. Và hẹn sẽ tiếp tục trao đổi qua email hay phone nha…” Tôi nói : ” Susan Stanley = SS bây giờ là “Soul Sister” của tôi đấy (Tâm hồn đồng điệu). Susan cười thật dòn đáp lại : “Anh nói đúng quá, tôi thật tâm đắc với hai chữ Soul Sister này….”

3 – Trên chuyến xe bus từ Buffalo đến Toronto Canada vào chiều ngày 7 tháng Tư 2015.

Buffalo là thành phố thuộc tiểu bang New York nằm kề sát với thác Niagara nơi biên giới giữa Mỹ và Canada. Hành khách đi xe bus từ phía Mỹ, khi đến trạm kiểm sóat của Canada, thì tất cả đều phải xuống xe mang theo hành lí và xuất trình passport cho cảnh sát. Bữa đó, việc kiểm sóat giấy tờ cho 50 hành khách chỉ hết chừng 30 phút; tôi không thấy có người nào bị giữ lại và mấy nhân viên cảnh sát cửa khẩu đều tỏ ra lịch sự, vui vẻ thân thiện đối với mọi người.

Người ngồi bên tôi trong chuyến xe này là một cô gái cỡ tuổi 25. Cô cho biết mình là người Canada sinh trưởng ở Montréal, tên là Mélanie. Thế là tôi có dịp chuyện trò với cô bằng cả tiếng Pháp lẫn tiếng Anh. Dĩ nhiên là Mélanie nói thông thạo cả 2 thứ tiếng này, mà thường được gọi là lọai người bi-lingual. Cô cho biết từ vài năm nay thì qua dậy tiếng Anh cho các học sinh trung học tại Nam Hàn. Cô được cung cấp nơi ăn chốn ở tươm tất tại thành phố Quanjou ở phía cực nam của bán đảo Triều Tiên với dân số khỏang 1 triệu người. Ban trưa thì ăn ở nhà trường, các thầy cô giáo đều cùng ăn theo thực đơn như các học sinh. Cô rất thích các món ăn này mà cô gọi đó là thứ healthy food (thức ăn lành mạnh, tốt cho sức khỏe). Nói chung là cô có thiện cảm với người dân Đại Hàn vì trình độ văn hóa tương đối cao và lối sống đày tình người tại xứ sở này. Mélanie cũng học được tiếng Đại Hàn, đọc báo chí sách vở và nói chuyện được với người địa phương bản xứ. Nhưng cô lại sử dụng tiếng Anh nhiều hơn vì tại nhà trường các học sinh cũng như giáo chức thì đều nói thông thạo tiếng Anh.

Được hỏi về tình trạng liên hệ với Trung quốc, thì cô cho biết người Đại Hàn rất bực bội khó chịu vì phải chịu đựng nạn ô nhiễm bàu khí quyển do phía bên Trung quốc thổi qua eo biển từ phía Tây qua, nhiều khi ngột ngạt rất khó chịu. Mà tình trạng này đã kéo dài từ lâu, mà phía Trung quốc rõ ràng là bất lực không làm sao mà cải thiện tình hình tồi tệ của nạn ô nhiễm nặng nề như thế được.

Đến lượt Mélanie tò mò hỏi về chuyện của tôi ở Việt nam như thế nào mà bây giờ lại phải đến tỵ nạn trên đất Mỹ.Tôi cho cô biết là năm nay tôi đã bước vào tuổi 80, ngang tuổi với ông bà của cô đấy, phải không. Mélanie gật đầu “ Quả đúng vậy, ông ngọai của cháu năm nay 81 tuổi.” Tôi nói tiếp : “Chuyện tù đày của tôi nguyên do là vào năm 1990, lúc cộng sản ở Đông Âu sụp đổ, thì người cộng sản ở Việt nam rất hốt hỏang (panicked), họ mở chiến dịch bắt giữ những người có chính kiến bất đồng như tôi (dissident).

Tôi liền mở laptop cho cô đọc bài tôi viết “How I became a political prisoner in Vietnam”. Xem xong, Mélanie nói ngay : “Cháu thật không thể ngờ được là người cộng sản họ lại có thể độc tài tàn bạo như vậy được!” Tiếp theo tôi cho Mélanie coi Chứng chỉ của Amnesty International tuyên dương tôi là một Human Rights Hero trong Đại Hội mới đây ở New York. Tôi giải thích thêm : “Vì Amnesty đã góp phần cứu thóat tôi ra khỏi nhà tù ở Việt nam năm 1996, nên từ nhiều năm nay tôi tích cực tham gia họat động với Amnesty – do đó mà bây giờ họ mới tuyên dương tôi như vậy.” Mélanie gật gù và nói : “Thật là sự may mắn cho cháu được gặp một nhà Anh hùng về Nhân quyền như bác đấy.” Cả hai chúng tôi đều cười thật là vui vẻ, hồn nhiên, sảng khóai.

Đại khái câu chuyện dọc đường của tôi trao đổi với các bạn đồng hành trên máy bay, trên xe lửa hay xe bus từ nhiều năm nay, thì thật có nhiều chi tiết ngô nghĩnh lý thú tương tự như mấy trường hơp mới đây nhất được ghi vắn tắt lại trên đây. Tôi nghĩ mình có thể viết thành cả một cuốn sách về bao nhiêu chuyên đại lọai mà tôi đã gặp trong hơn 10 năm rong ruổi khắp nơi trên đất Mỹ, Canada, Âu châu, Úc châu.

Nhưng bài viết đến đây, kể đã dài rồi, tôi xin được tạm ngưng ở đây. Và xin hẹn sẽ viết tiếp thêm chi tiết nữa trong những dịp khác vậy.

Thành phố Toronto Canada, ngày 14 tháng Tư năm 2015

Đoàn Thanh Liêm

Không quốc giáo, không giáo điều

Không quốc giáo, không  giáo điều

( No State Religion, No State Dogma)

Đoàn Thanh Liêm

Năm 1975, sau khi chiến thắng được miền Nam rồi, thì giới lãnh đạo cộng sản tại Hanoi bèn công khai đổi tên “Đảng Lao Động” thành ra “Đảng Cộng sản”, tờ tạp chí “Học Tập” là cơ quan nghiên cứu và lý luận cuả Đảng Lao Động cũng đổi tên thành tạp chí “Cộng sản” luôn. Và cả đến cái “Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam” (National Liberation Front NLF) cũng được cho giải tán, dẹp bỏ mất tiêu luôn. Đó là chuyện nội bộ cuả đảng cộng sản, họ có quyền quyết định thay đổi tên tuổi cuả riêng họ, chúng ta không phải là người trong đảng cộng sản, thì cũng chẳng nên thắc mắc  gì về cái chuyện riêng tư đó trong tổ chức cuả riêng họ.

Nhưng mà, vẫn theo chuyện “thưà thắng xông lên”, họ đã cả gan đổi cả cái tên, cái danh xưng cuả quốc gia thành ra nhà nước “Cộng hoà Xã hội Chủ nghiã Việt nam” (Socialist Republic of Vietnam SRV), thì đó là điều mọi người công dân Việt nam chúng ta đều có quyền bất đồng, có quyền dị nghị. Vì rõ ràng là đảng cộng sản đã quá ư lộng quyền. Họ vẫn xưng mình là “đày tớ cuả nhân dân”, ấy thế mà họ dám ngang nhiên qua mặt “các chủ nhân ông, tức là toàn thể nhân dân”, mà thay đổi cả cái danh xưng cuả đất nước Việt nam thành ra là một quốc gia nằm dưới trướng cuả cái giáo điều “xã hội chủ nghiã”, với nền” độc tài chuyên chính vô sản”, với chủ trương “đấu tranh giai cấp, hận thù giai cấp”, “dân chủ tập trung” v.v…Đó là cái điều mà không bao giờ chúng ta lại có thể chấp nhận được.

Ở bên Pháp vào năm 1981, lần đầu tiên có lãnh tụ Đảng Xã hội là Francois Mitterand được bàu làm Tổng Thống, thì Giáo sư Raymond Aron có viết một bài báo gây chấn động trên báo Figaro, ông vìết thật đanh thép rằng  : “ Nước Pháp là nước Pháp, hay là Cộng Hoà Pháp quốc, chứ không có thêm một tĩnh từ nào khác” (Nguyên văn : La France, c’est la France ou la République Francaise, sans adjectifs! ) Tức là vị giáo sư lừng danh này muốn cảnh cáo cả phe tả phái và đảng Xã hội rằng : “Không được đem bất kỳ cái chủ thuyết nào mà gán vào danh xưng nước Pháp.” Lập trường này cũng có thể đem áp dụng cho nước Việt nam chúng ta, mà cho tới năm 2010 này vẫn còn bị đảng cộng sản gắn cho “cái đuôi con chồn xã hội chủ nghiã”!

Đầu năm 1990, sau khi chế độ cộng sản xụp đổ ở Đông Âu, thì tôi có viết một bản văn nhan đề là : “Năm Điểm Thoả Thuận Căn Bản” được coi như cái “guideline” cho việc soạn thảo bản Hiến pháp sau này. Bản văn được bắt đầu như sau :

Điểm 1 – Quốc gia Việt nam không công nhận một tôn giáo nào làm quốc giáo.

Quốc gia cũng không áp đặt một chủ thuyết nào làm giáo điều chính thức cuả Dân tộc.

Nhằm tôn trọng và bảo vệ Tự do Tín ngưỡng, Nhà nước không can thiệp vào chuyện nội bộ cuả các tổ chức tôn giáo.

(Toàn văn Bản “Năm Điểm” này sẽ được ghi trong Phần Phụ Lục đính kèm bài viết này).

Vì bản văn này, mà tôi bị công an bắt giam giữ vào tháng Tư 1990 và trong phiên xử vào ngày 14 Tháng Năm 1992, Toà án tại Saigon đã xử phạt tôi 12 năm tù giam về tội “Tuyên truyền chống chủ nghiã xã hội”. Và sau đó, họ đưa tôi đi “thi hành án” tại trại giam Z30D ở Rừng Lá thuộc huyện Hàm Tân Phan Thiết.

Năm 1996, nhờ sự vận động can thiệp cuả nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế như Amnesty International, Human Rights Watch, cũng như cuả nhiều Dân biểu, Nghị sĩ và các nhân vật văn hoá xã hội, và nhất là cuả chánh quyền Mỹ, mà tôi đã được trả tự do bằng cách công an chở tôi từ nhà tù Hàm Tân ra thẳng phi trường Tân Sơn Nhất, để cùng với gia đình qua định cư bên nước Mỹ. Đại khái vắn tắt cuả vụ án cuả tôi là như vậy.

Trong 10 năm nay, tôi để thời giờ nghiên cứu tìm hiểu về sự “Chuyển hoá Dân chủ” (Democratic Transition) tại các nước cựu cộng sản ở Đông Âu và cả ở nước Nga. Và tôi đã tìm ra được nhiều điều lý thú, khả dĩ có thể rút kinh nghiệm cho việc xây dựng tương lai đất nước và dân tộc Việt nam chúng ta. Để cho ngắn gọn, tôi chỉ xin trích dẫn một số điều khoản căn bản trong bản Hiến pháp, mới được ban hành trong thập niên 1990 và sau này, cuả một số nước cựu công sản, mà có liên hệ trực tiếp đến quan điểm cuả tôi như đã ghi nơi điều 1 Bản văn “Năm Điểm” đã trưng dẫn ở trên.

A/ Không có Quốc giáo (No State Church).

1-      Điều 40 khoản 2 Hiến Pháp nước Estonia : “Không có quốc giáo” (There is no State Church).

2-      Điều 14 khoản 1 Hiến Pháp nước Nga : “Không một Tôn giáo nào được thiết lập như một quốc giáo, hay như một tôn giáo bắt buộc (No Religion shall be established as a State or Obligatory One).

B/ Không có Ý thức hệ Nhà nước (No State Ideology)

1-      Điều 13 khoản 2 Hiến Pháp nước Nga : “ Không có một Ý thức hệ nào được thiết lập như là Ý thức hệ Nhà nước, hoặc như môt ý thức hệ bắt buộc (No Ideology may be established as a State or Obligatory One).

2-      Điều 5 khoản 2 Hiến Pháp nước Moldova : “Không có Ý thức hệ nào được công bố là Ý thức hệ chính thức cuả Nhà nước (No Ideology may be pronounced as an official ideology of the State).

3-      Điều 12 khoản b Hiến Pháp nước Uzbekistan : “ Không một Ý thức hệ nào mà được ban cấp quy chế cuả Ý thức hệ Nhà nước” (No Ideology shall be granted the status of State Ideology).

4-       Điều 11 khoản 2 Hiến Pháp nước Bulgaria : “Không có Ý thức hệ nào mà được công bố hay xác nhận là Ý thức hệ của Nhà nước”-  (No Ideology shall be proclaimed or affirmed as an Ideology of the State).

Mấy trích dẫn ghi trên thiết nghĩ cũng đã đủ để đánh giá được sự dứt khoát loại bỏ căn bệnh giáo điều cuả chế độ cộng sản trước đây. Người viết xin để bạn đọc tuỳ nghi phân tích và lượng định về sự thay đổi này trong các quốc gia cựu cộng sản ở Đông Âu và nhất là ở nước Nga. Và rồi đối chiếu với tình trạng ở Việt nam hiện nay./

Baltimore Tháng Năm 2010

Đoàn Thanh Liêm

Phụ   Lục

Năm Điểm Thoả Thuận Căn Bản

Điểm 1 – Quốc gia Việt nam không công nhận một Tôn giáo nào làm Quốc giáo.

Quốc gia cũng không áp đặt một chủ thuyết nào làm giáo điều chính thức cuả dân tộc.

Nhằm tôn trọng và bảo vệ Tự do Tín ngưỡng, Nhà nước không can thiệp vào chuyện nội bộ cuả các tổ chức tôn giáo.

Điểm 2 – Dân tộc Việt nam gồm nhiều sắc tộc có truyền thống văn hoá lịch sử khác nhau. Như vậy nền tảng cuả xã hội Việt nam phải được đặt trên cơ sở đa chủng tộc, đa văn hoá.

Điểm 3 – Phát huy truyền thống nhân bản và nhân ái cuả dân tộc, hệ thống chính trị và luật pháp Việt nam phải được xây dựng theo những nguyên tắc đã được ghi rõ trong Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.

Điểm 4 – Về phương diện kinh tế, vai trò cuả nhà nước là làm trọng tài để bảo đảm công bằng xã hội và trật tự xã hội. Như vậy, nhà nước không thể vừa đứng làm trọng tài, mà lại vưà là một bên đương sự trong các hoạt động kinh doanh làm ăn được (vưà thổi còi, lại vưà đá bóng).

Hệ luận cuả nguyên tắc này là : Hệ thống quốc doanh hiện nay sẽ được giảm bớt tới mức tối thiểu.

Điểm 5 – Thể hiện tinh thần hoà giải hoà hợp dân tộc, quốc gia sẽ ban hành lệnh khoan hồng đại xá đối với mọi vi phạm do cá nhân hay do tập thể gây ra.Nghiêm cấm mọi sự tuỳ tiện báo ân, báo oán.

Mọi khiếu nại đòi bồi thường thiệt hại sẽ được xử lý theo đúng thủ tục luật pháp./

Làm tại Saigon Tháng Hai 1990.

Đoàn Thanh Liêm

Giới thiệu sách (10): Hồi ký của Condoleezza Rice

Giới  thiệu  sách (10): Hồi  ký của  Condoleezza  Rice

Đoàn Thanh Liêm

* Nguyên tác bằng Anh ngữ nhan đề :

“ Extraordinary, Ordinary People

A Memoir of Family”

by Condoleezza Rice

* Nhà Xuất bản Crown Archetype ấn hành tại Mỹ năm 2010

*      *      *

Condoleezza Rice sinh năm 1954 là người phụ nữ da đen đầu tiên nắm giữ chức vụ Cố vấn An ninh bên cạnh Tổng thống, rồi lại là Ngọai trưởng Hoa kỳ vào những năm đầu của thế kỷ XXI dưới thời của George W Bush là vị Tổng thống thứ 43 của nước Mỹ. Bà là giáo sư lâu năm về môn Chính trị học và có thời gian còn giữ chức vụ Provost (Phụ tá Hành chính) tại Đại học danh tiếng Stanford ở California.

Năm 2009, sau khi rời khỏi chính trường, bà đã dành thời gian để viết cuốn Hồi ký Gia đình và cho ấn hành vào năm 2010. Sách dầy 342 trang, bìa cứng được in trên giấy trắng – dàn trải trong 38 chương, kèm theo nhiều hình ảnh riêng tư của gia đình, cũng như trích từ kho tư liệu của nhiều cơ sở văn hóa xã hội trong nước Mỹ.

Bằng một giọng văn gọn gàng mạch lạc, bình dị và trong sáng, tác giả đã cống hiến cho người đọc một câu chuyện thật sinh động hấp dẫn về những cố gắng vươn lên của một gia đình người da đen tại tiểu bang Alabama là nơi có nạn kỳ thị chủng tộc cực kỳ nghiệt ngã tàn bạo trong những thập niên 1950 – 60.

Vì là cuốn Hồi ký Gia đình, nên câu chuyện được kể lại xoay quanh ba nhân vật chính yếu, đó là người cha John Rice, người mẹ Angelena Ray và người con gái duy nhất Condoleezza Rice – mà chính là tác giả của cuốn sách này. Tác phẩm có thể coi như là một chứng từ khả tín về tình hình sinh họat chung của xã hội Mỹ trong vòng nửa thế kỷ qua – bắt đầu từ năm 1960 vào lúc cô bé Condi lên 6 tuổi và đã bắt đầu biết quan sát nhận định về những sự việc xảy ra xung quanh gia đình mình tại khu vực ngọai ô thành phố Birmingham thuộc miền Nam nước Mỹ – cho đến nay vào thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI.

Để bạn đọc dễ dàng theo dõi câu chuyện, tôi xin lần lượt trình bày chi tiết trong một số mục đáng chú ý sau đây.

I – Sự đùm bọc gắn bó chặt chẽ trong gia đình và dòng họ nội ngọai.

Đúng theo nhan đề của cuốn sách, tác giả Condoleezza Rice đã kể lại rành rọt về sinh họat trong nội bộ gia đình của “bộ ba” (the threesome) tức là người cha John, người mẹ Angelena và người con gái Condi. Đây là một gia đình vào lọai trung lưu (middle class) với cuộc sống thật ấm cúng hạnh phúc – vì cả hai cha mẹ đều hy sinh hết mực trong việc hướng dẫn chăm sóc và “đầu tư trong việc giáo dục” cho cô con gái cưng của ông bà. Suốt trong cuốn sách, Condi đã thuật lại chi tiết về những cố gắng vươn lên của cha mẹ mình, ngay tại vùng đất Alabama còn nặng nhọc với nạn kỳ thị chủng tộc thời kỳ giữa thế kỷ XX.

Condi ngòai tình thương yêu đậm đà đối với cha mẹ, lại còn có sự ngưỡng mộ thán phục hết mình trước những thành tựu mà hai ông bà đã đạt được, mặc dầu phải trải qua bao nhiêu nghịch cảnh éo le. Nàng coi cha mẹ là thứ gương mẫu (role model) để mình noi theo. Khi lấy nhan đề cho cuốn Hồi ký là : “Extraordinary, Ordinary People”, thì rõ ràng là tác giả muốn nói rằng : Cha mẹ của bà là những người bình thường, nhưng cũng lại là những con người phi thường nữa. Dưới đây, căn cứ trên những mô tả rải rác ở nhiều nơi trong cuốn sách, ta sẽ vẽ lại chân dung của người cha và người mẹ tuyệt vời của tác giả.

A – Người cha : Ông John Rice ( 1923 – 2000)

John Rice là con của một vị mục sư Tin lành trong hệ phái Presbyterian, sinh trưởng ở tiểu bang Louisiana và sau này chính John cũng là một mục sư coi sóc một Hội thánh do cha ông thiết lập ở vùng ngọai ô thành phố Birmingham tiểu bang Alabama. Vốn là người tháo vát năng nổ, mục sư John đã gây dựng được một cộng đòan tín hữu sinh họat rất tấp nập sầm uất, không những về mặt phụng vụ, học hỏi giáo lý thánh kinh, mà đặc biệt về mục vụ cho giới thanh thiếu niên tại địa phương.

Ít lâu sau, thì ông chuyển đi phục vụ trong ngành giáo dục nơi các trường cao đẳng và đại học ở Tuscaloosa Alabama, Denver Colorado và sau cùng tại đại học danh tiếng Stanford California là nơi con gái của ông là Condoleezza làm giáo sư từ lâu. Là người có tài tổ chức, ông lôi cuốn thuyết phục được nhiều người hưởng ứng tham gia các chương trình hành động nhằm phục vụ giới sinh viên, đặc biệt trong lãnh vực thể thao và sinh họat tập thể ở ngòai trời. John có người chị là Theresa có bằng Tiến sĩ và đi dậy về văn chương tại các Đại học.

B – Người mẹ : Bà Angelena Ray (1924 – 1985).

Angelena Ray là một người con giữa trong gia đình có 5 anh chị em. Người anh lớn Albert Ray làm mục sư Tin lành trong hệ phái Presbyterian. Tuy người có tầm vóc nhỏ nhắn, nhưng Angelena lại có sự kiên trì theo đuổi việc học tập để hòan tất chương trình Đại học và theo đuổi nghề dậy học ở các trường trung học trong nhiều năm. Đặc biệt, theo gương thân mẫu bà còn trau dồi riêng về âm nhạc và trong nhiều năm đã phụ trách điều khiển chương trình hát thánh ca tại nhà thờ. Cái tên Condoleezza bà chọn đặt cho con gái chính là một từ ngữ âm nhạc bằng tiếng Ý có nghĩa là “ với sự dịu dàng êm ái” (with sweetness).

Vào thời nạn kỳ thị chủng tộc còn rất tàn bạo hắc ám tại nhiều tiểu bang ở miền Nam, người mẹ như Angelena chỉ còn biết hạn chế sinh họat trong phạm vi gia đình, giữa cộng đồng tín hữu nơi các khu xóm dành riêng cho người da đen. Bà luôn nhắc nhở con gái Condi rằng : “Con phải cố gắng hết sức để mà có thể “giỏi gấp đôi người ta” (twice as good). Vì nếu như vậy, thì dù người ta có thể không ưa con, nhưng ít nhất người ta cũng phải trọng nể con…”

Với cả hai cha mẹ đều là những người đạo hạnh, lương hảo và siêng năng cần cù như vậy, nên ngay từ tấm bé Condi đã được thừa hưởng một nền giáo dục tuyệt vời trong gia đình – với tình yêu thương nồng ấm của cha mẹ cũng như của bà con nội ngọai và cả của cộng đòan tín hữu ở địa phương mà cả cha lẫn mẹ đều góp phần tích cực xây dựng và phát triển.

II – Cố gắng vượt thóat khỏi nghịch cảnh của lớp người bị áp chế.

Cả cho đến thập niên 1950 – 60, thì tại miền Nam nước Mỹ nạn kỳ thị chủng tộc vẫn còn khắc nghiệt gay gắt, cụ thể là nạn khủng bố do nhóm người da trắng cực đoan 3K Ku Klux Klan thường xuyên gây ra. Trong khu vực người da đen cư ngụ, thì cái cảnh bom nổ liên miên, các nhà thờ bị đốt cháy, nhiều thường dân vô tội bị sát hại…là “chuyện thường ngày ở huyện”, đến nỗi mà thành phố Birmingham được gọi trại đi là “Bombingham”. Vị chỉ huy cảnh sát Birmingham tên là Bull Connor là một thứ hung thần ra tay đàn áp người da đen với đủ mọi thủ đọan thâm độc tàn ác.

Condi mô tả lại cái cảnh bom nổ kinh hòang tại một nhà thờ gần kề với gia đình mình vào ngày Chủ nhật 15 tháng 9 năm 1963 sát hại 4 em gái mới ở vào tuổi 11 – 14. Một trong những nạn nhân này là Denise McNair là người bạn vẫn thương chơi trò búp bê với Condi. Cũng trong thời gian đó, phong trào tranh đấu đòi Dân quyền do mục sư Martin Luther King phát động đã gây sôi nổi trong dư luận tòan quốc Hoa kỳ và được sự hỗ trợ của cả một bộ phận khá đông đảo của người Mỹ da trắng tiến bộ nữa.

Mặc dầu phải sinh sống trong môi trường xã hội tồi tệ đến như thế, cha mẹ của Condi vẫn nhẫn nại tìm cách vượt lên được do cố gắng học tập, làm việc và nhất là gắn bó liên đới chặt chẽ với tập thể người da đen đồng cảnh và đồng đạo với mình. Năm 1968, gia đình Rice dọn đến thành phố Denver tiểu bang Colorado, nhờ vậy mà Condi có cơ hội được học tập trong những trường học tốt nhất để hòan thành bậc trung học và đại học. Vào năm 1981 khi vừa đủ 26 tuổi, Condoleezza Rice đã được cấp phát văn bằng Tiến sĩ về ngành chính trị học. Cuộc sống của Condi bắt đầu từ thập niên 1980 đã diễn ra thật tốt đẹp, cả trong môi trường đại học ở Stanford California, cũng như trong hệ thống chính quyền Liên bang Mỹ ở Washington DC. Ta sẽ tìm hiểu chi tiết về sự đóng góp chuyên môn của vị nữ lưu này trong mục sau.

Ông bà Rice đã dồn hết khả năng tài chánh và công sức của mình để cho cô con gái Condi có được cơ hội học tập tốt nhất, kể cả trong lãnh vực nghệ thuật và thể thao. Từ thời thơ ấu 3 – 4 tuổi, Condi đã được học đàn piano và đã trở thành một nhạc sĩ dương cầm điêu luyện, được mời trình diễn hợp tấu trong nhiều dịp trình diễn văn nghệ, cũng như trong các thánh lễ. Condi cũng được cho học tập nhiều năm về môn nhảy múa trên băng (ice skating). Và Condi cũng theo gương người cha để tham gia ủng hộ rất nhiệt thành cho các đội banh Football, Basketball nổi tiếng trên tòan quốc.

III – Sự nghiệp của một chuyên viên cao cấp về bang giao quốc tế.

Mới vào đại học ở Denver vào năm 1971 -72, Condi có cái may được sự hướng dẫn tận tình của một vị giáo sư là chuyên viên  có nhiều kinh nghiệm thực tế về Liên Xô, đó là giáo sư Joseph Korbel thân phụ của Madeleine Albright sau này cũng là một vị Ngọai trưởng của Hoa kỳ.

Cô sinh viên trẻ đã hăng say học tiếng Nga và sau nhiều năm miệt mài trong việc học tập nghiên cứu, Condi đã trở thành một chuyên viên thành thạo trong ngành bang giao quốc tế – đặc biệt về tình hình chính trị quân sự của Liên bang Xô Viết. Và tiếp theo là được mời tham gia giảng dậy và nghiên cứu tại đại học danh tiếng Stanford ở California.

Tác giả thuật lại những khó khăn trong việc được cấp phát quy chế làm giáo sư thực thụ của đại học (tenure) – vì phải thông qua một thủ tục duyệt xét cam go của cả một hội đồng các vị giáo sư đàn anh gọi là “peer review”. Sự đánh giá về năng lực chuyên môn vừa căn cứ trên thành tích giảng dậy, mà nhất là trên những công trình nghiên cứu được phổ biến trong các tập chuyên san có uy tín, hay trong các sách do mình cho xuất bản. Điển hình là cuốn sách đầu tay do nhà xuất bản Đại học Princeton ấn hành, nhan đề là : “Uncertain Allegiance : The Soviet Union and the Czechoslovak Army” – đã được các thức giả đánh giá cao. Nhờ vậy, mà sau mấy năm làm phụ tá giáo sư, thì Condoleezza Rice đã được tuyển nhận vào ngạch giáo sư thực thụ của đại học Stanford.

Cũng tại đại học này, Condoleezza lại còn được mời giữ nhiệm vụ là Provost (Phụ tá hành chánh) trong một thời gian, trong khi vẫn tiếp tục công việc giảng dậy và nghiên cứu. Và trong nhiều năm, chuyên viên nổi danh về Liên Xô là Condoleezza Rice lại còn được mời tham gia cộng tác với chánh quyền Liên bang tại thủ đô Washington DC nữa. Từ năm 1989, bà bắt đầu tham gia trong văn phòng Ban Cố vấn An ninh cho Tổng thống George H Bush (Bush Cha).

Thời kỳ này, hệ thồng do Liên Xô lãnh đạo đang gặp những xáo trộn lớn lao, khiến cho vị lãnh đạo nước Mỹ luôn phải tham khảo với giới chuyên viên về Liên Xô như Condoleezza để có thể kịp thời đối phó với những biến chuyển có tầm vóc quan trọng như thế. Và quả thật ý kiến của Condi luôn được đánh giá cao vì sự cân nhắc thận trọng của một chuyên gia có sự hiểu biết tường tận về nội tình của khối cộng sản. Condi thuật lại những ngày tháng sát cánh với vị Cố vấn trưởng là Brent Scowcroft, đến độ phải làm việc căng thẳng liên miên suốt trên 15 tiếng đồng hồ mỗi ngày trong văn phòng tại Tòa Bạch Ốc.

Rồi dưới thời Tổng thống George W Bush (Bush Con), kể từ năm 2001, Condoleezza Rice lại giữ chức vụ Cố vấn trưởng về an ninh và sau đó thì thay thế Colin Powell để giữ chức vụ Ngọai trưởng Hoa kỳ. Bà đã hòan thành xuất sắc trong cả hai nhiệm vụ cao cấp nhất trong guồng máy của chánh phủ Liên bang – như giới báo chí ở Mỹ cũng như trên thế giới đã từng đánh giá. Nên thiết tưởng không còn phải nhắc lại ở đây nữa.

IV – Để tóm lược lại :

Nói chung, cuốn Hồi ký này được viết với một giọng văn mạch lạc trong sáng. Nhưng lại cung cấp cho chúng ta rất nhiều thông tin về cuộc sống lương hảo, cần cù đạo hạnh trong nội bộ một gia đình người da đen giữa thời kỳ nạn kỳ thị chủng tộc còn rất tàn bạo khắc nghiệt trong khu vực các tiểu bang tại miền Nam nước Mỹ vào thập niên 1950 – 60. Đại khái, ta có thể ghi lại một vài đặc điểm như sau :

1 – Ngòai truyền thống gia đình, thì phải kể đến ảnh hưởng của tôn giáo đối với sự thăng tiến của lớp người da đen trong xã hội nước Mỹ. Có thể nói Tôn giáo đã giúp mỗi đơn vị cộng đòan tín hữu gắn bó liên kết chặt chẽ với nhau hơn hầu đối phó được với sự ngược đãi phũ phàng do người da trắng cực đoan gây ra. Đó chính là cái nguồn vốn xã hội (the social capital) có khả năng nâng cao phẩm chất cuộc sống của mỗi thành viên của cộng đòan. Trong suốt cuốn Hồi ký, tác giả luôn nhắc lại những lời nguyện cầu của mình gửi lên Thiên chúa, mỗi khi gặp một biến cố nào xảy ra cho gia đình hay cho chính bản thân mình.

2 – Là một người đã có một sự nghiệp vững chắc trong môi trường hàn lâm đại học cũng như trong guồng máy chính quyền của một siêu cường, nên Condoleezza Rice luôn có một thái độ bao dung trước vấn nạn kỳ thị chủng tộc vốn là một thực trạng mà tác giả gọi là thứ “khuyết tật bẩm sinh” (birth defect) từ nhiều thế kỷ nay trên đất Mỹ. Noi theo lời khuyên bảo của cha mẹ, bà đã cố gắng hết mức để mà “tài giỏi gấp đôi người khác” – nhờ vậy mà gặt hái được những thành công vượt bậc trên đời như ta đã thấy. Condi đã không chấp nhận thái độ “ bi quan buông xuôi tuyệt vọng”, mà cũng không chấp nhận giải pháp “bạo động nóng nảy quá khích” của một số người là nạn nhân của tình trạng kỳ thị tệ hại này (victimhood). Thái độ tích cực đó đã khiến cho Condi được nhiều người mến phục và trọng nể.

3 – Riêng trong ngành ngọai giao của nước Mỹ, thì từ hai chục năm nay các vị Ngọai trưởng đều là những vị xuất thân từ nguồn gốc di dân, thiểu số da màu và nhất là phụ nữ. Đó là những Madeleine Albright (phụ nữ gốc di dân từ Tiệp khắc), Coli Powell (gốc da đen từ Jamaica), Condoleezza Rice (phụ nữ gốc da đen) và hiện nay là Hillary Clinton (phụ nữ). Các vị Ngọai trưởng này đều đã có những đóng góp tuyệt vời trong việc nâng cao uy tín của nước Mỹ trên trường quốc tế vậy.

Vắn tắt lại, cuốn Hồi ký Gia đình này của Condoleezza Rice quả thật là một tác phẩm rất có giá trị vì chân thực, gọn gàng và lôi cuốn. Người viết xin trân trọng giới thiệu cuốn sách thật quý báu với quý bạn đọc./

Costa Mesa California, Mùa Trung Thu Nhâm Thìn 2012

Đoàn Thanh Liêm

Đại Sứ Phạm Duy Khiêm với chuyện Thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế

Đại Sứ Phạm Duy Khiêm

với chuyện Thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế

Đoàn Thanh Liêm

Tôi chưa bao giờ được gặp nhà giáo nhà văn Phạm Duy Khiêm (1908 – 1974), mà sau này vào năm 1954 – 55 ông đã làm Đại sứ của Việt nam tại Pháp. Từ lâu, tôi được nghe đến danh tiếng ông Khiêm là người Việt nam đầu tiên có văn bằng Thạc sĩ chuyên về bộ môn Văn phạm tiếng Pháp, mà có người gọi là “Trạng Mẹo” ( Mẹo = Văn phạm). Ông nổi tiếng là người có tài viết văn bằng tiếng Pháp rất trôi chảy và ông chỉ cộng tác với học giả Trần Trọng Kim trong việc biên sọan cuốn Văn phạm Việt nam – đó là cuốn sách duy nhất ông viết bằng tiếng Việt.

Hồi còn theo học ở bậc trung học tại Hanoi trước năm 1954, thì tôi có được đọc cuốn “Légendes des Terres Sereines” (Những Truyền thuyết từ Miền Đất Thanh Bình) của ông Khiêm viết từ năm 1941 và mới được tái bản ở Pháp vào năm 1951 – 52. Sách kể lại các chuyện cổ tích như Trầu cau, Thiếu phụ Nam Xương, Trương Chi & Mỵ Nương v.v… bằng một giọng văn mạch lạc, đơn sơ trong sáng – thật dễ hiểu và lôi cuốn cho lớp học sinh chúng tôi thời đó. So sánh với hai tác giả người Việt cũng viết bằng tiếng Pháp hồi trước năm 1945 là quý ông Nguyễn Mạnh Tường và Nguyễn Tiến Lãng, thì lối viết của ông Khiêm hấp dẫn đối với chúng tôi hơn nhiều.

Vào cuối năm 1974, tại Saigon chúng tôi được nghe là Thạc sĩ Phạm Duy Khiêm đã tự sát và từ giã cõi đời ở bên Pháp. Báo chí hồi đó có đưa ra nhiều chi tiết về sự việc xung quanh biến cố này, nhưng lâu ngày rồi tôi cũng không còn nhớ rõ về câu chuyện đó nữa. Vào năm 2004, nhân dịp kỷ niệm năm thứ 30 kể từ ngày ông qua đời, tạp chí Thế kỷ XXI ở California có cho đăng một số bài do nhiều tác giả viết về nhà văn Phạm Duy Khiêm, trong đó có cả bài của nhạc sĩ Phạm Duy là bào đệ của ông. Và qua internet, ta cũng có thể đọc được nhiều bài viết về ông nữa.

Nhưng tôi đặc biệt chú ý đến chứng từ của giáo sư Raymond Aron (1905 – 1983) là một vị đại sư nổi danh ở Pháp viết trong cuốn Hồi ký nguyên tác bằng tiếng Pháp với nhan đề là : “ Mémoires : 50 ans de Réflexion Politique” xuất bản năm 1983  và bản dịch sang Anh ngữ với lời nói đầu của Henry Kissinger được xuất bản năm 1990 tại Mỹ. Hiện trong tay tôi, thì chỉ có bản dịch Anh ngữ này. Vì thế, tôi xin trình ra đây phóng ảnh của trang bìa và của một đọan trong trang 392 của bản tiếng Anh này với nhan đề như sau :

* Raymond Aron : Memoirs – Fifty Years of Political Reflection *

do nhà xuất bản Holmes & Meier ấn hành năm 1990 tại New York & London.

Giáo sư Aron viết trong đọan văn nói trên như sau : “ Thật ra, cuộc tấn công dịp Tết (Mậu Thân) là một sự thất bại về phía Việt cộng. Chẳng có nơi nào mà dân chúng lại hưởng ứng đi theo “ những chiến sĩ tự do”  (Nowhere did the population join the “freedom fighters”). Những người chiến sĩ đó đã phạm vào những hành động không thể tha thứ được. Họ bắt buộc các nạn nhân phải đào những con hố mà họ đảy hàng trăm những viên chức và người có tên tuổi của kinh đô Huế để chôn vùi vào trong đó. Bạn của tôi, Phạm Duy Khiêm vốn là vị Đại sứ của miền Nam tại Paris vào năm 1954, thì có phổ biến thông qua thông tấn AFP vào ngày 13 tháng Tư năm 1968 một bản tường trình đày vẻ phẫn nộ (an indignant report) về cung cách đối xử của Việt cộng trong những vùng mà họ kiểm sóat được trong một số ngày.”Những vị trí thức đó đã không hề ngó ngàng gì đến số phận của những viên chức bình thường, những nhân viên vô tội của chính quyền và gia đình của họ, những quân nhân đang nghỉ phép, những linh mục công giáo người Pháp, những giáo sư người Đức cùng với vợ của họ đều bị chôn sống (vào khỏang 300 người), hay bị giết sau khi bị cắt chân tay và bị tra tấn đủ kiểu ( vào khỏang 700 người), đôi khi còn bị trói chung với nhau bằng giây kẽm gai nữa.” Bản tường trình này đã bị rơi vào sự dửng dưng và quên lãng…”

(Ghi chú : Lúc đó thì tại Stockholm thủ đô của Thụy Điển đang có một thứ Tòa án có tên là Bertrand Russell Tribunal để tố cáo “tội ác của Mỹ trong chiến tranh Việt nam “. Và phong trào phản chiến đang rầm rộ sôi nổi ở Mỹ cũng như ở Tây Âu nữa. Nên Đại sứ Khiêm mới phải đề cập đến  “những nhà trí thức đó” với một sự phẫn nộ.)

Nếu ta để ý đến sự kiện là chỉ vào cuối tháng Hai năm 1968, thì quân đội Việt cộng mới bị đánh bật ra khỏi cố đô Huế và chỉ sau đó ít lâu thì các thông tin về cuộc Thảm sát kinh hòang hồi Tết Mậu thân mới được đưa ra một cách rõ ràng chính xác. Và như giáo sư Aron thuật lại ở trên là vào ngày 13 tháng Tư năm 1968, ông Khiêm lúc đó chỉ là một công dân bình thường –  nhưng vì ý thức được trách nhiệm của một vị thức giả mà ông đã phải công bố ngay tức khắc cho thế giới biết đến vụ tàn sát kinh hòang ở Huế lúc đó.

Sự kiện rõ rệt này tôi chưa thấy có tài liệu nào của người Việt nói đến. Vì thế, tôi xin trích thuật ra đây để trước hết góp phần bổ túc cho “Hồ sơ Thảm sát tại Huế hồi Tết Mậu Thân 1968” có thêm được một chi tiết khả tín nữa. Và sau là để tỏ lòng biết ơn đối với Đại sứ Phạm Duy Khiêm vì sự đóng góp quý giá của ông trong việc lưu ý cho công luận thế giới biết rõ hơn về cái tội ác tầy trời đó của người cộng sản đối với người dân vô tội ở Huế thời đó.

Tôi hy vọng sẽ có nhà nghiên cứu sưu tầm được tòan văn “Bản Tường Trình công bố vào ngày 13 tháng Tư năm 1968 của Đại sứ Khiêm được gửi qua thông tấn AFP của Pháp” như giáo sư Raymond Aron đã trích thuật lại trong cuốn Hồi ký của mình.

Quả thật, trong giới trí thức của chúng ta lúc nào cũng vẫn có những con người có lòng thương cảm và sự ngay thẳng để tố cáo những sự tàn bạo độc ác xảy ra đối với các nạn nhận vô tội là đồng bào ruột thịt của mình – như trường hợp của Đại sứ Phạm Duy Khiêm được ghi lại trong bài này vậy/.

San Clemente California, Mùa Trung Thu Nhâm Thìn 2012

Đoàn Thanh Liêm

Giới thiệu sách mới (18) : Hành trình của người trí thức dấn thân nhập cuộc

Giới  thiệu  sách  mới (18) :

Hành  trình  của  người  trí  thức  dấn  thân  nhập  cuộc

Bài của Đoàn Thanh Liêm

*     *     *

Nguyên tác bản tiếng Anh   :  Thinking the Twentieth Century.

by :   Tony Judt with  Timothy   Snyder (xin lưu ý : Chữ Tony Judt do tác giả Timothy Snyder cố ý ghi bằng chữ lớn hơn hẳn chữ Timothy Snyder là tên của mình – cốt ý đề cao vai trò chính yếu của Tony trong cuốn sách)

Nhà xuất bản The Penguin Press, New York ấn hành năm 2012

Sách dày trên 400 trang với bìa cừng.

www. Penguin.com

*     *     *

Tony Judt (1948 – 2010) sinh trưởng tại London Anh quốc, là một giáo sư về môn lịch sử và chính trị tại nhiều Đại học danh tiếng ở Âu châu và ở Mỹ. Ông cũng là tác giả hay biên tập của 14 cuốn sách, trong đó có cuốn “Postwar : A History of Europe Since 1945” xuất bản năm 2005 là được giới thức giả quốc tế chú ý và đánh giá cao. Ông còn đóng góp nhiều bài vở cho các tạp chí nổi tiếng như The New York Review of Books, The Times Literary Supplement, The New Republic… Do bị bệnh liệt não (bệnh Lou Gehrig), ông đã sớm từ giã cõi đời tại New York vào năm 2010 lúc mới ở vào tuổi 62.

Nhận thấy bậc đàn anh lâm bệnh ngặt nghèo, nên Timothy Snyder – cũng là một giáo sư trẻ tuổi người Mỹ về môn lịch sử – trong các năm 2009 – 2010 đã đến tư gia của Tony Judt tại New York để trao đổi thảo luận trong nhiều buổi nói chuyện thân mật tay đôi với ông. Và qua việc khai thác các băng ghi âm từ những cuộc đối thọai đó, Timothy đã hòan thành được cuốn sách có nhan đề thật bao quát là : “Thinking the Twentieth Century” –  sách này vừa mới cho ra mắt công chúng trong năm 2012. Có thể nói đây vừa là cuốn sách tự truyện của Tony Judt, vừa là một nhận định tổng hợp về sự dấn thân nhập cuộc của giới trí thức tại Âu châu suốt trong thế kỷ XX.

Để thuận tiện cho độc giả theo dõi câu chuyện đối đáp giữa hai vị chuyên gia về sử học tại Âu châu trong thế kỷ XX, người viết xin lần lượt trình bày về tiểu sử các tác giả trước khi đề cập đến những mục đáng chú ý nhất trong cuốn sách.

I – Tiểu sử các tác giả.

1 – Tony Judt (1948 – 2010)

Xuất thân từ một gia đình có cả cha mẹ đều là di dân người Do Thái gốc gác từ Đông Âu, nên Tony Judt dễ có điều kiện tìm hiểu về những biến chuyển lớn lao tại miền đất xưa kia là quê hương của dòng họ bên nội cũng như bên ngọai của mình. Tony được học ở trường Đại học nổi danh bậc nhất của Anh quốc, đó là trường Cambridge – rồi lại còn được học thêm ở Trường Cao Đẳng Sư Phạm ở Paris (École Normale Supérieure) là cái nôi sản sinh ra những tinh hoa của nước Pháp. Ông thông thạo nhiều ngọai ngữ như tiếng Pháp, Đức,Tiệp khắc… và được coi là một chuyên gia có thẩm quyền về Lịch sử Giới Trí thức của Pháp thời hiện đại.

Luận văn để thi bằng Tiến sĩ của ông tại Cambridge được xuất bản thành cuốn sách trước tiên bằng tiếng Pháp vào năm 1976  – với nhan đề là “La Reconstruction du Parti Socialiste 1921 – 1926” (Sự Tái Xây dựng Đảng Xã hội (Pháp) 1921 – 1926).

Ông đã giảng dậy nhiều năm về Lịch sử và Chính trị tại các Đại học danh tiếng như Cambridge, Oxford và Berkeley và làm Giám đốc Sáng lập của Viện Erich Maria Remarque tại Đại học New York, Viện này chuyên chú vào công cuộc Trao đổi và Đối thọai giữa Âu châu và Mỹ châu.

Tony Judt cũng là tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng, điển hình như :” Past Imperfect : French Intellectuals, 1944 – 1956” (xuất bản năm 1992), “Marxism and the French Left : Studies on Labor and Politics in France 1930 – 1982” (xb 1990), “The Burden of Responsibility : Blum, Camus, Aron and the French Twentieth Century (xb 1998)”, “A Grand Illusion? : An Essay on Europe” (xb 1996). Và đặc biệt cuốn “Postwar : A History of Europe Since 1945” (xb 2005), thì được tạp chí New York Times Book Review xếp lọai là “một trong 10 cuốn sách hay nhất trong năm 2005”.

Ở vào tuổi 16 – 20, Tony đã nhiều lần về Do Thái để tham gia xây dựng kibbutz ở nông thôn và làm cả việc phiên dịch cho các đòan thiện nguyện viên trong cuộc chiến tranh 7 ngày năm 1967. Nhưng sau đó, Tony đã có lập trường khác biệt với chính quyền Do Thái và trở về đi học lại để hòan tất học trình thi Tiến sĩ và bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu và giảng dậy chuyên môn về lịch sử và chính trị cho đến khi lìa đời vào tháng 8 năm 2010 tại New York.

Năm 2003, Tony Judt đưa ra chủ trương “Một quốc gia – hai dân tộc” (A bi-national State) như là giải pháp cho cuộc tranh chấp Do Thái & Palestine – thì gặp phải sự phản ứng gay gắt trong công luận – khiến cho một vài tạp chí phải từ chối sự cộng tác của ông.

Về đời tư của gia đình, thì Tony Judt có hai người vợ trước đều đã ly dị. Sau cùng, ông sống đến cuối đời với bà vợ thứ ba tên là Jennifer Homans và có hai người con trai với bà này được đặt tên là Daniel và Nicolas.

2 – Timothy Snyder (sinh năm 1969)

Sinh trưởng tại Mỹ, Timothy Snyder theo học tại Đại học Brown ở Mỹ và tốt nghiệp văn bằng Tiến sĩ từ Đại học Oxford Anh quốc. Ông còn tham gia nghiên cứu tại Paris, Warsaw, Vienna và Đại học Harvard. Ông chuyên giảng dậy tại Đại học Yale về môn Lịch sử chính trị của Đông Âu hiện đại.

Ông cũng là tác giả của 5 cuốn sách đều được giải thưởng – trong đó cuốn sách nhan đề “Bloodlands : Europe between Hitler and Stalin” (Miền Đất Đẫm Máu) đã trở thành sách bán chạy nhất tại 4 quốc gia và được 10 nhà xuất bản xếp vào lọai sách hay nhất trong năm.

Timothy Snyder là người thông thạo rất nhiều ngôn ngữ Đông Âu, cụ thể như tiếng Nga, Ba Lan, Ukraine, Belorussian, Tiệp khắc và cả tiếng Yiddish của người Do Thái ở Đức và Trung Âu – đó là chưa kể tiếng Pháp và Đức. Sách của ông đã được dịch ra đến 20 ngôn ngữ khác. Chính Tony Judt đã xác nhận trong Lời cuối sách rằng :  Với sự thông suốt về lịch sử và văn hóa Đông Âu, thì Timothy Snyder là phần bổ túc thật quý báu cho mình, mặc dầu Timothy trẻ hơn 21 tuổi so với Tony.

Tuy vậy, do sự khiêm tốn, trong cuốn sách này Timothy Snyder đã lọai bỏ bớt đi phần nói về tiểu sử của bản thân mình – cốt ý để cho Tony Judt đóng vai trò chính yếu trong việc hòan thành cuốn sách. Độc giả có thể nhận ra chi tiết đó ngay trên trang bìa sách, thì chữ Tony Judt cũng lớn hơn hẳn chữ Timothy Snyder – ông này tự coi như mình chỉ là ‘một tác giả phụ” của cuốn sách mà thôi.

II – Mấy nét chính yếu của tác phẩm.

1 – Có thể xếp lọai cuốn sách này là Lịch sử Tư tưởng Chính trị và giới Trí thức trong sinh họat chính trị của thế kỷ XX ở Âu châu – đó là một lãnh vực mà cả hai tác giả đều đã dày công nghiên cứu trong nhiều năm. Vì thế mà có ấn bản lại ghi thêm một nhan đề phụ nữa là : “ Giới Trí thức và Chính trị” (Intellectuals and Politics) để bạn đọc chú ý hơn đến nội dung của sách. Phần Tự thuật của riêng Tony Judt có tác dụng minh họa cho những nghiên cứu cũng như về sự gặp gỡ trao đổi của ông với nhiều vị thức giả có tên tuổi trong giới học thuật đặc biệt xuất thân từ Đông Âu.

Cuốn sách được thành hình qua nhiều cuộc trao đổi đối thọai giữa hai vị giáo sư chuyên về môn lịch sử ở Âu châu thời cận đại – nên có tính chất linh họat của lối văn nói hơn là văn viết.

2 – Về mặt bố cục, sách được chia thành 9 chương với Lời Nói đầu của Timothy Snyder và Lời Nói cuối của Tony Judt do ông này viết tại New York vào ngày 5 tháng Bảy năm 2010 – chỉ mấy tuần trước ngày ông từ giã cõi đời vào tháng 8 năm 2010. Mỗi chương đều có nhan đề riêng biệt, điển hình như sau :

ñ  Chương 3 : Familial Socialism : Political Marxist

ñ  Chương 5 : Paris, California : French Intellectual.

ñ  Chương 6 : Generation of Understanding : East European Liberal

ñ  Chương 7 : Unities and Fragments : European Historian

ñ  Chương 9 : The Banality of Good : Social Democrat.

Phần cuối sách còn có 6 trang kê khai rất nhiều tác phẩm được hai tác giả đề cập thảo luận tới trong các cuộc đối thọai. Cuốn sách thật hấp dẫn lôi cuốn đối với người đọc – vì trong nội dung mỗi đề tài thảo luận giữa hai tác giả, thì đều ghi xen lẫn cả nhiều chi tiết về quá trình sinh sống, gặp gỡ quen biết với các chuyên gia đày tài năng khác và cả sự miệt mài say sưa trong công việc nghiên cứu không biết mệt mỏi – đó là tính chất đặc trưng của Tony Judt.

3 – Vì chủ đề của những cuộc trao đổi thảo luận quá rộng rãi – bao quát nhiều khía cạnh của lịch sử tư tưởng và sinh họat chính trị tại Âu châu suốt trong thế kỷ XX, nên việc tóm lược cho thỏa đáng về những điểm cốt lõi của cuốn sách là một công việc hết sức khó khăn – nhất là lại phải gói gọn trong một bài giới thiệu không thể kéo dài quá 3,000 chữ như thường lệ. Do vậy, tôi chỉ xin nêu ra vài ba khía cạnh đặc trưng đáng chú ý nhất trong tác phẩm – đặc biệt đối với số người Việt vốn từng quen theo dõi tình hình sinh họat chính trị tại nước Pháp. Đó là nội dung được trình bày trong phần III sau đây.

III – Những khía cạnh đáng chú ý nhất trong cuốn sách.

1 – Cách tiếp cận của người vừa ở trong cuộc, vừa ở ngòai cuộc.  (Insiders/Outsiders Approach)

Như tác giả Timothy Snyder đã ghi trong Lời nói đầu, Tony Judt vừa là người trong cuộc, vì ông dấn thân họat động cụ thể trong một số lãnh vực như một người trí thức nhập cuộc (intellectuel engagé) – mà ông cũng còn là người ngọai cuộc, vì ông chủ trương theo đuổi cái viễn kiến rộng rãi hơn, thông thóang hơn của một nhà nghiên cứu lịch sử vốn đòi hỏi một tinh thần bao quát khách quan hơn. Điều này khác biệt với phong cách của một nhà viết tiểu luận (essayist) vì ông này cần bày tỏ lập trường nhận định của mình với sự xác tín và nhiệt huyết của cá nhân mình trong bài viết – mà không bó buộc phải cân nhắc đắn đo với những đối chiếu thận trong của một nhà viết sử.

Cụ thể là Tony lúc ở tuổi 16 – 20, thì đã từng về bên nước Do Thái để tham gia xây dựng tại các kibbutz. Nhưng sau này Tony lại có ý kiến khác hẳn với chủ trương của nhà đương quyền ở xứ này. Cũng vậy, Tony theo truyền thống Marxist trong gia đình, nhưng khi trưởng thành chín chắn, thì lại theo đường hướng Xã hội Dân chủ mà ông coi là nhân bản tốt đẹp hơn hẳn chế độ tàn bạo sắt máu trong hệ thống cộng sản do Liên Xô đứng đầu. Và nhờ tiếp cận thân thiết với giới trí thức lưu vong từ Đông Âu sau năm 1968, mà Tony có cơ hội thấu hiểu cặn kẽ hơn về cái bối cảnh tòan diện chính trị xã hội và văn hóa của cả hai phía Đông Âu và Tây Âu – điều mà ít có người thức giả thực hiện được.

2 – Nhận định phê phán về Giới Trí thức của nước Pháp.

Là một nhà nghiên cứu lâu năm về tình hình chính trị cận đại của nước Pháp, Tony Judt đã trình bày những nhận xét hết sức rõ rệt sắc nét về giới Trí thức của Pháp trong thế kỷ XX. Tony thẳng thừng phê phán những trí thức thiên tả hàng đầu của Pháp như Jean – Paul Sartre, Maurice Merleau-Ponty, Simone de Beauvoir … là những người cố chấp, thiên vị đến độ mù lòa (blindfully) đồng lõa với chủ trương tàn ác của Staline. Họ coi cách mạng ở Nga năm 1917 là sự tiếp nối của cách mạng Pháp năm 1789. Tony coi họ có tinh thần điạ phương cục bộ, khư khư bám víu vào cái hư danh của truyền thống cũ kỹ cổ xưa của mình (parochial). (Xin đọc chi tiết nơi cuốn “Past Imperfect : French Intellectuals, 1944 – 1956 – xuất bản năm 1992)

Trái lại, Tony Judt lại đề cao những trí thức như Léon Blum, Albert Camus và Raymond Aron là những người đã có sự dũng cảm đi ngược lại cái khuynh hướng thiên tả cố chấp của đa số trí thức đương thời – để nói lên sự cảnh báo trước nguy cơ bành trướng của khối cộng sản Liên Xô kể từ sau năm 1945. Ông đã viết cả một cuốn sách nhỏ xuất bản năm 1998 dưới nhan đề là “The Burden of Responsibility…” đề cập chi tiết hơn về ba nhân vật này.

Trong cuộc đàm đạo với Timothy, thì Tony còn thuật lại vào tháng 2 năm 1948, cựu lãnh đạo Mặt trận Bình Dân ở Pháp năm 1936 (Front Populaire) là chính Léon Blum đã phải viết trong bài xã luận của tờ báo Le Populaire của Đảng Xã hội rằng : Ông nhận sự sai lầm của mình khi tin rằng phe Xã hội có thể hợp tác với phe Cộng sản” (trang 214) .

3 –  Về chính sách kinh tế, Tony Judt bênh vực John Maynard Keynes.

Giữa hai quan điểm đối nghịch của John Maynard Keynes là kinh tế gia người Anh giữa thế kỷ XX và của Friedrick Hayek người gốc Áo quốc gần đây, thì Tony Judt có vẻ thiên về tác giả Keynes là người cổ võ cho chính sáchTòan dụng trong nền Kinh tế Vĩ mô (Full Employment in Macro-economics) – mà ông coi là bổ túc cho khuynh hướng của chủ trương kế họach hóa do Sir William Beveridge đề xuất ở nước Anh. Tony biện minh rằng chủ trương của Keynes có tính cách mềm dẻo linh động, chứ không có sự khe khắt khắc nghiệt làm tê liệt sáng kiến của giới doanh nhân –  như Hayek đã nặng nề phê phán, đặc biệt trong tác phẩm nổi danh “The Road to Serfdom” của ông (Con Đường dẫn đến Sự Nô dịch).

Tony coi trọng thành quả của Tây Âu là đã xây dựng vững chắc được các định chế dân chủ và đặt nền móng sâu rộng cho một số quốc gia có nền phúc lợi xã hội khả quan (The Social Welfare State). Đặc biệt là sự thành công của chế độ Dân chủ Xã hội tại các quốc gia ở Bắc Âu châu (Social Democracy).

IV – Để tóm lược lại.

1 – Tuy chủ đề của cuốn sách quá rộng lớn bao quát, nhưng vì nội dung của các buổi thảo luận được trình bày xen kẽ với nhiều chi tiết sinh động về tiểu sử có tính cách tự thuật của Tony Judt, nên người đọc dễ theo dõi câu chuyện với sự thích thú kỳ diệu mà lại nhẹ nhàng. Cả hai tác giả đều là những nhà giáo – nhà nghiên cứu uyên bác và đã từng có những tác phẩm được đánh giá cao trong học giới cũng như trong công chúng độc giả. Vì thế, sự trình bày của họ trong cuốn sách thì rất là phong phú khúc chiết – nó giúp chúng ta có được một cái nhìn tổng hợp về tư tưởng và hành động của giới trì thức tiêu biểu tại Âu châu trong thế kỷ XX. Có thể nói các tác giả đã cung cấp cho người đọc một thứ lộ đồ (a road map) để khám phá cái không gian tư tưởng cực kỳ bao la đa dạng và phức tạp của thế kỷ XX.

2 – Đúng như nhan đề của bài viết, cuốn sách này là một thứ tự thuật của Tony Judt về quá trình nhập cuộc của bản thân mình trong sự tìm kiếm một giải pháp thỏa đáng cho xã hội đương thời. Mà đồng thời cũng trình bày những nét chính yếu về vai trò của tòan thể giới trí thức ở Âu châu trong sinh họat chính trị văn hóa suốt thế kỷ XX. Các tác giả đã bày tỏ sự lạc quan và xác tín của mình trước viễn tượng của một nền Dân chủ Xã hội mà các thế hệ trẻ của thế kỷ XXI có thể xây dựng được – sau khi rút kinh nghiệm từ những thất bại của các thế hệ đàn anh của thế kỷ XX.

*     *  Người viết xin hân hạnh được giới thiệu với quý bạn đọc cuốn sách rất hấp dẫn lôi cuốn và cũng thật có giá trị vững chắc này vậy./

Costa Mesa California, Tháng 12 năm 2012

Đoàn Thanh Liêm

II Giáo Dục Giải Phóng Con Người : Nội dung & Ảnh hưởng(bài 2)

II Giáo Dục Giải Phóng Con Người : Nội dung & Ảnh hưởng(bài 2)

Đoàn Thanh Liêm

Trước khi đề cập đến nội dung của chủ trương “Giáo dục Giải phóng Con người” của Paulo Freire, người viết xin được kể sơ lược về cái duyên hạnh ngộ với nhà tư tưởng nổi danh này, xuất thân từ xứ Brazil là quốc gia đông dân nhất của Châu Mỹ La Tinh. Đó là vào cuối năm 1970, trong dịp tham dự một hội nghị quốc tế tại Paris, nhằm thành lập Institut Oecuménique au service du Développement des Peuples ( INODEP = Viện Đại kết Phát triển các Dân tộc), tôi đã được gặp đích thân Paulo Freire là một thuyết trình viên chính của Hội nghị, mà ông cũng còn được bàu là vị chủ tịch của INODEP nữa. Người tầm thước với bộ râu tóc dài đã điểm muối tiêu của người đã bước vào tuổi ngũ tuần, Paulo Freire có lối nói thật say mê sôi nổi, lôi cuốn như là một thi sĩ, mà lại diễn giải quan điểm lý luận của mình với niềm xác tín sâu sắc của một triết gia. Cử tọa gồm nhiều nhân vật đại diện từ khắp năm châu đều chăm chú theo dõi bài nói chuyện quan trọng, mà đày nhiệt tình của ông. Rồi qua năm 1972, lúc tôi đến Geneva để trao đổi gặp gỡ với một số vị tại văn phòng trung ương của Hội Đồng Tôn Giáo Thế Giới (WCC World Council of Churches), thì tôi cũng gặp lại Paulo Freire đang phụ trách về vấn đề giáo dục của tổ chức này.

Mùa hè năm 1971, vào dịp đến tham dự một cuộc hội thảo khác nữa tại Mindanao Philippines, thì tôi thấy sinh viên ở đây chuyền tay bán cho nhau cuốn sách “The Pedagogy of the Oppressed”, ấn bản địa phương đơn giản, chỉ có ruột sách, chứ không có bìa riêng theo kiểu tự làm lấy, cho nên giá rất rẻ, có 2 US$ một cuốn thôi. Và dĩ nhiên là tôi cũng đã mua vài cuốn để đem về cho các bạn ở Việt nam. Chuyện nhỏ này lại càng khiến tôi chăm chú theo dõi tư tưởng và đường lối giáo dục của Paulo Freire suốt từ hồi năm 1970 cho đến nay.

A – Nét chính yếu của tư tưởng và hành động của Paulo Freire.

Có thể nói Paulo Freire luôn nhất quán về cả phần lý thuyết, cũng như thực hành trong đường lối Giáo dục, nhằm giúp khối quần chúng bị áp bức tìm ra cho mình một phương cách cụ thể, hữu hiệu để tự giải thóat khỏi thân phận của người bị áp bức, bị tha hóa do các điều kiện khách quan của môi trường xã hội, cũng như chủ quan nội tại của bản thân mình. Quan điểm của ông có tính chất triệt để, dứt khóat là : Xã hội đương thời ở châu Mỹ La tinh, cũng như ở nhiều nơi khác đều do bao nhiêu bất công, áp bức bóc lột tạo ra nỗi lầm than cơ cực triền miên cho đa số quần chúng nhân dân. Và không khi nào mà giới thống trị lại chịu tự nguyện đứng ra chủ động việc cải thiện các định chế xã hội vốn bảo vệ các đặc quyền đăc lợi cho riêng họ.

Như vậy, chỉ khi nào chính cái đại khối quần chúng là nạn nhân của sự áp bức thống trị tệ hại đó, mà nhất quyết dấn thân vào công cuộc giải phóng kiên trì để tự cứu thóat lấy mình, thì xã hội mới có cơ may được xây dựng tốt đẹp, và con người mới phục hồi được nhân phẩm cao quý cho từng cá nhân được. Nói khác đi, chỉ khi nào chính quần chúng nhân dân mà được thức tỉnh giác ngộ về vai trò làm chủ nhân đích thực của xã hội, và cùng đồng lòng lăn xả vào cuộc tranh đấu giải phóng đó, thì họ mới có được một tương lai tươi sáng viên mãn, như từng mơ ước từ bao nhiêu thế hệ xưa nay.

Với niềm xác tín như thế, Paulo Freire đã nhập cuộc với xã hội quê hương mình, bằng cách phát triển phương thức giáo dục tráng niên, thúc bách cho các học viên cần phải có sự suy nghĩ với thái độ phê phán (critical thinking = conscientization) về hiện trạng xã hội, mà họ là nạn nhân của bao nhiêu áp bức bất công. Và rồi từ đó, chính họ sẽ ra tay hành động, nhằm biến đổi xã hội hủ lậu đó đi (transformative action). Do lối suy nghĩ và hành động cụ thể, cấp tiến như vây, mà ông đã bị phe quân nhân cầm quyền ở Brazil bắt giữ, rồi trục xuất đi ra khỏi nước vào năm 1964.

Trong thời gian sống lưu vong, ông có dịp đúc kết các suy nghĩ và hoạt động của mình, để rồi trình bày trong 2 cuốn sách xuất bản hồi cuối thập niên 1960, và được nhiều người đánh giá rất cao. Đó là cuốn sách đầu tiên có nhan đề  “ Education, the Practice of Freedom”, và đặc biệt là cuốn “The Pedagogy of the Oppressed”. Ta sẽ phân tích chi tiết rành mạch hơn về tác phẩm quan trọng này trong một đoạn sau. Và ông đã kiên trì tiếp tục tìm kiếm trong suốt cuộc đời còn lại, nhất là kể từ ngày được trở về lại quê hương vào năm 1980, để khai triển cho thêm phong phú hơn nữa cái chủ trương giáo dục có tính cách khai phóng và nhân bản cao độ này.

Tác giả Henry A Giroux nhận định về Freire rằng : “ Thực ra, ông là người đã kết hợp được điều mà tôi gọi là cả hai thứ ngôn ngữ phê phán với thứ ngôn ngữ khả thể” (In effect, Freire has combined what I call the language of critique with the language of possibility).

B – Giới thiệu tác phẩm “ Giáo dục của Người bị Áp bức”.

Trong cuốn sách 160 trang ngắn gọn, xúc tích với chỉ có 4 chương này, Paulo đã phân tích khá rành mạch, dứt khoát về chủ trương kiên quyết không thỏa hiệp với nền thống trị đàn áp, vẫn ngự trị lâu đời trong xã hội đương thời, đặc biệt là tại châu Mỹ La tinh là quê hương bản quán của ông. Và sau khi cuốn sách ấn bản tiếng Anh ra đời vào năm 1970, tác giả lại còn có nhiều dịp trao đổi với các thức giả khắp thế giới, và từ đó ông đã hoàn chỉnh hơn quan điểm và lý luận của mình, như được trình bày trong nhiều cuốn sách và bài báo xuất bản vào thập niên 1980-1990 nữa. Ta có thể tóm gọn tư tưởng của ông trong mấy khía cạnh chính yếu sau đây :

1 / Giáo dục đại chúng cốt yếu là một cuộc đối thoại giữa” người dậy” và “người đi học” (a dialogue between the educator and the learner), trong đó phải có sự tương kính lẫn nhau giữa hai phía (mutual respect). Paulo Freire đặc biệt phê phán cái lối dậy học “nhồi nhét”, mà ông gọi là “banking concept”, tức là chỉ có người dậy chủ động chuyển mớ kiến thức vào đầu óc của học viên, y hệt như việc ký gửi các số tiền vào nơi chương mục tại ngân hàng (making deposits). Như vậy, thì người học viên hoàn toàn đóng vai trò “thụ động” của một đối tượng, chứ không hề được khuyến khích để chủ động phát huy óc sáng tạo và sự suy nghĩ có tính cách phê phán (critical thinking), để mà có thể tự mình khám phá ra hoàn cảnh bị áp bức của mình và rồi đưa đến một hành động thích đáng.

Thay vào đó, tác giả đề ra cái khái niệm “Giáo dục đặt vấn đề” (problem-posing concept of Education), trong đó cả hai phía người dậy và người học đều cùng hợp tác với nhau trong một quá trình hỗ tương (a mutual process), nhằm cùng nhau khám phá thế giới, và chung với nhau cố gắng vươn tới một mức độ nhân bản viên mãn hơn (their attempt to be more fully human).

2 / Cuộc đối thoại này không phải chỉ nhằm đào sâu sự hiểu biết, mà còn là một phần làm thay đổi nơi thế giới. Tự bản thân, sự đối thoại là một loại hoạt động có tính hợp tác bao gồm sự tôn kính (a co-operative activity involving respect). Quá trình này quan trọng, vì nó giúp tăng thêm sức mạnh cho cộng đồng và đồng thời lại xây dựng nên nguồn vốn xã hội  (enhancing community and building social capital), mà lại đưa dẫn chúng ta đến hành động cho công lý và phát triển nở rộ về phương diện nhân bản (human flourishing) nữa.

Cơ sở cụ thể cho hệ thống giáo dục căn cứ vào sự đối thoại này chính là nơi các“câu lạc bộ văn hóa” (culture circle), trong đó các học viên và người phối trí hợp cùng nhau bàn thảo về những” chủ đề khởi sinh” (generative themes), mà có ý nghĩa trong bối cảnh cuộc sống thực tiễn của người học viên. Các chủ đề này liên hệ tới thiên nhiên, văn hóa, công việc làm và các tương quan xã hội, thì đều được khám phá ra qua sự tìm kiếm chung nhau giữa nhà giáo dục với học viên. Rồi các chủ đề đó được sử dụng làm căn bản cho cuộc đối thoại trong phạm vi sinh họat nội bộ của câu lạc bộ. Từ đó, mà dần dần diễn ra quá trình cấu tạo được ý thức phê phán (critical consciousness) nơi các học viên tham gia, với tư cách là chủ thể của xã hội, mà chính họ đang cùng nhau ra sức xây dựng với quyết tâm của cả tập thể của mình.

3 / Tính chất độc đáo trong tư tưởng của Paulo Freire chính là việc ông đã khôn khéo tổng hợp đến độ nhuần nhuyễn được kinh nghiệm của những nhà tư tưởng tiền bối, và đem áp dụng vào đường lối giáo dục của ông. Điển hình là phép biện chứng của triết gia Hegel giữa “ông chủ và đày tớ”, thì đã được Freire áp dụng trong lối “giải thóat khỏi các hình thức độc đóan trong giáo dục”(liberation from authoritarian forms of education). Chủ thuyết hiện sinh của Jean Paul Sartre và của Martin Buber, triết gia Do Thái đã giúp Freire đưa ra khái niệm về “ sự tự biến đổi của người bị áp bức để tiến vào trong lãnh vực của tình trạng liên chủ thể tiến bộ” (the self-transformation of the oppressed into a space of radical intersubjectivity). Kể cả thuyết duy vật lịch sử của Karl Marx cũng ảnh hưởng tới quan niệm của Freire về lịch sử tính của các mối quan hệ xã hội (historicity of social relations).

Và chủ trương “Thần học giải phóng” cũng ảnh hưởng rõ rệt đến quan điểm của Freire, khi ông cho là “Tình yêu thương là điều kiện thiết yếu cho một nền giáo dục đích thực”. Rồi quan điểm cách mạng chống đế quốc của Ernest Che Guevara và Frantz Fanon, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Les Damnés de la Terre”, cũng ảnh hưởng đến sự phân tích của Freire về tình trạng trầm đọng (sedimentation) của tư tưởng của giới áp bức thống trị, mà vẫn còn hằn sâu nơi não trạng của chính bản thân lớp người nạn nhân bị áp bức. Và rồi từ đó, ông đã dấn thân hết mình vào công cuộc tranh đấu chống lại chế độ thực dân đế quốc ở khắp mọi nơi.

C – Ảnh hưởng của tư tưởng Paulo Freire trên thế giới.

Có thể nói Paulo Freire là mẫu “con người tri hành hợp nhất” theo lối nói của Vương Dương Minh là nhà tư tưởng nổi danh của Trung quốc ngày xưa. Ông không chỉ đơn thuần là một lý thuyết gia, mà còn là một con người dấn thân hoạt động hết mình cho lý tưởng giải phóng con người. Chủ trương Giáo dục của ông tuy rất cương quyết dứt khoát, triệt để tiến bộ, nhưng đày tính nhân bản ôn hòa, khác hẳn với khuynh hướng quá khích, bạo hành của lớp người cộng sản Marxist tại châu Mỹ La tinh, cụ thể như Che Guevara, Fidel Castro. Vì thế mà đại bộ phận quần chúng nhân dân tại khu vực quê hương ông, vốn theo Thiên chúa giáo, thì đã tiếp nhận tư tưởng của Freire một cách nồng nhiệt, phấn khởi.

Tại Phi châu cũng vậy, trong nhiều dịp đến làm việc tại châu lục này, nhất là tại mấy nước trước đây cũng là thuộc địa của Bồ Đào Nha, như Angola, Mozambique, Guinea Bissau, Paulo Freire đã được đón tiếp một cách rất thân tình trân trọng, bởi lẽ ông cùng chia sẻ cái thân phận của người dân đã từng phải sống dưới sự thống trị hà khắc của các chánh quyền thực dân đế quốc trước kia, cũng như của các chế độ độc tài bản xứ trong giai đoạn độc lập tự chủ hiện nay.

Tại Á châu, ông cũng được đón tiếp tại nhiều nơi như Ấn độ, Papua New Guinea, và có nhiều dịp trao đổi với các giới chức hoạt động trong lãnh vực giáo dục, cũng như hoạt động cộng đồng.

Đã có nhiều quốc gia thiết lập các Viện Nghiên cứu Paulo Freire (Paulo Freire Institute = PFI) nhằm cổ võ và quảng bá tư tưởng của ông về lãnh vực cải cách giáo dục tráng niên, cũng như thúc đảy công cuộc tranh đấu cho công bằng xã hội trên phạm vi toàn cầu. Điển hình như PFI tại Nam Phi, tại Tây Ban Nha, tại Phần Lan, tại đảo quốc Malta, và dĩ nhiên tại Brazil là quê hương của ông.

Riêng tại Mỹ, thì có FPI đặt tại đại học UCLA ở thành phố Los Angeles California. Viện nghiên cứu này được thiết lập năm 2002 và rất hoạt động với việc xây dựng những mạng lưới liên kết giới học giả, nhà giáo,  nhà họat động xã hội, nghệ sĩ và các thành viên của cộng đồng. Thông qua các cuộc gặp gỡ trao đổi thường xuyên, tất cả các thành viên và các thân hữu của Viện FPI đều dồn nỗ lực vào việc xây dựng công bằng xã hội, và sử dụng giáo dục như là một phương tiện để tạo sức mạnh cho khối quần chúng bị áp bức, bị khuất phục tại khắp nơi trên trái đất.

Ngòai ra, cũng còn phải kể đến các Diễn Đàn Paulo Freire (bi-annual PF Forums) được tổ chức mỗi năm 2 lần, nhằm mở rộng và nâng cao sự nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm của những thức giả vốn theo đuổi đường lối giáo dục tiến bộ do Paulo Freire đã dày công khai phá từ trên nửa thế kỷ nay.

D – Thay lời kết luận.

Có thể nói Paulo Freire là một con người tòan diện, vừa có trình độ suy tư lý luận rất thâm hậu, mà cũng vừa là con người dấn thân họat động suốt đời, không bao giờ mệt mỏi. Ông được quần chúng mến phục, không những do các tác phẩm sâu sắc về triết lý giáo dục, về phương pháp vận động khích lệ cho tầng lớp người bị áp bức bóc lột, mà còn vì cái nhân cách sáng ngời, cái tinh thần khiêm cung hòa ái, và nhất là vì tấm lòng tha thiết yêu mến tột cùng đối với nhân quần xã hội nữa.

Quả thật, Paulo Freire là một tiêu biểu rất xứng đáng, là niềm tự hào cho tầng lớp sĩ phu trí thức của xứ Brazil, cũng như của tòan thể châu Mỹ La tinh vậy./

California, Tiết Trung Thu Canh Dần 2010.

Đoàn Thanh Liêm

Paulo Freire và chủ trương “Giáo Dục Giải phóng Con người”

Paulo Freire và chủ trương “Giáo Dục Giải phóng Con người”

( Paulo Freire : 1921 – 1997)

Paulo Freire sinh năm 1921 tại Brazil. Ông học Luật và Triết học, nhưng lại dấn thân vào công cuộc giáo dục đặc biệt cho giới tráng niên, nhằm gây ý thức cho đại chúng phải mạnh dạn tự giải thoát  mình ra khỏi tình trạng áp bức nặng nề, tàn bạo của xã hội đương thời. Vì có tư tưởng và hành động cấp tiến như vậy, nên ông bị giới quân nhân cầm quyền bắt buộc phải sống lưu vong ở nước ngoài, từ năm 1964, mãi cho đến năm 1980, ông mới có thể trở về quê hương mình được.

Tại nước Chi lê, ông đã làm việc cho tổ chức văn hóa Unesco của Liên Hiệp Quốc, và Viện Cải cách Ruộng đất của chánh phủ Chi lê. Ông còn được mời tới làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu về Phát triển và Biến đổi xã hôi thuộc đại học Harvard ở Mỹ (Center for Studies in Development and Social Change). Rồi sau này làm giám đốc chương trình giáo dục của Hội đồng Tôn giáo thế giới (World Council of Churches) tại Geneva, Thụy sĩ.

Năm 1970, ấn bản tiếng Anh “The Pedagogy of the Oppressed” (Giáo dục của Người bị Áp bức) của Paulo Freire đã gây một tiếng vang lớn trong giới giáo dục và hoạt động xã hôi khắp thế giới. Sau trên 40 năm, thì đã có hàng triệu cuốn được phổ biến rộng rãi qua nhiều lần tái bản, và hàng mấy chục bản dịch ra các thứ tiếng khác nữa. Ông là người đã cổ võ cho ý niệm “ Conscientizacao’ nguyên văn tiếng Bồ đào nha, mà bây giờ đã trở thành thông dụng khắp thế giới với tiếng Anh là “Conscientisation” (= Consciousness Raising, Critical Conciousness). Ta có thể diễn tả ý niệm này là :  Sự thức tỉnh Ý thức và Suy nghĩ có tính cách phê phán.

Quả thật, chủ trương giáo dục có tính chất cách mạng triệt để của ông đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các phong trào giáo dục và xã hội cùng khắp thế giới. Và tư tưởng triết học của ông cũng ảnh hưởng đến nhiều ngành học thuật như thần học, xã hội học, nhân chủng học, sư phạm, ngữ học thực hành và nghiên cứu văn hóa (applied linguistics & cultural studies).

Có thể nói : Paulo Freire là một nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất về bộ môn giáo dục vào cuối thế kỷ XX ( the most influential thinker about education).

Bài viết này nhằm giới thiệu tư tưởng độc đáo và dứt khoát của ông. Đồng thời cũng lược qua về ảnh hưởng của tư tưởng này trong thế giới hiện đại, đặc biệt là tại các quốc gia vốn xưa kia là thuộc địa của thực dân Tây phương ở Châu Mỹ La tinh, Châu Phi và Châu Á. Để bạn đọc có thể dễ dàng theo dõi quá trình hình thành và phát triển tư tưởng của Paulo Freire, là một nhân vật tiêu biểu của trào lưu thức tỉnh và vận động xã hội tại Châu Mỹ La tinh là quê hương của ông, người viết xin được dàn trải việc trình bày trong 2 bài như sau :

Bài 1 / – Bối cảnh văn hóa xã hội của Châu Mỹ La tinh vào cuối thế kỷ XX.

Bài 2 / – Cốt lõi chủ trương “Giáo dục giải phóng” & Ảnh hưởng trong thế giới hiện đại.

I – Bối cảnh văn hóa xã hội của Châu Mỹ La tinh.

Châu Mỹ La tinh (Latin America) là khu vực nằm ở phía nam của nước Mỹ, mà xưa kia hầu hết đều là các lãnh thổ nằm dưới sự cai trị của hai nước Tây ban nha và Bồ đào nha. Hiện nay khu vực này có chừng 30 nước với tổng số dân là trên 560 triệu. Chỉ có Brazil với dân số trên 190 triệu là nói tiếng Bồ đào nha. Còn lại, thì tất cả đều nói tiếng Tây ban nha. Trừ một số rất nhỏ xưa kia là thuộc địa của Pháp, Anh, Hòa lan, thì vẫn còn nói tiếng như tại “mẫu quốc” cũ của họ.

Có tới 70% dân chúng trong khu vực theo đạo Thiên chúa giáo La mã (Roman Catholic). Và chừng 15% theo đạo Tin lành.

A – Tình trạng bất ổn trong thời kỳ chiến tranh lạnh.

Kể từ thập niên 1960 trở đi, khu vực này đã trải qua nhiều biến động về chính trị kinh tế, cũng như về mặt văn hóa xã hội thật sôi động, nhiều khi đưa đến những tranh chấp tàn bạo đẫm máu, do các chế độ độc tài thiên hữu, quân phiệt hay thiên tả gây ra. Nhiều cuộc đảo chính đã liên tục xảy ra, khiến cho xã hội luôn bất ổn định, và chế độ độc tài quân phiệt dễ có cơ hội được củng cố, và người dân bị dồn vào thế bị động, không thể hợp nhau góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển quốc gia được.

Lại nữa, vào giữa thời chiến tranh lạnh, nên phía Liên Xô đã tìm nhiều cách để gây ảnh hưởng của chủ thuyết cộng sản tại đây; điển hình là tại Cuba từ khi Fidel lên nắm chánh quyền năm 1959 và đã ngả hẳn về phía Liên Xô. Chúng ta hẳn đều còn nhớ việc Liên Xô cho đem thiết trí lọai hỏa tiễn tại Cuba nhằm hướng vào nước Mỹ, khiến xúyt gây nên cảnh chiến tranh giữa hai siêu cường Nga-Mỹ vào năm 1962, trước sự đối đầu nẩy lửa của hai lãnh tụ Kruschev và Kennedy.

Mà phía Mỹ, thì cũng tìm mọi cách can thiệp nhiều khi rất nặng tay tàn bạo, để bảo vệ toàn thể khu vực được gọi là“cái sân sau” (backyard) của riêng nước Mỹ; điển hình như có bàn tay của CIA trong việc lật đổ chế độ thiên tả của Tổng thống Salvador Allende tại Chi lê năm 1973. Rồi sau này vào thập niên 1980, thì phe Sandinista khuynh tả đã lên nắm được chánh quyền ở Nicaragua, với sự trợ giúp đắc lực của Cuba cộng sản cũng như của Liên Xô. Và chánh quyền Mỹ dười thời Tổng thống Reagan đã ra tay can thiệp mạnh bạo, để giúp phe đối lập Contras lập lại thế cờ tại đây. Đại khái đó là vài nét đại cương về ảnh hưởng của chiến tranh lạnh tại khu vực Châu Mỹ La tinh, từ hồi thập niên 1960 cho đến khi khối Liên Xô bị tan rã kể từ 1990.

B –  Sự nhập cuộc của Giáo hội công giáo La mã.

Về phía Thiên chúa giáo, thì do ảnh hưởng của tinh thần đổi mới của Công đồng Vatican 2, trong giới tu sĩ và giáo dân tại khu vực đã có sự chuyển biến rất mạnh mẽ trong sự nhận thức, cũng như trong hành động của Giáo hội công giáo. Điển hình như trường hợp của Tổng giám mục Helder Camara của Brazil; ông là người rát năng động trong việc phục vụ và tranh đấu cho khối đa số nghèo túng, đến nỗi bị chụp mủ là “vị giám mục đỏ” (the red bishop). Ông nói chua chát như sau : “Khi tôi cho người nghèo ăn, thì người ta gọi tôi là một ông thánh. Khi tôi hỏi tại sao người nghèo lại không có thực phẩm, thì người ta gọi tôi là một người cộng sản!” Giám mục Camara và cầu thủ Pele’ là hai người xứ Brazil mà được biết đến nhiều nhất trên thế giới.

Lại có trường hợp vị Giám mục cấp tiến Oscar Romero ở nước El Salvador, ông còn bị chánh quyền cho dùng tay chân ám sát, ngay giữa lúc ông  đang cử hành thánh lễ an táng cho bà mẹ của một người bạn vào năm 1980. Và đã có đến 250,000 người đến tham dự lễ an táng của vị mục tử kiên cường này, mà họ coi như là một vị thánh tử đạo (Martyr).

Cũng tại El Salvador, vào cuối năm 1980 đã xảy ra việc sát hại 4 nữ tu người Mỹ, do bàn tay của nhân viên công lực nhà nước. Sự kiện này đã gây sự phẫn nộ tột cùng của báo chí và công luận nước Mỹ, đến độ tạo thành áp lực buộc chánh phủ Mỹ phải có biện pháp răn đe mạnh mẽ đối với chánh quyền tàn bạo của El Salvador.

Cũng phải kể thêm về trường hợp của vị linh mục Camilo Torres ở nước Colombia, ông là một tu sĩ cấp tiến, được đào tạo tại đại học công giáo nổi tiếng Louvain bên nước Belgium ở Âu châu. Vì áp lực nặng nề từ phía chánh quyền Colombia, ông phải thóat ly theo hẳn phe du kích chống chánh phủ, và đã bị hạ sát vào năm 1966 trong một cuộc đụng độ với quân đội. Tên tuổi của Camilo Torres, cũng như của Che Guerava bị hạ sát năm 1967 tại Bolivia, thì đã trở thành một huyền thoại lôi cuốn giới trẻ trong toàn thể khu vực Châu Mỹ La tinh từ trên 40 năm nay.

Nhân tiện, cũng cần phải ghi lại cái thủ đọan cực kỳ độc ác là “làm mất tích” (disappearance), bằng cách thủ tiêu những người chống đối, mà cơ quan an ninh tại nhiều nước trong khu vực sử dụng, để đàn áp phong trào tranh đấu cho dân chủ tự do tại các nước này. Điển hình là tổ chức Các Bà Mẹ có con bị mất tích ở Argentina, đã liên tục trong nhiều năm tháng đến tụ hợp với nhau tại một quảng trường Plaza de Mayo trong thành phố thủ đô, để đòi hỏi chánh quyền phải cho công bố về các vụ mất tích này. Các tổ chức tranh đấu bảo vệ nhân quyền quốc tế như Hội Ân xá Quốc tế (Amnesty International) cũng đã thâu thập được khá nhiều chứng từ về các trường hợp “ người bị mất tích” (disappeared persons) tại nhiều quốc gia trong vùng, mà có nơi con số này lên tới nhiều ngàn người. Rõ ràng chế độ độc tài nào dù theo phe tả như cộng sản, hay theo phe hữu như chế độ quân phiệt, thì cũng đều tàn bạo độc ác như thế cả.

C – Nền Thần học Giải phóng.

Châu Mỹ La tinh này lại còn là nơi phát sinh một trào lưu tư tưởng đặc biệt sôi nổi sinh động, đó là nền “Thần học giải phóng”          ( Liberation Theology). Đó là cả một phong trào của các giáo sĩ và giáo dân phản ứng không khoan nhượng trước thực trạng xã hội đày rẫy bất công áp bức, bóc lột trong xã hội các quốc gia trong khu vực. Họ lục tìm trong Kinh thánh và trong Giáo huấn chân truyền của Giáo hội công giáo từ xưa nay, để xây dựng được một nhận thức đứng đắn, trung thực về vai trò dấn thân nhập cuộc của Giáo hội trong công trình giải thoát con người và xã hội khỏi các định chế chính trị xã hội hủ lậu, phản động và vô luân trong xã hội đương thời. Trừ một số nhỏ thiên về phía marxit cộng sản quá khích, còn đa số giáo sĩ và giáo dân đều giữ vững lập trường tranh đấu ôn hòa, bất bạo động của tôn giáo. Hệ thống tư tưởng tiến bộ này luôn được sự hưởng ứng của quần chúng giáo dân và giới chức sắc của giáo hội, mà tiêu biểu sáng ngời nhất là “Hội Đồng Giám mục Châu Mỹ La tinh (CELAM = the Latin American Episcopal Conference). Dưới sự thôi thúc của những vị lãnh đạo năng nổ, nhiệt tình như Helder Camara, Hội Đồng này đã biểu quyết thông qua chủ trương rất tiến bộ là : “ Giáo hội phải dứt khoát chọn lựa đứng về phía người nghèo” ( Church’s Option for the Poor).

D – Vai trò của giới trí thức và văn nghệ sĩ.

Trong khi đó, thì giới hàn lâm đại học (Academia), cũng như giới văn nghệ sĩ, đều sôi nổi góp phần vào công cuộc dấn thân phục vụ xã hội, mà điển hình là sự đóng góp thật là vĩ đại của Paulo Freire với chủ trương “Giáo dục Giải phóng Con người” như đã được trình bày rất khúc chiết trong cuốn “Pedagogy of the Oppressed”. Ta sẽ đề cập chi tiết vế tư tưởng này trong một bài sau.

Cũng cần phải ghi thêm về ảnh hưởng của phong trào trí thức tả phái phát xuất từ Âu châu, đặc biệt là từ thập niên 1950, đối với tư tưởng và hành động của học giới và văn nghệ sĩ tại Châu Mỹ La tinh. Khuynh hướng “Bài Mỹ” (Anti-Americanism) từ Âu châu đã làm tăng thêm sự hậm hực, ân óan vốn có sẵn từ lâu đời đối với sự thống trị và khuynh lóat của chánh sách bá quyền (hegemony) của nước Mỹ đối với tòan thể các quốc gia và lãnh thổ yếu thế, mà lại bị chia rẽ, phân tán ở phía Nam bán cầu (hemisphere). Lâu lâu, người ta vẫn nghe thấy dân chúng tại đây hô thật to cái khẩu hiệu “Yankees, Go Home” (Người Mỹ, Hãy Cút Đi!) mỗi khi có phái đòan cao cấp của Mỹ đi qua một số thành phố lớn. Điển hình là vụ phản đối rầm rộ, đến độ xô xát bạo hành đối với Phó Tổng thống Nixon của Mỹ trong chuyến viếng thăm Nam Mỹ vào năm 1958.

Lại nữa, chánh phủ Mỹ vì luôn bênh vực che chở cho giới tài phiệt Mỹ làm ăn buôn bán khai thác tại các nước trong khu vực, nên đã cho thiết lập và ủng hộ các chánh quyền cực hữu, độc tài mà được đặt tên một cách mỉa mai là “Banana Republics”, vì chuyên làm tay sai cho các đại gia chuyên môn khai thác trồng chuối để xuất cảng về Mỹ, hoặc khai thác các nguồn lợi thiên nhiên khác, để thu về được một số lợi nhuận khổng lồ cho các tập đòan kinh tế có độc quyền khai thác, mà điển hình là United Fruit.

Trước tình trạng bất ổn căng thẳng như thế, ta không lạ gì với sự chống đối quyết liệt như của những lãnh tụ mới đây như Tổng thống Hugo Chavez của Venezuela đối với nước Mỹ. Và qua đó, chúng ta có thể hiểu rõ thêm về phản ứng dứt khóat và triệt để của giới trí thức như Paulo Freire trong bối cảnh chung của khu vực Châu Mỹ La tinh vậy./

( Bài 2 :  Giáo dục Giải phóng : Nội dung và Ảnh hưởng)

Nạn đói năm Ất Dậu 1945 tại quê tôi

Chuyện xưa chuyện nay (Bài 3)

Nạn đói năm Ất Dậu 1945 tại quê tôi

Hồi tưởng của Đoàn Thanh Liêm

Làng tôi hồi trước năm 1945 được gọi là xã Cát xuyên, thuộc phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Dân số hồi đó vào khoảng 500 người sinh sống trong chừng 80-90 nóc gia. Bà con phần lớn là nông dân mỗi năm cày cấy hai vụ luá, gọi là vụ chiêm gặt hái vào giữa năm, và vụ muà thu hoạch vào cuối năm. Còn một số ít, thì sinh sống bằng nghề làm bánh và chế biến đồ ăn để bán cho khách hàng trong các phiên họp tại Chợ Cát là một loại “chợ phiên” họp định kỳ mỗi tháng 6 phiên vào các ngày mồng 1,6,11,16,21,26 mỗi tháng theo Âm lịch.

Vụ muà vào cuối năm 1944 bị “mất đến 70-80%”, nên thu hoạch rất kém, vì toàn là loại luá lép thôi. Do đó mà gây nên nạn đói kém vào mấy tháng đầu năm Ất Dậu 1945. Tính ra trong làng tôi phải có đến trên 150 người  (tức là khoảng 30% dân số) bị chết đói trong năm đó. Trong số nạn nhân này có rất đông bà con và bạn hữu cuả tôi. Điển hình là chính ông chú út, em ruột cuả cha tôi là chú Thiêm, thì chú ấy phải bỏ nhà đi kiếm ăn mà bị chết mất xác ở đâu, chẳng một ai trong gia đình còn biết được tin tức về chú ấy nưã. Nhiều gia đình chết hết, nên căn nhà với khu vườn cuả họ trở thành hoang phế tiêu điều, trông thấy mà phát sợ luôn.

Tôi nhớ rất rõ chuyện này, vì vào muà hè năm 1945 đó tôi chăn dắt con trâu cho nó đi gặm cỏ trong các khu vườn tại những “thổ hoang” này, thì tôi chứng kiến tận mắt cái cảnh hoang tàn đìu hiu cuả những căn nhà sập xệ vô chủ đó. Và dĩ nhiên là tôi rất buồn vì đã mất đi bao nhiêu bà con đã từng sát cánh chung sống với mình, mà đã bị chết oan uổng trong cái đại nạn đó.

Trong nhà tôi, thì các anh chị lớn đều phải ăn cơm “độn với cám hay với khoai”. Mỗi ngày cha tôi cho thổi thêm ít cơm, rồi đem nắm lại thành những cục nhỏ để ông tận tay mang đến cho mấy bà con là những cụ già trong làng. Sau naỳ, vì còn ít gạo, thì ông cho nấu cháo và đi kêu mấy con cháu các cụ đó mang chén bát đến lấy về cho các cụ.

Điều khó khăn nưã là tại khu chợ Cát, thường mỗi buổi sáng sớm lại có một số người chết đói nằm ở góc chợ. Đó là những người ở xa đến xin ăn, mà vì đói lạnh quá nên đã tắt hơi thở, không có bà con họ hàng biết mà đến nhận xác để đem đi chôn cất. Vì thế mà cha tôi phải kiếm thêm một người trai trẻ còn khoẻ mạnh để phụ với ông đem những xác chết vô thưà nhận này đi chôn ở nghiã trang cuả làng. Ông tự nguyện làm việc này, theo như lời khuyên bảo làm việc bác ái trong một câu kinh cuả đạo công giáo là :”Chôn xác kẻ chết”. Vì việc từ thiện bác ái như vậy, nên sau này Giáo hội Công giáo mới tặng cho ông một “sắc phong” khen ngợi công lao giúp đỡ bà con trong cơn hoạn nạn khốn khổ thời ấy. Và chính cái gương làm việc từ thiện nhân đạo đó cuả ông cụ đã ảnh hưởng sâu xa đến suốt cuộc đời dấn thân phục vụ xã hội sau này cuả tôi vậy đó.

Sau năm 1975, bà con ở ngoài Bắc có vào thăm gia đình tôi ở Saigon, thì có người còn nhắc lại cái “công đức” cuả cha mẹ tôi đã cưú giúp cha mẹ họ lúc đó. Họ còn nói là” bây giờ các anh chị làm ăn học hành tiến bộ thành đạt, đó là nhờ ở phúc đức cuả ông bà xưa để lại “.

Con số thống kê cho biết là có tới 2 triệu người bị thiệt mạng trong nạn đói khủng khiếp này. Và nếu đối chiếu với dân số của đồng bằng sông Hồng hồi đó là khoảng 6 triệu người, thì số người chết đã tới hơn 30% trên tổng số dân trong khu vực, tỉ lệ này cũng tương đương với con số ước lượng tại làng Cát xuyên của tôi.

Bàn qua về nguyên nhân của nạn đói này, thì vì lý do chính trị, nhiều người cứ đổ hết trách nhiệm cho Quân đội Nhật bản đã gây ra cảnh đói kém này, vì họ đã bắt dân phải “phá bỏ ruộng cấy lúa đi, để lấy đất trông đay bố cho nhu cầu quân sự của họ. Rồi họ lại còn tích trữ số lượng thật lớn lúa gạo vào trong kho quân lương của họ. Điều đó không sai, nhưng đây không phải là căn nguyên duy nhất đã gây ra nạn đói. Mà phải kể đến 2 nguyên nhân khác nữa, đó là : 1/ Nạn mất mùa cuối năm 1944 (mất đến 80% như đã ghi ở trên); 2/ Vì lý do chiến tranh, đường giao thông từ Nam ra Bắc bị máy bay đồng minh oanh tạc tàn phá nặng nề, nên số gạo thặng dư ứ đọng khổng lồ ở miền Nam hồi đó (vì không thể xuất cảng được) đã không thể chuyên chở ra ngoài Bắc bằng tàu biển hay xe lửa. Tôi nghĩ 2 lý do này mới thực sự là nguyên nhân chính đã gây ra cái nạn đói kinh hòang đó.

Bây giờ sau mấy chục năm, chúng ta có thể công tâm mà phân định sự việc, chứ không nên giữ thiên kiến quá đáng về phía này, phía khác. Mà vì bản thân mình không phải là một sử gia, nên tôi cũng không dám lạm bàn chi tiết về vấn đề có tầm mức lớn lao này.

Nạn đói tai hại khủng khiếp này đã khiến cho toàn thể khối nông dân ở miền Bắc rất căm thù giận ghét đối với thực dân Pháp và quân phiệt Nhật là những thủ phạm chính yếu đã gây ra  tình trạng đau thương bi đát đó. Vì thế mà vào tháng 8 năm 1945 đó, quần chúng nhân dân đã nhất loạt hăng say hưởng ứng phong trào đòi độc lập do Việt minh khởi xướng, mà họ gọi là “Cách mạng Muà Thu”. Chỉ sau đó mấy năm, khi Việt minh phát động chính sách độc tài chuyên chế với thủ đoạn sắt máu tàn bạo nham hiểm, thì người dân mới lần hồi vỡ lẽ ra. Nhưng đến lúc đó, thì đã quá trễ mất rồi!

Vào năm 2002 gần đây, nhân gặp mấy sinh viên người Nhật tại một Đại học ở Virginia, tôi có hỏi họ xem là họ có biết gì về nạn đói tại Việt nam năm 1945 khi quân đội Nhật chiếm đóng và cai trị ở đó không? Tất cả đều lắc đầu và nói rằng : “Chúng tôi không hề được biết gì về nạn đói này. Và không hề thấy sách báo nào ở Nhật viết về trách nhiệm của quân đội Nhật trong chuyện này…” Tôi bèn nói cho họ biết là : Gia đình và bà con chúng tôi đã là nạn nhân khốn khổ của nạn đói kinh hoàng. Mà quân đội Nhật bản phải có phần trách nhiệm về số 2 triệu nạn nhân đã thiệt mạng, họ đều là bà con đồng bào ruột thịt cuả chúng tôi. Đó là điều suốt đời không bao giờ mà tôi lại quên được. Nghe tôi nói vậy, mấy bạn người Nhật đều tỏ ra vẻ đăm chiêu buồn bã. Có một bạn nói lại với tôi : “ We are very sorry for such an horrible thing!” (Chúng tôi rất ân hận về sự việc khủng khiếp như thế đó!)

Năm 2010 này là năm thứ 65 kể từ ngày nạn đói năm Ất dậu tàn phá toàn thể miền quê tôi tại vùng châu thổ sông Hồng ở miền Bắc nước ta. Tôi không thể nào mà quên được cái chết đau đớn, oan ức cuả chú Thiêm và cuả rất nhiều bà con bạn hưũ khác trong cái làng Cát xuyên nhỏ bé cuả tôi. Và tôi cũng thông cảm với các nạn nhân khác đày dãy trên thế giới ngày nay đang bị nạn đói dằn vật vì thiên tai, cũng như vì chiến tranh bạo lực, vì nạn bóc lột cướp phá do chính con người gây ra nưã./

California, cuốí năm Kỷ sưủ 2009

Đoàn Thanh Liêm

Desiderata: Một áng văn “lời hay ý đẹp”

Desiderata: Một áng văn “lời hay ý đẹp”

Đoàn Thanh Liêm giới thiệu

Max Ehrmann (1872-1945)

Trước năm 1975, ở Saigon tôi có dịp được đọc bản văn tiếng Anh mà có nhan đề bằng tiếng la tinh là “Desiderata” có nghĩa là “ Những điều mong ước”. Đây là một “bài thơ không vần” (poeme en prose) như người Pháp thường nói. Lời văn rất súc tích, gọn gàng, chứa đựng những lời khuyên nhủ rất thân tình, cụ thể và thẳng thắn. Tôi đã chép bài đó vào một cuốn vở. Nhưng lâu ngày hóa ra lạc mất. Nay cũng lại nhờ có internet, mà tôi đã tìm ra được, không những nguyên tác bản văn, mà còn cả nhiều chuyện ngộ nghĩnh xung quanh áng văn có thể được xếp vào lọai “bất hủ “ này nữa. Tôi xin đính kèm trong Phần Phụ Lục của bài này cả bản dịch tòan văn và cả nguyên tác bằng Anh ngữ nữa.

Xin trích dẫn vài đọan tiêu biểu như sau :

“ Hãy giữ bình thản tự tại ở giữa sự ồn ào vội vã, và nhớ đến sự an bình trong trạng thái thinh lặng”. “Bạn là một người con của vũ trụ này, không thua kém gì so với cây cối và tinh tú; bạn có quyền được có mặt nơi đây.” “Hãy vui thú với những thành tựu cũng như các dự án của bạn.” “ Hãy tránh xa người hay ồn ào lớn tiếng và hay gây hấn ; họ là lọai người hay gây phiền nhiễu cho tinh thần.” “Bạn cũng đừng nên hòai nghi yếm thế về tình yêu, bởi lẽ đối mặt với tất cả sự khô cằn và vỡ mộng, thì tình yêu vẫn tồn tại miên viễn như cây cỏ.” …

Tác giả bài thơ này là Max Ehrmann (1872-1945). Ông sinh tại thành phố Terre Haute, tiểu bang Indiana. Sau thời gian ngắn hành nghề luật sư, thì ông về nhà chuyên viết văn, làm thơ. Bài Desiderata này được suy đóan là được viết vào năm 1927, lúc ông đã được 55 tuổi. Nhưng phải đến giữa thập niên 1960, thì bài thơ mới được công chúng say mê ưa chuộng và phổ biến khá rộng rãi.

Có hai lý do khiến gây ra sự chú ý của công luận. Thứ nhất là nhờ người bạn thân thiết của vị Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc là Adlai Stevenson, vừa mới mất tại London vào năm 1965, thì có khám phá ra được là ông đại sứ để trong phòng làm việc riêng của mình một bản văn của bài thơ Desiderata này, mà ông dự định sẽ cho in vào trong tấm Thiệp Noel sắp tới để gửi cho các bạn hữu của ông. Mẩu tin này càng khiến cho công luận chú ý đến bài thơ.

Còn một lý do khác nữa, đó là không hiểu vì sao mà lại có một ấn bản khác của bài thơ lại ghi là “Được tìm thấy tại Nhà thờ cổ St Paul năm 1692”. Công chúng thắc mắc, vì ngôn từ tiếng Anh của bài thơ này là của thời hiện đại, chứ không thể là từ thế kỷ 17 được. Và qua các vụ tranh tụng trước Tòa án, cũng như bút chiến trên báo chí, thì gián tiếp càng làm cho công chúng chú ý hơn đến bài thơ này hơn nữa.

Nhiều bà mẹ đã đọc cho con cái nghe bài thơ, đến nỗi các cháu đều thuộc làu. Ngay cả đến cháu bé mới có 3 tuổi, mà đã vanh vách đọc lớn tiếng tòan bộ bài thơ, mặc dầu cháu chưa hề biết đọc được chữ viết.

Bạn đọc muốn biết thêm chi tiết nữa, thì xin cứ mở internet qua Google hay Yahoo, thì sẽ thấy tài liệu rất đày đủ, phong phú và chính xác liên hệ đến bài thơ “Desiderata này.

Người viết rất vui mừng được giới thiệu với các độc giả người Việt thêm một áng văn nổi danh khác nữa trong kho tàng văn học hiện nay của nước Mỹ.

California, Tháng Năm 2009

Đoàn thanh Liêm

Phụ Lục

Desiderata (1927)

by Max Ehrmann

Bản dịch : Đòan Thanh Liêm(2009)

Hãy giữ bình thản tự tại ở giữa sự ồn ào vội vã, và nên nhớ đến sự an bình có được trong trạng thái thinh lặng.

Hãy đối xử thuận thảo với mọi người, trong chừng mực tối đa có thể được mà không phải là sự đầu hàng.

Hãy nói sự thật của bạn một cách ôn tồn và rõ ràng; và lắng nghe mọi người khác, kể cả người ngu đần, dốt nát; họ đều có câu chuyện của họ.

Hãy tránh xa người hay ồn ào lớn tiếng và thích gây hấn; họ là lọai người gây phiền nhiễu cho tinh thần.

Nếu bạn mà so sánh mình với các người khác, thì bạn có thể đâm ra kiêu ngạo hay cay cú, bởi lẽ luôn luôn có người hơn hay kẻ kém so với chính bản thân bạn. Hãy vui thích với những thành tựu và dự án của bạn.

Hãy chú trọng đến nghề nghiệp riêng tư của bạn, mặc dù nó khiêm tốn đến mấy; bởi vì đó mới đích thực là sở hữu của riêng bạn giữa sự thăng trầm của thế sự.

Hãy thận trọng trong công việc làm ăn, vì thế giới đày dãy những lừa lọc dối trá Nhưng cũng đừng nên tự bịt mắt mình trước điều nhân đức; bởi lẽ vẫn có nhiều người tranh đấu vì lý tưởng cao cả, và bất cứ ở đâu thì cuộc sống cũng đày dãy lòng dũng cảm.

Hãy đích thực là mình. Đặc biệt không nên giả vờ tỏ ra sự âu yếm.

Mà cũng đừng nên hòai nghi yếm thế về tình yêu, bởi lẽ đối mặt với tất cả sự khô cằn và vỡ mộng, thì tình yêu vẫn tồn tại miên viễn như cây cỏ.

Hãy lịch lãm nghe theo lời khuyên của các bậc cao niên, và biết duyên dáng nhường bước cho tuổi trẻ.

Hãy bồi dưỡng sức mạnh tâm trí để che chắn cho bạn trong lúc họan nạn.

Nhưng đừng gây phiền muộn cho mình với những tưởng tượng đen tối.

Nhiều nỗi sợ hãi phát xuất từ sự mệt nhọc và nỗi cô đơn.

Vượt lên trên cả kỷ luật lành mạnh, hãy lịch sự nhỏ nhẹ với chính mình.

Bạn là một người con của vũ trụ này, không thua kém gì so với cây cối và tinh tú; bạn có quyền được có mặt nơi đây.

Và dù tỏ tường hay không rõ rệt đối với bạn, chắc chắn là vũ trụ này phải tỏ lộ ra cho con người.

Bởi vậy, hãy hòa hõan với Thượng Đế, dù bạn quan niệm Ngài bất kể như thế nào.

Và bất kể sự vất vả và ước vọng của bạn ra sao trong cái hỗn độn ồn ào của cuộc sống, bạn hãy ráng giữ được sự an bình trong tâm hồn.

Với tất cả nỗi nhục nhằn, vất vả, và giấc mộng đổ vỡ, thì thế giới này vẫn là tuyệt diệu.

Hãy vui lên. Hãy phấn đấu để mà được sống hạnh phúc.

Desiderata

(something desired as essential)

Go placidly amid the noise and the haste, and remember what peace there may be in silence.

As far as possible, without surrender, be on good terms with all persons.

Speak your truth quietly and clearly; and listen to the dull and ignorant; they too have their story.

Avoid loud and aggressive persons; they are vexations to the spirit.

If you compare yourself with others, you may become vain or bitter, for always there will be greater and lesser persons than yourself.

Enjoy your achievements as well as your plans.

Keep interested in your career, however humble; it is a real possession in the changing fortunes of time.

Exercise caution in your business affairs, for the world is full of trickery.

But let this not blind you to what virtue there is; many persons strive for high ideals and everywhere life is full of heroism.

Be yourself. Especially do not feign affection.

Neither be cynical about love; for in the face of all aridity and disenchantment, it is as perennial as the grass.

Take kindly the counsel of the years, gracefully surrendering the things of youth.

Nurture strength of spirit to shield you in sudden misfortune.

But do not distress yourself with imaginings.

Many fears are born of fatigue and loneliness.

Beyond a wholesome discipline be gentle to yourself.

You are a child of the universe, no less than the trees and the stars and you have a right to be here.

And whether or not it is clear to you, no doubt the universe is unfolding as it should.

Therefore, be at peace with God, whatever you conceive Him to be.

And whatever your labours and aspirations, in the noisy confusion of life, keep peace with your soul.

With all its sham, drudgery and broken dreams, it is still a beautiful world.

Be cheerful. Strive to be happy.

Max Ehrmannn, 1927

Trần Văn Giàu và căn bệnh “Sùng bái Liên Xô”

Trần Văn Giàu và căn bệnh “Sùng bái Liên Xô”

Ghi nhận của : Đoàn Thanh Liêm

Ông Trần Văn Giàu, một đảng viên cộng sản kỳ cựu gốc miền Nam, vừa mới qua đời vào cuối năm 2010, ở tuổi đại thọ gần con số chẵn 100 năm (1911 – 2010). Báo chí của nhà nước cộng sản đã viết rất nhiều về ông với lời ca tụng tán dương hết mực. Và một số học giả ngoại quốc cũng đã từng viết về ông với một vài sự dè dặt.

Trong bài này, tôi không chủ ý viết lời khen chê nào đối với một nhân vật, mà mình đã không để tâm theo dõi tìm hiểu gì nhiều, mà cũng chưa hề bao giờ tôi đã gặp mặt, hay chuyện trò gì với ông ta nữa. Mà như trên nhan đề, tôi chỉ muốn ghi lại cái căn bệnh “Sùng bái Liên Xô”, mà nhiều nhà lãnh đạo cộng sản Việt nam trước đây đã mắc phải, và trong số những người đó, ông Giàu là một tiêu biểu khá rõ nét.

Thật vậy, ông Giàu đã có lần phát biểu một câu chắc nịch đại ý có thể được ghi lại như sau : “ Nói gì thì nói, chứ Liên Xô thì không bao giờ mà lại có thể sai lầm được”. Mà cả lãnh tụ Hồ Chí Minh của ông Giàu, thì cũng đã từng tuyên bố đại khái rằng : “ Tôi chẳng có tư tưởng lý thuyết riêng nào cả, mà các lãnh tụ Staline và Mao Trạch Đông đã suy nghĩ đày đủ chu đáo lắm rồi…” Còn ông Tố Hữu, thì đã có bài thơ ca tụng lãnh tụ Stalin vĩ đại lúc ông này từ trần vào năm 1953, với những  “câu thơ bất hủ” như sau :

“ Thương cha, thương mẹ, thương chồng

Thương mình thương một, thương ông thương mười”.

Vào hồi đầu thập niên 1940, lại còn có một đảng viên cộng sản ở miền Nam – cũng vào cùng thế hệ với ông Giàu – thì còn lấy cả tên hai địa danh chiến tích nổi tiếng của Hồng Quân Liên Xô để mà đặt tên cho hai cô con gái của mình, đó là Huỳnh Thị Crimée và Huỳnh Thị Odessa. Cái tên gọi này được chính thức ghi rõ ràng trong giấy khai sinh hồi đó còn viết bằng tiếng Pháp trong sổ hộ tịch ở xứ Nam kỳ thuộc địa, chứ đó không phải chỉ là tên gọi trong chỗ riêng tư của gia đình.

Và như ta đã biết, kể từ thập niên 1920, tổ chức Đệ Tam Quốc Tế Comintern do Liên Xô lãnh đạo đã tài trợ cho không biết bao nhiêu cán bộ nòng cốt của đảng cộng sản Việt nam, để họ theo học tại Đại học Phương Đông ở thủ đô Moskva. Đó là những nhân vật với tên tuổi quen thuộc như Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Trần Văn Giàu, Bùi Công Trừng… Hồ sơ về các sự việc này đều còn được lưu giữ với nhiều chi tiết trong văn khố đồ sộ của cơ quan này.

Ngày nay, với sư “Giải mật” (Declassification) về các tài liệu vẫn thường được giữ kín trong các văn khố của nhiều quốc gia, đặc biệt là của Liên Xô, thì giới nghiên cứu lịch sử có thể cung cấp cho chúng ta hình ảnh mỗi ngày thêm chính xác hơn về sự yểm trợ tài chánh và sự chi phối của Comintern và của Liên Xô đối với chính sách và hành động của đảng cộng sản Việt nam, kể từ ngày đảng này mới được thành lập vào đầu thập niên 1930, cho đến các thập niên 50-60 sau này.

Điển hình là gần đây, công chúng Việt nam vừa mới được biết đến hai bức thư viết tay bằng tiếng Nga do chính ông Hồ Chí Minh ký năm 1952, để gửi cho lãnh tụ Stalin mà có đính kèm dự thảo chính sách cải cách ruộng đất đã được đảng cộng sản Việt nam soạn thảo, với sự cố vấn của người lãnh đạo cộng sản Trung quốc là Lưu Thiếu Kỳ.  Sự kiện này càng chứng tỏ rằng : “ đảng cộng sản VN đã theo rất sát với sự chỉ dẫn và lãnh đạo của bậc đàn anh Liên Xô”. Và đó là nguyên ủy của mọi tai ương khốn khổ cho dân tộc chúng ta từ hơn 60 năm qua, do lũ người cộng sản cuồng tín quá khích đã du nhập cái chủ thuyết “ bạo lực cách mạng đày hận thù đẫm máu” từ Liên Xô, Trung Quốc vào Việt nam để mà tàn phá tan hoang cơ đồ non nước chúng ta.

Công cuộc Cải Cách Ruộng Đất được phát động rầm rộ ở miền Bắc trong thập niên 1950, mà người cộng sản gọi là  một cuộc “Cách Mạng Long Trời Lở Đất”, thì đã gây ra biết bao đau thương chết chóc, khổ nhục cho cả hàng mấy chục vạn nạn nhân được xếp vào lọai “giai cấp địa chủ”. Sự việc này đã được nhiều người biết đến từ lâu rồi, tôi khỏi cần nhắc lại ở đây nữa.

Mà tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến một điểm chủ yếu sau đây : “Đó là đảng cộng sản Việt nam đã áp dụng đúng theo sự chỉ đạo của người anh cả Liên Xô và của người anh lớn Trung Quốc trong vụ cải cách ruộng đất cực kỳ dã man tàn bạo này”.

Và trước sự ta thán hốt hỏang, bất mãn của đa số quần chúng về sự tàn ác vô nhân đạo đó, thì vào năm 1956 giới lãnh đạo ở Hanoi mới làm bộ dàn cảnh sửa sai, bằng cách cử Tướng Võ Nguyên Giáp đứng ra “ xin lỗi quốc dân”, đồng thời “cách chức Tổng Bí Thư Trường Chinh và một vài cán bộ cao cấp khác”. Việc này chỉ nhằm tạm thời xoa dịu nỗi uất ức của các gia đình nạn nhân mà thôi. Chứ về thực chất, thì chính sách cải cách ruộng đất này là do tòan bộ giới lãnh đạo chóp bu của cộng sản Việt nam đã thông qua quyết định, và tuyệt đối áp dụng theo đúng sự lãnh đạo của các đàn anh Liên Xô, Trung Cộng.

Rồi tiếp liền theo sau đó, họ vẫn tung ra chiến dịch “Hợp tác hóa, Tập thể hóa Nông Nghiệp” cũng lại rất tàn bạo sắt máu, cũng lại rập khuôn theo đúng với chính sách của Liên Xô, Trung Quốc.

Trở lại với chuyện ở miền Nam vào các năm 1945 – 47, đúng vào cái thời ông Trần Văn Giàu còn đang nắm giữ việc lãnh đạo chánh quyền tại đây, thì đã xảy ra hàng lọat các vụ sát hại những người ái quốc theo khuynh hướng cộng sản Đệ Tứ Quốc Tế (còn gọi là phe trotskyst, tức là theo chủ trương của lãnh tụ Leon Trotsky, người bị Stalin cho tay sai tới ám sát vào năm 1940, lúc ông sống lưu vong ở Mexico). Điển hình là trường hợp bị thủ tiêu ngay tại khu vực phía bắc thành phố Saigon của các ông Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, Hồ Văn Ngà… Cũng cần phải ghi lại việc thủ tiêu ám hại Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ, người sáng lập ra Phật Giáo Hòa Hảo, cũng đã xảy ra vào năm 1947 tại khu vực miền Tây Nam Bộ. Các chuyện tàn ác động trời này, ông Giàu và phe cộng sản Đệ Tam của ông đã thực hiện đúng theo chủ trương của Liên Xô, mà ông coi là “không bao giờ mà lại có thể sai lầm được”, như đã ghi ở phía trên của bài viết này.

Tóm tắt lại : Những người lãnh đạo cộng sản nòng cốt vốn được cái tổ chức Đệ Tam Quốc Tế (Comintern) đào tạo từ lâu tại Moskva, như ông Hồ Chí Minh, Trần Văn Giàu…, thì họ đã áp dụng đường lối chính sách rập theo khuôn mẫu của Liên Xô dưới thời Stalin, mà họ đã thật tâm rất mực sùng bái, đúng như lời phát biểu công khai của họ trước công chúng. Mà cho đến ngày nay bước qua thế kỷ XXI rồi, thì giới lãnh đạo cộng sản ở Hanoi cũng vẫn còn tuyên bố “kiên trì đi theo đường lối Cách Mạng Tháng Mười của Liên Xô” nữa.Thật đây rõ ràng là một tai họa thảm thương cho cả một dân tộc Việt nam chúng ta vốn đã có lịch sử trên 4000 năm văn hiến vậy.

Hỡi ôi! Cái thời đại sao mà quá ư nhiễu nhương u ám mê hoặc!/

California, Tháng Giêng 2011

Đòan Thanh Liêm

Buổi tiếp chuyện với Linh mục Vitaly Borovoy

Chuyện  xưa  chuyện  nay (13)

Buổi tiếp chuyện với Linh mục Vitaly Borovoy

(tại Geneva, tháng Ba năm 1972)

Hồi tưởng của Đòan Thanh Liêm

Suốt tháng Ba, năm 1972, trong dịp đến làm việc với văn phòng của Hội Đồng Tôn giáo Thế giới” (The World Council of Churches = WCC) tại thành phố Geneva Thụy sĩ, tôi có cơ hội tiếp xúc với một số nhân vật trong các bộ phận chuyên môn của tổ chức quốc tế này. Trụ sở chính của WCC tọa lạc trong một khu vực khá rộng lớn phía ngọai ô của cái thành phố êm ả thanh bình có danh tiếng trong lịch sử Âu châu, trên Đại lộ Route de Ferney, là khu vực mà xưa kia vào thế kỷ XVIII văn hào nổi danh người Pháp Voltaire đã từng có thời gian dài cư ngụ tại đây. Dù đã là tiết xuân, nhưng tại vùng đồi núi ở đây, trời vẫn còn khá lạnh lẽo với nhiều ngày có tuyết đổ làm trắng xóa cả các bụi cây ven đường, nhất là mỗi khi trời nắng thì khối tuyết trên các đỉnh núi cao ngất lại phản chiếu ánh sáng mặt trời, coi thật uy nghi lộng lẫy.

Vào một buổi sáng, tôi đã có cuộc tiếp chuyện dài đến 2 giờ đồng hồ với vị Linh mục thuộc Nhà thờ Chính thống giáo nước Nga, tên là Vitaly Borovoy. Năm 1972 đó ông đã ngòai 55 tuổi, người tầm thước trong bộ áo tu sĩ dài màu đen phủ kín tòan thân, cổ đeo một thập giá mạ vàng khá lớn, và với bộ râu quai nón cũng khá rậm rạp vốn là hình ảnh đặc trưng của các Linh mục trong hàng ngũ Giáo phẩm Chính thống giáo (Orthodox Hierarchy). Linh mục đã từng làm việc trong bộ phận phụ trách về ngọai vụ của Giáo hội Chính thống giáo Nga. Ông nói tiếng Anh với giọng lắp bắp ngập ngừng, nhưng lại sử dụng từ ngữ khá chính xác.

Biết tôi từ miền Nam Việt nam tới, ông hỏi thăm về tình hình chiến tranh mỗi ngày một leo thang ở đó ra sao. Tôi nói với ông rằng suốt đời tôi từ khi có trí khôn vào năm 1941- 42 đến nay đã 30 năm rồi, tôi chỉ biết có chiến tranh tàn sát trên quê hương tôi mà thôi. Tôi đã chứng kiến nạn đói tại làng quê tôi vào năm 1945, làm chết bao nhiêu người bà con và bạn hữu, kể cả ông chú út là em của cha tôi nữa. Tôi thật đau lòng trước bao nhiêu tang thương đau khổ liên miên ròng rã đã bao lâu nay xảy đến cho những người thân yêu của tôi như vậy. Nghe tôi trình bày rõ ràng thành thật như thế, ông tỏ vẻ thông cảm và câu chuyện giữa hai chúng tôi đã mau lẹ trở thành thân mật và cởi mở, giống như giữa hai người anh em bà con trong cùng một dòng họ vậy.

Sau câu chuyện mở đầu thân mật đó, vị Linh mục bắt đầu tâm sự với tôi bằng lời lẽ thẳng thắn, quả quyết đại khái có thể tóm lược vào mấy điểm như sau :

1 – Thứ nhất, về phương diện đối ngọai, Giáo hội Chính thống chúng tôi không thể nào mà có thể có được một quan điểm công khai trái ngược với lập trường của chánh phủ Liên bang Xô Viết. Cụ thể như đối với cuộc chiến tranh hiện nay ở Việt nam, thì chúng tôi phải đứng về phe Xã hội chủ nghĩa mà bênh vực chánh phủ Hanoi, để chống lại chánh phủ Saigon và phe Tư bản do người Mỹ lãnh đạo. Dĩ nhiên là chúng tôi vẫn cố gắng để mà giữ được vị thế và sắc thái riêng biệt theo truyền thống lâu đời của Tôn giáo mình, chứ chúng tôi không phải là một thứ cơ quan trực thuộc chánh quyền hay là một thứ cơ sở ngọai vi của đảng cộng sản Liên Xô. Nhưng xin ông cũng thông cảm cho việc chúng tôi bị “kiểm sóat, khống chế” khá là ngặt nghèo trong cung cách giao dịch với thế giới bên ngòai, đặc biệt là trong lãnh vực chính trị và bang giao quốc tế.

2 – Thứ hai, về phương diện sinh họat nội bộ, thì từ khi chế độ cộng sản được thiết lập và củng cố vững chắc trên tòan thể nước Nga và các nước Cộng hòa khác thuộc Liên bang Xô Viết, thì Giáo hội Chính thống chúng tôi phải liên tục chịu đựng những sự hạn chế, đàn áp vô cùng là ngặt nghèo tàn bạo không làm sao mà kể cho xiết được. Trong hơn nửa thế kỷ nay, chúng tôi đã có đến hàng chục vạn thánh đường, các tu viện, cơ sở tôn giáo, các chủng viện, các cơ sở văn hóa xã hội bị triệt hạ đến mất hết cả dấu tích luôn. Và bao nhiêu đồ tượng ảnh quý báu được dát bằng quý kim vàng bạc, cẩm thạch đá quý tích lũy từ bao nhiêu thế hệ xa xưa trong các cơ sở phụng tự đó đều bị tịch thu và mang đi đâu chẳng còn ai mà biết được nữa.

Đó là về phương diện cơ sở và tài sản vật chất. Còn về tinh thần và nhất là về phương diện nhân sự tức là thành phần các tu sĩ, giáo sĩ, thì thật là thảm thương bi đát không một ai lại có thể tưởng tượng được nữa. Đã có hàng ngàn giáo sĩ bị hành quyết (executed), hàng nhiều ngàn bị bắt, bị đầy ải ở Siberia và trong các trại tập trung và hầu hết đều đã kiệt sức vì đói, vì lạnh, vì bị làm việc nặng nhọc quá sức chịu đựng của con người. Đó là chưa kể đến con số hàng triệu tín đồ bị hành hạ, bạc đãi, bị cưỡng bức phải di chuyển đi đến những vùng khô cằn hẻo lánh. Chưa bao giờ Giáo hội chúng tôi lại bị bách hại thảm thương tàn ác đến thế!

3 – Nói chung, thì nhà nước Xô Viết vẫn triệt để tìm mọi cách để tiêu diệt tôn giáo và thay thế vào đó bằng chủ thuyết vô thần. Nếu có được một sự nới lỏng, dễ thở nào đó cho sinh họat tôn giáo, thì chỉ vì nhu cầu giai đọan cấp thời mà thôi. Cụ thể như từ lúc nước Nga bị quân Đức Quốc Xã đến xâm lăng vào năm 1941, thì ông Stalin mới ra lệnh cho thuộc cấp trả lại một số cơ sở phụng tự, trả tự do cho một số giáo sĩ, tu sĩ và cho tín đồ được hành đạo tương đối thỏai mái. Nhưng đó chỉ vì muốn lấy lòng các tầng lớp dân chúng để cho họ cùng tham gia vào công cuộc bảo vệ tổ quốc mà thôi. Sau chiến tranh rồi, thì guồng máy kềm kẹp lại tiếp tục vận hành, mà lại càng dã man cuồng nhiệt hơn nữa.

Cả ngay dưới thời của ông Krushchev, thì nạn bài trừ và đàn áp tôn giáo vẫn còn rất ngặt nghèo sắt máu, có đến hàng vạn nhà thờ bị phá hủy hay tịch thu trong các năm dưới quyền của ông lãnh tụ này. Chỉ gần đây, dưới thời của ông Brezhnev, thì mới có sự nới lỏng đôi chút mà thôi.

4 – Ngày nay, nhờ áp lực mạnh mẽ của quốc tế mà Giáo hội chúng tôi cũng mới bắt đầu phục hồi lại được phần nào. Nhưng nói chung, mọi tôn giáo ở Liên Xô, kể cả Chính thống giáo, Tin lành, Công giáo, Hồi giáo, Phật giáo…, thì vẫn còn phải chịu nhiều sự khốn khó hạn chế đủ mọi bề.

Những điều tôi nói với ông lúc này, thì các sách báo ở phương Tây đều đã viết lên đầy đủ cả rồi, dựa trên những chứng từ đáng tin cậy của bao nhiêu người đào thóat từ nước Nga, hay do các nguồn tin do chính người dân ở Liên Xô tiết lộ ra cho các bạn hữu của họ ở nước ngòai. Tôi vừa là nạn nhân, vừa là chứng nhân để có thể xác nhận với ông về những sự việc thực tế hết sức phũ phàng đau đớn này.

Nhưng tôi cũng xin lưu ý ông là không nên công bố danh tính của tôi khi ông viết thuật lại những điều tôi tâm sự riêng tư với ông bữa nay, vì nếu nhà nước Liên Xô mà biết được chuyện “tôi nói không tốt về họ”, thì họ sẽ trách cứ và làm phiền cho văn phòng ngọai vụ của chúng tôi.

Tại nước Thụy sĩ này, tôi được chứng kiến sự thịnh vượng sung túc và cuộc sống thanh thản an bình của người dân, mà tôi càng cảm thương cho dân tộc Nga thật là bất hạnh của tôi. Tôi cũng thương xót cho bao nhiêu đồng đạo, bao nhiêu anh em tu sĩ của tôi đã bị tàn sát do bàn tay của người cộng sản. Và tôi cũng xót thương cả đối với một ít tu sĩ đã vì hèn nhát mà cam tâm làm tay sai cho công an mật vụ, để phản bội lại chính các anh em đồng đạo của mình nữa…

Vitaly Borovoy, vị Linh mục cao tuổi và có thâm niên nhất của Giáo hội Chính thống giáo nước Nga, – tính theo ngày được thụ phong năm 1944 – đã qua đời vào năm 2008, ở tuổi thọ 92 (1916 – 2008). Ông được đánh giá là người đã góp công rất lớn vào công cuộc giữ vững và phục hồi nếp sống tinh tuyền trong truyền thống lâu đời của Giáo hội Chính thống Nga.

*Sau cùng, người viết chỉ xin ghi thêm vài dòng vắn tắt về Giáo hội Chính thống Nga đã tồn tại trên đất nước này từ trên một ngàn năm nay, đã bám rễ sâu vào nếp sống văn hóa và tình cảm tâm linh của dân tộc Slave này. Và dù chế độ cộng sản trong suốt trên 70 năm đã dùng mọi phương cách bạo hành thâm độc nhằm tiêu diệt tôn giáo này, thì rốt cuộc chính các thủ phạm tàn ác là người cộng sản lại bị người dân Nga lọai trừ chối bỏ. Và các nạn nhân khốn khổ là những tín đồ tôn giáo nay đang trên đà phục hồi lại được cái truyền thống đạo hạnh và nhân ái ngàn xưa của cha ông mình.

Và công cuộc phục hồi này, dù vẫn còn khó khăn phức tạp, thì vẫn rõ ràng đang là một quá trình không thể nào mà có thể đảo ngược lại được nữa vậy (an irreversible processus)./

California, Tiết Trung Thu Ất Mão 2011

Đòan Thanh Liêm

Người sắc tộc thiểu số tại vùng cao nguyên miền Nam

Chuyện  xưa  chuyện  nay (14)

Người sắc tộc thiểu số tại vùng cao nguyên miền Nam

Đòan Thanh Liêm

Tôi chỉ mới đi tới Đà lạt mấy lần, kể cả sau năm 1975, chứ chưa bao giờ được đặt chân đến vùng Ban mê thuật, Pleiku, Kontum… Nên phải thú thật là mình chưa thực sự sinh sống tại vùng cao nguyên, để mà có kinh nghiệm thực tế cụ thể với người thuộc các sắc dân thiểu số vốn đã lâu đời định cư tại vùng đó.

Tuy nhiên, do sự gặp gỡ với một số người có quan tâm mật thiết tới số phận của các sắc dân thiểu số, cũng như được đọc nhiều sách báo viết về họ, nên tôi cũng để tâm theo dõi những vấn đề nan giải tại vùng này, đặc biệt là kể từ khi chuyện khai thác quặng beauxite đã và đang gây ra sự phản ứng sôi nổi trong dư luận ở trong cũng như ở ngòai nước trong mấy năm gần đây. Tôi xin lần lượt kể lại một ít điều tôi được biết liên quan đến vấn đề này.

*  1 -Trước hết là cuộc gặp gỡ với Linh mục Jacques Dournes tại Paris vào cuối năm 1970. Linh mục này thuộc Dòng Thừa sai ngọai quốc ở Paris, thường được biết đến với tên gọi quen thuộc là : “Missions Étrangères de Paris” ( MEP). Ông sinh năm 1922 và mất năm 1993 tại Pháp. Trong hơn 20 năm sinh sống với người dân thiểu số tại vùng cao nguyên miền Nam Việt nam từ cuối thập niên 1940 đến năm 1968, ông chú trọng nhiều đến việc tìm hiểu về ngôn ngữ, phong tục, văn hóa của các sắc dân này, đặc biệt là của sắc dân Jarai và có lòng yêu mến cùng tìm mọi cách bảo vệ họ trước cảnh khai thác bất công và xâm lấn của đa số người Kinh tại vùng đất rừng núi hẻo lành này. Trong bộ áo chùng thâm, trông ông có vẻ khắc khổ, nghiêm trang với đôi mắt đày vẻ nhiệt thành.

Trong một bữa ăn trưa tại một nhà dòng của các nữ tu Phan Sinh  (Franciscaines) trong quận 14, gần với khu Đại học xá (Cité universitaire), tôi đã có cả một buổi chuyện trò trao đổi với vị linh mục này. Ngay từ mấy phút đầu tiên gặp gỡ, ông đã tới tấp trút lên người tôi những lời lẽ thật là nặng nề, lên án những bất công tệ hại do người Kinh là sắc dân đa số gây ra đối với các sắc dân thiểu số ở vùng cao nguyên. Ông thuật lại những sự việc hết sức tồi tệ tiêu cực, mà bản thân ông đã chứng kiến sau nhiều năm tháng sinh sống và truyền giáo tại đó.

Sau khi ông đã bớt cơn giận dữ, tôi mới từ tốn thưa lại với ông là tôi sinh trưởng tại miền đồng bằng ngòai Bắc, rồi vào sinh sống tại Saigon từ năm 1954, nên không được biết gì về vùng cao nguyên, nói gì đến chuyện của các sắc dân ở đó. Nhưng là một luật sư, thì tôi có nhiệm vụ phải bênh vực những nạn nhân của các vụ bóc lột, đàn áp bất công ở xã hội. Tôi sẵn sàng tiếp thu những điều cáo buộc của ông và sẽ cố gắng trong khả năng hạn hẹp của mình để tìm cách góp phần làm giảm thiểu được những điều tệ hại đó. Và cuộc trao đổi giữa chúng tôi đã trở nên thân mật, cởi mở với sự thông cảm về cả hai phía. Đại cương, tôi có thể ghi lại cái ấn tượng sâu sắc mà vị linh mục này đã đem lại cho tôi, đó là cần phải chú ý đến thân phận của những sắc dân đang là nạn nhân khốn khổ không những của chiến tranh, mà còn của sự bành trướng thế lực của kẻ mạnh là người Kinh như tôi, khiến gây ra những sự thiệt thòi quá đáng của các người thiểu số vốn ngây thơ chậm chạp mà đã định cư tại địa phương từ bao nhiêu thế hệ trước đây.

* 2 – Vào hồi những năm 1965 – 66 trở đi, thì tôi lại có dịp tiếp súc với những người ngọai quốc làm việc trong tổ chức chuyên môn có tên là “Viện Ngôn ngữ Mùa Hè” (Summer Institute of Linguistics = SIL), có trụ sở trên đường Nguyễn Minh Chiếu – Phú Nhuận gần với doanh trại của Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. Đây là các chuyên gia về ngữ học hay các nhà truyền giáo thuộc các quốc gia nói tiếng Anh như Mỹ, Canada, Úc, Tân Tây Lan. Họ chuyên sống tại những bản làng của người thiểu số để nghiên cứu về ngôn ngữ khác lạ và tìm cách ghi thành chữ viết theo mẫu tự La tinh (phonetic transcription), rồi từ đó dịch bản Kinh thánh ra nhằm sử dụng cho việc truyền giáo. Thành ra đây là sự cộng tác giữa các nhà ngữ học (linguists) và các nhà truyền giáo (missionaries), mà kết quả là điều có ích lợi cho cả việc phổ biến ngôn ngữ và văn hóa của các sắc dân thiểu số trước kia ít người bên ngòai biết đến được. Dĩ nhiên là các vị trong viện này có thiện cảm với người thiểu số mà họ có dịp tiếp cận và sinh sống lâu năm chung nhau tại các bản làng hẻo lánh ở vùng cao nguyên. Họ cho tôi một số sách báo trình bày về những kết quả của việc nghiên cứu kiên trì về ngôn ngữ và văn hóa của các sắc dân thiểu số tại Việt nam.

Trong các tác giả nghiên cứu về vấn đề này, tôi chú ý đến ông Gerald Hickey là chuyên gia về dân tộc học và nhân chủng học. Sau khi làm việc ít lâu ở Việt nam cho tổ chức nghiên cứu RAND Corporation, ông Hickey trở về Mỹ và làm công việc giảng dậy và nghiên cứu tại các Đại học Chicago và Cornell. Ông mới qua đời năm 2010 ở tuổi 85. Cuốn sách “Sons of the Mountains” của ông xuất bản năm 1982  viết về người sắc tộc vùng cao nguyên được nhiều người chú ý và đánh giá cao.

* 3 – Sau năm 1975, thì có nhiều đợt di dân từ ngòai Bắc vào các tỉnh miền cao nguyên. Trong số người di dân này, thì có khá nhiều bà con từ vùng quê tỉnh Hà Nam Ninh xưa kia của tôi, vốn là nơi “đất hẹp người đông”. Họ là dân thường, nhưng cũng có người là bộ đội giải ngũ hay cựu viên chức của chính quyền ở ngòai Bắc, do vậy mà dễ được chính quyền địa phương hỗ trợ trong việc khai thác đất đai rộng mênh mông ở cao nguyên. Sự việc này gây thêm sự bất mãn của người dân thiểu số tại chỗ, đến nỗi gây ra những mâu thuẫn xung đột giữa các sắc dân tại đây.

Vào các năm 1992 trở đi, khi ở trại tù Hàm Tân, thì tôi có nghe nói là đã có nhiều người thiểu số bị giam giữ tại đây, sau những vụ “bạo lọan nổi dậy lẻ tẻ ở vùng cao nguyên” vào cuối thập niên 1970 qua đầu thập niên 1980. Tôi hiểu được phản ứng của họ trước việc bị mất đất đai canh tác như vậy, nhưng rõ ràng đây là những cuộc chiến đấu tuyệt vọng, kiểu như “lấy trứng chọi đá” vậy. Làm sao mà các nhóm dân lẻ tẻ lại có thể đối chọi cho được với cái guồng máy quân sự và an ninh đồ sộ của chính quyền cộng sản Hanoi vốn triệt để áp dụng sách lược “vô sản chuyên chính”?

Và kể từ khi ra đến hải ngọai từ năm 1996, thì tôi đã dễ dàng tìm hiểu thêm về tình hình thật đáng thương tâm của bà con người thiểu số tại vùng cao nguyên này. Cụ thể là Trung tá Nguyễn Văn Nghiêm, người đã gắn bó lâu năm với cơ quan thuộc Bộ Phát triển Sắc tộc thời chính quyền của Việt nam Cộng hòa trước năm 1975. Ông đã viết nhiều bài báo cũng như diễn thuyết trình bày về vấn đề gai góc này. Cũng như tổ chức Human Rights Watch trong mấy năm gần đây cũng đã liên tục phổ biến nhiều tài liệu nói về sự đàn áp của chính quyền cộng sản đối với các sắc dân thiểu số ở vùng cao nguyên, đến nỗi nhiều người đã phải trốn thóat sang nước láng giềng Cambodia. Những người tỵ nạn mới này tố cáo về thảm trang bị cán bộ chiếm hết đất đai của họ, rồi còn ngăn cản họ không được sinh họat tôn giáo, đặc biệt là theo đạo Tin lành trong các nhà thờ nhóm họp tại các tư gia (House Churches).

* 4 – Tại trong nước, thì nhà văn Nguyên Ngọc từ lâu nay đã lên tiếng rất mạnh mẽ, tố cáo chính sách tàn phá nặng nề đến môi sinh tại vùng rừng núi cao nguyên, khiến cho các sắc dân thiểu số tại đây phải lâm vào cảnh khốn đốn cùng cực không làm sao có thể cứu vãn được nữa. Và đặc biệt từ ngày chính quyền Hanoi để cho người Trung quốc vào khai thác quặng beauxite tại cao nguyên, thì đã gây ra những phản ứng rất mãnh liệt của giới trí thức chuyên gia nêu ra các phản biện chống lại dự án có thể gây ra những thiệt hại khủng khiếp đối với môi trường và cuộc sống của bao nhiêu con người hiện đang sinh sống trong vùng này. Trang web Beauxite Việt nam hiện đang được rất nhiều người dân trong nước, cũng như ngòai nước theo dõi tham gia và gây ra một phản ứng chống đối cực kỳ mạnh mẽ trong công luận.

Về phần mình, thì từ đầu năm 2000 tôi đã viết một bài báo nhan đề là : “Lẽ công bằng đối với người thiểu số ở Việt nam”, bài này đã được đăng tải trên nhiều tờ báo, đặc biệt là tạp chí Thế kỷ XXI phát hành tại California. Rồi trong nhiều cuộc hội thảo quốc tế được tổ chức tại các trường đại học ở các tiểu bang Virginia, Tennessee, Indiana…, tôi đã có dịp nêu ra những sự bất công đàn áp bóc lột đối với các sắc dân thiểu số ở Việt nam hiện nay. Cử tọa phần đông là các sinh viên trẻ tuổi từ nhiều quốc gia đến tham dự, và họ đã bày tỏ sự thông cảm đối với những nỗi khó khăn thiệt thòi của lớp người dân thiểu số này.

Là một luật gia, tôi phải đứng về phía những nạn nhân yếu đuối thân cô thế cô, chứ không bao giờ lại đồng lõa tiếp sức cho giới cầm quyền chuyên môn áp bức đè nén những người dân thấp cổ bé miệng, đặc biệt là các người thuộc sắc tộc thiểu số, như đã được ghi rõ chi tiết trong bài viết này vậy./

California, tháng Chín năm 2011

Đòan Thanh Liêm

Chúng ta không còn là lọai người ở tỉnh lẻ nữa.

Chúng ta không còn là lọai người ở tỉnh lẻ nữa.

( We are no longer provincial )

Đòan Thanh Liêm

Vào đầu năm 1916, Tổng Thống Woodrow Wilson đã bắt đầu công việc vận động thuyết phục Quốc Hội là nước Mỹ cần phải tham gia giúp đỡ Liên minh Anh Pháp trong cuộc Đệ nhất chiến tranh thế giới khởi sự từ năm 1914. Ông phát biểu một câu đã thành nổi danh như sau : “Chúng ta không thể còn là một dân tộc ở tỉnh lẻ nữa” (nguyên văn tiếng Anh : “We can no longer be a provincial nation” ).Tức là ông muốn xác nhận rằng nước Mỹ đã là một cường quốc với trách nhiệm trong công cuộc bảo vệ tự do và hòa bình trên khắp thế giới, chứ không còn là một quốc gia nhỏ bé, mà tự cô lập khỏi cộng đồng nhân lọai được nữa.

Câu nói này cũng có thể áp dụng cho người Việt đang sinh sống ở trên 60 quốc gia tiến bộ khắp thế giới hiện nay. Nhất là đối với lớp người trẻ là con em chúng ta đang vào lớp tuổi 30-40 đã trưởng thành chững chạc rồi, mà lại tiếp thu được một nền giáo dục văn minh với trình độ khoa học kỹ thuật phát triển cao độ tại các nước Âu Mỹ, thì rõ rệt là các em đã có một nhãn quan rộng rãi, thông thóang rất nhiều so sánh với thế hệ cha bác của mình.Đó là điều làm chúng ta thật vui mừng, vì như người xưa vẫn thường nói : “Hậu sinh khả úy”, và “Con hơn cha, nhà có phúc” vậy.

Vì được sinh sống trong một môi trường văn hóa xã hội tiền tiến như vậy, nên chúng ta dễ hấp thụ được những cái hay, cái đẹp của thế giới hiện đại. Nhờ vậy, mà số trên 3 triệu người Việt hải ngọai có thể đóng góp phần trí tuệ này vào công cuộc xây dựng và phát triển cho quê hương đất nước Việt nam của mình. Chứ không phải chỉ có sự chi viện kinh tế vật chất cho bà con ruột thịt ở quê nhà, như là đóng vai trò của một thứ “con bò sữa”. Cụ thể mà nói, thì chúng ta cần phải có được cái suy nghĩ tòan cuộc, cái viễn kiến sâu xa (global thinking/global vision) về tình hình các sự việc của tòan bộ thế giới ngày nay, cũng như của nước Việt nam nhỏ bé của mình trong khuôn khổ của cái thế giới ấy. Đúng như lời của Tổng Thống De Gaulle vào năm 1964-65 đã nhắn nhủ thanh niên sinh viên nước Pháp là : “Các bạn cần phải có một tầm nhìn vũ trụ (vision cosmique)”. Và còn hơn thế nữa, chúng ta lại có thể mời gọi, thuyết phục được các bạn bè quốc tế rất đông đảo, hùng hậu của mình, để cùng nhập cuộc liên đới với chúng ta trong sự nghiệp tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền của Việt nam, trong tinh thần ôn hòa, bất bạo động vốn là xu thế thời đại trong thế giới văn minh hiện nay.

Với ý hướng đó, trong bài viết này, tôi xin được trình bày về kinh nghiệm cụ thể rằng: “Phát triển Xã hội Dân sự chính là phương cách hiệu quả nhất để đi tới được một nền Dân chủ Tham gia” (Participatory Democracy). Như ta đã biết, XHDS là một trong ba khu vực cấu tạo thành cái không gian xã hội mà mỗi người chúng ta sinh sống trong một miền địa lý nhất định. Định nghĩa này có thể ghi vắn tắt thành một công thức như sau:

Không gian xã hội  =  Nhà nước + Thị trường kinh tế + Xã hội Dân sự.

( The Social Space   =  The State   + The Marketplace   + The Civil Society).

Cả ba khu vực này đều tồn tại song hành với nhau trong tư thế của sự cộng đồng sinh tồn (Coexistence), tức là không một khu vực nào lại tìm cách thay thế hay lọai trừ đơn vị kia.

Thông thường, thì ta có XHDS trong phạm vi lãnh thổ của một quốc gia, hay trong một đơn vị hành chánh nhất định. Nhưng với xu thế tòan cầu hóa ngày nay, thì đã có nhiều tác giả đề cập đến các khía cạnh của một thực thể lớn rộng hơn nữa, đó là “Xã hội Dân sự Tòan cầu” (Global Civil Society), mà thành phần đơn vị cụ thể là các Hội Hồng Thập Tự, Hội Hướng Đạo, Phong Trào Green Peace (Bảo vệ Môi sinh), Tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International), các Tổ chức Nhân đạo như Ford, Rockefeller, Bill Gates Foundation  v.v… Cũng tương tự như tổ chức Liên Hiệp Quốc (The United Nations = UN ), được khai sinh từ sau thế chiến thứ hai, thì cũng được coi như là một thực thể chính trị bao gồm mọi quốc gia trên thế giới ngày nay. Ta sẽ bàn chi tiết về XHDS Tòan cầu trong một dịp khác, vì bài này tập chú vào hiện tình XHDS tại Việt nam trong bối cảnh của phong trào phát triển về Dân chủ và Nhân quyền của thế giới ngày nay.

Trong vòng 30-40 năm nay, ý niệm về XHDS đã được phát triển phổ biến khắp nơi trên thế giới, qua môi trường hàn lâm đại học, cũng như qua các phương tiện truyền thông báo chí, và nhất là thông qua sự lớn mạnh của hàng triệu các tổ chức phi chánh phủ (NGO = Non-Governmental Organisations), các tổ chức từ thiện nhân đạo, các nhóm họat động xã hội dựa trên cơ sở một niềm tin tôn giáo (Faith-based social action groups) v.v… nhan nhản tại khắp các quốc gia trên thế giới, thì vai trò của XHDS lại càng được chú ý và được đề cao, cổ võ. Đặc biệt, kể từ khi chế độc độc tài tòan trị cộng sản bị xụp đổ tại Đông Âu và tại chính Liên Xô kể từ 20 năm nay, thì vấn đề “Phục hồi và Xây dựng lại XHDS tại các quốc gia cựu cộng sản này” lại càng được đặt ra một cách sôi nổi cấp thiết.

Xu thế chung tại các quốc gia “hậu cộng sản” này là : Quần chúng nhân dân dành lại được cái quyền chủ động của mình trong mọi lãnh vực chính trị, xã hội, kinh tế cũng như về mặt văn hóa, tâm linh. Cụ thể là các hội thiện nguyện về nhân đạo từ thiện cũng như về y tế, giáo dục và tôn giáo v.v… đã được phục hồi để cho các tư nhân được thỏai mái tham gia sáng kiến và hành động, mà không còn bị quyền lực của Nhà nước o ép, kiềm chế gắt gao như dưới chế độ cộng sản nữa. Và đây mới chính là sự thể hiện cái “Quyền Tự quyết, Quyền Tự Làm chủ” của người dân đối với xã hội và đất nước của mình. Kết quả là tại hạ tầng cơ sở của các xóm làng, các khu phố, người dân đã nô nức, phấn khởi hợp tác với nhau để tham gia vào công việc cụ thể và thiết thực, nhằm cải tiến môi trường sinh họat tại địa phương nhỏ bé của chính mình. Và xuyên qua những công tác cải tiến dân sinh cụ thể như thế, người dân càng thêm gắn bó thân mật với nhau và nhờ vậy mà xã hội được phát triển trong tình thân ái, tương trợ và liên đới giữa các thành viên với nhau hơn mãi. Tình trạng “Gắn bó xã hội” (Social Cohesion) này lại càng làm phong phú thêm cái nguồn” Vốn Xã hội” (Social Capital) của tòan thể cộng đồng. Nói cho gọn lại, thì XHDS trong giai đọan hậu cộng sản này đang đóng trọn vẹn cái vai trò làm “Đối tác với Nhà nước” (Counterpart) trong công cuộc xây dựng và phát triển xã hội ngay từ cấp hạ tầng cơ sở tại nông thôn cũng như tại môi trường đô thị.

Mặt khác, vì có tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do tư tưởng, tự do tôn giáo, tự do nghiệp đòan… là những nhân quyền căn bản như đã được ghi rõ trong Bộ Luật Quốc Tế về Nhân Quyền (The International Bill of Human Rights), nên XHDS đã có thể đóng trọn vẹn một vai trò khác nữa, đó là vai trò làm “Đối trọng” (Counterbalance) đối với Nhà nước, khiến cho chánh quyền không thể vượt quá giới hạn, lạm dụng quyền hành, tự tung tự tác, như dưới thời cộng sản chuyên chế độc tài được nữa. Tại Đông Âu hiện nay, giới sĩ phu trí thức, giới hàn lâm đại học, giới văn nghệ sĩ, cũng như giới lãnh đạo tinh thần của các tôn giáo, thì đều có điều kiện thỏai mái để góp phần phê phán, sửa sai đối với chánh quyền. Tiếng nói của họ được coi như “Tiếng nói Lương tâm” (The voice of conscience) của cả một dân tộc. Nhờ vậy, mà xã hội có thể tránh được bao nhiêu điều sai lầm tệ hại, thất nhân thất đức như đã xảy ra đầy rẫy dưới thời cộng sản, hay dưới thời độc tài phát xít Đức quốc xã trước đây. Kinh nghiệm này rất có ích cho quê hương chúng ta.

Tại Việt nam gần đây, tiếng nói phản biện về chuyện Nhà nước cộng sản đã để cho Trung quốc sang khai thác quặng bâu-xít ở miền cao nguyên, hiện đang gây một tiếng vang lớn trong dư luận quần chúng khắp nơi, cả ở trong cũng như ở ngòai nước. Đó là một dấu hiệu đáng mừng là giới sĩ phu trí thức đã mạnh dạn dấn thân nhập cuộc với tòan thể dân tộc trong việc bảo vệ môi sinh, bảo vệ lẽ sống còn của các sắc tộc thiểu số vốn xưa nay vẫn sinh sống tại miền rừng núi, với sắc thái văn hóa riêng biệt, đặc trưng của mình. Cũng như việc các thanh niên sinh viên đã dũng cảm chống lại việc Trung quốc xâm lấn Hòang Sa, Trường Sa và phần đất ở biên giới phía bắc của Tổ quốc ta. Mặc dầu bị chính quyền Hanoi đã thẳng tay đàn áp thô bạo, giới thanh niên này vẫn kiên trì theo đuổi công cuộc tranh đấu nhằm bảo vệ sự tòan vẹn của lãnh thổ Việt nam. Đây chính là điều rất tích cực góp phần tạo ra khí thế lạc quan, phấn khởi cho việc xây dựng tương lai của xứ sở. Và người ở hải ngọai như chúng ta cần phải hết lòng yểm trợ thật hiệu quả cho sự nghiệp tranh đấu và xây dựng trường kỳ như thế.

Nói vắn tắt lại, chúng ta cần phải chuyển giao cho thế hệ trẻ cái ngọn lửa nồng nàn của tình yêu thương chân thật và liên đới với đồng bào ruột thịt của mình, nêu cao tinh thần bảo vệ Nhân phẩm và Nhân quyền của người dân. Tình yêu thương đó phải được diễn tả cụ thể bằng hành động thiết thực, như tìm cách chấm dứt tệ nạn buôn người (Human Trafficking), đòi hỏi công bằng xã hội cho hàng triệu dân oan hiện đang bị mất nhà, mất đất tại khắp các miền nông thôn hẻo lánh, hỗ trợ cho các nhà tranh đấu cho Dân chủ, Nhân quyền mà đang bị chính quyền cộng sản sách nhiễu, bắt bớ giam cầm trong các nhà tù… Chúng ta cũng phải tận tâm chăm sóc cho các nạn nhân của thiên tai bão lụt, của bệnh tật ngặt nghèo như bênh phong cùi, bệnh HIV/ Aids…, góp phần nâng đỡ các học sinh, sinh viên thuộc các gia đình nghèo túng để các em có điều kiện tiếp tục việc học v.v…Các lọai việc này hòan tòan nằm trong phạm vi tầm tay của chúng ta, trong lãnh vực xã hội dân sự. Có ra  tay nhập cuộc cụ thể và tích cực như thế, thì ta mới thực sự góp phần vào việc tạo ra được một sự chuyển biến rõ rệt trong xã hội được. Như người Mỹ thường nói : That makes a difference, a change. ( Điều đó tạo ra sự khác biệt,sự chuyển biến).

Bài viết này được thành hình là nhờ ghi lại chi tiết câu chuyện tại bữa tiệc Mừng Xuân Kỷ sửu của Hội Luật gia Việt nam, được tổ chức vào ngày Chủ nhật 8 Tháng Ba 2009, nhằm đúng vào Ngày Quốc tế Phụ nữ, tại thành phố Milpitas, gần San Jose California. Tác giả xin gửi lời cảm ơn đặc biệt đến Thẩm phán Phan Quang Tuệ, Luật sư Ngô Văn Quang trong Ban Chấp Hành Hội Luật gia là hai vị đã gợi ý ra đề tài cho buổi nói chuyện này. Và như đã thưa ở trên, người viết xin hẹn sẽ khai triển chi tiết hơn về đề tài Xã hội Dân sự Tòan cầu trong một dịp khác nữa, bởi lẽ bài viết này đến đây thì đã quá dài rồi./

California, Mùa Xuân Kỷ sửu 2009.

Đòan Thanh Liêm

Mục sư Rick Warren và sự Nhập cuộc của tín đồ tôn giáo.

Mục sư Rick Warren và sự Nhập cuộc của tín đồ tôn giáo.

Bài của  :  Đoàn Thanh Liêm

Tại nước Mỹ kể từ sau khi thế chiến thứ hai chấm dứt, thì có nhiều vị mục sư nổi danh với ảnh hưởng rất lớn lôi cuốn được số đông quần chúng khắp nước Mỹ và cả ở ngoại quốc nữa. Trong số này, phải kể đến mục sư Billy Graham, mục sư Martin Luther King và mục sư Rick Warren.

Billy Graham sinh năm 1918 là một vị giảng thuyết lôi cuốn đến hàng trăm triệu người khắp nước Mỹ và cả trên thế giới. Luther King là vị lãnh đạo kiệt xuất của phong trào tranh đấu dân quyền  (civil rights movement) của người Mỹ gốc Phi châu trong các thập niên 1950-60. Rick Warren là một tác giả cuốn sách “The Purpose Driven Life” (Cuộc sống có mục đích) bán chạy nhất, đến trên 30 triệu cuốn trong vòng có 6-7 năm.

Trong bài này, tôi xin viết về mục sư Rick Warren là người trẻ tuổi nhất, sinh năm 1954 tại San Jose và là người sáng lập nhà thờ Saddleback Valley Community Church tọa lạc tại thành phố Lake Forest trong Quận Cam, miền Nam California liền sát với khu Little Saigon của người Việt chúng ta. Trong bài sau, tôi sẽ viết riêng về mục sư Billy Graham. Còn về mục sư Luther King, thì đã có quá nhiều người biết đến rồi, nên tôi thiết nghĩ khỏi cần viết gì thêm về ông nữa.

1 / Tóm lược tiểu sử của Rick Warren.

Rick Warren là con của một vị mục sư và chính bản thân ông cũng đã hiến dâng trọn cuộc đời mình cho việc rao giảng Tin Mừng của Chúa Cứu thế theo truyền thống của phái Tin Lành Southern Baptist. Ông tốt nghiệp bậc cử nhân tại California Baptist University ở Riverside, bậc cao học về Thần học tại Southwestern Baptist Theological Seminary ở Fort Worth, Texas và bậc tiến sĩ về mục vụ tại Fuller Theological Seminary ở Pasadena, California.

Ông thừa nhận mục sư Billy Graham, giáo sư Peter Drucker và mục sư Jimmy Warren người cha của ông là những vị trong số những cố vấn đáng tin cậy nhất của mình (mentor).

Năm 1975, sau khi được truyền chức mục sư, Rick Warren làm lễ thành hôn với Kay Lewis sinh trưởng ở San Diego trong một gia đình có người cha cũng là một vị mục sư. Hai ông bà có 3 người con hiện đều đã trưởng thành và 4 cháu nội ngoại. Cả hai người cùng hợp tác trong việc truyền đạo và phát triển cộng đoàn tín hữu từ con số vài trăm người lúc mới thành lập tại Saddeback trong thành phố Lake Forest vào năm 1980 lên đến con số trên 20,000 tín hữu vào năm 2005. Với số tín đồ thường xuyên tham dự thánh lễ và các sinh họat rất đa dạng hàng tuần đông đảo như vậy, Saddleback Valley Community Church đã trở thành một “Megachurch” đứng hàng thứ 8 trong số trên 1,200 “đại giáo đoàn” của toàn nước Mỹ hiện nay. Megachurch là một hiện tượng tiêu biểu cho phong trào phát triển tôn giáo rất mạnh mẽ, lôi cuốn được hàng triệu tín đồ của các giáo hội Tin lành trong vòng 50 năm qua tại nước Mỹ và cả tại Đại Hàn.

Song song với việc phát triển cơ sở mục vụ này, Rick còn đóng góp rất tích cực vào việc đào tạo, hướng dẫn cho trên 400,000 mục sư và giới chức lãnh đạo hội thánh trên toàn thế giới, dựa theo tinh thần đã được phác họa trong cuốn sách xuất bản lần đầu năm 1995, được bán rất chạy, với nhan đề là “The Purpose Driven Church”.

Rick Warren lại còn nổi danh hơn nữa với cuốn sách được xếp vào loại bán chạy nhất (bestseller), mà hiện đã lên đến 30 triệu cuốn, đó là cuốn sách có nhan đề “The Purpose Driven Life”. Người viết sẽ giới thiệu chi tiết hơn về hai cuốn sách này trong một dịp khác.

Với số lợi tức thu nhập thật lớn lao do việc bán sách, vào năm 2005 Rick Warren đã hoàn lại cho nhà thờ toàn bộ số lương bổng  ông nhận được trong 25 năm với cương vị một mục sư. Và còn hơn thế nữa, ông tiếp tục đóng góp cho nhà thờ 90% số lợi tức thâu nhập của mình, thay vì số 10% mà người tín đồ thường đóng góp vào công quỹ của hội thánh, được gọi là “tithe” (thập phân).Và ông bà tiếp tục sống thanh đạm trong căn nhà nhỏ bé, với cái xe cũ kỹ, chứ không hề có một biểu hiện xa hoa nào của một gia đình triệu phú thường tình.

Nhưng điều đáng ghi nhận hơn cả về vị mục sư danh tiếng này, chính là việc ông đã tổ chức cho các tín đồ và các bạn hữu thân tín của mình tham gia dấn thân nhập cuộc với các dự án hết sức lớn lao về xã hội, y tế, giáo dục và phát triển có tầm vóc toàn cầu. Ta sẽ xem xét công việc này trong các mục tiếp theo đây.

2 / Sự gắn bó với Phi châu : Khởi sự ở Rwanda.

Sau mấy năm chuẩn bị, Rick Warren đã bắt đầu một loạt chương trình hành động của “đại giáo đoàn Saddenback” được mệnh danh là PEACE plan tại nước Rwanda là nơi có cuộc diệt chủng kinh hoàng vào năm 1994, tàn sát đến gấn một triệu sinh mạng trong một quốc gia với dân số chỉ có 9 triệu người. Chữ PEACE này ngoài ý nghĩa là Hòa bình, lại chính là chữ viết tắt của khẩu hiệu gồm 5 mục : Promote Reconciliation, Equip servant-leaders, Assist the poor, Care for the sick, Educate the next generation (Phát triển công cuộc Hòa giải, Trang bị cho người lãnh đạo-phục vụ, Giúp đỡ người nghèo khó, Chăm sóc người bệnh tật, Giáo dục thế hệ tương lai).

Vào năm 2005, tức là 11 năm sau vụ diệt chủng, Rwanda vẫn còn là một quốc gia vào loại nghèo nhất trên thế giới với 90% dân chúng có thu nhập chưa tới 2 dollars mỗi ngày. Ngay từ lúc đặt chân tới đây, Warren liền phát động ngay một chương trình hành động cấp thời gồm nhiều phương diện y tế, xã hội, giáo dục và nhất là cả kinh tế. Ông dẫn các giám đốc xí nghiệp, các doanh gia từ trong số các thành viên của cộng đoàn Saddenback đến tiếp súc và làm việc với giới doanh nghiệp và nhân viên chánh phủ Rwanda để tìm cách xây dựng nền kinh tế của xứ sở này. Họ chú trọng vào công việc đào tạo huấn luyện cho các nhà doanh nghiệp nhỏ tại các làng quê hẻo lánh, cho đến cả việc yểm trợ các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở rất lớn lên đến nhiều triệu dollar. Điển hình như  dự án xây dựng đường sắt dài 720 miles nối liền Rwanda với Tanzania và Burundi, chi phí lên đến 2.5 tỷ mỹ kim vừa do 3 nước đó ký kết vào tháng Tư năm 2009.

Rick Warren rõ ràng là có tầm nhìn xa và có uy tín để kết hợp được cả giới lãnh đạo chánh quyền, giới doanh nghiệp tư nhân, cũng như giới lãnh đạo tôn giáo ở hạ tầng cơ sở tại những xóm làng hẻo lành, để cùng nhau thực hiện được rất nhiều dự án cụ thể về y tế đại chúng, từ việc lo chăm sóc cho hàng vạn người mắc bệnh HIV/AIDS, cho bao nhiêu trẻ mồ côi cha mẹ đã chết vì căn bệnh hiểm nghèo này, cho đến việc cấp vốn cho các gia đình nghèo túng để giúp họ phương tiện tự lực mưu sinh, để khỏi phải lệ thuộc mãi vào sự bố thí của người khác.

Phái đòan do Rick Warren hướng dẫn đã được chính Tổng thống Rwanda là Paul Kagame và tòan thể chánh phủ tín nhiệm và hợp tác rất chặt chẽ; nhờ vậy mà sau mấy năm làm việc chung với nhau, thì quốc gia này đã gặt hái được những thành quả rất đáng khích lệ về nhiều mặt kinh tế, xã hội cũng như văn hóa, ngọai giao.

3 / Quần chúng tín đồ các tôn giáo là một nguồn tiềm năng vô biên.

Trong nhiều dịp được mời tham gia các diễn đàn quốc tế như ở New York, Washington DC, ở Davos Thụy sĩ v.v…, Rick Warren đã luôn luôn trình bày rất thẳng thắn đại để như thế này :  “Trên thế giới ngày nay, chúng ta có đến trên 2 tỷ người tín đồ Thiên chúa giáo gồm Công giáo, Tin lành, Chính thống giáo, trên 1.5 tỷ người tín đồ Ấn độ giáo và Phật giáo và trên 1 tỷ người tín đồ Hồi giáo. Khối quần chúng tín đồ lớn lao như thế đó là một nguồn tài nguyên vô biên, mà cho đến nay chưa được mấy ai trong các tổ chức quốc tế chú trọng đúng mức để động viên thuyết phục họ cùng bắt tay dấn thân vào việc giải quyết những khó khăn bế tắc trầm trọng có tầm vóc tòan cầu. Riêng cá nhân tôi là một mục sư Thiên chúa giáo, thì với khả năng hạn hẹp của mình, tôi đã cùng với các tín đồ của nhà thờ Saddenback phát động kế hoạch PEACE để góp phần vào công cuộc phục vụ bà con đang gặp khó khăn ở nhiều nơi, cụ thể như ở Rwanda. Và tôi cũng ước mong quý vị tất cả nên chú ý đến cái khối tiềm năng vĩ đại này, hầu đề ra được những giải pháp tốt đẹp cho thế giới chúng ta đang gặp bao nhiêu bế tắc khủng hỏang ngày nay…”

Dịp khác, ông còn gợi ra hình ảnh tôn giáo là cái chân thứ ba để cùng hợp với khu vực nhà nước và khu vực tư nhân để tạo được thế đứng vững chắc cho tòan bộ chiếc ghế của thế giới ngày nay. Với uy tín sẵn có, Warren có dịp thường xuyên trao đổi và hợp tác với các nhân vật có tầm vóc họat động rộng rãi tòan cầu, điển hình như cựu Tổng thống Bill Clinton, cựu Thủ tướng Tony Blair …

Trong mùa tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2008, Warren đã mời được cả hai ứng cử viên John McCain và Barak Obama cùng đến Saddenback để trình bày với cử tri về lập trường của mỗi người trước những vấn đề hệ trọng của đất nước. Và mục sư Warren lại còn được mời đọc lời kinh cầu nguyện trong buổi lễ nhậm chức của Tổng thống Obama tại thủ đô Washington vào đầu năm 2009.

Tạp chí US News and World Report xếp hạng Rick Warren là một trong “25 vị lãnh đạo hàng đầu của nước Mỹ” vào năm 2005. Tạp chí Time thì gọi ông là một trong “15 nhà lãnh đạo thế giới đáng kể nhất trong năm 2004” và cũng là một trong “100 nhân vật có ảnh hưởng nhất trên thế giới” vào năm 2005. Còn báo Newsweek trong năm 2006, thì gọi ông là một trong “15 nhân vật đã làm cho nước Mỹ trở thành vĩ đại”.

Tuy được tung hô khen tặng như vậy, Warren vẫn luôn giữ được sự khiêm cung đạo hạnh của một tu sĩ. Ông thường xuyên cầu nguyện và bày tỏ sự tin tưởng tuyệt đối vào sự dẫn dắt của Thiên chúa trên bước đường phục vụ tha nhân. Niềm xác tín và lòng nhiệt thành của ông đối với sứ mệnh rao giảng lời Chúa như vậy đã lôi cuốn, thuyết phục được hàng triệu tín đồ cũng như các mục sư khác cùng nhau dấn thân nhập cuộc vào những chương trình cụ thể, thiết thực nhằm chống lại nạn nghèo đói và bệnh tật, mở mang về giáo dục cho lớp người bị gạt ra ngòai lề xã hội và bảo vệ môi sinh trên phạm vi tòan cầu.

Tư tưởng cũng như hành động của mục sư Rick Warren quả thật là rất gần gũi với lập trường của Hội đồng Giám mục Công giáo Châu Mỹ La tinh (CELAM) đã được xác định từ lâu, đó là “Sự Chọn lựa của Giáo hội đối với Người Nghèo khổ” ( Church’s Option for the Poor) vậy./

California đầu tháng Mười 2010

Đòan Thanh Liêm

Richard Holbrooke (1941 – 2010) * nhà ngọai giao lỗi lạc & nhà báo tài năng*

Richard   Holbrooke (1941 – 2010)

* nhà ngọai giao lỗi lạc & nhà báo tài năng*

Bài viết của Đoàn Thanh Liêm

Nhân đọc sách :

* The  Unquiet  American

Richard Holbrooke in the world

Edited by :  Derek Chollet & Samantha Power

Published by : Public Affairs, New York 2011

(Sách nguyên tác tiếng Anh dày 383 trang, bìa cứng)

Có bản E Book : www.publicaffairsbooks .com

*     *     *

Richard Holbrooke là một nhân vật kiệt xuất trong nền ngọai giao hiện đại của nước Mỹ. Ông còn là một nhà báo ngọai hạng được sự mến chuộng và tin tưởng của giới truyền thông báo chí. Không may, ông mất sớm vào cuối năm 2010, khi mới có 69 tuổi đang lúc còn làm việc trong chính quyền của Tổng thống Barack Obama. Bao nhiêu nhân vật lãnh đạo trong chính giới của Mỹ và của nhiều quốc gia trên thế giới đã bày tỏ lòng thương tiếc trước sự ra đi của một chính khách lỗi lạc này.

Riêng đối với số đông người tỵ nạn từ Đông Dương, thì Richard Holbrooke có thể coi như là một vị ân nhân thật đáng quý – bởi lý do ông là một người đã tận tình tranh đấu thuyết phục được Quốc Hội Mỹ chấp thuận cho nhập cư vào nước Mỹ mỗi năm 144,000 người chạy thóat khỏi chế độ độc tài cộng sản sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Ngay sau khi ông mất, các bạn hữu thân quen đã hợp lại với nhau để cùng viết về những kỷ niệm sâu sắc với ông và cuốn sách được thành hình do sự biên tập chu đáo của hai nhà báo tên tuổi là Derek Chollet và Samantha Power.

Cuốn sách được xuất bản vào cuối năm 2011 với nhan đề chính là : ” The Unquiet American “ (Người Mỹ Không Thầm Lặng). Đó là do dụng ý của các tác giả khiến chúng ta nhớ đến cuốn sách có tên tương tự là : “The Quiet American” (Người Mỹ Thầm Lặng) của nhà văn nổi tiếng người Anh là Graham Greene – được xuất bản hồi giữa thập niên 1950 và đã hai lần được xây dựng thành phim vào năm 1958 và 2002 – (bản tiếng Pháp có nhan đề là : “Un Américain bien tranquille” được nhiều bà con ở Việt nam biết đến)

Trước khi giới thiệu chi tiết về cuốn sách, xin mời bạn đọc xem qua về tiểu sử của Richard Holbrooke.

I – Sơ lược về tiểu sử của Richard Holbrooke.

Sinh trưởng năm 1941 tại New York trong một gia đình mà cha mẹ có nguồn gốc Do Thái di cừ từ nước Nga sau cuộc cách mạng Bolshevik, Richard Holbrooke sớm có năng khiếu về ngành báo chí và bang giao quốc tế. Cha ông là một bác sĩ, nhưng không may bị mất sớm lúc Richard mới có 15 tuổi. Nhưng theo ý nguyện của cha, cậu đã siêng năng học tập và được học bổng để theo học tại Đại học danh tiếng Brown và đã sớm tham gia cộng tác với tờ nhật báo của Đại học này; đó là một tờ báo mà ít có một đại học nào có thể duy trì nổi.

Từ hồi còn theo bậc trung học, Richard kết thân với David Rusk là con của vị Giáo sư nổi danh Dean Rusk – mà sau này là Bộ trưởng Ngọai giao dưới thời các vị Tổng thống Kennedy và Johnson. Gia nhập ngành ngọai giao, Richard Holbrooke được bổ nhiệm tới làm việc ở Việt nam vào tháng 6 năm 1963, chỉ vài tuần sau cuộc tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức ở Saigon. Các bạn đồng sự với Richard ở Việt nam vào thập niên 1960 như Tony Lake, John Negroponte v.v… mà nhiều giới chức Việt nam hay có dịp gặp gỡ tiếp súc – thì sau này đều trở thành những nhân vật quan trọng trong chức vụ Cố vấn An ninh bên cạnh Tổng thống hay Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quóc.

Là chuyên viên có tài năng và nhiều kinh nghiệm, Richard Holbrooke đã  gặt hái được nhiều thành tích đáng kể trong lãnh vực ngọai giao dưới thời các vị Tổng thống thuộc Đảng Dân chủ – cụ thể như là Phụ tá Ngọai trưởng đặc trách về Á châu dưới thời Tổng thống Jimmy Carter, rồi làm Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc dưới thời Tổng thống Bill Clinton. Richard Holbrooke đặc biệt nổi danh và được nhiều người đánh giá cao trong công cuộc giàn xếp ổn thỏa cho vụ tranh chấp đẫm máu tại Bosnia thuộc Liên bang Nam Tư cũ – mà cụ thể là Thỏa ước Hòa bình được ký kết giữa các bên lâm chiến tại thành phố Dayton trong tiểu bang Ohio vào năm 1995 (Dayton Peace Agreement). Sau này, ông đã viết cuốn Hồi ký về chuyện này với nhan đề : “To End a War”, cuốn sách đã trở thành một thứ sách bán chạy nhất (bestseller).

Ông cũng còn là một nhà báo có tên tuổi với nhiều bài viết được đăng tải trên các tờ báo và tạp chí nổi tiếng như New York Times, Washington Post v.v… Đặc biệt ông còn làm Chủ bút trong nhiều năm cho tạp chí Foreign Policy (từ 1972 đến 1977). Cuốn sách khác ông viết chung với một người khác với nhan đề “Counsel to the President” cũng là một bestseller nữa.

Trong lãnh vực kinh doanh, Richard Holbrooke cũng giữ vai trò điều hành cho hai cơ sở tài chính quan trọng là Crédit Suisse First Boston và Lehman Brothers. Lọai công việc trong ngành tài chính ngân hàng này đã đem lại cho ông một nguồn lợi tức đáng kể.

Trong lãnh vực từ thiện nhân đạo cũng như văn hóa xã hội, ông cũng tham gia tích cực với các tổ chức có quy mô họat động rộng lớn điển hình như Global Business Coaliton nhằm chống lại bệnh HIV/AIDS hay viện Hàn Lâm Mỹ tại Berlin là một trung tâm trao đổi văn hóa giữa hai dân tộc Mỹ – Đức.

Về cuộc sống riêng tư gia đình, Richard Holbrooke có hai bà vợ trước đã ly dị – và người vợ sau cùng của ông là Kati Marton cũng là một nhà báo và tác giả nổi danh xuất thân từ một gia đình tỵ nạn cộng sản vào giữa thập niên 1950 từ nước Hungary ở khu vực Trung Âu.

II – Giới thiệu tổng quát về cuốn sách.

A – Điểm qua về một số tác giả có bài đóng góp (Contributors)

Cuốn sách được phân bố trong 12 chương với tất cả là 12 tác giả viết bài đóng góp trong mỗi chương đều có tiêu đề riêng. Và trong mỗi chương đều có kèm theo nhiều bài báo của chính Richard Holbrooke viết trước đây trong thời gian gần 50 năm họat động sôi nổi trong nhiều lãnh vực đa dạng của ông.

Xin kê ra một số tác giả là những nhà báo và tác giả nổi danh :

* Trước hết là chính phu nhân Kati Marton đã viết bài Giới thiệu cho cuốn sách. Bà là tác giả của 7 cuốn sách, trong đó cuốn mới nhất có nhan đề là : “Enemies of the People” được đánh giá cao mà người viết đã có dịp giới thiệu vào năm 2011. Bà làm việc lâu năm cho hãng Truyền hình ABC News, National Public Radio và hiện là Giám đốc Ũy Ban Bảo Vệ Ký Giả. Người chồng trước của bà là Peter Jennings cũng là một nhà hướng dẫn chương trình thật tài ba và duyên dáng của hệ thống truyền hình ABC trong nhiều năm trước đây nữa.

* Hai Biên tập viên  (Editors) : Derek Chollet và Samantha Power thì cũng đều là những nhà báo cộng tác với các tờ Washington Post, Financial Times, The New Yorker, The New Republic. Riêng Samantha Power còn được giải thưởng Pulitzer vì cuốn sách “A Problem from Hell : America in the Age of Genocide”. Còn Derek Chollet thì là tác giả cuốn sách “ The Road to Dayton Accords : A Study of American Statecraft”. Ông cũng là người sọan diễn văn cho Richard Holbrooke khi ông này làm Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc nữa

* Strobe Talbott là Thứ trưởng Ngọai giao trong Nội các của Tổng thống Bill Clinton. Hiện ông là Chủ tịch của \Brookings Institution một thứ Think Tank danh tiếng của nước Mỹ.

* Jonathan Alter : Là nhà bỉnh bút cho Bloomberg View và có thời đã từng làm ký giả Phân tích Thời sự (Analyst) cho hệ thống Truyền hình NBC.

* Gordon Goldstein : Từng viết cho các báo NY Times, Washington Post, Newsweek và là tác giả cuốn sách nổi tiếng : “McGeorge Bundy & the Path to War in Vietnam”.

B – Liệt kê một sô chương đáng chú ý.

Nói chung, thì cuốn sách do những nhà báo có tên tuổi viết – mà tất cả lại đều có sự quý trọng, thông cảm và quen biết lâu năm với Richard Holbrooke – nên bài nào, chương nào cũng đem lại những mới lạ thích thú cho người đọc. Quả thật Holbrooke là một viên chức lỗi lạc đã có những đóng góp thật quý báu cho nền ngọai giao của nước Mỹ trong gần nửa thế kỷ gần đây.

* Riêng đối với người Việt chúng ta, thì nên chú ý đến hai chương III và IV có tiêu đề như sau :

Chương III :” Richard Holbrooke and the Vietnam War : Past and Prologue” do Gordon Goldstein viết trải dài trong 20 trang từ trang 76 đến 95, kèm thêm 5 bài viết của chính Holbrooke từ năm 1969 đến năm 2008 (trang 96 – 113).

Chương IV : “ Asia in the Carter Years” trong đó có bài “Restoring America’s Role in Asia” do Richard Bernstein viết trải dài từ trang (116 đến 131) – kèm theo 4 bài do chính Holbrooke viết từ 1975 đến 2008 (trang 132 – 161).

* Ngòai ra, thì cũng nên chú ý đến các chương V, VI, VII, VIII và IX nói về các đề tài :

Chương V : Europe in the Clinton Years

Chương VI : Bosnia & Dayton

Chương VII : The United Nations

Chương VIII : Fighting HIV/AIDS

Chương IX : Afghanistan & Pakistan

III – Để tóm lược lại.

A – Cuốn sách chứa đựng rất nhiều thông tin vừa chính xác, vừa sinh động về cuộc đời và sự nghiệp của một nhân vật kiệt xuất trong ngành ngọai giao và truyền thông báo chí tại nước Mỹ trong vòng gần nửa thế kỷ gần đây. Đúng như tác giả Strobe Talbott đã viết trong bài đầu với nhan đề :” Thinker, Doer, Mentor, Friend”, quả thật Richard Holbrooke  là một con người có sự suy nghĩ chín chắn vững vàng, mà cũng là một người hành động khôn ngoan cương quyết. Ông cũng là một người cố vấn, hướng dẫn tận tình cho lớp đàn em đặc biệt trong ngành truyền thông báo chí, mà Richard cũng còn là một người bạn thân tình ngay thẳng chân thật. Ít có viên chức cao cấp nào trong chính phủ Hoa kỳ mà lại có được cảm tình quý mến sâu đậm của nhiều người trên khắp thế giới như là Richard Holbrooke.

B – Ngay từ thời còn theo học ở Đại học Brown, lúc mới ở tuổi 18 – 19, Richard đã biết tìm đến phỏng vấn lãnh tụ Alexander Kerensky năm 1959 ở San Francisco, ông này lúc đó đã 78 tuổi. Kerensky là lãnh tụ đầu tiên của nước Nga sau khi chế độ Sa Hòang bị lật đổ năm 1917 và chính ông đã phải sớm đào thóat khỏi chế độ Bolshevik y hệt như người cha của Richard vậy.

Năm 1960, Richard còn được tờ nhật báo của Đại học Brown cử đi Paris để theo dõi Phiên họp Thượng đỉnh Eisenhower với Khrushev, nhưng phiên họp bị bãi bỏ vì Khrushev viện cớ Mỹ cho phi cơ U-2 do Francis Gary Powers lái để do thám Liên Xô mà bị bắn hạ trên đất Nga. Nhờ nói thông thạo tiếng Pháp, nên Holbrooke dễ thành công trong công tác ngọai giao sau này ở Việt nam cũng như ở Âu châu.

C – Nhân tiện, cũng xin ghi chi tiết hơn về việc Holbrooke tranh đấu vận động với Quốc Hội Mỹ chấp thuận cho nhập cư mỗi năm 144,000 dân tỵ nạn từ Đông Dương. Tại trang 130 trong sách, nhà báo Richard Bernstein có tường thuật lại chứng từ của John Negroponte rằng : “Dick Holbrooke có chỉ thị cho ông phải tìm cách thuyết phục Quốc Hội Mỹ chấp thuận nhận cho nhập cư mỗi tháng 12,000 dân tỵ nạn từ Đông Dương – như vậy mỗi năm tổng cộng là 144,000 người…” Lúc đó là vào năm 1978, Holbrooke đang là Phụ tá ngọai trưởng đặc trách về Á châu trong chính phủ Carter, nên ông đã tận tình lo lắng cho số phận người tỵ nạn chúng ta.  Dù nay ông đã quy tiên, tôi cũng xin được thay mặt cho các đồng bào tỵ nạn để bày tỏ lòng biết ơn sâu xa và chân thành đối với vị ân nhân đáng quý này vậy./

San Clemente California, Tháng Hai 2013

Đoàn Thanh Liêm

Tôn giáo và Xã hội Dân sự (III)

Tôn  giáo  và  Xã  hội  Dân  sự (III)

Lọat bài nhiều kỳ

Đòan Thanh Liêm

Bài 3 – Tôn giáo và Xã hội Dân sự Tòan cầu.

(Religion and the Global Civil Society)

Trong bài viết từ năm 2009 với nhan đề “ Sơ lược về Xã hội Dân sự Tòan cầu”, tôi đã có dịp trình bày về những nét chính yếu của một thực thể văn hóa xã hội đang mỗi ngày một thêm phát triển trong thế giới ngày nay với khuynh hướng tòan cầu hóa về nhiều phương diện, đặc biệt là về mặt khoa học kỹ thuật, về kinh tế chính trị, cũng như về văn hóa xã hội, và nhất là về sự bùng nổ thông tin qua kỹ thuật của mạng lưới tòan cầu internet vào những năm đầu của thế kỷ XXI hiện nay.

Trong bài viết này, tôi muốn được trình bày rõ ràng chi tiết hơn về các mặt sinh họat của Tôn giáo trên bình diện địa lý trải rộng khắp mọi vùng của thế giới nhân sinh, cũng như trên phương diện quy mô những vấn đề hệ trọng có liên hệ mật thiết đến sự sống còn của tòan thể các dân tộc hiện đang sinh sống trên hành tinh trái đất này.

Để độc giả dễ bề theo dõi câu chuyện, tôi xin được nhắc lại một cách hết sức vắn tắt về vài ba điều cốt yếu đã được đề cập đến trong các bài trước thuộc về chủ đề Xã hội Dân sự, mà có liên quan chặt chẽ đến sinh họat của càc tổ chức thuộc bất kỳ niềm tin tôn giáo nào. Tiếp theo, ta sẽ nêu ra những đường hướng phát triển sinh họat tôn giáo trong bối cảnh chung của xã hội đang trên đà tòan cầu hóa hiện nay vào đầu thế kỷ XXI.

A –  Tôn giáo phát triển cùng nhịp với Xã hội Dân sự.

1 – Trước hết, tôn giáo là một thành phần quan trọng nằm trong khu vực Xã hội Dân sự, với tính chất “ phi chính phủ “ (non- governmental NGO) và “bất vụ lợi” (non-profit), tức là nằm ngòai khu vực chính quyền Nhà nước, mà cũng khác biệt với khu vực Thị trường của các công ty xí nghiệp là những cơ sở kinh doanh chỉ nhằm mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận (for profit). Bình thường XHDS, cũng như Thị trường kinh doanh sinh họat trong khuôn khổ của một quốc gia, và chịu sự chi phối của luật pháp trong quốc gia đó. Trong nhiều quốc gia hiện nay, điển hình như ở Mỹ, ở Ấn độ, thì đã có đến hàng triệu những tổ chức NGO và nhiều triệu những nhóm nhỏ (small groups) mà lại có những họat động tại nhiều nơi trên trường quốc tế, chứ không phải chỉ giới hạn trong phạm vi nhỏ bé của riêng nước mình. Lại nữa, nhiều tổ chức nhỏ như Phong trào Bảo vệ Môi sinh (Green Peace), tổ chức Minh bạch Quốc tê (Transparency International), Ân xá Quốc tế (Amnesty International) v.v…, thì lại có họat động trên phạm vi tòan cầu, mặc dầu ngân sách và nhân sự của họ rất là eo hẹp hạn chế.

2 – Nhưng với sự phát triển của những công ty đa quốc gia (multi-national corporations), những định chế kinh tế tài chính đồ sộ như Ngân Hàng Thế giới (World Bank WB), Quỹ Tiền tệ Thế giới  (International Monetary Funds IMF)…, thì trên thế giới ngày nay đang trổi lên một thực thể kinh tế đồ sộ được gọi là nền kinh tế tòan cầu (the Global Economy).

Rồi đến tổ chức Liên Hiệp Quốc tuy chưa phải là một thứ “Chính phủ Tòan cầu” với thẩm quyền bao trùm trên mọi quốc gia thành viên, thì đó cũng là một Diễn Đàn, một Cơ cấu chính trị có tính cách tòan cầu nhằm giải quyết những tranh chấp mâu thuẫn giữa các quốc gia, cũng như tăng cường sự hợp tác phát triển và tình liên đới huynh đệ giữa mọi thành viên trong cộng đồng quốc tế.

Và cũng trong chiều hướng phát triển tương tự như thế, mà ta có thể nói rằng hiện đang có một thực thể văn hóa xã hội bao quát trong thế giới hiện đại được gọi là “Xã hội Dân sự Tòan cầu” (the Global Civil Society).

3 – Nhờ sự giao thông di chuyển mau lẹ, cũng như thông tin liên lạc dễ dàng, và nhất là phong trào di dân từ nước này qua nước khác mỗi ngày một thêm phát triển, các tôn giáo đã thiết lập được cả một hệ thống những tổ chức họat động riêng biệt của mình vượt ra ngòai mọi biên giới quốc gia, qua các nhà dòng thừa sai hay do các cơ sở văn hóa xã hội, từ thiện nhân đạo. Hiện tượng phổ biến này không phải là đặc trưng duy nhất xưa nay của Thiên chúa giáo từ các quốc gia Âu Mỹ, mà còn được thấy trong mọi tôn giáo, cụ thể như với phong trào phát triển Hồi giáo rất mạnh mẽ khắp nơi từ hơn nửa thế kỷ nay, hoặc sự phổ biến tại các nước Âu Mỹ của các trung tâm về thiền học xuất phát từ Á châu, của đạo Hindu xuất phát từ tiểu lục địa Ấn độ, của đạo Bahai’ xuất phát từ Ba Tư v.v…

Thành ra tình trạng đa dạng và đa nguyên về Tôn giáo (religious diversity/pluralism) mỗi ngày càng thêm khởi sắc tại nhiều quốc gia tiến bộ trên thế giới ngày nay. Và hậu quả là nhân lọai đang có một tinh thần bao dung về phương diện tôn giáo (religious tolerance) được cổ võ khích lệ ở mức độ cao nhất trong lịch sử các dân tộc từ xưa tới nay. Đó quả là một bước tiến bộ rất đáng lạc quan cho lòai người sau bao nhiêu thế kỷ tranh chấp đẫm máu tàn bạo vì lý do mâu thuẫn tôn giáo.

B – Tôn giáo ngày nay lại có thêm nhiều điều kiện     thuận lợi hơn để phục vụ con người và xã hội.

1 – Một số nhân vật điển hình nổi bật vì những họat động từ thiện nhân đạo và tranh đấu bảo vệ nhân phẩm và nhân quyền, cũng như góp phần vào công cuộc xây dựng hòa bình trên thế giới.

Trước khi phân tích về cơ cấu tổ chức và lề lối điều hành của các chương trình hành động xã hội dựa vào niềm tin tôn giáo ( Faith-based Social Action Program), ta có thể liệt kê ra một số nhân vật tôn giáo xuất chúng với những họat động được cả thế giới biết đến và cảm phục, cụ thể như sau đây :

a/ Mục sư Albert Schweitzer với bệnh viện chăm sóc cho người nghèo túng ở vùng rừng rậm trong xứ Gabon ở Phi châu. Ông sinh trưởng tại vùng Alsace, mà vừa là nhà thần học, nhạc sĩ và bác sĩ y khoa, ông có liên hệ bà con với thân mẫu của triết gia Jean Paul Sartre. Sự hy sinh kiên trì của ông trong việc chăm sóc cho các bệnh nhân ở Phi châu đã được thế giới đánh giá rất cao, và ông đã được cấp phát giải thưởng Nobel Hòa bình vào năm 1952.

b/ Nữ tu Teresa ở Calcutta, thường được gọi là Mẹ Teresa (Mother Teresa) là người xứ Albania mà qua phục vụ những người khốn cùng nhất trong khu vực Calcutta thuộc tiểu lục địa Ấn độ. Cả thế giới khâm phục sự hy sinh của bà cũng như của các chị em nữ tu Bác ái do bà điều khiển để tận tình chăm sóc cho những người tuyệt vọng vì bệnh họan, đói khát cận kề với cái chết. Chính cái cung cách chăm lo trìu mến chân thành như thế đối với lớp người cùng đinh mạt hạng trong xã hội Ấn độ đã làm cho tòan thế giới cảm kích mến chuộng và Chánh phủ Na Uy đã cấp phát cho Mẹ Teresa giải thưởng Nobel Hòa bình vào năm 1979, và chánh phủ Ấn độ cũng đã cấp phát quy chế công dân danh dự cho bà.

c/ Giám mục Desmond Tutu tại Nam Phi là một trong những người nổi tiếng trên thế giới vì đã tận lực tranh đấu chống nạn kỳ thị chủng tộc Apartheid ở Nam Phi và ông đã được vinh danh với giải thưởng Nobel Hòa bình vào năm 1984, cùng với nhiều giải thưởng cao quý khác trên thế giới. Ông cũng được Tổng thống Nelson Mandela mời chủ tọa Ủy Ban Sự Thật và Hòa Giải ở Nam Phi vào cuối thập niên 1990, nhằm hàn gắn những hận thù sâu đậm nặng nề giữa các sắc dân da trắng và da màu do chế độ kỳ thị tàn ác lâu đời Apartheid gây ra.

d/ Mục sư Martin Luther King ở Mỹ là một kiện tướng lãnh đạo phong trào tranh đấu dân quyền của lớp người da màu chống lại nạn kỳ thị tàn bạo, dày xéo nhân phẩm lâu đời đối với người Mỹ gốc Phi châu tại các tiểu bang thuộc khu vực miền Nam. Việc tranh đấu bất bạo động mà rất mực kiên quyết của ông đã được tòan thể người da màu hưởng ứng, và gây được sự ngưỡng mộ và thiện cảm của khắp thế giới, ông được tôn vinh với giải thưởng Nobel Hòa bình năm 1964. Nhưng tiếc thay, vào năm 1968, ông lại bị một kẻ cuồng tín sát hại.

e/ Mục sư Rick Warren tại Saddleback Valley Community Church trong Quận Cam, California được tạp chí Time xếp vào danh sách “15 nhà lãnh đạo thế giới đáng kể nhất trong năm 2004”. Ông là tác giả của cuốn sách bestseller, bán được trên 30 triệu cuốn  trong vòng có 6 – 7 năm. Cộng đòan tín hữu xung quanh ông hiện đã lên đến con số trên 25,000 người, được xếp hàng thứ 8 trong số trên 1,200 Megachurch (Đại giáo đòan) tại Mỹ. Megachurch này đặc biệt đang góp phần cộng tác với chánh phủ và nhân dân Rwanda trong việc thực hiện một chương trình xây dựng và phát triển kinh tế xã hội và nhân đạo rất lớn lao tại xứ sở này ở Phi châu là nơi đã xảy ra vụ tàn sát diệt chủng ghê rợn vào năm 1994. Megachurch này cũng tham gia hết sức tích cực vào việc chăm sóc cho hàng chục triệu nạn nhân bệnh HIV/AIDS ở Phi châu nữa.

f/ Ông Inamullah Khan là vị sáng lập và Tổng thư ký Hội nghị Hồi giáo Thế giới (The World Muslim Congress) tại Karachi, Pakistan. Ông dành trọn cuộc đời để xây dựng hòa bình giữa người Muslim, Thiên chúa giáo và Do thái giáo. Đặc biệt, ông còn đóng vai trò chủ yếu trong việc giàn xếp chấm dứt cuộc chiến tranh giữa Iran và Irak hồi đầu thập niên 1980. Năm 1987, ông được cấp phát Giải thưởng Hòa bình Niwano của Nhật bản. Và năm 1988, ông còn được lãnh Giải thưởng Templeton ở Anh quốc vì những đóng góp cho sự Tiến bộ về Tôn giáo, giải thưởng này có giá trị hiện kim là 1,000,000 đồng bảng Anh, còn cao hơn giải Nobel Hòa bình nữa. Ông qua đời vào năm 1997 ở tuổi 85, trước sự thương tiếc của biết bao nhiêu người.

g/ Đức Dalai Lama, vị lãnh đạo tinh thần và chính trị của Tây tạng cũng đã được trao tặng giải Hòa bình Nobel năm 1989, vì luôn cổ võ giải pháp hòa bình dựa trên sự khoan dung và tương kính lẫn nhau  nhằm bảo tòan truyền thống lịch sử và văn hóa của dân tộc Tây tạng. Vị lãnh đạo này kiên quyết chống đối việc sử dụng bạo lực trong cuộc tranh đấu nhằm giải phóng cho xứ sở của ông. Ngài được người dân Tây tạng tôn kính như là Vị Phật sống vậy.

2 – Chương trình Hành động Xả hội dựa vào Niềm Tin.

Nói chung, thì tôn giáo nào cũng có ba lọai sinh họat chính yếu, đại để là : Giảng đạo- Giáo lý-Nghi lễ (Ministry), Phục vụ Xã hội (Service) và Xây dựng Hòa bình (Peacebuilding).

Vì lý do kỹ thuật quản lý điều hành, các nhiệm vụ này được phân bố cho các cơ sở khác nhau, cụ thể như cơ quan Catholic Relief Services (CRS = Cứu trợ Công giáo) thì dù do Giáo Hội Công giáo Mỹ thành lập, nhưng họat động lại tách biệt khỏi hệ thống mục vụ của giáo quyền. Cơ quan World Vision (WV) cũng vậy, đó là một tổ chức họat động rất mạnh mẽ cùng khắp thế giới, nhưng cũng không trực tiếp thống thuộc vào một thẩm quyền của một Giáo hội Tin lành nào.

a/ Sau một quá trình họat động lâu dài, các tổ chức từ thiện nhân đạo này đã rút tỉa được nhiều kinh nghiệm quý báu, để mở rộng phạm vi họat động ra nhiều lọai dịch vụ phong phú nhằm đáp ứng được nhu cầu mỗi ngày thêm phức tạp của người dân, với sự khác biệt rõ rệt về truyền thống văn hóa xã hội, cũng như tôn giáo tại các châu lục khác nhau.

Khởi đầu, đó chỉ là một chương trình cứu trợ khẩn cấp để cấp phát thực phẩm, quần áo, thuốc men cho các nạn nhân thiên tai vì động đất, bão lụt hay do chiến tranh gây ra. Nhưng lần hồi, thì các tổ chức lớn như World Vision, Catholic Relief Services… lại đã có sáng kiến thực hiện những dự án có tính cách phát triển về kinh tế kỹ thuật (economic and technical development projects) nhằm giúp người dân có thể tự túc mưu sinh một cách lâu bền được, mà không phải cứ ngửa tay đi xin viện trợ, xin của bố thí mãi. Muốn làm được như vậy, các tổ chức này phải tìm cách “liên kết” (in partnership) với các đối tác ở từng địa phương, cũng như với các cơ quan chuyên môn của Liên Hiệp Quốc như UNESCO, UNICEF, UNHCR, WHO, ILO ( Cơ quan Văn hóa, Cứu trợ Nhi đồng, Cao Ủy Tỵ nạn, Tổ chức Y tế, Văn phòng Lao Động) v.v…

b/ Một vài con số thống kê minh họa.

*Vào năm 2007, ngân sách của World Vision là 2.6 tỉ mỹ kim, với tổng số nhân viên là 40,000 người, mà trên 90% là người địa phương các quốc gia sở tại và họat động sát cánh với người dân tại trên 100 quốc gia trong cuộc tranh đấu chống lại nạn đói, sự nghèo túng, nạn bất công xã hội… Riêng tại Ấn độ, WV đã có kinh nghiệm làm việc ở đây từ trên 50 năm dàn trải khắp 26 tiểu bang của quốc gia rất đông dân này. WV còn có sáng kiến hướng dẫn cho giới nông dân ở các nước Á châu, Phi châu, châu Mỹ Latinh mở những nông trại nhỏ với những kỹ thuật đơn giản để cho họ và gia đình có thể tự túc được (small farms for self-reliance).

*Vào năm 2010, ngân sách của CRS là trên 900 triệu mỹ kim với tổng số nhân viên là trên 5,000 người và cũng họat động tại 90 quốc gia. CRS cũng đã chi ra 190 triệu mỹ kim để cứu trợ các nạn nhân nạn Sóng thần Tsunami ơ Indonesia năm 2004. CRS cũng dự trù cung ứng 200 triệu mỹ kim trong 5 năm cho các nạn nhân nạn động đất ở Haiti năm 2010.

Ngòai ra CRS lại còn thường xuyên tổ chức các khóa hội thảo quốc tế về Xây dựng Hòa bình tại các cơ sở chuyên môn như Mindanao Peace Institute ở Philippines, tại Joan B Kroc Institute for International Peace Studies tại Đại học Notre Dame ở Indiana Hoa kỳ.

c/ Họat động cứu trợ của Hồi giáo và Phật giáo.

*Từ 40 – 50 năm gần đây, với sự tăng giá của dầu hỏa, nên nhiều quốc gia Hồi giáo ổ vùng Trung Đông đã trở nên giàu có, và họ đã rộng rãi đóng góp vào việc từ thiện xã hội tại nhiều nới, nhất là đối với các đồng đạo của họ mà gặp khó khăn vì thiên tai hay do bị độc tài áp bức như ở Liên Xô thời đó. Tại nhiều nước như Ả rập Seoud chẳng hạn, chính quyền đã giúp thiết lập một cơ quan cứu trợ Hồi giáo lấy tên là “International Islamic Relief Organisation” (IIRO). Vào năm 1984, một tổ chức độc lập được thành lập và lấy tên là “Islamic Relief Worldwide” (IRW). Tổ chức IRW này được nhận vào làm thành viên của Hội Đồng Kinh tế Xã hội của Liên Hiệp Quốc, và liên kết họat động với Hội Hồng Thập tự Quốc tế và Hội Lưỡi Liềm Đỏ (Red Crescent) và  cùng chung sức với 15 thành viên liên kết khác nữa. Ngân sách của IRW vào năm 2009 được ghi là có trên 100 triệu mỹ kim.

*Về phía Phật giáo, thì chưa có những tổ chức từ thiện nào có quy mô lớn lao có thể so sánh với các tổ chức WV, CRS, IRW nói trên. Nhưng từ xưa, tại các chùa ở miền quê hẻo lánh, thì các Phật tử ở địa phương vẫn thường xuyên tổ chức việc cứu đói, cứu nạn nhân thiên tai bão lụt v.v… Gần đây báo chí có đưa tin một số chùa ở Thái Lan đã thâu nhận và săn sóc cho những người bị bệnh HIV/AIDS mà bị gia đình hay xã hội ruồng bỏ. Trên Internet, ta có thể tìm thấy thông tin về một cơ quan lấy tên là Buddhist Global Relief (BGR) mới được thành lập 4-5 năm nay, và có chương trình họat động tai Kenya, Niger, Sri Lanka, India, Cambodia, Haiti, Mỹ và Việt nam. Ngân sách của BGR năm 2009 được ghi là có trên 111,000 mỹ kim.

Cũng cần ghi thêm về Quỹ Từ Tế ( Tzu Chi Foundation – the Buddhist Compassion Relief) do Sư Bà Chứng Nghiêm (Cheng Yen) ở Đài Loan thiết lập từ năm 1966 nhằm góp phần vào các chương trình phát triển cộng đồng, đặc biệt về y tế, giáo dục và nhân bản ở Đài Loan và tại nhiều quốc gia khác. Hiện nay Quỹ đã quy tụ được 10 triệu thiện nguyện viên và yểm trợ viên tại 50 quốc gia và điều hành các chương trình cứu trợ tại trên 70 nước khắp thế giới. Tháng 4 năm 2011, tuần báo Time đã xếp tên tuổi của Sư Bà Cheng Yen vào danh sách “ 100 Nhân vật có Ảnh hưởng nhất trên thế giới”. Có người còn gọi Sư Bà là một “Mẹ Teresa ở Đài loan” nữa.

C – Để tóm lược lại.

Qua sự trình bày sơ lược trên đây, ta có thể tạm thời rút ra được một vài ghi nhận khái quát như sau :

1 – Vì giàu lòng từ bi bác ái, nên tôn giáo nào cũng dễ dàng kêu gọi các tín đồ của mình tham gia tích cực vào công việc từ thiện nhân đạo để cứu trợ người đồng lọai đang gặp cảnh khó khăn ngặt nghèo do thiên tai hay do chiến tranh tàn phá. Khi dấn thân nhập cuộc để thực hiện những công tác này, các tôn giáo đã đóng vai trò “làm đối tác” đối với chính quyền nhà nước trong sự nghiệp phục vụ quần chúng nhân dân, như đã trình bày ở bài 1 trong lọat bài này (counterpart).

2 – Nhưng lần hồi các tôn giáo đã mở rộng thêm phạm vi họat động nhân đạo sang các lãnh vực khác như phát triển kinh tế xã hội, tìm mọi cách để bảo vệ các nạn nhân của nạn buôn người, của nạn bất công đàn áp bóc lột, nạn độc tài chà đạp nhân phẩm và nhân quyền của các công dân… Ngòai ra, các tôn giáo còn đi xa hơn nữa trong lãnh vực “Làm trung gian để giàn xếp những mâu thuẫn tranh chấp ở các địa phương”, cùng tìm cách góp phần vào công việc “Xây dựng Hòa bình trên Thế giới” nữa. Để có thể thực hiện viên mãn được những công việc khó khăn phức tạp này, các tôn giáo đã bắt đầu biết cách liên kết rộng rãi với giới hàn lâm đại học (academia),với các tổ chức NGO khác, và cả với các cơ quan chuyên môn của Liên Hiệp Quốc nữa. Làm như thế, các tôn giáo đã đóng được “vai trò làm Đối trọng đối với các chính quyền nhà nước” (counterbalance) trong ý hướng bảo vệ Công lý và Hòa bình cho con người trong xã hội ngày nay vậy.

3 – Nhờ sự cộng tác chân thành và sự liên kết bền chặt với nhiều thành phần có niềm tin tôn giáo khác nhau, qua những công tác cụ thể, thiết thực nhằm phục vụ đồng lọai kém may mắn trong suốt một thời gian lâu dài như vậy, mà các tôn giáo đã tạo ra được sự thông cảm, bao dung và tương kính lẫn nhau giữa các khối đông đảo quần chúng tín đồ của mỗi tôn giáo, để cùng chung sức góp phần xây dựng được một cuộc sống an lành, hòa nhã và nhân ái cho mọi người trong xã hội ngày nay.

Dĩ nhiên là vẫn còn một số thành phần cực đoan quá khích trong hàng ngũ các tín đồ, nhưng đó chỉ là một thiểu số rất nhỏ bé mà thôi, ta không nên quá bi quan với tình trạng tiêu cực này. Đại bộ phận các tín đồ vẫn còn giữ được truyền thống đạo hạnh, lương hảo và luôn sẵn sàng liên đới chia sẻ với nỗi bất hạnh khốn khổ của người đồng lọai.

Đó mới đích thực là niềm hy vọng chứa chan cho nhân lọai chúng ta vào đầu thế kỷ XXI ngày nay vậy./

(Trong các bài kế tiếp, chúng tôi sẽ lần lượt trình bày chi tiết cụ thể hơn về tình hình sinh họat xã hội của các tôn giáo ở các địa phương, đặc biệt là ở Phi châu, Á châu và châu Mỹ Latinh, cũng như tại các quốc gia cựu-công sản ở Đông Âu nữa.)

California, Tiết Vu Lan năm Tân Mão 2011

Đòan Thanh Liêm