Cháy cao ốc 24 tầng ở London, 12 chết, 74 bị thương

Cháy cao ốc 24 tầng ở London, 12 chết, 74 bị thương

Tòa nhà 27 tầng ở London bị khói lửa bao quanh. (Hình: DANIEL LEAL-OLIVAS/AFP/Getty Images)

LONDON, Anh (AP) – Một đám cháy lan rộng khắp tòa nhà 24 tầng ở London, Anh, vào lúc 1 giờ sáng Thứ Tư, làm ít nhất 12 người chết và 74 người bị thương, các giới chức khẩn cấp nói.

“Đây sẽ là một công tác lâu dài và phức tạp trong việc hồi phục,” ông Stuart Cundy, cảnh sát trường London, nói, và cho biết thêm số người chết sẽ gia tăng.

Một phụ nữ phải quăng một đứa bé ra khỏi cửa sổ và một người đàn ông tìm cách đón được, một nhân chứng cho biết.

“Đây là một tai nạn chưa từng có,” bà Dany Cotton, chỉ huy cứu hỏa London nói với báo giới. “Trong 29 năm làm lính cứu hỏa, tôi chưa bao giờ thấy đám cháy lớn như vậy.”

Bà e rằng lính cứu hỏa có thể tìm thấy thêm nhiều nạn nhân trong tòa nhà.

Tại hiện trường, người ta thấy lửa phun ra từ các cửa sổ đi suốt từ dưới lên trên qua 24 tầng lầu tòa nhà Grenfell Tower tại khu North Kensington, trong lúc lính cứu hỏa lo dập đám cháy.

Khói bọc xung quanh tòa nhà và cao đến mức ở xa hàng dặm đường vẫn thấy được.

Thị Trưởng Sadiq Khan của London nói qua Twitter rằng thành phố tuyên bố đây là một vụ cháy lớn.

Mười hai giờ sau, đám cháy vẫn chưa hết, và nhiều xe cứu thương vẫn còn ở hiện trường.

Hiện chưa biết có ai bị kẹt bên trong tòa nhà hay không, nhưng những người ở hiện trường nói rằng, họ không thể liên lạc được với bạn bè và gia đình ở bên trong.

Bà Nassima Boutrig, sống đối diện tòa nhà bị cháy, nói rằng bà bị tiếng còi xe cứu hỏa đánh thức, và thấy khói dày đặc bay đầy vào nhà mình.

“Chúng tôi thấy người ta la hét,” bà nói. “Nhiều người kêu lớn ‘cứu, cứu, cứu.’ Lính cứu hỏa chỉ có thể giúp người ở các tầng dưới. Lửa bùng lên, bùng lên, bùng lên. Lính cứu hỏa không thể ngăn ngọn lửa.”

Bà Boutrig nói anh, vợ, và các con của bạn bà sống trong tòa nhà đó, và các bạn của bà đang chờ bên ngoài xem họ có bị gì không.

Sở Cứu Hỏa London cho biết điều động 45 xe cứu hỏa và 200 lính cứu hỏa tới hiện trường.

Ông Dan Daly, phụ tá chỉ huy cứu hỏa, nói rằng đây là một tai nạn lớn và rất nghiêm trọng.

“Linh cứu hỏa đeo mặt nạ chống khói đang làm việc tối đa trong điều kiện rất khó khăn để dập tắt ngọn lửa,” ông Daly nói qua trang Facebook của sở cứu hỏa.

Ông George Clarke, người phụ trách chương trình “Amazing Spaces,” nói với đài phát thanh Radio 5 Live rằng người ông dính đầy tro mặc dù đứng cách hiện trường khoảng 100 mét.

Ông nói ông nhìn thấy một số người ở trên những tầng cao vẫy tay, và thấy nhân viên cấp cứu làm việc “rất tuyệt vời” tìm cách đưa người ra khỏi tòa nhà.

Ông Tim Downie, sống cách tòa nhà không xa, nói với Press Association của Anh rằng ông lo sợ tòa nhà sẽ sập. Ông nói ông nghe tiếng còi hụ, trực thăng, và tiếng la hét, rồi sau đó là cả tòa nhà chìm trong lửa.

“Đây là cảnh tượng khủng khiếp nhất mà tôi từng chứng kiến. Tôi chỉ hy vọng là không ai bị kẹt trong tòa nhà,” ông nói. “Người ta mang cả nước, quần áo, hoặc bất cứ thứ gì đến khu vực để giúp mọi người.”

Tòa nhà được xây năm 1974, có 120 căn hộ, và vừa mới được sửa chữa với chi phí $11 triệu. (Đ.D.)

LINH MỤC, NGƯỜI LÀ AI?

 LINH MỤC, NGƯỜI LÀ AI?

Trong mắt mọi người, đặc biệt là những phụ nữ đạo đức, linh mục luôn ở một vị thế cao.  Linh mục được mọi người kính trọng, vì họ là người của Chúa mà.  Khi đi lễ, người dân thì phải chen chúc giành chỗ ngồi, còn linh mục đã được chuẩn bị cho sẵn những chiếc ghế êm, có quạt mát.  Của ăn ngon cũng dành cho linh mục.  Người ta không dám xúc phạm đến linh mục vì họ sợ bị Thiên Chúa phạt.  Được một vị linh mục chúc lành, được bắt tay với một vị linh mục, thậm chí được chụp hình chung với một vị linh mục thôi, cũng đủ làm người ta hạnh phúc suốt mấy ngày.  Bề ngoài thì cũng giống như bao nhiêu người khác thôi, nhưng họ có quyền tha tội cho người khác, lời nói của họ có trọng lượng hơn, chỉ cần giang tay, đọc vài lời nguyện, chia sẻ một chút, họ đã có thể kiếm “chút ít” để trang trải cuộc sống rồi.  Linh mục chỉ là như thế thôi sao?

Họ có được những đặc ân như thế, có lẽ bởi vì họ là số ít được tuyển chọn giữa nhiều người.  Đâu phải dễ mà trở thành linh mục.  Phải hy sinh nhiều lắm, phải trải qua bao thăng trầm thử thách, phải ngậm đắng nuốt cay, đánh đổi bao điều, họ mới được trao chức thánh, “hân hoan bước lên bàn thờ” dâng của lễ.  Đã có rất nhiều người cùng đi chung với họ, nhưng đã “bỏ dở cuộc chơi”, đã rẽ sang hướng khác vì thấy con đường này không hợp với mình.  Trong số đó có những người tài giỏi hơn họ, thánh thiện hơn họ, có nhiều hậu thuẫn hơn họ.  Con đường đi tu đâu phải là con đường ai muốn cũng đi được, đâu phải chỉ dùng ý chí mà bước tới.  Nó là cả một ơn gọi, một mầu nhiệm, một “sự điên rồ” không tên.  Phải chẳng vì do khó khăn mà đạt được, nên người linh mục cũng mặc nhiên được xếp hơn người khác?

Không, chắc chắn là không phải!

Linh mục là trung gian giữa Thiên Chúa và con người.  Linh mục hệt như Mô-sê, người đã lãnh đạo dân ra khỏi nô lệ Ai Cập, đã trở thành cầu nối giữa dân và Thiên Chúa, đã làm chứng cho giao ước giữa hai bên.  Linh mục chính là những vị tư tế, thay mặt dân dâng lên Thiên Chúa những của lễ và cầu xin ơn lành của Chúa ban xuống cho dân.  Có thể nói, linh mục là trung gian nối kết cái hữu hình với vô hình để qua đó, con người có thể vươn lên tới trời, và Thiên Chúa có thể ngỏ lời với dân.  Người ta tin tưởng linh mục vì người ta cho rằng linh mục là người có thể trò chuyện với Chúa cách thân mật, có một mối tương quan gắn bó và gần gũi với Chúa, và lời cầu nguyện của vị linh mục dễ được Chúa chấp nhận hơn.  Người ta ngưỡng mộ vị linh mục vì thán phục tinh thần từ bỏ của họ, rằng họ đã thanh thoát khỏi bụi trần, không còn vương vấn với hồng nhan, không còn chút dính bén gì với cuộc đua tranh căng thẳng nơi trần thế.  Linh mục là người được ân sủng Chúa bao bọc trọn vẹn.

Từ tính chất thánh thiêng ấy, người ta không làm linh mục như một nghề kiếm sống.  Linh mục tự bản chất không phải là chiếc áo khoác bên ngoài để tô vẻ sự hào nhoáng cho người ta.  Ai sử dụng chức linh mục như phương tiện để thu vén cho bản thân, người ấy thực sự đã đi ngược lại ý muốn của Thiên Chúa, phụ lòng mong mỏi của giáo dân, và cũng phản bội lại chính mình.  Người ta không làm linh mục nhưng  linh mục.  Có một sự khác biệt giữa làm và .  Chức linh mục đụng chạm đến cái cốt lõi của một con người, đụng tới “cái là”, chứ không hệ luỵ ở những gì người đó làm.  Một người khi đã lãnh nhận chức thánh thì dù có xây một trăm nhà thờ to lớn, hay chỉ lủi thủi nơi một nhà nguyện cũ kỹ; dù có nhiều fan hâm mộ hay chẳng ai biết đến; dù mặc trên người những bộ quần áo sang trọng với vòng vàng lấp lánh, đầu tóc chỉnh chu hay mặc những bộ đồ cũ kỹ, tóc tai bù xù… người đó vẫn là linh mục, một linh mục trọn vẹn của Chúa giữa trần gian.

Là linh mục, chính là trở nên như Giêsu, vị linh mục đầu tiên và hoàn hảo nhất.  Đó là con người gắn với Cha không ngơi, và nhờ đó mà luôn có lòng thương cảm dành cho con người, luôn thao thức trước đồng lúa mênh mông không người gặt, và đàn chiên bơ vơ không người chăn dắt.  Họ thổi vào nhân gian luồng gió mới, họ đánh thức con người khỏi giấc mộng mê muội của những cái mau qua.  Họ chiếu sáng thế giới bằng ánh sáng nhân đức và sưởi ấm lòng người bằng ngọn lửa yêu thương.  Có thể nói, linh mục là người mang Thiên Đàng xuống trái đất này, và đưa con người lên cao đụng chạm với Thiên Chúa.  Như Giêsu, họ ý thức rằng họ đến “để phục vụ chứ không phải để được phục vụ”; họ gắn kết cuộc đời mình với mọi con người dù người đó có giàu sang hay nghèo khổ, thánh thiện hay tội lỗi, cao sang hay hèn kém.  Họ đảm bảo cho người ta hạnh phúc Nước Trời “anh sẽ được ở trên Thiên Đàng với tôi”; họ trao ban bình an, sự tha thứ và đưa người ta đến cuộc sống mới tươi đẹp hơn “cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa.”

Như Giêsu, họ không bao giờ đưa mình lên, còn nếu phải đưa lên, thì đó chính là giương cao trên cây thập giá.  Giáo Hội trao ban tác vụ linh mục cho một người chính là đưa người ấy lên ngọn đồi Canvê.  Nơi đó, từng ngày từng giờ, từng phút giây của cuộc sống, vị linh mục giang đôi tay để dâng lễ tế cuộc đời.  Họ dâng chính mình làm lời cầu nguyện cho dân Chúa.  Họ biến mình làm của lễ tạ tội và xin ơn.  Họ dâng, dâng hết… cho đến khi chỉ còn lại một thân xác chơ vơ, ngậm cười trong bình an và hạnh phúc vì đã vâng theo ý Cha, yêu thương nhân loại và yêu cho đến cùng.  Là linh mục chính là huỷ mình ra không, là cùng đóng đinh với Đức Kitô vì phần rỗi của muôn người.

Đẹp lắm nhưng cũng khó lắm.  Tôi cảm thấy rùng mình khi nghĩ đến điều này nhưng vẫn cố gắng thưa lên cùng Chúa: “Lạy Chúa, xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu … chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng Chúa vì được như thế là đủ cho con. Amen!”

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Tường nhà thờ bị phỉ báng – cách linh mục phản ứng gây thích thú

Tường nhà thờ bị phỉ báng – cách linh mục phản ứng gây thích thú

web3-fr-andrea-saint-michael-the-archangel-milan-church-graffiti-abortion-facebook-parrocchia-san-michele-arcangelo-e-santa-rita

Thái Hà (15.06.2017) – Vào đầu tháng Sáu vừa qua, một linh mục ở Ý phát hiện ra đã có ai đó vẽ lên tường nhà thờ của ngài những khẩu hiệu xúc phạm Đức Mẹ và ủng hộ phá thai.

Khẩu hiệu viết: “Tự do nạo phá thai (dành cho cả bà Maria nữa)”. Có thể khẩu hiệu ám chỉ đến Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, người mang thai Chúa Giêsu bởi quyền năng Thiên Chúa.

Để đáp lại, linh mục Andrea đã viết một bức thư ngỏ cho người phá hoại ấy trên Facebook, và bức thư đã được lan truyền rộng rãi.

Bức thư viết

Thân gửi người vẽ tường vô danh,

Tôi lấy làm tiếc khi bạn không lấy ví dụ từ chính mẹ bạn. Bà ấy đã can đảm khi thụ thai, cưu mạng bạn trong lòng và sinh ra bạn. Bà ấy có thể đã phá thai chính là bạn. Nhưng không. Bà ấy nuôi nấng bạn, mớm cho bạn ăn, tắm rửa và mặc quần áo đẹp cho bạn. Và giờ đây bạn được sống và tự do. Nhưng bạn lại dùng sự tự do ấy, để nói với chúng tôi là, tốt hơn là những con người như bạn không nên hiện diện trên thế giới này.

Đáng tiếc, nhưng tôi không đồng tình [với ý kiến đó]. Và tôi thực sự ngưỡng mộ mẹ bạn bởi sự can đảm của bà ấy. Và giống như mọi bà mẹ khác, bà ấy vẫn tự hào về bạn, dù cho bạn có làm điều gì xấu đi chăng nữa, bởi bà ấy biết rằng bên trong bạn vẫn còn có những điều tốt.

Nạo phá thai khiến mọi thứ trở nên vô nghĩa. Khi cái chết chiến thắng sự sống. Phá thai là để cho sự sợ hãi kiểm soát được trái tim, vốn là thứ vẫn muốn chiến đấu và muốn sinh tồn, chứ không phải để chết. Phá thai là việc chọn ai được quyền sống, và ai thì không được sống, như thể đó là một quyền. Hệ tư tưởng ấy đã cướp đi mọi hy vọng.

Chắc chắn bạn không phải là người can đảm. Vì bạn không để lại danh tính.

Và trong khi chúng tôi vẫn ở đây, thì tôi cũng muốn nói với bạn rằng khu phố của chúng tôi đã trải qua biết bao nhiêu khó khăn rồi, và chúng tôi không cần thêm người phá hoại các bức tường và hủy đi chút ít vẻ đẹp còn sót lại.

Bạn muốn chứng tỏ mình dũng cảm ư? Vậy thì hãy cải thiện thế giới thay vì phá hủy nó. Hãy trao bao tình yêu thay vì thù hận. Hãy giúp những ai đau khổ trải qua nỗi đau đớn của họ. Và hãy trao ban sự sống thay vì cướp đi sự sống! Đó mới thực sự là dũng cảm!

May mắn là trong khu phố của chúng tôi, nơi mà bạn phá hoại, đầy dẫy những con người dũng cảm! Ai cũng có thể yêu bạn, những người thậm chí không biết bạn đã viết gì!

Ký tên,
Linh mục Andrea

Theo Church Pop

Một người tử vong do “thắt cổ bằng dây thun quần”

Một người tử vong do “thắt cổ bằng dây thun quần”

 Thanh Niên Online

Sáng 15.6, gia đình ông Ngô Văn Lâu (60 tuổi, ngụ KP.5, P.Tam Bình, Q.Thủ Đức, TP.HCM) vẫn đang rất hoang mang về cái chết của con trai ông là Ngô Chí Tâm (40 tuổi).

Bà Nhường vợ ông Tâm đang rất đau khổ, hoang mang về cái chết chồng mình tại trụ sở công an phương ẢNH: CÔNG NGUYÊN

Theo bà Từ Thị Nhường (39 tuổi), vợ ông Tâm, khoảng 20 giờ ngày 13.6, một người tên Nam ở Công an P.Tam Bình đến tận nhà kêu ông Tâm lên trụ sở công an có việc. Ông Tâm đi theo ông Nam đến trụ sở Công an P.Tam Bình.

7 giờ 30 ngày 14.6, cán bộ Công an P.Tam Bình đến nhà nói bà Nhường lên trụ sở Công an P.Tam Bình có việc cần trao đổi. Khi đến nơi, cán bộ Công an P.Tam Bình thông báo cho bà Nhường là ông Tâm đã thắt cổ bằng dây thun quần, đang hôn mê sâu và được chuyển lên bệnh viện.

Sau đó, gia đình bà Nhường đã đến Bệnh viện An Bình thì biết biết ông Tâm đã tử vong và đang nằm ở nhà xác bệnh viện này.

Những vĩ nhân bị vợ ‘THƯƠNG’: Tolstoi , Socrate ,Napoleon III

Những vĩ nhân bị vợ ‘THƯƠNG’: Tolstoi , Socrate ,Napoleon III

Đại văn hào Nga Lev Tolstoi bỏ nhà rồi chết ở một nhà ga. Nguyện vọng cuối cùng của ông là không phải thấy mặt vợ.

Không ít người là vĩ nhân được cả thế giới xưng tụng, hoặc nắm trong tay quyền lực vô đối, nhưng lại sống khổ sống sở dưới sự đay nghiến của vợ mình.

Văn hào Nga Lev Tolstoi : Yêu nhau vẫn hành nhau

Cuộc hôn nhân của nhà văn, bá tước Tolstoi với bà vợ Sofya bắt nguồn từ một tình yêu tuyệt đẹp. Họ sống bên nhau 48 năm trời và sinh hạ nhiều con. Sofya không chỉ là vợ mà còn là người trợ lý, thư ký cho chồng, tận tụy hỗ trợ ông trong công việc. Ấy thế mà về sau, bà lại thành một tội nợ của ông, góp phần làm ông thấy cuộc sống thêm bế tắc.

Thực ra, lỗi không hoàn toàn toàn thuộc về bà Tolstoi, có chăng là họ đã trao nhau trái tim nhưng rốt cục lại không đồng hành về tư tưởng. Tolstoi ngày càng đau đớn về những bất công trong xã hội và sự bất lực của mình trong việc cải tạo nó. Cảm thấy sự giàu có của mình là tội lỗi, ông chỉ muốn từ chối của cải, các tác phẩm của mình được in ra ông từ chối tiền tác quyền. Nhưng bà lại muốn thu vén tài sản để đảm bảo cho gia đình con cái, muốn có danh vọng, tiếng tăm… Sự “trái tính trái nết” của chồng làm Sofya giận dữ và không chịu nổi.

Lev Tolstoi và vợ, ảnh chụp ba năm trước khi ông mất.

Trong nhiều năm, Sofya hết cằn nhằn, trách móc lại đay nghiến chồng với những lời bẳn gắt, mạt sát độc địa, chua cay. Những cuộc xung khắc dường như bất tận, chất thêm gánh nặng vào tâm hồn vốn đã nặng trĩu nỗi đau đời của đại văn hào. Có những lúc bá tước phu nhân như phát điên, nằm lăn ra đất lăn lộn, vật vã. Nhiều lần bà dọa tự tử, dọa đâm đầu xuống giếng… Thế là mối tình đẹp như mơ của họ dần biến thành địa ngục. Và một ngày đông trời đầy tuyết, đại văn hào bỏ nhà đi rồi 11 ngày sau trút hơi tàn ở một nhà ga, ước nguyện cuối cùng là không nhìn thấy  vợ nữa.

Sau cái chết đó, nhiều người hâm mộ Tolstoi coi Sofya như một tội đồ. Thế nhưng những người công bằng hơn thì hiểu rằng, Sofya rất có công trong cuộc đời sáng tác của Tolstoi và đã phảikhổ vì chồng không kém. Bà đã suốt đời tận tụy với ông, một mình lo thu vén gia đình, và hy sinh cả văn tài của mình để chăm sóc cho người chồng đầy nỗi đau tư tưởng và chỉ lo “chuyện thiên hạ”.

TRIẾT GIA HY LẠP SOCRATE : Nhà triết học và “sư tử Hà Đông”

Triết gia Hy Lạp cổ đại Socrate được bao nhiêu người quỳ gối ngưỡng vọng, nhưng với bà vợ Xanthippe thì ông chỉ là “con tép”. Socrate lấy vợ khi đã 50 tuổi, bà trẻ hơn ông rất nhiều, nhưng mức độ ghê gớm của người vợ này thì vang lừng cả thành Athen. Ai cũng biết nhà triết học nổi tiếng suốt ngày bị vợ chửi bới, hành hung. Đến nỗi sau mấy nghìn năm, tên bà đã trở thành danh từ chung để chỉ những ác phụ, những người đàn bà đanh đá, lăng loàn. Được cái với vợ thì Socrate là ông chồng “ngoan”, chẳng bao giờ cãi nửa lời.

Tranh vẽ cảnh Socrate bị vợ dội nước trước mặt khách khứa.

Chuyện kể rằng có lần, bậc thầy triết học đang đàm đạo với các môn sinh thì bà Xanthippe lại mắng nhiếc, rủa sả om sòm đến nỗi tất cả mọi người đều tối tăm mặt mũi, trừ ông chồng vẫn điềm nhiên. Cơn tam bành lên đến đỉnh điểm, bà bưng cả vò nước rót lên đầu chồng, ông vẫn im lặng chịu trận, lại còn đùa với các học trò: “Sau cơn sấm sét bao giờ cũng phải có mưa giông”.

Lần khác, Socrate đang ăn cơm với bạn thì bà vợ trời đánh lên cơn điên giận, chẳng kể gì khách khứa, ném cả mâm cơm ra sân. Trong khi ai nấy tức nổ đom đóm thì Socrate vẫn nói chữa: “Chắc bà ấy muốn chúng ta ra sân ăn cho mát”. Đáp lại ông chồng AQ, bà Xanthippe lấy chổi quét hết thức ăn để chồng hết đường nhặt lại. Đến nước này thì các ông khách đều muốn giúp khổ chủ cho bà vợ lăng loàn một bài học, nhưng ông ngăn lại: “Giả sử như các anh đang ăn mà có con gà nhảy vào làm đổ hết mâm bát, các anh có đi đuổi nó để trừng phạt không?”.

Bị vợ hành như vậy nhưng hễ có ai dèm pha bà, ông lại bảo: “Chính nhờ bà ấy mà tôi trở thành triết gia”. Người ta cho rằng Socrate nhẫn nhục, “biết điều” với vợ một phần vì nhà hiền triết biết rằng với gia đình, ông là một ông chồng vô tích sự, là gánh nặng cho vợ con.

VUA Napoleon III : Vua cũng không yên thân với vợ

Napoleon III (cháu gọi Napoleon đệ nhất bằng bác ruột) không được coi mà một vĩ nhân nhưng đã ghi dấu ấn trong lịch sử nước Pháp như một hoàng đế cuối cùng và tổng thống đầu tiên. Ông cưới nữ bá tước Mari Eugénie Ignace Augustine de Montiji, người đàn bà đẹp nhất châu Âu thời đó, làm vợ và yêu nàng mê mệt. Có thể nói nhà vua phủ lên bà hoàng hậu mỹ miều của mình toàn bộ tình yêu và mọi xa hoa. Nhưng như thế vẫn chưa đủ để hoàng hậu Eugenie đặt niềm tin vào chồng. Bà điên cuồng vì  nghi ngờ, ghen tuông và chính điều đó làm ông chồng hoàng đế nghẹt thở, làm vua mà chẳng còn chút tự do nào.

Napoleon III cạnh hoàng hậu xinh đẹp của mình.

Sợ chồng có nhân tình, hoàng hậu không ngừng canh giữ chồng, tra xét, lùng sục mọi ngóc ngách trong cung điện, bất chấp vương lệnh, nghi thức và sĩ diện Napoleon III đang làm việc trong văn phòng, hoàng hậu thường đột ngột xộc vào với hy vọng “bắt quả tang”. Thậm chí cả khi nhà vua có cuộc họp bí mật để bàn đại sự, bà cũng nằng nặc đòi có mặt để đảm bảo không có chuyện tình ái lăng nhăng nào.

Chưa hết, mỹ hậu của Napoleon III còn thường xuyên nói xấu chồng với họ hàng, mắng chửi chồng khi lên cơn ghen bóng gió, khóc lóc ầm ĩ. Nhà vua chỉ muốn được yên thân một mình cũng không xong, vì bà hoàng hậu thấy cái sự một mình đó ẩn chứa quá nhiều nguy hiểm.

Kết cục là Napoleon III phải lén ra ngoài cung điện một chút cho nó dễ thở và dẫn đến ngoại tình thật…

Lời nói THẬT cũa một bác sĩ :

Lời nói THẬT cũa một bác sĩ :

Từ khi vào nghề Y đến nay đã hơn 30 năm, hễ cứ đến ngày này là nhận nhau những lời chúc tụng. Tôi không biết là mình có nên chúc tụng đồng nghiệp và nhận lời chúc tụng của người khác không, khi mà, ngành Y bây giờ không làm tròn trách nhiệm với người bệnh.

Thôi thì cũng vài dòng cảm ơn những gì các bạn đã chúc nhau, và xin đưa ra những nguyên tắc chung để bà con cẩn thận với sức khỏe của chính mình.

Nguyến tắc thứ nhất:

Đừng tin những gì quảng cáo trên báo đài, truyền thông, và thế giới mạng về thuốc. Vì không độc thì không gọi là thuốc, người ta chỉ uống thuốc để tự tử, chứ không ai uống nước để tự tử bao giờ. Chính vì thế, mà ở các quốc gia tiên tiến, cấm quảng cáo thuốc trên phương tiện truyền thông dân dụng, chỉ được quảng cáo thuốc ở tạp chí và hội thảo chuyên ngành Y.

Nguyên tắc thứ hai:

Khi đi khám bệnh bất kỳ ở đâu, người bệnh cần có 1 câu hỏi phải hỏi: “Bệnh của tôi do nguyên nhân gì?” Vì chỉ có thầy thuốc giỏi mới điều trị nguyên nhân bệnh, còn lại những thầy thuốc kém hiểu biết chỉ biết điều trị hậu quả – hay còn gọi là chữa triệu chứng – của bệnh.

 Nguyên tắc thứ ba:

Đừng bao giờ tin những gì mình tìm kiếm trên mạng internet rồi tự suy diễn, tự làm bác sĩ cho mình và gia đình mình. Vì như thế chỉ làm hại chính mình và gia đình mình. Hãy cứ nghĩ, nếu bản thân bạn đủ khả năng được các trường Y nhận vào học thì các bạn đã trở thành bác sĩ, chưa kể các bác sĩ đã được đào tạo chính quy một thời gian dài về bộ máy tinh vi nhất của quả đất – con người – bình thường và bất thường từ tế bào đến bao nhiêu rối loạn khác về cả thể chất lẫn tinh thần, nhưng chưa chắc họ đã giỏi, thì các bạn chỉ vài cú enter với google, không có kiến thức căn bản về y khoa, thì các bạn như người điếc không sợ súng và tự hại mình thôi.

Nguyên tác thứ tư:

Đừng bao giờ tin những quảng cáo về các loại thức ăn, thức uống bổ, giúp chữa bệnh này hay bệnh khác – Ví dụ, sữa chống loãng xương, thực phẩm chứ năng, thức uống collagen, v.v… – chỉ là những trò kinh doanh kiểu đa cấp để kiếm lãi. Loãng xương là một trong những tiến trình của một quá trình lão hóa của bất kỳ động vật nào được diễn ra ở mức độ phân tử sinh học, tiến trình này cho tới nay, y học vẫn còn mò mẫm và bất lực.

 Nguyên tác thứ năm:

Ăn uống và làm việc là thuốc. Ăn uống và làm việc đúng thì không hoặc ít bệnh tật. Ăn uống và làm việc sai là tự đưa mình vào nơi khổ đau của bệnh tật, vì sức khỏe qúy hơn vàng.

Chúc cộng đồng người Việt sức khõe dồi dào , khõe mạnh , hạnh phúc và phồn vinh !
Dr Hồ Hãi /Dr Trinh Kim

Con gì thế …?

Con gì thế …?

Phim chỉ 5’30 và bài thơ được tác giả làm dựa trên cảm xúc sau khi xem xong phim , được ghi lại bên dưới của màn ảnh nhân ngày lễ cha.

                                              

httpv://www.youtube.com/watch?v=mNK6h1dfy2o

 

Con gì thế …?                          

 

Ghi lại một vài cảm xúc sau khi xem phim ngắn trên :


CON GÌ THẾ ?

Trên băng ghế người thanh niên đọc báo
Cạnh cha già dưới bóng mát cây xanh
Chú sẻ con bay đến hót trên cành
Cha liền hỏi đó là con gì thế ?

Con vội đáp “ấy là con chim sẻ”
Nhìn chú chim, cha lại hỏi người con
Nén bực mình, âm giọng khó chịu hơn
“Tôi đã bảo với cha là chim sẻ !”

Nghe tiếng động, chim bay cao thật lẹ
Hướng theo chim, tay che mắt nhìn xa
Giọng trầm trầm cha lại hỏi lần ba
Cũng như trước “đó là con gì thế ?”

“Con chim sẻ, Cha à, con chim sẻ !”
Nhìn cha già, với đôi mắt đứng tròng
Và tuông ra những bực bội trong lòng
Dằn từng chữ, hét to “con… chim… sẻ”

Cha lại hỏi lần thứ tư “gì thế ?”
Con hét lên nghe lớn tiếng nặng lời
“Ông đang làm gì vậy? hả Ông ơi !”
“Tôi đã nói bao nhiêu lần rồi nhé”

“Là chim sẻ, đó là con chim sẻ”
“Có biết không? sao cứ muốn hỏi hoài?”
Cha đứng lên ra dấu chờ chút thôi!
rồi cất bước. Con hỏi: “đi đâu thế?”

Vào nhà lấy đem ra trang nhật ký
Trao vào tay, bảo đọc lớn nghe con!
Nghe lời cha, cất giọng đọc trầm buồn
Từng câu chữ từng cảm thương vời vợi !

“Vài ngày nữa con trai đầy ba tuổi
Hai cha con ngồi ghế đá công viên
Một chú chim đang nhảy nhót cạnh bên
Con lên tiếng hỏi tôi “con gì thế?”

Nghe con hỏi, tôi trả lời “chim sẻ”
Hăm mốt lần, con vẫn hỏi một câu
Hăm mốt lần, “là chim sẻ” giống nhau
Tôi ôm nó mỗi lần nghe con hỏi

Cứ như thế, bên trả lời bên hỏi
Cứ lập đi lập lại mãi không ngừng
Niềm yêu thương thay vì phải nổi khùng
Với đứa bé đầy vô tư tuổi nhỏ. “

Tình phụ tử vẫn cao như thế đó
Mới biết đời nước mắt vẫn chảy xuôi
Trả cho cha, cao lắm bốn lần thôi
Lòng hậm hực, đã buông lời bất mãn

Công nuôi dưỡng, cha cho con vô hạn
Hăm mốt lần, lòng tràn ngập thương yêu
Cho thì nhiều, khi nhận chẳng bao nhiêu
Cũng vui vẻ! Ôi lòng cha cao quý!

Vòng tay siết, ôm cha mắt ngấn lệ
Đôi môi này xin gửi một nụ hôn
Trong thâm tâm lòng cảm xúc vô vàn
Nay đã hiểu lòng cha như núi Thái.

Con xin nguyện nhớ ơn cha mãi mãi !

Trả nợ ân tình

Trả nợ ân tình

(riêng tặng những người bạn lính bất hạnh của tôi)

 Phạm Tín An Ninh

       Đầu mùa hè, vợ chồng tôi đến thăm gia đình cô con gái và ở lại chơi khoảng một tháng. Vợ chồng cháu phải đi theo sở làm, một công ty lớn, di chuyển đến thành phố Las Vegas, và vừa mua được ngôi nhà ở vùng ngoại ô, với khu vườn khá rộng nằm bên bờ hồ Mead. Đây là thành phố du lịch có những sòng bài nổi tiếng. Tôi không hứng thú mấy với chuyện bài bạc, nên chỉ ghé lại các nơi này một vài lần cho biết. Hơn nữa, dù mùa hè chỉ mới bắt đầu, mà khí hậu đã nóng bức, tôi ngại ra ngoài, chỉ muốn nằm nhà nghỉ ngơi và đọc sách. Thỉnh thoảng ra vườn tưới cây hay xuống bờ hồ hóng mát và ngắm trời xanh.  

 Một hôm, trước khi đi làm, cô con gái đưa cho tôi cái chi phiếu, nhờ giao lại cho người làm vườn. Tiền trả cho ông hàng tháng. Cứ ngày thứ ba mỗi tuần là ông ghé lại làm việc ở khu này, cắt cỏ, tỉa cây và dọn dẹp, làm vệ sinh hồ tắm. Cô con gái còn bảo, bác ấy rất đàng hoàng tư cách, mọi người ở đây đều rất tin cậy và quí mến bác. Tuần trước, tôi cũng đã trông thấy ông đến làm việc trong vườn, nhưng vì ngoài trời khá nóng và đúng lúc đang mải mê đọc một cuốn sách, nên tôi chưa có dịp gặp ông.     

 Khi thấy ông gom dụng cụ bỏ lên xe, tôi nghĩ ông đã xong công việc, mở cửa bước ra chào, cám ơn và đưa cho ông cái chi phiếu, bảo cô con gái nhờ trao lại. Thấy trên mặt đầm đìa mồ hôi, tôi mời ông vào nhà uống với tôi một lon bia lạnh. Ông nhìn đồng hồ, đưa tay phủi ít bụi cỏ vướng trên áo quần, ngần ngừ, định từ chối. Tôi nắm tay ông kéo lại bộ ghế nhựa nằm dưới gốc một cây bơ phủ bóng, bảo:
      – Hay là mình ngồi ở đây để anh thoải mái hơn.
Tôi chạy vào nhà lấy bia, nghe tiếng ông nói vọng theo:
      – Tôi chỉ uống với anh đúng một lon, để tí nữa còn phải lái xe đi
     Tôi mang bia và mấy cái nem chua ra. Chúng tôi vừa uống bia vừa nói chuyện. Đúng như lời cô con gái, ông là một người hiểu biết và có tư cách. Mái tóc bạc màu muối tiêu và khuôn mặt đượm buồn mang ít nhiều khắc khổ, đã không làm mất đi cái vầng trán cao, đôi mắt sáng, khuôn mặt biểu hiện một con người khí khái và nghị lực. Ngồi với nhau khoảng hơn mười phút, ông cám ơn và đứng dậy xin cáo từ vì còn phải sang làm vườn cho các nhà kế cận. Ông bắt tay tôi và hẹn thứ ba tuần sau ông sẽ đến sớm để tâm tình nhiều hơn. Dù chưa biết nhau nhiều, nhưng qua cái bắt tay, tôi có cảm giác là ông cũng có chút cảm tình, quí mến tôi.

       Lần thứ hai gặp nhau, chúng tôi có nhiều thì giờ tâm tình và biết về nhau nhiều hơn. Chính điều này đã làm chúng tôi trở thành bạn, và khá thân thiết sau này, xem như tình anh em.
     

  Trước kia, anh phục vụ trong Binh chủng Lực Lượng Đặc Biêt. Sau khi binh chủng này giải thể anh được bổ sung cho một đơn vị Biệt Động Quân. Một năm sau anh được thăng cấp thiếu tá. Bị thương trong một cuộc hành quân qua Cam Bốt, anh được thuyên chuyển về một Tiểu Khu miền duyên hải Quân Khu 2, quê anh, và phục vụ ở đây cho đến ngày mất nước.
     

Vợ của anh là cô giáo dạy ở trường tiểu học quận lỵ. Ngày anh vào tù vợ anh mang thai đứa con đầu lòng hơn năm tháng, và cũng không được “lưu dung” trong chế độ mới bởi ảnh hưởng lý lịch của chồng.
Sau đó, những ngày cuối tuần rảnh rỗi, anh thướng hú tôi sang nhà anh chơi. Anh bảo:- Tôi thường ở nhà một mình, ông cứ sang đây, bọn mình nhậu thoải mái và kể chuyện xưa chơi.
     

 Căn nhà cũ nằm giữa khu vườn khá lớn có nhiều cây ăn trái, và những khóm hoa được anh cắt tỉa rất công phu. Có cả một hòn non bộ, nước chảy róc rách, trông rất yên ả, thơ mộng. Cùng độ tuổi với anh, nhưng tôi thua anh rất xa về chuyện cần cù với bàn tay khéo léo. Nhìn khu vườn nhà, tôi biết là anh đã bỏ ra rất nhiều thì giờ và công sức. Lần nào đến chơi, anh cũng làm cơm, nướng thịt và hai anh em uống cạn mấy lon bia. Có khi tôi phải ngủ một giấc, đến gần tối mới về nhà. Một lần, được tin anh bị bệnh, vợ tôi theo tôi đến thăm anh, giúp anh làm vài món ăn và dọn dẹp nhà cửa bếp núc.
     

Quen biết đã khá lâu, nhiều lần đến nhà thăm và tâm tình với anh, nhưng chúng tôi chưa hề gặp vợ anh, chỉ biết chị ấy qua tấm ảnh gia đình treo trên vách, anh bảo chụp cách đây hơn mười năm, sau một thời gian định cư ở Mỹ. Trong ảnh, ngoài vợ chồng anh còn có ba đứa con, hai trai một gái.Chị là một người phụ nữ đẹp, trông có nét đài các. Một đôi lần tôi có hỏi, anh ngần ngừ, bảo là vợ anh thường đi làm xa, vắng nhà. Tôi nhớ có lần anh đã kể việc vợ chồng anh có mở một quán ăn ở đâu đó, sau một thời gian đến định cư ở vùng này.
       

Nhìn tấm ảnh, tôi khen:
      – Trông ông bà rất đẹp đôi. Lúc trẻ chắc chị nhà là cô giáo hoa khôi của một trường nào đó. Mấy cháu cũng đều rất dễ thương.
Anh ngượng ngùng một tí, rồi làm tôi bất ngờ:
      – Đây là bà vợ thứ nhì và hai cháu lớn là con riêng của bà. Chỉ có thằng nhỏ nhất là con chung của bọn tôi.
      Tôi tò mò, không kịp giữ ý:
      – Chắc bà chị trước đã qua đời khi còn ở Việt nam?
      – Không, bà vẫn còn sống và đang ở trên Houston.
      Tôi vội vàng nói lời xin lỗi. Thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên, anh giải thích:
      – Bà bỏ tôi sau hơn một năm vào tù, lấy một người đàn ông khác, sau đó dắt theo đứa con gái vượt biên từ năm 1979.
Trầm ngâm giây lát, anh nói tiếp:
      – Và từ đó bà không hề liên lạc với tôi, mặc dù có vài lần tôi viết thư riêng nhờ người mang đến cho bà, để chỉ hỏi tin tức đứa con, nhưng không hề nhận được hồi âm. Bây giờ, nếu còn sống, đứa con gái của tôi cũng đã gần bốn mươi tuổi, nhưng chắc chắn nó không hề biết tôi là cha của nó.
      Tôi cố tìm một lời an ủi:
      – Với vợ con và niềm hạnh phúc mới sau này, chắc anh cũng đã nguôi được nỗi buồn?
      Anh cười:
      – Thực ra khi mới biết tin, dĩ nhiên tôi buồn lắm, nhưng rồi sau đó lại mừng cho mẹ con bà.

Chứ nếu ở vậy mà chờ tôi, thì cuộc đời của mẹ con bà không biết sẽ ra sao? Lúc còn ở trong tù, đêm nào tôi cũng nằm cầu nguyện cho mẹ con bà được yên lành, hạnh phúc với gia đình và quê hương mới. Tiếc là khi ấy tôi không thể liên lạc được để nói lên điều này cho bà được yên lòng.
     – Tôi nghĩ điều đó chắc không còn cần thiết, bởi đã đối xử cạn tình với anh như vậy, chắc bà cũng chẳng có hối hận điều gì.
      Anh trầm ngâm:
     – Xem vậy chứ đàn bà cũng dễ xúc cảm, nặng lòng trắc ẩn lắm. Dù gì, tôi cũng thấy thương và tội nghiệp cho bà.
     Đến chơi khá nhiều lần, nhưng vợ chồng tôi chưa bao giờ gặp người vợ của anh bây giờ. Một hôm chúng tôi bất ngờ và vô cùng ngạc nhiên khi nghe anh tâm sự về bà:
     – Bà ấy rất ít khi có ở nhà. Bà sống ở các sòng bài. Khi nào không kiếm được tiền bà mới về đây, nhưng sau đó, khi có được đồng nào bà lại đi ngay. Trước kia, tôi bỏ ra tất cả tiền bạc dành dụm và vay mượn thêm của ngân hàng để sang lại cái tiệm ăn, cho bà làm chủ. Buôn bán cũng khá lắm, nhưng sau đó phải bán để trả nợ cho bà. Đồ đạc trong nhà này, cái gì còn bán được bà cũng đã bán hết, nên chẳng còn một thứ gì đáng giá.
      – Sao anh và các cháu không khuyên giải, can ngăn bà? Vợ tôi hỏi.
      – Cũng may, tôi đã cố gắng hết sức lo cho hai cháu đầu, con của bà được vào đại học. Cả hai đều học xa nhà, nên tôi tìm cách nói dối để các cháu yên lòng mà học hành, còn thằng con trai út, lúc ở với tôi còn nhỏ, nên chẳng chú tâm điều gì, cứ tưởng mẹ nó đi buôn bán làm ăn. Sau này, khi thấy cháu lớn khôn, không muốn ảnh hưởng đến chuyện học hành và tương lai của nó, tôi gởi cháu vô nội trú một trường Công giáo. Không thấy mẹ, lâu lâu cháu cũng hỏi thăm, không biết là cháu có biết gì không, nhưng chẳng thấy nó buồn hay thắc mắc điều gì. Tôi nghĩ có cho các cháu biết cũng vô ích, chỉ làm hại các cháu. Hơn nữa, khi đã lâm vào con đường cờ bạc rồi, cũng giống như thuốc phiện, khó mà quay lại được.
       – Đến bây giờ hai cháu lớn cũng chưa biết? Tôi hỏi anh.
      – Sau khi tốt nghiệp, hai cháu về nhà sống một thời gian chờ xin việc. Lúc ấy hai cháu mới biết. Năn nỉ, can ngăn, rồi làm dữ cũng đều vô ích. Sau này hai cháu có việc làm rồi lập gia đình, ra ở riêng. Khi hết tiền bà chạy đến xin, xin vợ không được bà xin cả chồng. Tội nghiệp hai thằng chồng đều là Mỹ hết. Cuối cùng tụi nó sợ quá, phải dọn nhà đi nơi khác và không cho bà biết. Sau này, thấy tôi quá khổ sở với bà, hai cháu rất giận mẹ, đề nghị rồi hối thúc tôi bỏ bà, chuyển đi nơi khác ở. Hai cháu thương tôi, lúc nào cũng xem tôi như cha ruột và luôn tỏ ra biết ơn tôi đã hết lòng lo lắng cho hai cháu.
       – Chắc anh không nghe theo hai cháu, nên bây giờ vẫn còn ở lại đây. Tôi hỏi
Anh cười, thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra:
      – Không được! Tôi bảo với hai cháu là ba còn nợ mẹ rất nhiều, mà dù có phải khổ sở, chịu đựng suốt cả đời vì mẹ con, cũng chưa trả hết được. Hơn nữa đã là vợ chồng, ba đâu có thể nhẫn tâm bỏ bà trong lúc bà bị sa lầy.
Sau đó anh ngồi kể cho vợ chồng tôi nghe:
      – Bà là cứu tinh của tôi. Trước kia, có một thời nhà cha mẹ bà ở gần nhà tôi. Bà là con một của một gia đình giàu có. Khi ra tù, vợ con đã bỏ đi, tôi không có chỗ để ở, lại mang theo bệnh tật từ trong tù, nên chẳng làm được việc gì. Không hiểu sao lúc ấy bà lại cưu mang tôi, và can đảm lấy tôi làm chồng. Lúc ấy bà có tiền, làm chủ một vựa trái cây và buôn bán thuốc tây, cà phê. Lúc đầu, thấy tôi khổ sở, bà nhận tôi vào làm công và bảo dọn tới nhà bà ở vì căn nhà sau, có một phòng bỏ trống. Cả hơn nửa năm tôi mới khỏe lại và bắt đầu phụ giúp công việc buôn bán với bà. Nhưng bà chỉ giao cho tôi lo việc sổ sách. Bà thường lo lắng chăm sóc cho tôi, và cuối cùng tỏ tình với tôi.  Khốn khổ hơn là có một tay cán bộ kiểm lâm CS từ miền Bắc chuyển vào, đã theo đuổi, tán tỉnh bà, thỉnh thoảng mang đến cho bà những bộ bàn ghế được đóng bằng gỗ quí, nhưng bà nhất quyết chối từ. Ban đầu hắn tưởng tôi là người làm công hay bà con trong nhà, nhưng sau này, khi biết bà đã lấy tôi, hắn tìm mọi cách hãm hại tôi. Bà bỏ tiền mua cả đám công an, nên tay kiểm lâm sợ, bỏ cuộc. Hơn nữa nghe nói hắn đã có vợ con ở ngoài Bắc. Có lần tôi hỏi, vì sao bà thương và lấy tôi khi tôi trong cảnh thân tàn ma dại. Bà cười, bảo là ngày xưa, lúc còn là cô con gái mới lớn lên bà đã thầm yêu tôi, bà thích lính chiến, nhất là bộ áo quần bông với cái bê-rê xanh của LLĐB, oai hùng lắm, nhưng tôi không để ý đến bà.  Đúng vợ chồng là cái số. Sau này bà lấy một thương gia, nhưng ông mất sớm. Nhờ vậy, sau 75, bà còn giấu được một số vàng để bây giờ có vốn buôn bán nuôi con.
      Những lần chính quyền địa phương gọi tôi, diện tù “cải tạo” đang trong thời quản chế, đi làm công tác thủy lợi, bà đều thuê người đi làm thay. Sợ bọn chúng cưỡng bách tôi đi Vùng Kinh Tế Mới, bà làm hôn thú và dù rất khó khăn, bà cũng chạy cho tôi được vào chung hộ khẩu với gia đình bà. Với lòng biết ơn và quí mến, tôi đã hết lòng yêu thương bà và hai đứa con của bà. Tôi dạy kèm thêm, nên hai cháu đều là những học sinh giỏi của trường, luôn vâng lời, lễ phép dễ thương. Tôi xem hai cháu như con ruột của mình. Một năm sau, chúng tôi rất vui mừng khi có một đứa con chung, là thằng con trai, giống tôi như đúc. Tuy nhiên, cứ mỗi lần nhìn nó, tôi lại nhớ đến đứa con gái đầu lòng với người vợ trước. Từ lâu rồi tôi không liên lạc đươc, nên chẳng biết bây giờ nó ra sao. Chỉ mong ông trời thương, để có một ngày cha con được gặp lại.
      Anh ngừng câu chuyện ở đây, lim dim đôi mắt, nhưng ngay sau đó lại nở nụ cười. Tính anh như  thế, tôi chưa khi nào thấy anh buồn điều gì lâu. Tôi thầm nghĩ, khi người ta chịu đựng quá nhiều thử thách trong cuộc đời, thì dường như buồn vui gì cũng như nhau thôi.
Tôi cười theo anh, và nói đùa:
      – Không ngờ ngày xưa ông anh cũng đào hoa ghê. Đến bước đường cùng mà vẫn có người đẹp yêu tha thiết.
      Anh quay sang tôi cười, giải thích thêm:
      – Bọn mình là lính mà. Người lính lại càng không thể phụ ơn những người đã từng cưu mang, sống chết với mình. Cũng như anh em mình đâu có thể quên những đồng đội đã chết, đã hy sinh một phần thân thể vì mình, phải không?
      Tôi im lặng, không trả lời, chỉ thấy thương và càng quý trọng anh. Người lính chưa bao giờ bại trận, nhưng cuối cùng đã phải làm người thua cuộc. Qua bao nhiêu thử thách vẫn còn giữ được cái sĩ khí, lòng bao dung và nhân cách của mình.
      Những lần gặp tôi, trong các câu chuyện anh thường nói về chuyện lính. Anh kể cho tôi nghe những trận chiến mà anh đã từng tham dự. Từ lúc những buổi đầu trong các toán Delta, sau đó đóng đồn biên phòng, rồi sau này ra Biệt Động Quân, và cuối cùng là Địa Phương Quân. Anh say sưa kể từng chi tiết, địa danh, từng tên của những người lính đến các cấp chỉ huy. Trong lãnh vực này, trí nhớ của anh lại trở nên phi thường. Tất cả như nằm sẵn đâu đó trong lòng anh. Nhiều lần anh bảo với tôi là anh đã sống với nó, với cái quá khứ ấy. Anh còn ví von: “lúc trước ông nhà thơ Phùng Quán đã từng tâm sự là khi ngã nhờ vịn những câu thơ mà đứng dậy, còn với tôi thì đã bao lần thất chí, đã nhờ những hình ảnh quá khứ này để có thể đứng lên. Không có một thời làm lính, một thời trong chiến trận, chắc tôi đã quỵ ngã từ lâu rồi.”

       Cuối cùng thì vợ chồng tôi cũng gặp được bà vợ bây giờ của anh. Mùa hè năm ngoái, anh làm đám cưới cho cậu con trai út. Đứa con chung duy nhất của hai người. Cô dâu lại là con của một người bạn HO của anh, mà tôi cũng quen biết, vì từng ở chung một trại tù ngoài Bắc. Anh nhờ vợ chồng tôi đi họ bên phía đàng trai, và phụ giúp anh sắp xếp công việc trong ngày hôn lễ. Ngày đám cưới, chúng tôi đến nhà anh sớm hơn giờ hẹn để phụ sắp xếp bàn thờ và lễ vật. Rất bất ngờ khi thấy có cả chị ra đón bọn tôi ngoài cửa. Có lẽ anh đã giới thiệu trước ít nhiều về vợ chồng tôi, nên chị nở nụ cười thật tươi chào đón và gọi đúng tên chúng tôi. Vợ chồng tôi khá ngạc nhiên, bởi chị khác hoàn toàn với hình ảnh người đàn bà mà chúng tôi tưởng tượng bấy lâu nay với không mấy cảm tình. Xinh đẹp, vui vẻ nói năng lưu loát, và dễ thân thiện. Chỉ có ốm hơn so với trong ảnh, và thoáng một chút mệt mỏi, bơ phờ. Buổi chiều, trong tiệc cưới, khi người MC giới thiệu gia đình nhà trai, anh chị cùng vợ chồng hai cô con gái bước lên sân khấu đứng bên cô dâu chú rể, cúi đầu chào khách. Tiếng vỗ tay của thực khách như thay cho lời hâm mộ một gia đình đẹp đẽ, hạnh phúc. Tôi bỗng thấy một chút xót xa, tiếc nuối trong lòng và thầm mong là biết đâu nhờ đám cưới của cậu con trai, mà chị sẽ trở về với con người cũ, để hai người còn có bên nhau trong hạnh phúc ở những năm tháng cuối đời.

       Cuối tuần sau ngày đám cưới, anh đưa chị ghé đến chơi, mang biếu chúng tôi hai chai rượu và một hộp trà. Anh bảo là quà “lại quả” hôm đám cưới, anh chị chia cho chúng tôi để mừng cho hai cháu.  Khi vợ tôi ngồi chỉ cho chị cách thức làm nem Ninh Hòa, mà chị rất thích, anh rủ tôi ra ngoài vườn, vui mừng bảo là chị ấy đã hồi tâm, vì sau ngày đám cưới thấy các con hạnh phúc vui vẻ, sau đó các cháu tâm tình khuyên giải bà, nên từ bỏ mọi thứ đam mê sai lầm để sống với tôi trong tuổi già, vợ chồng săn sóc hôm sớm có nhau. Anh hy vọng lần này bà đã thức tỉnh. Hơn nữa tuổi tác cũng đã nhiều, bà thấy sức khỏe sa sút thường hay mệt mỏi.Tôi nắm hai tay anh mừng rỡ, và nói vài lời, ngưỡng mộ sự bình tĩnh, chịu đựng và tấm lòng bao dung của anh. Tôi lấy trong túi áo ra bốn tờ vé số Power Ball vừa mới mua trưa nay. Đặc biệt số độc đắc xổ chiều nay, sẽ hơn ba mươi triệu Mỹ kim. Tôi chia cho anh ba tờ, bảo:
      – Hy vọng ông trời sẽ cho thêm anh chị điều may mắn.
     Anh cười:
      – Cám ơn bồ, nhưng thường là “phúc thì bất trùng lai, mà họa thì vô đơn chí!”
      Tiễn anh chị ra xe, bắt tay nhau trong tiếng cười rộn rã.

      Khoảng ba tuần sau, anh gọi phone báo cho chúng tôi một tin không vui. Chị ấy đang nằm trong bệnh viện. Bác sĩ vừa khám phá chị bị ung thư vú trong thời kỳ cuối. Vì quá lâu, không khám bệnh, nên không phát hiện được, bây giờ đã di căn, không biết có cần giải phẫu hay không. Chúng tôi chạy lên bệnh viện thăm chị. Thấy chúng tôi, chị nở nụ cười, nhưng trông khá mệt mỏi, bơ phờ. Anh  luôn bên cạnh, đút thức ăn, săn sóc an ủi chị. Anh bảo tối nào, theo yêu cầu của chị, anh cũng ngồi bên cạnh đọc các chuyện chiến trường, chuyện lính cho chị nghe.
       Bệnh viện quyết định không giải phẫu, chỉ cấp cho một số thuốc để đưa chị về nhà. Các cháu đều về thăm. Sống bên cạnh chồng cùng đầy đủ các con, chị vui và hạnh phúc lắm. Chúng tôi đến thăm, dù không được khỏe, nhưng chị rất tỉnh táo, nằm kể cho các con nghe về cuộc đời mình, ân hận đã có một thời sa ngã vào con đường bài bạc, làm khổ sở và xấu hổ gia đình. Chị cũng nắm chặt tay anh, nói rất yêu và biết ơn anh đã hết lòng lo lắng đùm bọc vợ con trong những năm tháng khó khăn, xin anh tha thứ về thời gian chị đã có lỗi lầm.
      Anh ngồi bên cạnh, cúi xuống hôn trên trán chị:
     – Lúc nào anh cũng yêu em, cầu xin ơn trên cho em sống khỏe mạnh để anh tiếp tục lo lắng, trả nợ cho em. Món nợ ân tình lớn lao, mà cả đời này anh cũng không thể trả hết được cho em.
Nước mắt của chị ràn rụa trên đôi gò má hóp. Tôi thầm nghĩ đó là những giọt nước mắt của hạnh phúc. Cho dù có chút xót xa.

      Chị đã mất vào khuya hôm ấy. Theo lời anh kể lại, suốt đêm anh nằm với chị, ôm chị trong vòng tay rồi ngủ mê lúc nào không biết. Khi giật mình thức dậy thì chị đã ra đi tự lúc nào.
      Vợ chồng tôi có mặt trước khi đưa chị vào nhà quàn bệnh viện. Chị nằm như đang say ngủ, nét mặt bình yên, thanh thản.
      Và lần đầu tiên tôi nhìn thấy anh khóc.

Phạm Tín An Ninh

10 lý do chịu đau khổ

10 lý do chịu đau khổ

Horatio G. Spafford là một luật sư giỏi ở Chicago hồi thập niên 1800 và là bạn của nhà truyền giáo Dwight L. Moody.  Luật sư Spafford được kính trọng và tốt lành, nhưng ông vẫn không tránh khỏi những lúc khổ đau.

Trước hết, ông mất đứa con trai vì chứng ban đỏ (scarlet fever).  Rồi vốn đầu tư làm ăn cũng bị thua lỗ.  Không lâu sau đó, 4 cô con gái của ông chết trong một vụ đắm tàu ở Đại Tây Dương, chỉ còn bà vợ Anna của ông sống sót nhờ bám vào chiếc phao rồi được cứu.

 Tại sao bi kịch xảy ra với người tốt?  Luật sư Spafford không thể hiểu, nhưng rồi ông vẫn vững tin vào quyền năng của Thiên Chúa.  Mọi người có thể tôn vinh Thiên Chúa ngay cả trong những lúc đen tối nhất của cuộc đời.  Theo Kinh Thánh, đây là 10 lý do để chúng ta chịu đau khổ.

  1. Chúng ta chịu đau khổ vì chúng ta phạm tội.  Chẳng có ai công chính (Rm 3:10), nghĩa là ai cũng là tội nhân (Rm 3:23). Những người không có đức tin thì sống biệt lập với Chúa, còn những người có đức tin thì trải nghiệm từng khoảnh khắc, từng ngày, từng mùa… về niềm tin vào Thiên Chúa. Quy luật tâm linh được tạo ra để triệt tiêu tội lỗi trong đời sống của tín hữu, quy luật này nghiêm khắc, kể cả cái chết: “Ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình. Vì lẽ đó, trong anh em, có nhiều người ốm đau suy nhược, và cũng có lắm người đã chết.  Giả như chúng ta tự xét mình, thì chúng ta đã không bị xét xử.  Nhưng khi Chúa xét xử là Người sửa dạy chúng ta, để chúng ta khỏi bị kết án cùng với thế gian” (1 Cr 11:29-32).
  2. Chúng ta chịu đau khổ vì người khác phạm tội.  Vợ chồng và con cái chịu đau khổ vì bị lạm dụng.  Công dân chịu đau khổ vì chính quyền tham những.  Satan xúi giục vua Đa-vít thống kê dân số Ít-ra-en, và có 470.000 người chịu hậu quả (2 Mcb 10:20).  Chúa Giêsu chịu đau khổ và chịu chết không phải vì lỗi của Ngài mà vì tội lỗi của nhân loại.
  3. Chúng ta chịu đau khổ vì chúng ta sống trong thế giới tội lỗi.  Tai nạn và tai họa xảy ra, mỗi năm có hàng triệu người chết. Thánh Phaolô nói rằng “muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8:22).  Đó là hậu quả của tội lỗi.
  1. Chúng ta chịu đau khổ vì chúng ta được tự do chọn lựa.  Quyền năng Thiên Chúa và khả năng của con người là hai sự thật trong Kinh Thánh.  Chúng ta không là robot, chúng ta có thể chọn lựa vì Thiên Chúa cho chúng ta quyền tự do.  Đôi khi sự chọn lựa của chúng ta gây đau khổ – cho mình và cho người khác.  Randy Alcorn viết: “Nếu Thiên Chúa tước hết vũ khí và ngăn chặn các tài xế say xỉn, thế giới này sẽ không là thế giới thật để con người chọn lựa…  Trong một thế giới như vậy, người ta sẽ chết mà không có nhu cầu, chỉ thấy mình ở Địa ngục”.
  2.   Chúng ta chịu đau khổ vì sự sống đời đời.  Thế giới này không là nhà của chúng ta, chúng ta chỉ là khách vãng lai.  Chúng ta là công dân Nước Trời.  Thánh Phaolô nói: “Tất cả các ngài đã chết, lúc vẫn còn tin như vậy, mặc dù chưa được hưởng các điều Thiên Chúa hứa; nhưng từ xa các ngài đã thấy và đón chào các điều ấy, cùng xưng mình là ngoại kiều, là lữ khách trên mặt đất” (Dt 11:13).  Chính đau khổ ngăn cản chúng ta bám víu vào thế gian này, vì thế gian sẽ qua đi.
  3. Chúng ta chịu đau khổ để không gặp điều tệ hại hơn.  Đau khổ làm cho chúng ta tập trung vào nguyên nhân, để cố gắng sửa đổi trước khi tệ hại hơn.  Cơn sốt dẫn chúng ta tới bác sĩ, tại đây chúng ta được chẩn đoán và chữa trị.  Ở mức lớn hơn, đau khổ cho chúng ta biết có gì đó bất ổn, và dẫn chúng ta tới Chúa Giêsu.  Bóng tối, đau khổ, cô đơn, lo buồn…  Mọi thứ đó giúp chúng ta nắm bắt thực tế cuộc sống, giúp chúng ta cần đến Chúa.
  1. Chúng ta chịu đau khổ để thông phần đau khổ với Đức Kitô và nên giống Ngài.  Thánh Phaolô nói: “Vấn đề là được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết” (Pl 3:10-11).  Nhờ kinh nghiệm đau khổ mà chúng ta có thể an ủi người khác khi họ chịu đau khổ.  Khi chúng ta chịu đau khổ là chúng ta được nên giống Đức Kitô.  Thánh Phaolô phân tích: “Một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời” (2 Cr 4:17).
  2. Chúng ta chịu đau khổ để tôn vinh Thiên Chúa.  Chúa Giêsu động viên chúng ta nếu chúng ta chịu đau khổ vì danh Ngài: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa” (Mt 5:10-11).  Ngài cảnh báo rằng thế gian sẽ ghét chúng ta vì họ đã ghét Ngài trước (Ga 15:18).  Trong thư gởi giáo đoàn Do Thái, chương 11, có người nhờ đức tin mà được chúc lành bằng của cải và thành công, có người lại được chúc lành bằng đau khổ và cái chết.  Thiên Chúa không phân loại các anh hùng đức tin này tùy trường hợp của họ, Ngài chỉ tôn vinh họ vì vững mạnh đức tin.  Nếu các Kitô hữu có cuộc sống thoải mái thì sẽ làm cho Phúc Âm hấp dẫn vì các lý do sai lệch.
  3. Chúng ta chịu đau khổ để trưởng thành tâm linh. Chúa Giêsu là Đấng hoàn hảo, vậy mà Ngài còn phải chịu đau khổ để học được đức vâng phục.  Thánh Phaolô cho biết: “Nhờ Chúa, tôi rất vui mừng vì cuối cùng thấy tình cảm của anh em đối với tôi lại thắm thiết.  Tình cảm đó vẫn sống động, nhưng anh em chỉ thiếu dịp tỏ ra.  Không phải vì thiếu thốn mà tôi nói thế, bởi lẽ tôi đã học sống tự lập trong bất cứ hoàn cảnh nào.  Tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được.  Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả.  Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết” (Pl 4:10-13).  Thánh Phaolô xác định: “Để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Satan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại” (2 Cr 12).
  1. Chúng ta chịu đau khổ để hy vọng vinh quang Nước Trời.  Kh 21:4 nói: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ.  Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất.”  Thánh Phaolô nói: “Tôi nghĩ rằng những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta” (Rm 8:18).

 Có nhiều lý do để chúng ta chịu đau khổ, đôi khi khó nhận biết chính xác.   Như trường hợp Thánh Gióp, ông không bao giờ biết việc đánh cược của Satan với Thiên Chúa.  Nhưng đây là sự thật:

  • Thiên Chúa có toàn quyền trên mọi đau khổ của chúng ta.
  • Thiên Chúa vẫn hiện hữu ở bên chúng ta khi chúng ta gặp đau khổ.
  • Thiên Chúa luôn hành động với chúng ta khi chúng ta gặp đau khổ.
  • Nếu Thiên Chúa muốn chúng ta biết lý do, Ngài sẽ nói với chúng ta (qua Kinh Thánh hoặc cách nào đó).
  • Thiên Chúa tác động qua cái ác và đau khổ để sinh ra điều tốt, loại bỏ điều xấu mà Satan và kẻ xấu có thể làm cho chúng ta.

Ngày nào cũng có đau khổ, nhưng hãy nghĩ về hạnh phúc vĩnh hằng ở Nước Trời mai sau.  Randy Alcorn viết: “Số phận của chúng ta không lệ thuộc vào những người kiện cáo, hoặc những chính trị gia, luật sư, giáo viên, huấn luyện viên, sĩ quan quân đội, hoặc chủ nhân.  Họ có thể chống lại chúng ta – và Thiên Chúa hoàn toàn có thể chuyển những điều xấu thành điều tốt nhất cho chúng ta”.

Trầm Thiên Thu 

Anh chi Thu & Mai goi

(chuyển ngữ từ 

OnceDelivered.net)

THƯ NGỎ GỬI NHỮNG NGƯỜI CỘNG SẢN

From facebook: Hoa Kim Ngo with Sơn Long and 17 others

THƯ NGỎ GỬI NHỮNG NGƯỜI CỘNG SẢN

Hỡi những cộng sản đã đi theo đảng một cách chân thành, vì coi đó là lý tưởng cao đẹp, xin quý vị nên nghĩ lại, xem tổ chức mà quý vị đang đứng trong hàng ngũ liệu có và còn xứng đáng là một chính đảng phục vụ đất nước dân tộc hay không?

Ngay sau khi ông Nguyễn Đức Chung ký bản cam kết, nhiều luật sư đã phân tích sự lừa đảo đó, bởi lẽ đơn giản là ông ta không có thẩm quyền đại diện và thay mặt cơ quan tố tụng cam kết không khởi tố vụ án Đồng Tâm.

Nhiều người, và rất nhiều người, đã cả tin đến mức phê phán các luật sư, rằng kết quả đạt được là tốt rồi, không nên quá nghi ngờ “thiện chí” của giới lãnh đạo Hà Nội, và rằng người dân Đồng Tâm đã làm hết sức của mình, không nên đòi hỏi hơn nữa. Tất nhiên, chúng tôi hiểu cảm xúc trung thực đó.

Bây giờ mọi người đã thấy rõ, hệ thống tuyên truyền của nhà cầm quyền đang lập luận rằng ông Chung không có thẩm quyền cam kết như thế, và cùng lắm ông chỉ hứa không khởi tố “toàn thể người dân Đồng Tâm”, chứ có cam kết không khởi tố một cá nhân nào đâu (!?).

Ông Chung thậm chí còn vu cáo người dân Đồng Tâm ép buộc ông ký cam kết, và vì tránh cảnh người dân phải đổ máu lúc đó, nên ông đành làm như thế. Cam kết trong khi bị ép buộc nên không có giá trị pháp lý (!).

Nói cách khác, họ chẻ chữ ra để lấp liếm. Tất nhiên, lấp liếm thì dễ thôi, nhưng hành động lật lọng và lừa đảo không thể che giấu ai. Lật lọng và lừa đảo là hai mặt của một đồng xu mang hình hài cộng sản.

Nếu ông Chung có thẩm quyền cam kết, thì rõ ràng bây giờ nhà cầm quyền đang lật lọng. Nếu ông Chung không có thẩm quyền mà vẫn cam kết, thậm chí khôn lỏi đến mức chơi chữ để lấp liếm, thì đó là gì nếu không phải lừa đảo?

Lật lọng và lừa đảo là bản chất của mọi chế độ cộng sản từ khi chúng đoạt được quyền bính trên toàn thế giới vào năm 1917 ở nước Nga và sau đó lan rộng trên phạm vi quốc tế. Dù cộng sản đã sụp đổ trên toàn cầu nhiều thập kỷ trước, cặn bã của nó vẫn còn đọng lại ở Trung Quốc và Việt Nam.

Do đó, hỡi những người cộng sản Việt Nam thành tâm, quý vị nghĩ gì về tổ chức mà mình đang gửi gắm niềm tin và hy vọng? Người dân Đồng Tâm là những dân quê chân chất, lam lũ bên mảnh đất tổ tiên để lại, liệu đủ sức chống chọi sự lật lọng và lừa đảo tinh vi một cách có hệ thống như thế không?

Người dân Đồng Tâm mới chính là đồng bào yếu thế của quý vị trong cộng đồng dân tộc suốt hàng ngàn năm lịch sử, chứ không chỉ có những kẻ trong một tổ chức mới hình thành từ vài chục năm qua bởi sự vay mượn một tư tưởng ngoại lai xa lạ.

Chế độ mà quý vị tưởng còn chia sẻ chung lý tưởng ấy thật ra đã lộ nguyên hình thành một băng đảng chủ trương lấy cướp bóc làm mục đích sinh tồn, lấy dối trá và bạo lực làm phương tiện.. Chế độ đó đang hoảng loạn đến mức phải bảo toàn quyền thống trị độc tôn của mình mà không ngần ngại bộc lộ rõ bản chất lật lọng và lừa đảo của nó.

Vậy, xin hãy bình tâm suy nghĩ và từ bỏ băng đảng cướp bóc đó. Thời gian vẫn còn kịp cho những ai thành tâm yêu nước, và dân tộc ta luôn bao dung đối với những ai thực tâm xem lợi ích tổ quốc vượt trên tất cả.

Việt Nam, ngày 14/6/2017,

Đồng Chủ tịch Hội CTNLT:

Bs. Nguyễn Đan Quế, Lm. Phan Văn Lợi

Hà Nội khởi tố vụ án bắt 38 cán bộ ở Đồng Tâm

Hà Nội khởi tố vụ án bắt 38 cán bộ ở Đồng Tâm

BBC

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung về Đồng Tâm gặp dân hôm 22/4

Bản quyền hình ảnh   AFP
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung về Đồng Tâm gặp dân hôm 22/4

Cảnh sát điều tra – Công an TP Hà Nội vào hôm 13/6 đã ra quyết định khởi tố điều tra vụ án hình sự vụ việc xảy ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội ngày 15/4.

Các báo Việt Nam đồng loạt tường thuật việc khởi tố vụ án “nhằm điều tra làm rõ các hành vi bắt giữ người trái pháp luật theo Điều 123 và hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143 Bộ luật Hình sự”.

Hôm 15/4, người dân Đồng Tâm đã bắt giữ hơn 30 người gồm cán bộ, cảnh sát cơ động để đòi giới chức thả chín người dân bị công an bắt, đồng thời xử lý các khiếu nại đất đai.

Một người dân chào những cảnh sát cơ động khi họ được thả tự do hôm 22/4

Bản quyền hình ảnh  REUERS/KHAM
Một người dân chào nhóm cảnh sát cơ động khi họ được thả tự do hôm 22/4

Hôm 22/4, khi đến Đồng Tâm để đối thoại, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung được truyền thông dẫn lời:

“Tôi từng làm điều tra, từng làm thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra, giám đốc công an thành phố, hôm nay tôi về với tư cách chủ tịch TP. Tôi ghi nhận việc làm của bà con là từ bức xúc đất đai, từ việc bắt giữ người không công bố lệnh, không mặc trang phục, bắt đưa lên ô tô.

“Tôi tin đất nước ta có truyền thống đánh kẻ chạy đi không đánh kẻ chạy lại. Luật pháp có quy định thành khẩn, khắc phục hậu quả, tôi tin bà con sẽ được giảm nhẹ.”

Ông Chung cũng đã viết bản cam kết gồm 3 điều với người dân xã Đồng Tâm.

Thứ nhất, ông cam kết trực tiếp kiểm tra đoàn thanh tra về đất đai.

Thứ hai, cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm.

Thứ ba, ông cam kết chỉ đạo điều tra, xác minh việc bắt và gây thương tích cho cụ Lê Đình Kình (83 tuổi, ở xã Đồng Tâm).