Mười Điều Răn có phải lỗi thời rồi không?- Cha Vương

Chúc bạn và gia đình luôn khỏe mạnh và tràn đầy bình an hạnh phúc cho ngày mới nhé!

Cha Vương

Thứ 2: 7/7/2025

GIÁO LÝ: Mười Điều Răn có phải lỗi thời rồi không? Không. Mười Điều Răn không phải là sản phẩm của thời nào đặc biệt. Nó là những bổn phận căn bản và không thể thay đổi đối với Thiên Chúa và tha nhân, có giá trị mọi nơi, mọi thời. (YouCat, số 351)

SUY NIỆM: Mười Điều Răn là những điều răn của lý trí, và cũng là thành phần của những điều Thiên Chúa đã mặc khải như có tính bắt buộc. Bản chất nó có tính bắt buộc, không ai có thể tự miễn trừ không phải tuân giữ. Chúng ta yêu mến Chúa, vì Chúa đã yêu thương chúng ta trước. (1 Ga 4,19)

    Mười Điều Răn hoàn toàn không phải là những bổn phận do một “bạo chúa” áp đặt cách độc tài… Ngày nay và mãi mãi chỉ có các điều răn là bảo đảm cho tương lai gia đình và nhân loại. Các điều răn bảo vệ con người khỏi quyền lực phá hại của ích kỉ, của hận thù và dối trá. Chúng chỉ bảo cho con người biết tất cả những thần tượng lầm lạc bắt con người phải nô lệ: tự ái loại bỏ Thiên Chúa, ý chí ham quyền lực, mưu cầu lạc thú, làm đảo lộn trật tự chính đáng và hạ thấp phẩm giá con người và phẩm giá của người thân cận. (YouCat, số  351 t.t.)

LẮNG NGHE: Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. (Ga 14:15)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, Chúa đã dạy con phải hết lòng tôn thờ Chúa, xin giúp con sống thánh thiện để mọi người nhìn thấy việc lành nơi con mà ngợi khen Thánh Danh Chúa.

THỰC HÀNH: Đọc chậm và suy niệm Kinh Sáng Soi.

From: Do Dzung

https://www.youtube.com/watch?v=Hs6RYT0AZrU

Chúa Qúa Thương Con – Lệ Hằng 


 

HAI BI KỊCH LỚN

Gieo Mầm Ơn Gọi·

Cha Ajong kể: Các linh mục cũng là những con người với những mỏng dòn của cuộc đời. Sau đây là hai bi kịch đã xẩy ra. Xin mọi người cầu nguyện cho linh hồn của hai vị linh mục đáng thương này.

Một linh mục kể rằng: Chiều hôm nay, tôi vừa mới cử hành xong Thánh Lễ thứ 3 trong ngày Chúa Nhật. Tôi thuộc về một giáo xứ rất đẹp có tên là: Sacred Heart và St. Patrick.

Khi tôi về nhà để chuẩn bị ăn cơm tối với người anh em của tôi là cha Frankline. Cha cũng vừa cử hành 2 Thánh Lễ và đang nghỉ ngơi để chuẩn bị cho một Thánh Lễ thứ 3 vào lúc 6:00 giờ chiều nay.

Rồi tôi mở trang Facebook ra và đọc được một tin rất buồn. Bản tin xuất phát từ miền Bắc nước Ý làm cho tôi đau buồn khôn xiết. Đó là tin một vị linh mục trẻ tên là Don Matteo Balzano, mới có 35 tuổi đã tự tử vào ngày hôm qua. Ngài chết ở trong phòng thánh. Dù tôi không biết gì về ngài nhưng tôi cảm thấy có một sự mất mát lớn lao. Tôi đã mất một vị linh mục. Ngài là anh em của tôi và là người đồng loại với tôi.

Bi kịch này nhắc tôi nhớ đến một bi kịch khác ở gần nhà tôi hơn. Vào tháng 6 năm 2024, tại một buổi tĩnh tâm ở thành phố Steubenville, tiểu bang Ohio, tôi ngồi cùng bàn với cha Fr. Dennis Conway, ngài là vị linh mục đến từ tiểu bang Iowa.

Chúng tôi đã cùng cười nói vui vẻ và chia sẻ những mẩu chuyện. Tôi ngồi nhìn ngài vui vẻ nói chuyện với cha chính xứ của tôi là cha David. Cả hai ôn lại những kỷ niệm thân thương khi họ cùng học chung tại một chủng viện ở thành phố Roma. Không ai trong chúng tôi biết rằng đó là lần cuối mà chúng tôi gặp cha ấy.

Chỉ có vài tháng sau đó, vào tháng 11 năm 2024 thì có tin báo rằng cha Dennis đã tự tử chết. Cả tôi và cha David cùng bị sốc nặng khi nghe tin buồn này. Chúng tôi vừa mới trở về nhà sau cuộc họp tĩnh tâm hàng năm của các linh mục, phó tế và các tu sinh ở tại thành phố Steubenville chừng 2 tuần trước đó.

Một trong những điều mà nhóm chúng tôi nhấn mạnh là nhu cầu cần nhớ rằng chúng ta đều là những con người và cần được nghỉ ngơi, bồi bổ và giữ sức khoẻ cả về mặt tâm linh lẫn thể chất.

Cha John Ricardo và nhóm của cha đã làm được một việc rất tốt. Tất cả chúng tôi đã nghĩ về cha Denis và sốt sắng cầu nguyện cho ngài ở thành phố Steubenville.

Chúng tôi vẫn còn đau đớn khi nghĩ về cái chết của ngài. Hôm nay lại có tin về cái chết của cha Don Matteo nên vết thương lòng của chúng tôi lại mở rộng ra. Rồi câu nói: “Các linh mục đều là con người.”

Càng làm cho chúng tôi thêm xúc động. Có lẽ các tín hữu, và có khi có cả các linh mục thường kỳ vọng rằng người linh mục phải mạnh mẽ, vui vẻ mà không bị cuộc đời làm cho chao đảo. Các linh mục được đặt trên bệ cao của sự ngưỡng mộ. Các ngài thường được xem là người mang niềm hy vọng và gánh những gánh nặng của nhiều người khác.

Người ta luôn mong rằng các linh mục phải luôn hiện diện và luôn sẵn sàng gánh vác mọi sự cho loài người. Thật sự đó là một ơn gọi đẹp đẽ, nhưng ơn gọi cũng có những thánh giá. Tôi rất thích làm linh mục nhưng tôi cũng biết sức mạnh và sự hạn chế của mình.

Gần đây, cha Christopher Smith đã từng viết về cái chết của cha Don Matteo. Lời của cha Christopher vẫn còn vang vọng thiết tha: “Một số các anh em linh mục của tôi vẫn làm việc mỗi ngày dưới áp lực của xúc cảm. Nếu mọi người biết rằng áp lực của các linh mục rất nhiều. Họ phải đối đầu với những thái độ xấu xa, đồn thổi, cô đơn, bị hiểu lầm, bị kỳ vọng quá đáng. Họ cảm thấy bị thua thiệt, bị các Bề Trên đối xử không tốt. Họ cảm thấy quá sức mệt mỏi. Dù sao thì họ cũng là những con người mỏng dòn. Đối với một vị linh mục thì đôi khi họ cảm thấy mình chới với và xuống tinh thần.”

Đã có rất nhiều lời phàn nàn và chỉ trích làm cho vị linh mục xuống tinh thần, nào là sao có nhiều hoa trên bàn thờ quá. Nào là sao có ít hoa trên bàn thờ. Nào là vị linh mục cười nhiều quá. Nào là ngài nghiêm trang quá. Nào là ngài đang giết dần giáo xứ. Nào là ngài làm mọi việc một mình. Nào là:Tôi chỉ thích vị linh mục trước hơn…

Những lời nói cay nghiệt ấy dù là nhỏ nhưng có thể chồng chất lên và bóp nát trái tim vị linh mục, một con người đã luôn phải mang nặng gánh cô đơn, mệt mỏi và tự nghi ngờ chính mình.

Chúng ta cùng cầu nguyện để xin Chúa tha phần phạt cho các linh mục tự tử. Xin Chúa đón nhận các ngài với vòng tay thương yêu của Chúa. Amen.

Kim Hà dịch thuật, 6/7/2025


 

‘ÉP THIÊN CHÚA’ – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Người đi vào, cầm lấy tay em bé, nó liền trỗi dậy”; “Ngay từ giờ ấy, bà được cứu chữa”.

“Hãy cẩn thận với những ý nghĩ nghi ngờ lòng thương xót của Thiên Chúa – vì không gì làm ma quỷ hài lòng hơn, và cũng không gì khiến Thiên Chúa đau buồn hơn khi chúng ta ngờ vực Ngài!” – Isaac Syria.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng hai biểu hiện đức tin tuyệt vời – quá tuyệt vời – đến nỗi chúng có thể chạm đến trái tim Chúa Giêsu và khơi dậy tức khắc sự đáp lại của Ngài. Có thể nói, một đức tin mạnh mẽ là điều gì đó có thể ‘ép Thiên Chúa!’.

Một thủ lãnh công khai đến với Chúa Giêsu, “Con gái tôi vừa mới chết. Nhưng xin Ngài đến đặt tay lên cháu, là nó sẽ sống!”. Ông được toại nguyện, và Chúa Giêsu xem ra thích loại ‘nghĩa vụ’ này. Cùng thời điểm đó, một phụ nữ băng huyết chùng lén đến với Ngài, “Tôi chỉ cần sờ được vào áo choàng của Người thôi là sẽ được cứu chữa!”. Và cô được chữa lành. “Thiên Chúa không thể từ chối một tâm hồn khiêm tốn đầy tin tưởng; chính Ngài bị tình yêu đó bắt lấy và không còn lối thoát!” – Gioan Maria Vianney.

Xem ra Thiên Chúa còn sẵn sàng để ‘chịu điều khiển’ bởi đức tin tốt lành của con người. Điều Ngài không cho phép là sự ngờ vực, cám dỗ Ngài đưa ra một chứng cứ thuyết phục. Zacharia là một ví dụ, “Làm sao tôi biết được điều đó?”. Thiên thần không hề nao núng, “Ta là Gabriel, người đứng trước mặt Thiên Chúa… Ông sẽ câm và không nói được cho đến ngày những điều này xảy ra”. Và đúng như vậy. “Nghi ngờ là con dao sắc bén cứa vào trái tim yêu thương của Thiên Chúa. Ngài không chịu nổi một linh hồn luôn cân đo lòng trung tín của Ngài!” – Padre Pio.

Rõ ràng, chính Thiên Chúa muốn ‘được ép’ và ‘chịu buộc’ bởi đức tin của con người. Chúa Giêsu từng nói, “Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ thấy, hãy gõ cửa thì sẽ mở cho!”. Thiên Chúa – là Cha – không muốn từ chối bất cứ điều gì tốt lành cho con cái. Thế nhưng, về phía chúng ta, cần phải tin tưởng trình bày những yêu cầu của mình với Ngài; sự tin tưởng và mối quan hệ với Thiên Chúa đòi hỏi sự tiếp xúc. Để tin tưởng một ai, bạn phải biết người đó; và để biết người đó, bạn phải tương tác với người đó. Vì thế, “Đức tin tuôn đổ lời cầu nguyện, và việc tuôn đổ lời cầu nguyện sẽ củng cố đức tin!” – Augustinô. Chúng ta đừng quên lời ngợi khen mà Đức Maria xứng đáng nhận, “Phúc cho em là kẻ đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em!”.

Anh Chị em,

“Đức tin tuôn đổ lời cầu nguyện, và việc tuôn đổ lời cầu nguyện sẽ củng cố đức tin!”. Hãy tưởng tượng nếu bạn và tôi có một đức tin sâu sắc vào Thiên Chúa; nếu chúng ta tin chắc Chúa sẽ chăm sóc mọi nhu cầu của chúng ta; và nếu chúng ta có thể tin như vậy bằng cách nuôi dưỡng một đời sống cầu nguyện ngày càng thiết tha hơn, thì Thiên Chúa sẽ có thể liên tục chăm sóc chúng ta theo mọi cách đến ngần nào!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con hiểu rằng, Thiên Chúa đã ban cho con người ‘quyền năng’ làm lay động trái tim Ngài – ‘quyền năng’ đó là đức tin khiêm hạ và lời cầu nguyện cháy bỏng!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

***************************************************************

Thứ Hai Tuần XIV Thường Niên, Năm Lẻ

Con gái tôi vừa mới chết. Nhưng xin Ngài đến đặt tay lên cháu, là nó sẽ sống.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.   Mt 9,18-26

18 Khi ấy, Đức Giê-su còn đang nói với các môn đệ ông Gio-an, thì bỗng một vị thủ lãnh đến gần bái lạy Người và nói : “Con gái tôi vừa mới chết. Nhưng xin Ngài đến đặt tay lên cháu, là nó sẽ sống.” 19 Đức Giê-su đứng dậy đi theo ông ấy, và các môn đệ cũng đi với Người.

20 Bỗng một người đàn bà bị băng huyết đã mười hai năm tiến đến phía sau Người và sờ vào tua áo choàng của Người, 21 vì bà nghĩ bụng : “Tôi chỉ cần sờ được vào áo choàng của Người thôi là sẽ được cứu chữa !” 22 Đức Giê-su quay lại thấy bà thì nói : “Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con.” Và ngay từ giờ ấy, bà được cứu chữa.

23 Đức Giê-su đến nhà viên thủ lãnh ; thấy phường kèn và đám đông ồn ào. 24 Người nói : “Lui ra ! Con bé có chết đâu, nó ngủ đấy !” Nhưng họ chế nhạo Người. 25 Khi đám đông bị đuổi ra rồi, thì Người đi vào, cầm lấy tay con bé, nó liền trỗi dậy. 26 Và tin ấy đồn ra khắp cả vùng.


 

Chuyện Vãn: Tái Ông Thất Mã, Giữa Họa & Phúc

Ba’o Nguoi- Viet

July 5, 2025 

Vương Trùng Dương

Trong cuộc sống của chúng ta cũng thường gặp phải bao chuyện xảy ra họa (rủi ro) và phúc (may mắn).

Khi có người bị họa thì lấy thành ngữ “Tái ông thất mã” nghĩa Hán Việt: Tái là “cửa ải,” ông là “ông lão, ông già.” Tái ông là “ông già sống gần biên ải” ám chỉ khi người gặp họa trước thì may mắn được phúc sau.

Thông thường thì thành ngữ nầy chí với tự bản thân để an ủi. Trong Tự Điển Hán Nôm thì phúc và phước viết giống nhau. Theo cách gọi miền Bắc là phúc, Trung và Nam là phước. Với phước, họa thì khôn lường được. Câu nói Lưu Hướng trong Thuyết Uyển “Phúc bất trùng chí, họa tất trùng lai,” phúc chỉ may mắn một lần, họa thì liên miên. Hay “Phúc vô song chí, họa bất đơn hành.”

Với thành ngữ ta “Của đi thay người” rất phổ biến khi an ủi, chia sẻ vì vừa liên quan đến số phận khi họa và phúc xảy ra. Trường hợp người bạn già của tôi ở Los Angeles cách nay hơn mười năm, mua bảo hiểm chỉ một chiều, tuổi già lái xe lạng quạng húc xe trước khi dừng lại lúc đèn đỏ. Đầu xe anh bị dập nhưng may mắn thân thể không bị hề hấn gì. Tuổi già cô đơn nên anh thường đi xe bus casino chơi slot machine giải trí… Vài hôm sau vì không có xe đến chỗ xe bus, nên anh nằm nhà. Tai nạn xảy ra trong chuyến xe bus bị lật vì tài xế lạc tay lái. Câu nói “Của đi thay người” đúng hơn “Tái ông thất mã.”

Từ câu chuyện thời xa xưa tận bên Tàu dựa vào điển tích và được truyền tụng qua thời gian, trở nên thành ngữ mang tính chất triết lý dân gian… Cũng như câu  “Đắc mã thất mã nan tri họa phúc” (Được ngựa mất ngựa chưa biết họa phúc ra sao).

Trong họa lại có phúc như câu chuyện trên bàn bạc trong đời người. Họa, phúc luôn xoay vần, vì vậy không nên tuyệt vọng khi gặp họa và không nên vui mừng quá khi gặp phúc.

Sách Hoài Nam Tử chép rằng: Có một ông lão kia sinh sống gần biên ải (tức Tái Ông). Nhà ông nuôi một con ngựa quý. Thế nào nó tự nhiên đi vào đất bắc mất hút. Những người quen biết đến nhà hỏi thăm, ông nói với họ: “Mất ngựa biết đâu lại là điềm may.” Quả nhiên, mấy hôm sau con ngựa nọ trở về, lại “rủ” thêm mấy con tuấn mã nữa đi cùng. Hàng xóm láng giềng đến chia vui, ông lại chép miệng nói: “Ôi dào! Được thêm ngựa biết đâu lại là hoạ đó.”

Con trai ông thấy ngựa đẹp bèn mải mê tập cưỡi, phi ngựa suốt ngày để đến nỗi một hôm ngã gãy cả chân. Tội quá! Trước sự kiện này, mọi người cho là tai hoạ, nhưng Tái Ông vẫn ung dung: “Biết đâu lại là phúc đó!” Mà cũng nghiệm vậy. Sau đó, đất nước bị giặc giã, trai tráng tất thảy phải ra trận. Mà xung trận tiền thì “mười thằng chết chín” là cái chắc. Riêng cậu con trai ông vì tàn tật mà được ở lại và sống sót, ở với cha trọn đời, sinh con đẻ cái.

Trong truyện cổ Ấn Độ kể rằng, có vị quốc vương, khi ra ngoài đi săn không may bị đứt mất một ngón tay, mới hỏi vị đại thần thân cận nên làm thế nào? Đại thần nói với giọng lạc quan, nhẹ nhõm: “Đây là việc tốt!” Quốc vương nghe vậy giận lắm, trách ông hí hửng khi thấy người khác gặp nạn, vì thế ra lệnh nhốt ông vào đại lao chờ ngày xét xử.

Một năm sau, quốc vương lại ra ngoài đi săn, bị lạc đến khu rừng xa hẻo lánh bị thổ dân bắt sống, trói vào đàn tế, chuẩn bị làm vật tế thần. Thầy phù thủy đột nhiên phát hiện quốc vương khuyết mất một ngón tay, cho rằng đây là vật tế không hoàn chỉnh, bèn thả quốc vương ra, thay vào đó bắt viên đại thần tùy tùng làm vật hiến tế.

Trong niềm vui thoát nạn, quốc vương nghĩ tới viên đại thần vui vẻ từng nói rằng mất ngón tay là việc tốt, liền ra lệnh thả ông, và xin lỗi vì đã vô cớ bắt ông chịu nạn một năm trong ngục tối. Vị đại thần này vẫn lạc quan nói: “Cái họa họa năm ngồi tù cũng là việc tốt.” Nhà vua còn đang thắc mắc với câu nói trên, vị đại thần nói tiếp: “Nếu như tôi không bị họa ngồi tù, thì thử nghĩ vị đại thần theo người đi săn mà bị lên đàn hiến tế kia sẽ là ai?”

Với quan điểm của người xưa về tâm linh “Thiện ác hữu báo. Phúc họa tương sinh” nhằm khuyên nhủ con người, tư tưởng nhân quả, ở hiền gặp lành, ở ác gặp báo… Tuy nhiên trong thực tế, biết bao người ở hiền mà gặp họa, ở ác được may mắn! Những kẻ độc ác gian trá lại được hưởng lợi từ bản thân đến các thế hệ con cháu. Vì vậy trong cõi đời ô trọc vô thường nên không thể nào minh chứng giữa chánh và tà, giữa thiện và ác.

Trong lịch sử, văn chương Việt Nam, họa và phúc cũng là đề tài từ văn học dân gian đến văn học hiện đại. Trong Truyền Kỳ Mạn Lục của danh sĩ Nguyễn Dữ, cuối thế kỷ XVI nhà Lê Sơ, đầu thời nhà Mạc. Câu chuyện thứ 16 (trong 20 câu chuyện) Nam Xương Nữ Tử Lục (Thiếu Phụ Nam Xương). Truyện kể về bối cảnh từ thời nhà Trần cho đến nhà Hồ, người con gái có tên Vũ Thị Thiết, quê ở Nam Xương. Nàng là người có dung hạnh vẹn toàn. Chồng là Trương Sinh, con nhà hào phú, ít học, tính tình ghen tuông, nghi ngờ vợ. Trương Sinh đi lính, để lại mẹ già và vợ ở nhà. Một thời gian sau, nàng sinh ra đứa con đầu lòng đặt tên là Đản. Ở nhà, nàng chăm nom con và mẹ chồng rất mực chu đáo. 

Vì nhớ thương con, mẹ Trương Sinh ngày càng ốm nặng rồi mất, nàng lo tang ma chay tế lễ, lo liệu như đối với cha mẹ đẻ mình. Để đỡ nhớ chồng và sợ con thiếu thốn tình cha, nàng hay đùa với con bằng cách chỉ cái bóng của mình trên vách và nói với con đó là cha Đản.

Sau cuộc chiến, Trương Sinh trở về. Biết tin mẹ già mất, con vừa học nói. Chàng đau buồn ra thăm mộ mẹ, bế bé Đản theo, ra đến đồng đứa trẻ quấy khóc và bảo: “Trương Sinh không phải là cha Đản, cha Đản đêm nào cũng đến, mẹ Đản ngồi cũng ngồi nhìn nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả.” Vì tính ghen tuông, nóng nảy Trương Sinh đã mắng mỏ vợ rồi đuổi nàng đi, dù cho hàng xóm thanh minh. Không thể thanh minh được. Nàng nhảy xuống dòng sông Hoàng Giang tự tử, để lấy cái chết minh oan cho chính sự trong sạch của mình! 

Vào một đêm phòng không vắng vẻ, chàng ngồi buồn dưới ngọn đèn khuya, chợt đứa con chỉ vào bóng chàng và bảo đó là cha, Trương Sinh mới tỉnh ngộ, thấu nỗi oan của vợ, nhưng việc trót đã qua rồi. Dân làng thương tiếc lập miếu thờ bà trên bờ sông Hoàng Giang thuộc làng Vũ Điện, huyện Nam Xương, tỉnh Hà Nam.

Bài thơ Miếu Vợ Chàng Trương của vua Lê Thánh Tông (1442-1497) được giảng dạy trong chương trình Quốc Văn lớp Đệ Ngũ thời VNCH:

“Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương,

Miếu ai như miếu vợ chàng Trương.

Bóng đèn dầu nhẫn đừng nghe trẻ,

Cung nước chi cho luỵ đến nàng.

Chứng quả đã đôi vầng nhật nguyệt,

Giải oan chi lọ mấy đàn tràng?

Qua đây mới biết nguồn cơn ấy,

Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng.”

Lê Thánh Tông là bậc minh quân của nhà Hậu Lê, trị vì từ năm 1460 đến 1497. Không những được coi là một trong những vị vua đức độ nhất trong lịch sử Việt Nam, với sự nghiệp xây dựng một triều đại hưng thịnh và ổn định. Nhà vua sáng lập Hội Tao Đàn, quy tụ 28 danh sĩ để sáng tác thơ ca. 

Nguyễn Trãi (1380-1442) với hình ảnh “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” có công lớn phò Lê Lợi đánh đuổi quân Minh lập nên nhà Lê. Dòng họ Nguyễn và Trần (bên ngoại) nổi danh trong giai đoạn nầy. Thế nhưng trong phúc lại gặp họa trong vụ án Lệ Chi Viên.

Năm 1442 vua Lê Thái Tông đi tuần về miền Đông, Chí Linh. Nguyễn Trãi tuy đã cáo quan về hưu nhưng vẫn còn nổi danh, mời vua ngự ở chùa Côn Sơn. Khi vua đi chơi ở Lệ Chi Viên (vườn Vải), ven sông Thiên Đức thì bất ngờ băng hà. Nguyễn Trãi quy vào tội giết vua và bị “tru di tam tam tộc.” Dòng họ Nguyễn Trãi ở Chi Ngại, Nhị Khê gần như bị thảm sát hết.

Tháng 8 năm 1464, sau 22 năm, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu giải oan cho Nguyễn Trãi, truy tặng ông tước hiệu là Tán Trù Bá, bãi bỏ lệnh truy sát của triều đình với gia quyến Nguyễn Trãi và ra lệnh bổ dụng con cháu ông làm quan. Dòng họ Nguyễn được nối dõi tông đường. Ngoài ra nhà vua còn ra lệnh phục hồi thơ văn của Nguyễn Trãi.

(Hình: tác giả cung cấp)

Trong bài thơ Quân Minh Thần Lương của vua Lê Thánh Tông có câu: “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo” được treo ở đền thờ Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi được tôn vinh là Thánh Tổ ngành Chiến Tranh Chính Trị thời Việt Nam Cộng Hòa. Sinh Viên Sĩ Quan của Trường ĐH. CTCT mang tên Nguyễn Trãi I đến Nguyễn Trãi VI.

Nếu không có bậc minh quân Lê Thánh Tông thì nỗi oan của đại công thần Nguyễn Trãi bị chôn vùi qua sáu thế kỷ và áng văn tuyệt tác Bình Ngô Đại Cáo không còn lưu lại hậu thế.

Vào thời kỳ Trịnh/Nguyễn phân tranh trong 46 năm. Nguyễn Hoàng (1525-1613) phò Lê diệt Trịnh nhưng thế lực của Trịnh Kiểm (1503-1570) và con là Trịnh Tùng (1550-1623) mạnh hơn, phế lập vua Lê, thâu tóm quyền hành. Sách sử ghi rằng, Nguyễn Hoàng thấy anh trai là Nguyễn Uông bị Trịnh Kiểm hại chết, nên lo lắng cho tính mạng của mình, liền sai người đến xin ý kiến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585). Trạng Trình dắt sứ giả của Nguyễn Hoàng ra hòn non bộ, chỉ vào đàn kiến đang bò và bảo: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” ám chỉ một dải Hoành Sơn có thể dung thân muôn đời.

Theo lời khuyên của Trạng Trình, Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa lánh nạn, nhưng với tài năng và mưu lược thực hiện chính sách an dân, khai hoang lập ấp và thu hút lưu dân từ miền Bắc vào sinh sống. Nhờ những đóng góp to lớn, ông được nhân dân hết mực kính trọng và tôn xưng là Chúa Tiên. Dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Hoàng, Thuận Hóa không chỉ trở thành vùng đất trù phú, ổn định mà còn giữ vai trò trung tâm trong tiến trình mở rộng lãnh thổ Đại Việt về phương Nam.

Sau Nguyễn Hoàng, các đời chúa Nguyễn như: Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635), Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (1601-1648), Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1620-1687), Chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Thái (1650-1691), Chúa Minh Nguyễn Phúc Chu (1675-1725), Chúa Ninh Nguyễn Phúc Chú (1697-1738), Chúa Vũ Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765) ông nội vua Gia Long, Chúa Định Nguyễn Phúc Thuần (1754-1777)… Và sau nầy với 13 đời vua.

Trong lịch sử Việt Nam đã đề cập đến nhiều nhân vật và trường hợp xảy ra khi gặp họa nhưng rồi may mắn thành công “Hết cơn bĩ cực đến hồi thái lai,” hết họa đến phúc.

Nhà văn Hồ Biểu Chánh (1884-1958) với khoảng sáu mươi tác phẩm hơn bốn thập niên hầu hết với bối cảnh xã hội ở Nam Kỳ Lục Tỉnh, trong đó có số tác phẩm nói về tình đời, tình người trong mọi hoàn cảnh với phúc/họa, họa/phúc. Và với tâm hồn nhân bản nên kết thúc có hậu. Cụ được coi là nhà văn tiêu biểu trong lãnh vực nầy.

Trong 15 tác phẩm kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung đề cập đến nhiều nhân vật trong chốn võ lâm với họa/phúc, phúc/họa. Các nhân vật bị họa ập đến nhưng nhờ may mắn trở thành võ công thượng thừa đã hành hiệp chánh đạo. Ngược lại những nhân vật may mắn võ công thâm hậu nhưng tâm tà rồi cuối cùng lãnh họa vào thân.

Có lẽ chuyện vãn sau nầy, tôi sẽ đề cập đến các nhân vật tiêu biểu giữa chánh giáo và tà giáo. Trong chánh phái có những kẻ tâm tà, độc ác và trong trong tà phái cũng có vài nhân vật hướng thiện… và kết quả “ác giả ác báo,” “thiện giả thiện báo” như trong cuộc sống thế gian để suy ngẫm.

Nhà văn Kim Dung qua truyện chưởng, kiếm hiệp không những thi thố võ công, chưởng lực, kiếm pháp, đấu đá… mà trong đó với triết lý nhân sinh về họa và phúc như trong thành ngữ “Thiện ác đối đầu chung hữu báo.”

Sau nầy trong các phim về võ hiệp, phim cổ trang, đạo diễn khai thác cái họa triền miên xảy ra giữa dòng tộc, cá nhân quá dài từ tập này đến tập khác, đến vài tập cuối mới trả cái họa đã từng cam chịu để rửa hận và hưởng vinh quang.

Trong phạm vi chuyện vãn nên không đề cập vấn đề chính trị trong lịch sử các dân tộc, trong đó có số người gặp họa bỏ cố hương tìm được cuộc đời mới và được hưởng phúc.

Trong Truyện Cổ Nước Nam của hai cụ Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc & Tử An Trần Lê Nhân xuất bản ấn hành cách nay tròn một thế kỷ. Hai học giải truy lục khoảng 250 mẩu chuyện xảy ra của người xưa về nhân sinh quan với đạo làm người. Với đạo làm người dĩ nhiên có những mẩu chuyện về ác, thiện và họa, phúc để lưu lại tấm gương cho hậu thế.

Trong phần tiểu tựa, theo lời hai cụ thì “Có ý bảo tồn tinh hoa của cổ học nhớ đến nguồn gốc từ bao nhiêu nghìn năm về trước, rõ các điển tích thường dẫn trong văn chương nước nhà, thêm trước được ít tài liệu có khi làm văn phải dùng đến, rộng được ít tri thức tuy thuộc về cổ học mà thật khác nào ‘như thóc gạo, như vải lụa, thường cần đến hàng ngày.”

Kẻ hậu bối học hỏi được chữ tâm của bậc tiền nhân làm lẽ sống. Trải qua năm tháng với họa, phúc cũng là lẽ vô thường như mọi người, cố gắng giữ được chữ tâm để phiên phiến tuổi già.

(Little Saigon, July 2025)


 

Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ. (Is 49:15)-Cha Vương

Một ngày tràn đầy yêu thương và hạnh phúc trong Chúa nhé.

Cha Vương

CN: 6/7/2025

TIN MỪNG: Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ. (Is 49:15)

SUY NIỆM: Trong Kinh Thánh Chúa sử dụng nhiều hình ảnh rất gần gũi và quen thuộc với con người để mặc khải cho họ biết về bản tính của Ngài. Điển hình như Chúa là một người chăn chiên, một người đầy tớ, là ánh sáng, là lửa, là gió, là người cha hay là người mẹ, v.v. 

Đoạn Tin Mừng, Ngôn sứ I-sai-a nói về hình ảnh dân Do thái, một dân tộc được Chúa săn sóc với một tình yêu của một người mẹ. Chúa sẽ ban phúc lành cho dân, và phúc lành quí giá nhất là bình an. Tình yêu của người mẹ thường được coi là thư’ tình yêu thuần khiết và vô điều kiện nhất. Đó là mối liên kết độc nhất, vô nhị mà người mẹ phát triển với đứa con của mình ngay từ thời điểm thụ thai. Tình yêu này cung cấp cho đứa con một nền tảng của tình yêu thương—sự hạnh phúc, tin tưởng và an toàn— nó giúp đứa con lớn lên thành những người lớn trưởng thành trong các mối quan hệ khác trong tương lai.

    Như Chúa chăm sóc cho dân Do thái thế nào thì Chúa cũng chăm sóc cho bạn như vậy. Bạn có cảm giác được Chúa yêu thương bạn đến như vậy bao giờ chưa? Ước mong bạn được Chúa an ủi vỗ về trong vòng tay yêu thương của Chúa hôm nay nhé.

LẮNG NGHE: Vì Đức Chúa phán như sau: … Các ngươi sẽ được nuôi bằng sữa mẹ, được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối. Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy; tại Giê-ru-sa-lem, các ngươi sẽ được an ủi vỗ về. (Is 66: 12-13)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin ôm chặt con vào lòng Chúa để con cảm nhận được sự nhân hiền và dịu dàng mà Chúa dành cho con từ muôn thuở. 

THỰC HÀNH: Bỏ ít phút thinh lặng để kết hiệp với Chúa hôm nay.

From: Do Dzung

https://www.youtube.com/watch?v=-p7b9adSthY

Vietaizé – Ngài Hằng Yêu Thương Ta 


 

CÓ MỘT TÌNH YÊU HUYỀN THOẠI MANG TÊN NAM KỲ LỤC TỈNH…

Nguyễn Gia Việt

Khi nữ sĩ Marguerite Duras (1914 – 1996) viết “L’Amant” (Người tình) kể về mối tình sâu nặng trong đời bà ở Nam Kỳ hồi 1929 với một chàng trai người Sa Đéc gốc Hoa, Huỳnh Thủy Lê, trước tiên là bà yêu ông nhiều lắm, sau nữa là bà có một tình yêu Nam Kỳ sâu đậm lắm.

Nếu người ta xa lạ, hững hờ, vô tâm thì không có tình yêu lớn đến dường đó. Nếu nữ văn sĩ người Pháp này không sanh ra ở Miền Nam và đã lớn lên ở đó với miếng đất, miếng gió, miếng nước của xứ này thì hẳn là bà đã không trót vương tình đến như vậy.

Chuyện bắt đầu năm 1929 trên chuyến bắc qua sông mù mịt khói Mỹ Thuận qua dòng sông Cửu Long, cô gái trẻ người Pháp bình dân phải đi xe đò từ Sa Đéc về Sài Gòn đang tựa người vào lan can nhìn mây trời bâng quơ, xe đò năm đó chở cả người lẫn gà vịt và hàng bông, tiếng người ta í ới…

Bà kể:

“Thế đấy, tôi mười lăm tuổi rưỡi.Trên chuyến bắc qua sông Cửu Long. Cái hình ảnh kéo dài suốt chuyến qua sông.

Tôi xuống khỏi xe đò. Tôi bước đến mạn bắc. Tôi nhìn dòng sông.

Đôi khi mẹ tôi nói rằng, suốt đời, sẽ chẳng bao giờ tôi được thấy lại những dòng sông đẹp như vậy, lớn như vậy, hoang dã như vậy đâu, như sông Cửu Long và những nhánh của nó xuôi ra biển, những vùng nước sắp sửa biến mất trong các vực thẳm của dương ấy. Trong mênh mang hút mắt, những dòng sông ấy chảy xiết, nước đổ như thể mặt đất nghiêng”

Người ta phải có lòng với mảnh đất nào đó thì người ta mới nhớ, mới hoài niệm nó dai dẳng.

“Này dòng sông phơi nắng

kìa đồng ruộng lúa chín vàng giờ này đã xa rồi

và ngàn đời nhớ Việt Nam”

Ngày đó một tiếng sét ái tình đã nổ ra giữa bà, một cô bé mười lăm tuổi rưỡi và một công tử Nam Kỳ gốc Hoa nhà giàu nhứt nhì Sa Đéc trên chuyến bắc qua sông Mỹ Thuận.

Thiệt là đẹp

Ta có thể gọi đó là run rủi duyên nợ theo kiểu Á Đông.Tất cả những cuộc gặp gỡ trong đời đều là nhân duyên,duyên mang người ta đến bên nhau, nợ khiến ta vì nhau mà quyến luyến.

Duyên nợ là thứ có thể mang hai con người hoàn toàn xa lạ, tưởng như không có một chút tương đồng nào đến với nhau.

Nhưng yêu nhau là vậy, thương nhau là vậy, nước mắt có thể trào ra khi nghĩ tới nhau, cả lòng dạ này có thể tràn trề tình yêu vì nhau, nhưng rốt cuộc lại không thể cùng nhau đi tiếp,không thể ở bên nhau đời đời kiếp kiếp ta gọi là chưa đủ duyên

Suốt đời chưa bao giờ bà Marguerite Duras nói tên người đàn ông đó là ai, chỉ khi từ truyện lên phim người ta mới biết đó là ông Huỳnh Thủy Lê ở Sa Đéc.

Cuốn L’Amant ( Người tình) in năm 1984 thì bà làm một cuốn nữa năm 1991 khi ông đã qua đời là cuốn” L’Amant de la Chine du Nord (Người tình Hoa Bắc)

Người tình đó là Huỳnh Thủy Lê (1894 – 1990), con trai út đại điền chủ Huỳnh Cẩm Thuận ở Sa Đéc.

Phải nói nhờ “Người tình”đã làm người ta yêu sông nước Cửu Long hơn,nhớ về xứ Sa Đéc và một mối tình huyền thoại nhiều hơn.

Trong phim có nhiểu cảnh làm tình dán nhãn 18+ nhưng hay, chân thực và nhiều cảm xúc. Đó là cảm xúc của tình yêu, của tiếng sét ái tình và sự đồng điệu khi cùng chung một phía.

Trong đời ai chẳng có vài người tình nhớ mãi, nhớ hoài, ray rứt, da diết và thổn thức khi nhớ tới.

Người tình không phải là bạn tình, chẳng phải người yêu, song cái sự hiểu nhau, đồng cảm và thương nhau thiệt đậm sâu, để lại đời nhau những khoảnh khắc đẹp như giấc mơ.

Người là ai mà người ghé vào đời ta rồi người cũng rời ra xa trong một ngày buồn thê thảm.

Adieu tristesse – Bonjour tristesse

Tu es inscrite dans les lignes du plafond

Tu es inscrite dans les yeux que j’aime

Tu n’es pas tout à fait la misère

(Buồn ơi, xin vẫy tay chào

Buồn hằn lên những vết đau trên trần

Buồn in trong mắt tình nhân

Buồn thôi chưa hẳn là lần khổ đau)

Chúng ta không có cái gì ràng buộc, không có một lời hứa, chẳng có gì làm tin, chúng ta chỉ có những xúc cảm của một con người.

Tình yêu như ẩm thực vậy đó, phải ăn hết món, nếm từng muỗng mới biết độ mặn, ngọt, chua, chát, cay, đắng của nó.

Nhưng con người sống có lý trí, cái gì cũng vừa vừa ở mức cân bằng thôi.

Người ta hay nói rằng ,bắt đầu từ câu “Tôi sanh ra ở” và “Tôi lớn lên tại…”

Phàm trong đời ai cũng có vài chữ lận lưng để chí ít biết ký cái tên khi làm tờ, để biết đọc và đánh vần những chữ như “quê hương”,” xứ sở”,”quê mẹ”

Suy cho cùng ai cũng yêu quê nhà mình bằng cách này hay cách khác, đó không phải là điều cần tranh nhau

“Còn niềm tin trong lòng vẫn nở hoa

Còn dìu nhau trong cơn mưa gió

Dìu nhau trong cơn giông bão

Dìu nhau dắt nhau vào đời…”

Quê hương là gì?

Đó là một miếng đất nhỏ của ông bà để lại, tổ tiên đã mất bao công sức mới có, nơi đó có cái bàn thờ mạng nhện qua tháng ngày, có vài cái mả rêu phong sứt mẻ, có cha có mẹ, có anh có em ta đang sanh sống.

Cái tình quê hương nó ngộ lắm, đó là hình ảnh mà đứa trẻ đã quen khi lớn lên, cái lu chứa nước mưa có những con lăng quăng, cái mái nhà thấp chủm, mùi khói đốt đồng, mùi hành kho cá,mùi tiêu, mùi tỏi.

Quê hương là nơi có những người yêu thương của ta đang sống, có một người đàn bà chờ cửa ta hàng đêm, chờ đơi ta bên mâm cơm chiều.

Quê hương là nơi có một mối tình sâu đậm của mình

Nữ sĩ Marguerite Duras có một quê hương trong tâm hồn bà, nơi đó có một mối tình không thành của đời bà, nơi đó có một người đàn ông mà bà từng yêu, từng nằm dựa đầu vào cánh tay của người đó để nói những lời thủ thỉ mơn trớn vuốt ve.

Đó là Sa Đéc, Mỹ Thuận, Chợ Lớn, Sài Gòn và rộng hơn hết là cả một miền sông nước dạt dào tình thương huyền thoại.

“Người tình” là một bài học lớn nhứt về tình thương Nam Kỳ Lục Tỉnh được viết ra từ một nữ sĩ người Pháp.

Nguyễn Gia Việt


 

 Bình an chân thật – Lm. Minh Vận, CRM

Lm. Minh Vận, CRM

Helen Keller, một cô gái vừa mù, vừa câm, lại vừa điếc. Giác quan duy nhất còn lại để cô có thể tiếp xúc với thế giới bên ngoài là dùng tay mà sờ. Thế mà cô đã cố gắng đi học, kiên trì trong gian khổ… Nhờ sự nhẫn nại chuyên cần, cô đã đạt được một thành quả rất khả quan, đó là cô đã đoạt được văn bằng tiến sĩ. Một hôm, cô được người ta hỏi rằng, nếu chỉ được mộng ước một điều thôi, thì cô sẽ mộng ước điều gì? Trong khi chờ đợi cô trả lời, ai cũng nghĩ rằng: Cô sẽ ước ao được sáng mắt để chiêm ngắm vẻ kỳ diệu của cảnh thiên nhiên; được khỏi điếc để có thể thưởng thức những thanh âm của muôn loài và những khúc ca du dương trầm bổng của các ca sĩ trứ danh? Thực là bất ngờ, cô đã trả lời ngược hẳn lại ý nghĩ của mọi người. Cô nói: “Tôi ước ao cho thế giới được hưởng hòa bình”.

  1. BÌNH AN LÀ KHÁT VỌNG CỦA MỌI NGƯỜI

Câu trả lời của cô Helen chứng tỏ cô có một tâm hồn cao cả, đã được thấm nhuần tinh thần của Chúa Kitô và chia sẻ lòng khát khao của Người, như chính Người đã phán với các Môn Đệ trong giáo huấn Lời Chúa hôm nay, khi sai các ông đi truyền bá Tin Mừng cho muôn dân: “Khi vào nhà nào thì các con hãy cầu chúc: “Bình an cho nhà này!”.

Mỗi người chúng ta khi lãnh Bí Tích Thánh Tẩy, trở nên con cái Chúa, đều được Chúa ủy thác sứ mạng truyền bá Tin Mừng Cứu Độ cho muôn người; hay nói cách khác, tất cả chúng ta đều có nhiệm vụ được Chúa sai đi đem sự bình an, lòng nhân từ thương mến, niềm an vui hạnh phúc của Chúa đến cho mọi người.

Trong một thế giới đầy hận thù, chém giết và tràn ngập những thương luân bại lý ngày nay, sứ mạng Chúa ủy thác cho chúng ta, càng trở nên khẩn thiết và cấp bách hơn bao giờ hết. Nhưng có thể chu toàn sứ mạng đem sự bình an của Chúa đến cho mọi người thế nào được, khi tâm hồn chúng ta chưa có sự bình an, chưa được hưởng tràn đầy ơn an bình hạnh phúc chân thật của Chúa, để có thể chia sẻ, thông ban, trao tặng cho tha nhân?

2.ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC BÌNH AN THẬT

Sau khi Chúa Kitô sống lại từ cõi chết, mỗi lần hiện ra với các Môn Đệ, Chúa đều cầu chúc: “Bình an cho các con!” Điều đó chứng tỏ lòng Chúa khát khao cho chúng ta được hưởng bình an hạnh phúc chân thật của Chúa. Nhưng sự bình an Chúa muốn ban tặng chúng ta, không phải chỉ là sự bình an tạm bợ của trần gian. Vì bình an chân thật của Chúa bắt nguồn từ nội tâm con người, không phải chỉ là sự bình an có cái nhãn hiệu bên ngoài: Không súng đạn chiến tranh, không võ khí nguyên tử và những hòa ước trên giấy tờ.

Chính Chúa đã nhiều lần quả quyết: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con, Thầy không ban thứ bình an như thế gian ban tặng; lòng các con đừng bối rối sợ sệt”.

Sự bình an chân thật của Chúa muốn ban tặng chúng ta là gì? Đó chính là sự bình an tâm hồn. Sự bình an này chính các Thần Trời đã ca lên trong đêm Chúa Giáng Sinh: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”.

Mọi người trên trần gian, ai ai cũng khát khao hòa bình, các chính phủ, các nhà lãnh đạo các quốc gia, các chính khách đều cổ võ và vận động cho các cuộc hòa giải được thành sự, kêu gọi chấm dứt chiến tranh để tái lập hòa bình cho các dân tộc… Nhưng tại sao hòa bình vốn còn là viễn tượng mơ hồ. Chính là vì lòng con người còn đầy tham vọng, đầy tranh dành, đầy hận thù, đầy nghi kỵ lẫn nhau… Ai cũng chỉ muốn vượt trên người khác, hạ bệ đối phương, chiến thắng kẻ thù…

Nhưng hòa bình chân thật của Chúa chỉ được ban tặng cho những ai thành tâm thiện chí, giầu lòng yêu thương, đầy tình tương thân tương ái, luôn biết an ủi người sầu khổ, biết thông cảm chia sẻ niềm an vui hạnh phúc với tha nhân, khích lệ người nản chí ngã lòng, chỉ muốn làm ơn và sống hào hiệp với mọi người.

Là con cái Chúa, Chúa muốn chúng ta cảm nghiệm được sự bình an chân thật của Chúa, tức là tâm hồn không bị nô lệ tội lỗi và những tham vọng trần thế, để có thể tận hưởng niềm an vui hạnh phúc của con cái Chúa, sống trong ơn nghĩa với Người. Không những thế, Chúa còn ủy thác cho chúng ta sứ mạng đem sự bình an, tình yêu thương hạnh phúc của Chúa đến cho mọi người. Đó là một vinh hạnh, một phúc lành Chúa dành cho mỗi người chúng ta, như lời Chúa đã chúc phúc: “Phúc cho những ai biết xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con cái Thiên Chúa” (Mt 5:9).

3. ÁP DỤNG TRONG ĐỜI SỐNG

Trong khi cử hành Thánh Lễ hằng ngày, Giáo Hội muốn các vị Chủ Tế chúc lành cho những người tham dự bằng lời cầu chúc: “Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em!”; đồng thời, Chủ Tế cũng kêu gọi mọi người chia sẻ bình an của Chúa cho nhau bằng lời: “Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau!”

Xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta cùng có một khát vọng như Thánh Phanxicô Khó Khăn trong “Kinh Hòa Bình” mà chúng ta sẽ cùng với ca đoàn dâng lên, sau khi được đón rước Chúa Giêsu Thánh Thể là nguồn sự Bình An ngự vào tâm hồn chúng ta.

Để chiếm hữu được sự bình an chân thật của Chúa, chúng ta cần có các điều kiện sau:

  1. Tâm hồn trong sạch, sống trong ơn nghĩa với Chúa, không bị ràng buộc bởi bất cứ tội lỗi nào, nhất là tội trọng, vì tội làm cho lương tâm chúng ta luôn bị cắn rứt, mất quân bình, bởi bất tuân lệnh Chúa, phản bội Ngài, nên không còn được hưởng niềm an vui hạnh phúc trong tình Cha con thân mật với Ngài.
  2. Tâm hồn nhiêm nhu, hiền từ nhân ái, luôn biết tôn trọng tha nhân, không bao giờ dám tự cao tự đại vươn mình lên trên kẻ khác, nhưng luôn đặt mình dưới hết mọi người; vì kẻ kiêu căng luôn bôn chôn rạo rực, phen bì, ghen tuông, giận ghét bởi thấy người khác hơn mình.
  3. Tâm hồn luôn tin tưởng ở Thiên Chúa, tín thác mọi sự nơi Người, chỉ muốn điều Thiên Chúa muốn và làm điều Thiên Chúa muốn. Họ luôn bằng lòng với tất cả những gì do tình yêu thương mà Chúa là Đấng khôn ngoan luôn quan phòng định đoạt cho họ, cho gia đình hay cộng đồng cũng như quốc gia của họ.

Kết Luận

Lạy Mẹ Maria, Mẹ là Mẹ sự bình an chân thật, vì Mẹ luôn chân nhận thân phận thụ tạo hèn yếu của mình, luôn hoàn toàn sống lệ thuộc vào Thiên Chúa, trong niềm tin yêu phó thác; đồng thời, luôn tôn trọng và đặt mình dưới hết mọi người, xin Mẹ dạy chúng con biết sống theo bí quyết bình an của Mẹ, để chúng con cũng được Chúa hài lòng và ban cho chúng con được tận hưởng sự bình an chân thật Chúa dành cho những con cái ngoan thảo của Chúa.

gpcantho.com


 

Xin hãy cầu nguyện cho các cháu và gia đình các cháu đã thiệt mạng…

Uyên Vũ

Xin hãy cầu nguyện cho các cháu và gia đình các cháu đã thiệt mạng và hiện còn đang mất tích do trận lũ lụt tại Trại Hè Camp Mystic.

Trại Hè Camp Mystic, một trại hè dành cho các cháu gái Kitô hữu nằm bên bờ sông Guadalupe tại Hunt, Quận Kerr, bị nước lũ bất ngờ nhấn chìm vào chiều ngày 03/07/2025.

Lũ lụt xảy ra do lượng mưa cực lớn, khiến mực nước sông Guadalupe tăng đột ngột từ 10 feet lên 32 feet chỉ trongchớp nhoáng.

Các báo cáo sơ bộ từ Texas Division of Emergency Management cho biết các cháu bị cuốn trôi khi đang cố gắng di tản từ các cabin gỗ xuống khu vực cao hơn.

Nước lũ chảy xiết (ước tính tốc độ 15-20 mph) đã phá hủy cầu gỗ dẫn ra đường chính, cô lập trại. Một số cháu bị mắc kẹt trong các tòa nhà sụp đổ, trong khi những cháu khác bị cuốn ra sông Guadalupe. Nguyên nhân chính là không đủ thời gian chạy nạn do lũ đến quá nhanh, và không có hệ thống cảnh báo sớm hiệu quả tại khu vực.

Thi thể các cháu được tìm thấy dọc theo bờ sông và trong các đống đổ nát, với đội cứu nạn sử dụng chó chuyên nghiệp và radar xuyên đất để tìm kiếm. Nhà chức trách cho biết đa số các cháu chỉ từ 10-14 tuổi, và cái chết là do ngạt nước hoặc chấn thương do va đập.

Gia đình các nạn nhân đang được hỗ trợ tâm lý từ hội Hồng Thập Tự và các nhà thờ địa phương. Một buổi tưởng niệm dự kiến diễn ra vào ngày 06/07/2025 tại Kerrville.

Thống đốc Greg Abbott đã cam kết điều tra nguyên nhân và cải thiện hệ thống cảnh báo lũ, Tổng thống Trump đã gửi lời chia buồn qua X vào tối 04/07/2025, ông hứa hẹn hỗ trợ để tái thiết trại.

*Camp Mystic, là một trại hè Kitô giáo tư nhân dành cho cháu gái Kitô hữu được thành lập từ năm 1926 tại Hunt, Texas dọc theo Sông Guadalupe.

*Hình ảnh các cháu gái nạn nhân và số điện thoại liên lạc (dưới) đã được đài KSAT và Firsthand Weather đăng công khai.

 


 

CÙNG NHAU ĐẾN – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Chúa Giêsu sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến”.

Kính thưa Anh Chị em,

Câu mở đầu của Tin Mừng hôm nay đặt ra một câu hỏi thú vị. Vậy thì ai đến trước bất kỳ nơi đâu đó? Chúa Giêsu hay tôi? Hay là Ngài, bạn và tôi, chúng ta ‘cùng nhau đến?’.

Qua phép Rửa, chúng ta là một phần Thân Thể của Chúa Kitô. Vậy thì nơi nào tôi đến, Chúa Kitô cũng đến. Ngài không đi trước chúng ta, không đi sau chúng ta; Ngài và chúng ta ‘cùng nhau đến!’. Nhưng nếu tôi không đi hoặc không vươn ra – thì ở một mức độ nào đó – Chúa Kitô không đi và Ngài cũng không vươn tới ai được. Là một phần Thân Thể Ngài; tôi là dấu hiệu hữu hình của sự hiện diện của Ngài; tiếng nói của tôi là tiếng nói của Ngài, “Ai nghe anh em là nghe Thầy!”. Vì thế, nếu tôi không nói ra thông điệp của Ngài thì ai có thể lắng nghe? “Truyền giáo không phải là chinh phục, mà là bước đi trước trong khiêm nhường để người khác có thể nhận ra sự hiện diện của Đấng yêu thương đang đến!” – Madeleine Delbrêl.

Từ sứ mệnh, các tông đồ trở về trong hân hoan; và chúng ta cũng vậy. Nhưng nếu tôi không cố gắng đáp ứng ơn gọi đã lãnh nhận của phép Rửa thì Bí tích này trở thành một nghi lễ trống rỗng, khác nào phép cắt bì mà Phaolô lưu ý, “Cắt bì hay không cắt bì chẳng là gì cả, điều quan trọng là trở nên một thụ tạo mới!” – bài đọc hai. “Rửa tội là khởi điểm, không phải điểm đến. Nó đặt chúng ta lên đường, không phải an vị trong ghế nhà thờ!” – Timothy Radcliffe.

Vậy bắt đầu từ đâu? Tôi không thể một mình cải đạo toàn bộ xã hội; tuy nhiên, tôi có thể noi gương Mẹ Têrêxa. Mỗi lần đến với một người nghèo, mẹ ý thức mẹ đang cùng đi với Chúa Giêsu và mẹ nhận ra rằng, hàng ngàn người nghèo, túng thiếu và hấp hối cần sự giúp đỡ; nhưng mẹ chỉ bắt đầu với từng người một. Điều này khiến chúng ta nhớ đến câu chuyện người đàn ông nhặt những con sao biển mắc cạn trên bờ và ném chúng trở lại biển. Một người thấy ông làm vậy liền nói, “Ông đang lãng phí thời gian. Có hàng ngàn con sao biển; việc ông ném từng con sẽ không tạo ra khác biệt nào!”. Người ấy trả lời, “Nó sẽ tạo ra sự khác biệt, mỗi lần tôi ném một con trở về nơi của nó!”.

Anh Chị em,

“Vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến”. Hôm nay, bạn và tôi cũng có thể bắt đầu với Chúa Giêsu; với Ngài, chúng ta ‘cùng nhau đến’ chỉ với một người, khởi đi từ những người thân yêu trong gia đình, trong cộng đoàn; và sau đó, vươn ra xã hội, thế giới. “Người môn đệ không bao giờ đi một mình; họ chỉ đơn giản là bước một bước trước, trong vâng phục, để dọn đường cho Thầy mình!” – Henri Nouwen. Nếu mỗi ngày, với Chúa Giêsu, ‘cùng nhau đến’ với từng linh hồn – mỗi ngày một linh hồn – chúng ta sẽ tạo nên sự khác biệt cho thế giới! Và như thế, rồi đây, “Cả trái đất, cùng tung hô Thiên Chúa!” – Thánh Vịnh đáp ca.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con ý thức rằng, nơi đâu con bước đến vì yêu thương, là nơi Chúa đã có ý định đặt chân. Con không đi thay Chúa, mà đi trước để cùng Ngài đến!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

*****************************************************

CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN, NĂM C

Bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.   Lc 10,1-12.17-20 

1 Khi ấy, Chúa Giê-su chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. 2 Người bảo các ông :

“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. 3 Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. 4 Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. 5 Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói : “Bình an cho nhà này !” 6 Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy ; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. 7 Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. 8 Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. 9 Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ : “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.” 10 Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói : 11 “Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông phải biết điều này : Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.” 12 Thầy nói cho anh em hay : trong ngày ấy, thành Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn thành đó.”


 

Thánh Antôn Maria Zacaria (1502-1539), Linh mục – Cha Vương 

Mến chào một ngày mới, hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh Antôn Maria Zacaria (1502-1539), Linh mục. Mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương 

Thứ 7: 05/07/2025 -6-24

CUỘC ĐỜI CỦA THÁNH ANTÔN MARIA ZACARIA: Năm 1509, Antôn Maria Zacaria mở mắt chào đời trong một gia đình đạo đức, quyền quí tại Crémone. Thánh nhân ngay từ lúc còn nhỏ đã có lòng thanh  sạch, đã yêu quí đức khiết tịnh một cách cương quyết, sâu xa. Ngài cảm nghiệm Lời Chúa trong tám mối phúc thật:” Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”( Mt 5, 8 ).Thánh nhân có tâm hồn trong trắng, luôn hướng về Chúa và yêu thương các kẻ nghèo hèn, bần cùng đúng như Lời Chúa dậy:” Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”( Mt 5,7 ). Thánh nhân có trí thông minh sáng suốt, con đường học vấn của Người bắt đầu và đang rực rỡ huy hoàng, nhưng Người lại tuân theo ý Chúa:”…Hãy về bán hết của cải, phân chia cho người nghèo khó và đi theo Ta”. Chính vì ý thức sâu xa Lời Chúa và có tâm hồn hướng về Chúa, muốn tận hiến cuộc đời mình cho một mình Chúa, thánh nhân đã cố gắng trau dồi kiến thức thánh: triết học, thần học và tu đức học. Với ơn Chúa giúp, với sự cố gắng, phấn đấu không mệt mỏi, thánh Antôn Maria Zacaria đã được lãnh nhận sứ vụ linh mục. Với thánh chức, thánh nhân đã cùng với Bartôlômêô Ferrariô và Giacôbê Morigia lập tu hội triều vào năm 1533 có tên là hội thánh Phaolô và nhóm nữ tu thiên thần vào năm 1535 để cùng nhau sống tinh thần huynh đệ Tin Mừng. Với tinh thần huynh đệ Phúc Âm, thánh nhân đã chu toàn bổn phận và rao giảng, loan truyền Lời Chúa chống ảnh hưởng tai hại của bè rối Luther. Thánh nhân có tinh thần phục vụ cao vời và có một lòng yêu mến Chúa sâu xa, yêu mến Bí Tích Thánh Thể và khuyến khích nhiều người sùng kính, tôn vinh Thánh Thể Chúa.

THÁNH ANTÔN MARIA ZACARIA RA ĐI VỀ VỚI CHÚA KHI TUỔI ĐỜI MỚI CÓ 36: Ngày 5 tháng 7 năm 1539 thánh nhân đã ra đi về với Chúa an bình sau nhiều tháng năm nhiệt thành với sứ vụ tại Crémone, thọ 36 tuổi. Với tuổi đời còn trẻ, còn nhiều hăng say, Chúa đã cất Ngài về để chiêm ngưỡng thánh nhan Chúa mãi mãi. Thánh nhân đã về với Chúa như Lời Chúa nói: ”Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, để anh em ra đi, thu được kết quả, và kết quả anh em được lâu bền”( Ga 15, 16 ). Đức Thánh Cha Lêô XIII đã cất nhắc Ngài lên bậc hiển thánh vào năm 1807 vì lòng nhiệt thành truyền giáo và tinh thần cầu nguyện vượt bậc của Ngài. (Nguồn: Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT)

   Thánh Antôn Maria Giacaria thường nói với các môn sinh: “Đặc tính của những tâm hồn đại lượng là phục vụ không mong phần thưởng, chiến đấu không chờ lương bổng. Hãy tiến tới không ngừng và hướng tới sự hoàn thiện cao cả hơn. Hãy nói với Chúa Giêsu bị đóng đinh về tất cả những gì bạn thấy và lãnh ý Người, cho mình và cho người khác”.

❦  Noi gương thánh nhân hôm nay mời bạn hãy rao giảng Tin Mừng bằng cách cho đi nhưng không mong đền đáp nhé.

From Do Dzung

https://www.youtube.com/watch?v=shIAEtvE8Ak

Chúa Là Đấng Từ Bi – Thánh Vịnh 102