ĐÁM TANG DÀNH CHO AI?

Chuyện tuổi Xế ChiềuCông Tú Nguyễn

Tối chủ nhật, phòng cấp cứu nhận một bệnh nặng. Bệnh nhân nữ khoảng 47 tuổi đang suy hô hấp nặng, huyết áp không ổn định, tim đập rất nhanh. Bệnh nhân được các bác sĩ, y tá cấp cứu tích cực trong khi người nhà đứng hết bên ngoài, ai cũng bịt khẩu trang vì sợ lây bệnh.

Tôi được biết cô bị ung thư vòm họng giai đoạn cuối. Lúc bác sĩ mở chiếc tả giấy ra mọi người đều phải bịt mũi, phần hậu môn bị hoại tử rất lớn. Bác sĩ hỏi người nhà: ” Sao lại để đến mức này?”. Họ bảo: ” Mới có hôm qua à!” Bác sĩ lắc đầu.

Tối đó, tôi trực tại giường ba, tôi thấy cô giơ tay chới với, hơi thở cô rè rè… không một bằng tay nào dành cho cô. Chồng con cô chỉ ở bên ngoài, ngay cả thay tả cho cô cũng do điều dưỡng làm, họ xem cô là bệnh truyền nhiễm.

Cô nằm được một ngày thì mọi chỉ số của cô chỉ còn số 0, bác sĩ gọi người nhà bảo đem về. Chồng cô bảo: ” Chưa đến giờ tốt!”. Vậy là cô được tiêm thuốc, được đưa máy thở để duy trì một cơ thể đã chết.

Từ lúc đó đến khoảng 2h sáng là thời gian cơ thể cô quằn quại, cô thở khè khè, cô rên rỉ trong họng, bàn tay cô cứ đưa lên không trung, cô chới với… Tôi rớt nước mắt, tôi thấy: “Sự cô đơn đến tàn nhẫn!”

2 giờ sáng là giờ tốt, gia đình họ tập trung bên ngoài rất đông. Gia đình giàu lắm đi toàn xe hơi hình như cũng danh gia vọng tộc. Mọi người bàn chuyện mua hòm loại nhất, mua đất nghĩa trang nào, mới Thầy nào cúng… Ai cũng làm ra vẻ quan tâm đến việc làm ma chay cho cô mà họ quên đi cái cô cần lúc này là: “Một bàn tay nắm chặt để cô không chới với khi trút hơi thở cuối cùng!”

Rồi tôi tự hỏi: ” Đám tang rình rang là dành cho người sống hay người chết ” ???

Nguồn sưu tầm 

Ảnh minh họa.


 

TÔI ĐÃ ĐỂ ĐI QUA – Lm. Mark Link, S.J.

Lm. Mark Link, S.J.

Chủ Ðề: “Không phải mất công nhiều để đến với anh chị em đang đau khổ với lòng trắc ẩn, như Đức Giêsu đã làm.”

 Một bà đứng bên lề đường đang chờ đèn báo để sang đường.  Đối diện với bà bên kia đường là một thiếu nữ khoảng 17 tuổi.  Cô ta cũng đợi để sang đường.

 Bà không thể nào không thấy là thiếu nữ này đang khóc.  Thật vậy, nỗi buồn của cô quá lớn đến nỗi cô không thèm giấu nó.

 Trong khoảng khắc ánh mắt hai người gặp nhau.  Dù chỉ là khoảng khắc nhưng cũng đủ để bà thấy được sự đau khổ lớn lao ngập đầy đôi mắt người thiếu nữ.  Cô gái xoay mặt nhìn chỗ khác.

 Khi đèn báo bật sáng.  Mỗi người bước khỏi lề và khởi sự bước sang đường.

 Khi thiếu nữ gần đến, người đàn bà có thể thấy cô thật xinh xắn, ngoại trừ nỗi buồn hiện rõ trên khuôn mặt.

 Ngay khi hai người sắp sửa gặp nhau, bản năng làm mẹ của bà bỗng nhiên nổi dậy.  Mọi thứ trong người bà như muốn đến với cô ta để an ủi cô.

 Ao ước đó lại càng gia tăng vì người thiếu nữ này cũng trạc tuổi cô con gái của bà.

 Nhưng bà đã để cô đi qua.  Ngay cả một lời thăm hỏi cũng không.  Bà chỉ để cô đi qua mà không nói một lời. 

Nhiều giờ sau, đôi mắt ngập tràn đau khổ của cô gái vẫn tiếp tục ám ảnh bà.  Bà luôn luôn tự hỏi, “Tại sao mình không quay lại hỏi thăm, “Cưng ơi, tôi có thể giúp gì cho cô không?”  Nhưng mình đã không làm vậy.  Mình bước đi.  Chắc chắc là cô ta có thể khước từ mình và nghĩ mình là người tò mò.  Nhưng có sao đâu! 

“Chỉ mất có vài giây đồng hồ, nhưng vài giây đó cũng đủ cho cô ấy biết được là có ai đó quan tâm đến cô.  Nhưng mình đã bỏ đi.  Mình đã làm như thể cô ấy không hiện diện.”

 Câu chuyện có thật đó là một trong các câu chuyện cho thấy điều Đức Giêsu muốn nói trong dụ ngôn thật hay của bài phúc âm hôm nay.  Đó là: Không phải mất công nhiều để đến với anh chị em đang đau khổ với lòng trắc ẩn. 

Để hiểu rõ hơn dụ ngôn của Đức Giêsu, chúng ta cần biết chút đỉnh về hoàn cảnh thời bấy giờ. 

Con đường trong dụ ngôn của Đức Giêsu không phải trong tưởng tượng.  Thật vậy, đó là một con đường rất nổi tiếng.  Đó là con đường duy nhất thời xưa đi từ Giêrusalem đến Giêrikhô. 

Lúc ấy con đường ngoằn ngoèo vì các tảng đá lớn.  Hậu quả là con đường trở thành sào huyệt nổi tiếng của bọn cướp.

 Một lá thư viết từ năm 171 AD than phiền với nhà chức trách về tội ác xảy ra trên con đường này.  Có những hồ sơ lịch sử ghi nhận việc người đi đường phải nộp tiền mãi lộ cho bọn cướp để được yên ổn băng qua.

 Chính con đường nổi tiếng này đã làm khung cảnh thực tế cho dụ ngôn của Đức Giêsu về người Samari nhân hậu.

 Trong dụ ngôn, Đức Giêsu vẽ ra ba loại người khác nhau: một người tư tế, một thầy Lêvi, và một người Samari.

 Trước hết, người tư tế.  Có lẽ ông đang trên đường đến Giêrusalem để tế lễ trong Đền Thờ.  Có lẽ ông nghĩ nạn nhân nằm bên vệ đường đã chết nên ông đi qua. 

Nếu một tư tế chạm đến xác người chết, ông bị nhiễm uế và tạm thời bị cấm không được vào Đền Thờ.  Do đó, người tư tế không muốn dính dáng đến.

 Kế đó là người Lêvi.  Ông ta cũng giống như thầy phó tế ngày nay.  Không rõ lý do tại sao ông lại bỏ qua.

 Có lẽ lý do của ông cũng giống như của người tư tế.  Hoặc có lẽ ông sợ nạn nhân này chỉ giả vờ và sẽ tấn công ông nếu ông đến giúp.  Do đó, thầy Lêvi cũng không muốn dính líu tới. 

Sau cùng, đó là người Samari.  Khi đề cao người Samari thành anh hùng trong dụ ngôn, Đức Giêsu chắc đã làm thính giả phải bàng hoàng sửng sốt, vì họ thường tránh xa người Samari như quân phản loạn không đạo đức đàng hoàng. 

Người Samari bị cấm không được vào Đền Thờ.  Tiến lễ của họ bị từ chối, và lời chứng của họ không được chấp nhận ở tòa án.

 Nhưng Đức Giêsu biết việc Người làm khi đưa người Samari thành anh hùng trong câu chuyện.  Người muốn dạy cho lớp thính giả Do Thái thấy rằng tình yêu thì không có biên giới.  Tình yêu đến với mọi người đang có nhu cầu.  Nó không bỏ qua.  Nó dừng lại để giúp đỡ; nó muốn dính líu, bất kể người đó là ai. 

Và điều đó đưa chúng ta trở lại câu chuyện của người phụ nữ và cô gái phiền muộn.  Đến với cô ta và giúp đỡ cô ta thì thật dễ.  Như chính bà đã nói: “Chỉ mất có vài giây đồng hồ, nhưng vài giây đó cũng đủ để cô ta biết là có ai đó lưu tâm đến cô.”

 Và, nhiều khi, đó là điều mà tất cả những gì một người đau buồn muốn được biết.

 Thường những gì họ cần thì không tốn nhiều sức lực của chúng ta, không mất nhiều thời giờ của chúng ta, không tốn kém nhiều tiền bạc của chúng ta.  Thường tất cả những gì họ cần thì đơn giản là được thấy chúng ta lưu tâm đến họ. 

Và dụ ngôn hôm nay mời gọi chúng ta hãy nhìn đến sự tương giao của chúng ta với người khác. 

Nó mời gọi chúng ta hãy tự hỏi chính mình: Chúng ta đáp ứng thế nào với nhu cầu của người khác?  Chúng ta có dừng bước và sẵn sàng giúp đỡ họ không?  Hay chúng ta bỏ đi, làm như họ không hiện diện?

Đặc biệt, chúng ta có thi hành điều này đối với các phần tử trong gia đình chúng ta hay không?  Một dữ kiện buồn thảm của đời sống là đôi khi chúng ta đối xử với người lạ còn tốt hơn với người thân, như vợ chồng, cha mẹ, hay con cái. 

Dụ ngôn hôm nay không mời gọi chúng ta đi ra xa, nguy hiểm đến tính mạng và trở thành anh hùng.  Nó mời gọi chúng ta đến với người khác, liều mất sự tự cao tự đại của mình và trở nên nhân bản hơn.  Nó mời gọi chúng ta lên tiếng hỏi, “Tôi có thể giúp gì không?”

 Và nếu lời ngỏ ý của chúng ta bị từ chối thì sao?  Như người phụ nữ trong câu chuyện trên, “Thì có sao đâu!” Tối thiểu ai đó biết rằng chúng ta lưu tâm đến họ.  Tối thiểu ai đó biết rằng chúng ta đã ngỏ lời, “Tôi có thể giúp gì không?”

 Lạy Chúa, xin ban cho chúng con cặp mắt để nhìn thấy sự đau khổ trong ánh mắt của người khác, nhất là những người trong chính gia đình chúng con.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con đôi tai để nghe tiếng than khóc của người khác, nhất là những người cùng dòng máu với chúng con.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con lòng trắc ẩn để dám dính dáng đến nhu cầu của người khác, nhất là nhu cầu của những người thân yêu của chúng con.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sự khiêm tốn để đừng bao giờ bỏ qua vì sợ bị khước từ.  Nhưng xin ban cho chúng con sự can đảm để đến với họ và hỏi họ, “Tôi có thể giúp gì không?”

 Lm. Mark Link, S.J.

From: Langthangchieutim


 

NGẪM !

Công Tú NguyễnChuyện tuổi Xế Chiều

Một người đàn ông đồ sộ vỗ vai một vị linh mục, vừa hỏi vừa cười hóm hỉnh:

– Chỗ anh em với nhau, tôi hỏi thiệt tình, anh đừng giận tôi nha.

– Chuyện gì mà vô đề long trọng dữ vậy?

– Tôi nghe người ta nói: đạo của anh bắt tín đồ có tội phải đi xưng tội với cha và cha tha tuốt luốt. Cái đó có không?

– Có. Thì đã sao nào?

– Thì đạo của anh buồn cười quá à.

– Những gì làm anh buồn cười, thì kể cho tôi nghe coi.

– Nhiều lắm.

Thứ nhất: linh mục các anh là người như người ta; cũng biết ăn gian nói dối; cũng phạm tội… thì tại sao lại dám ngồi tòa tha tội cho người gian dối, phạm tội ?

Vị linh mục trả lời

– Thế tôi hỏi Ông chánh án ngồi tòa: tha bổng, kêu án tử hình, kêu án tù chung thân…, thì ông chánh án là người hay là thiên thần?

– Ông chánh án cũng là người nên cũng có thể phạm tội, nhưng ông ngồi tòa với tư cách là đại diện công lý, đại điện cho dân.

– Thì linh mục chúng tôi có tha tội cho tín đồ với tư cách của cá nhân mình đâu. Chúng tôi tha tội nhân danh Chúa và do yêu cầu của Chúa. Đức Giêsu trước khi về trời đã nói với các Tông đồ rằng: “Điều gì chúng con tha dưới đất, thì trên trời cũng tha”.

– Tội phạm tới Chúa thì xưng với Chúa và xin Chúa tha, hà cớ gì Chúa lại trao quyền ấy cho các anh?

– Để tôi kể cho anh một câu chuyện:

Có một người mẹ đang mổ cá, tay dơ quá. Thằng cu tí của bà đang chạy chơi trên sân sũng nước, vì trời mới mưa, bỗng té ạch một cái. Bà không dám bỏ rổ cá đang dang dở, vì con mèo cồ đang ngồi liếm mép. Bà kêu cô chị của thằng cu tí: “Hai! Con đi tắm cho em!”. Cô chị cũng chẳng sạch sẽ gì, mới quét chuồng heo xong, thoang thoảng mùi cháo thiu, vội vàng dìu cu tí đi tắm. Cu tí sạch boong, thay quần áo mới, tóc rẽ ngôi láng coóng, thơm thơm mùi nước hoa của mẹ, nhảy tưng tưng, cười toe toét, thương chị quá chừng.

Vậy đó. Bây giờ tôi hỏi anh: Ở trên đời này, có thằng cu tí nào thắc mắc với cô chị nó rằng: “Chị lấy quyền gì mà tắm cho tôi? Chị có sạch sẽ gì đâu mà dám tắm cho tôi, chải đầu cho tôi, thay đồ cho tôi, lại còn lấy dầu thơm của mẹ mà xức cho tôi nữa. Bày đặt!”. Xin lỗi anh. Nếu trên đời này có thằng cu tí nào nói như thế, thì nó chính là anh đấy.

– Anh trả lời hay. Cho anh mười điểm.

– Còn thắc mắc gì nữa nào?

– Thắc mắc thứ hai: Có tội thì phải phạt. Còn các anh thì tội gì cũng tha tuốt luốt. Như vậy là các anh vẽ đường cho hươu chạy, là xúi người ta cứ phạm tội tối đa.

– Linh mục chúng tôi là cô chị của thằng cu tí. Cô chị chỉ mong muốn một điều là thằng em hết dơ. Dĩ nhiên là thằng cu tí chẳng muốn té. Nhưng có thể là nó sẽ còn té nữa. Nếu nó té nữa, thì cô chị lại tắm cho nó, an ủi và khuyên nhủ nó. Như vậy đâu phải là cô chị vẽ đường cho hươu chạy. Nói cho vui vậy thôi, chứ vấn đề tha tội trong đạo không đơn giản như thế. Theo giáo lý, thì muốn được tha tội, thì phải có điều kiện. Điều kiện một là phải thành tâm sám hối, mà thành tâm sám hối, thì bao hàm việc quyết tâm chừa tội. Điều kiện hai là phải đền tội xứng đáng. Nếu ăn trộm, phá hoại thì phải bồi thường. Bồi thường tiền của. Bồi thường danh dự,… vân vân…

Xét về mặt tâm lý, người Công giáo xưng tội xong cảm thấy tâm hồn sung sướng, giàu nghị lực để tránh tội, chứ không có ý đồ phạm tội lại, phạm tội thêm. Đó chính là tâm tư của thằng cu tí sau khi được chị nó tắm cho. Chị tắm và em được tắm nảy ra một tình cảm rất thân thương. Thằng cu tí thấy mình sạch quá, đẹp quá, thơm quá và chẳng muốn ở dơ chút nào.

Sưu tầm.


 

MIỄN PHÍ – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy!”.

Tháng 10/1971, Iran kỷ niệm 2.500 năm thành lập đế quốc Ba Tư. Để chứng tỏ là một cường quốc hiện đại, hoàng đế Iran – Reza Pahlavi – đã tổ chức một đại lễ “ngông cuồng!”. 600 quốc khách được mời từ 69 quốc gia; tiệc tùng xa hoa đến 4 ngày, với giá phải trả lên đến 100 triệu dollars. Điều đáng nói, 8 năm sau, ông bị lật đổ và phải đi lưu đày!

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay cũng nói đến giá phải trả! Giá con cái Giacóp phải trả khi xuống phía Nam mua lương thực; giá các môn đệ phải trả khi ‘nhận’ và ‘trao’ Tin Mừng. Tuy nhiên, tất cả đều ‘miễn phí’, “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy!”.

Câu chuyện Giuse tiếp tục khi con cái Giacóp đem một số tiền đáng kể xuống Ai Cập mua lúa thóc; nhưng họ không phải trả đồng nào – bài đọc một. Vì lẽ, khi không thể tiếp tục dồn nén cảm xúc, Giuse đã tỏ mình, “Tôi là Giuse, đứa em mà các anh đã bán sang Ai Cập!”. Giuse coi đây là sự quan phòng của Chúa; Thánh Vịnh đáp ca khéo nhắc, “Hãy nhớ lại những kỳ công Chúa thực hiện!”. Quả vậy, các con Giacóp không phải mở đãy; trái lại, cùng với lương thực, hẳn họ cũng được tặng không nhiều vàng bạc.

Với bài Phúc Âm, giá phải trả cho Tin Mừng là bao nhiêu? Giá nhận và giá trao? Phải trả bao nhiêu để một người được ‘nhận’ Tin Mừng? Câu trả lời là ‘không thể trả nổi’, vì Tin Mừng vô giá, không mua được bằng tiền! Cần bao nhiêu để Tin Mừng có thể được ‘trao?’. Vẫn là ‘không thể trả nổi’; vì không ai có quyền tính phí bất cứ điều gì họ không sở hữu. Tin Mừng ‘miễn phí!’. “Chúa Kitô không bán tình yêu, không rao bán tha thứ. Ngài trao ban mọi sự – và đòi chúng ta học cho đi như Ngài!” – Fulton J. Sheen.

Như vậy, chúng ta phải cung cấp Tin Mừng cho người khác vô điều kiện; và còn hơn thế, việc cung cấp này còn mang theo ‘một đòi hỏi tiềm tàng’. Nó đòi hỏi mỗi người phải hiến dâng toàn thân, toàn linh hồn và trái tim cách triệt để, vì lẽ mọi sự chúng ta nhận đều ‘miễn phí’. Điều chúng ta nhận không thuộc vật chất nhưng là ‘một con người’ – Đức Giêsu Kitô – Ngài đã tự hiến. Vì thế, bạn và tôi cũng tự hiến! “Tin Mừng là chính Đức Kitô. Không phải một ý tưởng, một luân lý hay một chương trình, nhưng là một con người sống động, yêu thương, đã chết và sống lại vì bạn!” – Phanxicô.

Anh Chị em,

“Phải cho không!”. Mỗi ngày, trên bàn tiệc Thánh Thể và bàn tiệc Lời Chúa, Con Thiên Chúa tiếp tục cho không; bên cạnh đó, bao hồng ân xác hồn Ngài ban. “Trong Chúa Kitô, chúng ta lãnh nhận từ ơn này đến ơn khác”; “Trong Ngài, chúng ta không thiếu một ơn nào!” – Phaolô. Lời Chúa mời gọi chúng ta sống niềm tri ân cảm tạ, thống hối; đồng thời, ý thức hơn sứ mệnh mở rộng Vương Quốc, trao tặng Tin Mừng cho tha nhân mà không một đòi hỏi. “Giá trị của việc loan báo Tin Mừng nằm ở chỗ: bạn không đòi trả công, nhưng bạn lại sẵn sàng trả giá!” – Fulton J. Sheen.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con kỳ kèo với Chúa, với anh em con. Cho con hiểu rằng, Chúa không thể dùng trọn vẹn một con người còn giữ lại cho mình bất cứ thứ gì!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

********************************************************

Thứ Năm Tuần XIV Thường Niên, Năm Lẻ

Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.   Mt 10,7-15

7 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các Tông Đồ rằng : “Anh em hãy đi rao giảng : Nước Trời đã đến gần. 8 Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết trỗi dậy, cho người mắc bệnh phong được sạch, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy. 9 Đừng kiếm vàng bạc hay tiền đồng để giắt lưng. 10 Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi giày dép hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được nuôi ăn.

11 “Khi anh em vào bất cứ thành nào hay làng nào, thì hãy dò hỏi xem ở đó ai là người xứng đáng, và hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi. 12 Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy. 13 Nếu nhà ấy xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ đến với họ ; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ trở về với anh em. 14 Nếu người ta không đón tiếp và không nghe lời anh em, thì khi ra khỏi nhà hay thành ấy, anh em hãy giũ bụi chân lại. 15 Thầy bảo thật anh em, trong Ngày phán xét, đất Xơ-đôm và Gô-mô-ra còn được xử khoan hồng hơn thành đó.”


 

NGƯỜI CHA – Truyện ngắn HAY

Công Tú NguyễnChuyện tuổi Xế Chiều

Vợ ông mất từ khi đứa con gái thứ 2 được 2 tháng vì bệnh tim. Ông một mình nuôi 2 con khôn lớn. Với đồng lương hạn hẹp của một giáo sư đại học lúc bấy giờ, ông thật vất vả để cho hai cô con gái một cuộc sống no đủ. Rất nhiều cô gái thanh tân, phần vì thương, phần vì ngưỡng mộ tài học, phần vì kính trọng nhân cách của ông, sẵn lòng về làm vợ ông để chia sẻ với ông, cùng nuôi dạy hai con. Ông cũng có ý muốn đi bước nữa khi hai con đã hết cấp 3.

Nhưng sự đời khó đoán, khi ông mới dẫn vợ chưa cưới về nhà, hai cô con gái phản ứng quyết liệt. Có thể do ích kỷ không muốn chia sẻ ông với ai, có thể sợ sẽ bị dì ghẻ đày đọa, một cô bỏ nhà đi, một cô đi nhảy sông tự tử, mà không chết. Ông bị choáng nặng. Ông không ngờ, hai cô con gái ngoan hiền ngày nào lại đối xử với mình như thế. Vừa thương vừa giận, có lẽ thương con sợ hai con gặp bất trắc, ông lần lượt bỏ qua biết bao nhiêu cơ hội của cuộc đời. Lặng lẽ nuôi và nhìn con trưởng thành, ông ít nói ít cười hẳn, chỉ khi lên giảng đường, ông mới được là chính ông.

Các cô con gái lần lượt lấy chồng, sinh con và hay tụ tập ở nhà ông vào tối thứ bảy và chủ nhật. Ông vẫn một mình cơm niêu nước lọ. Chăm chăm chờ đến ngày được gặp con cháu. Ít lâu sau, ông phát hiện mình bị parkinson, tay chân run, không tự làm được gì. Hai cô con gái hớt hải chạy tới. Ai cũng phải lo cho gia đình riêng, ai cũng phải đi làm, ai đâu mà chăm cha. Họ rụt rè nói với ông, hay bố cưới cô nào về làm vợ để phục vụ bố lúc tuổi già đi. Ông giận run người, lắp bắp. Các con thật ích kỷ, bây giờ bố 65 rồi, lấy ai, người ta vì chờ bố đến giờ này vẫn ở vậy, mấy chục năm cấm cản bố, xỉ vả người ta chẳng ra gì, bây giờ bố bệnh thế này mặt mũi nào hỏi cưới người ta. Hai cô gục đầu xuống khóc, khi cơn giận khiến ông bị tai biến phải đưa vào cấp cứu ở bệnh viện.

Ông được ra viện, ánh mắt ông thật buồn, thật xa vắng. Hai cô nhờ người thuê được một người đàn bà lỡ thì rất xinh đẹp tới chăm ông. Lúc đầu bà chăm ông bằng nghĩa vụ, lâu dần bà chăm ông như chăm một người bạn già. Hằng ngày, khi đã xong hết việc, ông ra hiệu cho bà lại gần, ông viết tên các cuốn sách hay trên giá và khuyên bà đọc. Rồi ông bập bẹ phân tích cốt truyện cho bà nghe, cho bà biết cái hay cái dở của cuộc sống trong đó. Ông dần bình phục sau tai biến. Sau 5 năm bè bạn cùng ông, từ một người đàn bà ít học, sống trong gia đình nông dân nghèo, bà đã có thể đàm đạo với ông, một giáo sư nổi tiếng về rất nhiều lĩnh vực.

Ông dạy bà cắm hoa, nghe nhạc, làm thơ và vẽ tranh.

Bà cảm phục và hết lòng yêu quý ông. Bà chủ động nhờ hai cô con gái nói giúp với ông cho phép bà được gá nghĩa trăm năm cùng ông. Hai cô đồng ý ngay, vì tình cảm của họ rất tốt. Bà thì thật thà, chân thành và dịu dàng. Từ lâu bà coi các con ông như con mình. Song, ông từ chối. Ông cười rất rất buồn và nói, cảm ơn cô đã có lòng với tôi, tôi già rồi và bệnh tật thế này còn mang lại hạnh phúc cho ai được đâu, cô còn trẻ và xinh đẹp, cô vẫn có thể xây dựng hạnh phúc với người khoẻ mạnh hơn tôi, hãy coi tôi như người bạn và đọc hết kho sách trong tôi đi, cô sẽ học thêm được nhiều điều có ích cho cuộc sống này.

Ngày ông trút hơi thở cuối cùng, bà khóc ngất đi. Bà quỳ xuống chân 2 cô con gái ông, xin các con cháu cho cô để tang ông ấy như để tang một người thầy, một người bạn tri kỷ và một người chồng duy nhất của cô. Hai cô con gái đỡ bà dậy, oà khóc, mẹ ơi…

Đưa đám ông xong, hai cô biếu bà căn nhà của bố, để con cháu có chỗ chạy đi chạy lại như khi ông còn tại thế. Hằng ngày,

bà vẫn bầu bạn cùng ông và vợ ông trên bàn thờ, chuyện trò cùng họ, bàn bạc về mọi tác phẩm bà đọc và chờ đến thứ bảy và chủ nhật được đón các con cháu ông về cùng bà ăn cơm gia đình.


 

Thánh Augustinô Zhao Rong – Cha Vương

Nguyện xin Chúa là sức mạnh và là nguồn an ủi đồng hành với bạn trong cơn bão táp của cuộc sống nhé.

Cha Vương

Thư 4: 9/7/2025

Hôm nay 9/7, Giáo hội cử hành thánh lễ tôn kính các vị tử đạo Trung Hoa. Các ngài là những người đã nêu gương anh dũng trong đời sống đức tin Kitô giáo dọc theo lịch sử của đất nước này. Thánh Augustinô Zhao Rong, đã anh dũng tử đạo để minh chứng đức tin, là một trong số 122 tín hữu Công giáo đã hy sinh suốt từ năm 1648 đến năm 1930.

    Vào năm 1815, một giám mục tên Gioan Gabriel Đufresse bị bắt. Lúc ấy, việc thực hành đạo Kitô bị coi là một hành vi chống lại luật lệ của đất nước Trung Hoa. Một anh lính Trung Hoa canh giữ đức giám mục rất đỗi khâm phục ngài bởi sự bình thản và lòng kiên nhẫn đối với cuộc bách hại. Sau khi giám mục Đufresse bị giết, người lính này đã xin gia nhập Giáo hội. Anh được chịu phép Thanh tẩy và nhận tên là Augustinô. Sau này, Augustinô gia nhập chủng viện và học làm linh mục.

    Thụ phong linh mục chẳng bao lâu, Augustinô cũng bị bắt vì là Kitô hữu. Người ta đã tra tấn Augustinô dữ dội hầu làm cho ngài chối bỏ niềm tin vào Đức Kitô. Thế nhưng, những đau khổ ấy lại chỉ giúp cho Augustinô Zhao Rong thêm can đảm và làm xác tín hơn niềm tin của ngài. Augustinô Zhao Rong bị lên án tử và tên ngài được ghi vào danh sách các tín hữu Trung Hoa anh dũng đã hy sinh mạng sống để làm chứng cho niềm tin của mình.

    Danh sách các vị anh hùng này bao gồm 76 giáo dân, một số em thiếu nhi thậm chí mới bảy tuổi, 8 chủng sinh, 24 linh mục và 6 giám mục. Trong số này, có 88 vị là người gốc Trung Hoa và 34 vị là các nhà truyền giáo đến từ nhiều quốc gia khác nhau, nhưng các vị đã nhận Trung Hoa là quê hương của mình. 

    Chúng ta hãy noi gương thánh Augustinô Zhao Rong và các bạn tử đạo Trung Hoa. Như các ngài, chúng ta hãy sống niềm tin của mình cách vui tươi. Chúng ta hãy can đảm sống cho sự thật dù đôi lúc đó không phải là điều dễ thực hiện. (Dịch giả: Đa Minh M Nguyễn Xuân Lộc, CMC)

From: Do Dzung

https://www.youtube.com/watch?v=7JNeASQXr84

HIỆP LỄ: BIỂN ĐỜI GIÔNG TỐ – Lm Thái Nguyên


 

MẮT CỦA TRÁI TIM – Truyện ngắn HAY

Chuyện tuổi Xế ChiềuCông Tú Nguyễn

Gần nhà ngoại tôi có một đôi vợ chồng già mù.

Họ đã có với nhau một đàn con cháu đông đúc. Nghe ngoại nói, năm nay hai cụ đã ngót nghét tám mươi tuổi.

Ngoại kể, ngày xưa, khi lấy nhau, người chồng ngồi xe bò đi đón vợ.

Tuy cô dâu và chú rể đều không nhìn thấy gì, nhưng chú rể vẫn nhờ người cuốn đầy lụa điều lên chiếc xe và đầu con bò, như vậy cho giống đám cưới.

Khi cô dâu vừa về nhà chồng, chú rể dắt tay vợ rà mò từ nhà trên xuống nhà bếp, khắp lượt các ngóc ngách trong  gia đình.

Rồi cũng từ đó, suốt hơn nửa thế kỷ, trong cái thôn nghèo chẳng mấy ai biết đến ấy, dù trời mưa hay nắng, người ta luôn nhìn thấy họ tay trong tay, lẳng lặng cùng nhau làm mọi việc.

Có lẽ trong tất cả công việc thì khó nhất vẫn là múc nước từ giếng lên. Lần nào cũng thế, hai người họ đều dắt nhau đi. Người vợ sờ thấy cây gỗ ở cạnh giếng, một tay ôm chặt cây, còn tay kia níu chặt bàn tay chồng. Người chồng quỳ trên sàn giếng thả gầu xuống múc, kéo nước lên.

Có người nhìn thấy họ múc nước khó khăn ngỏ ý muốn giúp nhưng hai vợ chồng đều cảm ơn rồi từ chối.

Họ bảo: “Các ông bà giúp được chúng tôi một lần, nhưng không giúp được chúng tôi một đời”.

Cứ như thế, hai vợ chồng luôn tay dắt tay nhau đi lấy nước cho đến khi đứa con đầu lòng có thể gánh được một gánh nước.

Dân làng đều cảm thấy lạ lùng.

Trong thôn cũng có nhiều trai gái trẻ từng vì đất trơn mà trượt chân ngã xuống giếng, nhưng đôi vợ chồng mù chưa lần nào té ngã. Càng lạ lùng hơn, dù không thể nhìn thấy nhưng vợ chồng họ vẫn có thể tìm ra nhau trong đám đông đang nói chuyện ồn ào.

Người chồng là một người thổi kèn trong ban nhạc ở thôn quê. Ông thường đến các đám cưới thổi những bài: “trăm con chim phượng hoàng”, “niềm vui đầy nhà” … Dù đi thổi kèn ở đâu, ông cũng có một yêu cầu, để người vợ mù của ông đi cùng. Ông nói, để vợ ở nhà một mình, ông không an tâm.

Mỗi khi tiếng kèn của người chồng cất lên, người vợ ngồi bên rất chăm chú nghe. Dường như những giai điệu ấy đều là ông thổi riêng cho bà.  Người ta bảo, những lúc ấy, khuôn mặt người vợ mù thường đỏ ửng lên, khiến ai nấy đều cảm thấy người phụ nữ đang ngồi lặng lẽ kia xinh đẹp biết nhường nào.

Có lần, người chồng sơ ý bị ngã gãy chân. Những ngày chồng nằm bệnh viện, ba bốn hôm liền người vợ không ăn hột cơm nào vào bụng. Bà bảo, không có bàn tay quen thuộc kia, bà chẳng còn lòng dạ nào mà ăn.

Sau này, khi hai vợ chồng đều đã già và không cần đi ra ngoài nữa, họ bắt đầu trồng hoa trong sân nhà. Dù chẳng thể nhìn thấy được những đoá hoa tươi rực rỡ mình trồng lên, nhưng ông bà đều rất hạnh phúc mỗi khi đến mùa hoa nở.

Những người con của ông bà từng hỏi bố mẹ : “Nếu ông trời dành cho bố mẹ một cơ hội, liệu bố mẹ có muốn nhìn nhau bằng mắt không?”

Ông tự hào nói: “Dắt tay nhau một đời, có bao nhiêu đường vân trong lòng bàn tay mẹ con, đều đã in trong trái tim bố. Bố chưa từng trông thấy người đẹp nhất. Trong trái tim bố thì mẹ con là người đẹp hơn cả.. cần mắt để làm gì!

Mắt là thứ tham lam nhất trần đời, nhìn cái gì cũng đánh giá tốt hay xấu, xinh hay không xinh; nhìn cái gì hay hay là muốn có cái đó. Trên mặt người ta có một vết sẹo cũng có thể để trong tim suốt đời.”

Tim sáng hơn mắt. Nó là sáng nhất, thật nhất!.

Còn bà thì trả lời: “Người ta nhìn người bằng mắt, bố mẹ nhìn người bằng trái tim. Tim sáng hơn mắt, thật nhất.”

Bởi chúng ta có mắt. Nên khi chúng ta nhìn người, chỉ dựa vào mắt mà quên dùng trái tim.

Có lẽ người vợ mù đã nói đúng: Tim sáng hơn mắt. Nó là sáng nhất, thật nhất!

(sưu tầm)


 

GẮN BÓ – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Chúa Giêsu gọi mười hai môn đệ”.

Kỷ niệm 50 năm ngày cưới của Henry Ford, ‘vua xe hơi’, người ta hỏi ông bí quyết hạnh phúc và sự bền bỉ của hôn nhân. Ford trả lời, “Như trong kinh doanh xe, hãy gắn bó với một mô hình!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Ơn gọi cũng có một mô hình, hãy ‘gắn bó’ với nó! Lời Chúa hôm nay cho thấy, nếu để xây dựng một ‘Israel cũ’, Thiên Chúa cần 12 con trai của Giacóp; để xây dựng một ‘Israel mới’, Chúa Giêsu cần 12 tông đồ. Họ phải ‘gắn bó’ với Ngài và sứ mệnh đã lãnh nhận!

Câu chuyện dài của Giuse cho thấy sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa khi Ngài cho phép điều xấu nhất xảy ra – Giuse bị các anh bán sang Ai Cập như một nô lệ – bài đọc một. Tại đây, Giuse tuy thoát khỏi cám dỗ của bà chủ nhưng thay vào đó, ông bị tống ngục. Dẫu thế, vì ‘gắn bó’ với Chúa, ông được cứu; sau đó, được cất nhắc đến chức tể tướng nhờ tài giải mộng. Thánh Vịnh đáp ca là một lời cầu xin, đồng thời là một lời tạ ơn, “Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa, như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài!”.

Cũng thế, Tin Mừng cho biết, khi thiết lập Vương Quốc, Chúa Giêsu từ chối ‘show diễn một người’, Ngài cần nhiều người. Ngài gọi nhóm Mười Hai; trong họ, chúng ta tìm thấy mô hình của mọi ơn gọi Kitô. Đó là những môn đệ ‘gắn bó’ với Thầy, sẽ truyền bá Tin Mừng của Thầy không chỉ bằng lời nói nhưng bằng cả cuộc sống và cái chết. Không có họ, không có Nước Trời, chẳng có Giáo Hội! “Không có các tông đồ, Nước Trời là một kho báu bị chôn giấu, và Giáo Hội là một căn nhà không người ở!” – Phanxicô Xaviê Thuận.

Nhiều người đã ở trên núi với Chúa Giêsu, khao khát được gần Ngài; nhưng, chỉ có mười hai người trở nên tông đồ. Mọi ơn gọi Kitô luôn khiến chúng ta có cảm giác mình được yêu cách riêng – đúng vậy – bạn và tôi được gọi đích danh bằng tên, nghĩa là Chúa Giêsu biết rõ từng người với mọi khiếm khuyết và yếu đuối. Điều quan trọng là bạn gắn bó với Ngài để múc lấy ân sủng. “Khi Chúa gọi bạn, Ngài đã nhìn thấy mọi lần bạn sẽ ngã – và Ngài vẫn gọi, vì Ngài cũng thấy mọi lần bạn sẽ đứng dậy nhờ ân sủng!” – Josemaría Escrivá.

Anh Chị em,

“Chúa Giêsu gọi mười hai môn đệ”. “Tại sao Ngài gọi tôi?”; “Tại sao tôi ở đây?”. Dù thuộc bậc gia đình hay bậc tu trì, không bao giờ chúng ta hiểu được đầy đủ lý do; chỉ Thiên Chúa mới biết được chiều sâu của sự khôn ngoan nơi chính Ngài. “Tôi không biết tại sao Chúa chọn tôi ở con đường này, nhưng tôi biết chắc một điều – Ngài không nhầm!” – Têrêxa Lisieux. Vì thế, “Xin vâng” là lời duy nhất mà người môn đệ thuộc mọi ơn gọi thưa lên mỗi ngày; đồng thời, sống ‘gắn bó’ với Đấng đã gọi mình là điều họ phải tìm kiếm suốt đời; mọi thứ khác chỉ làm chậm trễ sứ vụ. “Chỉ có một câu trả lời đáng giá cho tiếng gọi của Chúa: một lời ‘xin vâng’ vô điều kiện – và một cuộc đời gắn bó không rút lại!” – Edith Stein.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, không ‘gắn bó’ với Chúa, con sẽ ‘gắn bó’ với các thứ khác. Đừng để con quên, ‘gắn bó’ với Chúa, con nên thánh; ‘gắn bó’ với các thứ, con đánh mất sứ vụ!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế) 

********************************************

 Thứ Tư Tuần XIV Thường Niên, Năm Lẻ

Anh em hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.   Mt 10,1-7

1 Khi ấy, Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.

2 Sau đây là tên của mười hai Tông Đồ : đứng đầu là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông ; sau đó là ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê và ông Gio-an, em của ông ; 3 ông Phi-líp-phê và ông Ba-tô-lô-mê-ô ; ông Tô-ma và ông Mát-thêu người thu thuế ; ông Gia-cô-bê con ông An-phê và ông Ta-đê-ô ; 4 ông Si-môn thuộc nhóm Nhiệt Thành, và ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, là chính kẻ nộp Người. 5 Đức Giê-su sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng :

“Anh em đừng đi tới vùng các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của người Sa-ma-ri. 6 Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en. 7 Dọc đường hãy rao giảng rằng : Nước Trời đã đến gần.”


 

ĐỪNG ĐỂ LẠNH BÊN TRONG (Lê Thị Thanh Tâm)

Thầy Lê Văn Thông

 (Lê Thị Thanh Tâm)

Tôi bị chứng đau nửa đầu, có lẽ di truyền từ cha tôi. Với niềm tin đó, tôi không chữa bệnh, vì nghi bệnh di truyền nên có chữa cũng bị lại. Nhưng khi sang Nhật tôi không chịu nổi và quyết định đi khám.

Một người bạn Nhật đưa tôi đến phòng khám ở khu Kunitachi, Tokyo. Bước vào nhà của bác sĩ, tôi thấy ấm áp với nụ cười phúc hậu của bà. Tôi được đưa vào một căn phòng nhỏ xinh xắn, đơn sơ, có tiếng nhạc rất nhỏ, dịu dàng.

Bác sĩ nói một thứ tiếng Anh lịch thiệp. Bà hỏi tôi về chứng đau đầu. Tôi hồn nhiên khoe tôi đã bị đau 20 năm nay, giờ thì rất mệt mỏi. Tôi có một tháng không ngủ, một tháng ngủ được hai tiếng một đêm, và một tháng ngủ được 4-5 tiếng.

Bác sĩ nói bà chưa từng gặp bệnh nhân nào như vậy. Tôi nghĩ chắc bà sẽ khám cho tôi như các bệnh viện mà tôi từng đi.

Không phải. Bà lấy khăn quấn vào đầu tôi và đặt hai tay lên đó. Tôi thấy hơi nóng bắt đầu tăng dần nơi tay bà. Sau đó, người tôi rất ấm và dễ chịu. Lát sau, bà lại đổi tư thế, phủ khăn lên mắt tôi, đặt hai tay vào đó. Cứ như thế đến 30 phút, hết nơi này đến nơi khác trên cơ thể tôi.

Rồi bà bỏ khăn ra và nói chuyện với tôi.

“Có ai làm cô tức giận lắm à? Cô đã đau khổ tức giận quá lâu, gan cô lạnh ngắt, suy yếu. Vì thế, nó ảnh hưởng đến mắt và gây đau đầu liên tục”.

Tôi cười phá. Tôi nói ai chẳng có lúc tức giận. Bà cũng cười tươi và nói: “Nhưng cô tức giận nhiều quá, lâu quá”.

Bỗng dưng nước mắt tôi ứa ra. Tôi vẫn cười và nói: “Nhưng tôi sống rất nhẹ nhàng”. Bà nhìn tôi lém lỉnh: “Nhẹ bên ngoài, bên trong thì nổi giận”.

Tôi không nghĩ buổi đi khám bệnh của mình lại như thế này. Tôi không muốn “nội tạng”, “nội tâm” của mình bị phơi bày ra ngoài. Rồi lúc đó, tôi cũng chợt nhận ra “hình như tôi đang nổi giận bằng cách cười rất tươi”.

Tôi chấp nhận phương pháp của bác sĩ và tiếp tục nằm để bà khám tiếp. Lát sau, bác sĩ nói:

“Cô có gì buồn bã quá hay sao? Phổi phía sau của cô rất lạnh”.

Tôi cười nhưng không cãi lại như lúc đầu. Sau đó, bác sĩ xoa tay vào vùng bụng của tôi và nói:

“Lá lách của cô cũng đang bị mệt, cô đã lo nghĩ quá nhiều”.

Đến lúc này, tôi hết chịu nổi lại phá lên cười to. “Ôi, bác sĩ ơi, thế thì bên trong hỏng hết rồi ạ?” – tôi hỏi.

Bác sĩ cũng cười với tôi, nhưng rồi bà thì thầm: “Con gái cô đang ngồi chờ cô ngoài kia. Khi cô vui vẻ bên ngoài và đau đớn tức giận bên trong, con gái cô sẽ hiểu hết, và nó sẽ sống theo cách đó”.

Tôi không cười nữa. Tôi hỏi: “Thế bây giờ tôi phải làm sao?”. “Hãy thay đổi suy nghĩ của cô” – bà nói.

Tôi băn khoăn: thay đổi điều gì nhỉ? Bác sĩ nói tiếp: “Đơn giản thế thôi, hãy thay đổi suy nghĩ”.

Tôi không phải không biết điều đó. Thay đổi suy nghĩ thì sẽ thay đổi thái độ sống và cải thiện được sức khỏe. Nhưng ai có thể tránh được tức giận, lo âu, buồn bã?…

Tôi nằm yên trong căn phòng của người bác sĩ phúc hậu. Bàn tay ấm áp của bà đã vuốt bên ngoài những món nội tạng hỏng hóc của tôi. Tôi suy nghĩ. Sao tôi có thể tưởng tượng một ngày nào đó tôi nằm ở đây, trên nước Nhật, để nghe một người Nhật xa lạ nói về nỗi đau của lòng mình. Chẳng lẽ tôi lại kể tiếp những câu chuyện “cười ra nước mắt” nơi quê nhà. Tôi quyết định im lặng.

Rồi trí óc tôi lướt qua những ngày tháng cũ ở nước Nhật, khi vợ chồng tôi cùng em bé đứng 10 tiếng ở ga Kokubunji chờ cứu nạn khi vùng đông bắc nước Nhật bị thảm họa kép động đất, sóng thần.

Chúng tôi là người nước ngoài, trong cơn hoạn nạn, người Nhật đã nhường chúng tôi cái sofa duy nhất trong phòng tạm trú qua đêm dư chấn. Họ im lặng, không kêu la, than vãn, nhường chỗ nằm và thức ăn cho người nước ngoài, cho các em bé và người bệnh.

Suốt đêm ấy, mặt đất vẫn chao lắc dữ dội. Các đội cứu trợ vẫn trực sẵn sàng hỗ trợ người dân. Thiên nhiên nổi giận, chỉ có lòng người là điềm đạm, ân cần.

Tôi nhìn khuôn mặt người bác sĩ Nhật, đúng là họ đã ít khi nổi giận. Làm sao họ có được tinh thần ấy, điều mà tôi nghiên cứu, dạy học và thực hành mãi cũng không làm được. Dân tộc này, từ người gác cổng, người khuân vác, rửa xe cho đến những người trí thức, tất cả đều có chung một sự nhẫn nại kỳ lạ và vô hạn. Họ khám bệnh cho người nước ngoài mà chia sẻ cả sự ấm lạnh của cuộc đời.

Tôi ngồi dậy và thấy người đã rất nhẹ nhõm. Bác sĩ cười nói với tôi:

“Không có gì nghiêm trọng đâu. Tôi đã làm ấm cho cô rồi. Tôi tặng cô mười gói giữ ấm này nhé. Cố gắng đừng để lạnh bên trong”.

Chỉ một cơn cuồng nộ đi qua, tôi đã để gan ruột mình lạnh như tảng đá. Tôi nghĩ đến bài quốc ca ngắn nhất thế giới của người Nhật, chỉ có hình ảnh sỏi đá và rong rêu. Ôi, làm sao tìm lại được những vết thương xưa, làm sao biết cái gì đã phủ rêu lên những hòn đá nặng trĩu bóng thời gian.

Tôi cảm ơn bác sĩ và ra về. Và nhận ra ở đâu đó niềm hy vọng cho những đổi thay, dù dai dẳng nhọc nhằn.

(FB Dao Thuy.)


 

Sài Gòn bây giờ…!- Đỗ Hồng Ngọc

Kimtrong Lam                                                 

Đỗ Hồng Ngọc

4 tháng 7, 2025

Saigon bây giờ không thấy có người đẹp nữa! Xưa ra đường cứ thấy người ta vừa chạy xe vừa… ngoái đầu lại nhìn. Bây giờ ra đường người con gái nào cũng trùm kín mặt, mang vớ dài tay, găng tay kín mít, áo khoác sùm sụp, đầu đội mũ bảo hiểm, chỉ chừa hai con mắt lom lom qua kính bảo hộ…

Ở trên cao nhìn xuống người người dày đặc, từng luồng từng luồng cuồn cuộn trôi đi, lâu lâu cụng mũ bảo hiểm một cái rồi mạnh ai nấy đi, cứ như đàn kiến. Đi bộ trên đường nhiều khi gặp người chào hỏi thân thiện mà chẳng biết ai là ai, đến lúc như chợt nhớ ra họ mới gỡ khẩu trang cười lỏn lẻn. May thay, con gái Saigon bây giờ tuy che mặt mà lại hở đùi! Họ mặc quần short thật ngắn ra đường bất kể sáng trưa chiều tối. Nhờ đó mà cũng có thể nhìn ra người đẹp! Có điều hơi nguy hiểm cho giao thông công cộng vì đường sá không thông thoáng như xưa. Áo dài thì khó mà tìm thấy nữa rồi, trừ trên sân khấu và sàn diễn thời trang. Con gái vì thế mà không còn yểu điệu, dịu dàng, tha thướt nữa.

Ngay cả những ngày lễ tết, ở đường hoa Nguyễn Huệ rực rỡ vậy mà cũng khó tìm thấy một tà áo dài. Mọi người trở nên hấp tấp, vụt chạc, căng thẳng hơn bao giờ hết. Cái lý do vì sao mất áo dài rồi phải trùm kín mít cả người như vậy thì ai cũng biết. Bụi khói mù trời. Không khí hừng hực. Môi trường đô thị ngày càng xấu đi. Cây xanh tàn rụi. Cao ốc vùn vụt bốc lên!

Saigon bây giờ béo phì ngày càng tăng! Một sự phồn vinh thực chớ không phải giả tạo. Béo phì nhanh nhất ở phụ nữ và trẻ con. Các chuyên gia dinh dưỡng la ơi ới, báo động hoài mà chẳng ai thèm nghe. Nghe chi cho mệt. Các cửa hàng fastfood cứ mọc ra như nấm. Ai cũng biết fastfood tới đâu, béo phì, tim mạch, tiểu đường, huyết áp… theo tới đó. Mà bệnh tật càng tăng thì… càng tốt chớ sao. Thuốc men, thực phẩm chức năng, quảng cáo…ồn ào thì kinh tế càng phát triển. Thức ăn thức uống toàn hương liệu, hoá chất, bột nêm các thứ làm cho chuyện bếp núc trở nên đơn giản. Cứ xem TV thì biết. Người nào người nấy già trẻ lớn bé mặt mũi bóng lưỡng, hí hửng chụp giựt nước uống thức ăn, nhảy nhót mừng vui tưng bừng mọi nơi mọi lúc!

Saigon bây giờ cận thị quá trời! Trẻ con nứt mắt đã cận thị. Mẫu giáo tiểu học cận thị tùm lum. Tiệm kiếng mở ra tràn ngập, góc nào cũng có. “Chỗ nào rẻ hơn trả lại tiền!”. Ấy cũng nhờ vi tính, game online, TV… các thứ ngày càng hấp dẫn. Thế giới nhỏ trong lòng bàn tay. Trẻ con sướng như tiên. Đồ chơi trên trời dưới biển khắp hang cùng ngõ hẹp. Lâu lâu kêu có hóa chất độc hại. Khi biết thì mọi thứ đã muộn rồi. Kể cả thuốc “cam” nổi tiếng một thời nay gây ngộ độc chì không thuốc chữa. Lạ là người ta vẫn cứ tin và vẫn cứ nhắm mắt uống càng! Các loại sữa “thông minh” dành cho trẻ con ngày càng nhiều, khiến các bà mẹ không muốn cho con bú sữa mình nữa. Rõ ràng các thế hệ trước đây không được uống sữa thông minh nên có vẻ kém… thông minh!

Saigon bây giờ loãng xương hơi nhiều. Đi ngoài đường thấy người ta lố nhố, tụ tập, tưởng gì, hóa ra đang túm tụm đo xương! Có người tử tế, vì sức khỏe cộng đồng, đem máy đo mật độ xương ra ngoài đường đo cho ông đi qua bà đi lại. Ai cũng loãng xương kẻ ít người nhiều! Sau đó ai cũng mua một vài hộp sữa, một vài loại thuốc chống loãng xương là xong.

Saigon bây giờ đua nhau sửa sắc đẹp. Ai cũng sửa được, không cần phải học. Ai cũng nên sửa, từ cô hoa hậu đến ca sĩ, người mẫu, cô hàng xén, anh doanh nhân. Bơm vú bơm mông, cắt mắt, xẻ mũi, chẻ cằm rào rào. Ai cũng thành người mẫu ca sĩ Hàn quốc. Nhan sắc rộ lên khiến các nhà thơ… bí không còn làm thơ được nữa!

Saigon bây giờ trẻ con bỗng dậy thì sớm. Không dậy thì sớm cũng uổng! Mọi thứ kích thích cứ rần rật chung quanh. Phim ảnh, internet, sách báo… các thứ. Thức ăn thức uống béo bổ các thứ. Khí hậu nóng lên. Tỷ lệ phá thai vị thành niên tăng một cách đáng ngại. Tình trạng vô sinh cũng nhiều. Ly dị cũng mau. Người ta đua nhau mổ đẻ cho đúng giờ hoàng đạo. Trẻ sanh non, suy hô hấp, thiếu dưỡng khí não, lớn lên tâm thần cũng bộn!

Tóm lại, sức khỏe cộng đồng ở Saigon bây giờ có nhiều điều đáng suy ngẫm.


 

Điều răn thứ nhất—Ta là Thiên Chúa, Chúa ngươi.- Cha Vương

Chúc bình an đến bạn và gia đình. Xin một lời cầu nguyện cho nạn nhân bị lũ quét ở hạt Kerr, miền trung nam tiểu bang Texas.

Cha Vương

Thứ 3: 8/7/2025

GIÁO LÝ: Điều răn thứ nhất—Ta là Thiên Chúa, Chúa ngươi. Ngươi không được có thần lạ trước mắt Ta. “Ta là Thiên Chúa, Chúa ngươi”(Ex 20, 2) nghĩa là gì? 

Vì Đấng Toàn năng đã mặc khải mình cho ta như là Thiên Chúa và là Chúa, nên ta không được đặt bất cứ cái gì trên Người, coi cái gì quan trọng hơn Người, dành cho người và vật nào ưu tiên hơn Người. Nhận biết, phụng sự và thờ phượng Người, phải là ưu tiên tuyệt đối trong đời sống của ta. (YouCat, số 352)

SUY NIỆM: Thiên Chúa chờ đợi ta hết lòng tin Người, đặt tất cả hy vọng vào Người, hướng tất cả tình yêu vào Người. Điều răn mến Chúa là điều quan trọng hơn hết mọi điều răn khác, và là chìa khóa của các điều răn. Vì thế Chúa là trên hết mọi người. Còn phần ta, hãy yêu mến Chúa vì Chúa yêu ta trước. (1 Ga 4,19)

❦ Khi Thiên Chúa lớn lên, con người không bị hạ thấp đâu, con người cũng được lớn lên và thế giới sáng sủa ra. (Đức Bênêđictô XVI 11-09-2006) (YouCat, số 352 t.t.)

❦  Ngợi khen Thiên Chúa đã cứu độ tôi. Thánh Têrêsa Avila

LẮNG NGHE: Trước hết, anh em hãy hết tình yêu thương nhau, vì lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi.9 Hãy tiếp đón nhau mà không lẩm bẩm kêu ca.10 Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa.11 Ai có nói, thì nói lời Thiên Chúa; ai phục vụ, thì phục vụ bằng sức mạnh Thiên Chúa ban. Như thế, trong mọi việc, chúng ta tôn vinh Thiên Chúa nhờ Đức Giê-su Ki-tô. Kính dâng Người vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời. A-men. (1 Pr 4:8-11)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin giúp con yêu Chúa với trọn trí óc, trái tim và con người của con. Xin cho con cũng yêu người như Chúa đã yêu con.

THỰC HÀNH: Thời gian mà ai đó dành cho bạn chính là biểu hiện của tình yêu họ dành cho bạn. Nếu bạn yêu Chúa, hãy dành thời gian để cầu nguyện, ca ngợi và chúc tụng Chúa.

From: Do Dzung

https://www.youtube.com/watch?v=BFdx_i4FM70

Giêsu Giêsu (St: Lm Thành Tâm) | Lm Giuse Quang Minh – Khánh Ngọc – Chí Sơn – Anh Thiên

VẬT LỘN – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Họ lầm than vất vưởng”.

Năm 480 trước Công Nguyên, Leonidas – vua Hy Lạp – chuẩn bị nghênh chiến với Ba Tư. Một sứ giả Ba Tư xuất hiện, người này thuyết phục Leonidas đầu hàng, “Quân đội chúng tôi rất hùng mạnh, lực lượng cung thủ thiện xạ đông đảo; tên của họ bay làm tối mặt trời!”. Leonidas trả lời, “Càng tốt, chúng tôi sẽ vật lộn với quân thù dưới bóng râm!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật thú vị, Lời Chúa hôm nay nói đến những cuộc ‘vật lộn’: vật với Chúa, vật với mình. Ngạc nhiên thay, Thiên Chúa có mặt ở cả hai chiến địa và Ngài muốn bạn ‘toàn thắng!’.

Trước hết, cuộc ‘vật lộn’ không mấy đúng luật của ‘Ai đó’ với Giacóp, vì đối thủ đạp vào đùi ông. Đó là cuộc đọ sức mà cuối hiệp, Giacóp vỡ lẽ, ông đã vật với Chúa – bài đọc một. Hoàn hồn, ông nói, “Tôi đã thấy Thiên Chúa mặt đối mặt, mà tôi đã được tha mạng!”. Thánh Vịnh đáp ca dâng lời tạ ơn, “Lạy Chúa, con sẽ được trông thấy mặt Ngài!”. Với trình thuật này, Charles Péguy viết, “Ta đã thường chơi với con người, hỡi ngươi, đồ khờ! Trong cuộc chơi này, ai thắng thì thua, ai thua thì thắng. Thử hỏi, ngươi cứ cố thắng, làm sao Ta ẵm ngươi và chữa ngươi lành? Hỡi con người, tên ngươi là ‘Khờ Khạo!’”.

Tin Mừng nói đến những người đến với Chúa Giêsu. Họ là những con người ‘vật lộn’ với đủ loại hình trong thể xác và tâm hồn; “họ lầm than vất vưởng” và điều này khiến Ngài day dứt. Có lẽ bạn và tôi cũng đang ở trong đoàn người tan nát, bẽ bàng và bị bỏ rơi đó. Ai trong chúng ta cũng có những ‘lầm than’ thầm kín và đôi khi, cảm thấy ‘vất vưởng’, mất phương hướng; và chúng ta sẽ ‘vật lộn’ với bản thân cho đến khi biết mình ‘thuộc về ai’. “Tôi đã mệt mỏi với chính mình – với những ảo tưởng, nỗi lo sợ, những cố gắng tự cứu. Và rồi tôi buông mình vào vòng tay Chúa, nơi tôi thực sự thuộc về!” – Têrêxa Lisieux.

Trước hết, ‘lầm than’ có thể đến từ nhiều phía: một ký ức, một mối quan hệ tan vỡ, một tội trọng, một cơn giận… Vì thế, câu hỏi đầu tiên là liệu tôi đang có ‘một trái tim lầm than?’. Cả những vị thánh cũng sẽ tìm thấy mình trong một số ‘chiến địa’. Tôi đang ‘vật lộn’ trong chiến địa nào? Thứ đến, cảm giác ‘vất vưởng’; đó có phải là do một tội lỗi? Chỉ khi nhận được ơn tha thứ và lớn lên trong cầu nguyện, bạn mới toàn thắng. “Bạn có thể thắng một trận chiến bằng trí khôn, nhưng bạn chỉ thắng đời mình khi đã quỳ xuống để Chúa thứ tha!” – Phanxicô Xaviê Thuận.

Anh Chị em,

“Họ lầm than vất vưởng”. Chúa Giêsu biết bạn “lầm than vất vưởng” cách nào đó, và Ngài không mệt mỏi cất bước đi tìm. Với tư cách mục tử, Ngài muốn ùa tới, gánh lấy mọi lo âu và dọn đường cho chúng ta tái khám phá địa vị của mình trong đoàn chiên. Ngài đến, mang theo một trái tim đầy xót thương; Ngài sẽ chữa lành và làm cho tâm hồn bạn và tôi – co quắp, yếu nhược và tội lỗi – được tươi mới. “Trong toà giải tội, linh hồn được rửa sạch và nhẹ như gió. Những gì co rúm vì tội lỗi được giãn nở trong lòng thương xót!” – Faustina Kowalska. Đừng sợ, hãy đến với Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con sẽ vật lộn với quân thù dưới bóng râm của Thánh Thể; và con sẽ toàn thắng trong vòng tay thương xót của Chúa ở toà giải tội!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

**********************************************

Thứ Ba Tuần XIV Thường Niên, Năm Lẻ

Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.   Mt 9,32-38

32 Khi ấy, người ta đem đến cho Đức Giê-su một người câm bị quỷ ám. 33 Khi quỷ bị trục xuất rồi, thì người câm nói được. Dân chúng kinh ngạc, nói rằng : “Ở Ít-ra-en, chưa hề thấy thế bao giờ !” 34 Nhưng người Pha-ri-sêu lại bảo : “Ông ấy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.”

35 Đức Giê-su đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.

36 Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. 37 Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng : “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. 38 Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”