NGƯỜI NỮ CHIẾN THẮNG CON RẮN

NGƯỜI NỮ CHIẾN THẮNG CON RẮN

Sự tích Lễ mừng Đức Bà Guadalupe ngày 12/12

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Trong chuyến viếng thăm mục vụ Mêhicô lần thứ hai, Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (1978-2005) nâng thổ dân Juan Diego (1474-1548) lên hàng Á Thánh vào Chúa Nhật 6-5-1990.  Hôm ấy, Đức Thánh Cha âu yếm gọi tân chân phước là “người tâm phúc của Đức Bà dịu hiền Tepeyac.”  (Thổ dân Juan Diego được Đức Mẹ Maria (Đức Bà Guadalupe) hiện ra 5 lần vào năm 1531).

NGUOI NU CHIEN THANG

12 năm sau, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II sang thủ đô Mêhicô lần thứ năm và chủ sự lễ tôn phong hiển thánh cho chân phước thổ dân Juan Diego vào ngày 31-7-2002.

Xin lược thuật 5 lần Đức Nữ Trinh Rất Thánh Maria hiện ra cùng thổ dân Juan Diego trên đồi Tepeyac.  Lần đầu vào sáng thứ bảy 9-12-1531 và lần cuối vào chiều thứ ba 12-12-1531.  Trong lần hiện ra sau cùng, Đức Mẹ Maria tỏ lộ danh thánh là “Đức Bà Guadalupe.”  “Guadalupe” trong tiếng thổ dân có nghĩa “Người Nữ Chiến Thắng con rắn.”

Các cuộc hiện ra được thổ dân Antonio Valeriano (1520-1605) kể lại tỉ mỉ.  Thổ dân Antonio Valeriano sống đồng thời với thổ dân Juan Diego.  Vào năm 1531, thổ dân Juan Diego 57 tuổi và thuộc về nhóm thổ dân thiểu số rất ít người.  Trước đó 7 năm, ông Juan Diego lãnh bí tích Rửa Tội cùng với người vợ hiền là bà Maria Lucia.  Bà Maria Lucia qua đời năm 1529.

LẦN HIỆN RA THỨ NHẤT

Hôm đó là sáng thứ bảy 9-12-1531, ông Juan Diego đến nhà thờ Thánh Giá ở Tlatelolco để tham dự buổi học giáo lý.  Khi đến gần đồi Tepeyac, ông nghe tiếng líu lo êm ái, tiếng ríu rít nhẹ nhàng, với các cung trầm bổng tuyệt vời của muôn ngàn chim sẻ, như tiếng nhạc réo rắt vọng xuống từ trời cao.  Thổ dân Juan Diego vô cùng bỡ ngỡ.  Ông dồn dập tự hỏi: “Liệu mình có xứng đáng với những gì đang nghe không?  Hay mình đang mơ?  Mình đã tỉnh hẳn chưa?  Mình đang ở nơi nào đây?  Có lẽ mình đang ở địa đàng, nơi cõi trần hạnh phúc mà các bậc tiên tổ đã nói tới chăng?  Hay là mình đã vào thiên đàng rồi?”  Còn đang đảo mắt nhìn chung quanh, bỗng tiếng hót im bặt và ông nghe một tiếng nói xa xôi, vọng xuống từ trên cao và gọi rõ tên ông:
– Juan Diego, Juan Diego bé nhỏ!

Juan Diego không hề cảm thấy sợ hãi, trái lại, ông sung sướng tiến nhanh về hướng đồi cao.  Khi leo lên tới đỉnh, Juan Diego trông thấy một Bà đang đứng đó.  Bà ra hiệu mời Juan Diego tiến lại gần Bà.  Khi đến trước mặt Bà, Juan Diego vô cùng bỡ ngỡ và kinh ngạc trước vẻ đẹp siêu thoát của Bà.  Áo Bà long lanh các tia sáng mặt trời.  Tảng đá nơi Bà đặt chân như toàn bằng đá quí và mặt đất chung quanh Bà tỏa sáng như cầu vòng.

Thổ dân Juan Diego kính cẩn quì xuống và cảm động lắng nghe lời Bà nói cách êm ái dịu dàng:
– Hỡi Juan bé nhỏ, người con nhỏ bé nhất trong các con Mẹ, con đang đi đâu đấy?
Juan Diego trả lời:
– Thưa Bà, con phải đến Nhà Bà ở Messico-Tlatelolco để tiếp tục học về các mầu nhiệm của Thiên Chúa do các linh mục dạy.  Các linh mục là các thừa tác viên thánh của Chúa chúng ta.

Bà Đẹp liền bày tỏ cùng Juan Diego ước muốn của Bà:
– Con hãy cẩn trọng ghi khắc nơi lòng con rằng con là người bé mọn nhất trong các con của Mẹ, và Mẹ chính là Đức Nữ Trinh Rất Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa thật, Đấng là suối nguồn sự sống, là Đấng Tạo Dựng muôn loài.  Ngài là Chủ Tể trên trời và dưới đất.  Mẹ hết sức mong ước người ta xây cất nơi đây một đền thánh, hầu Mẹ có thể minh chứng và trao ban cho mọi người tình thương của Mẹ, lòng cảm thông, sự trợ giúp và che chở của Mẹ.  Bởi vì, Mẹ là Mẹ Từ Bi của các con, Mẹ của riêng con, cũng như của toàn dân sống trên phần đất này và của tất cả những ai thành khẩn kêu cầu cùng Mẹ với trọn lòng tin tưởng.  Mẹ nghe rõ tiếng kêu than ai oán của họ.  Mẹ muốn trao ban cho mọi người phương thuốc chữa trị các nỗi đau đớn, các khó khăn cùng các sầu khổ buồn phiền.  Và để có thể thực hiện các nguyện ước khoan nhân của Mẹ, con hãy đi tới tòa Giám Mục Mêhicô và thưa với Đức Giám Mục rằng, chính Mẹ sai con tới và Mẹ ước ao người ta xây cho Mẹ một đền thánh trên ngọn đồi này.  Con hãy kể lại tỉ mỉ cho Đức Giám Mục tất cả những gì con thấy và nghe.  Con hãy tin chắc rằng, Mẹ sẽ nhớ ơn con, Mẹ sẽ ban thưởng cho con.  Mẹ sẽ làm cho con được hạnh phúc và con, con sẽ xứng đáng với phần thưởng, dành cho các cố gắng và các nhọc mệt con hy sinh để chu toàn sứ mệnh Mẹ trao phó.  Đấy nhé, con đã nghe rõ mệnh lệnh của Mẹ, hỡi con Mẹ, đứa con nhỏ bé nhất trong tất cả các con Mẹ.  Bây giờ con hãy đi và dùng trọn sức lực để thi hành công tác.

Thổ dân Juan Diego kính cẩn cúi mình nói:
– Thưa Bà, con sẽ đi ngay và thực hiện lệnh Bà truyền.  Giờ đây đứa đầy tớ khiêm hạ của Bà xin được phép lui gót.

Ông Juan Diego mau mắn xuống khỏi đồi và trực chỉ thành phố Mêhicô.  Vào thành, ông đi thẳng đến tòa Giám Mục.  Vị Giám Mục sở tại lúc bấy giờ là Đức Cha Juan de Zumárraga thuộc dòng Anh Em hèn mọn thánh Phanxicô.  Juan Diego xin gặp Đức Cha và thưa với ngài về sứ điệp của Bà Đẹp Thiên Quốc.  Nhưng Đức Cha không tin lời ông nói.  Juan Diego buồn bã ra về, lòng thất vọng vì nhiệm vụ giao phó không hoàn thành.

LẦN HIỆN RA THỨ HAI

Cùng ngày thứ bảy 9-12-1531, thổ dân Juan Diego quay trở lại đồi Tepeyac.  Khi lên tới đỉnh đồi, Juan Diego trông thấy Bà Đẹp Thiên Quốc đang đứng chờ mình.  Ông quỳ sụp xuống và nói:
– Thưa Bà, con đã mang sứ điệp của Bà đến cho Đức Giám Mục.  Ngài ưu ái lắng nghe con nói, nhưng ngài không tin lời con.  Có lẽ ngài nghĩ là con bịa chuyện.  Vì vậy, con tha thiết xin Bà, xin Bà hãy trao phó nhiệm vụ này cho một người khác quan trọng hơn.  Có thế, Đức Giám Mục mới tin.  Bởi vì con chỉ là người chót bét, một sợi dây mỏng manh, một chiếc thang bằng gỗ, một cái đuôi, một mảnh giấy.  Con thuộc về một nhóm dân cùng đinh, nghèo khổ, vậy mà Bà lại sai con đến một nơi quá cao xa đối với con, đến một chỗ mà con không bao giờ dám đặt chân tới.  Xin Bà tha thứ cho con, nếu con làm phật ý Bà, nếu con làm Bà nổi giận.  Hỡi Bà là Bà Chủ của con!

Đức Trinh Nữ Rất Thánh Maria trả lời:
– Hỡi người con bé nhỏ nhất của Mẹ, hãy lắng nghe lời Mẹ nói đây.  Mẹ biết rõ là có nhiều tôi tớ khác của Mẹ có thể thi hành mệnh lệnh Mẹ truyền.  Tuy nhiên, Mẹ rất cần đến sự giúp đỡ của con.  Vậy thì, Mẹ truyền cho con trở lại tòa Giám Mục một lần nữa.  Ngày mai, con đến tòa Giám Mục và thưa với Đức Cha rằng con đến nhân danh Mẹ và xin ngài xây cất một đền thờ theo ý hướng của Mẹ.  Con lập lại với ngài lần nữa rằng chính Mẹ là Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, chính Mẹ đã đích thân sai con đến với ngài.

Thổ dân Juan Diego khiêm tốn thưa:
– Thưa Bà, con không hề muốn làm phiền lòng Bà, con sẽ trung tín thi hành nhiệm vụ Bà trao phó.  Con không quản ngại đường xa cũng không lưu ý việc Đức Giám Mục không tin lời con nói.  Ngày mai, con sẽ mang đến cho Bà câu trả lời của Đức Giám Mục.  Bây giờ xin Bà cho phép con ra đi. Trong khi chờ đợi, xin Bà nghỉ ngơi!

Sáng hôm sau, Chúa Nhật 10-12-1531, thổ dân Juan Diego rời nhà thật sớm đi tới Tlatelolco để tham dự các buổi cử hành phụng vụ.  Trong lòng, ông cương quyết tìm mọi cách gặp cho bằng được Đức Giám Mục.  Thánh Lễ kết thúc, thổ dân Juan Diego phải nài nỉ mãi người ta mới cho ông được hầu chuyện với vị Giám Mục.  Ông quì gối trước mặt Đức Giám Mục, vừa khóc ông vừa lập lại lệnh truyền của Bà Đẹp Thiên Quốc.  Ông khẩn khoản xin Đức Giám Mục tin lời ông.  Ông tha thiết xin ngài chấp thuận thi hành ước nguyện của Đức Nữ Trinh Vô Nhiễm.

Với mục đích kiểm chứng thực hư, Đức Cha Juan de Zumárraga đặt ra không biết bao nhiêu câu hỏi. Thổ dân Juan Diego kiên nhẫn trả lời rõ ràng từng câu một, thật chính xác.  Sau khi tỉ mỉ tra vấn, Đức Giám Mục truyền cho ông Juan Diego phải xin Bà Đẹp Thiên Quốc tỏ lộ một “dấu chỉ.”  Mặt khác, ngài còn cẩn thận sai vài người giúp việc nơi tòa Giám Mục hãy đi theo ông Juan Diego xa xa, và theo dõi mọi hành động của ông.  Thế nhưng, khi đến chân đồi Tepeyac thì những người này không còn trông thấy bóng dáng thổ dân Juan Diego đâu nữa.

LẦN HIỆN RA THỨ BA

Cùng ngày Chúa Nhật 10-12-1531, thổ dân Juan Diego lên đồi trình bày với Đức Mẹ về câu trả lời của Đức Giám Mục.  Nghe xong, Đức Mẹ liền nói:
– Hỡi con bé nhỏ của Mẹ, con đã thi hành tốt đẹp lệnh truyền của Mẹ.  Được rồi. Ngày mai con hãy trở lại đây để đón nhận “dấu chỉ” mà vị Giám Mục xin.  Như thế, ngài sẽ tin lời Mẹ, sẽ không hoài nghi cũng không còn ngờ vực con nữa.  Phần con, con luôn ghi nhớ rằng Mẹ sẽ trả công bội hậu cho con vì tất cả khó nhọc con dành để phục vụ Mẹ.  Giờ đây con hãy chạy nhanh về đi.  Ngày mai Mẹ đợi con cũng nơi ngọn đồi này!

Ngày hôm sau, thứ hai 11-12-1531, thổ dân Juan Diego không đến nơi hẹn với Đức Trinh Nữ.  Lý do vì chiều Chúa Nhật hôm trước, khi về đến nhà, ông Juan Diego trông thấy người chú Juan Bernardino lâm bệnh nặng.  Ông Juan Diego vội vã chạy đi tìm thầy thuốc đến chữa bệnh cho chú.  Thầy thuốc đến ngay.  Nhưng cơn bệnh đã đến hồi trầm trọng, vô phương cứu chữa.  Biết thế, ông chú liền xin Juan Diego đi mời linh mục đến, để ông được lãnh nhận các phép Bí Tích sau cùng và dọn mình chết lành.

LẦN HIỆN RA THỨ TƯ VÀ THỨ NĂM

Sáng tinh sương ngày thứ ba 12-12-1531, ông Juan Diego nhanh nhẹn đi đến Tlatecolco để mời linh mục cho chú.  Ông cẩn thận chọn một con đường khác, đi vòng quanh ngọn đồi về hướng đông, để có thể vào ngay thành phố Mêhicô, và khỏi bị Bà Đẹp Thiên Quốc giữ lại nói chuyện!  Tuy nhiên, ông Juan Diego rất đỗi ngạc nhiên khi trông thấy Bà Đẹp từ trên đồi đi xuống.  Khi đến gần, Bà hỏi ông Juan Diego:
– Có chuyện gì xảy ra vậy con?  Con đang đi đâu đó?

Thổ dân Juan Diego cảm thấy vừa sợ hãi vừa xấu hổ thẹn thùng.  Ông nghiêng mình thưa:
– Con hy vọng Bà hài lòng!  Sáng nay Bà có cảm thấy dễ chịu không? Sức khoẻ Bà như thế nào?  Con biết Bà sẽ phật ý.  Nhưng xin Bà hiểu cho rằng, chú con bị bệnh nặng vì bị lây bệnh dịch hạch.  Con đi mời linh mục đến giải tội cho chú con.  Xin Bà thứ lỗi cho con.  Xin Bà vui lòng chờ đợi con.  Con không đánh lừa Bà đâu.  Ngày mai con sẽ đến đây thật sớm để gặp Bà!

Sau khi lặng lẽ nghe ông Juan Diego bào chữa một hơi dài, Đức Nữ Trinh Rất Thánh Maria nhân từ dịu dàng trả lời:
– Con hãy lắng nghe và hiểu cho kỹ, hỡi đứa con bé nhỏ nhất của Mẹ.  Con đừng xao xuyến trong lòng.  Con đừng lo lắng về bệnh tình của chú con cũng như về bất cứ điều gì không may sẽ xảy ra.  Mẹ đang có mặt nơi đây, không như là Người Mẹ của con sao?  Con không tìm thấy an nghỉ dưới bóng rợp mát của Mẹ sao?  Mẹ không phải là sức khỏe của con sao?  Con không được Mẹ ấp ủ sao?  Hãy nói cho Mẹ biết con đang cần gì?  Con chớ nên âu lo và buồn phiền, ngay cả bệnh tình trầm trọng của chú con.  Bởi vì chú con chưa chết bây giờ đâu.  Con hãy tin tưởng vững chắc rằng, ngay chính lúc này đây, chú con sẽ được khỏi bệnh!

Lắng nghe những lời nói dịu dàng của Đức Trinh Nữ Rất Thánh Maria, thổ dân Juan Diego cảm thấy lòng tràn ngập niềm an ủi.  Ông mau mắn leo lên đồi cao, theo lệnh truyền của Bà Đẹp Thiên Quốc. Ông hái những đóa hồng Tây-Ban-Nha nở tươi, thơm phức, tuyệt đẹp, ngoại lệ, vì lúc bấy giờ là tháng 12.  Thổ dân Juan Diego nhanh nhẹn hái hết và bỏ vào chiếc áo choàng, đan bằng sợi cây xương rồng.  Giờ đây ông trở thành vị sứ giả đáng tin cậy.  Ông hăng hái trở lại con đường tiến thẳng vào thành phố Mêhicô.

Ông Juan Diego vào tòa Giám Mục, quì gối trước mặt Đức Cha Juan de Zumárraga.  Thổ dân Juan Diego lập lại sứ điệp của Đức Mẹ Maria rồi từ từ mở chiếc áo choàng, mà cho đến lúc ấy, ông vẫn còn giữ chặt trước ngực.  Vừa khi những đóa hồng tươi rơi xuống đất, tức khắc, xuất hiện trên chiếc áo choàng hình ảnh thật đẹp của Đức Nữ Trinh Rất Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa.

Vị Giám Mục cùng tất cả những người hiện diện liền sấp mình xuống đất, tôn kính hình ảnh lạ được Đức Mẹ Maria in trên áo choàng.  Vị Giám Mục thật ân hận vì không tin ngay lời thổ dân Juan Diego nói.  Ngài muốn giữ chiếc áo choàng lạ nơi nhà nguyện riêng của ngài ở tòa Giám Mục.  Ngày hôm sau, Đức Giám Mục cùng với một đoàn người đông đảo, đi hành hương kính viếng nơi Đức Mẹ đã hiện ra trên đồi Tepeyac.

Về phần thổ dân Juan Diego, ngoài hồng phúc được tận mắt trông thấy Đức Mẹ Maria, ông còn cảm thấy thật sung sướng vì chứng kiến phép lạ đầu tiên thực hiện theo lời hứa của Đức Mẹ.  Đó là cuộc khỏi bệnh lạ lùng của người chú Juan Bernardino.  Chính với người chú này – ông Juan Bernardino – mà trong lần hiện ra thứ năm, cũng là lần sau cùng, Đức Mẹ tỏ lộ danh thánh:
–  Đức Bà Guadalupe.

“Guadalupe” trong tiếng thổ dân có nghĩa ”Người Nữ Chiến Thắng con rắn.”

Chiếc áo choàng với hình Đức Mẹ Maria được rước từ nhà nguyện riêng của Đức Giám Mục ra Nhà Thờ Chính Tòa và được trưng bày cho các tín hữu đến kính viếng.  Hơn 2 tuần sau, ngày 26-12-1531, chiếc áo choàng lạ lại được rước tới nhà nguyện nhỏ đầu tiên do chính các thổ dân xây cất dâng kính Đức Bà Guadalupe trên đồi Tepeyac.

Trong vòng 17 năm trời, tức cho đến ngày nhắm mắt từ trần vào năm 1548, thổ dân Juan Diego sống cạnh đền thánh tí hon này, làm người canh giữ đền thánh.  Nhưng nhất là, ông trở thành người đầy tớ đơn sơ khiêm hạ, trở thành vị chứng nhân và tông đồ nhiệt thành của Đức Bà Guadalupe.

Cuộc hiện ra của Đức Bà Guadalupe với thổ dân Juan Diego đã ghi dấu ấn sâu đậm nơi cuộc sống người dân Mêhicô.  Đức Bà Guadalupe trở thành biểu tượng sức mạnh của kẻ bé nhỏ, yếu đuối và là niềm hy vọng của tất cả những ai đang lo âu sầu khổ.

Hình ảnh Đức Mẹ Maria in trên áo choàng vẫn còn trông thấy rõ ràng mãi cho đến ngày nay, sau 480 năm.  Chiếc áo choàng hiện được tôn kính nơi đền thánh trên đồi Tepeyac.  Đền thánh mang tên Đức Bà Guadalupe.

Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Guadalupe là Trung Tâm Thánh Mẫu lớn nhất thế giới.  Mỗi năm có khoảng 20 triệu tín hữu đến hành hương.

Đức Mẹ Guadalupe được tuyên xưng bổn mạng nước Mêhicô vào năm 1737, bổn mạng toàn Mỹ Châu vào năm 1910 và bổn mạng nước Phi-Luật-Tân vào năm 1935.

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

(CSD 1009, ”Contesto Storia e Significato della Apparizione Guadalupe”, 13-7-2002)

Nếu Được Cả Thế Giới Mà Phải Thiệt Mất Mạng Sống, Thì Nào Có Lợi Gì?

Nếu Được Cả Thế Giới Mà Phải Thiệt Mất Mạng Sống, Thì Nào Có Lợi Gì?

 Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Không, không, mẹ à! Con không có gì để than thân trách phận cả! – RV

ME A`

Ngày 1-4-1982 – một ngày mùa xuân – vạn vật như bừng nở, vui tươi chào đón khí trời êm ả dễ chịu. Nơi một bệnh viện ở tỉnh Québec, Canada, một thiếu nữ 18 tuổi – đang tuổi xuân mơn mởn – cũng cảm thấy lòng tràn ngập yêu thương.

Thiếu nữ đó là Edith Ferguson mắc chứng hoại huyết và đang ở giai đoạn cuối đời. Cùng hòa nhịp với niềm vui vũ trụ, Edith lấy giấy và viết tờ di chúc. Tờ di chúc tinh thần để lại cho Cha Christian Beaulieu, vị Linh Mục trẻ đồng hành với Edith trong thời gian cô thọ bệnh. Edith viết:

Thưa Cha Christian kính mến,

Vì không biết phải viết di chúc như thế nào nên con xin viết dưới hình thức một bức thư. Như con từng nói với Cha: tất cả những gì con sở hữu xin dùng để giúp anh chị em tàn tật hầu các anh chị em này trở về với cuộc sống của những người mệnh danh là ”bình thường”. Con rất ước ao sống đến ngày con hân hạnh nghe câu nói: ”Tôi sống thật sự chứ không phải chỉ hiện hữu mà thôi”. Đối với con thì thật là tuyệt diệu, ít ra là một người, hay càng nhiều người càng tốt, có cuộc sống bình thường, chứ không phải bị xã hội và thành kiến ruồng rẫy. Nhưng vì con không thể sống đến ngày đó nên xin giao phó cho Cha thực hiện ước nguyện của con. Thế nhưng, trong xã hội chúng ta đang sống, muốn thực hiện chương trình nào đó cần phải có tiền. Con không có nhiều tiền nhưng tất cả tiền của con nơi nhà băng cũng như tiền bán các vật dụng của con sẽ giúp Cha có số vốn ban đầu. Những gì không bán được – chẳng hạn những đồ lặt vặt – thì xin Cha phân phát cho những gia đình thật túng thiếu .. Con muốn yêu nhiều chừng nào có thể. Trong cuộc sống, con từng gặp những người dạy con biết yêu thương, nhưng con cũng có nhiều thiếu sót lầm lẫn nên con xin mọi người tha thứ cho con. Điều đáng buồn là con có thói xấu hay làm mất lòng người khác mặc dầu con không chủ ý. Nhưng sau đó con hối hận nhiều lắm. Con yêu mọi người và mong mọi người đừng quên con. Trên trời, con không quên ai hết. Con sẽ dõi theo cuộc sống của mọi người và yêu mến mọi người mãi mãi .. Ký tên, Edith.

Đó là di chúc của Edith Ferguson, đúng 10 ngày trước khi qua đời, 10-4-1982, hưởng dương 18 tuổi.

18 tuổi với con tim tràn đầy yêu thương, dĩ nhiên ban đầu Edith không dễ chấp nhận chết. Hai tháng trước đó, khi bác sĩ cho biết là bệnh tình vô phương cứu chữa và đang đi vào giai đoạn trầm trọng, Edith vẫn còn nuôi hy vọng sống. Cô muốn sống để thực hiện ước mơ:

– Thành lập một hội chuyên việc giúp đỡ người tàn tật, giống như hội ”Arche – Con Tàu” do ông Jean Vanier thành lập.

Để thực hiện giấc mơ Edith bắt đầu tiết kiệm từng đồng tiền túi. Vì hạnh phúc của người tàn tật, bằng mọi giá, Edith muốn sống chứ không muốn chết. Edith mở to mắt nói với mẹ:

– Mẹ à, con có một sứ mệnh phải chu toàn: con muốn thành lập một Hội chuyên việc chăm sóc người tàn tật!

Lấy hết can đảm, bà Marie-France dịu dàng nói với con gái:

– Con à, ở dưới đất này, con chỉ chăm sóc giỏi lắm là vài người tàn tật, nhưng trên trời, con có thể chăm sóc không biết bao nhiêu người tàn tật, trên toàn thế giới!

Câu nói nhẹ nhàng của hiền mẫu như một sự thật rót thẳng vào tim. Edith bỗng hiểu rõ tất cả. Cô thiếu nữ giữ thinh lặng không đáp lại lời nào. Nhưng cũng từ giây phút đó Edith can đảm đối đầu với thực tế, sẵn sàng chấp nhận thánh ý THIÊN CHÚA.

Khi thấy con chịu bệnh cách anh hùng bà Marie-France sung sướng nói:

– Con thật gan dạ, mẹ không thấy con rên rĩ bao giờ!

Edith tươi cười trả lời:

– Mẹ à, có biết bao bạn trẻ và người tàn tật phải chịu nhiều đau khổ mà không than thở bao giờ. Không lẽ con lại mở miệng than van sao? Không, không, mẹ à! Con không có gì để than thân trách phận cả!

Một lần khác, Edith trầm tư nói với mẹ:

– Kể từ ngày bị bệnh con mới hiểu rõ thế nào là giá trị của cuộc sống!

Suốt thời gian chịu bệnh Edith luôn giữ nét mặt trầm tĩnh và dáng điệu thanh thản. Cô gái luôn mang trong mình Kinh giải thoát và đọc Kinh này thường xuyên. Cứ sau mỗi lần bị thổ huyết, Edith nắm chặt trong tay Ảnh Đức Mẹ ban ơn (Ảnh vảy phép lạ) và ảnh thánh nữ Têrêxa Hài Đồng GIÊSU để cầu nguyện. Edith không muốn người khác cầu nguyện thay cho mình. Cô nói:

– Phải cầu nguyện luôn luôn. Cầu nguyện không ngừng!

Edith vào nhà thương tám ngày trước khi qua đời. Cô thiếu nữ chịu bệnh cách anh hùng. Edith từ chối không dùng thuốc giảm đau. Cô can đảm chờ đợi cái chết đến gần. Edith vẫn luôn giữ nét thanh thản cho đến đêm Thứ Bảy Tuần Thánh, Vọng Lễ Phục Sinh, 10-4-1982, thì êm ái đi vào cõi phúc vĩnh cửu.

Trước khi trút hơi thở cuối cùng đôi mắt Edith Ferguson mở thật lớn, như muốn nói với mọi người hiện diện:

– Thật là tuyệt đẹp điều mà con đang diễm phúc trông thấy!

 … Đức Chúa GIÊSU nói với các môn đệ: ”Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ấy sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình? Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của CHA Người cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm” (Matthêu 16,24-27).

 (Daniel-Ange, ”Les Témoins de l’Avenir”, Le Sarment FAYARD, 1989, trang 146-153)

 Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Khi Con Người Kêu Cầu, THIÊN CHÚA Đáp Lời!

Khi Con Người Kêu Cầu, THIÊN CHÚA Đáp Lời!

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Tôi học cách thức sống với Đức Chúa GIÊSU KITÔ và thưa chuyện thường xuyên với Ngài

Tôi (Rémi người Pháp) chào đời năm 1961 trong một gia đình có 3 con trai. Tôi là trai út. Cuộc sống gia đình không có gì khác lạ ngoại trừ tính tình thân phụ tôi rất khe khắt. Tôi nhớ rất rõ biến cố ngày rước lễ lần đầu. Mấy ngày tĩnh tâm trước đó như đưa tuổi thơ tôi vào cõi bồng lai. Tôi tưởng rồi mình sẽ giữ mãi tâm tình sốt sắng của những ngày ấy. Thế nhưng, Đức Tin của thời ngây thơ trong trắng sớm biến mất vì bị đè bẹp bởi những thú vui giả tạo của cuộc sống.

Bước vào tuổi dậy-thì tôi lăn xả vào những buổi họp đêm và các cuộc dạo chơi đây đó. Tôi muốn chứng tỏ cuộc sống tuổi trẻ tôi khác xa với cái thời ”cũ-rích” xa xưa của Song Thân. Tôi đi từ khám phá này sang khám phá kia cho đến một lúc, tôi cảm thấy chán ngấy vì nội tâm trống rỗng. Tôi thất vọng tự hỏi: ”Sống để làm gì?”. Đôi lúc tâm trí tôi xuất hiện hình ảnh ngày tôi chết. Tôi tưởng tượng cả đến ngày diễn ra đám táng của tôi nữa kìa! Tôi thầm nghĩ:

– Trước sau gì cũng phải chết! Vậy thì chết hôm nay hay chết ngày mai đâu có khác xa bao nhiêu? Đâu có cần phải ”giết” thời gian khi thời gian vẫn lạnh lùng trôi đi mà không gì ngăn cản được? Tôi có thể đợi chờ gì nơi cuộc sống đời này?

Về phương diện tình cảm lại càng thê thảm hơn. Tôi thay đổi bạn gái như thay áo. Và cứ mỗi lần thay bạn gái như thế để lại trong trái tim tôi một kinh nghiệm đắng cay chua xót. Tôi thất bại từ cuộc tình này sang cuộc tình kia. Cuối cùng rồi chỉ còn lại trong tôi sự ghê tởm và nỗi tuyệt vọng.

Để tránh cái nhìn phán đoán khe khắt của gia đình cũng như để cắt đứt với mọi ràng buộc khiến tôi cảm thấy mất tự do, tôi quyết định thay đổi chỗ ở.

Vào cùng thời kỳ này tôi gặp lại cô bạn gái của thời thơ ấu. Nàng sinh hoạt trong một cộng đoàn dành riêng cho người trẻ mang tên Giới Trẻ – Ánh Sáng. Cộng đoàn do Linh Mục Daniel-Ange điều khiển. Nơi nàng chiếu sáng niềm vui và hy vọng. Tôi gặp nàng thường xuyên. Mỗi lần gặp mặt nàng lòng tôi như bừng cháy khi nghe nàng nói về cuộc sống hiện tại của nàng. Tôi như muốn dẹp ngay mọi chuyện để bước theo nàng. Tôi tự nhủ:

– Thay vì ước ao chết mình có thể quyết định sống, ít ra là để phục vụ tha nhân ở một nơi nào đó, xét vì không tìm được lý do để sống cho chính mình ..

Nghề nghiệp đưa tôi đi du lịch nhiều nơi trên thế giới. Một ngày trong một chuyến công tác, THIÊN CHÚA Quan Phòng dẫn đưa tôi gặp một nhóm của Giới Trẻ – Ánh Sáng. Tôi ở lại với Nhóm trong vòng 4 ngày. Vào buổi tối cuối cùng cả nhóm cầu nguyện cách riêng cho tôi. Vào chính lúc ấy, tôi cảm nghiệm sâu xa Tình Yêu THIÊN CHÚA tràn ngập người tôi.

Tiếp tục chuyến đi công tác, tôi quyết định mua một cuốn Kinh Thánh và dành ra mỗi ngày một tiếng đồng hồ để cầu nguyện. Mỗi buổi sáng trước khi bắt đầu công việc tôi tìm một nhà thờ gần nhất để tham dự Thánh Lễ. Cơn khủng hoảng tâm linh của tôi giờ đây chỉ còn là bóng mờ kỷ niệm ..

Tôi học cách thức sống với Đức Chúa GIÊSU KITÔ và thưa chuyện thường xuyên với Ngài. Dần dần Chúa chiếm chỗ đứng trong mọi khoảnh khắc cuộc đời tôi. Ngài ngự trong lòng tôi và trở thành Bạn Thân dấu ái thường trú nơi tôi. Mỗi ngày tôi càng cảm thấy ước ao sống một mình với Đức Chúa GIÊSU KITÔ và dâng hiến cuộc đời tôi cho Ngài. Tôi thực sự sống kinh nghiệm một cuộc hoán cải trở về với Tình Yêu THIÊN CHÚA.

Từ đó Đức Tin của tôi tiếp tục lớn mạnh và trưởng thành. Tôi vô cùng tri ân THIÊN CHÚA đã soi sáng dẫn dắt cho tôi. Tôi gặp Suzan và chúng tôi thành hôn. Chúng tôi không con cái nên đã nhận nuôi một bé gái xinh đẹp mỹ miều tên Anne.

Tôi muốn xác quyết rằng, đối với THIÊN CHÚA không gì là không thể làm được. Không một ngõ cụt nào mà Lòng Thương Xót Ngài không thể xuyên qua. Không một thống khổ tuyệt vọng nào mà Ngài lại không thể ngự xuống. Ngài đến tìm kiếm chúng ta ngay nơi chúng ta đang sống dưới bất cứ hoàn cảnh đau thương nào. THIÊN CHÚA quả thật lớn lao gấp trăm ngàn lần con tim bé nhỏ của chúng ta. Khi con người kêu cầu, THIÊN CHÚA đáp lời. Nếu chúng ta sẵn sàng lắng nghe và tiếp nhận Ngài, tức khắc Ngài đổi mới con người thấp hèn của chúng ta.

… ”Hãy tìm THIÊN CHÚA khi Người còn cho gặp, kêu cầu Người lúc Người ở kề bên. Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình đang theo, người bất lương, hãy bỏ tư tưởng mình đang có mà trở về với THIÊN CHÚA – và Người sẽ xót thương – về với THIÊN CHÚA chúng ta, vì Người sẽ rộng lòng tha thứ. Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các con, và đường lối của các con không phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn tư tưởng của các con chừng ấy. Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì Lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta trao phó” (Isaia 55,6-11).

(”Il a changé ma vie! Dieu je L’ai rencontré”, Tome II, Éditions de l’Emmanuel, 2001, trang 112-116)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Nếu Không Nên Như Trẻ Thơ Thì Sẽ Chẳng Được Vào Nước Trời

Nếu Không Nên Như Trẻ Thơ Thì Sẽ Chẳng Được Vào Nước Trời

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Lạy Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng, con yêu mến Chúa

Câu chuyện êm ái ngọt ngào mang đầy mầu sắc ngây thơ trong trắng xảy ra vào một ngày xa xưa cách đây lâu thật lâu bên vương quốc Anh.

Hôm ấy vị Thừa Sai quy tụ một nhóm trẻ em và say sưa nói về sự hiện diện thật sự của Đức Chúa GIÊSU KITÔ trong bí tích Thánh Thể. Vị Thừa Sai giải thích thêm rằng Đức Chúa GIÊSU Thánh Thể vì quá yêu thương loài người nên ẩn mình – như một tù nhân – trong Nhà Tạm đơn sơ bé nhỏ đặt bên trên bàn thờ trong mọi thánh đường Công Giáo.

Trong nhóm trẻ hiện diện hôm ấy có một bé trai đặc biệt lắng nghe lời giải thích của vị Thừa Sai. Bỗng chốc, có một ý tưởng loé lên trong đầu cậu bé.

Cậu bé lặng lẽ rời các bạn và đi ngay vào nhà thờ. Cậu bé đến thẳng trước bàn thờ bên trên có đặt Nhà Tạm. Nhưng vì Nhà Tạm quá cao so với tầm thước bé nhỏ của mình, cậu bé liền lấy một cái ghế rồi leo lên ghế và trèo lên ngồi gọn trên bàn thờ ngay trước cửa Nhà Tạm. Sau khi ngồi yên ắng trên bàn thờ, cậu bé lấy tay gõ nhẹ cửa Nhà Tạm, bên trong có Đức Chúa GIÊSU KITÔ Thánh Thể đang ẩn mình. Cậu bé ghé sát miệng vào cửa Nhà Tạm và hỏi nhỏ:

– Thưa Đức Chúa GIÊSU, Chúa đang có mặt ở đây phải không?

Hỏi xong, cậu bé im lặng lắng tai nghe ngóng. Nhưng không có tiếng trả lời.

Vẫn không nao núng cũng không hề đánh mất điềm tĩnh, cậu bé gõ cửa Nhà Tạm lần nữa và hỏi nhẹ:

– Chúa đang có mặt ở đây phải không? Xin Chúa trả lời cho con biết! Trong giờ giáo lý người ta dạy con rằng đúng thật là Chúa đang có mặt ở đây!

Mặc cho câu hỏi van xin của cậu bé, Đức Chúa GIÊSU KITÔ Thánh Thể vẫn giữ thinh lặng, không trả lời. Trong khi đó cậu bé vẫn không đánh mất niềm kiên nhẫn, đưa tai ghé sát vào cửa Nhà Tạm và chờ đợi câu trả lời. Nhưng im lặng vẫn hoàn toàn im lặng. Lần này cậu bé tự nhủ:

– Có lẽ Đức Chúa GIÊSU đang ngủ chăng, vậy mình phải đánh thức Chúa dậy!

Và để đánh thức, cậu bé dùng lời lẽ thật ngọt ngào thưa với Đức Chúa GIÊSU KITÔ Thánh Thể:

– Lạy Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng, con yêu mến Chúa, con ngưỡng mộ Chúa và con tin nơi Chúa. Xin Chúa làm ơn trả lời cho con biết, xin Chúa nói chuyện với con đi!

Và hiện tượng lạ lùng đã xảy ra .. Đức Chúa GIÊSU KITÔ Thánh Thể không thể giữ mãi thinh lặng trước một lời van xin êm-ái ngọt-ngào và đầy lòng tin tưởng ngây-thơ trong-trắng của cậu bé can cường. Đức Chúa GIÊSU Thánh Thể cất tiếng trả lời:

– Có, Cha đang có mặt ở đây, hỡi con bé nhỏ yêu quí của Cha. Con muốn gì? Hãy xin thì Cha sẽ ban cho con điều con ước nguyện.

Bất ngờ nghe tiếng trả lời cậu bé suy nghĩ một chút rồi thưa:

– Má con luôn luôn nổi giận vì Ba con không chịu giữ Đạo. Vậy, lậy Đức Chúa GIÊSU, xin hoán cải lòng Ba con, con van xin Chúa ban cho con điều này.

Và tiếng Đức Chúa GIÊSU trả lời:

– Con hãy về đi! Cha hứa sẽ cứu rỗi linh hồn Ba con!

Được như lòng ước nguyện, cậu bé hân hoan trở về nhà. Ngày hôm sau – hôm ấy là Chúa Nhật – cậu bé sung sướng khi nghe Ba nói với Má là Ba đi nhà thờ với Má để tham dự Thánh Lễ.

Kể từ đó, thân phụ cậu bé bắt đầu sống đạo nghiêm chỉnh đúng với tư cách một tín hữu Công Giáo ngoan Đạo.

Đức Chúa GIÊSU KITÔ Thánh Thể đã ân thưởng bội hậu cho Đức Tin đơn sơ nhưng vững chắc của cậu bé và thực hiện lời đã hứa với cậu bé! Ôi êm ái dịu ngọt biết bao Tình Yêu Đức Chúa GIÊSU KITÔ Thánh Thể dành cho tín hữu Công Giáo nào biết đặt trọn niềm tin tưởng và yêu mến bí tích THÁNH THỂ.

… Đức Chúa GIÊSU gọi một em nhỏ đến đặt vào giữa các môn đệ và bảo: ”Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không hoán cải mà nên như trẻ thơ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy. Nhưng ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn. Khốn cho thế gian, vì làm cớ cho người ta sa ngã. Tất nhiên phải có những cớ gây sa ngã, nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta sa ngã” (Matthêu 18,2-7).

(”Il Settimanale di Padre Pio”, Anno VII, n.21, 25 Maggio 2008, trang 15).

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Bình An Dưới Thế Cho Người Thiện Tâm!

Bình An Dưới Thế Cho Người Thin Tâm!

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Theo gương thánh tổ lập dòng – thánh Phanxicô thành Assisi (1182-1226) – các tu sĩ dòng Phanxicô cũng đặc biệt có lòng yêu mến, tôn thờ và chiêm ngắm hình ảnh thơ trẻ dịu hiền của Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng. Một tình yêu hoàn toàn trong sáng và vô cùng dịu ngọt! Và Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng cũng âu yếm đáp trả cách nồng hậu mối tình êm ái này.

Trong tiểu sử các vị thánh dòng Phanxicô như thánh Antôn thành Padova (1195-1231), chân phúc John Duns Scotus (1265/1266-1308) đều được Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng hiện ra và ngồi gọn trong vòng tay của các ngài. Các ngài trìu mến vuốt ve và Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng cũng vuốt ve lại! Thật là mối tình say đắm độc nhất vô nhị, không bút mực nào có thể diễn tả cho hết nét hiền dịu thơ ngây trong trắng! Thật tuyệt vời!

Thánh nữ Maria Francesca delle Cinque Piaghe (1715-1791) thuộc dòng ba Phanxicô, người Ý. Thánh nữ có lòng sùng kính Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng cách riêng. Hàng năm, Thánh nữ không những sốt sắng làm tuần Cửu Nhật để chuẩn bị mừng Lễ Giáng Sinh vào ngày 25-12, mà còn khởi đầu ngay công cuộc chuẩn bị vào Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng. Thánh nữ thanh tẩy con tim bằng chay tịnh, hy sinh và nguyện kinh cách hết sức tha thiết. Vì chuẩn bị tâm hồn cách vô cùng chu đáo như thế, nên cứ vào Đêm Lễ Chúa Giáng Sinh, thánh nữ thường nhận được nhiều ân huệ như xuất thần hoặc được hồng phúc chiêm ngưỡng Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng.

Vào năm 1741, trong lúc quì cầu nguyện trước Hang Đá Giáng Sinh, thánh nữ bỗng được ơn xuất thần. Đức Chúa GIÊSU đích thân hiện ra trong Vinh Quang rực sáng. Ngài âu yếm cầm lấy tay phải của thánh nữ và long trọng phán:

– Đêm nay Thầy chọn con làm hiền thê Thầy!

Thánh nữ Maria Francesca trở thành hiền thê Đức Chúa GIÊSU do tình yêu sùng mộ tuổi thơ của Ngài.

… Cha Niccolò Zucchi (1586-1670), dòng Tên người Ý, cũng có lòng đặc biệt sùng kính Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng.

Cha phổ biến lòng sùng kính bằng cách phân phát ảnh thánh Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng. Công cuộc tông đồ này đưa một số rất đông các linh hồn trở về cùng THIÊN CHÚA.

Một ngày, Cha Niccolò phát ảnh thánh Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng cho một thiếu nữ Công Giáo. Thiếu nữ vốn ngoan hiền, đức hạnh, ngây thơ trong sáng nhưng vẫn trì hoãn trong quyết định dâng hiến toàn thân cho THIÊN CHÚA.

Khi nhận ảnh thánh Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng, thiếu nữ lịch sự cám ơn nhưng mỉm cười thưa:

– Con làm gì với ảnh thánh này?

Cha Niccolò trả lời ngay:

– Con đặt ảnh thánh Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng nơi chiếc đàn dương cầm nhỏ con vẫn đánh mỗi ngày!

Đúng thế, cô gái rất thích chơi đàn vì cô có khiếu về âm nhạc. Cô gái ngoan ngoãn làm theo lời khuyên của Cha Niccolò Zucchi.

Sự kiện luôn luôn có ảnh thánh trước mặt, cô thiếu nữ bỗng thường xuyên chiêm ngắm ảnh thánh, đưa đến việc thật sự kính mến Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng. Từ từ bừng lên trong lòng cô thiếu nữ ước muốn sống mỗi ngày một hoàn hảo hơn. Giờ đây, cái đàn dương cầm nhỏ trở thành dụng cụ để cầu nguyện hơn là để chơi nhạc. Sau cùng, thiếu nữ quyết định rời bỏ thế gian để vào dòng tu.

Với tâm tình hân hoan cô gái đến gặp Cha Niccolò Zucchi để loan báo tin vui và nói:

– Thưa Cha, chính Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng đã lôi kéo con về với Tình Yêu vô biên của Ngài. Chính Ngài ban cho con ơn trút bỏ mọi dính bén tình nghĩa trần gian để thuộc trọn về Ngài. Xin muôn vàn tri ân Cha đã gợi ý và đưa con vào con đường tình yêu, vào lòng sùng kính Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng. Một lòng sùng kính vô cùng êm ái dịu ngọt!

… Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ và vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần bảo họ: ”Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”. Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen THIÊN CHÚA rằng: ”Vinh danh THIÊN CHÚA trên Trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Luca 2,8-14).

(”La Mia Messa”, 1 Ottobre 2011 – 31 Dicembre 2011, Anno V/A, vol.IV, Casa Mariana Editrice, trang 437-438+444-445)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

VẠN TUẾ RẤT THÁNH TRÁI TIM ĐỨC CHÚA GIÊSU LÀ VUA HẰNG SỐNG HẰNG TRỊ ĐỜI ĐỜI!

VẠN TUẾ RẤT THÁNH TRÁI TIM ĐỨC CHÚA GIÊSU LÀ VUA HẰNG SỐNG HẰNG TRỊ ĐỜI ĐỜI!

… Câu chuyện do Cha Gnarocas kể lại và xảy ra tại giáo xứ Thánh Nicola ở Melicucco, vùng Reggio Calabria, miền Nam nước Ý.

Tại giáo xứ Thánh Nicola, vào đầu thập niên 1940, một thanh nữ Công Giáo đức hạnh tên Anna được bầu làm Đoàn Trưởng Hội Công Giáo Tiến Hành ngành trẻ. Cô Anna rất có lòng sùng kính Thánh Tâm Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Cô liền hăng say cổ động các thành viên trẻ Công Giáo Tiến Hành thi hành một việc đạo đức. Đó là sốt sắng tham dự Thánh Lễ và rước Mình Thánh Chúa trong 9 Ngày Thứ Sáu Đầu Tháng liên tiếp.

Đầu năm 1943, Cô Anna thành công trong việc thuyết phục Antonio – một đoàn viên Công Giáo Tiến Hành nguội lạnh – chấp nhận thi hành việc lành thánh này. Với ơn Chúa trợ giúp, cộng với lời khuyến khích chân thành của Cô Anna, Antonio đều đặn đến nhà thờ xưng tội, tham dự Thánh Lễ và rước lễ trong 9 Ngày Thứ Sáu Đầu Tháng liên tục. Antonio thi hành các việc đạo đức với trọn lòng kính mến Thánh Tâm Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Vị Vua và là Vị Anh Hùng Lý Tưởng của giới trẻ.

Sau đó trong một thời gian dài Antonio vẫn duy trì thói quen đạo đức đến nhà thờ xưng tội và tham dự Thánh Lễ. Nhưng rồi, ma quỷ, xác thịt và thế gian lôi kéo, Antonio bị sa ngã. Chàng không lãnh các Bí Tích nữa và sống buông thả. Chàng dan díu với một phụ nữ đã lập gia đình, tên Giovanna. Bà Giovanna ly dị chồng và sống một mình. Bà Giovanna và Antonio trở thành đôi tình nhân sống ngoài vòng luật lệ gia đình và Giáo Hội. Nhưng bà Giovanna thuộc về một gia đình khá giả. Carlo – em trai của bà Giovanna – không chấp nhận lối sống ”lăng loàn” của bà chị, mà theo tâm thức thời đó, là một ô nhục cho gia đình. Do đó, Carlo tìm cách thủ tiêu Antonio để giải thoát chị khỏi vòng tay tình nhân ràng buộc. Có thế, bà Giovanna mới dễ dàng trở về với nếp sống bình thường, không gây tiếng xấu cho gia đình.

Carlo chờ đợi một dịp thuận tiện để bắn chết Antonio. Và một ngày, cơ hội xảy đến, Carlo rút súng lục bắn vào người Antonio mấy phát liên tục. Antonio ngã gục trên vũng máu, nhưng chàng chưa chết ngay. Người ta chở chàng đến Nhà Thương cấp cứu. Bác sĩ thấy là chàng không thoát chết được.

Khi nghe tin không lành, cô Anna tức tốc đến viếng thăm người hấp hối. Cô lựa lời an ủi Antonio. Sau cùng, cô nghiêm giọng nói:
– Nếu đúng như lời người ta đồn thổi về anh, thì thật là anh đang tẩy rửa tội lỗi mình bằng chính máu anh!

Antonio với giọng thều thào đáp:
– Đúng như lời chị nói!

Cô Anna liền mời Cha Sở đến. Cha Sở hỏi Antonio có muốn lãnh các Bí Tích lần cuối cùng không. Chàng đáp ngay:
– Thưa Cha Có!
Cha Sở lại hỏi:
– Nhưng trước hết, Cha xin hỏi con, con có bằng lòng tha thứ cho người đã giết con không?

Antonio trả lời liền:
– Thưa Cha Có! Con sẵn sàng tha thứ cho kẻ sát nhân!

Sau đó, Antonio sốt sắng xưng tội, lãnh Mình Thánh Chúa làm của-ăn-đàng và chịu phép Xức Dầu Bệnh Nhân.

Mấy giờ sau, Antonio êm ái trút hơi thở cuối cùng, trên gương mặt điểm niềm an bình và niềm vui khó tả.

Câu chuyện Antonio, người thanh niên tội lỗi, được ơn trở lại, ơn tha thứ cho người giết mình và ơn chết lành, thực hiện lời Đức Chúa GIÊSU KITÔ long trọng nói với thánh nữ Marguerite-Marie Alacoque (1647-1690), trong lần hiện ra vào một ngày thứ sáu năm 1688:
– Trong mức độ tột cùng lòng từ bi Trái Tim CHA, CHA hứa với con rằng: ”Tình Yêu Toàn Năng của CHA sẽ ban ơn hoán cải sau cùng cho những ai rước lễ 9 ngày Thứ Sáu Đầu Tháng liên tiếp. Những người này sẽ không chết khi còn mắc tội trọng nhưng sẽ được lãnh các Bí Tích và trong giờ sau hết, Trái Tim CHA sẽ là nơi nương náu vững vàng nhất”.

… DÂNG MỌI SỰ CHO TRÁI TIM CHÚA

Kính lạy Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa GIÊSU, chúng con xin dâng linh hồn và xác cùng mọi sự cho Trái Tim Chúa; nếu ngày hôm nay chúng con sa phạm điều gì lỗi lời chúng con đã hứa, thì xin Chúa thứ tha. Lạy Chúa, xin hãy dùng Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ, là Nữ Vương hay ban sự bình an mà lập Nước Chúa trong mọi gia thất khắp cả miền xứ chúng con.

Chớ chi chẳng những mọi người giáo hữu, mà lại các dân các nước đều nhìn biết Chúa là VUA rất nhân từ, mà yêu mến phượng thờ. Chớ chi cả và thiên hạ chóng rập một tiếng tán tạ tung hô rằng: Nước Chúa trị đến! Vạn Tuế Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa GIÊSU là VUA hằng sống hằng trị đời đời. Amen.

(”Sembra Impossibile .. eppure è così”, Editrice Comunità, 1992, trang 81-82)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

From: hnkimnga & Anh chị Thụ Mai gởi

Linh Hồn luyện Ngục Hiện Về

Linh Hồn luyện Ngục Hiện Về

Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt

1/  Linh hồn luyện ngục hiện về tại California

Câu chuyện dưới đây xảy ra tại vùng Orange, Cali: Linh hồn một thanh niên Công Giáo VN đã được Chúa cho hiện về nhập vào một thanh nữ chừng 20 tuổi để nói truyện với mọi người trong gia đình, có sự chứng kiến của cha già Vũ Tuấn Tú và một số người.

Anh Giuse Mai Văn Trung, con ông bà Mai Xuân Nghi. Anh bị bắn chết cách bí mật gần bên cô bồ ở San Jose, CA trước đây 10 năm (1986), cô nghe súng nổ, nhưng không biết ai bắn. Khi cô đưa anh vào bệnh viện thì anh chết.. Lý do tới nay cũng còn bí ẩn (có lẽ vì tình).

Tưởng câu truyện đã vào quá khứ, nhưng nay, ngày 8 tháng 10 năm 1996, đúng 10 năm sau, anh Trung được Chúa cho về nói truyện qua chị Bạch Thị Trâm là người ngoại giáo, đang học đạo để thành hôn với em ruột anh Trung.

Sáng hôm ấy, chị Trâm đang làm việc với mẹ là bà Bạch Vân, Giám đốc Trung Tâm băng nhạc Asia ở Garden Grove, CA. thì anh Trung nhập vào cô. Lúc đó, anh Hùng là nhân viên của Asia, anh cũng là thư ký của Cộng đồng VN Orange, cũng ở đó. Vì anh Trung nói qua cô Trâm rằng anh muốn nói chuyện với người nhà anh với sự chứng kiến của một linh mục, nên anh Hùng tới Trung Tâm Công giáo đón cha cố Vũ Tuấn Tú về Trung Tâm Asia, rồi mọi người cùng lên xe về nhà ba má anh Trung là ông bà Nghi ở gần nhà thờ Orange. Tại đây, có mẹ anh Trung, các em của anh khoảng gần 10 người, và một số bà con xóm ngõ.

– Đầu tiên anh chào mọi người và cho biết mình là ai: “Con là linh hồn Giuse Trung, Chúa cho phép con về gặp gia đình”. – Bà Nghi, mẹ anh hỏi: Con muốn gì, mẹ phải làm gì cho con?- Anh Trung nói: Mẹ xin cho con 5 Thánh lễ.- 5 lễ thôi à?- 5 lễ đủ rồi. Gia đình đã quên con cả 10 năm nay, không cầu nguyện cho con.-Má đâu có quên con, má vẫn cầu nguyện cho con mà.- Má cầu nguyện mà chia lòng chia trí, để ý đi đâu…

Rồi anh xin gặp từng người em. Anh đưa họ ra khoảng 5,6 thước để nói riêng với mỗi người. Sau đó anh hỏi:- Ba đâu?- Ba đi làm muộn mới về.- Con phải chờ ba về.

Và người ta gọi điện thoại mời ông về. Trong khi chờ đợi,  cha Tú xin mọi người đọc 5 chục kinh mùa Thương. Gần hết 5 chục kinh thì ông Nghi về. Gặp ông, anh Trung Chào ba và nói với ba anh:

– Ba phải dự lễ và giữ ngày Chúa nhật. Ba phải xưng tội mỗi năm ít là một lần, và phải sống đức tin Công giáo.- Ông Nghi nói: Ba vẫn tin mà.

– Anh Trung: “Đức tin phải có việc làm, đức tin không việc làm là đức tin chết”. Và nói tiếp: ” Xin gia đình đừng tìm biết và oán hận kẻ hại con, Chúa dậy tha thứ.”. “Gia đình hãy cầu nguyện và xin lễ cho linh hồn Maria Tuyết (người quen đã qua đời), Và xin lễ cầu cho linh hồn dì Maria Ngọc Bảo (Em gái bà Vân đã chết hồi 15 tuổi. Cô Bảo đã xin học đạo, nhưng bị gia đình ngăn cản, vì không muốn cho …Cô đã chết trong thời dự tòng và cô được ơn cứu rỗi).

Sau cùng anh Trung bắt tay từ giã mọi người. Rồi anh hỏi: – Còn em bé đâu

– Mẹ anh nói: Em nhỏ đang ngủ trong phòng.

Anh Trung xin gặp em, anh bế  rồi hôn em. Sau đó, anh (chị Trâm) nằm xuống giường gần đó thiếp đi. Chừng gần 15 phút sau, cô Trâm tỉnh lại và tỏ vẻ thật ngỡ ngàng sao mình lại ở đây (vì cô chưa thuộc về gia đình này, còn đang học đạo để dự định thành hôn với em trai của anh Trung)! Vì từ sáng, cô vẫn làm việc với mẹ cô tại Trung Tâm băng nhạc Asia.

Khoảng một tuần sau, cha Cố Tú (hiện đã về nhà hưu) đến nhà ông bà Nghi dâng lễ, ngài thấy, ông Nghi không được đánh động bao nhiêu về việc anh Trung hiện về. ngài nói: “Thất đúng như lời Chúa phán trong Kinh Thánh: Dù kẻ chết hiện về, họ cũng chẳng tin (Lc 16,37).

2/  Giọt mồ hôi của thầy dòng nhỏ chết nhỏ xuống tay thầy Dòng bạn

Có  một truyện trong sách dạy đàng nhân đức kể về cái nóng của Luyện ngục như sau:

Một ngày kia, một thầy Dòng đã chết được Chúa cho hiện về với một thày Dòng bạn vào ban đêm. Sau khi trò truyện, thầy sống hỏi thầy chết rằng:

– Anh có thể cho tôi biết Luyện ngục nóng nảy ra sao không?

– Thầy chết trả lời: Anh không thể hiểu được Luyện ngục nóng thế nào, nhưng để anh hiểu một chút thì anh giơ tay ra đây.

Thầy sống giơ tay ra, thầy chết chỉ nhỏ vào một giọt mồ hôi. Thầy sống đau đớn nhức nhối quá, la lên tùm lum và chạy chung quanh nhà Dòng, tay vẫy vẫy, không chịu được. Cả nhà Dòng nghe la ó, mất ngủ, các thầy dậy hết coi xem chuyện gì?

Sau khi nghe thầy sống kể lại chuyện giọt mồ hôi của thầy chết, ai nấy đều rợn tóc gáy.

Thầy sống ngã bệnh đau đớn và qua đời mấy ngày sau.

3/  Sử liệu các cha dòng Capucino ghi lại câu chuyện liên quan đến những cực hình các đẳng Linh hồn phải chịu trong Lửa Luyện Ngục

Cha Hippolyte de Scalvo là người tôi tớ tín trung của Chúa. Cha đặc biệt có lòng thương mến các đẳng Linh hồn. Cha luôn luôn cầu nguyện cho các vị được mau mau giải thoát khỏi chốn Luyện Hình. Cầu nguyện chưa đủ, cha Hippolyte còn ăn chay hãm mình đền bù thay cho các đẳng và thường thuyết giảng về Luyện Ngục. Cha nhắc các tín hữu nhớ cầu nguyện, dâng các hy sinh và việc lành phúc đức để cầu cho các Linh hồn được sớm về hưởng tôn nhan Chúa. Sáng nào cũng thế, cha Hippolyte thức dậy thật sớm để nguyện kinh cầu cho những người quá cố. Chúa Nhân Lành đã dùng gương vị tôi tớ Ngài để giúp các tín hữu hiểu phần nào những hình phạt các đẳng Linh hồn phải chịu trong Lửa Luyện Hình.

Năm ấy cha Hippolyte được Bề Trên gởi đến Flandres, một thành phố nằm ở biên giới hai nước Pháp và Bỉ, để mở một tu viện các cha dòng Capucino. Trong số các tu sĩ cùng đi với cha Hippolyte có một thầy dòng hết sức đạo đức. Nhưng vừa đến nơi, vị tu sĩ này ngã bệnh nặng và đột ngột từ trần.

Sáng hôm sau đó, cha Hippolyte quì cầu nguyện trong nhà thờ, sau giờ Kinh Sáng. Bỗng chốc cha thấy xuất hiện trước mặt mình vị tu sĩ quá cố, dưới hình một bóng ma phủ đầy lửa. Người quá cố thú tội cùng Cha Bề Trên với lời rên rỉ não nề về một lỗi nhẹ mà thầy đã quên xưng khi còn sống. Thú tội xong, thầy thưa: “Xin cha cho con việc đền tội tùy ý cha và xin cha ban phép lành cho con hầu con được giải thoát khỏi khuyết điểm khiến con phải đau khổ vô ngần trong Lửa Luyện Ngục”. Cảm kích trước tình trạng thảm sầu của vị tu sĩ thuộc quyền quá cố, cha Hippolyte vội vàng nói ngay:

– “Nhân danh quyền được phép, tôi xin tha tội cho thầy và chúc lành cho thầy. Còn về việc đền tội, vì thầy bảo là tôi có quyền ra việc đền tội, thì xin thầy hãy ở trong Lửa Luyện Ngục cho đến giờ Kinh Thứ Nhất, tức vào khoảng 8 giờ sáng nay”.

Cha Hippolyte nghĩ rằng mình đã khoan hồng khi ra việc đền tội cho tu sĩ quá cố chỉ ở lại nơi Luyện Hình vài giờ! Nào ngờ, vừa nghe xong án lệnh, thầy dòng đạo đức như rơi vào trạng huống tuyệt vọng. Thầy vừa chạy vòng vòng trong nhà thờ vừa kêu la thảm thiết:

– “Ôi tấm lòng không đại lượng! Ôi người cha không biết cảm thương một Linh hồn sầu não! Sao cha lại trừng phạt cách khủng khiếp một lỗi nhẹ mà nếu con còn sống, hẳn cha chỉ ra một việc đền tội cỏn con. Cha quả thật không biết tí gì về những kinh hoàng các Linh hồn phải chịu trong Lửa Luyện Ngục!”.

Nghe lời trách cứ nặng nề của vị tu sĩ quá cố, cha Hippolyte như “dựng tóc gáy” và cảm thấy vô cùng ân hận. Cha tìm cách “vớt vát” cái vô ý thức của mình. May mắn thay, cha nghĩ ra được một diệu kế. Cha vội vàng đánh chuông, gọi các tu sĩ trong cộng đoàn vào nhà thờ nguyện Kinh Giờ Một. Khi các tu sĩ có mặt đầy đủ, cha Hippolyte kể lại câu chuyện vừa xảy ra và cùng với cộng đoàn bắt đầu đọc ngay Kinh Giờ Một, hầu cho thầy dòng quá cố được sớm giải thoát khỏi lửa luyện hình.

Từ ngày đó cho đến khi qua đời, trong vòng 20 năm trời, Cha Hippolyte de Scalvo không bao giờ quên câu chuyện đã xảy ra. Trong các bài giảng, cha thường lập lại câu nói của thánh Anselmo (1033-1109): “Sau khi chết, hình phạt nhẹ nhất đón chờ ta trong Lửa Luyện Hình trở thành lớn lao hơn tất cả những gì trí khôn ta có thể tưởng tượng được khi còn sống trên trần gian này”.

(Jacques Lefèvre, “Les Âmes du Purgatoire dans la vie des Saints”, Editions Résiac, 1995, trang 24-26).

4/ CẦU CHO CÁC ĐẲNG LINH HỒN TRONG LUYỆN NGỤC

Vào năm 1827, tại thủ đô Paris nước Pháp có một thiếu nữ giúp việc nghèo thật nghèo nhưng vô cùng quảng đại.  Cô tên Têrêsa.  Têrêsa có thói quen lành thánh: mỗi tháng xin một thánh lễ cầu cho các đẳng Linh Hồn trong Luyện Ngục.  Nhưng rồi Thiên Chúa thử thách cô bằng một chứng bệnh hiểm nghèo, khiến cô vô cùng đau đớn.  Têrêsa bị mất việc làm và tiêu tán tiền của.  Ngày cảm thấy kha khá, Têrêsa ra khỏi nhà với vỏn vẹn 20 xu trong túi.  Cô rảo qua các khu phố để tìm việc làm.  Khi đi ngang nhà thờ thánh Eustache, Têrêsa ghé vào cầu nguyện.  Bỗng cô sực nhớ ra là tháng ấy, cô chưa xin lễ cho các đẳng Linh Hồn.  Nhưng Têrêsa thoáng chút do dự.  Số tiền 20 xu cũng là lương thực cho cô trong ngày hôm ấy.  Nhưng Têrêsa không do dự lâu.  Cô biết mình phải làm gì.  Bất ngờ một linh mục bước vào nhà thờ, chuẩn bị dâng thánh lễ.  Têrêsa hỏi cha có bằng lòng dành thánh lễ hôm ấy để cầu cho các đẳng Linh Hồn không.  Cha vui vẻ nhận lời với số tiền dâng cúng 20 xu của Têrêsa.  Thánh lễ cầu cho các đẳng Linh Hồn chỉ có vị linh mục chủ tế và một giáo dân tham dự.

Lễ xong, Têrêsa ra khỏi nhà thờ tiếp tục đi lang thang tìm việc làm.  Têrêsa thật sự lo lắng vì đi mãi mà không có hy vọng gì hết.  Bỗng một chàng trai dáng vẽ quí tộc tiến đến gần và hỏi:

– Cô tìm việc làm phải không? -Têrêsa nhanh nhẹn trả lời: – Thưa ông phải.

Người thanh niên nói tiếp:- Cô hãy đến đường X nơi nhà số Y, chắc chắn cô sẽ có việc làm và sẽ được hạnh phúc.

Nói xong, chàng trai bỏ đi ngay không đợi nghe lời Têrêsa rối rít cám ơn.  Khi tìm được căn nhà đúng số đã chỉ, Têrêsa thấy một cô giúp việc từ trong nhà đi ra, nét mặt cau có khó chịu.  Têrêsa rụt rè hỏi thăm bà chủ có nhà hay không?  Cô kia đáp lửng lơ: – Có lẽ có .. có lẽ không .. nhưng có hệ gì, vì đâu có dính dáng gì đến tôi.

Nói xong, cô gái ngoay ngoảy bỏ đi.  Têrêsa run rẩy bấm chuông.  Một tiếng nói dịu dàng bảo vào.  Têrêsa bỗng đối diện với một phụ nữ cao niên quí phái.  Bà nhẹ nhàng bảo Têrêsa hãy trình bày cho bà biết cô muốn gì.  Têrêsa nói nhanh:

– Thưa bà, sáng nay cháu hay tin bà cần một người giúp việc.  Cháu xin đến nhận chỗ làm này.  Người ta bảo đảm với cháu là bà sẽ tiếp nhận cháu với lòng nhân hậu.

Bà chủ ngạc nhiên nói với Têrêsa:

– Điều cháu vừa nói thật là lạ.  Sáng nay bà chả cần ai hết.  Nhưng cách đây nửa giờ bà vừa đuổi một cô giúp việc vì nó chễnh mãng trong việc làm.  Chuyện này chưa hề có người nào biết, ngoại trừ bà và cô giúp việc.  Vậy thì ai đã chỉ cho cháu đến đây?

Têrêsa đơn sơ trả lời:

– Một thanh niên dáng điệu sang trọng, cháu gặp ngoài đường, đã bảo cháu đến đây.

Bà chủ nhà thử tìm cho biết người thanh niên ấy là ai, nhưng vô hiệu.  Bỗng Têrêsa nhìn lên và trông thấy tấm hình một chàng trai treo trên tường.  Têrêsa mừng rỡ kêu lên:

– Thưa bà, bà không cần phải tìm đâu cho xa.  Đây chính là gương mặt người thanh niên đã nói chuyện với cháu.  Chính anh ta đã chỉ đường cho cháu đến đây.

Vừa nghe xong, bà chủ nhà kêu lên một tiếng thất thanh, như muốn ngã xuống bất tỉnh.  Xong, bà bảo Têrêsa tỉ mỉ kể lại cho bà nghe, bắt đầu từ chuyện cô có lòng thương mến các đẳng Linh Hồn, đến Thánh Lễ sáng hôm ấy, rồi chuyện gặp gỡ chàng thanh niên.  Khi Têrêsa chấm dứt, bà chủ âu yếm ôm hôn cô và nói:

– Cháu không phải là đầy tớ giúp việc cho bà, nhưng từ giờ phút này, cháu là con gái bà.  Chàng thanh niên mà con trông thấy chính là đứa con trai độc nhất của bà.  Con bà chết cách đây hai năm và ngày hôm nay chính con đã giải thoát nó ra khỏi Lửa Luyện Hình.  Bà chắc chắn như thế.  Bà hết lòng ghi ơn con.  Giờ đây chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện cho tất cả những Linh Hồn còn chịu thanh tẩy trong Lửa Luyện Ngục trước khi được vào hưởng hạnh phúc vĩnh cửu muôn đời.

Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt

Anh chị Thụ Mai gởi

CHÚNG TÔI RAO GIẢNG MỘT ĐẤNG KITÔ BỊ ĐÓNG ĐINH

CHÚNG TÔI RAO GIẢNG MỘT ĐẤNG KITÔ BỊ ĐÓNG ĐINH

Tác giả: Sr. Minh Nguyệt

Cha René-Luc 48 tuổi là Linh Mục thuộc giáo phận Montpellier ở miền Nam nước Pháp. Vốn là con hoang không cha, được một tên vô-lại nuôi dưỡng, sau một thời thơ ấu bầm-dập rách-nát, Cha may mắn gặp gỡ THIÊN CHÚA và dâng hiến trọn cuộc đời cho Ngài. Xin ghi lại chứng từ Cha trình bày trước cử tọa gồm khoảng hơn một ngàn học sinh trung học của hai trường tư thục Công Giáo ở Roche-sur-Yon.

Với nụ cười thẳng thắn và đoan hậu, với thân hình lực sĩ cao lớn và bằng giọng nói dõng dạc trầm lắng, Cha René-Luc mở đầu buổi nói chuyện như sau.

Điều Cha sắp kể cho các con nghe không phải là chuyện phim mà là chuyện thật cuộc đời Cha. Và Cha muốn nói ngay với các con rằng, ngay cả khi bị tuột dốc chúng ta vẫn luôn luôn tìm ra một lối thoát. Cha chào đời tại Nimes, có hai anh trai và hai em gái trong một gia đình vắng bóng thân phụ. Thân mẫu Cha một mình dưỡng dục các con. Năm Cha 10 tuổi, thân mẫu Cha gặp một người đàn ông tên Martial và chung sống với ông. Cứ tưởng cuộc sống gia đình giờ đây sẽ tươi sáng hơn, nào ngờ, mọi sự nhanh chóng đổi chiều. Bởi vì, ông Martial nghiện rượu và là một tên trộm cướp từng bị cảnh sát theo đuổi. Cuộc sống gia đình biến thành địa ngục. Không biết bao nhiêu lần thân mẫu dẫn Cha trốn chạy nhưng ông Martial luôn luôn tìm ra chỗ trú ẩn nên bắt cả hai mẹ con đem trở về nhà.

Mãi cho đến một buổi chiều trong tháng 11 năm 1979, ông Martial tự bắn một phát súng vào ngực và kết liễu cuộc đời. Năm ấy Cha 13 tuổi. Chứng kiến thảm trạng cuộc đời, lòng Cha bỗng nổi loạn và khởi đầu một cuộc sống ăn chơi trộm cắp và bạo hành ngay cả với thân mẫu Cha.

May mắn thay vào năm 1980 thân mẫu Cha gặp bà Marie-Do một tín hữu Công Giáo nhiệt thành. Bà mời cả hai mẹ con đến tham dự buổi thuyết trình của mục sư tin lành Nicky Cruz, một cựu thành viên băng đảng bất-lương ở thành phố New-York. Trước một cử tọa gồm 2 ngàn người, vị mục sư làm chứng rằng chính cuộc gặp gỡ với THIÊN CHÚA đã thay đổi toàn vẹn cuộc đời ông.

Chứng từ của mục sư Nicky Cruz đã đi vào tận cõi thâm sâu linh hồn Cha. Cha rất xúc động và nước mắt tuôn trào. Ngày hôm ấy, quả thật Cha đã sống kinh nghiệm câu kinh thánh nơi sách tiên tri Êdêkien: ”Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các con và sẽ ban tặng các con một quả tim bằng thịt” (36,26).

Chưa hết. Bà Marie-Do giúp Cha khám phá Đức Tin Công Giáo dưới những chiều kích sống động và mới mẻ. Rồi bà đưa Cha đi hành hương Lộ Đức. Chính tại Trung Tâm Thánh Mẫu Lộ Đức mà Cha đã quyết định dâng hiến cuộc đời cho Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Đấng Cứu Độ nhân loại. Cha gia nhập Chủng Viện năm 20 tuổi và thụ phong Linh Mục năm 27 tuổi. Từ đó đến nay hơn 20 năm trôi qua, Cha du hành khắp nước Pháp để làm chứng về Tình Yêu THIÊN CHÚA cũng như làm chứng về niềm vui được trở thành Linh Mục. Độc thân không phải là một trạng thái bệnh-hoạn ẻo-lã. Trái lại, độc thân giúp trái tim được hoàn toàn tự do và có thể quảng đại yêu thương mọi người, không trừ ai.

Vào năm 13 tuổi Cha biết rằng thân phụ Cha là một người Đức và ông đã bỏ rơi thân mẫu Cha chỉ vỏn vẹn sau ba tháng chung sống, khiến Cha trở thành một đứa con hoang, một đứa trẻ không cha!

Thế rồi một ngày, người cha ruột này tìm kiếm và muốn gặp Cha. Thân phụ liên lạc được với Cha vào chính buổi chiều trước khi Cha thi vấn đáp môn Đức ngữ. Sau đó hai cha con tạo cơ hội gặp nhau và chính thân phụ ngỏ lời xin Cha tha lỗi. Sau đó cả hai cha con cùng đi ra tòa thị chính để làm giấy chứng thực về tờ khai sinh. Năm ấy Cha 37 tuổi và sống kinh nghiệm đầu tiên về lòng tha thứ cũng như hưởng nếm tình phụ tử bao la.

Một bạn trẻ nêu câu hỏi:

– Làm thế nào mà Cha có thể đặt trọn niềm tin tưởng nơi THIÊN CHÚA khi cuộc đời chỉ cống hiến toàn những gian trá đáng nghi ngờ?

Cha René-Luc cẩn thận trả lời bằng cách dùng một hình ảnh. Cha nói.

Các con cứ tưởng tượng có một ngôi nhà bị bỏ hoang. THIÊN CHÚA đứng trước nhà và gõ cửa. Đàng sau nhà có các cánh cửa khác mở ra bên ngoài: cho thể thao, cho chia sẻ và có lẽ cho cả ích kỷ nữa .. Trong khi cánh cửa THIÊN CHÚA đang đứng đã không bao giờ được mở ra. Nhưng khi quan sát thật gần người ta mới thấy rằng cánh cửa này không có nắm-cửa ở bên ngoài mà chỉ có ở bên trong. Vậy thì THIÊN CHÚA không thể nào mở được cánh cửa lòng các con. Ngài chỉ gõ và đứng đó chờ đợi. Chính các con mới là những người duy nhất có thể quyết định mở hay không mở cánh cửa này. Vậy thì, Cha xin cầu chúc cho mỗi người trong các con, một ngày nào đó, hãy mở cánh cửa lòng mình để đón tiếp THIÊN CHÚA Nhân Lành ngự vào.

… ”Thật thế, lời rao giảng về Thánh Giá là một sự điên rồ đối với những kẻ trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của THIÊN CHÚA. Vì có lời chép rằng: ”Ta sẽ hủy diệt sự khôn ngoan của kẻ khôn ngoan, và sẽ vứt bỏ sự thông thái của người thông thái. Người khôn ngoan đâu? Người học thức đâu?” Người lý sự của thời này đâu? THIÊN CHÚA lại đã không để cho sự khôn ngoan của thế gian ra điên rồ đó sao? Thật vậy, thế gian đã không dùng sự khôn ngoan mà nhận biết THIÊN CHÚA ở những nơi THIÊN CHÚA biểu lộ sự khôn ngoan của Người. Cho nên THIÊN CHÚA đã muốn dùng lời rao giảng điên rồ để cứu những người tin. Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng KITÔ bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được THIÊN CHÚA kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Chúa GIÊSU KITÔ, sức mạnh và sự khôn ngoan của THIÊN CHÚA. Vì cái điên rồ của THIÊN CHÚA còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của THIÊN CHÚA còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1Côrintô 1,18-25).

(”Catholiques en Vendée”, La Vie de l’Église de Luçon, n.89, 13 Novembre 2013, trang 28)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Nguồn : vietvatican.net

 

HÃY CÙNG TÔI NGỢI KHEN THIÊN CHÚA!

HÃY CÙNG TÔI NGỢI KHEN THIÊN CHÚA!

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

”Con sẽ không ngừng chúc tụng Chúa. Câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi”. Đó là lời Thánh Vịnh 33 được mở đầu cho chứng từ ơn gọi tu dòng của Chị Carla Lucia, nữ tu Kín Clara, đang sống tại đan viện Porto Viro, miền Bắc nước Ý. Xin nhường lời cho Chị.

Với tín trung và trìu mến, THIÊN CHÚA gọi tôi một lần rồi hai lần rồi ba lần, giống như Chúa gọi Samuel thửơ xưa. Lần đầu chập chờn kín ẩn trong tuổi dậy thì và sinh viên. Vào thời kỳ đó tôi thường lo âu tự hỏi: ”Mình đi đâu và đến với Ai với Người nào?” Nhưng thắc mắc ấy bị đam mê du hành bóp nghẹt và vùi dập mất hút.

Học xong, tôi bắt đầu ngay nghề giáo. Đây là khoảng thời gian phong phú đáp ứng khát vọng trí thức và nhu cầu du hành của tôi. Tôi vui chơi tận hưởng cuộc đời. Chỉ duy một điều lạ: mặc dầu có tất cả, đầy đủ mọi sự tôi vẫn cảm thấy một khoảng trống nội tâm không gì lấp đầy được. Tôi như tìm kiếm một Ai Đó một Người Nào khác! Cuộc sống tôi như bị dằn co lôi kéo giữa 2 nẻo đường: một bên là ồn ào náo động bề ngoài và bên kia là trầm lắng kín ẩn bề trong. Cùng thời gian này, THIÊN CHÚA Quan Phòng cho tôi cơ hội quen biết một nhóm giáo dân sống Đạo chân thành, sống hiệp thông sâu xa với Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Cuộc gặp gỡ mang lại cho tôi một kinh nghiệm thiêng liêng thật bất ngờ và có sức mạnh biến đổi hẳn cuộc đời tôi.

Vào năm ấy, tôi tham dự cuộc hành hương Ba Lan. Từ thủ đô Varsava chúng tôi đi bộ tiến về Đền Thánh Đức Mẹ ở Czestochowa. Khi tiến lên đồi cao Jasna Gora cùng với hàng ngàn tín hữu Công Giáo Ba Lan khác, tức khắc trong tôi chín mùi hình ảnh một Giáo Hội lữ hành. Khi đến Đền Thánh, vào Nhà Nguyện nhỏ nơi có bức ảnh Đức Mẹ Đen, tôi quì cầu nguyện thật lâu và thật sốt sắng. Tôi linh cảm mình được kêu gọi thực thi đức trinh khiết.

Trở về nhà, tôi cẩn thận xem xét có thật mình được gọi sống đời đồng trinh hay không. Liền khi đó tôi tưởng tượng ngay: có lẽ mình sẽ tận hiến cho THIÊN CHÚA nhưng trong tư cách giáo dân sống độc thân giữa đời. Tôi nghĩ thế, bởi lẽ trái tim tôi vẫn còn bị vây bọc bởi trăm ngàn thú vui giả tạo ở trần gian này. Xin nói thêm, lúc ấy tính tình tôi hay lơ đãng, không thích kỷ luật và ưa tò mò. Có một thời gian tôi như bị rơi vào cơn khủng hoảng tinh thần. Nhưng THIÊN CHÚA Quan Phòng lại can thiệp vào cuộc đời tôi. Tôi thoát ra khỏi cơn khủng hoảng nhờ tìm kiếm, gặp gỡ và suy niệm LỜI CHÚA. Tôi tiến những bước thật khiêm tốn.

Cứ thế thời gian lặng lẽ trôi qua trong vòng vài năm trời. Tháng 8 năm 1991 tôi trở lại Czestochowa nhân Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 6. Lần ấy Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ký thác cho giới trẻ chúng tôi nhiệm vụ tái truyền giảng TIN MỪNG. Riêng tôi, một lần nữa, tôi được diễm phúc chiêm ngắm bức ảnh Đức Mẹ Đen Jasna Gora. Tôi chăm chú nhìn khuôn mặt dịu hiền thoảng nét u buồn của Đức Trinh Nữ Rất Thánh MARIA, Nữ Vương nước Ba Lan.

Chính lúc này đây tôi cảm nghiệm rõ ràng tiếng Chúa gọi tôi. Tôi hiểu rằng từ lâu lắm rồi THIÊN CHÚA yêu tôi. Ngài chờ tôi đáp lại tiếng Ngài.

Lần này tôi can đảm dứt khoát đáp lại tiếng gọi. THIÊN CHÚA đưa tôi vào đan viện các Nữ Tu Kín dòng Thánh Clara ở Porto Viro thuộc miền Bắc nước Ý. Đan Viện dâng kính Khiết Tâm Đức Mẹ MARIA. Nơi đây, mọi vấn nạn cuộc đời tôi đều được giải đáp cách thỏa đáng. Tôi gặp được đời sống thiêng liêng phong phú. Tôi đắm mình trong kinh nguyện và trong cuộc sống huynh đệ chân tình.

Nơi Đan Viện, Kinh nguyện riêng và chung được phân phối cách hòa điệu trải dài suốt ngày, trong đó có những giờ quì chầu trước Mình Thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Tình huynh đệ san sẻ trong Cộng Đoàn làm nổi bật nét đẹp khó nghèo của con cái Cha thánh Phanxicô và Mẹ thánh Chiara thành Assisi. Riêng tôi, tôi còn đặc biệt sùng kính Đức Nữ Trinh Rất Thánh MARIA. Đức Mẹ MARIA là Hiền Mẫu tôi. Chính Đức Mẹ khơi nguồn ơn gọi và tháp tùng tôi suốt trong cuộc sống của một nữ tu nghèo Clara.

Giờ đây nơi Đan Viện Kín, tôi chân thành cầu chúc cho nhiều bạn trẻ cũng tìm được niềm vui chân thật và tràn đầy khi thực hiện được lý tưởng sống cho cuộc đời mình. Mong thay!

… ”Tôi sẽ không ngừng chúc tụng Chúa, câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi. Linh hồn tôi hãnh diện vì Chúa, xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên. Hãy cùng tôi ngợi khen THIÊN CHÚA, ta đồng thanh tán tụng danh Người. Tôi đã tìm kiếm Chúa, và Người đáp lại, giải thoát cho khỏi mọi nỗi kinh hoàng. Ai nhìn lên Chúa sẽ vui tươi hớn hở, không bao giờ bẻ mặt hổ ngươi. Kẻ nghèo này kêu lên và Chúa đã nhận lời, cứu cho khỏi mọi cơn nguy khốn. Sứ thần của Chúa đóng trại chung quanh để giải thoát những ai kính sợ Người. Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy: hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Người” (Thánh Vịnh 34(33),2-9).

(”Grande Opera Mariana GESÙ e MARIA”, Luglio-Settembre/2004, n.3, trang 39)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

 

Bình An Dưới Thế Cho Người Thiện Tâm

Bình An Dưới Thế Cho Người Thiện Tâm

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Theo gương thánh tổ lập dòng – thánh Phanxicô thành Assisi (1182-1226) – các tu sĩ dòng Phanxicô cũng đặc biệt có lòng yêu mến, tôn thờ và chiêm ngắm hình ảnh thơ trẻ dịu hiền của Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng. Một tình yêu hoàn toàn trong sáng và vô cùng dịu ngọt! Và Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng cũng âu yếm đáp trả cách nồng hậu mối tình êm ái này.

Trong tiểu sử các vị thánh dòng Phanxicô như thánh Antôn thành Padova (1195-1231), chân phúc John Duns Scotus (1265/1266-1308) đều được Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng hiện ra và ngồi gọn trong vòng tay của các ngài. Các ngài trìu mến vuốt ve và Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng cũng vuốt ve lại! Thật là mối tình say đắm độc nhất vô nhị, không bút mực nào có thể diễn tả cho hết nét hiền dịu thơ ngây trong trắng! Thật tuyệt vời!

Thánh nữ Maria Francesca delle Cinque Piaghe (1715-1791) thuộc dòng ba Phanxicô, người Ý. Thánh nữ có lòng sùng kính Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng cách riêng. Hàng năm, Thánh nữ không những sốt sắng làm tuần Cửu Nhật để chuẩn bị mừng Lễ Giáng Sinh vào ngày 25-12, mà còn khởi đầu ngay công cuộc chuẩn bị vào Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng. Thánh nữ thanh tẩy con tim bằng chay tịnh, hy sinh và nguyện kinh cách hết sức tha thiết. Vì chuẩn bị tâm hồn cách vô cùng chu đáo như thế, nên cứ vào Đêm Lễ Chúa Giáng Sinh, thánh nữ thường nhận được nhiều ân huệ như xuất thần hoặc được hồng phúc chiêm ngưỡng Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng.

Vào năm 1741, trong lúc quì cầu nguyện trước Hang Đá Giáng Sinh, thánh nữ bỗng được ơn xuất thần. Đức Chúa GIÊSU đích thân hiện ra trong Vinh Quang rực sáng. Ngài âu yếm cầm lấy tay phải của thánh nữ và long trọng phán:
– Đêm nay Thầy chọn con làm hiền thê Thầy!

Thánh nữ Maria Francesca trở thành hiền thê Đức Chúa GIÊSU do tình yêu sùng mộ tuổi thơ của Ngài.

… Cha Niccolò Zucchi (1586-1670), dòng Tên người Ý, cũng có lòng đặc biệt sùng kính Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng.

Cha phổ biến lòng sùng kính bằng cách phân phát ảnh thánh Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng. Công cuộc tông đồ này đưa một số rất đông các linh hồn trở về cùng THIÊN CHÚA.

Một ngày, Cha Niccolò phát ảnh thánh Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng cho một thiếu nữ Công Giáo. Thiếu nữ vốn ngoan hiền, đức hạnh, ngây thơ trong sáng nhưng vẫn trì hoãn trong quyết định dâng hiến toàn thân cho THIÊN CHÚA.

Khi nhận ảnh thánh Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng, thiếu nữ lịch sự cám ơn nhưng mỉm cười thưa:

– Con làm gì với ảnh thánh này?

Cha Niccolò trả lời ngay:
– Con đặt ảnh thánh Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng nơi chiếc đàn dương cầm nhỏ con vẫn đánh mỗi ngày!

Đúng thế, cô gái rất thích chơi đàn vì cô có khiếu về âm nhạc. Cô gái ngoan ngoãn làm theo lời khuyên của Cha Niccolò Zucchi.

Sự kiện luôn luôn có ảnh thánh trước mặt, cô thiếu nữ bỗng thường xuyên chiêm ngắm ảnh thánh, đưa đến việc thật sự kính mến Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng. Từ từ bừng lên trong lòng cô thiếu nữ ước muốn sống mỗi ngày một hoàn hảo hơn. Giờ đây, cái đàn dương cầm nhỏ trở thành dụng cụ để cầu nguyện hơn là để chơi nhạc. Sau cùng, thiếu nữ quyết định rời bỏ thế gian để vào dòng tu.

Với tâm tình hân hoan cô gái đến gặp Cha Niccolò Zucchi để loan báo tin vui và nói:

– Thưa Cha, chính Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng đã lôi kéo con về với Tình Yêu vô biên của Ngài. Chính Ngài ban cho con ơn trút bỏ mọi dính bén tình nghĩa trần gian để thuộc trọn về Ngài. Xin muôn vàn tri ân Cha đã gợi ý và đưa con vào con đường tình yêu, vào lòng sùng kính Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng. Một lòng sùng kính vô cùng êm ái dịu ngọt!

… Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ và vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần bảo họ: ”Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”. Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen THIÊN CHÚA rằng: ”Vinh danh THIÊN CHÚA trên Trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Luca 2,8-14).

(”La Mia Messa”, 1 Ottobre 2011 – 31 Dicembre 2011, Anno V/A, vol.IV, Casa Mariana Editrice, trang 437-438+444-445)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

LÒNG CHÚA TÍN TRUNG LÀ KHIÊN CHE THUẪN ĐỠ

LÒNG CHÚA TÍN TRUNG LÀ KHIÊN CHE THUẪN ĐỠ


… Ông bà Laurent và Christel Landete là Cha Mẹ của 6 người con trong đó 2 đứa con đầu mắc một chứng bệnh di-truyền côi-cút không chữa trị được. Cả hai ông bà là y tá chuyên nghiệp. Ông Laurent còn điều hành Cộng Đoàn Emmanuel từ bốn năm qua. Bà Christel ở nhà lo việc nội trợ chăm sóc chồng con. Xin nhường lời cho Ông Bà trình bày Lời Chúa đã hướng dẫn như thế nào giữa cơn thử thách.

Lúc đang đợi đứa con thứ ba thì chúng tôi khám phá ra hai đứa con đầu – 15 tháng và 4 tháng tuổi – bị mắc một chứng bệnh di-truyền côi-cút không chữa trị được. Chứng bệnh này thường biểu lộ bằng những cơn rối loạn thần kinh, giao động trí thông minh và khủng hoảng tâm lý. Hai đứa con chúng tôi phải nằm nhà thương hàng mấy tuần lễ. Quả là cú sét giáng xuống đôi vợ chồng trẻ! Chúng tôi hoàn toàn không chờ không đợi một cú sét kinh hoàng như thế, cho dầu trước đó THIÊN CHÚA đã bí nhiệm chuẩn bị. Bởi vì, trong nhiều năm trời với tư cách y tá phục vụ nơi trung tâm thánh mẫu Lộ-Đức, tôi từng có cơ hội tháp tùng một người tàn tật. Trong khi Christel – hiền thê tôi – có một em gái khuyết tật.

Trong nỗi khổ tâm lại chồng chất thêm những vấn nạn đến từ người thân trong gia đình và bạn bè chung quanh: “Tại sao lại là chúng tôi? Chúng tôi đã phạm lỗi lầm nào khiến bị trừng phạt như thế?”. Thế là chúng tôi tìm nương ẩn trong cầu nguyện và Lời Chúa, đặc biệt trong Thánh Vịnh: ”Không nên nói: tại sao thế! Mọi sự đều được học hỏi đúng thời đúng lúc”. Nói cách khác, không nên đặt câu hỏi ”Tại Sao” nhưng nên hỏi ”Vì cái gì?”. Tư tưởng khôn ngoan này giúp chúng tôi khiêm tốn tìm hiểu – từng bước một – ý nghĩa của mỗi thử thách, dù xuất hiện dưới bất cứ hình thức nào.

Ông Laurent. Tôi còn nhớ một hôm bà hàng xóm hỏi: ”Lỗi tại ai? Tại anh hay tại vợ anh?”. Có lẽ bà vụng về muốn hỏi: ”Ai truyền bệnh cho con cái?”. Ngày hôm sau, trong cầu nguyện, trình thuật Phúc Âm về người mù từ thưở mới sinh quả đã đến với chúng tôi trong cơn sầu khổ: ”Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?”. Đức Chúa GIÊSU trả lời: ”Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của THIÊN CHÚA được tỏ hiện nơi anh” (Gioan 9,2-3).

Câu Chúa trả lời đặt chúng tôi trong một viễn tượng mới, y như thể làm đảo ngược hai thái cực. Chúng tôi có thể tìm thấy – từng bước một – giữa cơn gian nan thử thách của chúng tôi la-bàn hướng dẫn đời sống chúng tôi. Sau kinh nghiệm đau thương ấy, chúng tôi nhận được niềm an bình đích thật, như một chiều kích mới, để đương đầu, để tiếp nhận và để đưa cái thực tế cay đắng mới mẻ này vào cuộc sống thường nhật.

Ngoài ra, điều góp phần tạo thêm niềm an bình đích thật này, đó là chúng tôi không bao giờ bị bỏ rơi đơn độc. Chúng tôi vẫn còn cảm động khi nghĩ đến tất cả những ai đã tạo thành một mạng lưới bác ái vây bọc bao quanh chúng tôi, từ Cộng Đoàn Emmanuel cho đến người thân trong gia đình và nơi cộng đoàn xứ đạo. Ai ai cũng sẵn sàng góp một tay thay thế để chúng tôi có giờ đi tham dự Thánh Lễ hoặc nghỉ ngơi lấy sức.

Bà Christel. Một ngày, người ta không đánh được thuốc mê cho bé Marie để làm một khám nghiệm nên bác sĩ phải cột chặt bé bằng tấm chăn và đặt bé nằm trên bàn. Người ta chỉ trông thấy nhúc nhích cái nắm vú bé ngậm nơi miệng! Thật quá đau lòng. Chồng tôi và bác sĩ xin tôi lui ra khỏi phòng. Thay vì lang thang trên các hành lang bệnh viện tôi bèn vào nhà nguyện để cầu nguyện. Nơi cuối nhà nguyện, tôi trông thấy một cặp vợ chồng thuộc Cộng Đoàn Emmanuel mà tôi mới quen. Tôi đến gần chào và hỏi thăm họ viếng thăm ai nơi nhà thương hoặc có ai trong gia đình bị bệnh không. Họ trả lời: ”Chúng tôi có mặt tại đây là vì chị đấy!”. Câu nói như một vệt dầu thơm tuyệt vời thoa dịu nỗi đau đớn của chúng tôi.

Vào một kỳ tĩnh tâm, ông Jean Vanier nói chúng tôi: Anh Chị có biết câu nói đầu tiên của Đức Chúa GIÊSU KITÔ khi Người sống lại không? Đó là câu: ”Tại sao khóc?”. Đây không phải là câu trách móc nhưng là câu thương cảm. Cũng hơi hơi giống như: ”Chúng tôi có mặt tại đây là vì chị đấy!”.

Ông bà Laurent và Christel Landete. Dĩ nhiên sau đó đặt vấn đề tiếp nhận sự sống. Trong cầu nguyện chúng tôi nhận ra là chúng tôi đã hãm lại – trong con tim cũng như trong lý trí – việc tiếp nhận một đứa con khác. Thời gian này đúng là một ngã tư quan trọng trong liên hệ phu thê của chúng tôi. Chúng tôi đã có hai đứa con bị tàn tật do di truyền. Giờ đây chúng tôi bị đặt trước một chọn lựa, một hành vi đức tin. Giới y khoa khuyên chúng tôi chọn giải pháp ngừa thai hay theo phương thức mà Giáo Hội Công Giáo đề nghị để chúng tôi có thể tiến bước mà không khóa chặt cánh cửa tự do để tiếp nhận hồng ân sự sống. Chúng tôi khám phá ra rằng ngừa thai không xóa bỏ định luật tự nhiên. Nhờ ơn Chúa, mấy đứa con khác của chúng tôi chào đời không vướng phải chứng tàn tật di truyền. Nhưng trước mỗi lần như thế, chúng tôi vẫn hồi hộp chuẩn bị đón nhận một đứa con tàn tật. Đúng là một tiếng gọi đặc biệt. Có lẽ mọi người không nhận được tiếng gọi như thế.

Chúng tôi tin rằng chính giữa lòng cơn gian nan khốn khó và từ nơi nấm mồ mà nẩy sinh sự sống. Chiến thắng sự sống không nằm trong chiến thắng các sức lực nhân trần của chúng tôi mà là trong chiến thắng của Tình Yêu THIÊN CHÚA. Tình Yêu THIÊN CHÚA dành cho kẻ tìm kiếm câu trả lời bằng niềm tin yếu kém của chúng tôi. Sức mạnh của Phục Sinh chỉ chiến thắng trong việc chấp nhận những yếu ớt mỏng giòn, những vết thương và sự dễ bị tổn thương của chúng tôi.

… ”Hỡi ai nương tựa Đấng Tối Cao và núp bóng Đấng quyền năng tuyệt đối, hãy thưa với Chúa rằng: ”Lạy THIÊN CHÚA, Ngài là nơi con nấu ẩn, là đồn lũy che chở, con tin tưởng vào Ngài”. Chính Chúa gìn giữ bạn khỏi lưới kẻ thù giăng, khỏi tai ương tàn khốc. Chúa phù trì che chở, dưới cánh Người, bạn có chỗ ẩn thân: lòng Chúa tín trung là khiên che thuẫn đỡ. Bạn không sợ cảnh hãi hùng đêm vắng hay mũi tên bay giữa ban ngày, cả dịch khí hoành hành trong đêm tối, cả ôn thần sát hại lúc ban trưa. Dù tả hữu có ngàn người quỵ ngã, dù hai bên có chết cả vạn người, riêng phần bạn, tuyệt nhiên không hề hấn .. Bạn sẽ không gặp điều ác hại, và tai ương không bén mảng tới nhà, bởi chưng Người truyền cho thiên sứ giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng cho bạn khỏi vấp chân vào đá. Bạn có thể giẫm lên hùm thiêng rắn độc, đạp nát đầu sư tử khủng long. Chúa phán: ”Kẻ gắn bó cùng Ta sẽ được ơn giải thoát, người nhận biết danh Ta sẽ được sức phù trì. Khi kêu đến Ta, Ta liền đáp lại, lúc ngặt nghèo có Ta ở kề bên. Ta giải cứu và ban nhiều vinh dự, cho sống lâu, tuổi thọ dư đầy và hưởng ơn cứu độ Ta ban” (Thánh Vịnh 91(90)).

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Theo đạo Công Giáo nhờ các Thánh Thiên Thần

Theo đạo Công Giáo nhờ các Thánh Thiên Thần

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Theo đạo Công Giáo nhờ các Thánh Thiên Thần

Một gia đình ngoại giáo ở Đà Nẵng rất có thiện cảm với Đạo Công Giáo và tận tình giúp đỡ các Linh Mục đang truyền giáo tại Việt Nam. Đã hai lần gia đình này cứu tôi thoát khỏi nanh vuốt của Quan Tổng Trấn và các quân lính lùng bắt các Linh Mục.

Câu chuyện xảy ra tại Việt Nam vào năm 1896. Một Linh Mục Thừa Sai người Pháp kể lại như sau.

Một gia đình ngoại giáo ở Đà Nẵng rất có thiện cảm với Đạo Công Giáo và tận tình giúp đỡ các Linh Mục đang truyền giáo tại Việt Nam. Đã hai lần gia đình này cứu tôi thoát khỏi nanh vuốt của Quan Tổng Trấn và các quân lính lùng bắt các Linh Mục. Họ chẳng những cho tôi trú ẩn trong nhà mà còn thay phiên nhau canh phòng cẩn mật ngày đêm để không một ai nhận ra hoặc nghi ngờ về sự hiện diện của tôi. Chưa hết, họ chu đáo dọn cho tôi những món ăn đặc biệt Việt Nam với gạo thơm và nước trà hảo hạng.

Nhận thấy những cử chỉ tốt lành của họ tôi vui mừng thầm nghĩ:

– Hẳn đây là một gia đình hội đủ điều kiện để tôi có thể truyền bá đạo lý Kitô Giáo cho họ.

Nghĩ thế nên tôi ra công thuyết phục họ. Tôi cố gắng trình bày mọi khía cạnh cao cả tuyệt vời của Kitô Giáo. Tôi cũng tìm đủ lý lẽ minh chứng:

– Kitô Giáo rao giảng một nền luân lý thật hiền dịu và trong sạch, dựa trên Tình Yêu THIÊN CHÚA và tình thương con người.

Tôi thi thố trọn tài năng giảng thuyết hầu đưa gia đình ngoại giáo trở về cùng THIÊN CHÚA. Nhưng tôi ngạc nhiên và thất vọng biết bao khi thấy rằng:

– Họ hoàn toàn dửng dưng trước tất cả lý lẽ của tôi. Kitô Giáo không có gì mới lạ để lôi cuốn họ!

Thấy thế, tôi liền kêu đến Trời Cao. Tôi khẩn khoản xin THIÊN CHÚA soi sáng cho tôi biết phải dùng phương thế nào và rao giảng ra sao để đưa các đại ân nhân của tôi gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Và THIÊN CHÚA nhận lời tôi cầu xin qua trung gian một cậu bé bằng phương thế thật bất ngờ và vô cùng tuyệt diệu.

Cậu bé trạc 12-13 tuổi và là con của người hàng xóm. Cậu hoàn toàn mù tịt về Đức Tin Kitô nhưng đã tình cờ nghe đọc vài đoạn Kinh Thánh dịch ra tiếng Việt. Một ngày, cậu bé kể lại cho cô con gái gia đình chủ nhà tôi đang trọ nghe câu chuyện Tobia và Tổng Lãnh Thiên Thần Raphae, vị dẫn đường cho thiếu niên. Đây là cô con gái cưng của hai ông bà, vừa thông minh vừa duyên dáng.

Ngay ngày hôm sau, thiếu nữ nói với tôi:

– Con biết có một tôn giáo đẹp hơn tôn giáo của Cha. Đó là tôn giáo của các Thánh Thiên Thần, Sứ Giả của Trời Cao. Nếu Cha cũng biết tôn giáo này và thông truyền cho chúng con thì con xin lãnh trách nhiệm đưa toàn gia đình con trở về với tôn giáo tuyệt vời ấy!

Nghe thiếu nữ nói tôi hiểu ngay bàn tay THIÊN CHÚA đã can thiệp. Tôi hân hoan trả lời:

– Được rồi! Tôi sẽ nói cho cô và gia đình cô nghe về giáo lý và truyện các Thánh Thiên Thần.

Mọi người chấp thuận và ngồi quây quần chung quanh tôi. Tôi cẩn thận rút từ Kinh Thánh tất cả đoạn nào liên quan đến các Thánh Thiên Thần, bắt đầu từ Cựu Ước rồi sang Tân Ước. Trước tiên là chuyện con rắn trong vườn Địa Đàng và Thiên Thần cứu sống Isaac, con trai duy nhất của tổ phụ Abraham, sang đến thị kiến về Thiên Thần của ông Giuđa Maccabêô.. Trong Tân Ước, tôi bắt đầu câu chuyện Tổng Lãnh Thiên Thần Gabrie được THIÊN CHÚA sai đến truyền tin cho Đức Trinh Nữ Rất Thánh MARIA, và kết thúc với chuyện các Thánh Thiên Thần xuất hiện nơi mồ Đức Chúa GIÊSU KITÔ, loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Sau cùng, khi Đức Chúa GIÊSU KITÔ Về Trời, các Thánh Thiên Thần từ Trời xuống xin mọi người giải tán.

Suốt cuộc đời truyền giáo, chưa bao giờ tôi thành công trong việc giảng thuyết như lần này. Mọi người há hốc mồm, chăm chú nuốt từng lời tôi nói, say mê theo dõi các câu chuyện tuyệt diệu về các Thánh Thiên Thần. Khi tôi dứt lời, mọi người đồng thanh kêu lên:

– Chúng con xin từ bỏ các bụt thần ngoại giáo để tin nhận THIÊN CHÚA Toàn Năng, Đấng có các Thánh Thiên Thần làm Bộ Trưởng và Ngài đã ban cho từng thụ tạo một Thánh Thiên Thần Hộ Thủ, chăm sóc và giữ gìn!

Với niềm vui khôn tả, tôi dõng dạc tuyên bố:

– Thế thì kể từ giờ phút này, hỡi các bạn, các bạn là tín hữu Kitô, bởi vì, tất cả những gì tôi vừa kể cho các bạn nghe, chỉ mới là phần nhỏ của Kitô Giáo, tôn giáo do chính Đức Chúa GIÊSU KITÔ thành lập.

Những ngày kế tiếp, tôi bắt đầu giảng giải giáo lý một cách có hệ thống hơn. Và sau một tháng, tôi rửa tội cho toàn thể gia đình ân nhân của tôi.

Kinh đọc cùng Thánh Thiên Thần Bản Mệnh. ”Lạy Thiên Thần Chúa là đấng gìn giữ con. Xin Thiên Thần soi sáng tâm trí con, gìn giữ trái tim con, nâng đỡ thân xác con và hướng dẫn con, vì con được Tình Yêu Thiên Quốc giao phó cho Thiên Thần chăm sóc. Amen”.

… ”Này Ta sai thiên sứ đi trước con, để gìn giữ con khi đi đường và đưa con vào nơi Ta đã dọn sẵn. Trước mặt ngài, hãy ý tứ và nghe lời ngài. Đừng làm cho ngài phải chịu cay đắng, ngài sẽ không tha lỗi cho con, vì danh Ta ngự trong ngài. Nếu thực sự con nghe lời ngài, nếu con làm mọi điều Ta nói, Ta sẽ trở thành kẻ thù của kẻ thù con, đối phương của đối phương con” (Xuất Hành 23,20-22).

(”Le Ciel Parmi Nous”, Editions Bénédictines, 1997, trang 173-175)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

XIN MẸ CỨU GIÚP CON MỌI NƠI MỌI LÚC, NHẤT LÀ TRONG GIỜ CHẾT!

XIN MẸ CỨU GIÚP CON MỌI NƠI MỌI LÚC, NHẤT LÀ TRONG GIỜ CHẾT!

…. Câu chuyện xảy ra tại thành phố Hal nằm dọc theo kênh đào Charleroi. Hal chỉ cách Bruxelles – thủ đô vương quốc Bỉ – khoảng vài cây số. Tại đây có nhà thờ Công Giáo kiểu gô-tích tôn kính bức tượng ”Đức Mẹ Đen”. Bức tượng tạc từ thế kỷ XIII và nổi tiếng vì làm nhiều phép lạ.

Tại thành phố Hal cạnh con kênh Charleroi đã xảy ra tai nạn thảm thương. Một bà mẹ góa sống với đứa con trai duy nhất. Một ngày, cậu bé chơi với bạn cạnh con kênh. Không hiểu hai cậu bé rượt đuổi nhau thế nào mà cậu trai con bà góa trượt chân rớt xuống kênh. Cậu bạn hoảng hốt chỉ biết gào lên kêu cấp cứu. Bà mẹ càng hoảng hốt hơn và cũng chỉ biết hét lên những lời kêu cứu thảm thiết.

May mắn vào ngay lúc đó có một thanh niên đi về hướng này. Nghe tiếng kêu chàng đoán ngay sự việc. Chàng tức tốc nhảy xuống kênh và lặn sâu dưới dòng nước. Mấy phút sau chàng vớt được cậu bé và mang lên bờ, trước đôi mắt đẫm lệ của bà mẹ. Người ta xúm lại cấp cứu cậu bé. Cậu từ từ hồi tỉnh. Cậu thoát chết nhờ hành động mau mắn và dũng cảm của người thanh niên lạ mặt.

Trước công ơn to tát như thế làm sao cám ơn cho đủ người đã cứu mạng sống con mình??? Bà mẹ góa lại quá nghèo! Nghĩ lui nghĩ tới bà thấy không gì quý hơn là tặng chàng trai ảnh đeo có hình Đức Mẹ Đen của nhà thờ gô-tích thành phố Hal. Bà đưa tặng chàng và nói:
– Chắc chắn Đức Mẹ MARIA nghe lời tôi cầu cứu nên đưa đẩy cậu đến và cứu vớt kịp thời con trai tôi bị nạn.
Chàng thanh niên lúng túng trả lời:
– Tôi không biết là có đúng như thế không, bởi vì, thú thật với bà, tôi là người không tin!

Tuy nói thế nhưng trước cái nhìn khẩn thiết của bà mẹ chàng chấp nhận ảnh thánh Đức Mẹ MARIA. Chàng cũng hứa sẽ mang ảnh như lời bà xin để ghi nhớ cuộc gặp gỡ với cậu bé con bà ..

Gần mấy chục năm trôi qua .. chàng thanh niên dũng cảm năm xưa, nay là người đàn ông lớn tuổi. Ông bị bệnh nặng và được điều trị tại một nhà thương bên Thụy Sĩ. Nhà thương do các nữ tu điều khiển. Cùng vào thời kỳ đó, tại vùng này, có vị Linh Mục người Bỉ về đây nghỉ ngơi. Thỉnh thoảng Cha đến thăm viếng các bệnh nhân theo lời xin của các nữ tu. Một ngày, Cha đang trên đường gần nhà thương thì thấy một nữ tu chạy đến xin Cha tới giúp một bệnh nhân đang hấp hối. Chị nói:

– Xin Cha đến mau! Ông ta đang mê sảng!

Khi vị Linh Mục đến bên giường Cha hiểu rằng người bệnh nói tiếng Flamand. Ông muốn bịt tai và xua đuổi tất cả những gì có liên hệ đến tôn giáo. Bằng tiếng Flamand vị Linh Mục nói vào tai người bệnh:
– Xin ông an tâm, không ai dám làm trái ý ông! Chúng tôi chỉ cầu nguyện cho ông thôi!

Nói xong vị Linh Mục thoáng thấy nơi cổ bệnh nhân có lấp lánh ảnh đeo Đức Mẹ MARIA. Không giữ được bình tĩnh Cha ngạc nhiên nói:
– Ông mang một ảnh đẹp như vậy mà ông lại không muốn tôi nói với ông về Đức Chúa GIÊSU KITÔ và về Đức MARIA, Mẹ của Ngài và cũng là Mẹ của chúng ta sao???

Người hấp hối bỗng chốc như hồi tỉnh. Bằng từng câu rời rạc, ông kể lại câu chuyện vớt một cậu bé và lời hứa với bà mẹ cậu bé là sẽ mang ảnh Đức Mẹ MARIA suốt đời để ghi dấu cuộc gặp gỡ. Và ông đã giữ lời hứa. Vị Linh Mục thật cảm động. Ngài cúi xuống cầm tay người bệnh và nói:
– Chú bé mà ông cứu sống chính là tôi! Mẹ tôi vẫn kể lại câu chuyện ấy và nhắc tôi nhớ đến ông luôn. Chúng tôi suốt đời ghi ơn ông .. Và ông không thấy là chính Đức Mẹ MARIA đưa tôi đến đây gặp lại ông để giúp ông trong giây phút trọng đại cuối đời sao?

Người bệnh cũng cảm động không kém vị Linh Mục. Ông bỗng trở nên an bình hơn. Ông chấp nhận xưng tội và xin rước Mình Thánh Đức Chúa GIÊSU làm của ăn đàng. Sau đó, ông nhắm mắt an nghỉ trong vòng tay trìu mến ghi ơn của vị Linh Mục.

… Kinh Cầu Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Lạy Rất Thánh Đồng Trinh MARIA, Mẹ đã vui lòng nhận lấy tước hiệu là Mẹ Hằng Cứu Giúp, cho được giục lòng chúng con trông cậy vững vàng, thì con nài xin Mẹ dủ lòng thương, cứu giúp con trong mọi nơi mọi lúc, khi phải các cơn cám dỗ, khi sa phạm tội, và khi gặp các sự khốn khó trong đời con, và nhất là trong giờ chết. Lạy Mẹ hay thương, xin cho con siêng năng chạy đến cùng Mẹ luôn luôn. Con tin rằng, con siêng năng chạy đến cùng Mẹ, thì làm cho Mẹ càng sẵn lòng nghe lời con. Xin Mẹ ban cho con ơn trọng này, là siêng năng cầu xin Mẹ, và được lòng trông cậy Mẹ như con thảo, ngỏ cho Mẹ nghe lời con hằng cầu xin, mà hằng cứu giúp con, và ban cho con được ơn bền đỗ đến cùng. Lạy Mẹ yêu dấu hay thương giúp, xin Mẹ ban phúc lành cho con, và cầu bàu cho con khi này và trong giờ lâm tử. AMEN.

Lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp, xin che chở mọi kẻ thuộc về con, ban ơn phù hộ cho Đức Thánh Cha, cho Hội Thánh, cho nước Việt Nam con, cho gia đình con, cho kẻ thân nghĩa, kẻ thù nghịch và hết mọi kẻ khốn khó. Sau hết cho các Linh Hồn đáng thương trong Lửa Luyện Ngục.

Thánh MARIA, lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp, xin cầu bàu cho con. Lạy Thánh Anphongxô là quan thầy bào chữa con, xin giúp đỡ con trong những khi khó ngặt thiếu thốn biết chạy đến cùng Đức Bà MARIA.

Lạy Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, cầu cho chúng con.
Lạy Thánh Anphongxô, cầu cho chúng con.

(Albert Pfleger, ”FIORETTI DE LA VIERGE MARIE”, Mambré Éditeur 1992, trang 57-58)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

CHÍNH TÔI ĐÃ ĐƯỢC ĐỨC CHÚA GIÊSU KITÔ CHIẾM ĐOẠT

CHÍNH TÔI ĐÃ ĐƯỢC ĐỨC CHÚA GIÊSU KITÔ CHIẾM ĐOẠT!

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt



… Thứ bảy 29-6-2013 Tổng Giáo Phận Paris bên Pháp có thêm 6 tân Linh Mục. 5 Vị tuổi từ 28 đến 33. Một Vị 43 tuổi. 5 Vị sinh ra và lớn lên tại thủ đô Paris. 1 Vị ở vùng phụ cận Paris. Xin giới thiệu chứng từ của tân Linh Mục Augustin Bourgue 33 tuổi nhấn mạnh đến thừa tác vụ linh mục được chu toàn trong việc mở rộng cho thế giới và tình huynh đệ.

Cha Augustin Bourgue là con thứ hai trong một gia đình Công Giáo có 7 người con. Con cái được giáo dục và thức tỉnh Đức Tin nhờ các buổi đọc kinh chung trong gia đình và nhờ gương sáng lành thánh của bậc Cha Mẹ hiền đức, sống rất gần với linh đạo của Cộng Đoàn Emmanuel. Cuộc sống đạo đức còn được phong phú thêm nhờ việc tham dự thường xuyên vào các sinh hoạt của giáo xứ.

Thời niên thiếu vì tham gia các hoạt động thuộc lãnh vực Đức Tin nơi giáo xứ Sainte-Jeanne de Chantal mà cậu Augustin được cảm nghiệm niềm vui suy niệm Lời Chúa. Rồi cậu trở thành Chú Giúp Lễ và gia nhập phong trào Hướng Đạo. Augustin hồn nhiên lớn lên trong khung cảnh gia đình, giáo xứ và học đường lành mạnh nhưng không bao giờ chú ý đến Ơn Gọi Linh Mục. Mãi cho đến năm cuối bậc trung học đệ nhất cấp, vào một bữa ăn tối trong gia đình, Augustin nhận việc bảo trợ ơn gọi cho chủng sinh Frédéric bằng lời cầu nguyện. Từ đó nẩy sinh mối tình huynh đệ thiêng liêng mang lại thành quả phong phú. Xin nhường lời cho tân Linh Mục Augustin Bourgue kể lại con đường đưa đến thiên chức Linh Mục.

Qua anh Frédéric tôi khám phá Lý Trí có thể phục vụ Đức Tin. Một ngày, thể theo lời khuyên của một vị Linh Mục và được anh Frédéric tháp tùng, tôi đến sống một tuần tĩnh tâm nơi một đan viện ở Bretagne. Tại đây tôi khám phá sự hiện diện gần gũi thân tình của THIÊN CHÚA. Vô cùng ngỡ ngàng tôi liền quyết định sẽ sẵn sàng đáp lại bất cứ tiếng gọi nào đến từ THIÊN CHÚA.

Thời gian 7 năm trôi qua từ sinh viên đến kỹ sư, ơn gọi như mỗi lúc một sáng tỏ trong tôi. Tôi ngạc nhiên ý thức rằng tôi rất yêu thích nói về Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Tôi cũng hiểu rằng chính Người cho tôi niềm vui hưởng nếm cuộc đời và với Người, tôi có thể chọn nếp sống độc thân. Chính Đức Chúa GIÊSU KITÔ ban tặng tất cả!

Với tâm tình trên đây mà tôi hân hoan gia nhập Chủng Viện. Trước đó vì từng tham gia các sinh hoạt thể thao nên trong thời gian thụ huấn ở Bruxelles, thủ đô vương quốc Bỉ, tôi cũng gia nhập một Hội thể thao. Thể thao là phương tiện nối kết mối giây giao hảo với con người thời đại ngày nay. Đầu tháng 7 năm 2013 tôi chủ sự lễ hôn phối cho một thành viên Hội thể thao này. Tôi là linh mục bạn thân của chú rể.

Ngoài ra tôi cũng đặt nặng vấn đề đối thoại liên tôn và mở rộng với thế giới. Chính vì thế mà ngay trong năm thứ hai ở Chủng Viện tôi đã bắt đầu học tiếng Ả-Rập. Chúng ta được may mắn là thành phần của Giáo Hội Công Giáo. Giáo Hội Công Giáo thúc đẩy và khuyến khích chúng ta sống tình huynh đệ đại đồng. Ngày thụ phong linh mục tôi chọn câu Phúc Âm trích từ thánh Gioan chương 10 câu 10: ”Thầy đến để cho loài người được sống và sống dồi dào”.

Thời thụ huấn bên Bỉ tôi học một bài học quý giá từ một Cha Sở. Cha Sở đặc trách hai giáo dân trong giáo xứ nhiệm vụ cổ động và canh chừng làm sao để tất cả mọi con chiên bổn đạo trong giáo xứ đều quen biết lẫn nhau. Thật là ý tưởng tuyệt vời.

Sứ mệnh của Linh Mục là xây dựng nhiệm thể Đức Chúa GIÊSU KITÔ bằng cách hoạt động cho tình hiệp nhất và mối hiệp thông. Hiệp nhất và hiệp thông cũng là đích điểm chung kết của bí tích Thánh Thể.

… ”Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Chúa KITÔ, tôi cho là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức KITÔ GIÊSU, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Chúa KITÔ và được kết hợp với Người. Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức KITÔ, tức là sự công chính do THIÊN CHÚA ban, dựa trên lòng tin. Vấn đề là được biết chính Đức KITÔ, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết. Nói thế, không phải là tôi đã đoạt giải, hay đã nên hoàn thiện đâu; nhưng tôi đang cố gắng chạy tới, mong chiếm đoạt, bởi lẽ chính tôi đã được Đức Chúa GIÊSU KITÔ chiếm đoạt” (Philipphê 3,7-12).

(”PARIS NOTRE-DAME, L’Église en mission à Paris”, Journal du Diocèse de Paris, Hebdomadaire, No 1483, 20 Juin 2013, trang 18)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

SÁNG NÀO THIÊN CHÚA CŨNG BAN ÂN HUỆ MỚI!

SÁNG NÀO THIÊN CHÚA CŨNG BAN ÂN HUỆ MỚI!

vietvatican.net

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
Bà Anne-Dauphine Julliand là ký giả kiêm văn sĩ và là bà mẹ Công Giáo năm nay 40 tuổi. Bà sinh ra và sống tại Paris, thủ đô nước Pháp. Ngày 10-3-2011 bà phát hành tác phẩm: ”Deux Petits Pas Sur Le Sable Mouillé – Hai Bước Chân Nhỏ Trên Cát Ướt” vỏn vẹn hai năm sau khi bé gái Thaiis 3 tuổi rưỡi qua đời. Tác phẩm là một bản tình ca: yêu sống, yêu con và yêu THIÊN CHÚA. Hai năm sau, ngày 23-5-2013, bà lại viết cuốn ”Une journée particulière – Một ngày đặc biệt” nhắc lại những yêu thương dành cho con gái Thaiis. Một ngày đặc biệt là ngày 29-2 ngày sinh nhật của bé Thaiis – mà nếu còn sống năm nay sẽ tròn 8 tuổi – và người ta chỉ có thể cử hành ngày này cứ bốn năm một lần!

Ông bà Loic và Anne-Dauphine Julliand cho ra chào đời bốn đứa con, 2 trai 2 gái: Gaspard, Thaiis, Azylis và Arthur. Đứa con gái lớn tên Thaiis bị mắc chứng di truyền loạn-dưỡng-bạch-cầu (leucodystrophie) và được chẩn bệnh vào năm lên hai tuổi. Các bác sĩ cho biết bé chỉ sống sót trong vòng vài tháng. Khi nhận hung tin, bà Anne-Dauphine thì thầm vào tai con gái lời hứa:
– Con sẽ có một cuộc đời đẹp. Cuộc đời không giống các trẻ khác nhưng là một cuộc đời mà con có thể hãnh diện!

Và đúng như lời hứa. Bé Thaiis sống thêm gần hai năm và là hai năm tràn đầy yêu thương. Đúng là một câu chuyện tình yêu.

Nhưng thử thách vẫn chưa chấm dứt. Bé gái thứ hai cũng mắc cùng chứng bệnh y như chị Thaiis của bé. Xin nhường lời cho bà Anne-Dauphine Julliand, người mẹ Công Giáo trẻ thật can đảm, tràn đầy hy vọng và đặt trọn niềm tin nơi THIÊN CHÚA.

Nói rằng mình có một đứa con bị đau ốm thì dễ hơn là thú nhận mình có đứa con khuyết tật. Khuyết tật gây lo âu sợ hãi hơn là đau bệnh. Khuyết tật tạo nên một tình cảm khang-khác khiến người ta lúng túng không thoải mái. Đứa con khuyết tật thay đổi nhiều điều trong cuộc sống gia đình của tôi. Thành thật mà nói cuộc sống thường nhật trở nên rắc-rối nhiêu-khê hơn. Đôi khi thật nặng nề. Thế nhưng đứa con khuyết tật đã thay đổi tâm lòng của chúng tôi. Chúng tôi học cách cảm thức trở lại sự giòn mỏng của đứa con cũng như của chính chúng tôi.

Khi khám phá ra Azylis – đứa con gái thứ hai của chúng tôi – mang cùng chứng bệnh với Thaiis, đã là một trận động đất trong đời sống lứa đôi của chúng tôi. Thế rồi trong khoảng thời gian đầu của cơn thử thách, chúng tôi đã quên mất nếp sống phu thê để dồn mọi chú ý trên đứa con khuyết tật. Chúng tôi không gặp khó khăn trong việc chu toàn nghĩa vụ của bậc làm cha làm mẹ, nhưng chỉ thiếu sót trong tình nghĩa vợ chồng. Từ từ chúng tôi học trở lại cách thức vợ chồng nhìn nhau, chú ý và chăm sóc lẫn nhau. Chúng tôi cũng học cách an ủi lẫn nhau nữa.

Trên đây tôi nói khuyết tật gây sợ hãi hơn là cơn bệnh. Điều làm cho chúng tôi sợ chính là sự khác biệt. Đối diện với người khuyết tật chúng tôi lo sợ không biết phải nói năng truyền thông như thế nào, không biết phải xử sự ra sao. Chúng tôi cố gắng dồn mọi nỗ lực thực thi điều chúng tôi có khả năng làm và không nghĩ đến chuyện nhìn người kia. Tôi chỉ lo sợ không thể hiểu được đứa con gái khuyết tật của mình. Tôi bèn học với con cách thức nói năng thông truyền bằng một kiểu khác.

Đức Tin giúp ích nâng đỡ tôi rất nhiều. Đức Tin không ngăn chặn tôi khỏi khóc lóc và khỏi đau khổ, nhưng Đức Tin giúp tôi nhìn sự việc dưới một nhãn quan khác, theo một cách thức khác. Tôi nghĩ rằng ngày hôm nay Đức Tin của tôi được lớn mạnh. Điều thay đổi trong Đức Tin của tôi chính là chiều sâu và nét nhân bản thực tế. Ngày người ta loan báo cho chúng tôi biết căn bệnh của đứa con gái thứ hai của chúng tôi, tôi nhận ra rằng Trời Cao không đổ ập trên đầu chúng tôi, nhưng Trời Cao đi vào căn nhà của chúng tôi, để cùng khóc với tôi và để đề nghị với tôi sự hiện diện của Trời Cao. Chính sự hiện diện của THIÊN CHÚA trong cuộc đời tôi là điều vô cùng thân thương và thật quý báu đối với tôi. Kể từ ngày tôi cảm nhận được điều này cùng với trọn Tình Yêu vô điều kiện tháp tùng, tôi không còn sợ hãi cuộc sống nữa. Tôi không còn sợ đau khổ cũng không sợ ngã quỵ lẫn không sợ yếu ớt giòn mỏng.

… ”Xin nhớ đến nỗi khốn cùng của con, và cuộc đời con vất vưởng nuốt cay ngậm đắng. Nỗi niềm riêng canh cánh bên lòng, khiến hồn con tiêu hao mòn mỏi. Đây là điều con suy đi gẫm lại, nhờ thế mà con vững dạ cậy trông: Lượng từ bi THIÊN CHÚA đâu đã cạn, lòng thương xót của Ngài mãi không vơi. Sáng nào Ngài cũng ban ân huệ mới. Lòng trung tín của Ngài cao cả biết bao! Con tự nhủ: ”THIÊN CHÚA là phần sản nghiệp của con, vì thế nơi Ngài, con trông cậy”. THIÊN CHÚA xử tốt với ai tin cậy Ngài, với ai hết lòng tìm kiếm Chúa. Biết thinh lặng đợi chờ, đợi chờ ơn cứu độ của THIÊN CHÚA, đó là một điều hay. Cũng là một điều hay cho người nào phải mang ách từ khi còn trẻ” (Sách Ai Ca 3,19-27).

(”OMBRES & lumière”, Revue Chrétienne Des Personnes Malades Et Handicapées, De Leurs Familles Et Amis, Mai-Juin 2013)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt