NỬA CUỐN SÁCH CUỘI

Rất hay, nên đọc và suy nghĩ

Ông Tràm Cà Mau viết truyện này hay đến đọc xong nhập tâm tin rằng cội nguồn cộng sản là do “Nửa cuốn sách cuội”.

NỬA CUỐN SÁCH CUỘI

Tâm là một thanh niên mới lớn.  Trong đầu anh ngùn ngụt lý tưởng cao đẹp. Anh thèm khát lý tưởng, mà không biết lý tưởng ở nơi đâu, lý tưởng là cái gì.  Bấy giờ là đầu thập niên 60 tại miền Nam Việt Nam, đời sống tương đối thanh bình, không hoàn toàn no ấm, nhưng cũng không đói khát.  Có tự do dân chủ phần nào, nhân dân không bị o ép ức chế qúa đáng.  Nhưng điều nầy ít người thấy được, nếu không biết so sánh với các chế độ độc tài tại các miền khác.

Vì lý tưởng nên cầu toàn. Tâm thấy chung quanh anh không có điều gì hoàn hảo cả.  Cái nào cũng có thiếu sót, sai trái, chưa vẹn toàn như anh mong mỏi. Bởi vậy, anh thấy bất mãn với chế độ, không bằng lòng với xã hội đang sống, muốn có sự thay đổi hoàn toàn, một cuộc cách mạng triệt để, may ra có được một xã hội lý tưởng mong muốn.

Khi đứng núi nầy, trông qua núi bên kia, thấy màu sắc long lanh tuyệt đẹp, tưởng núi bên kia rực rỡ thần tiên.  Y như Tâm đứng ở miền nam vĩ tuyến 17, ngóng về phía bắc, nghe bên kia vĩ tuyến đang xây dựng một xã hội tuyệt đối công bằng, không có người bóc lột người, không có chênh lệch giàu nghèo, mọi công dân đều được hưởng ấm no hạnh phúc.  Chỉ chừng đó thôi, cũng đã đủ hấp dẫn cái đầu óc cầu toàn lý tưởng của anh con trai mới lớn.  Bên dưới xã hội đó, còn được chiếu sáng bởi cái hào quang kháng chiến giành độc lập, đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi đất nước.  Tâm hoàn toàn không biết những sự thực của con người sống trong cái xã hội đó.  Anh cũng có đọc báo, có nghe thiên hạ nói về những điều vô cùng xấu xa đã và đang xảy ra  trong xã hội tại miền Bắc. Nhưng Tâm không tin, cho đó là những tuyên truyền ấu trỉ rẻ tiền, nói những điều quá đáng mà trẻ con  cũng không tin được. Hơn mười lăm năm sau, Tâm giật mình thấy sự thực còn tệ hơn nhiều lần những điều Tâm đã nghe được vào thời trước, mà tưởng là tuyên truyền lếu láo.

Tâm mơ ước được đi vào dòng cách mạng, đem tâm huyết, đem tuổi trẻ hiến dâng cho cái lý tưởng cao đẹp, phục vụ công bằng, bác ái, xây dựng đất nước cho được rạng rỡ hơn.

Tâm được một anh lớn tuổi hơn móc nối, đưa tài liệu kín cho Tâm đọc, đưa sách viết về triết lý cộng sản để Tâm nghiền ngẫm.  Càng đọc, càng thấm thía và Tâm muốn dấn thân ngay, càng sớm càng tốt.

Tâm đem lòng mình thổ lộ với An, một người bạn rất thân, để rủ rê An tham gia cùng hoạt động bí mật.  An khuyên Tâm nên để thì giờ học hành cho thành tài trước, và sau đó suy nghĩ chín chắn hơn, rồi chọn lựa và hành động.

An không thuyết phục được bạn, và biết rằng, khi tuổi trẻ say mê lý tưởng, thì còn hơn là say mê tình yêu. Yêu là mù quáng, không mù quáng thì không yêu. Kẻ say mê lý tưởng, còn mù quáng nhiều hơn. Thương bạn, An muốn Tâm đi thỉnh ý một bậc trưởng thượng, một người đã từng đi khắp năm châu bốn biển, đã lớn lên và sinh sống tại Nga Sô trước thời cách mạng 1917, và cả sau thời cách mạng, cho đến hết đệ nhị thế chiến.

 Đó là cụ Long, năm nay đã 95 tuổi, phiêu bạt sang Nga từ năm 1880, khi Việt Nam chưa bị Pháp hoàn toàn đô hộ.  Khi đó, cả hồ chí minh cũng chưa sinh.   Tâm cần gặp ông cụ Long, để biết nhiều hơn về cái lý thuyết và thực và tế của cái nôi cộng sản, xứ Nga Sô.

An hăng hái hướng dẫn Tâm đi.  Từ miền Trung lấy xe lửa về Nam, chuyển xe đò xuống miệt Long Xuyên, rồi chèo ghe nhỏ qua sông lạch, vào đến quận lỵ xa xôi vắng vẻ, đi bộ thêm vài cây số đường đất đến nhà ông cụ Long.

Tâm được dẫn vào bái kiến cụ Long, một ông già gầy gò,  ngồi co ro nửa thức nữa ngủ.  Râu cụ lưa thưa, tóc có nhiều cọng còn đen, hai hàm răng gần như nguyên vẹn, đóng bợn nâu vàng. Nhìn thấy dáng dấp bên ngoài của cụ, không có vẻ gì là tiên phong đạo cốt như Tâm đã vẽ vời trong trí, Tâm cũng hơi thất vọng trong lòng. Tự nhiên, niềm trân trọng trong lòng cũng hao hớt rất nhiều.  Cái náo nức đi tìm lời khuyên dạy vàng ngọc cũng nguội bớt đi.

Cụ kêu trẻ pha trà đãi khách, và mời ăn trái cây mới hái trong vườn. Tâm ngần ngại, định không bày tỏ cái tâm tình riêng tư của một kẻ tha thiết đi tìm chân lý cho cụ nghe. E rằng, chẳng đến đâu mà còn có thể bị hiểu lầm và di lụy về sau.

Nhưng Tâm cũng tò mò, muốn biết vài sự thực và chi tiết về những bước chân lãng tử giang hồ của cụ Long.  Trong một buổi mạn đàm uống trà, ăn bánh ngọt. Tâm do dự thưa:

“Cháu nghe nói cụ đã từng mòn gót chân lãng du khắp năm châu bốn biển.  Đã từng gặp gỡ và là bằng hữu của những nhân vật làm nên lịch sử hiện đại. Xin cụ vui lòng cho cháu biết cơ duyên nào đưa đẩy bước chân của cụ đi xa quê hương vạn dặm, đi ra xứ người trong một thời gian dài như vậy không?”

Cụ già hất tay lắc đầu nói:

“Thôi, thôi, đừng nhắc những chuyện xa xôi đó nữa, không ích lợi gì, thêm bận lòng già.  Nay ta cũng đã gần trăm tuổi, thời gian còn thấy bóng mặt trời không lâu nữa. Ta muốn vùi chôn quá khứ.  Nhiều lúc ta cũng mãi ân hận không nguôi, có lẽ ta cũng đã góp phần không ít, làm đau khổ di lụy đến hàng trăm triệu sinh linh trên thế giới nầy”.”

Tâm nghĩ ông già đã lẫn, nói chuyện mê sảng trong mơ.  Con người tầm thường như ông, làm sao mà di lụy đến hàng trăm sinh linh được.  Tâm nói:

“Thưa cụ, làm sao mà cụ lại lưu lạc trôi dạt qua tận nước Nga xa xôi lạnh lẽo đó. Khi ra khỏi nước, cụ đã bao nhiêu tuổi. Ở bên Nga, cụ đã làm gì?,

Im lặng một lát như không muốn thổ lộ tâm sự.  Nhưng rồi cụ cũng bắt đầu  tâm sự.

Cụ Long nhìn Tâm với ánh mắt thương xót mà nói:

“Tôi nghe cháu An nói anh đang đi tìm lý tưởng, và muốn chết cho lý tưởng anh đang tôn thờ.  Đáng ra tôi không nói, nhưng phảỉ nói để anh biết, và sáng suốt hơn, khỏi đi lạc đường, nguy hiểm lắm.

Tôi ra khỏi nước do một sự tình cờ.  Nguyên ông cụ thân sinh tôi làm quan võ dưới triều vua Tự Đức, bị hàm oan phải bỏ xứ ra đi. Khi đó tôi vừa 15 tuổi, nhưng đã làu thông kinh sử, đang chuẩn bị về kinh đô tham dự kỳ thi hội. Sợ bị bắt tội, ông cụ tôi hốt cả kho đụn công khố, lấy tiền vàng trả cho chủ tàu Hòa Lan, đem vợ con đi ra khỏi xứ, chưa biết đi đến đâu.  

Trên tàu, nhờ có võ nghệ, ông cụ tôi đã khóa tay, và giựt được con dao của một người say rượu, cứu mạng và bảo vệ  cho một thương gia người Nga khỏi bị thương tích.  

Ông nầy có cơ sở kinh doanh tại thành phố Saint Petersburg.  Vị thương gia người Nga nầy đề nghị cho cụ tôi hợp tác kinh doanh, trông nom một cửa hàng bách hoá tại thành phố nầy.

  Nhờ có đem theo nhiều vàng ngọc, của cải nên chẳng bao lâu, ông cụ tôi đã làm chủ riêng được  một cơ sở kinh doanh tại Kazan.  Cụ làm ăn rất mau phát đạt nhờ cần cù, chăm chỉ, lương thiện, nên có được uy tín.  

Sau đó, bắt chước đám Do Thái, mở thêm tiệm cho vay, cầm đồ.  Dân nghèo địa phương kháo nhau về nơi cho vay không cắt cổ quá đáng, không bóc lột như các nơi khác. 

Chính nơi đây, nhiều nhà cách mạng Nga khi còn hàn vi đói rách, đã là thân chủ trung thành của tiệm cầm đồ, hoặc vay non tiền lương để vợ con bớt nheo nhóc, dài cổ trông chờ bánh mì hẩm nguội. Cũng tại đây, mà tôi quen ông Vladimir Ulianov, tức ông Lê Nin. 

 Một hôm ông  đến cầm đồ, và nhận ra tôi là bạn chung trường tại đại học Kazan, học trên ông hai lớp ở phân khoa Luật học.  Dạo đó vào khoảng năm 1887, khi đó tôi đã 22 tuổi, và ở nước Nga đã được bảy năm. 

 Khi đã nhận ra bạn chung trường, tôi thường cho ông nầy mượn chút tiền lẻ, mà ít khi thấy ông trả lại sòng phẳng.  Nhưng tôi không cần đòi nợ, vì tiền do cha mẹ làm ra, không phải là mồ hôi nước mắt của riêng mình nên không tiếc. 

 Bẵng đi một thời gian chừng hơn một năm, tôi mới gặp lại ông  Vladimir nầy, trông bộ gầy gò xơ xác.  Ông cho biết đã bị đuổi học, và bị phát lưu đến Kokushino.  Ông hỏi mượn tiền, và đưa một cuốn sách cũ nát làm của thế chấp. 

 Được biết cuốn sách nầy là vật gia bảo truyền đời từ hơn nhiều ngàn năm. Không biết ông nầy có thấy tôi là người sang nên bắt quàng làm họ hay không.  Ông nói rằng, tổ tiên bốn đời trước của ông cũng là người An-Nam, họ phò tá một vị vua mất ngôi chạy sang Tàu.  Mưu sự không thành,  rồi trôi dạt lên miền Ngoại Mông, Tây Bá Lợi Á, cuối cùng qua Nga lập nghiệp, lấy vợ bản xứ, sinh sản con cái. Ông Vladimir cho biết tên An Nam của ông là Lê Nin.  

Tổ tiên nguyên họ khác, nhưng vì có công giúp vua Lê Lợi khởi nghĩa, nên được đặc ân đổi thành họ Lê. Tôi nghĩ là ông nầy túng bấn, muốn mượn tiền, nên bày đặt câu chuyện làm quà mua vui. Nhưng có điều khó hiểu, là làm sao ông nầy biết được một phần của lịch sử nước Nam mình mà nói như thật. Khi mở lớp da bao bên ngoài cuốn sách thì tôi giật mình vì thấy mấy dòng chữ Nôm ghi: 

‘Đừng mở và đọc tập sách nầy, vì có thể gây đại họa cho bách tính’

Bên trên cuốn sách, cũng có một câu phiên dịch bằng tiếng Nga, với ý nghĩa tương tự.  Sau nầy truy cứu, tôi mới biết đây là nửa cuốn sách còn lại của ông Cuội trong truyện cổ tích, khi bà vợ Cuội đem sách nói dối ra đốt.  Ông Cuội về kịp dập tắt, còn lại nửa cuốn.

Tôi bằng lòng cho ông Vladimir mượn tiền, nhưng không giữ cuốn sách lại.  Thấy tôi đọc được phần chữ Nôm bên ngoài, ông Vladimir hớn hở muốn biết nội dung của cuốn sách gia bảo truyền đời.

 Tôi cũng tò mò, giở ra xem, thì thấy sách nguyên thủy viết bằng loại chữ loăng quăng như giun bò, nhưng bên cạnh có chua bằng chữ Nôm, chữ li ti rất nhỏ. Có nơi nét  đã nhòe, nếu không vững về Hán tự, thì khó mà đọc được. 

Tôi phiên dịch cho ông nghe vài đọan, ông thích thú la hoảng lên như bắt được vàng. Thế là từ đó, ông cứ quấy rầy tôi mãi, đến nhờ tôi phiên dịch từng trang, và cẩn thận trân trọng ghi chú vào cuốn sách riêng của ông. 

Tôi cũng khá bực mình, vì nội dung cuốn sách toàn những mánh khóe nói dối, lừa gạt, gian xảo. Thế mà ông Lê Nin mê say như tìm được chân lý chói lòa. 

Bây giờ tôi cứ gọi ông Lê cho tiện, không Vladimir, Vladi-miếc gì nữa.  Tôi cũng tức cười vì cái câu ghi ngoài cuốn sách, mánh khóe nói dối bịp thiên hạ, thì làm sao mà gây đại họa cho bách tính được?

Ông Lê nầy khá thông minh và láu lỉnh, là một người đầy tham vọng, mưu mô. Vì bị đuổi học, ông mượn tôi mớ sách vở, tài liệu cũ của trường Luật mà tự học, và nhờ tôi cho đề thi cũ, nhiều đề đã làm sẵn như bài tủ, mà thi đậu như thí sinh tự do.

Khi tôi chuyển về Saint Petersburg làm việc cho một văn phòng luật sư, thì ông Lê xin đi theo. Tôi cho ông làm phụ tá pháp lý. Chuyên thu thập tài liệu, tin tức lặt vặt, như đánh ghen, tranh chấp hàng rào, đất đai, của cải nho nhỏ, mà ngày nay báo chí thường gọi là tin xe cán chó.

Lúc nầy, tôi có một người bạn gái đeo riết mà gỡ không ra, đó là nàng Na-Đê. Cô ta hiền lành, dễ thương và rất lý tưởng. Dù tôi đã có vợ và hai con, nhưng cũng không gỡ ra được mối oan tình nầy. May mắn cho tôi, ông Lê thầm yêu cô nầy mê mệt. Chúng tôi thường cùng uống cà phê bên vỉa hè và kháo chuyện trời đất.  Tôi tìm cách gán cô Na Đê qua cho ông Lê, và hai người dính nhau. Tôi thường mời cả hai đi ăn chung, và giúp đỡ tiền bạc, tài chánh cho họ.

Khoảng cuối năm 1895 ông Lê lại bị bắt, và sau đó bị đưa đi đày tận miền đông bắc buốt giá của nước Nga.  Sau ba năm đi đày về, ông Lê viết được nhiều cuốn sách, đem cho tôi xem thử. Đọc xong, tôi ngẩn ngơ, vì nội dung sách ông viết, bàng bạc ý tưởng trong nửa cuốn sách Cuội mà tôi đã dịch cho ông ghi lại.  Tôi bảo ông nên  đem đốt hết đi, đừng nên phổ biến những tư tưởng dóc lác nầy, làm hư cái chân thiện của loài người.  Ông không giận tôi, mà còn cười, cái cười đểu lắm.  Bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in cái nụ cười đểu giả đó.

Tôi vẫn ngấm ngầm giúp đỡ tài chánh cho hai vợ chồng ông. Dù sao, bà Lê cũng là bạn cũ thân thiết của tôi. Sau nầy, ông viết thêm được nhiều tập sách khác nữa. Nội dung cũng không ra ngoài nửa cuốn sách Cuội mà ông có. 

 Nghĩa là bịp, bịp bợm. Ông bẻ cong một triết lý tào lao, không tưởng, ác độc khác, và nhuần nhuyễn kết hợp với tư tưởng ông Cuội để làm căn bản cho những sách của ông viết, và những điều ông nói.

Tôi làm ăn càng ngày càng khấm khá. Ông Lê cứ bị truy lùng, và phiêu dạt nay đây, mai đó, khi ra ngoại quốc, khi lẻn về nước Nga. Tôi thường an ủi bà Na-Đê, vợ ông, vì số  phận hẩm hiu.

Thế giới chiến tranh lần thứ nhất bùng nổ, tình hình nước Nga dạo nầy rối ren khủng khiếp. Thực phẩm khan hiếm, đã lạnh mà còn đói nữa, thì khổ lắm. Lòng dân như một cái nồi nước sôi bí hơi căng cứng, chờ dịp bùng nổ. 

Ông Lê biết vậy, và nói với tôi rằng, cứ la toáng lên, hứa hẹn đại rằng, sẽ có công ăn việc làm, có cơm ăn, áo mặc, công bằng.  Có đủ thứ, thì thợ thuyền, dân nghèo ùn ùn chạy theo. Thanh niên mới lớn, lòng đầy lý tưởng bác ái, nhân đạo, nghe được những điều đó, thì mê tơi củ kiệu.

 Có chết cho lý tưởng, cũng hãnh diện, cam lòng. Nhiều người cho tôi biết rằng, nước Đức đã chi tiền, đưa ông Lê về để quấy động làm suy yếu nước Nga. Ông Lê cũng biết vậy, nhưng cơ hội đến, thì cứ nắm bắt và lợi dụng.

Thỉnh thoảng ông Lê cũng có mời tôi tham gia các buổi họp kín trong nội bộ của đảng ông.  Ông muốn quyến dụ tôi.  Tôi đi họp vì tò mò, chứ tôi vốn không ưa chuyện chính trị. Có lẽ vì tôi chịu chi tiền, mua bánh trái, trà nước cho các buổi họp thêm phần hấp dẫn, và có lẽ nhờ có ăn uống chút chút, mà thu hút được đông đảo người đi họp hơn. Sau buổi họp, tôi thường đi uống cà phê với họ. 

Do đó, mà tôi quen biết nhiều với các tay gộc trong nhóm cầm quyền nước Nga sau nầy. Các tay gộc nầy, sau khi nắm được chính quyền, xâu xé tranh giành nhau dữ dội. Đa số bị giết chết vì nội bộ thanh toán, một số nhỏ chạy thoát ra ngọai quốc ẩn mình, thế mà cũng bị truy lùng tận diệt.

Sau khi hoàng gia Nga bị xử bắn, và ông Lê nắm được chính quyền và lên làm lãnh tụ, ông cho thanh toán và khủng bố dữ dội. Nước Nga bao trùm trong sợ hãi.  Tịch thu tài sản của người giàu. Nhà cửa bị sung công cho dân nghèo chia nhau trú ngụ.

 Bọn đồ điếu tha hồ tung hoành, tác oai tác quái.  Trí thức bị trù dập, bắt bớ, tù đày.  Nạn đói còn khủng khiếp hơn trước thời chiến tranh. Sau đó, lương thực được phân phối theo khẩu phần, thành ra ai cũng đói cả.

Trong lúc cả nước đều khốn khó, vì đói khát, khủng bố, lo lắng, bắt bớ, tù đày, thì gia đình tôi vẫn sung túc, nguyên vẹn, nhà cửa không bị tịch thu, trưng dụng, của cải không hề bị đụng chạm mảy may. Bởi tôi đã có quen biết, ân nghĩa nhiều với các Ủy Viên trong toàn Bộ Chính Trị đang cầm quyền.  Có mấy ông đảng ủy địa phương không biết cái thế của tôi, đòi tịch thu nhà cửa, của cải, tài sản. Mấy ông nầy đều bị bắt, và đưa đi đày ở miền Tây Bá Lợi Á cả.  Tôi không biết họ bị đi đày, tưởng đâu họ chỉ bị chuyển công tác qua vùng khác mà thôi.

Khi nước Nga chìm đắm trong sợ hãi, ngột ngạt, khủng bố trắng, khủng bố đen Một hôm tôi tìm gặp ông Lê, hai người nằm chung giường, gác chân lên nhau mà tâm sự chuyện đời đến khuya. 

Tôi nói cho ông biết tình hình thực sự trong xã hội, vì e rằng, ông ở chức vụ cao, nghe báo cáo sai lạc, không đi sát thực tế.  

Thì ra ông biết rõ hết.  Tôi hỏi ông, tại sao không đoàn kết toàn xã hội mà xây dựng đất nước.  Bày chi việc phân chia và đấu tranh giai cấp, lấy thợ thuyền làm chủ và lãnh đạo. 

Ông cười và bảo rằng tôi mới biết một, mà không biết hai. Vì thợ thuyền đa số đều ngu dốt, cho một chút quyền hành, thoả mãn cái thèm khát thấp hèn trong lòng họ, thì bảo gì, cũng nghe theo, nói gì cũng tin tưởng.  Hăng hái làm theo mệnh lệnh.  Có thế mới củng cố được địa vị của ông và đảng ông. 

Tôi hỏi ông về chính sách khủng bố, thanh toán, có nên chấm dứt sớm, để cho nhân dân bớt sợ hãi, bớt lo lắng mà yên lòng làm ăn không? 

Ông cười lớn, vỗ vai tôi, nói rằng, thế thì tôi chưa hiểu được cái ý nghĩa của mấy chữ “bạo lực cách mạng” do ông bày ra.  Phải khủng bố, và khủng bố nhiều hơn nữa, càng nhiều càng tốt, khủng bố cho đến khi dân chúng sợ hãi cực độ, hoàn toàn mềm nhũn ra, không còn một sức đối kháng nào, thì đảng ông, nhà nước ông và địa vị của ông thêm bền vững, chắc chắn. 

Tôi hỏi thêm, liệu các chính sách kinh tế, xã hội của ông có cơ may nào đem no ấm hạnh phúc cho dân chúng như ông đã từng hứa hẹn, lặp đi lặp lại thường ngày hay không?

 Ông nói rằng, hứa hẹn thì cứ hứa hẹn, dân chúng có ấm no hạnh phúc hay không thì mặc họ.  Dân càng đói, càng dễ trị.  Cứ nắm chặt cái bao tử dân, cho ăn lưng lửng bụng, thì mọi người đều khuất phục, vì họ sợ mất cái phần ăn ít ỏi kia đi, khổ lắm. 

Mình cứ hứa hẹn tương lai cho họ nghe sướng lỗ tai là đủ.  Chứ cho dân ăn no, thì cũng dễ sinh ra loạn lạc.  Tôi nghe mà buồn và thở dài. Ông nói rằng, lòng dạ tôi còn yếu đuối như đàn bà.  

Tôi hỏi thêm tại sao nhiều người bị thanh toán, bị đi đày oan ức tội nghiệp. 

Ông bảo, muốn được yên ổn, thì hy sinh chừng bấy nhiêu người, cũng chẳng đáng là bao. 

Tôi đem điều lo lắng nhất trong lòng ra tâm sự cùng ông, là nhiều năm qua, nhân tâm suy đồi lắm.  Con người cứ lấy dối trá ra mà cư xử nhau, nhà nước cũng nói toàn điều không thật.   Đó là điều nguy hại cho nhiều thế hệ mai sau. 

Ông Lê dậy bật đèn lên, lấy cuốn sổ tay cũ kỹ trên kệ, phất phất trước mặt tôi, và hỏi có nhớ cuốn nầy không?  Ông cười toe toét thỏa mãn lắm.  Tôi nhận ra đó là cuốn sách ghi lời dịch của tôi từ nửa cuốn sách Cuội.  Ông Lê nói lớn thêm rằng, ông sẽ thống trị thế giới nhờ cuốn sổ tay nầy.

Mấy năm sau, ông Lê  bị tai biến mạch máu não, nữa người tê liệt, nằm trên ghế dựa, thế mà vẫn hung hăng.  Bà vợ tận tâm, không quản ngại mệt nhọc, chăm sóc ngày đêm.  Ông vẫn đưa mệnh lệnh, vẫn thanh toán người này, cất nhắc người kia qua trung gian của ông Stalin.  Đáng ra trong tình trạng bệnh hoạn đó, con người phải biết cái lẽ sai đúng của trời đất mà tỉnh ngộ, thôi làm điều ác.  Tôi có đến thăm ông Lê mấy lần, ông nói ngọng, khó khăn, thế mà vẫn còn nhắc đến chuyện ngày xưa cùng đi đến chỗ yêu hoa, mắt ông rực sáng lên khoái trá.

Người ta xầm xì rằng, một hôm bà vợ ông Lê có công chuyện đi vắng.  Ông Stalin vào trình báo công việc, thấy ông Lê đang há hốc miệng nằm ngáy, cuốn sổ tay rơi nằm trên sàn nhà.  Ông Stalin mở ra xem, càng xem ông càng hớn hở.  Rồi động tâm cơ, ông Stalin dấu cuốn sổ vào túi áo vét, và lấy chiếc gối đè ghịt lên mặt ông Lê.  

Ông Lê vùng vẫy yếu ớt, dẫy dẫy chân tay, vãi phân, vãi tiểu ra cả quần mà băng hà. Đồng chí gái phục vụ thấy được, nhưng không dám nói ra vì sợ mất mạng.  

Dạo đó vào mùa xuân năm 1924, ông Lê được 54 tuổi, và tôi xấp xỉ tuổi sáu mươi. 

Ông Stalin chớp được bản dịch sơ luợc nữa cuốn sách Cuội từ ông Lê, và đem ra áp dụng triệt để.  Quyền hành càng vững chắc hơn bao giờ cả.  Ông phát huy tối đa lý thuyết Cuội, và đem truyền bá đi khắp năm châu bốn biển.  Nhiều tỉ người mê sảng trong dối gian, láo khoét mà rất nhiều khi chính ngay bản thân họ, cũng không biết là họ đang nói dối hay nói thật.

Bạn bè cũ của tôi trong Bộ Chính Trị, thuộc giới cầm quyền, bị thanh toán, bị hành quyết dần dần, ông nào trước khi chết cũng có bản tự khai, thú tội là phản cách mạng, là tay sai tư bản đế quốc.

 Dù tôi cũng có quen biết, có chút ân tình với ông Stalin, vì đã che dấu, cho ông trú ngụ, cơm ăn, áo mặc vào thời kỳ ông vừa vượt ngục trốn trại tù khổ sai từ Siberia về. 

Và cả về sau, khi ông còn vất vưởng không nhà, thỉnh thoảng cũng dúi cho một ít tiền còm mua bánh mì ăn qua bữa. Nhưng tôi cũng ngán và sợ tiếp xúc với ông.  Ông nầy như con thú ác hiểm. 

Ngay cả những vị trong Chính Trị Bộ được ông mời ăn cơm thân mật, buổi tối khi ra về, cũng hồi hộp không biết sẽ được về đâu, ra nghĩa địa hay đi đày Siberia, hay được thực sự về nhà với vợ con.  Chỉ khi đóng cửa nhà, mới hú hồn mừng rỡ.  Đó, tôi không ngại sao được. Tôi nghĩ, càng thu mình lại, càng lu mờ càng tốt.  Thời gian nầy, tôi rất muốn di cư ra khỏi nước Nga, mà sợ, không dám xin đi.

Một lần tình cờ gặp ông Stalin, tôi hỏi bao giờ thì nước Mỹ trở thành cộng sản.  

Ông lắc đầu nói rằng, không bao giờ cả, vì Mỹ mà thành cộng sản thì ai bán lúa mì cho chúng ta ăn.  Khi đó thì Mỹ cũng đói dài dài. 

Có lần gặp một uỷ viên trong bộ chính trị, tôi dò ý, muốn nhờ ông nầy vận động cho tôi được đi ra khỏi nước Nga.  Tôi thăm dò và hỏi ông tại sao có nhiều người muốn đi ra khỏi xứ nầy, và làm sao mà họ xin đi được, ai là cấp thẩm quyền chấp thuận cho họ được ra đi.  Ông trả lời rằng, những người không muốn sống trong xã hội chủ nghĩa nữa, thì cần gởi họ đi lao động ở miền Siberia cho họ biết giá trị của đời sống hiện nay. 

Ông nói rằng, trong xứ xã hội chủ nghĩa có bảy điều siêu việt, mà các xứ tư bản không thể có được. 

Thứ nhất, tất cả mọi công dân đều có công ăn việc làm. 

Thứ hai là có công ăn việc làm, nhưng ai cũng không cần làm  việc chi cả. 

 Thứ ba, dù không ai làm việc cả, nhưng tất cả mọi kế hoạch đều đạt được chỉ tiêu mỹ mãn. 

Thứ tư, dù mọi chỉ tiêu đều đạt, nhưng hàng hóa tiêu dùng vẫn thiếu hụt. 

Thứ năm, dù hàng hóa thiếu hụt nhưng mọi người vẫn có đủ mọi thứ. 

Thứ sáu, dù đã có đủ mọi thứ, mà tất cả mọi người đều cứ thuổng thêm của công.  

Thứ bảy, dù mọi ngưòi đều thuổng của công, nhưng không có  báo cáo bị mất gì cả. 

Ông ấy tiếp lời rằng, nếu không là xã hội chủ nghĩa, thì làm sao có được những điều ưu việt như thế (*).  Nghe được vậy, tôi cũng lặng người mà thôi.

Tôi cũng có gặp gỡ một số người Việt Nam đi qua Nga Sô để huấn luyện nghề cộng sản.  Tôi gọi là nghề, vì theo cộng sản là một cách kiếm ăn mà khỏi lao động cực nhọc. 

Những người nầy, họ có nghe đến tôi, và tìm gặp.  Họ lả những người như ông Phú, ông Thành, cô Khai, tôi đều có mời ăn vài ba lần, và lâu lâu cũng có giúp đỡ một ít tiền bạc, hoặc một cái vé xe lửa đi đường xa. 

Tôi cũng có khuyên họ rằng, sau nầy nếu có thành công trong việc tranh đoạt chính quyền, cũng nên lấy nhân ái làm gốc, đừng khủng bố, áp bức kềm kẹp nhân dân trong gọng kềm chuyên chính, đừng làm suy đồi xã hội bởi lý thuyết dối trá ông Cuội. 

Than ôi, lời khuyên của tôi cũng chẳng khác chi nước xối đầu vịt. Nhưng tôi phải nói, phải dặn dò, dù biết trước mười mươi rằng, sau nầy họ không nghe, không làm theo.

Tôi cũng có gặp và quen biết nhiều, cả ông Lưu Thiếu Kỳ, chủ tịch nhà nước Trung Hoa khi qua Nga học nghe cộng sản.  Tôi cũng có nhắn nhủ ông nầy nhiều lần về đạo làm người, lòng nhân ái.  Bên ngoài, thì ông nầy lễ phép, dễ thương, nhưng làm sao mà đọc được lòng người.

Sau khi thế giới đại chiến lần thứ hai chấm dứt, nhiều quốc gia Âu Châu trở thành cộng sản, và sống trong tai họa tầy đình của sự hà khắc, áp bức ngu xuẩn đó. 

Và về sau, ở bên Trung Hoa, ông Mao, ông Lưu, vớ được vài trang bản sao sách Cuội học được từ đàn anh Liên Xô, mà nắm được chính quyền trong tay.  Cả gần một nửa nhân loại trên hành tinh nầy chịu áp bức, đày đọa, hăm dọa ngày đêm, từ tinh thần đến vật chất. 

Tôi cảm thấy có phần trách nhiệm, tội lỗi đã gây ra khi dịch nửa cuốn sách Cuội cho ông Lê ghi chép lại. Bởi thế cho nên tôi sợ chết, vì chết sẽ bị về địa ngục hành hình. Tôi ráng sống, cố kéo dài ngày đi đền tội ác đã gây ra.  Tội của tôi, tuy gián tiếp, nhưng cũng có thể nặng hơn tội các ông lãnh tụ trực tiếp vấy máu trên tay. 

Nhiều năm tôi ân hận, mất ngủ, và thương xót nhiều trăm triệu người đang bị chủ thuyết Cuội xéo dày”.

Cụ Long nghỉ một lát, chiêu thêm hớp trà, rồi từ tốn nói tiếp: 

“Này anh bạn.  Khi tuổi còn trẻ, thì có một lý tưởng là tốt.  Không có lý tưởng thì như con thuyền không lái, lênh đênh, bơ vơ không biết về bến bờ nào.   Cứ mơ mộng đi, mộng to, mộng nhỏ, mộng nào cũng tốt cả.  Có lý tưởng, để đem mộng vào thực, và đem thực vào mộng. Nhưng đa số những người nuôi mộng, phải cố gắng, đấu tranh cực lực với ngoại cảnh, với bản thân, và sau khi mộng đã thành, thì họ cảm thấy hụt hẫng, như không có gì cả, như phí phạm cả một đời để được cái ‘không’, Mà phải hy sinh không biết bao nhiêu là sức lực, xương máu, và thời gian sống của đời người.  

Bởi vậy, có nhiều kẻ xem những người trẻ có lý tưởng là một lũ ngu ngơ, dại khờ.  Và vì ngu ngơ, khờ dại nên rất dễ bị lợi dụng, bị cho ăn phân gà mà cứ vênh mặt lên hãnh diện.  Đã có rất nhiều người trẻ chết cho lý tưởng, chết vì lý tưởng, và sung sướng đem mạng mình ra để làm một viên gạch xây dựng lý tưởng. Họ cũng không ngờ, cái viên gạch là sinh mạng họ, đem ra để xây nhà tù, giam hãm, nhốt những kẻ hiền lương vào trong đó. Hoặc cái lý tưởng đó, quay lại gây nên khổ đau cho nhân quần xã hội. Kẻ lớn tuổi mà còn hăng say lý tưởng, thì có thể xem như gàn, cứng đầu, khó thỏa hiệp”.

Nghe cụ Long kể chuyện, Tâm chán nản trong lòng, nghĩ rằng, có lẽ ông già đã hoá khùng, lẩm cẩm, kể chuyện hoang đường, không tưởng.

Mấy năm sau, chiến tranh lan tràn khắp đất nước, bom đạn, chết chóc. Tâm được giao phó trách nhiệm làm công tác trí vận tại thành phố Sài gòn.  Tâm hăng say hoạt động trong bí mật, mơ một ngày tươi sáng, toàn dân được sống trong công bằng, no ấm và hạnh phúc.

Năm 1975, chiến tranh chấm dứt.  Tâm được đi thăm trái tim tổ quốc Hà Nội.  Được thực sự thấy và sống trong thiên đàng xã hội chủ nghĩa mà bao năm nay anh hằng mơ ước.

Tâm đã tìm về mộ cụ Long, thắp hương và nước mắt dầm dề ân hận. Mấy năm sau, Tâm đã cùng bạn là An lén lút dong thuyền ra khơi

Trước khi nhắm mắt vì đói và khát trên biển, Tâm đã thì thầm cùng An: “TÔI TƯỞNG NỮA CUỐN SÁCH CUỘI LÀ CHUYỆN HOANG ĐƯỜNG, KHÔNG NGỜ CÓ THẬT” ./.

TramCaMau

(*)  theo truyện tiếu lâm Ba Lan

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay