ĐÊM KỊCH TẤT NIÊN

ĐÊM KỊCH TẤT NIÊN

Đoàn Dự

HỒI NHỎ, học xong tiểu học tôi thi vào lớp Đệ Thất (lớp 6 bây giờ) trường Nguyễn Trãi Sài Gòn. Hai năm sau, bắt đầu lên Đệ Ngũ thì tôi đi học tư thêm lớp Đệ Tứ ở trường Cộng Hòa đường Pasteur và mua sách về nhà tự học để đi thi Trung học. Đậu xong trung học, tôi thi vào lớp Đệ Tam (lớp 10) trường Hồ Ngọc Cẩn đặng quay trở lại trường công nhưng nhanh hơn được một năm.

Đang học Đệ Tam trường Hồ Ngọc Cẩn vừa được đúng một tuần lễ thì tôi thấy người ta phát quảng cáo là trường Trung học tư thục Tân Phương của ông Phan Ngô cho thi học bổng vào lớp Đệ Nhị (lớp 11). Người hạng nhất và người hạng nhì sẽ được miễn học phí, người đậu hạng ba chỉ phải đóng một nửa còn các học sinh khác nghèo thì sẽ được nhà trường cứu xét.

Đây là một hình thức quảng cáo nhưng tôi cũng nộp đơn, xách bút đi thi thử xem sức mình ra sao, nếu may ra đậu hạng cao, được miễn hay giảm học phí là tôi sẽ bỏ Hồ Ngọc Cẩn, nhảy thẳng lên lớp Đệ Nhị, đi thi Tú tài phần I, nhanh thêm được một năm nữa.

Đúng là chó ngáp phải ruồi, may sao tôi đậu hạng nhì còn một người tên Trần Thị Phi Vân thì đậu hạng nhất, vậy là được miễn học phí. Tôi bỏ Hồ Ngọc Cẩn, học trường Tân Phương.

o0o

Hồi ấy các trường trung học công lập như Petrus Ký, Trần Lục, Võ Trường Toản, Nguyễn Trãi, Chu Văn An…là trường nam sinh, gồm toàn con trai, còn con gái thì thi vào trường Trưng Vương hoặc Gia Long tức nữ trung học.

Tiểu học tôi học trường con trai, thi vào Nguyễn Trãi cũng trường con trai, bây giờ ra trường tư, học chung với con gái tôi thấy hay hay, lạ lạ nhưng cũng thú vị.

Từ nhỏ đi học tôi thường ngồi đầu bàn thứ ba ở phía giữa lớp ngay chỗ lối đi. Ngồi bàn thứ ba là vừa vặn nhất, không xa đến nỗi không nghe rõ lời thầy giảng mà cũng không gần đến nỗi bị bụi phấn bay vào mặt. Còn ngồi đầu bàn ở phía giữa lớp thì tiện, ra vô không phải leo qua lưng các bạn, và thầy cũng hay đi tới đi lui, có gì không hiểu mình dễ hỏi thầy.

Vào trường Tân Phương tôi cũng “tranh thủ” ngồi đúng như thế. Cách tôi lối đi, ở phía bên kia là các dãy bàn con gái, mỗi bàn ngồi sáu người. Người ngồi ngoài cùng, cũng đầu dẫy bàn thứ ba ngang với tôi trông rất xinh, đôi mắt đen lay láy và nụ cười thật tươi. Tôi bí mật coi trộm trong bản đồ lớp thì thấy “nàng” tên Ngọc Điệp – Nguyễn Thị Ngọc Điệp – một cái tên rất đáng mơ mộng!

Chị Điệp xinh lắm, cặp mắt đen, ướt át nhưng chắc chắn học không bằng tôi. Tôi biết. Bởi vì ở trường tư học sinh thường học theo kiểu thụ động, không chịu giơ tay xung phong lên bảng mà cũng ít khi tự mình làm bài thêm ở nhà trong khi nhà trường rất chiều học sinh, không dám đụng tới, “hễ lười là chết” như trong trường công. Riêng tôi, tôi quen lối học trong trường công, ra trường tư tôi vẫn giữ lối học chủ động, hễ có bài toán nào khó là tôi giơ tay lên bảng, kể cả tiếng Anh hoặc toán lý hoá, các thầy thích lắm, coi tôi như một học sinh đặc biệt và các bạn cũng nể, nhất là chị Điệp, chị phục tôi lắm.

Chẳng những ham học mà tôi còn ham hoạt động thể dục thể thao, như đánh bóng chuyền ở trong sân trường trong giờ ra chơi và thích văn nghệ. Tôi hay làm thơ, mặc dầu thơ thẩn của tôi có lẽ thuộc loại thơ… con cóc:

Chàng trai gối mộng trên trang sách

Cô gái bên song gắng đợi chờ

Mây trời lững thững mà vương vấn

Vương cả lòng ta lẫn ước mơ…

Có lần chị Điệp với tay sang mượn tôi quyển vở. Thấy mấy câu thơ, chị chăm chú đọc, có vẻ ngạc nhiên:

– Thơ ai làm vậy?

– Tui.

– Thiệt không? Anh làm được thơ?

Thiệt chứ, thiếu gì, cứ hứng là làm. Đây này…

Tôi mở mấy trang phía sau cuốn tập chỉ cho chị thấy. Chị Điệp tấm tắc:

Hay quá ta, chép tặng tui đi. Anh chép tặng tui làm kỷ niệm.

Tôi viết những câu thơ ra giấy, chị Điệp coi lại, cám ơn rồi mở cặp táp bỏ sang cho tôi mấy cục kẹo:

– Mần thơ hay tui thưởng cho đó.

Lại một lần khác, chị thấy mấy câu tôi viết trong tập :

“Em đi rừng núi vào xuân

Áo thiên thanh dệt trắng ngần hoa lan”

– Thơ của ai vậy?

– Tui không nhớ, viết thì viết vậy thôi, không phải của tui.

Chép cho tui đi!

Tôi lại chép và nàng lại tặng tôi mấy cục kẹo. Cứ như thế hai đứa chúng tôi chơi với nhau rất thân qua những câu thơ tôi ghi trong tập. Mãi sau này tôi mới biế đó là hai câu thơ của thi sĩ Đinh Hùng.

Tôi quên chưa kể là trong lớp tôi, ở khu “xóm nhà lá” tức mấy bàn cuối có một anh tên Thạnh, chơi đàn ghi-ta rất giỏi, được thầy hiệu trưởng Phan Ngô cho làm trưởng ban văn nghệ của lớp. Ngày trước anh Thạnh học ở trường Tân Thịnh, tiền thân của trường Tân Phương ở trên Tân Định. Hai anh em giáo sư Phan Ngô, Phan Thuyết mở trường này, làm ăn hết sức phát đạt. Đùng một cái, hai vị chia rẽ, không thể hàn gắn lại được, bèn bán trường, ông Phan Thuyết sang Gia Định mở trường Đạt Đức, còn thầy Phan Ngô mở trường Tân Phương cũng ở Gia Định. Giáo sư Phan Ngô là người ăn nói giỏi, làm hiệu trưởng nhưng cư xử rất thân thiết với học sinh nên khi ông chuyển trường sang Gia Định, đa số các học sinh cũ ở Tân Thịnh đều đi theo, trong đó có anh Thạnh, chị Ngọc Điệp, chị Phi Vân và nhiều người khác nữa. Đối với những người này thầy Phan Ngô có nhiều ưu ái, luôn luôn hỏi han, gần như biết rõ từng người nên họ rất thích.

o0o

Quay đi quay vậy mà đã gần tới tết. Nhà trường ra thông báo chuẩn bị kế hoạch liên hoan, văn nghệ, cắm trại ở trong sân trường và mời tất cả các trưởng ban văn nghệ lên họp để phổ biến cho lớp.

Họp xong, trong giờ ra chơi, anh Thạnh lên mời các bạn ngồi lại, giữ trật tự để anh phổ biến kế hoạch:

“Thưa các bạn, mùa xuân sắp tới. Mỗi khi mùa xuân tới hoa xuân lại nở trên cành…”.

Tụi tôi cười, nhiều anh vừa cười vừa suỵt : “Nói gì thì nói đại đi cho rồi…”

“Theo thông lệ hàng năm như các bạn đã biết, trước khi nghỉ tết nhà trường sẽ tổ chức một đêm văn nghệ tất niên. Thầy hiệu trưởng ra lệnh cho mỗi lớp đóng góp một số tiết mục. Riêng lớp ta, vì là lớp lớn đứng đầu trong trường nên thầy đề nghị ngoài các tiết mục đơn ca, song ca, hợp ca, chúng ta nên diễn một vở kịch cho chương trình văn nghệ thêm phần đặc sắc …”.

– “Không có vở thì lấy gì mà diễn?”.

– “Có, ban văn nghệ sẽ kiếm”.

Tuy hứa sẽ kiếm nhưng anh Thạnh là người làm việc lộn xộn, không có phương pháp, cứ đến giờ ra chơi là lo đệm đàn cho nhóm này hát, nhóm kia hát nên rất bận rộn, quên việc tìm kịch bản. Thầy Phan Ngô nhắc nhở dữ lắm. Thầy là người Trung, thích kịch thơ. Nhân được người bạn thân là thi sĩ Vũ Hoàng Chương cho người đem đến tận trường tặng tập thơ “Say” vừa mới xuất bản, thầy cao hứng mở ra, vừa làm điệu bộ vừa nhắm mắt nhắm mũi đọc những câu thơ mà thầy cho là xuất sắc:

Lui đôi vai, tiến đôi chân

Sàn mờ nhạt, chập chờn như ảo ảnh

– “Đó, các em thấy không, tuyệt diệu! Hết sức tuyệt diệu! Thơ là nhứt, chúng ta phải diễn kịch thơ mới được…”

Tôi về nhà tìm kiếm, lục ra được vở kịch thơ “Trai Thời Loạn” của Giang Quân đăng trên báo Ngày Nay của Tự Lực Văn Đoàn từ năm 1942, bèn chép nguyên văn, đem đến lớp đưa cho chị Điệp coi trước.

– Chị thấy hay không?

Hay, tụi mình diễn đi.

Chị biết diễn kịch?

Biết.

Nếu vậy thì tốt. Trong này có vai ông Đồ Trần, bà Đồ Trần với vai Khóa Vũ, ba người tất cả. Tôi giữ vai ông Đồ Trần, chị giữ vai bà Đồ Trần, chỉ còn kiếm thêm một người nữa là đủ.

Chị Điệp bàn nên rủ anh Thạnh, vì hồi trước anh Thạnh vẫn quen diễn với chị ở trường Tân Thiïnh. Tôi mừng lắm, bàn với Thạnh, anh ấy rất thích, nhận lời liền. Vậy là chúng tôi bèn đem vở kịch lên cho thầy Phan Ngô kiểm duyệt rồi bắt đầu tập. Thầy khen vở kịch hay, có nhiều ý nghĩa, khuyến khích chúng tôi tập dượt.

Vở “Trai Thời Loạn” không dài lắm, nội dung gồm ông Đồ Trần sống trong thời loạn, muốn vào Phú Xuân theo Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ chống lại quân Tàu, bèn gửi vợ con cho người bạn tên Khóa Vũ để đi cho được yên tâm. Nhưng Khóa Vũ là người hèn nhát, không dám nhận lời, bất đắc dĩ Đồ Trần phải nghĩ đến việc giết vợ con để ra đi giết giặc:

Giết vợ con

Ha ha ha

Giết vợ con để mưu đồ đại sự

Cũng là thường khí phách kẻ nam nhi!…

Khoá Vũ :

Thôi bác ạ cuộc đời này ngắn ngủi

Sức thư sinh sao lấp nổi biển Đông?

Bác nén giận, Vũ này xin phân tỏ…

Khoá Vũ không dám nhận trông nom giùm vợ con cho Đồ Trần. Đúng lúc Đồ Trần vung gươm định giết vợ con thì tiếng chiêng trống nổi lên dồn dập. Khóa Vũ xách kiếm chạy ra báo tin vua Quang Trung đã ra tới Thăng Long, đại phá quân Thanh ở đồn Hà Hồi. Nhiều người cũng chạy đến nữa báo tin thắng trận. Đồ Trần mừng rỡ dừng tay, thôi không giết vợ con nữa. Tất cả chạy đi tiếp ứng, làm hậu thuẫn cho quân vua Quang Trung. Màn hạ.

Tất nhiên tôi đóng vai Đồ Trần, còn Thạnh đóng vai Khóa Vũ. Chị Điệp thân với tôi lắm, những buổi chiều sau giờ tập dượt, chị rủ tôi đi uống nước. Tôi đã chiếm được cảm tình của chị trong vai Đồ Trần anh hùng và lại càng được dịp mơ mộng, làm thơ…con cóc:

Ta mơ thấy em hong suối tóc

Ta mơ thấy ta có hai bàn tay

Mắt em xao xuyến tình hoang dại

Và tóc em mềm theo gió bay…

Hôm tổng dượt, thầy Phan Ngô hân hoan bắt tay chúng tôi:

Vở kịch rất hay, các em diễn rất xuất sắc!

Sau đó, ông tiếp:

– Nhưng có điều thầy có ý kiến như thế này…

Ông nhận xét rằng tôi là người Bắc, nói tiếng Bắc vậy nên đóng vai người bạn tức Khoá Vũ, còn chị Điệp với anh Thạnh đều là người Nam, nói giọng Nam, đóng vai vợ chồng thì hạp hơn.

– Thưa thầy…

– Không, thầy đã nghĩ kỹ, các giáo sư cũng nhận xét như vậy. Chúng ta nên thay đổi lại.

– Nhưng thưa thầy tụi con đã học thuộc, lại sắp tới ngày trình diễn…

– Không sao, còn mười ngày nữa mới tới ngày trình diễn. Vai của Ngọc Điệp không có gì thay đổi, còn vai của em với Thạnh cứ chịu khó học lại sẽ thuộc. Chúng ta làm việc một cách lôgích kẻo thiên hạ lại cười là thầy trò không biết bảo nhau. Em hiểu không nào?

– Dạ hiểu.

Mặt tôi tiu nguỷu. Từ hôm ấy tôi bắt đầu học lại vở, đóng vai người bạn hèn nhát còn Thạnh thì đóng vai người chồng anh hùng. Tính Thạnh bơ bơ, muốn đóng vai nào cũng được và anh ta tự nhiên lắm, rất thân với Ngọc Điệp. Nhiều khi Thạnh nửa đùa nửa thật gọi Ngọc Điệp là bà đồ, xưng mình là ông đồ chứ không giữ gìn như tôi. Xem ra, tôi thua rõ rệt và “bà đồ” không thèm để ý đến tôi nữa. Sau những buổi tập dượt, họ thường rủ nhau đi uống nước :

– Bà đồ ơi, lợi đây qua biểu…

– Ơi, bà đồ đây, ông đồ kêu chi?

– Tập xong rồi, ông đồ mời bà đồ đi uống nước, ông đồ trả tiền.

– Ừa, đi liền.

Họ nắm tay nhau, vui vẻ, thân mật, bỏ lại mình tôi sớ rớ nhìn theo, trong lòng trống trải. Văn nghệ, văn nghệ, mi đã phụ ta rồi! Và tôi bắt đầu làm những câu thơ yếm thế khác với bản tính “quyết chiến quyết thắng” của tôi:

Sầu mỗi ngày một đọng

Tóc mỗi ngày một dài

Tóc dài còn cắt được

Sầu dài bỏ cho ai

o0o

Nên mắt khơi vực thẳm

Nên hồn nhuộm đêm đen

Nên lòng như sa mạc

Nên cắn răng chịu “hèn”!

“Hèn” quá đi mất ấy chứ! “Kịch” là như thế, tôi đóng vai hèn, càng hèn bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu và bà đồ lại càng lãnh đạm với tôi, chỉ biết có “ông đồ”. Đau không chịu nổi!

Đêm liên hoan. Mẹ tôi và em gái tôi biết tôi được đóng kịch trong nhà trường thì mừng lắm, suốt ngày cứ tính toán xem nên mượn ở đâu, mượn của ai chiếc áo the dài cho tôi mặc thật vừa vặn, chiếc khăn xếp kiểu Bắc cho tôi đội trên đầu. Mẹ tôi còn mượn được cả đôi giày Gia Định, chiếc quần đàn ông trắng và một giải khăn đỏ cho tôi cột ngang bụng để đeo kiếm nữa. Kiếm thì nhà trường đã mượn tại các đoàn cải lương nhỏ.

Suốt ngày hôm ấy chúng tôi dự hội chợ trong sân trường. Buổi chiều về, ăn cơm xong lại mau mau đi.

Ôi chao, đèn màu lấp lánh, tiếng nhạc xập xình, đèn chiếu sáng rực. Vào cửa tự do nên khán giả đông lắm, cả khu sân trường Tân Phương rộng như thế mà đầy ắp toàn người là người, họ đứng cả ra đến ngoài lề đường.

Tôi không biết gì hết. Người tôi như ngây như say. Người ta lôi tôi ra đánh phấn, thoa son, vẽ mày vẽ mặt và cài kiếm vào cạnh sườn tôi. Tôi thấy “ông đồ” oai hơn tôi, đứng bên cạnh, hết sức đẹp trai, đang âu yếm trang điểm thêm cho “bà đồ”!

– “Đây, vở kịch nòng cốt ‘Trai Thời Loạn’ của học sinh lớp Đệ Nhị trường Tân Phương bắt đầu!”.

“Cọc, cọc, cọc…”, ba tiếng búa long trọng gõ xuống mặt sàn. Màn từ từ mở. Chị Điệp ăn mặc theo kiểu Bắc, ngồi trên chiếc chõng tre nhỏ, ru con ạ ời cũng theo lối Bắc. Chị người Nam, bắt chước giọng Bắc rất giỏi khiến các bạn bè vỗ tay vang dội. Rồi anh Thạnh ra. Sau đó tôi ra. Thầy Phan Ngô đích thân đứng chỉ huy phía sau cánh gà, nét mặt hân hoan thấy rõ. Rồi tiếng trống trận đùng đùng, vua Quang Trung kéo quân ra Bắc, đại phá quân Thanh…

– “Hay quá, hay quá! Tuyệt diệu, tuyệt diệu!”

Các giáo sư đứng dậy, vào tận hậu trường bắt tay chúng tôi. Cả thầy Thiên Giang già và cao lớn cũng vào bắt tay nữa.

Đêm kịch tất niên chấm dứt, khán giả ra về hể hả. Mọi người và toàn ban giáo sư ở lại dự tiệc liên hoan ăn mừng “chiến thắng”. Cháo gà, gỏi gà bày ra la liệt trên những dãy bàn trải khăn trắng trên lối đi ở phía sân sau. Đến lúc sắp ăn thì không thấy “ông đồ, bà đồ” đâu cả, thầy Phan Ngô bảo tôi:

– Em chạy đi kiếm coi hai đứa tụi nó đâu…

– Dạ

Tôi ra tới gốc cây vú sữa thì thấy “bà đồ” đang ngồi ru con tưởng tượng trên chiếc ghế đá góc vườn, còn “ông đồ” thì đã thay đổi y phục nhưng vẫn say men “chiến thắng”, tuốt gươm tưởng tượng, đặt tay lên vai bà đồ. Họ áp mặt lên nhau và…và… họ “hun” nhau, cái này không hề có trong kịch bản!

Nghỉ tết xong tôi bắt đầu lao đầu vào học. Phải học nếu không sẽ bị thi rớt. Tôi không thích rớt, tôi muốn chiến thắng. Thôi kệ ông đồ bà đồ, muốn đồ muốn đạc gì cũng được. Và tôi cũng không thèm làm thơ nữa. Thơ với thẩn là thứ xa hoa, không đúng sự thật, chẳng có người con gái nào cư xử đẹp với mình.

“Em đi rừng núi vào xuân

Áo thiên thanh dệt trắng ngần hoa lan”

Vào xuân cái con mẹ! Vào xuân, đi diễn kịch, hoạt động liên hoan, văn nghệ chỉ tổ người ta đá đít, nếu thi rớt nữa thì nhục nhã lắm, tức như bò đá!

Vào lớp, tôi vẫn ngồi đầu bàn ba nhưng “bà đồ” thì đã tự ý đổi xuống phía mấy bàn dưới, gần với “ông đồ”. Bà không còn biết trên đời này có một thằng ngu, rất hay làm thơ mà hồi trước bà rất thân, cứ mỗi lần bảo nó chép thơ thì lại tặng cho nó mấy cục kẹo.

Thời gian lặng lẽ trôi đi, dần dần lại tới thi Đệ nhị lục cá nguyệt. Tôi vượt lên trên, được xếp hạng nhất trong cả năm học đồng hạng với chị Phi Vân, sau này chị đậu thủ khoa vào trường Nữ Hộ sinh Quốc gia, được phần thưởng của Bộ Y tế do chính ông Bộ trưởng đích thân trao tặng.

Hôm nhà trường làm lễ phát thưởng rất lớn tại rạp Văn Hoa Đa Kao có phần phụ diễn văn nghệ. “Ông đồ bà đồ” và thêm hai người nữa có lẽ học lớp Đệ Tam, tập tành cả tháng, diễn vở Lưu Bình Dương Lễ. Bạn bè ngạc nhiên lắm, nhiều người hỏi tôi sao, bị cho ra rìa rồi hả, nhưng cũng người thông cảm, bảo tôi khôn như con chồn, bây giờ lo học. Trong lễ phát thưởng, thầy Phan Ngô đặt thêm giải thưởng cho ban văn nghệ. Anh Thạnh với chị Ngọc Điệp ở trong hậu trường bước ra lãnh, họ còn mặc nguyên bộ đồ đã mướn của rạp cải lương, mũ cao áo dài trong vở Lưu Bình Dương Lễ.

Đúng một tuần lễ sau thì chúng tôi đi thi Tú tài phần I. Hôm có kết quả, nhà trường theo dõi danh sách và đem kết quả về giùm: lớp có 83 người, đậu 12 người. Tỉ lệ thi đậu như vậy cũng đỡ bởi vì trường tư thường thường chỉ đậu vào khoảng mười phần trăm, ngoại trừ những trường danh tiếng nhất, học đắt tiền nhất. Tất nhiên “ông đồ bà đồ” không đậu, họ bỏ dở ngay sau khi chỉ mới”thử lửa” ngày đầu tiên!

Mười hai người thi đậu chúng tôi một số xin vào lớp Đệ Nhất trường Chu Văn An, một số vào Petrus Ký còn một số thì do hoàn cảnh gia đình thiếu thốn, gặp ngành gì thi ngành nấy, đi làm. Chúng tôi còn phải qua kỳ thi Tú tài phần II, nếu đậu bấy giờ mới được thi vô các trường Đại học.

Một hôm, gặp Phong, người bạn bây giờ đang học bên Petrus Ký, anh ta hỏi tôi:

– Ê, sao bữa hổm mày không đi dự đám cưới thằng Thạnh với con gì diễn kịch? Hồi tất niên tụi nó diễn với mày mà?

– Ủa, họ lấy nhau rồi hả? Sao lập gia đình sớm quá vậy? Học hành chưa đâu vào đâu…

– Thì tại hai đứa tụi nó thương nhau. Nghe nói ông già bà già tụi nó không bằng lòng nhưng nó cứ nhứt định định lấy nhau nên phải chìu.

Tụi bay đi có đông không?

Không, có mấy đứa thôi. Đứa nào biết thì đi, đem quà tới mừng gọi là chỗ bạn bè chớ tụi nó cũng làm nhỏ xíu, không đưa thiệp mời.

Ừ, tội nghiệp!

Không hiểu sao tôi lại thốt ra hai tiếng tội nghiệp. Theo tôi nghĩ, cuộc sống quá nhiều khó khăn, phức tạp, cái tuổi mười bảy, mười tám và ngay cả mười chín, đôi mươi nữa của Thạnh và Điệp cũng chưa phải là tuổi lấy vợ lấy chồng, có con có cái.

Năm sau, tôi đậu Tú tài II rồi thi vào Đại học Sư Phạm, bốn năm sau ra trường. Lúc ấy tôi 22 tuổi, vẫn chưa phải cái tuổi đủ khả năng và đủ bản lãnh cá nhân để tính tới chuyện lập gia đình.

Tám năm sau, tôi ba mươi tuổi. Một lần, ngày tết, tôi đến đường Trương Minh Giảng, vào hẻm Chuồng Bò để tìm địa chỉ một người bạn. Kỳ lạ, anh ta ghi địa chỉ đàng hoàng mà ngõ này lại cứ ngoắt ngoéo, ăn thông sang ngõ khác và các số nhà loạn xà ngầu tìm không sao thấy.

Những người thanh niên ở trần ngồi đánh bài cào hay binh xập xám gì đó ngay trên đầu ngõ chật hẹp. Những chiếc pháo xì vứt trên rãnh nước đen ngòm, bẩn thỉu. Những con ruồi bu trên các đống xác mía nằm rải rác lẫn với những chiếc vỏ dưa. Một người đàn bà ngồi bán hàng đang cho con bú bên cạnh một chiếc tủ nhỏ đựng thuốc lá và chiếc mẹt kê trên chiếc ghế đẩu, bày sơ sài vài băng pháo tép, vài miếng dưa hấu, vài chiếc bánh ú, bánh tét. Kỳ lạ thật, ngày tết ngày nhất mà bán những thứ này thì ai mua? Có lẽ họ bán cho những người thanh niên đánh bài, đói bụng ăn ẩu ăn tả không cần biết đến vệ sinh. Đằng sau lưng chị có hai đứa trẻ con trai cũng ở trần, đứng bám trên vai chị, thân hình lem luốc.

– Xin lỗi, chị làm ơn chỉ giùm tôi cái số nhà này…

Người đàn bà ngửng lên, tay cầm lấy mảnh giấy ghi địa chỉ, nhíu mày coi qua một cách thành thạo. À thì ra chị này cũng có học, không phải mù chữ.

Chợt, chị ngạc nhiên:

– Ủa, xin lỗi, ông là… anh Dự, hồi trước học trường Tân Phương của thầy Phan Ngô phải không?

Tôi cũng ngạc nhiên :

– Vâng, xin lỗi, chị là…?

Người đàn bà mỉm cười, có vẻ hơi ngượng:

– Tui là Ngọc Điệp, hồi đó đóng kịch anh không nhớ sao? Anh đi đâu lại lạc tới đây?

– Tôi đi kiếm nhà người quen. Tại mười mấy năm nay rồi không gặp nhau. Sao, anh Thạnh khoẻ không chị?

Chị Điệp nhíu mày, nét mặt hơi buồn:

Cũng không khỏe lắm đâu anh. Tại ảnh phụ chạy xe đò, tiền bạc kiếm hổng bao nhiêu mà cứ phải ở lợï tỉnh hoài, gặp gỡ ba thứ trời ơi đất hỡi, có đồng nào nó bòn hết trơn. Chúng tôi lấy nhau sớm quá…

Anh chị được mấy cháu?

Năm. Năm đứa con trai. Đứa nầy nhỏ nhứt, lúc có bầu cứ tưởng sẽ sanh con gái không ngờ vẫn sanh con trai. Năm đứa, “ngũ quỷ” anh biểu hổng nghèo sao được? Phải chi sanh đứa con gái cho đỡ xui.

Tôi im lặng. Năm nay chị cỡ hăm chín hay ba mươi tuổi, bằng với tuổi tôi, nếu muốn sanh thì còn có thể sanh thêm hàng chục đứa nữa.

– Anh lập gia đình chưa? Được mấy cháu?

Tôi cười, hơi mắc cỡ:

– Dạ, chưa đâu chị, tôi hơi trễ.

– Trễ chưa lập gia đình hay chưa có con?

– Cả hai.

– Vậy cũng đỡ chớ như tui với anh Thạnh…

Ngay lúc ấy một đứa trẻ ở trần mặc quần xà lỏn, theo sau lại một đứa khác chạy tới có vẻ vội vã:

– Má, ba biểu má có tiền đưa ba mượn đỡ vài ngàn, trưa gỡ được dìa ba trả!…

– Bài bạc mà gỡ cái gì? Tao đâu có đồng nào!…

– Ba binh xập xám, đang đỏ, mới ăn được hai cây lợi thua lợi, hết tiền phải mượn chú Ba Đực hết mười mấy ngàn.

– Má không có tiền! Nói ba dìa ngay, nhà có khách!…

– Thôi chị ạ, cũng gần trưa rồi có lẽ tôi cũng phải đi, lúc khác sẽ đến thăm anh chị.

– Dạ, cám ơn anh. Đó, anh coi, ảnh mần không ra tiền nhưng máu mê cờ bạc đủ thứ. Hễ thua là cho con về đòi tui phải đưa. Mà tui hổng có là chết với ảnh, gia đình lại lộn xộn, gây gổ um xùm điếc tai hàng xóm.

– Thôi tôi đi chị nhé.

– Dạ, anh đi. Tụi tui ở căn nhà tôn đàng kia, cách đây ba căn. Lúc nào rảnh mời anh tới chơi…

Tôi nhìn theo tay chị. Căn nhà bé tí, lụp xụp, vách đóng bằng gỗ, khóa cửa.

– Vâng, lúc khác tôi tới.

Thằng bé đứng bụng xịu, ngón tay gạy gạy những vôi vữa trên bức tường ở bên cạnh:

– Má, ba kiu má cho ba mượn tiền. Ba đang đỏ, má hổng chịu đưa cho ba gỡ…

Người mẹ hơi ngượng, mở chiếc gói nylông cất trong túi áo:

– Đây, còn mấy ngàn, biểu ba mày xài hết đi rồi nhịn đói!

Hai đứa trẻ hí hửng kéo nhau đi. Đợi chúng chạy khỏi, tôi móc bóp lì xì cho hai đứa đứng bám vai mẹ và đứa còn ẵm ngửa:

– Năm mới bác lì xì hai cháu…

– Thôi anh, ba nó lại lấy đánh bạc chớ đâu có giữ được.

– Không sao đâu chị, chút đỉnh mà!

Và tôi nhắc lại một kỷ niệm nay đã xa xưa:

– Không bằng cái ơn ngày trước thỉnh thoảng chị lại liệng cho tôi mấy cục kẹo!

Người bạn học cũ bật cười:

– Anh còn nhớ mấy câu trong vở kịch thơ Trai Thời Loạn không?

– Câu gì hả chị? Nhiều quá tôi không nhớ hết…

– “Ha ha ha… Giết vợ con để mưu đồ đại sự, cũng là thường khí phách kẻ nam nhi…”

– Có, tôi nhớ.

– Anh Thạnh đang giết vợ con đó anh. Nhưng đáng tiếc là cái “đại sự” ảnh mưu đồ quá nhỏ, không lớn như trong vở kịch.

Tôi cười, chào từ giã lần nữa rồi dắt xe đi.

Sau tết, tôi có chút việc phải trở lại, đến nhà gặp người bạn. Lúc về, đi ngang qua phía trước căn nhà tôn tôi nghe có tiếng võng đưa kẽo kẹt và một giọng đàn bà hát ru trầm trầm, xa vắng:

“Ầu ơ… Bướm vàng đậu trái mù u

Lấy chồng càng sớm lời ru thêm buồn…”

Lúc ấy là ba giờ chiều, trời nắng chang chang mà trong lòng tôi giá lạnh như người chết rồi. Phải chăng từ đáy tâm hồn, tôi vẫn còn yêu một cái gì đó đã mất?

May be an image of flower, body of water and nature
Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay