“Việt Kiều” về thăm quê – CHUYỆN PHIẾM – NGUYÊN CHÂN

CHUYỆN PHIẾM – NGUYÊN CHÂN

“Việt Kiều” về thăm quê

– Mấy người? Mấy người?

– Bốn, hai Việt Kiều với hai Việt Cộng!

Đó là câu đối đáp giữa nhóm người vừa bước vào tiệm phở với ông chủ tiệm. Cách ăn nói ở Việt Nam bây giờ coi mòi tự nhiên và hình như họ không còn e dè gì nữa.

Về nước, mặc bộ đồ lao động, da được phơi nắng hai ba tuần nám đen cho giống người trong nước, tôi ung dung ngoắc chiếc xe ôm và oách như người Di Cư 54:

– Đi Thủ Đức!

Gió chiều lồng lộng trên xa lộ Biên Hoà, tôi mỉm cười đắc chí, lẩm bẩm ca bài “Từ Bắc vô Nam tay cầm bó rau…. đay, còn tay kia… chúng ông dắt con cầy…”

Chạy ngang khoảng Cát Lái, chú xe ôm bắt chuyện:

– Anh ở lước lào về?

– Ô hay, sao lại “lước lào về” xế lày?

Tôi hỏi:

– Anh tưởng tôi là Việt Kiều à? Tôi quê ở ngoài Hà Lam Linh đấy.

Anh nhất định tôi chẳng lừa được anh:

– Có đời nào người trong “lước” mà lại ra đường đứng ngẩn ngơ ngó trời ngó đất, ngó cái bảng hiệu, ngó lùm cây Bông Giấy và ngó… con gái đi đường, y hệt đám bộ đội hồi mới vô Nam năm 75!

Anh giải thích thêm:

– Ra đường, cứ thấy ai băng qua lộ mà thập thò như con nít, nắm tay nhau hai ba người như dân quê lần đầu ra tỉnh, chắc trăm phần trăm họ là Việt Kiều đấy.

Hôm về quê, vợ chồng tôi ra chợ, cũng được chào đón một câu rất niềm nở:

– Mời anh chị Việt Kiều mua cho em ít rau.

Tôi ngạc nhiên, nhưng con em giải thích:

– Ai đời vào chợ mà mặt mày ngơ ngáo, chợ quê có ai đi cả hai vợ chồng như thế, mà có đi chăng nữa cũng người đầu chợ kẻ cuối chợ lo mua đồ mà về cho sớm, chứ có đâu dẫn nhau đi vô hàng rau, nhìn quả khổ qua, ngó thúng cà pháo, ngó cả bó rau dền.

Nhớ lúc mới bước xuống phi trường, tôi mắc cười ngay cái bảng ghi hàng chữ “Tổ Lái”, người đi bên cạnh hỏi nhỏ:

– Cười gì thế?

– Cái bảng ghi Tổ Lái.

– Kệ họ, đó là lối đi dành riêng cho tiếp viên và phi công, mình đi lối bên này.

Khi về tới đò Vàm Cống gần Long Xuyên, vợ tôi lại chúm chím cười với hàng chữ: Cụm Phà Vàm Cống. Thằng em tôi thấy thế nói rằng:

– Ăn thua gì, ở Sài Gòn còn có một cơ quan đề là Cụm Cảng Hàng Không Phía Nam nữa kìa.

Từ đường lộ vào nhà Má tôi còn hai cây số nữa, khi bước xuống đò, tôi thấy hàng chữ sơn trên một tấm tôn treo toòng teng: Đừng cột ghe sập nhà.

Em tôi lại phải giải thích là nhà làm de ra phía trên sông, nếu người ta cột ghe vào mấy cây chống sàn nhà, khi tàu lớn chạy ngang sẽ tạo ra sóng nhồi xóc chiếc ghe, thì nó sẽ giật tung lên và đổ nhà là cái chắc.

Bao nhiêu năm xa nhà, về lại thì cái gì cũng lạ và dễ tức cười, mà người ở nhà họ cũng cười cái lạ của mình. Tôi ra phố chợ, đặt tiệm da giầy một cái bao điện thoại theo ý mình, đeo vào, thằng bạn lắc đầu cười:

– Y như cái bao đựng đạn súng lục.

Mặc cái áo sơ mi kiểu Hawaii định ra phố, bà chị nói:

– Trông cậu y như phường tuồng!

Tôi ở Garden City, Kansas, muốn về Việt Nam phải lên Wichita để đón máy bay, lái xe hơn ba tiếng đồng hồ. Khi đi, mùa hè oi ả, mặc chiếc quần ngắn cho nó mát, lên đến nơi, gặp bạn bè nói chuyện đến khuya, gần nửa đêm chuẩn bị áo quần để sáng mai ra phi trường sớm mà về Việt Nam, lục quần áo mới thấy “sự cố” là không có cái quần dài nào cả, vội vàng ra chợ Walmart kiếm cái quần vào lúc nửa đêm. Walmart bán đủ mọi cỡ áo quần, duy chỉ có cỡ của tôi nó lại không bán, cuối cùng cũng lựa được một cái tạm hài lòng: – Lưng rộng hơn hai số, bù lại, chiều dài ngắn đi một số.

Hôm sau tôi mặc vào cảm thấy nó làm sao ấy, nhưng lỡ rồi, mặc đại, đi đường cứ lâu lâu lại phải ôm nó mà xốc lên vì dây lưng cũng quên tuốt ở nhà.

Về đến Sài Gòn, bà chị tôi nhìn em thương hại quá, cứ xuýt xoa hoài, tội nghiệp nó ở Mỹ mà quần áo xốc xếch, xộc xệch!

Trời mùa hè Việt Nam nóng thật, con tôi không muốn đi giầy nên tôi dẫn nó ra chợ Thái Bình mua đôi dép Nhật, tôi định tập cho nó trả giá cho quen. Hỏi giá thì bà hàng nói 4,500 đồng, thằng bé ngơ ngác không hiểu nên tôi phải thông dịch từ tiếng Việt qua tiếng Việt:

– Giá bốn mươi lăm trăm đó con, trả giá đi.

Thằng bé nói: – Đâu cần trả đâu, được rồi, rẻ quá mà.

Những người chung quanh cười um lên, xúm lại coi thằng Việt Kiều con mua đồ.

Có bữa kia ngồi ở quán cóc đầu ngõ uống cà phê, đứa em thò cổ vô gọi:

– Anh ra đây xem Việt Kiều Con bị đày.

Tôi ngạc nhiên không hiểu nó nói gì, ra xem thì thấy một bà già kè hai đứa nhỏ khoảng dưới sáu tuổi, ăn mặc có vẻ tươm tất lắm, không biết là đi nhà trẻ hay ra công viên chơi nhưng mặt tụi nó ỉu xìu.

Thì ra hai đứa bé đó có cha mẹ làm Nail ở Mỹ, không hiểu sao lại giao chúng về cho bà ngoại nuôi, cả xóm này gọi tụi nó là hai thằng Việt Kiều Con Bị Đày!

***

MỜI BẠN CÙNG TÔI KHÁM PHÁ SỰ ĐỔI MỚI CỦA VIỆT NAM TRONG 3 TUẦN THĂM QUÊ CỦA TÔI.

Xe Đò Nằm:

Hồi này có một loại xe đò (xe khách) gọi là xe đò nằm. Đi xe này hành khách không ngồi ghế như xe đò thường, mà được nằm dài ra. Xe có ba dãy giường, mỗi dãy ba chiếc giường sắt và lại còn chồng lên một tầng nữa, vị chi là 24 cái giường. Đây là loại giường hiện đại điều chỉnh được, tựa như giường ở trong bệnh viện.

Xe có điều hoà không khí và mở nhạc vàng nghe thoải mái. Mỗi người lên xe đều được phát một chiếc mền để đắp vì xe mở máy lạnh. Hành khách mua vé qua điện thoại, tài xế sẽ bốc khách hẹn trước tại bất cứ khúc đường nào trên tuyến xe sẽ chạy qua.

Xe chạy khá đúng giờ, giá vé cũng tương đối hạp với túi tiền, thí dụ tuyến Rạch Giá-Vũng Tàu là 125,000 một lượt (chưa tới 8 đô la). Lơ xe rất điệu nghệ, phục vụ hành khách rất lịch sự và tận tình.

Hôm đó, nằm kế tôi là một cô nhìn dễ thương lắm, nhưng hai giường lại cách nhau đến nửa thước. Tôi ước ao lần sau họ ghép giường gần nhau hơn, để hành khách có thể nằm mà dòm nhau, âu cũng là cách rút ngắn thời gian trên đường dài.

Ai cũng biết xe đò Việt Nam có cái tật là hễ thấy khách đón xe thì không cần biết họ muốn đi tới đâu, anh lơ nhảy xuống kéo ào lên xe, miệng la “Tới luôn bác tài”.

Chuyến tôi đi, có hai cha con ông kia lên xe, xe chạy một quãng thì lơ xe mới khám phá ra “có vấn đề”. Ông già có tính tiết kiệm, đặt mua vé có một giường, mà lại dẫn theo cô con gái. Ông cãi với lơ xe:

– Hai người ngồi trên giường thì cũng choán chỗ y như một người nằm chớ gì.

Mặt nạ lịch sự của anh lơ xe bèn rớt xuống, anh ta với ông già xổ tiếng Đức với nhau một hồi, rồi sau cùng ông già nhượng bộ trả thêm 20,000 để cô con có thể ngồi ké ở phía cuối giường.

Tôi rất tội nghiệp mà không thể mời cô ngồi qua phía giường tôi, hoặc là mua cho cô một vé, vì hôm đó tôi đang đi chung với “con gấu yêu dấu” của tôi!

***

Ăn Uống

Nghệ thuật ẩm thực Việt Nam thì quá siêu đẳng rồi, tôi xin không đề cập đến những chuyện uống máu rắn, ăn bò cạp hoặc trích mật gấu …, mình chỉ làm một người bình thường ăn những món ăn bình thường.

-Bạn muốn xài tiền triệu?

Mời vào tiệm C. Steak House ở đường Đinh Công Tráng (chợ Tân Định), một miếng T Bone 6oz… giá rất nhẹ nhàng là 250,000 (tiệm này có vẻ kỳ thị nặng, trên bảng giá đề: Thịt bò Mỹ: 250.000 thịt bò Úc: 225.000, thịt bò nội địa: 180.000).

Miếng steak ăn vào, nuốt đến đâu, thấy nó nghẹn nghẹn đến đó, vì giá cả là một, nhưng cũng tại vì nó giống như miếng thịt được bỏ trong Microwave!

Bạn muốn xài tiền lẻ?

Mời bạn đi ăn cháo lòng bình dân với tôi. Tôi biết cô bán cháo lòng ở quê, trước 1975 cô thuộc loại sắc nước hương trời, nhưng hồng nhan đa truân, cô đã kẹt lại. Quán cô chỉ là một cái bàn làm bằng gỗ tạp nho nhỏ, trên để mấy chai lọ lỉnh kỉnh như muỗng đũa, nước mắm, ớt… ngang chỗ cô ngồi là một nồi cháo đang sôi ọc ạch đặt trên cái cà ràng lửa liu riu.

Là khách đặc biệt nên tôi được cô vồn vã hỏi thăm và ân cần đưa cho một đôi đũa không nằm trên ống đũa “dân gian” trên bàn, cô lau cẩn thận bằng một miếng giẻ và nói:

– Anh dùng đũa này sạch hơn (đũa của cô có nhiều loại: Sạch, sạch vừa, sạch hơn)

Cháo bán giá từ 3 ngàn một tô, dĩ nhiên khách muốn thêm thịt, thêm lòng thì sẽ tính thêm tiền. Tôi ngồi ăn cháo mà ái ngại cho cuộc đời cô, vì cách đây hơn hai mươi năm, thấy cô đi ngoài đường thì tôi “chỉ nhìn mà không dám nói” vì nghĩ tới cái thân phận “quản chế” của mình.

***

Người Xưa Lối Cũ

Có người về Việt Nam thăm thắng cảnh quê hương, có người về kiếm thế hưởng thụ ăn chơi, cũng có người về vì tình cảm sâu đậm đối với thân nhân bạn bè năm cũ, thoáng đâu đó, có người tìm về để ôn lại một mối tình xưa.

Tôi theo người bạn đi đến nhà người xưa của nó. Bước chân vào con hẻm cụt có bóng mấy cây khế rợp mát, chân nó bước líu ríu như lê không nổi. Đến trước căn nhà có cây Ngọc Lan toả bóng, thấy có người đàn bà đang quét lá, tôi với tay bấm chuông, chứ thằng Thịnh như người mất hồn. Người đàn bà hỏi:

– Hai ông kiếm ai?

Thịnh buột miệng nói liền:

– Thưa bác, cô Hằng có ở nhà không ạ?

Người đàn bà vừa mở cổng vừa ngờ ngợ:

– Anh là ai mà biết Hằng?

– Trời ơi, bác không nhớ cháu hay sao? Cháu là thằng Thịnh hồi trước đây có kèm cho Hằng lúc cô thi Tú Tài đó.

Cây chổi rớt xuống đất cái xẹp, hai tay bà ôm chầm lấy Thịnh và tiếng khóc oà ra:

– Trời ơi anh Thịnh, em là Hằng đây mà.

Thì ra qua hơn 30 năm, Hằng ngày xưa nay đã hơn 50 rồi. Thời gian nó tàn phá chẳng chừa một ai.

Hôm tôi về Rạch Giá, vừa bước xuống con đò ngang thì đã có cả hơn chục người đứng ngồi dưới đò, ai cũng đưa mắt nhìn tôi, miệng cười cười như chào hỏi, nhưng tôi không nhận ra mặt ai quen, bỗng có một người đàn ông chừng 50 tuổi nhưng tóc còn loe hoe có mấy sợi phất phơ trước gió, vồn vã:

– Anh mới về chơi ạ, anh còn nhớ em không?

Đầu óc tôi bây giờ Tây Ta lẫn lộn, chỉ nhớ mang máng hình như anh này là Khanh Khờ. Và để tỏ ra là người nhiều tình cảm, chẳng bao giờ quên anh em bạn bè, tôi tiến tới vỗ vai rồi cả quyết:

– Quên thế chó nào được, cậu là thằng Khanh Khờ đây mà!

Nguyên cả chuyến đò cười ngặt nghẹo, có người ôm bụng rũ xuống cười suýt rớt xuống sông. Tôi sượng trân, còn người đàn ông hem hễ kia nói như than:

– Em là Đĩnh đây, nhưng mà thằng Khanh mới bị khờ, còn em thì bình thường mà anh.

Tôi chỉ còn biết xin lỗi anh ta vì cái tài nhớ dai của mình.

Về đi lại trên bờ con kinh xưa, tôi gặp một thiếu phụ bồng con trên tay, thôi đúng là người vợ của bạn tôi rồi, tôi xăng xái hỏi:

– Xin lỗi, chị là chị Độ phải không? Anh chị hồi này khoẻ chứ?

Cô ta ngơ ngác vài giây rồi lí nhí:

– Dạ thưa, Độ là tên của bố mẹ cháu ạ.

Ôi! Từ Thức về trần, tôi quên béng đi là mình đã xa quê hương hơn một thế hệ rồi.

Ngày còn nhỏ, thập niên 50, tôi thường nghe bản Gạo Trắng Trăng Thanh khi nghe tiếng cắc cụp đều đều ở quê tôi, vùng suối rừng Thủ Dầu Một. Người dân vần công giã gạo cho nhau, cũng là dịp trai gái hẹn hò gặp gỡ qua công việc và lời ru tiếng hát:

“Trong đêm trăng, tiếng chày khua, ta hát vang trong đêm trường mênh mang. Ai đang xay, chày buông lơi nghe tiếng vơi tiếng đầy“.

Bây giờ không còn cảnh giã gạo đêm trăng nữa, nhưng bạn tôi, một ông Pilot 69A – Ông Đông Nguyên (thi sĩ Điên Ngông) – cũng trong tâm trạng Từ Thức về trần như tôi, nặn ra được một bài thơ có thể làm nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ phiền lòng:

Ta về giã lại cối xưa

Nửa đêm trăng tỏ bóng dừa ngả nghiêng

Thấy trong gạo trắng ưu phiền

Thương em hạt gạo còn nguyên nỗi buồn

Vận nước xoay vần, có những người đi xa, có những người còn ở lại, bài Tình Già của Phan Khôi sao mà thấm thía quá thể:

Hai mươi bốn năm xưa

Một đêm vừa gió lại vừa mưa

Dưới ngọn đèn mờ trong gian nhà nhỏ

Hai mái đầu xanh kề nhau than thở…

Để rồi:

Hai mươi bốn năm sau

Tình cờ QUÊ CŨ gặp nhau

Đôi mái đầu đều bạc

Nếu chẳng quen lung, đố có nhìn ra được…

Người ta nói “Quê hương là chùm khế ngọt”, ngọt như vần điệu ca dao và ngọt như nụ hôn người tình.

Vài vần thơ lạc điệu, xin gửi cho ai có những kỷ niệm khó quên của cây khế quê nhà:

Năm xưa có cây khế ngọt

Quả non đeo nhẹ trên cành

Tay trần anh đưa muốn hái

Em cười: Khế hãy còn xanh

Hôm nay anh cầm trái khế

Muốn cắn vào năm cánh hồng

Nhưng rồi nâng niu tay khẽ

Ôm ấp chuyện xưa vào lòng…

May be an image of 1 person, standing and text
Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay