Gặp Gỡ Diêm Vương… Rồi Trở Về

Gặp Gỡ Diêm Vương… Rồi Trở Về

– Trường Sơn Lê Xuân Nhị –

Tác Giả Trường Sơn Lê Xuân Nhị sau khi gặp Diêm Vương trở về

Một: What’s the hell going on?

Sáng thứ hai, một buổi sáng bình thường như mọi buổi sáng của tuổi về hưu, khoảng 8 giờ ngày 1 tháng 2 Dương Lịch 2021, New Orleans Louisiana, tôi thức giấc… trong cô đơn, nhà cửa vắng tanh vì bà xã đang ở xa lo công việc.  Vào phòng tắm vừa đánh răng xong, xoay người toan bước ra thì tôi bỗng bị… rụng xuống sàn nhà như một trái mít nghe đến rầm một tiếng đinh ai nhức óc.

Đầu và ngực tôi đập xuống sàn có lẽ nặng lắm vì khi mở mắt ra, tôi nhìn thấy cái … bồn cầu tiêu đang nằm song song ngay trước mặt mình, lại còn cao hơn mình cả … thước, ngạo nghễ, trắng bóc và … tròn quay, đang lắc lư trước mặt mình.

Đù mẹ, mới sáng sớm đã lại có chuyện rồi, tôi lẩm bẩm chửi thề và tự hỏi: “What’s the fuck going on?”  Tối qua mình lại uống rượu say quá chăng?  Không, tối qua tôi chẳng uống gì cả và hôm nay mới sáng sớm chưa có rượu chè gì.  Mình cũng không bị trượt té.  Thế thì tại sao tôi lại nằm thẳng cẳng như thế này hở trời?

Có lẽ đây là hậu quả của những ngày đi Cali chơi mùa Noel rồi mới về, ăn nhậu nhiều quá chăng?  Nhưng về đã hơn tháng rồi, chẳng hề bị rụng, sao bây giờ mới rụng?

Không cần phài suy nghĩ lâu, sống trong thời buổi thiên hạ bị dính Covid rầm rầm, tôi kết luận ngay là mình đã bị dính cúm Tàu.  Tôi đã đọc rất nhiều về cúm Tàu để biết một trong những chuyện thường xảy ra cho bệnh nhân khi mới bị nhiễm là mất hết sức lực.  (Thực tế thì chuyện này chỉ xảy ra ở giai đoạn sau khi bị sốt—nhưng tôi chưa hề bị sốt.)  Tôi cũng thắc mắc là suốt tháng qua, từ khi đi chơi xa về, tôi đã không đi đâu, không tiếp xúc với ai, thế thì sao con Cúm Tàu đột nhập vào tôi được?  Cũng cần nói thêm là tất cả khứu giác, vị giác, thính giác của tôi vẫn còn đầy đủ, những người bị Covid sẽ bị mất hết những thứ này.  Nhưng buổi sáng hôm đó, tôi kết luận ngay là mình bị cúm Tàu.  Gì chớ cúm Covid-19 thì nhằm nhò gì.  Ai sợ, ông đếch sợ.  Ông chỉ cần tỉnh dưỡng và cách ly một vài ngày, xông vài phát thật tốt là xong ngay.  Nhưng chuyện quan trọng bây giờ là phải … đứng lên cái đã.

Loay hoay mãi một lúc mới vịn cái bồn tắm ngồi lên được và nhìn vào tấm gương trước mặt, tôi giật mình đến thót.  Sao mặt mũi tôi tím bầm và … thô bỉ như thế này hở trời?

Một lúc sau, tôi gượng đứng lên được nhưng lại bị rụng xuống sàn ngay phát thứ hai, cú secondary.

Lúc ấy tôi mới khám phá ra là mình chẳng còn chút sức lực nào trong người cả.  Chuyện này hơi lạ.  Nhưng nghĩ kỹ một chút thì cũng chẳng… lạ chút nào.  Bố khỉ, chú mày đã 70 tuổi rồi, già mẹ nó rồi út ơi.  Thằng Út ngày xưa của phi đoàn 114 bây giờ đã thành một lão già.  Sinh Lão Bệnh Tử là chuyện thường, tôi chẳng lấy gì làm buồn.  Chuyện đáng làm bây giờ là phải làm thế nào để đứng lên đây?  Mẹ bố, không đứng được thì ông đành phải… bò thôi.

Nửa tiếng đồng hồ sau, vừa lết vừa bò, tôi cũng mò được xuống lầu dưới.  Ngồi được xuống cái sofa phòng khách mà tưởng êm ấm như ngồi trên ghế thiên đàng, thở hồng hộc như trâu, và không biết đã ngất đi thêm bao nhiêu lâu nữa.

Khi tỉnh dậy, quên mẹ nó mất là mình đã hết sức, tôi vụt đứng dậy và lại rớt xuống sàn một lần nữa.  Nhà dưới tôi là sàn gạch nên thân thể ê ẩm, tôi nằm co quắp.  Lần này thì tôi không còn bò dậy được, lăn cũng không được, đành nằm luôn dưới sàn nhà.  Lầu dưới nhà tối qua đi ngủ tôi đã tắt máy sưởi, trời bên ngoài hình như khoảng 40 độ, sàn gạch lại lạnh như băng, tôi run lên bần bật…

Nhà lúc ấy chỉ có mình tôi, tôi biết nếu nằm thêm một lúc nữa thì có lẽ tôi sẽ chết cóng…  Vợ đang ở mãi bên Cali, tôi quyết định gọi điện thoại cho thằng con trai.  (Đáng lẽ phải gọi cho 911, nhưng nghĩ không ra)  Nhưng khốn nạn, chẳng biết cái điện thoại bị rớt chỗ nào mất tiêu, kiếm mãi không ra.  May quá, không biết một lúc nào đó, chuông điện thoại tôi reo.  Thì ra nó nằm lọt tuốt dưới đáy cái sofa trước mặt tôi…

Tôi không còn nhớ mình đã gọi cho thằng con trai như thế nào, ra sao, nhưng giật mình tỉnh dậy ra thì đã 11 giờ đêm, đang nằm trong ICU nhà thương Ochsner, chung quanh toàn là đủ thứ ống Ni-lông, từ ống Oxygen cho tới ống máu, ống IV, toàn ống là ống.  Thằng con trai tôi vẫn còn ngoan ngoãn ngồi bên cạnh chờ bố, đang chơi với cái iphone.  Nó mừng rỡ nhìn tôi nói:

-Con tới trễ chừng nửa tiếng thì bố chắc đi rồi…  Sao bố không gọi 911?

-Bố bị Covid phải không con?

No, your Covid test is negative – You got something much, much more serious than thatDaddy.

Nghe như thế thì biết thì biết như thế, nhưng đầu óc tôi lúc ấy hoàn toàn không còn cảm nhận, không hiểu được ra gì cả.  Rồi chẳng bao lâu lại mê đi, rồi lại tỉnh dậy rồi lại mê đi cho đến ngày hôm sau mới nói chuyện được với bác sĩ.  Bác sĩ chỉ vắn tắt cho biết, mày bị ung thư, nhưng tụi tao vẫn còn chờ đợi kết quả thử nghiệm…

Vợ tôi hôm đó cũng đã khẩn cấp bay từ Cali về, hai người chỉ biết ngồi tâm sự, bàn những chuyện cần phải làm, nhưng tuyệt nhiên, không ai than trách số mạng.  Trời cho, trời lấy, chẳng có gì phải thắc mắc buồn phiền ở đây.

Thêm vài ngày nữa, tỉnh táo hơn, nằm trong nhà thương có nhiều thì giờ, tôi bắt đầu suy nghĩ về những gì xảy ra.  Và càng suy nghĩ những chi tiết thì tôi càng thấy giật mình.  Việc tôi nằm ở trong cái ICU này không phải là một chuyện mới xảy ra một sớm một chiều mà dấu hiệu đã có từ cách đây mấy năm mà tôi không thèm để ý đến.  Tôi xin viết lại để chia sẻ với những ai ở lứa tuổi trên dưới 70 như tôi.

Hai: Những dấu hiệu ngầm báo trước mà tôi không thèm … thấy

1/ Cách đây khoảng chừng 3 năm, mặt tôi bỗng bị nổi lên những đốm đen trên má, ban đầu nhỏ nhưng sau lớn dần như đồng xu.  Cho rằng đây là dấu hiệu của tuổi già, tôi phớt tỉnh.

2/ Khoảng 2 năm trở lại đây, tôi thấy trong người khá mệt mỏi và bắt đầu ngủ càng ngày càng nhiều.  Có ngày tôi ngủ đến 10, 12 tiếng, chưa kể ngủ trưa, ngủ vặt.  Tôi nghĩ bởi mình đã lớn tuổi, lại hay ăn nhậu hay làm việc nhiều quá, nên chẳng quan tâm lắm.  Tôi bắt đầu bớt ăn nhậu lại, nhưng tình hình chẳng khá hơn gì.

3/ Đầu óc tôi thấy không còn minh mẫn, không còn trí sáng tạo như ngày xưa.  Có lẽ đó là lý do tôi quyết định về hưu hồi đầu năm ngoái.

4/ Tôi rất dễ cảm thấy lạnh.  Trong sở tôi, ai bước vào văn phòng tôi cũng chê nóng vì tôi để nhiệt độ cao mà vẫn phải mặc thêm áo khoác.

5/ Thân thể cảm thấy bị ngứa ngáy nhiều chỗ, nhất là sau lưng…

6/ Quan trọng hơn cả, những tháng sau nay, mặt mũi tôi bắt đầu lần lần thấy biến dạng, sưng lên những thớ thịt hai bên má và dưới cổ, có hạch ở nách và dưới háng….

7/ Hay bị chảy nước mắt và mắt cảm thấy bị mờ, ngứa ngáy.  Đi khám mắt, bác sĩ chỉ cho thuốc uống.

Đây toàn là những dấu hiệu không tốt, và nếu cẩn thận, một người sẽ đi hỏi bác sĩ.  Dĩ nhiên là tôi có hỏi bác sĩ của tôi, một thanh niên mới ra trường, kinh nghiệm không biết có bao nhiêu nhưng đã mở phòng mạch hốt thuốc đếm tiền.  Hắn chỉ lắc đầu bảo, không có gì quan trọng.  Mẹ, bác sĩ đã nói thế thì ông việc gì phải lo.

Cho đến những ngày hôm nay…

Ba: Những gì tôi đã gây ra cho chính tôi

Thành thật mà nói, dĩ nhiên là tôi cũng đóng góp một phần không nhỏ cho sự suy sụp sức khỏe của mình.  Trước hết, ai cũng biết, tôi bắt đầu biết ăn nhậu từ hồi chưa đi lính.  Vào lính, nhậu dữ hơn.  Qua Mỹ, nhậu tiếp.  Những năm gần đây, tôi bớt uống đi nhiều, nhưng mỗi ngày cũng phải chơi vài chai bia vân vân.

Có nhiều thì giờ ngồi coi lại hồ sơ bệnh tình và của tôi, nhất là phân tích những kết quả thử máu, tôi ngạc nhiên nhận ra vài điều sau đây:

1/ Số lượng sodium (muối) trong máu quá thấp:  Cách đây khoảng 20 năm, vì bị áp huyết hơi cao, nên tôi đã cử ăn mặn tối đa.  Tôi không còn nhớ mình đã cử như thế nào, nhưng hình như đã mấy chục năm qua, tôi còn nhìn thấy một hũ muối nào trong nhà nữa.

2/ Ăn Chay: Khoảng hơn 3 năm nay, khi nhìn thấy những người làm việc trong hãng tôi càng ngày bụng càng bự, đứng gần chúng nó, tôi có cảm tưởng như mình đứng gần cái thùng tô-nô.  Thế là tôi đâm hoảng, không muốn như chúng nó nên quyết định ăn chay.  Thay vì ăn uống 3 bữa như thiên hạ, tôi chỉ rút xuống chỉ còn ăn 1 bữa ăn chính.  Sáng sớm thức dậy, tôi chỉ chơi một ly cà phê, buổi trưa không ăn gì và buổi tối thì ăn một bữa thịnh soạn với rượu bia đầy đủ.

3/ Tự uống Aspirin để ngừa đột quỵ:  Đã từ hơn 20 năm nay, nghe lời ai hay đọc ở đâu không biết, tôi uống mỗi ngày 31 mg Aspirin.  Cách đây 2 năm, tôi tăng lên 238 mg (tức gấp 3 lần).  Cho đến năm ngoái, tự dưng tôi bị chảy máu cam, chảy hoài và chảy nhiều lần.  Tôi liền ngưng uống Aspirin thì đồng thời cũng hết bị chảy máu cam.

4/ Không bao giờ coi trọng việc ăn uống.  Xuất thân là một người lính, tôi luôn luôn coi thường chuyện ăn uống.  Có khi cả tuần lễ, chỉ uống bia chứ không ăn.  Khi nào đói quá, quơ đại vài miếng bánh, miếng chip, ăn cũng xong.  Nếu cần đổi một bữa ăn để lấy một chầu nhậu, tôi sẵn sàng liền.  Lính mà em.

5/ Tôi không biết mình đã bị thiếu dinh dưỡng trầm trọng, từ thiếu máu, muối, ít chất Albumin trong gan, vân vân.  Tôi, nói một cách khác, suốt mấy năm nay, đã tự nhịn đói đến … gần chết mà không hay.

6/ Tập thể thao.  Tôi không bao giờ tập thể thao nhưng mỗi ngày vận động, làm việc nhà, cắt cỏ vân vân cho đủ một tiếng đồng hồ.  Chuyện này không đến nỗi tệ.

Cũng có một điều cần nói là sau 4 tuần lễ trong nhà thương, họ chạy cho tôi hơn vài chục cái khám nghiệm, đủ mọi thứ scan, ultrasound, bone marrow, thử máu, đủ cả, bác sĩ xác nhận bao tử, thận của tôi còn rất tốt, không hề bị tiểu đường hay một thứ bệnh gì.  Tôi không phải là thầy thuốc nên không biết những gì tôi làm đã gây tai hại cho sức khỏe của tôi như thế nào.  Và cũng đếch có thì giờ để bàn thêm ở đây, nhưng xin viết lại để anh em coi cho vui.

Bốn: Vài câu chuyện kể lại cho vui

Dĩ nhiên là trong cuộc đời mình, chuyến đi nào thường cũng để lại nhiều kỹ niệm.  Chuyến đi vô nhà thương vừa rồi tôi cũng có vài chuyện đáng kể lại cho vui.

1/ You can die any moment now… (Lời bác sĩ)

Sau khi được đưa từ ICU xuống phòng bệnh, một buổi sáng Chủ nhật, tôi nhớ hôm đó trời ở Texas bắt đầu bị bão tuyết, tôi đang ngồi nghĩ đến bạn bè bên đó đang bị cúp điện, sống chết không biết thế nào thì khoảng 8 giờ, ông bác sĩ có lẽ là trưởng ca trực ngày hôm đó và một phụ tá bước vào phòng tôi, tay cầm một xấp hồ sơ, mặt mày coi nghiêm trọng lắm.

Ông bác sĩ ngồi xuống giường tôi rồi buông liền một câu xanh dờn:

-Mr. Le, xin thông báo cho ông biết là ông đã được chẩn bệnh với Advanced lung cancer.  You can die anytime now…

Mới nghe qua, tôi tưởng mình nghe lộn.  Nhưng ngài bác sĩ lập lại như thế.  Ngay lúc ấy, tôi còn đủ sáng suốt để biết rằng một ông bác sĩ Mỹ trực một nhà thương to lớn như thế này không bao giờ có thì giờ rảnh để tới đây ngồi nói đùa với tôi một câu chuyện quan trọng như vậy.

My death sentence has just been written in the sky, and I know it… Tôi nhủ thầm trong lòng mình như thế.  (Sau này xuất viện, tôi biết tôi được chẩn bệnh không bị ung thư phổi.)

Tôi nhớ mãi, lúc ấy nghe như thế và nhìn qua cửa sổ nhà thương, tôi thấy như linh hồn mình như sắp sửa được bay ra khỏi cái giường bệnh với những cái ống nhựa đang dính chằng chịt vào người tôi, được bay ra khỏi cái chốn ngục tù tăm tối đầy những sự ràng buộc vô nghĩa lý của thế gian này, bay tuốt lên trời cao, ở một chỗ nào đó thanh vắng hơn, yên bình hơn, tự do thoải mái hơn chỗ tôi đang ở.  Mẹ, làm người khổ thật.

Ở giây phút bi thảm nhất của cuộc đời đó, tôi ngạc nhiên vô cùng khi thấy lòng mình tự nhiên trở nên bình thản và thanh tịnh vô cùng, chẳng thấy có gì phải tiếc nối cả.  Ngày xưa tôi đã luôn luôn nghĩ rằng, nếu một ngày nào đó có ai đến bảo cho tôi biết rằng tôi sắp chết, có lẽ tôi sẽ vật vã đau đớn, quỳ xuống mà lạy trời lạy Chúa, lạy luôn cả Phật, lạy tuốt luốt tất cả để xin được sống lâu thêm. Nói ra nghe hèn thật nhưng cuộc đời là thế, con người là thế, có ai hơn ai.  Phải đến lúc đứng trước ngưỡng cửa Tử Sinh của cuộc đời mới biết được chính mình là ai.

Tôi chưa bao giờ biết được tôi là ai, nhưng, như đã nói, buổi sáng hôm đó tôi không hề thấy sợ hãi hay nối tiếc bất kỳ một cái gì trên cõi đời này.  Phải chăng tôi đã bắt đầu biết được chính tôi sau 70 năm làm người?  Hoặc giả, tôi đang còn bị … say thuốc nên mới “ngon lành” như vậy.  Tôi chẳng biết được.

Dù cả một cuộc đời làm lụng hy sinh cho gia đình, đã dâng hiến trọn tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất đời cho tổ quốc, mới được về hưu có mấy tháng, chưa kịp hưởng gì đã phải tất tả ra đi, tôi chẳng thấy buồn phiền tiếc nuối gì cả.  Trước sau gì rồi ai cũng phải ra đi thôi.  Đi sớm cũng vậy mà đi sau cũng thế, có ở lại chốn trần gian này thêm vài chục năm chưa biết cũng sẽ được cái gì.

Nhưng tự nhiên, tôi nghĩ đến một điều làm cho tôi cảm thấy đau buồn quá đỗi.  Đau buồn đến khóc được.  Đó là, tôi tự hỏi, suốt đời mình, không biết mình đã làm được cho bao nhiêu người sung sướng?  Hoặc đau đớn hơn cả, mình đã làm cho bao nhiêu người buồn?  Một lời mình nói ra không cần phải nói, một câu chửi thề không cần phải chửi, một lời phê bình không cần thiết, tôi đã làm cho bao nhiêu người buồn phiền cay đắng?

Quãng đời 70 năm từ lúc lọt lòng mẹ cho đến ngày hôm nay chạy xẹt qua thật nhanh như một ánh chớp.  Những ngày thơ ấu làm khổ cha mẹ anh em, vào trường học làm khổ thầy giáo bạn bè, đi lính thì vô kỷ luật, vân vân… Tôi đã làm một người lính… không bình thường chút nào, gây phiền toái rắc rối cho không biết bao nhiêu người.

Suốt đời tôi, tôi đã nói được bao nhiêu lần những lời nói ngọt ngào êm ái ngay cả với vợ con, với người thân, với anh em bạn bè?  Miệng tôi đã nhả được bao nhiêu cành hoa, bao nhiêu hương thơm, bao nhiêu lời hay ý đẹp, bao nhiều lời khen tặng cho đời được tươi đẹp hơn, hay chỉ mở miệng ra là văng tục chửi thề, phun ra những lời nói không hay làm cho nhiều người vốn đã đau khổ lại càng phiền muộn thêm?

Ngay lúc ấy, tôi muốn quỳ ngay xuống đất để xin tạ tội với tất cả mọi người mà tôi đã làm cho họ buồn bực hay không vừa ý trong suốt đời tôi, từ những người thân thiết như cha mẹ đến vợ con, anh chị em trong nhà cho đến bạn bè bằng hữu.  Xin tất cả hãy tha thứ cho tôi, để tôi được thoải mái và thanh thản ra đi, lòng không vướng bận gì.

Một lúc sau, ông bác sĩ lại hỏi tôi, nếu tôi bị trường hợp… bất ngờ, tôi có cho phép nhà thương rút ống hay chữa trị bằng mọi cách?  Tôi đã tính quyết định cho họ rút ống đi, nhưng chợt nhớ ra người vợ ở nhà, tôi bảo chuyện đó để vợ tôi lát nữa sẽ vào đây quyết định.  Tôi sẽ từ từ trình bày với nàng mọi chuyện khi nàng vào đây.

Ông bác sĩ bắt tay, để lại tờ giấy… rút ống trên giường, chúc tôi may mắn.

Tôi liền bốc điện thoại gọi cho hai đứa con thân yêu, báo cho chúng nó biết rằng bố chúng nó sẽ ra đi.  Tôi chậm rãi và bình thản trăn trối cho từng đứa một những lời cuối cùng của một người cha đã hy sinh và chiến đấu cho chúng nó suốt cả cuộc đời mình, vắn tắt dặn dò những gì muốn nói, giọng đều đều, không hề xúc động, bình thản và chịu đựng,như ngày xưa lái tàu bay, sau những trận đánh đẫm máu, gọi máy về nhà báo cáo kết quả, những xe tăng địch bị thiêu hủy, những xác người cháy đen nằm đầy dẫy trên núi rừng Trường Sơn.  Hai trạng huống, hai mảnh đời khác biệt, nhưng mầm móng và hình ảnh đau thương buồn thảm của những sự chết chóc chia lìa chẳng khác nhau chút nào.  Một lúc nào đó, các con tôi khóc rống lên trong đường giây, nghe chịu không được.

Rồi vợ tôi vào, câu chuyện trở nên hơi phức tạp hơn và rất nhiều xúc động, nhiều cảm tình và nước mắt nhưng rồi cũng xong.  Chúng tôi đồng ý ở một quyết định chung.

Nhưng cuối cùng thì tôi vẫn… không chịu chết.  Ra khỏi nhà thương 3 lần, lại bị lôi cổ nhập viện vào phòng cấp cứu 2 lần vì bị xuất huyết không cầm được.  Lần cuối cùng, nếu trễ nửa tiếng đồng hồ thì tôi đã được đưa thẳng xuống nhà xác thay vì ICU.  Đây là lời bác sĩ nói, tôi không… chế biến.

Bây giờ tôi đã về nhà được gần 2 tuần, đang xạ trị và thấy càng ngày càng khỏe ra như trâu.

2/ I’m not a brave man

Một đêm nọ, một bà y tá tới đổi máu và chích thuốc cho tôi.  Nhìn những ống kim ống ni-lon chằng chịt quanh mình, tôi lắc đầu ngao ngán than: “You know, I’m not a very brave man.  This stuff scares me …”

Tôi nói là nói cho vui vậy thôi trong một giây phút ngã lòng chán nản, nào ngờ, bà y tá quay lại nhìn tôi, nghiêm mặt nói: “Mr. Le, everybody here thinks you’re a very brave man.

“Wow, how is that?”

You have conducted yourself perfectly in this hospital.  You are suffering tremendously, yet you take it bravely, silently and gracefully.  You always have that beautiful and confident smile on your face.  We are supposed to comfort you, but it’s you that comfort us, cheer us up.  Thank you Mr. Le.”

Thành thật mà nói, nghe như thế thì lòng mình thấy vui hẳn lên.  Không phải riêng gì tôi nhưng bất cứ ai đã từng mắc áo lính đều phải học để biết… chấp nhận thương đau.  Mẹ, nếu chết thì đành phải chết chứ làm đếch gì mà phải nhăn nhó đau khổ, làm mất cái hào khí của người lính đi, phải không các bạn?  Tôi hãnh diện rằng mình vẫn còn có chút máu lính trong người và hành xử như một người lính của QLVNCH trong một cơn thất cơ lỡ vận.

3/ Thèm ăn đồ Mỹ và đồ ngọt

Sau một tuần lễ nằm bệnh viện và được tiếp khoảng 9 bịch máu, tôi bỗng thèm đồ ăn thức uống của… Mỹ.  Những cái Hamburger King mày ngày xưa đi làm, cực chẳng đã mới ăn vài cái, và chẳng bao giờ thấy ngon lành gì.  Nhưng nằm coi TV, thấy chúng nó quảng cáo, tôi thèm nhỏ dãi.  Lại thèm cả những đồ ngọt mà ngày xưa tôi rất ghét như Coca, bánh Cookie, Kem vân vân…  Nửa đêm tôi gọi điện thoại cho vợ, dặn dò mua cho tôi những thứ này thứ kia.  Ngày hôm sau, vợ tôi khệ nệ bưng vào một bịch đủ thứ.  Nàng nói đùa với tôi: “Anh được tiếp máu Mỹ nhiều quá nên bây giờ anh thành người Mỹ rồi.”  Một câu nói đùa nhưng nghĩ cũng hơi có lý.  Vài ngày sau, có chút thì giờ rảnh, tôi dở kết quả thử máu ra nghiên cứu thật kỹ mới thấy lượng đường trong máu mình xuống còn có 54 (bình thường 70-110), ngay cả lượng muối, Potassium, cái gì cũng thiếu cả.

4/ Nhớ lại một bài thơ cũ làm năm 2012

Vì không biết làm thơ nên tôi rất sợ thơ, nhưng lâu lâu nổi hứng cũng làm đại một bài.  Năm 2012, nhân việc thiên hạ bàn chuyện “Ăn Cơm Hay Ăn Phở” trong một bàn nhậu, tôi nổi hứng làm đại một bài chọc phá thiên hạ cho vui.  Bài thơ mới đầu là ăn phở, nhưng từ từ lại … biến thái trở thành chuyện nhậu nhẹt với Diêm Vương dưới âm phủ.

Một đêm trong nhà thương, tôi giật mình thức dậy vì không thở được.  Không hiểu tại sao, tất cả những ống ni-lông ống Oxy và IV của tôi vẫn đầy đủ nhưng tôi không thể nào thở được.  Tôi ngộp thở muốn chết, tôi vùng vẫy lăn lộn, muốn bấm máy gọi y tá nhưng không gọi được, đầu óc trở nên xây xẩm rồi ngất lịm đi.

Và tôi thấy hồn mình bay khỏi xác, bay xuống dưới âm phủ thật.  (Tôi phải xuống âm phủ vì chẳng ai cho một thằng du côn mất dạy như tôi vào Thiên Đàng—đành chịu thôi) Và xuống âm phủ thì nhất định phải gặp Diêm Vương.  Nhưng gặp Diêm Vương rồi lại được trở về mới là hay…

Không biết bao lâu sau đó, tôi giật mình tỉnh giấc thấy thiên hạ bu quanh mình đông như kiến, chỉ chỏ nói năng tùm lum.  Tôi đếch có thì giờ để tìm hiểu tại sao, nhưng tôi biết tôi vừa thoát chết.  Và tôi nhớ ngay đến bài thơ “Ăn Phở” tôi làm năm 2012 như sau:

Ăn cơm hay ăn phở? 

Đầu năm mới làm bài thơ … con cóc

Chuyện ăn cơm, ăn phở thứ nào ngon?

Thiên hạ người muốn ăn kẻ bảo đừng

Có anh còn sợ cơm nhà bị hàng xóm… bứng

Lạy Thượng Đế con xin người tha thứ

Phần con, cơm khê, cơm nhão, con đều… đớp ráo

Ra đường gặp phở con cũng… chơi luôn.

Hủ tíu Mỹ Tho ư? Sức mấy con từ

Mì Vịt tìm là món con khoái khẩu

Ếch xào lăn, khỏi nói nhậu tới chiều

Càng cua rang muối càng nhai càng nhớ đến:

Cặp… mông đít em cắn mãi, sao ngon được như vầy?

Ham Bơ Gơ Mỹ ai chê xin để đấy

Tóc vàng mắt xanh, “Thù dân tộc” con đành phải trả

Su-Shi uống với Sa-Kê con sẽ …  “Đoàn kết Đại Đông Á”

Jambon Pháp thịt trắng tươi thơm phức, ngu sao chẳng vồ?

Đời người ngắn ngủi làm con phải ằng-gioi

Ai cười con chịu ai chê con cũng cười

Nhưng có vài thứ con không bao giờ đụng tới:

Một là vợ bạn, hai bà con máu mủ,

Ba là phụ nữ tuổi con cháu mình…

Được dâng hiến con lắc đầu… bỏ chạy

Mai mốt ngủm, xuống đáy tầng địa ngục

(Trời đất nào dung một thằng quỷ như con?)

Gặp Diêm Vương hắn chỉ mặt quát lớn:

Thằng quỷ sống, sao giờ này mới xuống?”

Con chẳng hãi quạt liền, “Mẹ, vừa thôi bố,

Cũng đều là … quỷ, sao mày nỡ ép nhau?

Kiếm chai rượu mình ngồi đây cạn láng

Nói thật với mi tao chẳng hám Thiên đàng,

Bởi trên đó toàn Cha Cố Bà Sơ, người đúng đắn

Mặt mày táo bón, bộ tịch nghiêm trang coi mà thấy nản,

Ăn mặc kín bưng chẳng cho ai xem tí… vú chút đùi

Uống toàn nước lạnh, hay cô ca hay cà phê sữa đá

Tao đây bợm rượu làm sao mà sống nổi?

 Tao thà xuống địa ngục với mi

Bởi nơi đây hảo hán bạn bè đầy đủ cả,

Toàn những thằng trời đánh phải…. đứng xa

Những thằng ngày xưa vá trời lấp biển

Áo lính giày sô ngang dọc bốn phương trời

Nhưng nửa đường gẫy cánh dù đại bàng cũng ngã

Thành không giữ được, gạt nước mắt, lời thề xưa đành bỏ

Thằng chết thảm, thằng vào tù, thằng bỏ chạy

Uất hận cháy con tim và linh hồn ngập máu

Thôi đành “Làm Quỷ Nước Nam” kể từ ngày tháng đó…

Mi Quỷ nhà trời, tao Quỷ nước Nam, mình cùng đều là quỷ

Thôi uống đi cha đừng giở trò lý sự…”

Diêm vương nghe nói liền bùi ngùi sa lệ,

Hắn vỗ vai con “Này thằng quỷ nước Nam,

Năm 75 địa ngục tao bỗng rộn ràng,

Dân lính miền Nam tự dưng ào đổ xuống

Chết trong ngục tù, chết trên biển cả đại dương…

Chết vùng kinh tế mới, chết vì thiếu ăn, chết bờ chết bụi

Những người thảm tử chết oan mắt không thể nhắm

Chuyện tang thương tao đâu biết, bây giờ mi mới nói,

Cho tao xin lỗi đã làm mi nổi nóng

Thôi bây giờ mi có muốn chi không?”

 Lỗi phải mẹ gì vểnh tai nghe tao nói

Tao muốn mi lên trở lại trần thế

Diệt hết loài Cộng Phỉ cho tao

Thằng Hồ thằng Duẫn chết trốn nơi nao?

Và luôn cả thằng cẩu Kỳ khốn nạn

Chỉ cho tao, tao đái vào mặt chúng

Diêm Vương đưa con cuốn sổ miệng cười cười:

Chuyện nhỏ cưng ơi, đây này mày sẽ thấy

Cộng Phỉ sắp tàn rồi sổ sách có ghi đây

Còn bọn thằng Hồ tụi Cộng Sản ác ôn

Tao nhốt hết dưới hầm phân mày ỉa đái

Thôi uống đi cha để rồi cho tao hỏi

Tại sao trần thế có cơm mà còn hay mê phở?”

Con làm ngụm rượu rồi khà ra một phát:

Mẹ, quỷ nhà trời sao hiểu được bọn tao?

Cơm ăn hoài phải đổi món chớ sao

Không những Phở ngon nhưng còn nhiều thứ khác…

Diêm vương ngắt lời và chắp tay mà lạy:

Con lạy ông, xin ông đừng nói nữa

Làm con thèm chắc bỏ địa ngục theo ông

Ông quả đúng là một thằng quỷ sống…

Quỷ sống (mầm non thi sĩ) Trường Sơn Lê Xuân Nhị

Xuân 2012

Gần chục năm sau, nhớ lại bài thơ, thấy… hay hay, viết lại chia sẽ cho anh chị em coi.  Một điều quan trọng, tâm hồn tôi ngày xưa thế nào thì bây giờ cũng y như vậy, chẳng thay đổi chút nào.  Ai biết đời đổi thay, sẽ không bao giờ thay đổi.

Kết luận

Đời người, Sinh Lão Bệnh Tử là lẽ thường, mỗi ngày có hàng trăm ngàn người chết trên thế giới, chết thêm một thằng dở hơi như tôi cũng chẳng có gì quan trọng.  Tôi viết lại những dòng này vì bây giờ có nhiều thì giờ để nhìn lại cuộc đời mình.  Và nhìn đến đâu thì tôi thấy mình mang nợ tới đó.  Nợ công ơn sinh thành dưỡng dục của song thân, nợ công cha nghĩa mẹ chữ thầy, nợ sông nợ núi, nợ những người lính QLVNCH đã chết cho tôi được sống, nợ bạn bè bằng hữu, nợ tha nhân, vân vân.  Nợ tiền bạc có thể trả được, nhưng nợ ân tình thì khó mà trả lắm, chỉ có chết mới đem theo được mà thôi…

Đã trải qua một lần ở ngưỡng cửa tử sinh của cuộc đời và nhìn thấy được cái phù du mong manh của kiếp người, tôi mới thấy biết ơn vợ con, anh em ruột thịt trong nhà.  Những chuyện này bình thường tôi không nhìn thấy, nhưng khi hữu sự, mới thấy đó là những món quà vô giá mà trời ban cho tôi.  Những giọt nước mắt thổn thức và đau đớn của người vợ hiền, những cái nhìn lo âu sợ của con cái, những chia sẻ ngọt ngào của anh em ruột thịt trong nhà, đã làm cho lòng tôi rúng động.  Rồi còn bạn bè xa gần nữa.  Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình đã làm gì xứng đáng để được quý thương như thế.  Tôi thật là may mắn lắm …

Thôi thì xin cho tôi được quỳ xuống đất mà lạy tạ tất cả.

Nhắc tới bạn bè, từ bạn học La San ngày xưa còn bé cho đến bạn bè anh em trong phi đoàn ngày xưa, bạn lính, bạn trong những hội ái hữu, bạn trong phong trào tranh đấu, bạn văn, bạn ăn nhậu bây giờ, bỗng cảm thấy nhớ và thương quá họ quá.  Tôi chí tình với người ta như thế nào thì tôi chưa biết rõ, nhưng tôi thấy anh em bạn bè chí tình với tôi quá.  Từ ngày tôi ngã bệnh, đã không biết có bao nhiêu email, bao nhiêu lời nhắn gởi nồng nàn thân thiết đến với tôi.  Tôi đọc và cảm động lắm, nhưng chưa có dịp trả lời.

Nhân bài này, tôi xin gởi đi khắp nơi để cám ơn tất cả các bạn bè thân mến xa gần của tôi, dù chỉ quen biết nhau qua email, chưa một lần được gặp.  Những tấm thịnh tình này, tôi nguyện khắc cốt ghi tên.  Tôi hiện còn mệt lắm, xin đừng gọi điện thoại, nhưng tôi có thể đọc mail, dù chưa thể trả lời được…

Văn Bút Nam Hoa Kỳ ở Houston sắp long trọng tổ chức họp mặt bầu ban chấp hành mới ngày 13 tháng 3 này, nghe vui quá nhưng tôi đang làm Xạ Trị, không đi được, đành xin kiếu.  Xin uống giùm tôi vài hớp rượu cho tôi đỡ thèm, chửi thề giùm tôi vài tiếng cho tôi đỡ nhớ, và cuối cùng, hãy cười lên khằng khặc để nhớ đến nhau.  Chúc anh chị em vui vẻ và hẹn lần sau.

From: TU PHUNG

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay