MỘT HỆ THỐNG CỞI TRUỒNG…

Câu chuyện về ông vua cởi truồng thì ai cũng biết, cũng hiểu, cũng cười nhưng khi một hệ thống cởi truồng thì khác. Khác ở đây là ai cũng biết, cũng hiểu nhưng không cười mà khóc. Khóc âm thầm, khóc cay đắng trong tàn lụi đau khổ.

Tôi đang nói về sự việc cô giáo Nguyễn Thị Tuất – giáo viên Trường Tiểu học Sài Sơn B, Quốc Oai bị nhà trường trù dập bởi những tố cáo về sai phạm của nhà trường về tài chính và chất lượng bữa ăn của học sinh. Việc kết luận đúng sai, ta hãy tạm gác một bên, chờ kết luận thanh tra, ở đây tôi muốn nói tới một tình trạng chung của hệ thống giáo dục ở Việt Nam.

Việc hiệu trưởng là “vua”, “chúa” đầy quyền lực trong một trường học là không lạ với mọi người, đặc biệt là với các giáo viên. Tại sao vậy?

Bởi tình trạng phải bỏ ra mấy trăm triệu để có được một suất biên chế, hay một suất dạy hợp đồng là một vấn nạn phổ biến. Phổ biến đến mức báo chí chính thống cũng viết nhiều về việc ấy nhưng nó vẫn tồn tại rất ngang nhiên.

Ở một thể chế coi trọng dân chủ, coi trọng công lý và thực tâm diệt trừ tham nhũng thì chắc chắn nhiều kẻ nhận tiền và kể cả kẻ “chạy” vị trí cũng phải vào tù. Nhưng Việt Nam là thiên đường của tham nhũng nên sự việc rất nghiêm trọng như vậy có thể trở thành phổ biến và được cả một hệ thống và cộng đồng chấp nhận coi như một việc bình thường. Ai cũng biết là xấu nhưng ai cũng chấp nhận, ấy chẳng phải là việc cả một hệ thống “cởi truồng” nồng nỗng, phô bầy cái xấu giữa thanh thiên bạch nhật nhưng được chấp nhận một cách “khôn ngoan”, “thức thời” là gì?

Khi giáo viên “chạy” được xuất dạy, họ đã bán linh hồn người nhà giáo, họ đã thành những thợ dạy, những thợ dạy miệt mài tìm mọi cách lấy lại số tiền đã đầu tư. Thử hỏi nếu vào hoàn cảnh tự cho mình thành con tin bởi số tiền đã bị cướp thì ai dại gì mà đấu tranh, mà chống lại cái xấu do hiệu trưởng hay cao hơn là hệ thống giáo dục áp đặt lên họ?

Và vòng quay của tiền, quyền, của chạy chọt tiếp tục. Giáo viên muốn thành hiệu trưởng thì cũng phải chạy, chạy xong thì cũng miệt mài nghiền ngẫm cách lấy lại tiền đã “đầu tư”.

Khi các thợ dạy đã mục ruỗng bên trong về nhân cách, lòng tự trọng, ý thức đúng sai thì họ sẽ dạy gì cho lớp trẻ? Họ vẫn dạy về đạo đức nhưng khi người ta nói về đạo đức mà bên trong đã mục ruỗng thì bọn trẻ sẽ nhận ra ngay sự hời hợt, sự đạo đức giả dầy cộp trên bề mặt và tâm hồn chúng sẽ trơ lì trước những lời dạy giáo điều.

Nhưng đâu phải chỉ giáo dục, bởi giáo dục chỉ là một bộ phận của cả một hệ thống lớn hơn. Chúng ta lạ gì với việc mua chức bán quyền, báo chí chính thống cũng viết đầy. Cũng biết kêu ca, cũng biết phản ánh nhưng có mấy chục năm nữa cũng sẽ như vậy. Bởi những kẻ có quyền lực thực sự đang hưởng lợi trong một hồ nước đục. Giáo dục càng cải cách càng trở nên cồng kềnh và rối rắm là vì vậy, xã hội ì trệ là vì vậy, bất công ngày càng nhiều là vì vậy.

Khi chức quyền được mua, là kết quả của tài năng “chạy” thì nó gây ra hậu quả ghê gớm thế nào ai cũng biết. Lương tâm của người Việt đang được mài, đang được khoét từng mẩu một để đổi lấy nhà, lấy xe, lấy khoản cho con đi du học, lấy một cục để lo tuổi già…

Nếu ai bỏ thời gian để nhìn xuyên thấu những gì đang diễn ra, nếu biết ngẫm về tương lai của trẻ em, của đất nước thì người ấy chắc chắn sẽ buồn. Ồ, nhưng may thay số người “dở hơi” bỏ thời gian ra viết phản biện, để nêu lên những nỗi buồn, số người còn lương tri tồn tại rất ít, do vậy, số người đang “mãn nguyện”, đang “hạnh phúc” ở đất nước này rất cao. Cho nên mấy sự rên rỉ của những người dân thấp cổ bé họng có là gì đâu!

Nói chung là chúng ta đang rất hạnh phúc và mọi vấn đề chỉ là rất nhỏ phải không các bạn?

CHAU DOAN