CHỮ “TÍN”

 

CHỮ “TÍN”

Mũ Đỏ Trương Văn Út, danh hiệu truyền tin Út Bạch Lan.

LTSCựu Đại Úy Trương Văn Út, cựu SVSQ Khoá 22/TVBQGVN. Ông là ĐĐT Đại đội 5, Tiểu Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù/ Lực Lượng Đặc Biệt.

Sau ÐÐ5 Biệt Cách Nhẩy Dù cải tuyển thành Đại Đội 2 Trinh Sát Nhảy Dù/SĐND, được các cựu SVSQ/Khoá 22/TVB Quốc Gia VN gọi là “Lão Ngoan Đồng”. Ông vượt thoát khỏi trại tù CS (Long Giao). Mấy năm trời sống lanh quanh thành phố Saigon, trước khi vượt biên (1982) đến trại tị nạn Mã Lai. Ông hiện định cư tại Houston, Texas.

***

Tôi chỉ có một bà chị dâu duy nhất. Chị kết hôn với người anh thứ ba của chúng tôi nên tôi gọi là Chị Ba. Tên của chị là Trần Sâu Lầy. Nghe qua cái tên thì biết ngay Chị là người Việt gốc Hoa. Chị sinh quán ở xã Cây Dừa, Quận Cai Lậy, Mỹ Tho, xuất thân Sư Phạm Sài Gòn, làm cô giáo ngay tại nơi sinh trưởng của mình.

Anh của tôi là Trương văn Nhì (Khoá 15 Võ Bị Đà Lạt (VBĐL) phục vụ tại Trung Đoàn 12/ SĐ 7 Bộ Binh…

Theo lời kể, gia đình ông sở ông sơ của chị, thuộc dòng dõi Minh Hương bên Tàu, chạy tỵ nạn nhà Thanh sang lập nghiệp ở Cà Mau cùng thời với Mạc Thiên Tứ, Mạc Cữu….Cho đến đời Ông Cố, ông Nội vẫn còn ôm giấc mộng “Phản Thanh Phục Minh”…và đến đời thân phụ thì di chuyển về Cây Dừa, tỉnh Cai Lậy và chị được sinh ra nơi đây…

-Năm 1975… Anh của tôi đi tù caỉ tạo CS. Chị bị cho nghĩ việc vì vợ sĩ quan “Ngụy”… Chị chuyển sang nghề may vá, tần tảo nuôi ba đứa con còn nhỏ dại.

Khi tôi trốn ra khỏi trại tù CS ở Long Giao (1976), thỉnh thỏang lén lút ghé thăm Chị. Chị lúc ấy gầy rọp thân thể, lưng còm xuống, già lão trông giống như người đàn bà năm sáu mươi tuổi, mặc dù lúc ấy chị mới khoảng 26, 27 tuổi.

Ấy, vậy mà cứ sáu tháng một lần Chị phải gánh hai bao bố thức ăn khô, thuốc men, từ Sài Gòn ra đến trại Vỉnh Phú (miền Bắc) thăm nuôi Anh tôi trong tù.

-Năm 1987… Mười hai năm sau, anh được thả ra. Chị đã chuẩn bị sẵn cho Anh để vượt biên bằng đường biển, qua sự trung gian của gia đình người Hoa mà chị thân thích. Không may, Anh lại bị bắt và bị giam ở Mõ Cày (Bến Tre) chịu đựng ba năm khổ sai…

Sau đó, được tạm tha, trở về gia đình, sống trong bàn tay buôn tần bán tảo của Chị. Vợ chồng đạm bạc bên nhau, cho đến ngày cả gia đình được sang Mỹ với diện HO-5…

Ngày nay, gia đình anh chị tôi, đã ổn định. Con cái đã thành thân và thành nhân với một đàn cháu nội ngọai đề huề…Có lần tôi hỏi Chị

-Bí quyết nào giúp cho Chị vượt qua tất cả gian nan để có ngày nay?

Chị cười và nói:

-Có gì đâu! Chị có 9 đồng, chị cố kiếm thêm 1 đồng để đủ 10 đồng, rồi Chị dấu đi để phòng khi hữu sự. Còn tụi Em có 9 đồng, đi vay thêm một đồng để chén thù chén tạc với bạn bè. Tiền vất qua cửa sổ, chẳng bao giờ chạy ngược trở vào....

Đó là triết lý sống của người chị dâu gốc Hoa của tôi..

Năm 1979… Ngược giòng thời gian

Tôi ghé thăm Chị, khi anh tôi còn đang ở trại tù ngoài Yên Bái. Tôi sống lang thang không nhà không cửa, ngoài vòng pháp luật, vì đã trốn ra khỏi tù. Nhờ chị giới thiệu tôi với một gia đình người Hoa trong Chợ Lớn và tôi có việc làm chui “…

Mỗi sáng lúc 5 giờ, đạp xe đạp đến chỗ hẹn, nhận 3 cây vải sa-ten đen, chở lên Cầu Tre ( Phú Lâm) giao cho người nhận là một xưởng nhuộm lậu. Sa-ten là một lọai lụa, dùng để may quần cho đàn bà.

Buổi chiều lúc 3 giờ, trở lại nhận 3 cây sa-ten trắng đem về giao lại cho Chủ. Cứ mỗi chuyến ” giao hàng ” như vậy, Chủ trả cho 25 đồng tiền mới (tiền cụ Hồ – mỗi 500 đồng của VNCH đổi ra 1 đồng tiền Hồ).Thôi, cũng độ nhật qua ngày…

Ông Chủ trạc 60 tuổi, Tôi gọi là chú Quảnh , người Em của ông, là chú Xồi…Tôi không biết gia đình này có bao nhiêu người, nhưng hai anh em họ sống chung với nhau trong căn phố ba tầng ở đường Triệu Đà, Chợ Lớn. Căn phố cũ kỹ, đơn sơ, không một chút gì sang trọng như những căn phố gần đó.

Một hôm sau khi giao hàng, như thường lệ Chú Xồi trả công cho tôi 25 đồng. Tôi cám ơn, vội vã đạp xe đạp, giông tuốt rồi ghé quán càphê . Tôi móc tiền đếm lại thì tới 50 đồng, chứ không phải 25 đồng…

Trong hoàn cảnh khốn cùng này được đồng nào hay đồng nấy. Hớp vài ngụm cà phê, Tôi chợt giật mình vì chợt nhớ lại lời chị dâu tôi dặn:

– Em phải nhớ làm ăn với người Tàu, một cắc là một cắc , một đồng là một đồng, ăn gian nói dối thì không bao giờ làm ăn với Họ được…Họ làm ăn với nhau chỉ đơn giản với một chữ TÍN “…

Tôi bừng tỉnh, cong lưng đạp xe nước rút trở lại gặp Chú Xồi và trả lại 25 đồng mà Chú đã đưa dư…Chú cười và nhận lại tiền dư.

Tôi không biết chị dâu của tôi có nói gì với Họ về tôi hay không, nhưng một hôm, khi Tôi giao hàng, Chú Quảnh bảo Tôi:

Nị dào chong dữa mặt , zồi za ăn cơm dới Ngộ há ..

Trong bữa cơm gồm cả hai gia đình…Họ xí xô xí xào. Tôi không hiểu họ nói với nhau điều gì. Khi từ giã ra về, Chú Quảnh đưa tôi ra cửa và Chú hỏi nhỏ:

-Nị có phải là sĩ quan “ngụy” chốn học tập không hả ???.. Đừng sợ… Ngộ biết hết dồi lớ…từ từ mình sẽ tính…

Tôi bàng hoàng rời nhà chú Quảnh với nỗi cực kỳ lo sợ. Ngày mai có nên trở lại nơi này không ??? Không !!! chắc chắn là không…

Tôi chuyển hướng, thay vì đi thẳng đến bến xe An Đông tìm chỗ ngủ đêm như thông lệ, Tôi đạp xe qua bến Phạm Thế Hiển gặp chị tôi

Chị Ba! Chị có nói gì mà Họ biết Em là sĩ quan ngụy trốn trại cải tạo?

Với nụ cười hiền hậu Chị trả lời:

-Không có sao đâu, họ đang giúp Em đó…

Hai tuần sau, tôi có cái giấy Khai sinh giả mang tên Trần Chỉnh, sanh năm 1942…người Việt gốc Hoa …

Tôi (chỉ một mình tôi) cùng gia đình Họ , hơn 60 người gồm đàn ông, đàn bà và trẻ con, rời bến ở kinh Miệt Thứ, Rạch Giá ra khơi trên chiếc ghe đánh cá, ba block đầu bạc, đi tìm tự do.

***

Tàu ra khơi, nhưng không may, xế trưa ngày hôm saubị gảy bánh lái cách đảo Phú Quốc chừng 10 cây số về hướng Đông. Tàu bỏ neo để thay bánh lái phụ. Một chiếc tàu đánh cá quốc doanh Phú Quốc xáp lại gần. Tất cả chúng tôi vội vàng chui xuống dưới khoang ghe, phía trên chỉ năm ba người giả bộ như đang đi đánh cá.

Tàu đánh cá VC không xáp lại gần, mà chỉ chạy chậm lại. Ngang ghe chúng tôi vài chục mét, chúng vẩy vẩy tay chào rồi tiếp tục hành trình về hướng Phú Quốc.

Tôi và Chú Quảnh bò lên phiá sau lái hỏi anh Lợi, người tài công có mười năm kinh nghiệm đánh cá. Anh nói với chút lo âu:

Mình phải đi ngay, càng nhanh càng tốt, tôi đoán thế nào bọn chó đẻ đó cũng gọi Công an Biên Phòng…

15 phút sau ghe nhổ neo, vội vã lái về hướng Nam … Nhưng quá trễ. Hai chiếc PCF duyên tốc đỉnh phất phới ngọn cờ máu phiá sau chúng tôi với hằng tràng đại liên chỉ thiên đe dọa. Thế là chúng tôi bị bắt. Ghe được kéo về đồn Công An Biên Phòng ở Cây Gáo, sau đó bị tống vào trại giam của Ty CA Hình Sự Cà Mau, nằm phía bên kia cầu sắt. Bên này là chợ Cà Mau .

Thời gian này là lúc phong trào vượt biên bán chính thức đang nở rộ công khai. Người Hoa từ thành phố xuống Cà Mau được ưu đãi như khách du lịch có passport (thông hành) chờ xuất ngọai. Ghe của gia đình Chú Quảnh là ghe vượt biên lậu, nhưng nhờ thời điểm này, mà cả gia đình trên ghe của Chú Quảnh được đối xử không đến nổi tệ. Bọn CA chỉ lo vơ vét vàng… 5 cây, 10 cây… tùy số lượng để giải quyết vấn đề.

Tôi không biết gia đình Chú Quảnh hay Chú Xồi làm việc với bọn chúng bằng cách nào, vì mỗi lần Chú Quảnh được gọi lên văn phòng của chúng, khi trở về phòng giam, anh em họ chỉ nói chuyện với nhau bằng tiếng Tàu.

Hai ngày sau đàn bà con nít được CA đưa ra bến xe đò cho xe chở về SàiGòn… Đàn ông bị giữ lại chờ xét xử sau ..

Trong thời gian chờ đợi, Chú Quảnh dặn Tôi:

-Nị nhớ khai đúng tên tuổi trong khai sinh mà Ngộ đã đưa cho Nị … Nị là Em dợ của Ngộ, là Em duột của dợ Ngộ…Nhớ nói giọng lơ lớ…đừng nói nhiều hớ ….”

Sau một tuần thẩm vấn từng cá nhân một 18 anh em “người Hoa chúng tôi” được ra ngòai lao động: vác lúa mang vào nhà máy xay, sau đó khiêng gạo xuống mấy ghe bầu đậu sẵn dưới sông bên cạnh Cầu Sắt.

Bao nhiêu nỗi lo âu sợ hãi ban đầu dần dần vơi đi, Tôi bỏ hẳn ý định trốn thoát, vì rằng trong trạng huống này Tôi nghĩ sớm hay muộn, không bao lâu, chúng nó cũng thả chúng tôi ra.

Thêm vào đó tình cảm với anh em Chú Quảnh càng ngày càng khắn khít qua những liên hệ của những người tù cùng chung một trại giam “ngọt cùng chia, bùi cùng xẻ”. Họ đối với Tôi như chính anh em của họ.

Sau hơn ba tháng lao động chúng tôi được cấp giấy “tạm tha trở về nguyên quán “…Điều này đối với tôi, tôi nghĩ như đang nằm mơ, vì mang tội vượt biên thì ít nhất ba năm lao động ở các trại tù cải tạo của miền Tây. Tôi tò mò hỏi Chú Xồi, Chú chỉ trả lời, bằng gịong người Tàu nói tiếng Việt.

-Mấy Bả dề trước, mấy Bả lo cho tụi mình…

Về đến xa cảng miền Tây, chúng tôi chia tay, Chú Quảnh lại dặn dò:

-Nị nghỉ ngơi vài ngày rồi trở lại gặp chúng tôi ..

Chú nhét vào túi quần tôi 50 đồng. Tôi quay lưng, niềm suy nghĩ bay cao..

Trở về nguyên quán? Nguyên quán của tôi ở đâu? Mấy năm nay, nhà của tôi là đầu đường xó chợ, là ga xe lửa, bến xe đò! Nhớ vợ con lắm thì nhắn chị Ánh (vợ Hùng Móm), chị Hồng Tố Yến (vợ TTC), chị Thu (vợ NTN) rồi kiếm cách lén lút gặp vợ con vài ba tiếng đồng hồ, khi những người thân yêu này giả vờ đi chơi lang thang trong Sở Thú…

Một tuần sau, tôi mon men trở ra Chợ Lớn tìm Chú Quảnh. Đứa con gái Chú Xồi chỉ ra quán cà phê góc đường Triệu Đà – Hùng Vương. Nơi đây tôi gặp lại họ.

Chú Quảnh vừa thấy tôi, Chú mừng lắm. Chú chạy ra, nắm tay tôi kéo đi một khoảng khá xa và nói:

-Nị đi ngay đi … đừng vào trong đó… Ngày mai lúc 6 giờ chiều gặp ngộ ở nhà hàng Soái Kinh Lâm… Nị biết chớ?

Tôi im lặng gật đầu, trở lại lấy xe đạp, cứ đạp miết. Vô ngã hẻm này, ra ngã hẻm khác, len lỏi vào giòng xe đạp trên các lộ chính, rồi bất ngờ quẹo vào một con hẻm nào đó, mục đích “cắt đuôi” nếu bị theo dõi.

Tôi tin tưởng nơi gia đình chú Quảnh. Tôi chỉ còn một nơi bám víu chỉ với chút hy vọng mong manh là chỉ có gia đình Chú mới có thể giúp tôi thoát khỏi nơi này để đến bến bờ Tự Do.

Nhưng nay, qua sự gặp gỡ vừa rồi, Tôi hiểu gia đình của Chú cũng đang bị theo dõi gắt gao.

* * *

Sau bốn năm “giải phóng”, nhà hàng Soái Kinh Lâm vẫn sang trọng huy hoàng rực rỡ như ngày nào. Tôi bước vào, lòng mang bao nhiêu nỗi ngậm ngùi, nhớ lại những tháng ngày của một thời oanh liệt. Tôi ngồi vào chiếc ghế bên cạnh Chú Xồi, đảo mắt qua một vòng. Tôi yên tâm vì không có người lạ. Hầu hết là những người cùng Tôi vác lúa khổ cực ở Cà Mau khi bị giam về tội vượt biên…

Chú Xồi hỏi Tôi:

-Nị còn nhớ Chú Xường ngồi bên kia bàn hay không?

-Dạ nhớ.

Ai ngồi kế bên?

-Dạ, chú Chảnh…

-Nị ráng nhớ cho kỹ, một chút nữa qua đó ngồi nói chuyện với tụi nó và tụi nó nói cái gì thì nị cứ làm theo cái đó. Mấy thằng chó chết VC đang đánh tư sản mại bản. Tụi nó đóng cửa ba cái hãng nhuộm vải ở Cầu Tre, tịch biên tất cả vải vóc chúng tôi đang có, và có thể sẽ tịch biên nhà cửa và đưa chúng tôi lên vùng kinh tế mới, không biết ở đâu…Cho nên chúng tôi không còn giúp cho Nị được gì nữa … Đây là Hộp trà Sâm, anh Chảnh biếu cho nị, có vậy thôi… Nhớ giữ hộp trà này bên mình.. Bây giờ qua nói chuyện với Xường và Chảnh.

Chú Quảnh từ một bàn khác liếc nhìn tôi mỉm cười. Buổi tiệc hôm nay là ngày sinh nhật thứ 16 con gái Út của Chú Quảnh. Tôi nắm lấy bàn tay chú Xồi siết thật chặt và thật lâu, trước khi chỉ biết nói hai chữ cám ơn rồì bước sang bàn chú Xường…

Xường và Chảnh chỉ lớn hơn tôi năm hoặc bảy tuổi, nhưng tôi vẫn gọi bằng Chú. Thời gian ở tù Cà Mau, trong cái láng dơ bẩn, ba chúng tôi cùng nằm một chiếc chiếu rách tả tơi … Khi ngã lưng xuống chiếu Tôi thường hay kể chuyện Thủy Hử cho Họ nghe trước khi thiếp ngủ mỏi mệt sau một ngày vác lúa, vác gạo nhừ người.

Một cái ghế đã sắp sẵn cho tôi giữa Xường và Chảnh…Xường đi ngay vào đề:

Anh có biết nhà hàng Thanh Thế ở chợ Bến Thành không? ...

-Dạ biết

Nhớ kỹ lời tôi dặn đây. Hôm nay là ngày Thứ Bảy. Sáng ngày Thứ Hai tới, anh gặp Tôi và Chảnh ở Thanh ThếCứ đến đó vào lúc khỏang 10 giờ nhởn nha uống cà phê, nhớ ăn mặc xuề xòa, râu tóc để nguyên đừng cạo đừng hớt… Đêm nay nhớ mở Hộp trà Sâm, mà anh Quảnh biếu cho Anh nhâm nhi cho đỡ buồn.

Tôi đứng dậy, nhìn một lượt chung quanh nhẹ cuối đầu như một sự từ giã không lời, lặng lẽ ra về với bao nỗi bâng khuâng trong lòng. Vui buồn lẫn lộn… cùng với nhiêu thắc mắc. Họ là Ai? Tài phiệt Chợ Lớn cỡ như Mã Tuyên hay Mã Sái chăng, hay thành viên của Triều Châu Phúc Kiến, hay thuộc xã hội Đen của Tàu Cộng, Đài Loan, Hồng Kông? Mặc kệ! Nghĩ chi cho mệt óc miễn sao mình còn thong dong đạp xe đạp tự do ngày nào hay ngày đó, dưới đường phố mưa sa mà không cần nhìn đến cờ đỏ sao vàng…

Đêm đó tôi mở Hộp trà Sâm…10 lượng Vàng Kim Thành thứ thiệt nằm trong đó, tôi chợt nhớ lời Chú Xường dặn “Thứ hai gặp Tôi ở nhà hàng Thanh Thế…”

Tôi ngủ một giấc ngủ chập chờn trên một căn gác cho thuê đầy chuột và dán ở bến xe An Đông.

***

Lúc còn tại ngũ, khi đơn vị dưỡng quân ở hậu cứ Tôi thường cùng bạn bè la cà….sáng thì đi uống cà phê có pha chút bơ Bretain ở nhà hàng Thanh Thế cách phía Tây chợ Bến Thành độ trăm thước, buổi trưa đi ăn Chateau Brillant ở tiệm Thanh Bạch, rồi Brodard. Ban đêm, đi vũ trường Văn Cảnh, hoặc Thanh Thanh ở xa lộ. Trong nhóm thường có Mỹ Hôi, Hùng Móm, Hùng Mập, Dũng Tây Lai, Cao-P-Minh, Xuân Đờn Cò, Ninh mắt Trừu… một hoặc hai thằng chia nhau một chầu. Chỉ một ngày rong chơi cũng vơi đi gần nửa tháng lương, để khi trở về nhà ngồi vào bàn ăn với vợ con, chỉ có một đĩa rau muống luộc và hộp thịt ba-lác!

Theo lời dặn của chú Xường, Tôi đến nhà hành Thanh Thế khỏang 10 giờ. Giờ này, chỉ lác đác năm ba khách đến uống cà phê…Tôi tìm cái bàn trong góc có thể nhìn xuyên qua cửa kính để quan sát cả trong lẫn ngoài. Nhâm nhi ly cà phê với mùi vị bơ Bretain, hút hết điếu Samit thứ hai thì Xường và Chảnh cũng vừa đến. Họ vẫn tíu ta tíu tít xí xô xí xào như mọi khi. Tôi đứng dậy chào, Xường vội vàng ấn vai tôi…

-Ngồi xuống! Ngồi xuống…

Câu chuyện thật ra rất dài, Tôi tóm gọn những gì đã xảy ra trong phạm vi bài viết này…

Chú Xường mở lời:

-Đêm qua Anh uống trà Sâm có ngon không?

Tôi gật đầu.

-Anh có mang hộp trà theo không

-Dạ có …

-Anh đưa cho Tôi …

Tôi chỉ lẳng lặng làm theo và chỉ im lặng ngồi nghe.

Tôi lần mở cái túi vải ăn mày móc 10 cây được gói cẩn thận đêm qua trong cái quần xì-líp dơ bẩn vàng úa, giao cho chú Chảnh. Chú Xường đưa cho Tôi một túi giấy trong đó có bốn cái bánh tiêu còn nóng hổi…

-Thời giá hiện nay, một cây là 2,850 đồng (tiền già Hồ)… Chúng tôi lấy lại 10 cây này, trả lại Anh bốn cái bánh tiêu Anh có puồn không?…

Nghe Chú Xường phát âm cái tiếng “puồng” không. Tôi không “Puồng” chút nào, nhưng cố nén nỗi kinh ngạc để không hiện lên ánh mắt của mình

-Dạ không…

Chú cười và nói tiếp:

-Ở dưới bốn cái bánh tiêu, là cái đai vải (nguời Bắc gọi là cái ruột tượng) có 30.000 ngàn tiền mặt trong đó. Anh nhớ …lúc nào cũng cột thật chặt vào bên hông của Anh, chờ chút nữa sẽ có một người nữa đến gặp Anh. Anh ấy là anh em chú bác với tụi tui. Anh Xế Phò sẽ cho Anh biết anh sẽ phải làm gì… Còn phần tôi (Chú Xường) Anh phải nhớ kỹ những điều dặn dò của tôi sau đây: anh Quảnh bảo chúng tôi gặp Anh để cho anh biết những gì anh Quảnh đã sắp đặt cho Anh. Anh có biết tại sao không?

-Dạ không!

Vì Anh đã trả lại 25 đồng cho anh Xồi, anh Xồi thử Anh đó, và đó cũng là lý do Anh Quảnh quyết định mang Anh theo trong chuyến vượt biên kỳ vừa rồi.

Anh Quảnh chỉ lo… nếu Anh bị lộ tông tích thì chỉ có chết… Anh có biết Thương xá Tam Đa cũ hay không?

-Dạ biết.

-Bây giờ là cửa Hàng IMEX, bán những mặt hàng ngoại quốc mà chúng nó tịch thu của người Tàu chúng tôi ở Chợ Lớn…Thôi, uống cà phê đi…

Vừa lúc Chú Xế Phò bước vào. Chú Xế Phò, người dong dỏng cao, dáng dấp không có vẽ Tàu chút nào. Chú nói tiếng Quan Thoại, tiếng Pháp, tiếng Việt rất sành sõi rõ ràng.

Khi Chú Xường và Chảnh ra về, Xế Phò bắt đầu chất vấn:

-Anh tên Trần Chỉnh hả?

-Dạ vâng …

Chú mỉm cười… cái mỉm cười gọi là cái mỉm cười biết hết chi tiết.

-Anh có nói và đọc viết tiếng Anh được không?

-Dạ chút chút…

-Được tốt lắm…Tôi đang là Trưởng phòng Quản Trị Công Ty Imex thương xá Tam Đa cũ, theo lời yêu cầu của anh Quảnh, Thứ Hai tuần sau Anh bắt đầu làm việc dưới quyền của Tôi làm chức Thủ kho. Chỉ có nhiệm mở và khóa cửa kho khi có lệnh xuất nhập hàng của Tôi. Anh phải ghi lại mặt hàng nào được xuất trong ngày. Khỏang 10 giờ, giả bộ ra bên ngoài uống cà phê và giao danh sách đó cho Chú Chảnh. Ban đêm Anh ngủ lại cơ quan cùng với ba nhân viên khác, họ là những công nhân viên từ ngoài Bắc vào. Cứ như vậy đi, dần dần quen và biết hết mọi việc Anh sẽ có nhiều việc quan trọng hơn…

Trước khi chia tay, Chú Phò đưa cho Tôi một Giấy Chứng Nhận: “Trần Chỉnh” nhân viên Cửa Hàng Imex, phía dưới đóng dấu ký tên Trưởng Phòng Thương Nghiệp Quận Nhất TP HCM , cùng một giấy nhỏ có ghi “Lý Kim Anh “Trưởng phòng Công An Chợ Bến Thành”.

***

Tôi đạp xe đạp loanh quanh với một tâm trạng lộn xộn xà ngầu… Hung hay Kiết?…Ngạc nhiên, lo âu lẫn lộn… nhưng không có nỗi lo sợ như khi Chú Quảnh hỏi “Có phải Anh là sĩ quan ngụy trốn học tập hay không”.

Tôi như người đang chới với giữa dòng sông, vớ được gì cứ vớ, không cần biết cái đó lành hay dữ. Đã leo lên lưng cọp, đã phóng lao thì phải theo lao… không còn sự chọn lựa nào khác.

Giám đốc Imex là một tên “Cán Ngố”. Cả ban Quản Trị của hắn ngơ ngơ ngáo ngáo, cộng trừ nhân chia sổ sách cứ lộn tùng phèo, lại thêm lòng tham lam ăn được cái gì là ăn cái đó. Tôi làm việc với họ chỉ có nhiệm vụ khóa và mở khóa kho chứa hàng hóa theo lệnh Chú Phò, sau đó ra ngoài gặp Chú Chảnh. Lúc này Tôi chỉ có một niềm vui sướng vô ngần là có một việc làm và một chỗ ở an toàn, không lo sợ bị phát hiện và bị bắt bất cứ lúc nào. Cũng trong lúc này Tôi đã áp dụng “Nghệ thuật Lãnh Đạo Chỉ Huy” của trường Võ Bị để chinh phục những nhân viên từ ngoài Bắc vào, một cách dễ dàng. Chú Phò hài lòng và mừng lắm.

Một hôm Chú rũ tôi đi ăn tối. Trên chiếc Volwagen màu vàng củ kỹ Chú chở tôi một vòng chợ Bến Thành và trực chỉ bến Bạch Đằng. Một buổi cơm tối vô tiền khoáng hậu, độc nhất vô nhị trong đời tôi.

Trong nhà hàng nỗi Mỹ Cảnh… ba người đã ngồi sẵn. Tên Giám Đốc Imex Nguyễn Tạo, với cái mặt chành bạnh nhưng không che dấu được vẽ ngu si đần độn tham lam trên gương mặt của hắn. Tên Trung Úy Lý Kim Anh Trưởng Phòng Công An Chợ Bến Thành, Đặng Tư, Trưởng Phòng Tài Chánh Imex.

Trên bàn, chai Remy Martell vơi hơn phân nữa. Tôi khúm núm bước theo sau Chú Phò, chấp tay cuối đầu chào họ. Ngồi vào bàn Tôi cố giữ thái độ bình tỉnh, chỉ lắng nghe họ bàn luận việc của họ cùng với những suy nghĩ mông lung. Quả thật chú Quảnh và gia đình của Chú đã giúp Tôi quá nhiều, ơn sâu nghĩa nặng này bao nhiêu kiếp người tôi có thể báo đáp được.

Sau buổi cơm gọi là thân mật đó, tôi có thêm vài việc phải làm theo chỉ thị của Chú Phò.

Một buổi sáng khi Tôi giao danh sách hàng xuất kho cho chú Chảnh, hôm nay lại có mặt Chú Xường, Chú Xường bảo Tôi giao lại số tiền mặt tôi đang giữ. Chú Xường giao lại cho tôi một danh sách giá cả mua vô, bán ra trong ngày ở thị trường Chợ Lớn. Tôi chỉ biết làm theo, Có thắc mắc thì cũng chẳng ích lợi gì, vì tin rằng họ đang giúp mình qua cơn hoạn nạn.

Thời gian năm 1979, 1980, 1981… Thân nhân nước ngoài gửi tiền về giúp gia đình không gửi được trực tiếp như bây giờ mà dưới hình thức là “Phiếu Imex”.

Hàng Imex là hàng thứ thiệt, được tịch thu sau chiến dịch đánh Tư Sản Mại Bản … Nào là thuốc tây, radio, cassette, căm, sên, phụ tùng xe đạp…

Cả trăm mặt hàng khác, đều là hàng ngoại. Giới tiêu thụ hầu hết là con buôn từ Hà Nội, giá nào họ cũng mua, họ mua theo cái NGU của họ. Còn những người buôn bán phiếu Imex cò con thì đều qua tay mã thầu dậu là Chú Xường… Làm giá thì Chú Quảnh trong Chợ Lớn Khi Chú Quảnh cho biết giá cả sáng trưa chiều tối, thì Chú Phò cho lệnh xuất kho, bên cạnh có Tôi và Chú Chảnh đang chờ bên ngoài. Có gì trục trặc thì có Giám Đốc và tên Trung Úy Công An Lý Kim Anh.

Dù rằng tình hình an ninh có vẻ khả quan, nhưng nỗi lo âu vẫn canh cánh trong tôi. Không biết bị phát hiện giờ nào và nếu bị chúng bắt thì sẽ ra sao. Cứ vài hôm chú Xường gặp tôi nhét vào túi Tôi một hai ngàn (tương đương 1 cây vàng). Chú nói đó là tiền lời từ 30.000 đồng “hùn vốn” của Tôi. Tôi nhờ Niên Trưởng Huỳnh Bá Long Khóa 21 Võ Bị Đà Lạt, gửi về giúp vợ con và Cha Mẹ Chị Em Tôi…Thôi cứ thế rồi thời gian cũng qua, dù chưa được trở lại đời sống bình thường như mọi người dân khác và không gần gũi được vợ con.

***

Một ngày đẹp trời tháng Ba năm 1982… Tôi đang ngồi uống cà phê dọc vĩa hè trước cửa hàng Imex, một chiếc Honda hai người trờ tới. Một người xuống xe, vội vả nắm lấy tay và bảo Tôi:

-Niên Trưởng theo Tôi qua Chợ Cũ làm vài chai Henneckein.

Tôi có một cảm giác lạnh băng chạy từ đốt xương sống cuối cùng lên đến đỉnh đầu, nhưng định thần thì ra Nguyễn văn Định, (Khoá 24 Đà Lạt – TĐ 11 Nhảy Dù), đang chờ ngoài xe là Trần văn Hợp (Khoá 23 Võ Bị Đà Lạt)…

Chiếc Honda chở 3 người qua Chợ Cũ, làm đĩa cơm sườn, vài chai bia Con Cọp. Hợp móc trong túi xách một tờ giấy, điền tên Trần Chỉnh, rồi chở tôi ra bến Thủ Thiêm “TỐNG” xuống một chiếc ghe chở gạch cát của Công Ty Dầu Khí Vũng Tàu…

Đêm đó Tôi lại ra khơi. Lần này là lần thứ bảy, không kịp một lời từ giã nào với Chú Phò, Chú Xường, Chú Chảnh, Chú Xồi, Chú Quảnh và vợ con gia đình.

Một tháng sau, đang chờ đợi để rời khỏi Đảo Pulau Bidong, Mã Lai, sang trại chuyển tiếp Galang II ở Nam Dương, Tôi nhận được thư của vợ tôi:

Anh yêu thương, Chị Ba (chị Dâu của Tôi) có đến thăm Em. Cùng đi với Chị có một người đàn ông, người này đã trao cho Em 10 lượng vàng và nói đây là tiền của anh Út gửi cho”.

Đó là Chú Xồi.

Quá Khứ và Hiện Tại

Trong ba tháng tội vượt biên, chúng tôi khom lưng đi vác lúa gạo ở Cà Mau , tình cảm của Tôi với gia đình chú Quảnh càng ngày càng gắn bó, qua những bữa cơm sau một ngày vất vả lao động xã hội chủ nghĩa, những bữa cơm “lòng heo, phá lấu heo quay, vịt quay”… Có nhiều lúc Tôi bỗng chợt cười khan… Họ hỏi tôi sao lại cười, tôi nói:

Ở tù kiểu này sướng hơn trở về nhà

Chú Quảnh tiết lộ rằng, gia đình đã “chung” 150 cây cho thằng Trưởng Ty CA Hình Sự rồi, nay mai mình sẽ được về.

Thời gian này tôi gần gũi với Chú Xưòng – Chảnh nhiều hơn. Xường và Chảnh nhỏ con ốm yếu lại cùng một tóan lao động với Tôi… Có lần vác bao gạo bước qua tấm ván gỗ, bắt từ bờ sông xuống ghe bầu, Xường trợt chân té nhào xuống sông, tôi liệng bao gạo xuống mũi ghe, nhảy ùm xuống sông vớt chú ấy lên, ông chủ ghe bầu thông cảm không làm khó dễ mà chỉ nói 

Không sao… không sao… xem như Tôi biếu bao gạo đó cho các Anh… Tội nghiệp!Tù Tội!.Tội Tù…

Từ đó Tôi, Xường, Chảnh như hình với bóng. Tôi thường kể họ nghe chuyện Đông Châu Liệt Quốc, Tam Quốc Chí, Thủy Hử. Họ khóai nghe nhất là bộ truyện Kim Dung kèm theo lời bàn phân tích của Lão Ngoan Đồng (biệt danh của tôi) về những nhân vật Ma Giáo và Chính Giáo. Cũng nhờ vậy mà ba tháng tù trôi qua như một giấc ngủ đêm với thịt quay phá lấu…

Viết theo lời kể của Xường và Chảnh:

Ông Cố Nội chúng tôi, lập nghiệp ở Chợ Lớn (vào khỏang năm 1860) với một cái gánh mua bán ve chai lông vịt, thường ngày thì mua được lông vịt nhiều hơn lông gà, vì người Tàu ăn vịt quay nhiều hơn. Khi Ông Nội chúng tôi ra đời thì cái gánh ve chai lông vịt đã trở thành cái ” vựa ” ve chai lông vịt, sau đó trở thành cái “xưởng” chuyên làm chổi lông gà, quạt tay và áo che mưa bằng lông vịt, còn ve chai thì cân ký bán sĩ cho một lò rèn làm chai lọ thủy tinh và cuối cùng là xưởng dệt tơ vải

Trong khi đó, người Em thứ Ba của Ông Cố chúng tôi – ông Cố Ba – làm nghề mổ heo, Bà Cố Ba giữ lại lòng heo nấu phá lấu theo kiểu Dương Châu, rồi cho hai người con trai đội mâm đan bằng mây đi bán dạo… Sau đó trở thành quán hủ tiếu duy nhất có bán thịt heo quay, thịt vịt quay, lòng heo phá lấu… Đó là tiền thân của “Công Ty Nhà Hàng Bát Đạt ” sau này.

Khi đến đời Ông Nội chúng tôi (vào khoảng vài thập niên cuối thế kỷ 19…1880-1900) thành phố Sài Gòn được hình thành với những dinh thự, công sở, khách sạn nguy nga đồ sộ của mấy ông Tây Bà Đầm, trong khi khu Chợ Lớn vẫn còn bùn lầy nước đọng, đường xá được chính quyền Tây mở rộng ra đến vùng ngoại ô … Thủ Đức, Gò Vấp, Nhà Bè, Phú Lâm… Huyết mạch giao thông buôn bán chính là ghe thuyền từ các tỉnh miền Tây lên Sài Gòn và ngược lại… do đó mới có Kinh Chợ Gạo (Mỹ Tho)

Cơ sở của Ông Nội chúng tôi phát triển rất nhanh, Bà Nội trông coi cửa hàng buôn bán tơ lụa, có thể nói gia đình chúng tôi lúc đó như là nhà thầu duy nhất cung cấp gấm, sa-ten, vải lụa… cho các con buôn thực Dân Pháp… trong khi gia đình Ông Cố Ba đang phát triển các tiệm ăn rập khuôn theo kiểu Tàu. Quán ăn và quán trọ Bát Đạt. Gia đình giàu có nhất trong vùng là giòng họ Mã, hậu duệ sau này là Mã Sái, Mã Tuyên.

Đến đời thân phụ mẫu chúng tôi thì gia đình cũng đã khá giả. Sáu anh chị em chúng tôi khi lên ba bốn tuổi đã được dạy xử dụng bàn tính (bàn toán) của người Tàu một cách rành rọt. Chúng tôi học trường Tinh Võ, ở nhà nói tiếng Quan Thoại, khi giao tiếp với con buôn thì bằng tiếng Việt hoặc tiếng Tây… Khi anh Quảnh lấy vợ người Triều Châu, thì cha Tôi giao hết chuyện quản trị làm ăn cho Anh, và Ba Tôi trở thành “Ông Trùm” của “Bang Hẹ “… Anh Xồi được giao trách nhiệm sổ sách kế tóan, còn Tôi (Xường), Chảnh và cô em út A Cảo làm chủ 3 hãng nhuộm vải ở Cầu Tre, Phú Lâm.

Lời Kết

Qua những câu chuyện kể trên, Tôi không biết có phải vì trả lại 25 đồng mà Chú Xồi đã cố tình đưa dư, mà cơ duyên định số đưa đẩy Tôi gặp gia đình họ, làm ăn sinh sống với họ khoảng bốn năm trong hoàn cảnh lo sợ hồi hộp từng ngày cho đến một ngày đột ngột rời bỏ quê hương không định trước.

“HỌ”… Trong ngôn ngữ lịch sự của người VN chúng ta thì Họ là người Hoa Kiều Chợ Lớn, bình dân thì thường gọi mấy Ông cắt chú , được phiên âm trệch ra từ danh từ “Khách Trú”… từ đó mới có danh từ Chú… Chú Ba Tàu… Chú Chệt…

Dù gọi là gì chăng nữa, Họ vẫn là Họ. Họ vẫn giữ phong tục tập quán từ hằng nghìn năm qua cho đến ngày nay… dù đã trải qua Tứ Đại Triều Đình (Tống, Nguyên, Minh, Thanh)… cho đến Bát Quốc Liên Quân… rồi Ma Cao, Hồng Kông, Đài Loan và lục địa dưới bàn tay sắt của Cộng Sản… Họ lấy gia đình làm đơn vị căn bản, để từ đó vươn lên, trở thành “Bang”… nhỏ lớn tùy thời tùy thế. Cha Mẹ, Anh Em, Vợ Chồng, Con Cái đùm bọc che chở cho nhau, để từ một gánh ve chai lông vịt hay một cái mâm đan bằng Mây, bán dạo lòng heo phá lấu một ngày trở thành những Đại Gia trong sinh hoạt các “Bang” của Họ… Chẳng qua chỉ có một chữ “TÍN”.

Họ khởi nghiệp từ Buôn Bán. Nhỏ lớn, sang hèn, nghèo giàu gì Họ cũng có thể làm, cần cù nhẫn nại, chắt chiu dành dụm, không khoe khoang, không xa hoa phung phí… cho đến một ngày “Puôn Pán Dạo… Puôn Pán Lẽ…” trở thành những Công Ty Xí Nghiệp kếch xù trong những lãnh vực rất đơn giản.

Gần như suốt thế kỷ 20, người Hoa Kiều Chợ Lớn Sài Gòn Gia Định không có một dịch vụ nào liên quan đến công nghiệp nặng chỉ chú trọng về việc trao đổi buôn bán hàng tiêu dùng gia đình. Họ tích lũy tài sản theo truyền thống cha truyền con nối, cho đến khi sự tích lũy tiệm tiến này trở thành một gia sản khả dĩ có thể trở thành một hội viên trong hệ thống thương mại vĩ đại của các ” Bang ” …

Dĩ nhiên trong sự buôn bán làm gì không có sự cạnh tranh dành giựt lẫn nhau, rất hiếm nhưng không phải là không có. Nếu có xảy ra thường thì Họ giải quyết nội bộ. Họ không thích tranh tụng kiện cáo, có những trường hợp liên quan đến pháp luật chính quyền thì Bang của Họ thương lượng để mọi việc trôi qua. Sau đó Họ giải quyết nội bộ bằng những biện pháp chế tài, cô lập vì Bất Tín“, nặng nề lắm mới có vụ thanh toán. Gia đình hay cá nhân nào phạm vào chữ Tín thì chỉ có nước đi ăn mày.

Trung Hoa lục địa (Trung Cộng, Đài Loan, Hồng Kông , Ma Cao….) Họ đều có chính quyền riêng của Họ. Người dân sinh ra, lớn lên học hành thành đạt, từng bước từng bước Họ tham gia chính quyền từ hạ đến thượng tầng cơ sở. Nhưng đối với người Hoa Kiều ở hải ngoại (theo sự hiểu biết của Tôi) như VN, Châu Mỹ, Châu Âu, Châu Úc… Họ không muốn tham gia vào chính quyền dù Họ có mãi lực đồng tiền, có thể mua tiên cũng được. Thí dụ như ở Indonesia, người Hoa Kiều chỉ có khoảng 3% dân số mà nắm giữ 70% tài sản của đất nước này. Nhưng có điều tài tình chúng ta cần phải khâm phục… dùng mãi lực đồng tiền. Họ móc nối với chính quyền nơi Họ cư ngụ một cách kín đáo trơn tru… bên cạnh là những “Cái Bang”, giống như xã hội đen, mafia còn khủng khiếp hơn God Father của Italy rất nhiều.

Nhiều người cho rằng “Ba Tàu” hay bắt chước làm đồ giả, điều đó hẳn nhiên, giải thích chuyện này Tôi chỉ mượn câu “Cứu Cánh Biện Minh Cho Phương Tiện “…

Còn Người Việt – Nam mình?

Trải qua trăm năm dưới sự đô hộ thực dân Tây, 30 năm hiện diện của Mỹ (1954-1974) , nay dưới sự cai trị tàn độc của CS , còn gần 4 triệu người Việt đang sống rải rác năm châu hải ngoại, chúng ta hãy xét nghiệm và làm một bài toán…

Câu Hỏi : “Đã có bao nhiêu người vì Danh, vì Vị, Vì Lợi đã dùng những bước chân “Bất Nhân, Bất Lễ, Bất Nghiã, Bất Trí, Bất Tín” để leo lên lên những bật thang danh vọng hảo huyền ảo tưởng, khiến cho cả nước (quốc nội) lâm vào tình trạng nghèo đói trong danh sách những Quốc Gia nghèo đói nhất thế giới, khiến cho Cộng Đồng Người Việt Nam nói chung và các Hội Đòan Tập Thể nói riêng ở hải ngoại lâm vào tình trạng ngày càng nghi kỵ, chia rẽ, phân hóa như ngày nay không bao giờ hàn gắn được, và cũng chẳng bao giờ có một vĩ nhân nào có thể xuất thế tế độ chúng sanh… ít ra cũng vài thế hệ sắp tới…

Họ là Ai?

Họ là những người tên Đỗ họ Thừa.

Họ đổ thừa cho Chế Độ Miền Nam VN sinh ra tham quan ô lại.

Họ đỗ thừa cho Chế Độ CS vơ vét mồ hôi nước mắt của dân lành cho tư lợi cá nhân

Họ đỗ thừa cho xã hội Tây Phương làm cho Tam Cương Ngũ Thường đảo lộn.

Nhưng Họ không bao giờ dám Đỗ Thừa cho chính Họ …”Ta là kẻ đã VONG BẢN, VONG QUỐC, VONG THÂN”.

May quá, Lão Ngoan Đồng học được những bài học từ gia đình chú Quảnh nên không bị vướng vào Ba cái VONG trên, mà Lão Ngoan Đồng chỉ mang cái bệnh …VONG MẠNG!

 

Trương Út (Út Bạch Lan) 

 

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay