MỘT CUỘC ĐỜI ÂM THẦM-Giỗ lần thứ 46 của Cha Yuse Nguyễn Thế Thuấn, CSsR

28.03: 1975-2021

Giỗ lần thứ 46 của Cha Yuse Nguyễn Thế Thuấn, CSsR (08.09.1922-28.03.1975)

MỘT CUỘC ĐỜI ÂM THẦM

*Tôma Nguyễn

Ngày 28 tháng 3 năm 2021 là ngày giỗ thứ 46 của cha Yuse Nguyễn Thế Thuấn, Dòng Chúa Cứu Thế, người đã sống một cuộc đời âm thầm để chuyển ngữ toàn bộ cuốn Kinh Thánh gồm Tân Ước và Cựu Ước từ tiếng Hipri, Aram và Hilạp ra tiếng Việt. Cuộc sống âm thầm là vậy, nhưng cái chết của ngài còn âm thầm lặng lẽ hơn so với những người đã chết tức tưởi trong vụ chôn sống tập thể tại Huế – Thừa Thiên hồi Tết Mậu Thân 1968. Cha Thuấn ra đi, để lại một công trình dịch thuật Thánh Kinh còn dang dở. Ngài chưa dịch xong ba quyển: Yob, Cách Ngôn, và Baruk. Khi xuất bản toàn bộ cuốn Kinh Thánh, ban Xuất bản gồm học trò và bạn bè của ngài đã dịch ba quyển này từ bản tiếng Pháp ‘Bible de Jerusalem’.

Ngày 28 tháng 3 năm 2021 là Chúa Nhật Lễ Lá, nhưng ngày 28 tháng 3 của năm 1975 là Thứ Sáu Tuần Thánh. Thân mời các bạn trở lại với bối cảnh của khu vực tỉnh Lâm Đồng khi chiến cuộc Việt Nam đang ở vào giai đoạn dầu sôi lửa bỏng nhất. Sau khi chiếm huyện Di Linh được một hai tuần, quân Cộng sản đã thủ tiêu cha Yuse Nguyễn Thế Thuấn tại đồn điền Nguyễn Ngọc, xã Châu Thành, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Một Hạ sĩ quan Truyền Tin của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã can đảm vùi xác ngài tại vùng đó. Người ta nói ngài bị Cộng sản cuốc vào đầu, gây thêm một cái chết oan khiên vô tội vào một chiều Thứ Sáu Tuần Thánh. Nhưng tôi tin rằng, cha Thuấn trước khi chết đã theo gương Đấng mình tin để nói lên trong lòng,“Lạy Cha, xin tha thứ cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm” (Luca 23 34).

Trong cuốn sách “Cha Eugène Larouche, 51 năm Thừa Sai Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt-Nam”, linh mục Rôcô Nguyễn Tự Do, CssR, có viết một đoạn về cha Thuấn:

“Năm 1945, quân Nhật chiếm Huế và giam giữ các cha Canada tại Morin. Cha Nguyễn Thế Thuấn lúc đó còn là một chú Đệ Tử đã dùng chữ Nho để bút đàm với viên sĩ quan Nhật lúc họ lui tới nhà Dòng, mà theo sự suy nghĩ của Cha Thuấn là ‘nhờ đó tạo được bầu không khí cởi mở hơn, thân thiện hơn'”.

Nhưng năm 1975, cha Thuấn đã không tạo được bầu không khí thuận lợi đó tại Di Linh với những người đồng chủng Việt Nam theo cộng sản khi ngài đi giảng Tuần Thánh ở Xứ đạo Di Linh theo lời mời của linh mục Chánh xứ Yuse Phùng Thanh Quang. Đây cũng là lý do dẫn đến cái chết của cha Yuse Nguyễn Thế Thuấn, người thầy kính yêu của tôi.

Qua việc thủ tiêu một linh mục khá nổi tiếng như cha Thuấn, người Cộng sản đã để lộ chính sách: “Thà giết lầm hơn bỏ sót” của họ, đồng thời cũng để trấn áp bất cứ một suy nghĩ nào gây bất lợi cho chính sách đó. Trong thực tế, suốt trong chiều dài của cuộc chiến Việt Nam và nhất là sau biến cố 1975, chính sách dã tâm này của Cộng sản đã gây ra không biết bao nhiêu cái chết vô tội.

Giờ phút này, tôi nhớ đến câu chuyện của “Người Samari nhân hậu” trong Phúc âm Thánh Luca khi nghĩ đến người Hạ sĩ quan QLVNCH, người cũng mang một quả tim nhân hậu vì đã mai táng người thầy của tôi. Khi có ý định viết bài này, tôi đã liên lạc về Việt Nam tìm tông tích người Hạ sĩ quan ân nhân hầu tôi có thể biết thêm chi tiết về cái chết, việc chôn cất và dời hài cốt của cha Thuấn về nghĩa trang DCCT Đà Lạt, nhưng được biết người Hạ sĩ quan tốt bụng này cũng đã qua đời cách đây hơn chục năm.

Sau biến cố ngày 30 tháng 4 năm 1975, anh Nguyễn Ngọc Lan, lúc ấy còn là linh mục, đã nhanh chóng áp dụng bài học bà Rebecca dạy cho Yacób để xin Bộ Thông Tin Văn Hóa-Cục Báo Chí Xuất Bản cấp giấy phép xuất bản toàn bộ cuốn Kinh Thánh. Khi xin phép, anh Nguyễn Ngọc Lan chỉ xin in cuốn Kinh thánh Tân Ước của cha Nguyễn Thế Thuấn có trước năm 1975, nhưng tiện dịp nên đã in luôn phần Cựu Ước. Tân Ước hay Cựu Ước cũng là Kinh Thánh cả và cũng cùng một dịch giả.

Tôi biết khá rõ chuyện này vì thời gian đó tôi còn ở tại quê nhà. Đó là cuốn sách in lậu đầu tiên sau năm 75 dưới chế độ Cộng sản. Thầy Robert Nguyễn Sĩ Nhàn phải chạy mượn tiền của giáo dân để mua thêm giấy lụa bên tòa Tổng Giám mục Sàigòn. Lần đó, tổng số in được 10.000 cuốn, vì không biết đến bao giờ mới được in lại.

Khi Nhà In Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đã sắp chữ gần xong phần Tân Ước, ban Xuất Bản cử thầy Nguyễn Gia Trần và tôi lên giáo xứ Di Linh gặp cha Quang xin lại cuốn Tân Ước cha Thuấn hay dùng, nếu còn. Ý định là xem cha Thuấn có sửa chữa hay thêm bớt gì trong cuốn Tân Ước hay không, để có thể có một cuốn Tân Ước hoàn chỉnh theo ý dịch giả.

Chúng tôi lấy chuyến xe sớm nhất đi Đà Lạt, đến giáo xứ Di Linh thì chúng tôi xuống xe. Lúc này dân chúng còn đi lại không cần xin giấy phép của địa phương, chỉ có các linh mục bị phải cấm cung tại chỗ, do đó khi chúng tôi vào nhà xứ thì được gặp ngay cha Quang là chánh xứ họ đạo Di Linh.

Sau vài câu chào hỏi và biết sự yêu cầu của chúng tôi, cha Quang lúc đó đang cầm sẵn trong tay chiếc mũ “di tích” của cha Thuấn (không biết làm sao mà cha Quang lại có được hiếc mũ này) nói với anh em chúng tôi:

– Các thầy cho tôi cái mũ này để đội, xin cha Thuấn che chở cái đầu cho tôi.

Tôi trả lời:

– Thưa cha, cha muốn lấy cái gì để làm kỷ niệm cũng được, chúng con chỉ xin cuốn Tân Ước.

Tiếp đó, cha Quang bước vào bên trong mang ra chiếc cặp táp của cha Thuấn. Tôi nhận ra ngay chiếc cặp này, vì cha Thuấn thường đeo nó bên mình mỗi khi đi ra khỏi nhà Dòng. Tôi nhận chiếc cặp từ tay cha Quang và đi vội ra khỏi nhà xứ để tránh bị theo dõi.

Chúng tôi đi về cổng nhà thờ, liếc mắt nhìn phía nhà xứ thì thấy một tên công an cũng đang lò dò đi vào. Chúng tôi đi lên chợ Di Linh đón xe đi tiếp lên Đà Lạt và sáng sớm hôm sau về lại Sàigòn. Nhiệm vụ coi như đã hoàn thành.

Sau này, khoảng năm 1993, khi hội “Hột Lúa” của Madame Geneviève Jouan, người Pháp, có giúp giáo xứ Di Linh thuốc men để chữa bệnh cho người nghèo, tôi có dịp gặp lại cha Quang nhiều lần nhưng vấn đề cái chết của cha Thuấn quá ư là tế nhị nên tôi chẳng dám hé môi hỏi thêm điều gì.

Một thời gian sau, tôi được tin cha Yuse Phùng Thanh Quang cũng đã qua đời tại bệnh viện Nguyễn Trải, Sàigòn, hưởng thọ 77 tuổi. Ngài qua đời ngày 31 tháng 10 năm 2003, đúng vào ngày sinh nhật của mình. Cha Quang vẫn tin là cha Thuấn đã chết thay cho mình.

Cách đây vài năm, tôi tình cờ may mắn gặp được hai sĩ quan Địa phương quân VNCH đã đóng quân ở Di Linh trước năm 1975. Họ cho tôi biết chính cha Quang đã rửa tội cho Trung Tá Nguyễn Văn Thiệu khi cha làm Tuyên Úy trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt. Nhưng khi Trung Tá Nguyễn Văn Thiệu trở thành Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa, cha Quang đã không lợi dụng sự quen biết trước kia để trục lợi cho giáo xứ của mình.

Một lần Tổng Thống Thiệu lên Đà Lạt họp, có cho trực thăng đến đón cha Quang nhưng ngài từ chối. Cha nói, ban phép bí tích rửa tội là công việc mục vụ, chẳng vì quen biết mà làm mất ý nghĩa thánh thiêng.

Cuộc đời của cha Yuse Nguyễn Thế Thuấn đã âm thầm lặng lẽ bao nhiêu thì cái chết của ngài càng lặng lẽ hơn nhiều.

Năm 1958, cha Yacôbê Nguyễn Hữu Sơn là bạn học cùng lớp với cha Thuấn dẫn một số Đệ tử Huế lên Đà Lạt nghỉ hè một tháng. Chúng tôi được trú ngụ tại nhà bà Paul trong Giáo xứ Tùng Lâm và thường được vào Nhà Dòng Đà Lạt chơi mà chẳng nghe cha Sơn nói gì về cha Thuấn.

Phải đến năm 1964 khi cuốn Tân Ước chào đời, chúng tôi mới biết Dòng mình có một cha biết dịch Kinh thánh từ tiếng Hipri là cha Nguyễn Thế Thuấn. Tôi nhớ là cha Gérard Gagnon, DCCT, cũng có dịch Kinh thánh nhưng chắc là từ tiếng Pháp. Lúc đó chúng tôi thán phục cha Gagnon về khả năng tiếng Việt của cha.

Cha Thuấn sống âm thầm để dịch cho xong cuốn Tân ước rồi mới bắt đầu đi giảng hay dạy học ở những nơi khác ngoài Học viện DCCT Đà Lạt. Các thầy Học viện cũng đã có dịp thấy bà con của cha Thuấn tới thăm ngài và đùa với ngài, “Chúng con biết cha có tổ quốc nhưng lại tưởng cha vô gia đình chứ”.

Tôi nghĩ, nếu ngài tiếp tục cấm cung trong phòng để dịch tiếp cho xong cuốn Cựu ước như ngài đã làm để hoàn tất cuốn Tân Ước thì hôm nay chúng ta đã có một bản dịch trọn bộ Kinh thánh của dịch giả Nguyễn Thế Thuấn.

Bản dịch nguyên thủy toàn bộ Kinh Thánh của cha Nguyễn Thế Thuấn, theo ngài cho biết, đã chứa đựng đầy đủ tính chất xác thực và tinh thần thần học xác tín của ngài. Nói cách khác, ngài không muốn có một sự sửa đổi nào của ai khác, nếu không được ngài thông qua.

Tôi cũng nhớ ngài có viết một bài đăng trên báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp để đính chính những chỗ trong bản dịch Kinh Thánh của mình mà linh mục Yuse Trần Hữu Thanh, DCCT, tự ý sửa đổi. Cha Thanh đã có sửa đổi một vài từ ngữ mà không hỏi qua ý kiến của cha Thuấn khi dùng bản dịch Tân Ước của cha Thuấn để in sách Kinh thánh theo chương trình “Mỗi quân nhân, một Tân Ước” trước năm 1975. Nghĩa là, khi cho in toàn bộ cuốn Kinh thánh, ban Xuất Bản đã thay thế một ít danh từ mà có thể họ cho là không quan trọng. Đặc biệt danh xưng ‘Thần Linh’ trong bản dịch đã được thay bằng danh từ ‘Thiên Chúa’ có lẽ để cho phù hợp với thông thường”.

Trong bản dịch nguyên thủy, khi dùng chữ Thần Linh, dịch giả Nguyễn Thế Thuấn có ý nói đến sự ‘Mặc khải tiệm tiến’ của Thiên Chúa dành cho con người. Ý của ngài muốn cho chúng ta biết rằng loài người trong quá trình nhận biết về Thiên Chúa cũng đã phải trải qua nhiều giai đoạn trong cuộc hành trình đức tin, nghĩa là chúng ta phải dần dần mới hiểu thêm về Thiên Chúa. Điều này dễ nhận ra hơn khi nói rằng con người, trong cuộc sống hằng ngày, cũng cần phải có yếu tố thời gian và kinh nghiệm rồi mới hoàn toàn hiểu được cuộc đời là gì. Huống hồ đây là một phạm trù của khoa Thánh kinh học.

Hiện nay tôi không có trong tay bài đính chính viết trên báo Đức Mẹ HCG của cha Thuấn, nhưng nếu tôi nhớ không lầm thì trong Phúc âm Thánh Luca (13,10) cha Thanh đã sửa chữ “Nhân ngày Hưu lễ” thành “Ngay ngày Hưu lễ”. Và cha Thuấn đã phải đính chính lại. Ngài phải đính chính ngay cả những chữ xem ra bình thường, huống chi là “danh xưng Thần Linh” đã bị thay thế bằng “danh từ Thiên Chúa”.

Thế mới biết lãnh vực kinh điển thật là tỉ mỉ từng chữ. Nhưng khi in bản Cựu Ước thì linh mục dịch giả Nguyễn Thế Thuấn đã qua đời. Ngài là dịch giả nhưng cũng chẳng có cơ hội để viết thêm vào trước bản dịch một lời tâm sự với người đọc bản dịch của mình. Ngài sống âm thầm, và chết cũng rất âm thầm. Âm thầm như chính công việc của ngài.

Rồi những lợi ích tinh thần mà bao nhiêu người lĩnh hội được do việc cha giảng dạy hoặc nhờ đọc cuốn Kinh Thánh của ngài dịch, cũng âm thầm chẳng kém. Tôi có một kỷ niệm liên quan đến tinh thần Kinh Thánh của cha Thuấn.

Năm 1965, ngài ra giảng tại Nhà Dòng Huế. Một anh bạn cùng lớp với tôi vào xưng tội với ngài về việc “chọc gái” sao đó. Tôi không nhớ anh ta lãnh bao nhiêu kinh phải đọc để đền tội để xem việc giải tội của một giáo sư Kinh thánh có màu sắc Kinh thánh không. Bù vào đó, người bạn có tâm sự với tôi điều cha Thuấn đã khuyên anh ta trong tòa giải tội. Cha khuyên bạn tôi: “Người ta không phải là đồ chơi”. Đến nay, tôi vẫn không quên lời khuyên đó. Sau này, một lần khi ngồi xem phim “Toy Story”, tôi thấy Woody nói to vào mặt Buzz, “You are a toy. T- O- Y”. Thỉnh thoảng khi có dịp dạy bảo con cái, tôi cũng nói với các con tôi, “We are not a toy”.

Từ “triết lý” của câu nói đó, tôi tìm ra một điều tâm niệm cho mình. Đó là, trong suốt cuộc đời tôi luôn ráng sống sao để không đối xử với người khác, nam cũng như nữ, và ngay chính bản thân mình nữa, như là đồ chơi. Tôi cảm thấy mình trưởng thành hơn nhờ vào bài học hàm chứa trong lời khuyên của cha Thuấn mà bạn tôi đã chia sẻ. Nhưng dù sao đó cũng chỉ là điều tôi gián tiếp học được qua câu chuyện của một người bạn.

Còn câu nói: “Các thầy đừng phí uổng cuộc đời, vì chỉ có một lần” thì chính tai tôi đã trực tiếp nghe và học được nơi cha Thuấn là giảng sư của lớp tôi ở Nhà Tập. Những lần phí phạm cuộc đời, tôi nhớ đến câu nói này.

Có thể cha Thuấn không hẳn là tác giả nguyên thủy của ý tưởng trong câu nói này, nhưng đối với tôi, tôi xem đó là của cha Thuấn vì lần đầu tôi nghe cha nói mà trước đó tôi chưa đọc được ở đâu hoặc nghe ai nói đến. Thông điệp của câu nói đó đã âm thầm nâng đỡ và dẫn lối cho tôi rất nhiều, nhất là trong thời gian tôi còn tu tập.

Trong khi viết bài này, tôi muốn tìm một tấm hình của cha Thuấn để kèm theo bài thì may mắn được cha Louis Đặng Đức Anh, DCCT, tiếp tay. Cha gửi ngay cho tôi một tấm ảnh hiếm quí của cha Thuấn mà một nhân viên trại gà Scala cũ ở Đà Lạt, chị Minh Phượng, còn giữ lại được qua bao năm tháng. Tấm ảnh do cha Bosco Phạm Minh Thiện, DCCT, học trò lớp đầu tiên của cha Thuấn, bấm máy. Hình chụp năm 1972 khi cha Đại diện Tổng quyền DCCT Roma qua kinh lý xem trại gà Scala hoạt động có đúng đường lối của Thánh Anphongsô trong phát triển kinh tế cho người nghèo hay không. Trong hình có cha Bề trên Giám Tỉnh Bạch Văn Lộc và cha Thuấn, khi đó đang là bề trên Nhà Dòng Đà Lạt.

Chân thành cám ơn cha Louis Anh và chị Minh Phượng đã chia sẻ tấm hình có một không hai của cha Thuấn, và cầu xin cho cha Bosco Thiện được hưởng nhan thánh Chúa.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay