Phước Long “ Chứng tích kẻ chạy làng ”

 Trận đánh Phước Long là khởi đầu cho việc thất thủ của miền Nam VN…. Đọc để thấy QLVNCH chiến đấu thật kiêu hùng dù cuối cùng… chịu thua cuộc!!!

Chiếm được Phước Long là bằng chứng cụ thể cho chế độ CS miền Bắc biết chắc nước Mỹ đã giữ lời hứa với Tàu cộng… và cũng để dân quân VNCH thấy rõ bộ mặt của kẻ “phản bội đồng minh”!!!

***

Phước Long “ Chứng tích kẻ chạy làng ”

Lê Đắc Lực

Ngày đầu năm 1975, đang hành quân ở Tây Ninh, Đại Tá Phan Văn Huấn, Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù nhận được lệnh của Trung Tướng Dư Quốc Đống, Tư Lệnh Quân Đoàn III, phải gấp rút đưa đơn vị về Biên Hòa, nhận nhiệm vụ mới, chỉ để lại một Biệt Đội tăng cường, phòng thủ tại Phi trường Quân sự Trảng Lớn.

Nhiệm vụ mới, không nói mà cả Liên Đoàn ai cũng nhận biết được, đó là chiến trường Phước Long, một chiến trường “dầu sôi lửa bỏng, thập tử nhất sinh” cần khẩn cấp tiếp cứu.

Mặt trận Phước Long bắt đầu từ ngày 12 tháng 12 năm 1974, kéo dài cũng đã gần một tháng. Áp lực địch càng ngày càng mạnh. Bốn Quận của Phước Long đã bị Việt cọng đánh chiếm cả. Năm Tiểu Đoàn Địa Phương Quân, với quân số còn lại, rút về phòng thủ quanh Thị Xã, ngoài ra còn được tăng cường thêm Tiểu Đoàn 2, Trung Đoàn 7, Sư Đoàn 5 Bộ Binh, ba Đại Đội Trinh Sát của các Sư Đoàn 5, 18 và 25 Bộ Binh. Nếu cọng thêm với lực lượng ít ỏi của các đơn vị của Tiểu Khu, kể cả Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát và Cảnh Sát Dã Chiến, Nghĩa Quân, Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn, không hy vọng chống trả lại được với lực lượng đầy đủ và sung mãn tinh thần “điên khùng” của Sư Đoàn 3 và Sư Đoàn 7 Bắc Việt xâm lược, cọng với một Tiểu Đoàn Đặc công, và hai Chi Đoàn Chiến xa T-54.

Vào thời điểm đó, quân cộng sản có nhiều thuận lợi về nguồn tiếp tế. Hướng Đông Bắc là căn cứ Bùi Gia Mập, hướng Tây Bắc là căn cứ Bù Đốp, cả hai nơi đều đã bị địch chiếm cứ và trở thành mật khu của chúng. Chắc chắn hậu cần và quân tiếp ứng, nếu cần, sẽ từ hướng nầy tuôn xuống một cách dồi dào. Phía Đông là hai Thị Trấn Gia Nghĩa và Bảo Lộc, không giúp đỡ gì được cho quân trú phòng. Quận Chơn Thành và Đồng Xoài ở phía Nam cũng đã bị địch chiếm mất rồi. Phía Tây Tỉnh Bình Long, cũng chưa hoàn toàn hồi sức từ sau trận chiến Mùa Hè 1972.

Tình hình quân sự đã căng như thế, trong khi Sài Gòn nhiều phong trào đang biểu tình dữ dội: “Phụ nữ đòi quyền sống, Ký giả đi ăn mày và Chống tham nhũng”. Tình hình chính trị như thế chỉ có lợi cho địch quân mà không chắc ở Sài Gòn có người nào nghĩ đến những người lính ở Phước Long đang lâm vào cảnh “thập tử nhất sinh”.

Về tới căn cứ, nắm biết được tình hình như thế, thêm vào đó trong lòng mang nỗi chán nản vì hành động vi phạm Hiệp Định Paris một cách trắng trợn của bọn Việt cọng. Biết là Biệt Đội cũng sắp sửa nhảy vào Phước Long, tôi vừa xúc động vừa buồn, không như ba năm trước đây, tại chiến trường Bình Long, An Lộc. Lúc đó, tôi cũng mang đầy lo lắng, nhưng nôn nóng, sôi sục muốn nhảy vào chiến trường, sớm chừng nào hay chừng đó, để chia xẻ và gánh vác gian nguy cùng Đồng Đội, Chiến Hữu.

Rạng sáng ngày 3 tháng 1 năm 1975, Bộ Chỉ Huy 1 Chiến Thuật do Trung Tá Vũ Xuân Thông chỉ huy, đã cùng Biệt Đội 811 Xung Kích, Biệt Đội Trưởng là Đại Úy Trương Việt Lâm và Biệt Đội 814 Xung Kích, Biệt Đội Trưởng là tôi, được chuyển vận tới Sân bay Quân Sự tại Căn cứ Long Bình. Đoàn Quân Biệt Cách Nhảy Dù, nằm trải dài trên bãi chờ Trực Thăng, được lót trải bằng những tấm vỉ sắt kết nối nhau, trong một khoảng thời gian dài, từ sáng cho đến quá trưa. Mãi tới 2 giờ chiều, một Phi Đội Trực Thăng do Phi Đội Trưởng Thiếu Tá Đào Vũ Anh Hùng chỉ huy, mới đáp xuống. Đến 2 giờ 30, các Chiến sĩ Biệt Cách Nhảy Dù Biệt Đội 814 đã sẵn sàng lâm trận.

Từng chiếc UH.1B cất cánh, rồi nối đuôi theo sau chiếc C&C của Đại Tá Phan Văn Huấn trực chỉ về hướng Bắc. Khoảng cách từ Căn cứ Long Bình lên Phước Long theo đường chim bay trên 100 cây số. Khi đoàn Trực Thăng vừa đến vùng trời Phước Long, cao xạ 12.7 ly và 37 ly của bọn giặc cọng thay nhau bắn lên xối xả, dưới đất thì khói bụi mịt mù bay lên che khuất một vùng trời, các phi tuần A.37 oanh kích triệt hạ phòng không địch trên núi Bà Rá chẳng thấy xuất hiện.

Đoàn Trực Thăng bay lượn hai vòng trên trời cao, họ có thể đã ước tính, không còn đủ nhiên liệu và thời gian để đáp thả Biệt Đội 814, rồi quay trở về bốc thả tiếp Biệt Đội 811 và Bộ Chỉ Huy 1 Chiến Thuật còn lại, thì trời đã quá chiều tối, nên đã đồng loạt bay về hướng Nam, đáp khẩn xuống ở Tiểu Khu Định Quán để tiếp tế nhiên liệu, rồi bay đáp trở lại ở Phi Trường Long Bình.Thêm một đêm nằm ngủ giữa trời sao trôi qua nhanh.

Từ sáng sớm ngày 4 tháng 1 năm 1975, hai Biệt Đội đã túc trực chuẩn bị hành trang lên đường. Vào khoảng 9 giờ, đoàn Trực Thăng chở Biệt Đội 814 cùng Trung Tá Vũ Xuân Thông và BCH 1 Chiến Thuật cất cánh, bay cặp theo dòng Sông Bé về hướng Bắc, vừa qua khỏi Thị Xã Phước Long, đoàn Trực Thăng quay vòng trở lại hướng Nam, bay qua Sông Dak- Lung thì lần lượt đáp xuống lơ lửng trên một ngọn đồi, cây cối bị pháo địch bắn cháy, còn ngổn ngang gốc cành, nằm rãi rác khắp cả khu đồi, cách Thị Xã chừng 500 mét về hướng Bắc. Từ độ cao cách mặt đất khoảng 2 mét, các Trung Đội nhanh chóng nhảy xuống tìm nơi ẩn núp và phòng thủ, nhất là để tránh địch có thể trực xạ đại bác 75 ly từ đỉnh núi Bà Rá.

Tôi đã được cấp trên cảnh giác về tình huống nầy. Bà Rá đã bị Việt cọng chiếm ngay ngày đầu năm Dương Lịch. Bà Rá, Bà Đen và cả Mây Tào, là những ngọn núi cuối cùng của dãy Trường Sơn. Bà Rá có độ cao 736 mét, là con mắt và lỗ tai của Thị Xã Phước Long. Với vị trí chiến lược này, ngay từ đầu, Quân Đội VNCH đã đặt căn cứ trên đỉnh Bà Rá. Từ trên đó, chúng ta có thể quan sát khắp vùng, điều chỉnh và yểm trợ phi pháo cho các đơn vị Quân Đội, khóa họng súng của địch mỗi khi chúng pháo kích vào Thành Phố. Tại căn cứ nầy cũng có các Đài Truyền tin, phát tuyến, nối tiếp làn sóng với Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III ở Biên Hòa và giữa các đơn vị trong và ngoài khu vực Thị Xã Phước Long.

Tình hình căn cứ Bà Rá bây giờ ở thế ngược. Sau khi chiếm được đỉnh núi nầy, địch được ba cái lợi: Bố trí phòng không 12.7 ly trên núi và 37 ly dưới chân núi, Việt cọng gây khó khăn cho các hoạt động của Không Quân ta. Cũng từ đây, địch có thể trực xạ đại bác 75 ly vào vị trí của chúng ta, và cũng từ đây, địch dễ dàng quan sát cả Thị Xã, các hướng tiến quân của ta để điều chỉnh pháo binh đang bố trí chung quanh Phước Long mà tác xạ chính xác, hiệu quả.

Trong khi Biệt Đội 814 và BCH 1 Chiến Thuật đang trên đường tiến quân, thì Biệt Đội 811 và Thiếu Tá Nguyễn Sơn Chỉ Huy Phó, cũng đang đổ bộ xuống một bãi trống, nằm chếch về hướng Tây Bắc của Thị Xã Phước Long, để từ đó cánh quân này sẽ tiến vào bắt tay phối hợp với Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu, với Tiểu Đoàn 2 Trung Đoàn 7 Sư Đoàn 5 và năm Tiểu Đoàn Địa Phương Quân, đang phòng thủ trong Thị Xã và Tòa Hành Chánh Tỉnh.

Biệt Đội 814 và BCH 1 Chiến Thuật tiếp tục băng qua các cánh đồng khô, các khu nhà, các dãy phố hoang tàn đổ nát, một vài nơi đã biến thành bình địa, không một tiếng súng, nhưng thỉnh thoảng đạn pháo địch vẫn nổ rải rác vài nơi trong trung tâm Thị Xã, mọi hiểm nguy vẫn chờ chực cận kề, thì ngay lúc này xuất hiện một chiếc xe jeep của BCH/ Tỉnh đến đón một mình Trung Tá Thông rời khỏi đội ngũ.

Tiếp tục theo như lệnh đã được ban hành tại Căn cứ Hành Quân ở Suối Máu. Biệt Đội 814 tiến sát hơn vào bên trong Thị Xã, đơn vị trú phòng mà Biệt Đội 814 tiếp cận đầu tiên để cùng phối hợp tác chiến là Ty Cảnh Sát Quốc Gia, nằm ngay góc một ngã tư đường lộ chính, dẫn vào Trung tâm Thị Xã. Nơi đây tôi được tiếp xúc cùng Thiếu Tá Nguyễn Văn Tư, Trưởng Ty Cảnh Sát Quốc Gia, và qua Ông tôi nắm biết phần nào về lực lượng địch, cùng hệ thống bố phòng của các đơn vị bạn trên trục tiến quân của Biệt Đội 814. Dĩ nhiên Ông ta và các chiến hữu của Ông hết sức mừng rỡ khi có Biệt Cách Nhảy Dù đến tiếp ứng.

Vượt qua Ty Cảnh Sát, là Doanh Trại của Đại Đội Cảnh Sát Dã Chiến, cũng nằm ngay góc ngã tư đường kế tiếp, mặt trước là cổng chính ngó vô Thành Phố, mặt hông phải, bên kia đường là khu nhà dân, nhà cửa hầu hết tan hoang không còn nguyên vẹn, vài nơi vẫn còn lửa cháy âm ỉ, khói bốc lên lan tỏa mờ nhòa tầm quan sát cả một khu vực, không có đơn vị nào còn phòng ngự ở đây, kể cả trong phòng tuyến của Trại Cảnh Sát Dã Chiến, họ đã rút về bố phòng tại các giao thông hào của Ty Cảnh Sát.

Vừa lúc đó, thì đạn pháo của địch không biết xuất phát từ đâu đã rơi xuống nổ khắp nơi. Tôi tức tốc cho lệnh các Trung Đội lao xuống bố trí tại các hầm hố, giao thông hào bao quanh ba mặt trong Trại Cảnh Sát Dã Chiến, chuẩn bị sẵn sàng tác chiến, đề phòng địch mở đợt tấn công. Bỗng đâu một tiếng súng nổ chát chúa, phá thủng một “cô-nét” gần bờ rào chính diện gây tử thương cho Hạ Sĩ I Sơn, một hiệu thính viên của Biệt Đội, hai trái đạn kế tiếp nổ ngay trên đường, sát bờ rào Ty Cảnh Sát. Đây là những viên đạn Đại bác 75 ly do địch trực xạ từ trên đỉnh Núi Bà Rá. Pháo Binh của ta đã hoàn toàn tê liệt, không còn có khả năng phản pháo.

Đạn pháo vừa ngưng, tiếng gầm rú của các xe tăng của địch lại từ từ tiến lên, không có bộ đội tùng thiết, xe tăng vừa chạy vừa quay nòng đại bác tác xạ như để áp đảo tinh thần đối phương, nhưng bọn chúng đã không ngờ đang đụng phải khắc tinh của chúng.

Từ bên trong các công sự chiến đấu, những hỏa tiễn M.72 của các xạ thủ Biệt Đội 814 đã dương cao sẵn sàng chờ đợi. Ầm..ầm..ầm, Hạ Sĩ I Ẩn và Hạ Sĩ Sáng, Trung Đội 2, đã tác xạ chính xác chiếc T.54 chạy đầu tiên, lửa đang rực cháy thiêu rụi toàn bộ đám địch quân. Hai T.54 kế tiếp vẫn trườn lên, ầm..ầm..ầm, chiếc trước đứng sững lại một chốc, xong tiếp tục chạy trườn tới tông sập đổ cột trụ đèn, rồi chạy thẳng ra bìa rừng hướng Tây Bắc, chiếc còn lại quay đầu, leo lấn lên lề đường, Thiếu Úy Nguyễn Tấn Mẫn, Trung Đội Trưởng Trung Đội 1, không chần chờ bắn ngay một quả M.72, đạn trúng bên hông trái, phía đàng sau đuôi, chiến xa địch hầu như chẳng hề hấn gì, vẫn cứ chạy trên đường lộ, về hướng Tây rồi mất hút trong màn đêm đang đổ xuống toàn Thị Xã Phước Long.

Đêm hôm đó, thời gian đang chầm chậm trôi đi trong yên tĩnh. Nhưng rất bất ngờ, Đại Úy Thứ gọi điện thọai thông báo : Trung Tá Thông ra lệnh cho các Biệt Đội Biệt Cách Dù sửa soạn rút quân, theo hai hướng khác nhau, BCH 1 Chiến Thuật, Đặc Huấn và Ban Quân Y sẽ rút về một hướng (?), còn Biệt Đội 811 và 814 sẽ rút lui theo một hướng khác (?).

Tôi thật qúa đổi ngạc nhiên, khó khăn lắm mới vào được đây để tiếp cứu, vừa chân ướt chân ráo, chưa được một ngày một đêm, và cũng chỉ mới đụng độ sơ khởi với địch, chẳng có tổn thất gì lớn lao, trầm trọng, mà sao Trung Tá Thông lại cho lệnh rút quân.

Tôi suy đoán, chắc có điều gì không ổn chăng ? Hay cấp trên đã nhận thấy kế hoạch thả hai Biệt Đội Biệt Cách Nhảy Dù vào Phước Long, trong biển lửa này như những con thiêu thân, như đem muối bỏ biển, như đem con bỏ chợ, chỉ là làm vật hy sinh tế thần, nên đã cho lệnh triệt thoái khẩn cấp ?

Sáng hôm sau, ngày 5 tháng 1 năm 1975, Biệt Đội liên lạc với BCH 1 Chiến Thuật để am tường rỏ ràng về kế hoạch rút quân, nhưng chẳng có động tỉnh hay lệnh lạc gì khác cả. Và nếu như theo đúng diễn tiến hành quân từ trước, thì Biệt Đội 814 sẽ tiến lên hướng Công viên Lệ Thủy, gần khoảng giữa Trung tâm Thị Xã, để bắt tay cùng các Đại Đội Trinh Sát, sau đó sẽ mở đường, giải tỏa áp lực địch để tiến vào Tòa Hành Chánh Tỉnh.

Chưa kịp hành động, thì đạn pháo của địch bắt đầu tác xạ và nổ ầm ỉ khắp nơi. Trước hỏa lực pháo tới tấp này, với kinh nghiệm chiến đấu cùng giặc cộng ở mặt trận An Lộc, Quảng Trị, tôi biết chắc chắn trước sau gì địch cũng sẽ tấn công, nên cho Biệt Đội nằm yên tại các giao thông hào, chờ đợi nghênh chiến với lủ giặc Cộng. Đúng y như tôi dự đoán, Việt cọng mở cuộc tấn công ào ạt, lực lượng chính của nó vẫn là xe tăng.

Bốn chiếc xe tăng T-54, không phải từ phía ngoài bìa rừng, hướng Tây, hướng Bắc hay hướng Đông, mà từ hướng Nam trong Thành Phố, tiến thẳng về phía phòng tuyến Cảnh Sát Dã Chiến mà Biệt Đội 814 đang trấn giữ. Hai bên mỗi xe tăng, là năm sáu tên bộ đội tùng thiết, cầm AK, CKC, B.40 và B.41 lom khom chạy theo. Tới ngã tư giao lộ, chúng chạy tản ra hai phía, như để bao vây, rồi xoay pháo tháp nổ súng bắn thẳng vào bên trong Đồn Cảnh Sát Dã Chiến.

Thiếu Úy Nguyễn Văn Ngọc, Trung Đội Trưởng Trung Đội 2, với M.72 trên vai, nhắm ngay chiếc T.54 đang rẽ hướng về phải, ngay trước tuyến phòng ngự. Lửa từ chiếc xe tăng bùng lên, bọn bộ đội tùng thiết hoảng loạn, chạy dạt vào một bên vệ đường, nhưng không còn kịp, Đại Liên 60, Phóng Lựu M.79, Lựu Đạn của Trung Đội 3 đã tiêu diệt chúng, không còn một tên sống sót. Chiếc T.54 kế tiếp vẫn liều lĩnh chạy tới, càn qua hàng rào kẽm gai, để tiến vào bên trong, nhưng đã bị các vòng dây kẽm gai cuộn, dính chặt trong các mắt xích, xe đứng khựng lại, ngay tức thì, Hạ Sĩ Dữ, một xạ thủ XM. 202 của Trung Đội 2 đứng lên tác xạ, quả đầu tiên bị trượt, quả thứ 2, thứ 3, thứ 4 đều trúng vào thành xe tăng, nhưng không kết quả gì, xe tăng vẫn gầm rú, nhưng chỉ nhúc nhích một hai thước.

Không chần chờ, Thượng sĩ Hùng, Trung Đội Phó, cùng Trung sĩ Sơn, Tiểu Đội Trưởng, đã nhanh nhẹn bò lên, mở nắp pháo tháp, tung vào bên trong hai quả lựu đạn. Chiếc T.54 giờ đây đã hoàn toàn bất động. Dĩ nhiên, không có tên nào trong và ngoài xe có thể sống sót, không có “phép lạ” đến với chúng cả, dù là phép lạ của ông Lenin, ông Mác, ông Mao hay ông Hồ. Có một điều kỳ lạ, là đã hai ba lần sử dụng M.72 và XM.202 tác xạ diệt tăng, nhưng đều không hiệu quả, chẳng lẽ hai loại hỏa tiễn nầy chưa thích ứng hoặc vô hiệu với chiến thuật diệt xe tăng hay Việt cọng rút kinh nghiệm, có thể chúng che chắn thêm cho xe tăng bằng một thứ vật liệu gì đó, khiến trái hỏa tiễn không thể xuyên thủng được.

Hai chiếc T.54 chạy về hướng cổng chính của Đại Đội Cảnh Sát Dã Chiến và Ty Cảnh Sát cũng đã bị Trung Đội 3 và 4 dưới sự chỉ huy của Chuẩn Úy Chuyển và Chuẩn Úy Lân, đã chận đứng và tiêu diệt hai đợt xung phong của đám bộ đội tùng thiết, và sau khi sử dụng M.72 bắn nhưng không chận đứng được chiếc T.54 đang húc đổ cổng trại Cảnh Sát Dã Chiến, Tổ vũ khí nặng, dưới sự điều động của Trung Úy Qúi, Biệt Đội Phó, đã mang Đại bác 90 ly không giựt tác xạ phá hủy, lửa bốc cháy hừng hực, đã làm cho chiếc T.54 theo sau quay bánh xích, gầm rú tháo chạy mất dần về hướng cũ, sau những khu nhà đổ nát, mờ mịt bụi khói mù trời.

Trời tối, đêm dần dần trôi qua trong lo lắng.

Tờ mờ sáng ngày 6 tháng 1 năm 1975, Việt cộng cố dứt điểm trận chiến Phước Long. Sau nhiều đợt pháo kích dữ dội bằng đại pháo, không riêng gì ở Núi Bà Rá, mà tất cả các phía chung quanh, nã vào cái Tỉnh Lỵ nhỏ bé mỗi bề chưa tới nửa cây số, như rải cát trên đầu chúng tôi vậy. Không nơi nào không bị đạn pháo cày xới tơi tả. Quân địch dốc toàn bộ 2 Tiểu Đoàn Xe Tăng và các Trung Đoàn Bộ Binh của Sư Đoàn 3 và Sư Đoàn 7 tràn ngập các cứ điểm còn lại của Quân Đội ta đang trú phòng.

Từ dưới phố, từ bìa rừng hướng Tây Tây Nam, xe tăng địch ào ạt chạy lên đông vô số kể. Thật ra, không phải đông vô số kể, nhưng ít ra cũng phải đếm bằng con số chục, không phải bằng con số lẻ. Tình hình nầy thì “căng lắm đây”, tôi thầm nghĩ ! Biệt Đội 814 không có đủ Hỏa tiễn M-72, lại không có loại mìn tự chế của Đại Tá Huấn như ở trận Bình Long, hai cấp số đạn dược mang theo cũng đã tiêu tán trong hơn một ngày qua, trong khi tình trạng tiếp tế rất khó khăn. Ở cứ điểm núi Bà Rá, với nhiều loại vũ khí phòng không, hầu như địch quân đã khống chế bầu trời Phước Long. Máy bay yểm trợ của Sư Đoàn 3 Không Quân Biên Hòa, không bay thấp được, dù là máy bay tiếp tế hay oanh tạc cơ, còn trên đường bộ thì xe tăng của chúng đang đầy rẫy khắp các ngỏ ngách, để chuẩn bị cho một cuộc tấn công qui mô.

Trong khi tại Đồn Cảnh Sát Dã Chiến, Biệt Đội đang tả xông hữu đột, vật vả chống trả các đợt tấn công của bộ binh địch và xe tăng ở hướng bên hông và hướng trước mặt thành phố, thì bất ngờ, một đơn vị Việt cộng khác, từ phía Ty Cảnh Sát, đã vượt rào cản, tràn lên đánh ập vào hậu tuyến Biệt Đội, nhưng bọn chúng gặp phải sức kháng cự của Ban Chỉ Huy Biệt Đội, đã sử dụng lựu đạn và M.79 tiêu diệt hơn 10 tên địch quân. Lúc bấy giờ, tôi mới biết là Ty Cảnh Sát đã hoàn toàn bỏ trống, toàn bộ nhân viên trong Ty và Cảnh Sát Dã Chiến đã di tản, tháo chạy từ trong đêm hôm qua.

Ngay trong thời điểm đang phải chiến đấu cam go, nóng bỏng, hiểm nguy như thế này, thì Âm thọai viên Biệt Đội cho tin: “Đại Úy Thứ vừa gọi máy, thông báo lệnh của Trung Tá Thông, toàn bộ đơn vị sẳn sàng rút quân. Lại rút quân !!!”.

Nghe tin, chưa kịp định thần, thì ba bốn chiến xa T.54 của địch đã cán sập tường rào, lù lù càn tới, bất kể sự phản công mãnh liệt của Biệt Đội. Đại bác 75, XM.202, M.72 hết hiệu quả tác xạ trong tầm quá ngắn, chỉ còn Đại Liên, XM.16, M.79 và lựu đạn là còn xử dụng, để tiêu diệt đám Cộng quân tùng thiết, đang la hét khủng hoảng tinh thần đối phương và chận đứng các xe tăng địch, đang nặng nề xoay chuyển trong Doanh Trại Cảnh Sát Dã Chiến, với đầy dẫy kẽm gai và công sự.

Đã quá trưa, tình hình chiến sự trong toàn khu vực vẫn còn sôi động, Cộng quân không ngừng pháo và tấn công khắp nơi. Tôi vẫn bình tĩnh chỉ huy Biệt Đôi. Một mặt vẫn giử liên lạc với Bộ Chỉ Huy 1 Chiến Thuật để nhận chỉ thị, một mặt biết chắc không thể tiếp tục đối đầu cùng địch, trước những đàn chiến xa mỗi lúc mỗi gia tăng. Tuân hành theo lệnh rút quân đã được ban hành từ Trung Tá Thông, mà cũng nhằm để bảo toàn lực lượng, tôi quyết định rút Biệt Đội ra khỏi Đồn Cảnh Sát Dã Chiến, di chuyển khoảng 1 cây số, về hướng Đông Bắc, chiếm lĩnh lợi thế trên một đồi rừng non, đâu lưng với sông Dak-Lung chừng 500 mét.

Các Trung Đội dàn trải đội hình bao quanh đỉnh đồi, đào hầm hố, bố trí sẵn sàng nghênh chiến. Và, y như rằng, không đợi lâu, bọn Việt cọng đã đuổi theo truy kích, chúng lố nhố, vừa leo đồi vừa nổ súng bắn tới tấp, bất chấp sự phản công ác liệt của các Chiến sĩ Biệt Cách Dù Biệt Đội 814 từ trên cao điểm. Tuy nhiên, sau hơn hai giờ giao tranh, mặc dù Biệt Đội tiêu diệt được nhiều địch quân, chận đứng kịp thời các đợt xung phong, tiến chiếm đỉnh đồi của địch, nhưng Biệt Đội đã phải hy sinh Thượng Sĩ Thủy Trung Đội Phó và B.1 Tài khinh binh, riêng Trung Đội Trưởng Trung Đội 2, Thiếu Úy Nguyễn Văn Ngọc thì bị trọng thương, máu chảy lênh láng, Trung sĩ Đức Y Tá Biệt Đội phải sử dụng nhiều lượng thuốc cầm máu, rửa sạch vết thương, nẹp cây hai bên cánh tay để băng bó mới dứt hẳn được.

Ngay trong lúc này, hai công việc tôi phải làm : Việc trước tiên là tiếp tục liên lạc vô tuyến với Bộ Chỉ Huy 1 Chiến Thuật và được biết BCH đã rút ra khỏi Tòa Hành Chánh Tỉnh. Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Phước Long hầu như đã bị Việt cộng chiếm cứ mất rồi. Giờ này chắc Trung Tá Thông, Thiếu Tá Sơn, đang trên đường bôn tập, không biết có được an toàn?. Nếu có nhanh chân tẩu thoát được, thì đang ẩn núp, lẩn trốn đâu đó. Việc thứ hai, dù khó khăn, nguy hiểm thế nào đi chăng nữa, dưới tầm pháo địch, Biệt Đội cũng phải đào hố chôn cất thi hài Thượng Sĩ Thủy và Binh I Tài, những chiến binh đã Anh Dũng Hy Sinh đền nợ Nước.

Trời chiều xuống dần, cả một không gian mờ nhạt bao trùm Tỉnh Lỵ Phước Long, trong giờ phút này đã hoàn toàn rơi vào tay giặc cọng. Thấp thoáng từ xa, một vài đám cháy rãi rác trong Thị Xã, thỉnh thoảng bùng sáng lên, rồi lại lụn tắt dần cùng với ánh chiều tà.

Phước Long thật sự đã mất, mất theo với Đại Tá Nguyễn Thống Thành, Tỉnh Trưởng Tỉnh Phước Long, với Trung Tá Quận Trưởng Quận Châu Thành, với Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2, Sư Đoàn 5 Bộ Binh và còn nhiều nhiều Quân Dân Cán Chính khác nữa, làm sao kể xiết.

Liên lạc với Bộ Chỉ Huy 1 Chiến Thuật để báo cáo tình hình và kế hoạch rút quân, nhưng đường vô tuyến bị nhiễu loạn. Không thể chậm trể, chiến trường đã phó mặc cho tôi chỉ huy chiến đấu sống còn, thì tự tôi phải biết định đoạt vận mạng cho các Chiến sĩ và bản thân. Chỉ cần một đợt pháo hỏa tập của địch, cùng với sự hợp đồng tác xạ đại bác 75 ly từ đỉnh Núi Bà Rá, thì Biệt Đội 814, tất cả đều sẽ trở thành cát bụi.

Không còn chần chờ, mạng sống của trên 150 Binh sĩ Biệt Đội 814 đều nằm trong giải pháp dứt khoát của tôi. Lợi dụng màn đêm buông xuống, tôi ra lệnh cho các Trung Đội cấp tốc, lặng lẽ rút xuống đồi, di chuyển về hướng Đông Bắc tiếp cận bờ sông Dak-Lung, nơi đây bằng mọi giá, ngay trong đêm, phải tìm cách vượt sông Dak-Lung. Qua bên kia sông, Biệt Đội sẽ được an toàn hơn.

Dòng sông Dak-Lung nước chảy xiết, rất mạnh. Hai bờ sông cách nhau khá xa, ít nhất là 50 mét. Một số Binh sĩ không biết bơi, với vũ khí đạn dược còn lại trên người, sẽ không an toàn tính mạng. Sau một thoáng suy nghĩ, tôi quyết định cho một Toán Tiền Sát dưới sự chỉ huy của Trung Úy Biệt Đội Phó Nguyễn Văn Qúi, đi ngược bờ sông hy vọng sẽ tìm thấy một khúc sông hẹp hơn.

Cũng trong lúc này, đức tin của một Phật Tử trổi dậy trong lòng, tôi chắp tay ngưỡng mặt lên trời với vô số vì sao, thầm cầu nguyện đến Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, hầu mong Đấng Từ Bi gia hộ phù trì cho tôi tìm ra sinh lộ, đưa Biệt Đội thoát cơn nguy biến. Và như linh ứng hay là một trùng hợp thiêng liêng, chỉ sau một quãng thời gian ngắn, Trung Úy Qúi báo về, đã tìm thấy được mấy cái bè tre của người Thượng Stieng cư ngụ vùng nầy bỏ lại, đang neo đậu bên một lùm cây cổ thụ.

Nhờ vào khả năng bơi lội của người vùng biển Nha Trang, Trung Úy Qúi đã đưa một Tiểu Đội qua sông, và trong sáng kiến chung, những sợi dây rừng, dây ba chạc, dây dù “mưu sinh thoát hiểm” được nhanh chóng kết nối, nhờ vậy mà cả Biệt Đội lần lượt vượt sông nhanh chóng, chỉ trong vòng 3 tiếng đồng hồ, trong im ắng nhưng cũng đầy bất trắc có thể xảy ra.

Trong ngày qua, hôm nay và ngay thời điểm này, rất đông đồng bào Tỉnh Lỵ Phước Long, đã liều chết băng qua cây Cầu Thác Mơ, nằm về hướng Đông Thị Xã, bắc ngang sông Dak-Lung. Việt cọng tuy không ra đón đường ngăn chặn đồng bào, nhưng từ nhiều phía, chúng đã rót pháo vào đoàn người chạy giặc, nhiều thường dân không nhanh chân, đã bị chết hay bị thương, không người cấp cứu, nằm lăn lóc trên bờ đường, phía bên này và bên kia cầu. Cũng như ở Quảng Trị, cũng như ở Bình Long năm 1972, Việt cọng đã gây nên ở đây, một “Đại Lộ kinh hoàng” giữa rừng hoang, đem lại thảm khốc cho người dân lành vô tội.

Lẫn lộn trong đám người chạy loạn đó, có một số Quân Nhân, Cán Bộ, Cảnh sát… trong giờ phút này không thể phân biệt được. Họ đã nhập đàn, lũ lượt cùng với Biệt Đội 814, để vạch lá băng rừng chạy thoát giặc cọng.

Suốt đêm, Biệt Đội cứ theo La Bàn nhắm về hướng Đông Đông Bắc mà đi, đi mãi, không ai nghỉ ngơi hay chợp mắt ngủ. Tôi tránh không đi lên hướng Đông Bắc, phía có mật khu Bùi Gia Mập. Đó là phía Cộng quân di chuyển, tiếp tế hoặc tăng viện cho chiến trường Phước Long.

Theo hướng Đông Đông Bắc, đường đi Gia Nghĩa, Bảo Lộc, dẫu sao cũng an toàn, bất ngờ hơn, dù rừng rậm, rất hiểm trở, nhưng hy vọng không phải đụng độ với địch quân. Đồng Bào đang đi theo sau Biệt Đội, nếu có chạm địch, chắc chắn Cộng quân sẽ không ngần ngại khi bắn vào dân chúng, thiệt hại không nhỏ.

Khi mặt trời lố dạng, nhìn vào tấm Bản Đồ thì Biệt Đội đã vượt xa hơn 10 cây số.

Biệt Đội 814 vào trận ngày 4 tháng 1. Phước Long thất thủ hôm qua, ngày 6 tháng 1. Đã một đêm, một ngày trôi qua, tầng số máy PRC.25 truyền tin cứ bị giao thoa, nhiễu sóng, chẳng liên lạc được ai và chẳng ai liên lạc được. Di chuyển suốt cả ngày, chỉ ăn qua loa, cầm chừng bằng gạo sấy, không có nước sôi, không một phút nghỉ ngơi, chợp mắt. Với tình trạng này, đêm nay không cho Biệt Đội lấy lại sức, lỡ bất ngờ tao ngộ chiến, Biệt Đội không còn một chút hơi tàn nào để cầm cự.

Sáng hôm sau, Biệt Đội tiếp tục lên đường. Nhìn lại đoạn đường Biệt Đội đã đi qua, thì Phước Long bấy giờ đã quá mịt mù, xa lắc xa lơ. Rừng núi từ đây tương đối thấp dễ đi, thỉnh thoảng có nhiều con suối nước trong và chảy xiết. Khoảng gần trưa, Biệt Đội vừa băng qua một trảng trống, thì Hạ Sĩ Huệ, truyền tin Biệt Đội, với bộ mặt mừng rỡ, trao ống bồ đàm cho tôi và nói :

– “Đại Úy, Thái Dương đang gọi Đại Úy”.

Đây là lần đầu tiên liên lạc được với cấp Chỉ Huy cao nhất của Liên Đoàn : Đại Tá Chỉ Huy Trưởng Phan Văn Huấn, sau gần một tuần lễ chiến đấu và bôn tập. Tiếng nói từ Đại Tá đã xoa dịu được phần nào nỗi trầm uất của một đội quân chiến bại, đang trên đường cao bay xa chạy.

Suốt ngày nay, vị Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn không ăn không ngủ. Thất lạc những đứa con: Biệt Đội 811 và 814 cùng Bộ Chỉ Huy 1 Chiến Thuật, Đại Tá Huấn lo lắng, bồn chồn như ngồi trên đống lửa.

Ông liên tục theo Phi cơ Quan Sát L.19, bay miết trên vòm trời cao của Phước Long, để tìm kiếm cho ra những chiến binh của mình. Hỏa tiễn Việt cọng bắn lên dữ dội, khiến Ông phải dùng L.19 cho được an toàn. Có khi Ông muốn dùng trực thăng, bay thấp hơn, để dễ tìm thấy, nhưng cao xạ phòng không của địch vẫn là mối đe dọa, không thể liều lĩnh được.

Vậy là sau hai đêm, hai ngày, Đại Tá Huấn tìm ra được Biệt Đội 814.

Sau khi chấm tọa độ chính xác vị trí của Biệt Đội đang dừng quân. Theo hướng dẫn của Đại Tá từ trên Phi cơ L.19, Biệt Đội rẽ về hướng chính Đông, lội qua một con suối, đi chừng khoảng nửa cây số thì dừng quân bố trí tại một trảng tranh rộng nằm lọt giữa một khu rừng tre dày đặc.

Không đầy một giờ đồng hồ sau, một đoàn Trực Thăng UH.1B tuần tự đáp xuống, bốc Biệt Đội 814 đưa về Căn cứ Hành Quân tại Suối Máu, Biên Hòa. Tiếp theo sau là số Quân Dân chạy loạn. Tất cả cũng đều được Đại Tá Huấn đưa về Biên Hòa, chuyển giao cho Quân Đoàn III, Phòng Xã Hội chăm sóc.

Khi tôi vừa từ Trực Thăng phóng ra là đã thấy một số đông phóng viên báo chí, truyền thanh, truyền hình đứng đầy trên bãi. Phước Long mất đã hai ngày nay rồi. Dân chúng Saigon dao động, lo lắng. Bóng ma cọng sản gần kề hơn!!!

Đang bắt tay cùng các chiến hữu, với nét mặt vui tươi, mừng rỡ, chào đón Biệt Đội tôi sống sót trở về từ cỏi chết, thì một cô gái người nhỏ nhắn, mảnh mai, trong bộ trang phục quần Tây dài, áo bốn túi, màu xanh nhạt, bước đến bên tôi, vừa bắt tay vừa tự giới thiệu tên là : “Thục Viên, phóng viên Nhật Báo Sóng Thần, muốn phỏng vấn…”

Tôi chưa kịp nói gì cả, cảm thấy chân tay như rã rời, chỉ thèm được uống một ly cà phê đá, hay một ly soda chanh cho đã cái khát chất chứa trong suốt mấy ngày qua. Nhưng, miễn cưỡng, tôi nghĩ cũng khó mà từ chối trước lời đề nghị nhiệt thành và đầy thân thiện của cô ta. Thế là một hai câu hỏi và trả lời bắt đầu và trôi qua.

Về sau, tình cờ tôi đọc được bài phỏng vấn này trên Nhật Báo Sóng Thần, với lời mở đầu đầy hài tính, nhưng phản ảnh trung thực về cá tính của con người tôi :

“Sau khi Phước Long thất thủ, các đơn vị tham chiến tại đây, trong đó có Bộ Chỉ Huy 1 Chiến Thuật và hai Biệt Đội Biệt Cách Nhảy Dù đã phải tìm đường thoát nạn. Sau hai ngày hai đêm băng rừng, vượt núi, đơn vị đầu tiên được Đại Tá Phan Văn Huấn tìm thấy và đưa trở về lại căn cứ hành quân trú đóng tại Biên Hòa, đó là Biệt Đội 814 do Đại Úy Lê Đắc Lực chỉ huy.

Đại Úy Lê Đắc Lực, người cao to, có để bộ râu mép đậm dài, tướng đi bệ vệ trông chẳng khác gì một con gấu. Nhưng khi tôi tiếp xúc phỏng vấn thì thấy Đại Úy Lực rất hiền lành, trả lời câu hỏi từ tồn, nhã nhặn, chân tình, nhìn Đại Úy Lực lúc này thì lại giống như một con nai, phản ảnh trái ngược hoàn toàn với tướng dáng con người của Đại Úy Lê Đắc Lực……”

Ngay chiều hôm đó và qua sáng ngày hôm sau, Đại Tá Phan Văn Huấn đã tìm và đưa được Biệt Đội 811, Đại Úy Trương Việt Lâm, cùng Trung Tá Thông, Thiếu Tá Sơn và một số Quân nhân của Bộ Chỉ Huy I Chiến Thuật trở về. Nhưng Liên Đoàn và riêng Đại Tá Phan Văn Huấn, vẫn mang nặng nỗi đau buồn lớn lao khi đã để lại tại chiến trường Phước Long một số xác thân của các Chiến sĩ Biệt Cách Nhảy Dù đã hy sinh, và còn nhiều quân nhân khác vẫn chưa tìm thấy, mà sau này được biết đã bị Việt cọng bắt làm tù binh bao gồm: Trung Úy Đức, Chuẩn Úy Cấp, Chuẩn Úy Phước (BCH.I / CT), Thiếu Úy Long, Chuẩn Úy Bảo, Chuẩn Úy Lịch, Chuẩn Úy Linh (BĐ.811). Mãi cho đến ngày Miền Nam sụp đổ họ mới được trở về, để rồi sau đó không lâu lại phải đi tù “ cải tạo” khổ sai.

*******

Trên bãi Trực Thăng dã chiến, tại Căn cứ Hành Quân Suối Máu, Biên Hòa, một Nghi Lễ được tổ chức để tưởng thưởng Huy Chương, Cấp Bậc cho hai Biệt Đội Biệt Cách Nhảy Dù và Bộ Chỉ Huy 1 Chiến Thuật “Bại trận trở về”.

Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn, vừa thay thế Trung Tướng Dư Quốc Đống, trong chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn III, đứng trước mặt tôi, cầm chiếc Huy Chương Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu, dí hai mũi kim vào trên nắp túi áo trái ấn mạnh, kim chạm vào ngực làm hơi buốt nhói, tôi cảm nhận máu đang ứa rỉ bên trong, nhưng đó chỉ là những bụi máu nhỏ so với muôn ngàn dòng máu thắm mà Đồng Đội tôi, Chiến Hữu tôi của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù, của các Quân Binh Chủng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đã chảy đổ ra để hiến dâng cho Tổ Quốc, trong suốt chiều dài của cuộc chiến tranh Quốc cộng. Tôi bắt chặt tay Trung Tướng Tư Lệnh, rồi kính cẩn chào trong nỗi xót xa, đau đớn tận cùng.

Và tôi đã khóc, vì tôi cảm thấy chưa hoàn thành sứ mạng : “ Bảo Quốc An Dân ”.

– Mot hop doan truc thang UH1 bat trong lua dan hoang hon .jpg

– Cac chien si LD81BCND chuan bi nhay vao Phupc Long .jpg

– CAC CHIEN SI LD81 BIET CACH NHAY DU PHUC KICH DICH.jpg

– Truc thang đổ quân phi truong TK Phuoc Long .jpg

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay