Nước Mỹ nơi tôi đang sống
Tác giả: Phùng Văn Phụng
Tôi có người cháu ở Houston, Texas, bảo lãnh gia đình em ruột qua. Thời gian chờ đợi để qua Mỹ mất hơn 12 năm. Cháu tôi lo tất cả mọi thứ tiền kể cả tiền mua vé máy bay cho bốn người sang đây. Mới qua, gia đình được bảo lãnh, tạm thời tá túc trong cùng một ngôi nhà của người bảo lãnh cho nên rất chật chội. Người bảo lãnh phải chở gia đình này đi làm giấy tờ, chở đi đi học thêm anh văn, chở đến trường học Nails, chỉ cách mua tem thơ, chỉ cách đổ xăng v.v…
Nhưng gia đình người em mới qua chưa được ba tháng, đã tự ý mua vé máy bay một chiều về lại Việt Nam, bất chấp lời can gián của gia đình người anh, chấm dứt tình nghĩa anh chị em, mất tình cảm giữa hai gia đình, tạo ra sự xung khắc, thù ghét giữa anh chị em, giữa hai gia đình ruột thịt.
Hỏi: tại sao gia đình vừa qua Mỹ, chỉ ở có mấy tháng rồi lại trở về Việt Nam?
** *
Tôi bị tù từ năm1975, ra khỏi trại cải tạo đầu năm 1983, mãi tới cuối năm 1993, tôi mới có giấy tờ rời khỏi Việt Nam để đi định cư tại Hoa Kỳ.
Bỏ tất cả công ăn việc làm đang tốt đẹp, phát đạt, để ra đi đến nơi chỗ ở mới, tôi chưa biết sẽ làm nghề gì? cuộc sống mới sẽ ra sao khi tuổi đã lớn (51 tuổi).
Bao nhiêu lo âu? Nhưng phải đi vì không thể sống với cộng sản được. Một tờ truyền đơn của ai đó rải trong khóm, trong phường mình ở, số phận mình sẽ ra sao? Hằng ngày được công an khu vực theo dõi sít sao? xem tôi nói chuyện với ai? tôi có làm gì chống đối nhà cầm quyền không?
Trước hoàn cảnh đó, không thể sống được với cộng sản thì phải ra đi mà thôi.
Sau một chuyến đi dài giờ trên máy bay, cả gia đình tôi 6 người từ phi trường ở Seattle đưa chúng tôi về phi trường Hobby và được bà con gia đình em ruột, gia đình người bảo trợ cùng bạn bè đón tại phi trường Hobby này. Cháu Trung con anh Xin đã đem theo xe tải nhỏ chở áo quần, đồ đạc lỉnh kỉnh … mang từ Việt Nam qua về phòng trọ “apartment” ở đường Town Park, gần chợ Hồng Kông 1 cũ.
Rất lo âu, bỡ ngỡ để bắt đầu cuộc đời mới hoàn toàn không biết trước được, rồi đây gia đình mình sẽ ra sao?
Tại sao những người được bảo lãnh qua Mỹ vài tháng rồi lại muốn quay trở về Việt Nam.
Sự thay đổi cách sống, cách sinh hoạt, mất bạn bè, mất thói quen sống hàng ngày, thói quen ngủ trưa, uống cà phê buổi sáng với bạn bè, buổi chiều lai rai vài chai bia với bạn bè v.v… không còn nữa. Phải đi học anh văn, học lái xe v.v… làm lại từ đầu bằng một nghề mới để kiếm sống không phải dễ dàng. Làm việc ở hảng xưởng phải cật lực siêng năng, đúng 8 giờ vàng ngọc, đi và về đúng giờ, không thể thờ ơ được. Chưa kể nếu còn mang nặng tâm trạng khá giả, nhàn hạ ở Việt Nam, mặc cảm thua kém người anh, em qua trước sẽ làm cho họ hụt hẩng, khó chịu, bực mình, đau khổ, bất mãn, chán sống ở nơi mới, gây gỗ, nói nặng nhẹ với người bảo lãnh là anh chị em ruột của mình, cho rằng, anh chị em “không chịu lo gì hết”? mà còn đòi bảo lãnh qua?
Tại sao người Việt Nam muốn định cư ở nước Mỹ:
Nếu ai có óc cầu tiến, chịu khó làm việc, bỏ lại sau lưng tất cả thói quen cũ có thể nhàn hạ, làm ăn dễ dàng vì quen biết công việc, bạn bè, nhà chức trách… chấp nhận cuộc sống mới khác biệt nhiều với cuộc sống cũ khoảng chừng vài năm là ổn định, có thể mua nhà, mua xe trả góp, và hội nhập vào xã hội Mỹ bình thường.
Tự do chính trị: Ở Mỹ là nước có tự do ngôn luận bậc nhất trên thế giới, tự do nghiệp đoàn, tự do báo chí, in sách không cần phải xin phép ai. Tự do tôn giáo. Tự do bầu cử và ứng cử. Bằng chứng là người Việt có Cựu dân biểu Liên bang Cao Quang Ánh. Bà Stephanie Murphy, nhũ danh Đặng Thị Ngọc Dung (Florida)
Dân biểu tiểu bang Texas: Hubert Võ
Thiếu Tướng Lương Xuân Việt làm tư lịnh lục quân Hoa Kỳ,
Phó Đề Đốc Nguyễn Từ Huấn
HQ Đại Tá Lê Bá Hùng
Đại Tá Thomas Nguyễn
Trung Tá Bác Sĩ Joshepine Cẩm Vân-US Navy
Thiếu Tá Elizabeth Phạm v.v…
Giáo Sư Đinh Việt, Giáo Sư Luật lừng lẫy ở Washington DC
Về đảng phái chính trị mọi người đều có quyền tự do theo đảng Cộng Hoà hay đảng Dân Chủ hay đảng nào khác.
Nhờ có tự do bầu cử và ứng cử mới chọn được người tốt, người có khả năng xây dựng đất nước, xây dựng xã hội.
Hưởng nền giáo dục tốt: Tiểu học và trung học miễn phí. Tự do phát triển năng khiếu, không phải học chính trị nhồi nhét một chiều chủ nghĩa Mác Lê nine.
Ăn trưa miễn phí. Có xe đưa rước từ nhà đến trường miễn phí.
Vào Đại học nếu ai không có tiền có thể mượn tiền học cho đến khi thành tài, ra bác sĩ, kỹ sư… đi làm trả nợ từ từ.
Vì có được nền giáo dục tốt, cuộc sống tương đối dễ kiếm việc làm, đi làm cật lực chừng năm mười năm là có thể mua nhà, mua xe trả góp dễ dàng. Mọi người đều được hưởng tiện nghi mà xã hội Mỹ cung cấp như cầu cống, đường sá, trường học, chợ búa v.v…
Hệ thống xe bus cũng giúp cho bà con đi lại dễ dàng.
Tỉ lệ du học sinh tìm cách ở lại Mỹ sau khi học xong trên 80%, một du học sinh tôi gặp đã nhận định như thế?
Tính đến tháng 3/2019, có hơn 30.900 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Mỹ.
Môi trường trong sạch.
Chánh phủ kiểm soát rất kỹ về môi trường. Nhà máy thường ở xa khu dân cư. Nếu làm ô nhiễm môi trường sẽ bị phạt rất nặng.
Người lớn cũng như trẻ con đều có ý thức bảo vệ môi trường. Không thấy trẻ con vất rác ngoài đường. Nếu xả rác ở nơi công cộng, bị bắt, sẽ bị phạt rất nặng.
Mức sống cao, cuộc sống ổn định.
Khi làm ăn mở nhà hàng, tiệm nails, hay bất cứ cơ sở nào khác… đều có luật lệ, thuế má rõ ràng không phải hối lộ ai cả.
Tốt nghiệp đại học, lương kỹ sư mới ra trường khoảng 40 đến 50,000 đô la một năm. Làm công nhân sắp xếp hàng hoá trong chợ Hồng Kông chẳng hạn, lương khoảng 18,000 đô la một năm.
Nếu chi tiêu cẩn thận, tiết kiệm, không xa xỉ, còn có thể gởi tiền để giúp đỡ cho bà con ruột thịt ở Việt nam nữa. (1)
Về hưu sống ra sao?
Điều quan trọng khi đến Mỹ, ta phải làm việc cật lực, không nghĩ về quá khứ giàu có, sung sướng, danh phận, địa vị cao trong xã hội cũ (nếu có).
Nếu làm việc tại Mỹ trên 20 năm, đóng thuế đầy đủ, tiền hưu trí (SSA: Social Security Account) chánh phủ trả về hàng tháng từ 1200 đến 1500 đô la một tháng. Tính luôn tiền hưu của vợ, bằng phân nửa của chồng 1200:2= 600 đô, thì hai vợ chồng lãnh được 1800 đô la một tháng. Ngoài ra còn có tiền hưu trí của hảng, tiền hưu do để dành riêng (IRA: individual retirement account) v.v… đủ trả bảo hiềm nhà, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe, điện, nước, gas … đóng thuế nhà cuối năm, tiền chợ và các chi phí lặt vặt khác.
Ngoài ra còn có thể đi du lịch được nữa.
Nếu về hưu, tiền lãnh hàng tháng thấp, thì được chánh phủ trợ cấp đủ sống (hai vợ chồng được lãnh khoảng 1100 đô la và tiền thức ăn (food) khoảng 150 đô la.
Khi về hưu không lo đói khát, ít nhất cũng có tiền trợ cấp xã hội đủ sống.
Nếu thực sự nghèo, khi bị bịnh, đi bác sĩ, mua thuốc hay nằm nhà thương không mất tiền vì có sự trợ cấp của chính phủ.
Tác giả: Phùng Văn Phụng
03/2020 Chỉnh sửa 02-14-2021
(1)Lợi tức tính theo đầu người tại vài nước tiêu biểu: Nguồn: BBC
Như bảng thống kế phía dưới cho thấy, thu nhập bình quân trên đầu người của Việt Nam kém hàng chục lần với những nước được cho là nhiều người Việt Nam di cư muốn tới. Nước |
GDP/Đầu người |
Việt Nam | 2.343,12 USD |
Mỹ | 59.531,66 |
Anh | 39.720,44 |
Nhật | 38.428,1 |
Hàn Quốc | 29.742,84 |
Đài Loan | 25.534,00 |
Nguồn: Ngân hàng Thế giới, theo ước tính năm 2017 |