Cuối năm, nhìn đất nước từ một cuộc thi Marathon

Cuối năm, nhìn đất nước từ một cuộc thi Marathon (RFA)

Thứ Tư, 12/30/2020

VietTuSaiGon

Cuộc thi chạy marathon tại cố đô Huế vào ngày 27 tháng 12 năm 2020 làm dậy sóng truyền thông bởi các vấn đề liên quan đến “thuần phong mỹ tục”, “phản cảm”, “phi thể thao”, “làm ảnh hưởng đến hình ảnh chiếc áo dài Huế”… Và, đáng sợ hơn là hầu hết các trang báo nhà nước đều đưa tin có nội dung như đã nêu. Hơn nữa, về phía người tham gia chạy với trang phục “cosplay” khi trả lời báo chí đều cho thấy họ không có bất kì thông điệp nào, chỉ đơn giản vui là chơi, mặc cho đẹp… Riêng ông Giám đốc sở Du lịch và Thể thao Thừa Thiên – Huế còn trả lời rằng ông không khuyến khích mặc trang phục kiểu này khi tham gia chạy, hay nói khác đi là ông không đồng tình với việc này. Với hàng loạt trang báo đưa tin, với hàng loạt câu trả lời như vậy trong một đường chạy cuối năm của một năm có quá nhiều tai ương, tự dưng tôi nhớ đến hai câu thơ của Tản Đà: Dân hai mươi triệu không người lớn/ Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con. Vì sao?

Vì khi thế giới đã lên đường từ lâu, dường như tâm thức người Việt vẫn chưa bao giờ thoát khỏi bụi chuối mụt măng. Cái tâm thế hiện đại không ra hiện đại, cổ điển không ra cổ điển, cởi mở không ra cởi mở mà cố chấp cũng không phải cố chấp này bàng bạc khắp dòng máu Việt, từ người Việt trong nước cho đến người Việt hải ngoại. Nói gần nhất, tại cuộc chạy đua marathon Huế 2020 này, người mặc trang phục cosplay không hiểu ý nghĩa của việc ăn mặc của mình, nhưng cứ thấy thích là làm, ban tổ chức cũng không hiểu được ý nghĩa của nó nhưng cứ thấy lạ, được rỉ tai rằng hay thì cứ nhắm mắt để cho làm nhưng không hiểu vì sao lại để người ta làm.

Ngay cả báo chí, hàng loạt trang nhảy vào đưa tin, ném đá dựa trên cái gọi là thuần phong mỹ tục trong khi cũng chính các tờ báo đó, hằng ngày ra rả đưa tin về vấn đề “giao lưu, hội nhập văn hóa thế giới”. Sở dĩ có sự mâu thuẫn đồng bộ như thế này bởi tầm nhìn bị hạn chế. Đương nhiên sống trong một quốc gia độc tài, tầm nhìn bị hạn chế là điều tất yếu, nhưng đó phải là người dân, ít có điều kiện tìm hiểu, tham khảo, nghiên cứu ra bên ngoài. Còn với giới quản lý, chi phí đi học hỏi ở nước ngoài hằng năm tính bằng triệu đô, với báo chí, chi phí tổ chức một tờ báo cũng tính bằng triệu đô, toàn tiền thuế cả dân cả. Thế nhưng họ đã mở rộng cái gì cho người dân?

Xin thưa là họ không những không mở rộng tầm nhìn cho nhân dân mà cứ mỗi sự kiên văn hóa diễn ra, dường như chính họ là kẻ trực tiếp bịt tầm nhìn của người dân, họ áp đặt những thứ “khuôn vàng thước ngọc thuần phong mỹ tục” một cách vô tội vạ. Để rồi hôm sau, không ai khác, chính các tờ báo này đưa tin cô hoa hậu này về làng ra sao, vòng eo bao nhiêu, vòng ngực đẹp cỡ nào, chân dài mét mấy, thậm chí, nếu có cơ hội, họ sẽ làm hot trang báo của mình bằng hình ảnh cô chân dài nào đó “lỡ tay” trong ăn mặc hoặc một cái tin giật gân nào đó có liên quan đến chân dài và những thứ thuộc về điều tế nhị của chân dài… Vậy họ đã giữ thuần phong mỹ tục?!

Và giới quan chức, những người nghe dư luận ném đá thì ngay tức khắc rụt đầu, chối bỏ mọi thứ trách nhiệm, giới báo chí được nước làm tới, tuổi trẻ, đặc biệt là tuổi trẻ Huế không tiếc lời chì chiết, mạ lị… Không khí trở nên lộn xộn và bát nháo một cách không đáng có. Bởi chuyện này, thế giới đã làm từ lâu với đầy đủ ý nghĩa, thông điệp của nó. Ví dụ như một vận động viên (cosplay) với bộ áo quần phi hành gia, hay bộ áo quần giống như trái chuối, bộ áo quần cô dâu chú rể… để tham gia đường chạy với thông điệp về không gian vũ trụ bí ẩn đang cần con người tiếp tục khám phá hoặc thân phận nhỏ nhoi của con người trước vụ trụ, thông điệp về thực phẩm sạch, về vấn đề bình đẳng giới, về vấn đề chống phá thai, chống bạo lực gia đình… Nó khác với cuộc thi marathon tại Huế là người ăn mặc cosplay lại chẳng có thông điệp, chỉ có khuynh hướng ham vui, mà nói đúng hơn là học đòi.

Cho đến lúc này, tôi không hiểu vì sao không ủng hộ mà lại để xảy ra (cho dù sự không ủng hộ ấy đúng hay sai thì cũng cần một sự quyết đoán từ nhà quản lý, không thể mập mờ bước chân nam chân chiêu như vậy được), và đáng sợ hơn là hầu hết các tờ báo trong nước đều xúm vào đánh theo kiểu hội đồng, mượn các phát ngôn của những facebooker để thay quản điểm tờ báo trong khi các phát biểu này vô thưởng vô phạt.

Đáng buồn là chỉ riêng một cuộc chạy marathon thôi cũng có lắm điều để nói, trong đó, câu chuyện ếch ngồi đáy giếng vẫn còn nguyên giá trị. Đây là chuyện ngoài sức tưởng tượng nếu như muốn Việt Nam đi vào thời đại kinh tế 4.0. Bởi khi thế giới phẵng, thế giới của trí tuệ nhân tạo hiện hữu, có mặt tại Việt Nam và chi phối mọi hoạt động tại Việt Nam, nó có thể xô dạt mọi giá trị truyền thống nếu như các giá trị này không đủ trọng lực trong tâm hồn người Việt. Thế nhưng, với thực trạng văn hóa Việt Nam, mọi thứ xô bồ và hổ lốn, rất khó để tin rằng người Việt có thể trụ nổi trước thời đại 4.0 nếu nó diễn ra. Bởi loại tư duy bụi chuối mụt măng, mất gà mất qué thì la làng, thì chửi đã ăn dằm trong hệ thống quản lý và cả trí thức Việt Nam.

Chính vì vậy mà các sự kiện truyền thông, người Việt Nam luôn làm rất thành công và rình rang, các vấn đề truyền thông, đụng đến người Việt thì mọi chuyện trở nên kì vĩ. Thế nhưng các sự kiện khoa học, nghệ thuật, khi đụng tới người Việt, mức độ thành công rất thấp và chỉ hạn chế trong một nhóm người đặc biệt. Vì sao? Vì thứ tư duy “truyền thống” đã chi phối, thứ hành vi ném đá tập thể, té nước theo mưa, thấy người ta ăn khoai mình cũng vác mai đi đào, nói theo cấp trên, nói theo người nổi tiếng, thậm chí lớn theo người nổi tiếng, lớn theo bề trên… đã trở thành nọc độc trong tâm hồn người Việt.

Và cuộc chạy marathon tại Huế với nhiều chuyện lình xình kéo theo không phải là chuyện lớn, bởi chuyện lớn nằm trong một cuộc chạy marathon khác mang tầm quốc gia, thậm chí có tính quốc tế mà cả dân tộc Việt Nam đang phải chạy, mỗi người tự trang bị cho mình một bộ áo quần không giống ai để được nhìn thấy giữa đám đông xô bồ, hỗn độn mà không hiểu được mình mặc như vậy để làm gì, nó gửi gắm thông điệp gì cho thế giới. Bởi chúng ta mặc dù không còn ở dân số hai mươi triệu như những năm 1930, chúng ta không còn tính độ tuổi lịch sử bằng bốn ngàn năm hay sáu ngàn năm nữa. Mà thời đại của chúng ta đang sống là thời đại của dân sáu tỉ riêng chung trong địa cầu chật hẹp, lịch sử của chúng ta được tính bằng độ tuổi trưởng thành về văn hóa, chính trị, kinh tế và vị thế trong mặt bằng trí thông minh nhân tạo và cả trí thông minh con người.

Nhưng, hình như năm 2020, chúng ta vẫn hành xử với nhau theo cách của người man rợ, người ta sẵn sàng giết cả một gia đình bằng công an, quân đội, rồi sau đó tiếp tục phi tục phi tang, vu khống, ghép tội, đẩy vào chốn lao lý… Dường như chúng ta luôn nghe nói về thời đại 4.0 và những thành tựu kinh tế, văn hóa, thể thao, khoa học vượt bậc, thần kỳ. Thế nhưng những thành tựu ấy được đánh đổi bằng sự nổi giận của thiên nhiên và khi sự cố xảy ra, chúng ta thúc thủ, trở lại thời nông nghiệp, khắc phục bằng những biện pháp hết sức thô sơ và hàng ngàn lổ hổng về khoa học, kinh tế, y tế, giáo dục, văn hóa hiện ra trước mắt. Và đến lúc bí bách, chúng ta lại hành xử với nhau như những kẻ lâu năm quen giành giật bụi chuối, mụt măng, con gà con qué…

Năm 2020 chỉ còn đúng một tờ lịch nữa là khép lại. Năm 2021 lại mở ra với hàng hàng lớp lớp những gì tồn đọng từ 2020. Liệu có ai đủ dũng cảm để tin rằng năm 2021 sẽ tốt hơn, sẽ dễ thở hơn nếu như mọi thứ vẫn còn mắc kẹt giữa nếp nghĩ của thế kỉ trước?!

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay