TRANH CHẤP PHIẾU BẦU VÀ CÁI HAY CỦA NỀN DÂN CHỦ MỸ

Đỗ Ngà TRANH CHẤP PHIẾU BẦU VÀ CÁI HAY CỦA NỀN DÂN CHỦ MỸ

Đỗ Ngà

Bầu cử Mỹ năm 2016 khi mà cuộc chạy đua giữa bà Hillary Clinton và Donald Trump đã có cách biệt quá xa về phiếu đại cử tri, bà Hillary Clinton đã sớm chấp nhận thua cuộc thì rõ ràng không có chuyện tranh chấp xảy ra. Còn hôm nay theo dõi bầu cử chúng ta thấy, thắng thua hay không là ở bang Arizona. Phiếu phổ thông bang này nếu ngã về ai thì người đó sẽ làm tổng thống. Với Joe Biden nếu thắng ở bang Arizona thì xem như ông ta sẽ có 270 phiếu vừa đủ để đánh bại Trump. Với cách biệt khít khao, chỉ cần một thay đổi nhỏ thì lập tức kết quả đảo chiều, với cơ hội như vậy thì không ai đang ở thế thua mà không quyết kiện để hy vọng đảo chiều. Nếu ông Biden mà ở vào hoàn cảnh của ông Trump thì ông cũng làm vậy chứ không thể ngồi im chịu thua đâu.

Việc tranh chấp phiếu trong tình thế khít khao như vậy cách đây 20 năm cũng đã diễn ra. Khi đó bang Florida là điểm nóng. Nơi đây phiếu phổ thông của ứng cử viên Al Gore và George W. Bush cứ liên tục rượt đuổi nhau, và chỉ cần kết quả ngã về người nào thì người đó sẽ thành tổng thống. Lúc rạng sáng ngày 08-11 – 2000 Bush dẫn Al Gore 100 ngàn phiếu, thế nhưng càng về sau phiếu của Al Gore tăng dần và đến 4 giờ 30 sáng thì khoảng cách chênh lệch chỉ còn 2000 phiếu và cuối cùng khi kết thúc cuộc kiểm phiếu thì Al Gore rút ngắn khoảng cách với Bush chỉ còn 200 phiếu, rất sát. Một chiến thắng như thế dành cho Bush làm phe Al Gore không cam lòng, chính vì vậy mà phía Al Gore kiện đòi kiểm phiếu lại ở 61 ngàn phiếu bầu được cho là bị bỏ sót trên khắp bang Florida. Tòa án tối cao bang Florida chấp thuận cho kiểm lại. Kết quả cách biệt giữa Bush và Al Gore bị nới rộng lên gần 300 phiếu chứ không còn 200 phiếu như ban đầu. Kết quả này vẫn không làm Al Gore hài lòng và ông ta tiếp tục kiện lên tòa án Florida yêu cầu kiểm lại toàn bộ 6 triệu phiếu của bang Florida, đơn kiện này được tòa án tối cao Florida đồng ý, thế sau đó nhưng tòa án tối cao Liên Bang thì bác bỏ. Đây là cuộc chiến pháp lý, nếu Al Gore kiện tòa án bang thì Bush cũng kiện lên tòa án liên bang để bảo vệ kết quả của mình. Lúc đó Al Gore là đương kiêm phó tổng thống thì ông ta cũng vác đơn đi kiện lên tòa án như thường dân chứ chẳng có gì khác cả. Sau khi cuộc chiến pháp lý ngã ngũ Al Gore chấp nhận thua Bush một cách tâm phục khẩu phục.

Ghế tổng thống là ghế quyền lực nhất thế giới, nó quan trọng với bất kỳ ứng cử viên tổng thống nào. Vì vậy khi 2 đối thủ mà chiến thắng quá sít sao thì thế nào cũng xảy ra tranh chấp, điều đó khó tránh khỏi. Tuy nhiên qua vụ lùm xùm như thế này mới làm cho chúng ta thấy rõ một điều, dù là người quyền lực nhất thế giới thì cuối cùng tổng thống Trump cũng vác đơn thưa kiện để tìm kiếm cơ hội chiến thắng cho mình như mọi người chứ quyền hành pháp to lớn trong tay của ông cũng chẳng can thiệp được gì. Đó là cái hay của tam quyền phân lập, cái hay của một thể chế dân chủ kiểu mẫu mà thế giới phải học hỏi. Bộ phận kiểm phiếu có sai sót hả? Bộ phận kiểm phiểu gian lận hả? Ừ, nếu xảy ra thì tư pháp sẽ khắc phục, thế thôi và cuối cùng sai sẽ trở về với giá trị đúng. Đó là cái hay của tam quyền phân lập đúng nghĩa, nó sẽ chữa lỗi cho bộ máy nếu chẳng may xảy ra lỗi, thế thôi. Lùm xùm chuyện bầu cử rồi đây cũng lắng xuống, và bộ máy nhà nước tự sửa lỗi của Mỹ thì vẫn còn đó. Nó chính là nền tảng vững chắc để những tổng thống thay nhau làm cho nước Mỹ mạnh lên. Đã bao tổng thống bị đánh giá là yếu kém trong lịch sử nước Mỹ, nhưng cuối cùng thì sao? Nước Mỹ vẫn hùng mạnh vô đối đấy thôi? Cái thể chế tốt, nó là nền tảng lớn nhất cho một đất nước chứ không phải tổng thống giỏi. Theo tôi là vậy.

-Đỗ Ngà-  

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay