
GÁNH HÀNG RONG CỦA MẸ.
Ba lên đường bảo vệ quê hương thời binh lửa, và ra đi mãi mãi, để lại cho mẹ 6 người con, đứa bé nhất chưa rời vú mẹ.
Với tấm thân nhỏ bé, vì sự sống của đàn con, mẹ quang gánh lên đường, rong ruổi dưới trời sương gió lạnh mùa Đông, tiếng rao vẫn đều đều vang lên khi mùa hè nóng bức.
Không cha mẹ, không họ hàng người thân nào ở gần, và không trông vào ai được, mẹ phải tần tảo bằng mọi cách nuôi lớn đàn con, cho chúng ăn học thành người.
Thời gian trôi đi là mỗi ngày mẹ thêm tiều tuỵ, nhưng đàn con càng lớn thì chi phí ăn học càng nhiều, nên mẹ càng gánh nặng hơn
Một hôm mẹ ghé ngang nhà uống nước và ngồi thở, tôi ướm đôi vai nhấc thử gánh hàng của mẹ, nó nặng hơn tôi nghĩ, bước đi chưa đầy chục thước đã lảo đảo muốn ngã, chiếc đòn gánh đè lên vai đau cả người, và mẹ phì cười:
“Nhìn thế chứ sáu, bảy chục ký đấy, không quen chẳng gánh được đâu”.
Cái cảm giác ấy tôi không hề quên được, cứ ngỡ mình trai mới lớn là phải khoẻ ghê lắm, ai ngờ đôi quang gánh của mẹ còn nặng hơn mình nhiều.
Ngày tháng trôi qua, chỉ với gánh hàng rong, mẹ nuôi đàn con khôn lớn, và vẫn giành dụm được chút ít để lo cho con khi chúng thành gia thất, phòng xa khi loạn lạc, cách làm kinh tế đơn giản của mẹ đã thấm vào tôi từ lúc nào, để sau này khi ra đời tôi cũng thế, không cần bằng cấp gì cao siêu,vẫn tạo được cuộc sống bẳng chính đôi tay, và biết để dành cho đời con, thêm cả đời cháu, sự tảo tần và tích luỹ chính là cách duy nhất để những người nghèo âm thầm vươn lên trong cuộc sống.