Đức Khiêm Nhường và Sự Kiêu Ngạo

Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường (Mt 11:29)

Tác giả: Phùng Văn Phụng

Trong bảy mối tội đầu thì

1)Thứ nhất là khiêm nhường chớ kiêu ngạo.

Chúa Giêsu nhắn nhủ: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11:29).

Trong một thế giới đề cao “cái tôi” và cách sống đầy ích kỷ như ngày nay, sống khiêm nhường là một thách đố lớn. Thế nên, chúng ta lại càng phải cố gắng tập sống khiêm nhường. Càng khó càng phải cố. Hãy bắt chước tác giả Thánh Vịnh mà luôn tự nhủ:

Lòng con chẳng dám tự cao

Mắt con chẳng dám tự hào, Chúa ơi!

Đường cao vọng, chẳng đời nào bước

Việc diệu kỳ vượt sức, chẳng cầu

Hồn con, con vẫn trước sau

  Giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình. (Tv 131:1-2)

Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin và sức mạnh của Chúa Thánh Thần để chúng con có thể sống khiêm nhường theo đúng Thánh ý của Chúa.

 2-“Hãy học cùng ta vì Ta khiêm nhường”

   Đức khiêm nhường là gì? Thưa là nhân đức nền tảng của đời sống đạo đức. Nhờ khiêm nhường, người môn đệ của Chúa có thể dễ dàng nhận ra được tiếng nói của Chúa và gặp được Ngài trong cuộc đời của mình. Nhờ khiêm nhường mà chúng ta thấy cuộc đời của mình vui tươi, hạnh phúc.

Chuyện kể:

Đầu tháng bảy năm 1870, một phái đoàn người Pháp đến chầu Đức giáo hoàng Piô IX tại Roma. Sau khi trưởng phái đoàn đã đọc bài chào mừng, Đức giáo hoàng đã nói chuyện thân mật với từng người và ai nấy đều xin ơn nọ ơn kia. Nhưng khi nhìn thấy một thanh niên có vẻ khô khan lạnh nhạt, Đức giáo hoàng đã hiền từ hỏi:

– Còn con, con không xin ơn gì sao?

Chàng thanh niên lạnh lùng đáp:

– Thưa không.

Đức giáo hoàng hỏi thêm:

– Cha con còn sống không?

Chàng thanh niên lửng khửng đáp:

– Thưa còn.

Đức giáo hoàng lại hỏi:

– Còn mẹ con thì sao?

Chàng thanh niên chậm chạp lí nhì đáp lại

– Mẹ con chết lâu rồi.

Bấy giờ Đức giáo hoàng cầm tay anh thanh niên mà nói với giọng cảm động rằng:

– Con không xin ơn gì với cha; còn cha, cha xin con một điều, là con hãy cùng cha quì gối xuống đất, đọc một kinh lạy cha, một kinh kính mừng, một kinh sáng danh, cầu nguyện cho mẹ con được lên thiên đàng, và khi được hưởng mặt Chúa. Mẹ con sẽ xin cùng Chúa cho con được sốt sắng giữ đạo để sau này con cũng được lên thiên đàng với mẹ con. Nói xong Đức giáo hoàng quỳ xuống đất, hai tay chắp trước ngực, mắt nhìn lên trời, đọc kinh rất sốt sắng, làm cho chàng thanh niên phát cảm động phải khóc nức nở.

Đức Giáo Hoàng quì xuống trước mặt mọi người. Ngài có làm gì lạ lùng không. Không. Ngài chỉ cùng đọc với mọi người những lời kinh đơn sơ nhất”.

Chúng ta hãy nhìn vào đó mà bắt chước để cuộc sống của mỗi người chúng ta xứng đáng với Chúa hơn. Amen.

3-Kiêu ngạo là gì? 5 dấu hiệu giúp bạn nhận biết người kiêu ngạo.

Kiêu ngạo khác với khiêm nhường vì người kiêu ngạo:

a)Luôn khẳng định mình đúng

Kiêu ngạo là gì? Một dấu hiệu dễ thấy nhất của sự kiêu ngạo đó là luôn cho rằng mình đúng trong mọi trường hợp bất kể đúng sai và chẳng bao giờ tiếp thu lời khuyên, ý kiến của người khác.

b)Luôn xem mình là trung tâm

Những người kiêu ngạo luôn cho rằng bản thân mình là trung tâm của mọi người. Khi người kiêu ngạo đạt được một thành công nào đó, họ thích khoe khoang về những thành công của mình hơn là cảm ơn sự giúp đỡ của người khác.

 c)Luôn coi thường những người xung quanh

Tính kiêu ngạo sẽ làm bạn luôn coi thường những người xung quanh. Họ luôn cho rằng mình giỏi hơn người khác. Họ thường xem thường đồng nghiệp và có thái độ khó chịu, chê bai người xung quanh.

d)Không biết lắng nghe

Những người kiêu căng sẽ không bao giờ dành thời gian để lắng nghe và chia sẻ với những người xung quanh.  

e)Không muốn nhận lỗi và thay đổi

Đây là một điều tồi tệ mà những người kiêu căng thường mắc phải. Nhận lỗi và thay đổi là một việc làm rất khó khăn đối với họ. Họ là người luôn đỗ lỗi cho người khác. 

Kiểu người này có cái tôi rất cao, vì thế họ sẽ không bao giờ chấp nhận được việc bị người khác phê bình và dùng mọi lý lẽ để biện hộ cho những sai lầm và rắc rối mà mình đã gây ra.

 Thái độ kiêu ngạo làm cho mọi người sẽ dần dần xa lánh họ, họ sẽ là người rất cô đơn vì không có ai là bạn, không có ai dám tiếp xúc, nói chuyện với họ.  

 4-Nguyên nhân kiêu ngạo.

Thông thường những ai nếu thành công đôi chút như làm ăn khá giả, trả hết nợ nầng xe cộ, nhà cửa, có mức sống cao, dễ bắt đầu sự kiêu ngạo. Chỉ một mình ta là người giỏi hơn hết mọi người khác. Nếu có ai chạm tự ái họ, họ sẽ nỗi “khùng” lên, nặng lời, mắng chửi người khác không còn nể mặt, e dè.

Bản chất kiêu ngạo của con người là do tổ tiên chúng ta, ông Adam và Eve truyền lại, đã không tuân lệnh Thiên Chúa, đã ăn trái cấm ở vườn điạ đàng, cũng như xây tháp Ba-ben để lên tận trời cao.

Nếu con người không học tập, suy nghiệm, cầu nguyện, nhờ ơn trên giúp sức khó từ bỏ được tính kiêu ngạo.

5-Hiện tượng kiêu ngạo:

*Trong gia đình nếu gặp phải người kiêu ngạo, gia trưởng, bắt mọi người trong gia đình phải làm theo ý mình, không được trái ý, thì vợ con sẽ sống rất khổ sở vì không được tự do. Người kiêu ngạo thường hay lãi nhãi, la lối, cự nự, nếu có ai trong gia đình làm trái ý mình; đôi khi dùng cả bạo lực để khống chế người khác. Do đó, họ thường chịu cảnh cô đơn, hiu quạnh, vì không ai muốn nói chuyện, đến gần.

* Anh Nguyễn luôn chỉ trích người khác, người nào càng nổi tiếng trong cộng đồng là thế nào anh cũng chỉ trích nói xấu.

Một lần tôi nói: “Anh A. siêng năng, viết sách hay, súc tích”.

Anh Nguyễn trả lời liền: “Cái thằng A. lăng xăng, lúc nào cũng như vội vã. Có gì mà hay đâu”.

Tôi nói: “Anh H. chịu khó sinh hoạt nổi tiếng trong cộng đồng”.

Anh Nguyễn trả lời ngay: “Cái thằng bợ đỡ, mặt mập, bịnh hậu…”

Khi nhắc đến bất cứ ai thì anh Nguyễn cũng có âu nói dè biểu, chê bai, nói ra ngay những khuyết điểm của người đó. Đó là cái tật của anh Nguyễn.

*Anh Trần đã có nhà. Có hai chiếc xe. Nên anh rất tự cao tự đại. Anh cho mình hơn người, không ai bằng anh. Anh có nghề nghiệp vững chắc, có tiền. Anh chỉ chiếc xe BMW và nói với tôi dẫn tôi đến bên xe của anh và nói: “Chú xem xe mới đẹp không? mới mua đó.”

Anh chồng lúc nào cũng cho rằng mình đúng, vợ không được cãi. “Tao là nhất nhà rồi vì tao có tiền, tao có xe, tao có nhà đã trả hết, tao qua Mỹ chỉ cần 30 năm, tao đã thành công”.

*Trong môt quốc gia nếu nhà cầm quyền kiêu ngạo, quá khích, khư khư giữ quan điểm của mình, không biết lắng nghe người khác.

Hậu quả của “kiêu ngạo cộng sản” là sau khi chiếm được miền Nam ngày 30 tháng 04 năm 1975, cộng sản Việt Nam đã cắt đứt liên lạc ngoại giao với các nước Tây Phương, áp dụng chính sách tự cung tự cấp, chỉ dựa vào sự viện trợ của Liên sô mà thôi.

Trong nước, cộng sản đã tịch thu tài sản của các nhà tư bản miền Nam, đầy họ đi vùng kinh tế mới, thành lập các hợp tác xã, đã làm cho toàn thể đất nước Việt Nam đi vào con đường đói kém, sản xuất ngưng trệ, kinh tế suy sụp, xã hội hỗn loạn. Nếu không có thay đổi từ năm 1986 trở về nền kinh tế tự do, (mà miền Nam đã áp dụng từ lâu), thì tình trạng đói kém, rối loạn xã hội không biết sẽ xảy ra như thế nào nữa. Nền kinh tế đang phát triển bị đẩy lùi hàng chục năm cho đến ngày nay (2020) vẫn còn thua kém so với các nước Đông Nam Á khác. Cũng vì kiêu ngạo không thèm thấy cái hay của Việt Nam Cộng Hòa đem ra áp dụng, mà phá bỏ tất cả, hậu quả giáo dục chậm tiến, văn hóa xã hội suy đồi, chính trị độc quyền, độc tài, không tôn trọng ý kiến khác biệt, nhân quyền không có.

Kết: Bịnh kiêu ngạo làm cho gia đình rối loạn, nghi kỵ lẫn nhau, ganh ghét nhau, xung đột nhau, không có hạnh phúc, bình an.

Bịnh kiêu ngạo làm cho nhà cầm quyền tưởng mình là “thánh”, là “đỉnh cao trí tuệ loài người”, không bao giờ chấp nhận sai lầm, khiến cho toàn thể dân tộc chịu điêu đứng vì quyết định sai lầm của mình. Ai dám nói ngược với ý của nhà cầm quyền thì bị chụp mũ phản động, tìm cách bỏ tù dài hạn.

Tác giả: Phùng Văn Phụng

Ngày 29- 06-2020

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay