Chuyện ngành tư pháp sau 1975 – Trích hồi ký Nguyễn Hiến Lê

M.TRITHUCVN.ORG

Từ năm 1975, trường luật bị bãi bỏ. Sinh viên luật có thể xin chuyển qua ngành kinh tế, ra làm các ngân hàng. Nhưng đa số bỏ học, làm phu khuân vác…

Chuyện ngành tư pháp sau 1975 – Trích hồi ký Nguyễn Hiến Lê

  • Nguyễn Hiến Lê
  •  

Ðó là chuyện năm 1975. Nay thì thanh niên trí thức làm đủ các việc lao động rồi, bổ củi mướn, chở cát, vác gạo…, không ai ngạc nhiên mà cũng không ai thương hại cho họ nữa, họ dễ dàng kiếm được vài ba chục đồng một ngày mà lại tự do, chứ làm thư kí ngân hàng 40 đồng một tháng thì sống sao nổi. Vả lại lao động là vinh quang mà. Nữ sinh viên thì bán thuốc lá rời hoặc quần áo cũ ở lề đường.

Trong Nam trước 1975 chưa có bộ luật mới, tạm dùng bộ luật cũ. Còn ở Bắc bỏ luật cũ mà không có luật mới (nghe nói năm 1981 người ta mới tính thảo bộ luật mới), không có trường luật thì tôi không hiểu người ta dạy xử án ra sao.

Năm 1975 có lần tổ chúng tôi họp để xử một người trong tổ mắc một tội nào đó tôi không nhớ. Ông tổ trưởng đề nghị hai cách trừng trị: một là bắt người đó bồi thường, nếu không bồi thường được thì tịch thu tài sản; hai là bắt người đó đi cải tạo một thời gian. Cách nào được nhiều người đồng ý thì theo cách đó.

Khi phường có tòa án nhân dân rồi (năm 1978?) thì để tòa xử. Một “ông tòa” là học trò cũ của bạn tôi. Tôi hỏi cậu ta: “Cháu xử theo luật nào?” Cậu ta cười đáp: “Cháu đặt ra luật để xử” – “Thực vậy sao?” – “Dạ, bây giờ ai đặt luật cũng được. Vì có bộ luật nào đâu?”

Cũng có luật sư do chính quyền chỉ định để bênh vực cho bị cáo. Luật sư ăn lương, theo nguyên tắc không được nhận thù lao của thân chủ. Nhưng một người bà con tôi đậu cử nhân luật thời tiền chiến, năm 1970 làm thị phó Hải phòng, rồi hồi hưu, được làm luật sư, bảo tôi nếu giúp đỡ được nhiều cho thân chủ thì người ta cũng đền công mình, và mỗi năm được vài ba vụ, cộng với số tiền lương, gia đình ông sống phong lưu.

Chính phủ bênh vực giai cấp vô sản; hạng bần dân dù bị tội nặng cũng xử nhẹ – trừ tội phản động dĩ nhiên. Những vụ ăn trộm, ăn cắp thì luôn luôn cảnh cáo qua loa rồi thả, bảo người đi thưa: “Người ta nghèo nên phải ăn trộm, anh có của thì anh phải giữ. Muốn bỏ tù người ta thì anh phải nuôi cơm”.

Nếu trong khi bắt kẻ trộm, lỡ tay đánh nó bị thương thì mình có lỗi, chứ kẻ trộm không có lỗi.

Có lẽ vì vậy mà 5-6 năm nay gần như không có nhà nào trong tổ tôi không bị ăn trộm, ngay ông tổ trưởng cũng mấy lần bị mất xe đạp, máy thâu thanh. Tôi còn bị trộm nhiều hơn nữa. Còn việc bẻ trộm trái cây, bắt trộm gà vịt thì rất thường, tới nỗi không ai muốn trồng trọt, chăn nuôi gì cả.

Một ông tổ trưởng có một vườn măng cụt, sầu riêng, chôm chôm ở Lái thiêu, huê lợi trước 1975 rất khá, mà năm 1978 phải bỏ vì nạn ăn cắp. Ðó là một nguyên nhân kinh tế suy sụp, của công bị mất cắp, ngân hàng bị thụt két.

Một người khác có một vườn trồng mấy trăm gốc chuối, chỉ trong một đêm chúng hạ hết những buồng nào gần ăn được. Dừa, nhãn, xoài, đu đủ… đâu đâu cũng vậy. Cứ kể như mình phải chia cho chúng một nửa huê lợi thì mới được yên thân. Tôi không hiểu ở Bắc ra sao và như vậy rồi sẽ đi tới đâu.

Hiến pháp vẫn trọng quyền tư hữu nhỏ, nhưng đảng còn trọng lập trường giai cấp hơn. Giai cấp được trọng nhất là giai cấp đảng viên, như giai cấp quí tộc đời Chu ba ngàn năm trước: họ phạm một tội gì như ăn cắp, hối lộ, ức hiếp dân, giết dân v.v… thì đảng xét xử trước, nếu cần mới đưa họ ra tòa; thường thì chỉ cảnh cáo họ thôi chứ không đưa ra tòa; tòa không được bắt giam họ, trừng trị họ (trừ vài trường hợp đặc biệt) nếu không được phép của đảng. Giai cấp yên thân nhất là giai cấp vô gia cư, vô nghề nghiệp.

Tôi nói với một anh bạn học cũ, làm “tòa” -danh từ mới là gì tôi không biết- rằng đời Chu ở Trung Hoa, hình pháp của triều đình chỉ để xử bọn dân đen, còn bọn quí tộc có tội thì họ xử lẫn nhau bằng “lễ” tức tục lệ riêng của họ. Ðó là ý nghĩa câu: “Hình bất tướng đại phu, lễ bất há thứ dân”. Bây giờ ngược lại. Ðó là thắng lợi nhất của giai cấp vô sản. Mà có lẽ đó cũng là áp dụng một phần chính sách làm chủ tập thể nữa chăng?

Tôi không được biết hiến pháp đầu tiên của chế độ. Quốc hội đã họp nhiều lần để sửa hiến pháp đó ngay khi quốc gia được thống nhất, nhưng mãi đến 1981, mới ban bố hiến pháp mới, còn bộ luật thì chắc phải đợi nhiều năm nữa.

Trích hồi ký Nguyễn Hiến Lê (Tập 3)
Đăng lại từ Diễn Đàn Thế Kỷ (Diendantheky.net)

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay