Cựu Bí thư thành Hồ: “Vô sản lưu manh” (Kỳ 2)

Cựu Bí thư thành Hồ: “Vô sản lưu manh” (Kỳ 2)

Thu Hà

Có người đặt câu hỏi, nguồn gốc Hoa của Lê Thanh Hải. Nếu như cụ nội của Hoàng Trung Hải, cựu Bí thư thành ủy Hà Nội, tên là Hoàng Mậu, dân tộc Hán, quê gốc huyện Long Khê, phủ Chương Thâu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, chạy sang Việt Nam năm 1907, lúc đầu ở Hải Phòng, sau di cư về làng Đồng Sơn, xã Quỳnh Giao, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, thì tổ tiên của Lê Thanh Hải đến Việt Nam sớm hơn.

Tháng 2 năm Kỷ Mùi (1679), do chống đối nhà Thanh (Trung Quốc), các viên tướng nhà Minh ở Quảng Đông đã tới Việt Nam, gồm:

– Tổng binh trấn thủ Long Môn Dương Ngạn Địch, có phó tướng Huỳnh Tấn phù tá.

– Tổng binh Trần Thượng Xuyên (tự Thắng Tài) có phó tướng Trần An Bình giúp sức.

Họ mang 3.000 binh sĩ cùng thân nhân và 50 chiến thuyền đổ bộ vào cửa biển Đà Nẵng, xin tị nạn chính trị. Chúa Nguyễn Phúc Tần, tức chúa Hiền (1648 – 1687) rất khó xử, vì ngại triều đình nhà Thanh. Cuối cùng, Chúa quyết định cho họ xuôi về phương Nam định cư.

Trong sách “Gia Định thành thông chí” chép cụ thể:

Đối với nhóm người Hoa do Trần Thượng Xuyên chỉ huy, chúa Nguyễn cho họ “tiến vào cửa biển Cần Giờ rồi lên định cư ở Bàn Lân, xứ Đồng Nai” và lập ra Nông Nại đại phố.

Còn nhóm của Dương Ngạn Địch thì “tiến vào cửa Lôi Lạp (Xoài Rạp), theo cửa Đại, cửa Tiểu đến định cư ở Mỹ Tho”. Trong đoàn quân của Dương Ngạn Địch có một cận thần họ Lã quê Quảng Đông. Lê Thanh Hải là dòng máu trực hệ của họ Lã, sau gọi chệch đi vì nhiều mục đích, thành họ Lê.

Trong lịch sử đảng CSVN, sau Lê Thanh Hải, Hoàng Trung Hải là nhân vật gốc Hoa thứ hai, đặt chân vào Bộ Chính trị, cơ quan tối cao quyền lực.

Nói dông dài như thế, để hiểu vì sao Lê Thanh Hải lại ưu ái trong sử dụng cán bộ và làm ăn với người gốc Hoa. Các đồ đệ thân tín của Lê Thanh Hải, như Tất Thành Cang, Tề Trí Dũng, Trần Phú Lữ… đều gốc Hoa.

Tất Thành Cang, sinh 1971, được Lê Thanh Hải, tức Hai Nhựt, tin cẩn, đưa vào thành ủy, làm Bí thư, kiêm Chủ tịch UBND Quận 2 (Thủ Thiêm). Sau Cang được rút về làm Phó chủ tịch TP, nhưng trước khi nghỉ hưu, Hai Nhựt “cơ cấu” Tất Thành Cang vào Ủy viên Trung ương, phó Bí thư Thành ủy TP HCM.

Cang cũng chính là “cỗ máy” hái ra tiền cho gia tộc Lê Thanh Hải.

Tất Thành Cang trao huy hiệu cho Lê Thanh Hải. Photo Courtesy

Trần Phú Lữ, gốc Hoa, sinh 1977, gọi Hai Nhựt bằng cậu. Tháng 12/2004, ở tuổi 27, Lữ làm Phó Giám đốc Cty Đầu tư xây dựng TNXP (Cinco), phụ trách chỉ đạo trực tiếp mảng kế hoạch, mảng đầu tư (dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, dự án phát triển sản xuất kinh doanh).

Trần Phú Lữ chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý phòng Đầu tư, phòng Kế hoạch, Ban QLDA Cinco, BQLDA Thạnh Mỹ Lợi (174 hecta quận 2); Trung tâm Thương mại và căn hộ Cinco; quản lý dự án Trung tâm giao dịch thương mại, siêu thị ngành vải sợi, dệt may và căn hộ – 0,6 hecta ở quận 5, TP. HCM.

Rồi 4 năm sau, tháng 4/2014 – ở tuổi 37, Lữ trở thành Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP Tp. HCM, thay cho người cậu Lê Tấn Hùng.

Trần Phú Lữ cũng là cổ đông và thành viên HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Khu đô thị mới Sài Gòn (Saigon NIC), hiện là cổ đông lớn nhất và duy nhất của Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapital Bank), với tỷ lệ sở hữu 13,6%.

Đầu năm 2017, ở tuổi 40, Trần Phú Lữ được phê chuẩn giữ chức vụ Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh – là một trong những chủ tịch quận/ huyện trẻ của TP. HCM.

***

Tề Trí Dũng, sinh 1981, con ông Tề Văn Thắng và bà Yên Thị Ngọc Quế – cặp vợ chồng gốc Hoa tư sản, là bạn thâm giao của Hai Nhựt từ khi ông còn là bí thư quận ủy Quận 5.

Năm 22 tuổi, Dũng đã là sếp Cty Dầu khí TP HCM. Khi tuổi 25, Dũng được bác Hai Nhựt cho đi học tiến sĩ ở Úc, theo đề án đào tạo bằng ngân sách của TP. Rồi 26 tuổi, Dũng ngồi vào ghế Trưởng phòng Tài chính, Tổng Cty Bến Thành. Đến năm 30 tuổi, Dũng lên làm Tổng giám đốc Cty.

Ở tuổi 34, Tề Trí Dũng làm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), trực thuộc UBND thành Hồ, được quản lý vốn lên đến 30 ngàn tỷ.

Chỉ đơn cử đôi chút về con đường hoạn lộ thênh thang của Dũng, do nhờ quen thân với Hai Nhựt, chứ chẳng có tài cán gì.

Tề Trí Dũng và Trần Phú Lữ

Vượt lên tất cả các cận thần, Võ Văn Thưởng mới chính là “quân bài” số 1 của Lê Thanh Hải.

Tháng 3/2014, khi Nguyễn Văn Đua, phó Bí thư thường trực sắp nghỉ hưu, Bộ Chính trị ra quyết định luân chuyển Nguyễn Khắc Định, phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, về làm phó bí thư Thành ủy TP.HCM.

Vấp phải phản ứng dữ dội từ phe nhóm Lê Thanh Hải, để dung hoà, Trung ương đành phải để Nguyễn Khắc Định ở nguyên vị trí. Nhờ đó, Võ Văn Thưởng mới từ Bí thư Quảng Ngãi, quay về làm Phó bí thư thường trực, thay thế ông Đua.

Chiều 5/2/2016, Bộ Chính trị công bố quyết định phân công ông Đinh La Thăng làm Bí thư Thành ủy, Võ Văn Thưởng thôi tham gia BCH Đảng Bộ TP.HCM, giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Lê Thanh Hải nước mắt lã chã vì hụt hẫng.

Lê Thanh Hải khóc tiễn Võ Văn Thưởng. Ảnh trên mạng

Võ Văn Thưởng sinh 1970 tại Hải Dương. Khác với mọi đồn đoán, Thưởng thật ra không có huyết thống gì với ông Võ Văn Kiệt. Bố Thưởng chỉ là bạn của ông Kiệt, vì vậy ông Kiệt nhận làm bố đỡ đầu cho Võ Văn Thưởng.

Khi Hai Nhựt vào Bộ Chính trị khoá X và XI, ngồi chắc hai nhiệm kỳ Bí thư thành ủy thành Hồ, thì Võ Văn Thưởng cũng lần lượt vào Ủy viên dự khuyết, rồi Ủy viên trung ương, với chức vụ Bí thư thứ nhất trung ương Đoàn. Trục Ba Dũng- Hai Nhựt – Võ Văn Thưởng, chúng tôi sẽ đề cập sau, khi có dịp.

Lê Thanh Hải đặt “quân bài” Võ Văn Thưởng trong canh bạc trành giành quyền lực ở thành Hồ. Hải kỳ vọng, Thưởng sẽ giành chức Bí thư Thành ủy, nhằm bảo đảm hoạn lộ cho “thế hệ F1”, cũng như an toàn cho gia tộc “lãnh chúa thành Hồ”.

Võ Văn Thưởng chính là người đề xuất Ban bí thư ra quyết định trong tháng 5/2016, chỉ định “thái tử” Lê Trương Hải Hiếu tham gia BCH Thành ủy. Dù trước đó, Hiếu đã bị “out” trong bầu chọn tại Đại hội đảng bộ TP khoá X, nhiệm kỳ 2015-2020, trước đó không lâu, hồi tháng 12/2015.

Chân ướt chân ráo về thành Hồ làm Phó Bí thư thường trực, Võ Văn Thưởng đã chỉ định giao “đất vàng” số 130 Hàm Nghi, Quận 1, có diện tích lên đến 1338 m2, cho Vũ “nhôm”, như trong Kết luận số 318-KL/TU ngày 14/7/2015 của Ban Thường vụ Thành ủy.

Thưởng cũng chính là người gắn kết “như môi với răng” với Tất Thành Cang, giúp đỡ Cang tiến thân. Sai phạm tày đình, nhưng Tất Thành Cang chỉ bị Bộ Chính trị lột ghế “Ủy viên Trung ương”, không phế bỏ Thành ủy viên, không xử lý hình sự, cũng nhờ Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư trung ương đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng.

Trong thông cáo phát đi hôm 5/3/2020, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2010-2015, cá nhân ông Lê Thanh Hải, ông Lê Hoàng Quân, bà Nguyễn Thị Hồng, mà không thấy có tên Võ Văn Thưởng.

Theo văn bản “Hướng dẫn thực hiện Quy định số 07-QĐi/TW ngày 28-8-2018 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm”, có nêu:

– Nếu Tổ chức đảng bị xử lý kỷ luật, những đảng viên trong tổ chức đảng đó không bị kỷ luật về cá nhân thì vẫn được xem xét, thực hiện công tác cán bộ theo quy định.

Như vậy, đường công danh thăng tiến của Thưởng trong kỳ đại hội 13, khai mạc vào đầu năm 2021, sẽ còn rộng mở.

***

Em trai của Hải là Lê Tấn Hùng bị khởi tố tống giam. Lần lượt các đàn em cũng vướng vòng lao lý. Tất Thành Cang bị kỷ luật. Nguyễn Hữu Tín lãnh án 7 năm tù. Nguyễn Thành Tài bị bắt giam. Tề Trí Dũng, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) cũng bị khởi tố, bắt tạm giam, với tội danh “tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”.

Bản thân “lãnh chúa” hô mưa gọi gió suốt 20 năm ở thành Hồ cũng bị đề nghị xem xét kỷ luật. Vòng vây đang siết lại dần với Lê Thanh Hải. Liệu ông ta sẽ xoay xở ra sao?

(Còn tiếp)

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay