Hậu quả của một cơn giận  

           Hậu quả của một cơn giận  

Tác giả: Phùng Văn Phụng

 Tức giận là gì?

Theo Medicinenet, tức giận hay giận dữ (anger có nguồn gốc từ ngôn ngữ cổ Bắc Âu) là một phản ứng cảm xúc liên quan đến việc tâm lý con người khi đang bị đe dọa.

Tức giận cũng là do đặt cái tôi của mình quá lớn, do kiêu ngạo (tội tổ tông Adam và Eve muốn bằng trời hay con người muốn làm tháp Babel để lên tận trời cao). Do tự cao, tự đại coi khinh người khác học thức kém, nghèo hơn, nhân cách thua mình v.v…cho nên khi mình bị xúc phạm hay không vừa ý người nào hay bất cứ chuyện gì, thì nổi “khùng” lên mắng chửi, to tiếng, nặng lời, hăm dọa, đánh đập, bắn giết…

Khi giận quá, con người mất khôn, không còn kiểm soát được chính mình nữa và có những hành động ghê gớm, điên rồ, không thể tưởng tượng được như…

Chuyện 1:

Cãi nhau, chồng lao xe hơi chở vợ con xuống sông Hoài, 3 người chết

January 25, 2019

Cãi vã nhau, người chồng tức giận lái xe hơi đang chở vợ và hai con lao thẳng xuống sông Hoài ở thành phố Hội An, khiến 3 người chết. Trong xe hơi lúc này có bốn người gồm hai vợ chồng và hai đứa con. Hai vợ chồng cùng con trai tử vong, riêng bé gái (14 tuổi) biết bơi nên khi xe lao xuống sông đã nhanh chóng thoát ra ngoài, bơi vào bờ kêu cứu.

Hiện trường trục vớt chiếc xe hơi và thi thể các nạn nhân. (Hình: Tuổi Trẻ)

 Chuyện 2:

Cãi nhau vì chiếc điếu cày, em đâm chết anh trong ngày cúng cha

13/09/2019 

TTO – Người anh muốn mang điếu cày lên chùa trong lễ cúng bố 49 ngày để mọi người cùng hút, người em không đồng ý, hai anh em xảy ra xô xát. Hậu quả là người anh bị em trai đâm chết.

Hiện trường nơi xảy ra vụ việc – Ảnh: KHÁNH LINH

Chiều 13-9 (2019), lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình xác nhận thông tin trên, đồng thời cho biết Cơ quan CSĐT công an tỉnh đang cùng các đơn vị nghiệp vụ, Công an huyện Kiến Xương khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân.

Theo thông tin ban đầu, vào sáng 13-9, gia đình người thân ông Nghiêm Văn Th. (trú ngụ địa chỉ trên, đã mất) tổ chức làm lễ cúng tuần 49 ngày cho ông Th.

Trong lúc chuẩn bị lên chùa làm lễ, giữa hai anh em ruột Nghiêm Văn Thắng (29 tuổi) và Nghiêm Văn Thành (20 tuổi) xảy ra xích mích dẫn đến xô xát.

Trong lúc nóng giận, anh Thắng đánh Thành gãy răng cửa. Bị đánh đau, Thành vớ con dao trong bếp truy đuổi anh trai.

Anh Thắng bỏ chạy, nhưng đến khu vực ngã tư gần chợ Bặt (thuộc địa phận xóm 6, xã Quang Bình) thì bị Thành đuổi kịp. Thành đã dùng dao đâm nhiều nhát khiến anh Thắng gục ngay tại chỗ.

Người dân sau đó đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng anh Thắng đã tử vong. Đến gần 15 giờ cùng ngày, thi thể nạn nhân được đưa về gia đình để lo hậu sự.

Nghi phạm Thành đã bị cơ quan công an bắt giữ ngay sau đó.

Chuyện 3:

Bị rầy la chuyện ăn nhậu, con trai cứa cổ mẹ già 72 tuổi

13/11/2019

 Tho Em về nhà gặp mẹ ruột là bà Phạm Thị Thiểu (72 tuổi). Bà Thiểu la mắng Tho Em không lo làm ăn, phụ giúp gia đình mà tối ngày lo ăn nhậu.

Giữa hai mẹ con xảy ra cự cãi, Tho Em bỏ đi ra ngoài đường. Đi được một đoạn, Tho Em bực tức nên quay lại nhà, đi thẳng vào bếp cầm lấy con dao rồi cứa cổ mẹ ruột khiến bà Thiểu tử vong tại chỗ.

Sự Chế Ngự Cơn Giận Dữ Của Bạn

Cơn giận dữ hay sự thù hận, khi đã gây ra, có thể có những kết quả tai hại khôn lường.

Theo Tờ Thông-báo, trong một năm, 80 phần trăm những nạn nhân bị giết trong một tiểu bang, thường bị giết bởi những thành viên trong gia đình hay những người bạn thân thiết. Hầu hết những sự tấn công tai họa này là kết quả của những cuộc cãi nhau hằng ngày, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.

Hay là, như Bác sĩ Cecil Osborne giải thích trong cuốn sách của ông, cơn giận bị đè nén dần dần hiện ra trong “dạng của vài căn bệnh thần kinh: những ung nhọt, bệnh suyễn, chứng viêm khớp, chứng viêm ruột kết, chứng viêm da, những sự phiền não về tim hay bất cứ một tỷ lệ của cái khác.”

 Làm sao giải quyết được cơn giận.

Cần sáu bước như sau:

1-Thật thà thú nhận sự giận dữ của mình.

2- Chấp nhận có sự giận dữ

3- Quyết định giải quyết nó

4- Diễn đạt cảm giác giận dữ của bạn nột cách sáng tạo trong tình yêu thương

5- Kiểm soát nó nếu bạn đang cảm thấy sợ hay đe dọa

6- Khi bạn đã chia xẻ cơn giận của bạn rồi tiếp theo là hãy tha thứ…

Kết: Tóm lại, sự giận dữ tạo ra những hậu quả không lường trước được mà báo chí hằng ngày vẫn thường xuyên nêu lên những trường hợp giết chóc nhau vô lý cũng vì không đè nén được sự giận dữ.

Sức người không làm được nhưng nhờ ơn Chúa, cầu nguyện với Chúa thì ta có thể làm được.

Đức Đạt Lai Lạt Ma nói:

“Hạnh phúc không phải là một vấn đề của số phận. Đó là vấn đề lựa chọn.”

 Ông nói:

Hãy thận trọng với suy nghĩ của bạn bởi vì suy nghĩ sẽ trở thành lời nói.

Hãy thận trọng với lời nói của bạn bởi vì lời nói sẽ trở thành hành vi.

Hãy thận trọng với hành vi của bạn bởi vì hành vi sẽ trở thành thói quen

Hãy thận trọng với thói quen của bạn bởi vì thói quen sẽ tạo thành tính cách.

Hãy thận trọng với tính cách của bạn bởi vì nó sẽ tạo thành vận mệnh

và vận mệnh của bạn sẽ chính là cuộc sống của bạn.

Đức Đạt Đai Lạt Ma, trong bài:

(Đối thoại giữa Đạt Lai Lạt Ma và Leonardo Boff)

 Suy nghĩ về bài dưới đây để tâm tư, tình cảm của chúng ta lắng đọng lại, không còn hơn thua, tranh chấp, nhất là tranh chấp giữa vợ chồng, cha con, mẹ con, anh em bà con lẫn nhau.

MỘT NGÀY, MỘT NĂM VÀ MỘT ĐỜI NGƯỜI

Một ngày rất ngắn, ngắn đến mức chưa nắm được cái sáng sớm thì đã tới hoàng hôn.
Một năm thật ngắn, ngắn đến mức chưa kịp thưởng thức sắc màu đầu xuân thì đã tới sương thu.
Một cuộc đời rất ngắn, ngắn tới mức chưa kịp hưởng thụ những năm tháng đẹp thì người đã già rồi.
Luôn luôn đến quá nhanh mà hiểu ra thì quá muộn, cho nên chúng ta phải học cách trân trọng, trân trọng tình thân, tình bạn, tình đồng nghiệp, tình yêu, tình vợ chồng, tình phụ mẫu, tình đồng loại …

Vì một khi đã lướt qua, thì khó có thể gặp lại.

Sau 20 tuổi, thì đất khách và quê nhà giống nhau vì đi đến đâu cũng có thể thích ứng.
Sau 30 tuổi, thì ban ngày và ban đêm giống nhau vì mấy ngày mất ngủ cũng không sao.
Sau 40 tuổi, thì trình độ học vấn cao thấp giống nhau, học vấn thấp có khi kiếm tiền nhiều hơn.
Sau 50 tuổi, thì đẹp và xấu giống nhau vì lúc này có đẹp đến mấy cũng xuất hiện nếp nhăn và tàn nhang.
Sau 60 tuổi, thì làm quan lớn và quan bé giống nhau vì nghỉ hưu rồi cấp bậc giống nhau.
Sau 70 tuổi, thì nhà to và nhà nhỏ giống nhau vì xương khớp thoái hóa không thể đi được hết những không gian muốn đi.
Sau 80 tuổi, thì tiền nhiều và tiền ít giống nhau vì có tiêu cũng chẳng tiêu được bao nhiêu tiền.
Sau 90 tuổi, thì nam và nữ giống nhau vì không thể làm nổi chuyện ấy nữa.
Sau 100 tuổi, thì nằm và đứng giống nhau vì đứng dậy cũng chẳng biết làm gì.

Cuộc đời của bạn và tôi là như vậy, không khác nhau nhiều…

Nhìn ra, hiểu được, cuộc đời là như thế…

Trân trọng những thứ đã có và đang có…

(Sưu tầm trên net)

Vậy mà tại sao con người còn thù hằn, giận dai, giận suốt đời, đến nỗi trước khi chết còn dặn thân nhân: “cấm không cho đương sự đến thăm tôi, tôi sẽ làm cho nứt hòm đó”.

Sao không khiêm nhường, cảm thông, yêu thương và tha thứ cho nhau vì trong Kinh lạy Cha có dạy: “xin Cha tha nợ cho chúng con cũng như chúng con tha kẻ có nợ chúng con” để lòng thanh thản, tràn ngập yêu thương, để đón nhận tình yêu thương của Cha trên trời, sau khi lìa khỏi cõi đời tạm bợ này.

Phải vậy không?

Phùng Văn Phụng

11/2019

Được xem 3 lần, bởi 2 Bạn Đọc trong ngày hôm nay