Lại rầm rộ ‘Đề Án Quốc Gia Thu Hút Trọng Dụng Nhân Tài’

Chế độ chuyên lừa bịp, dối trá nhân dân… Nếu tuyển người tài thì loại bỏ hết CCCCC hay sao?!!!
                                                                               *********

Lại rầm rộ ‘Đề Án Quốc Gia Thu Hút Trọng Dụng Nhân Tài’
 

Thanh Trúc

Nguồn tin từ Bộ Nội Vụ Việt Nam ngày 11 vừa qua cho thấy đề án chiến lược quốc gia thu hút trọng dụng nhân tài đang được gấp rút xây dựng.

Báo chí trong nước dẫn nguyên văn lời thứ trưởng Bộ Nội Vụ Nguyễn Trọng Thừa rằng kế hoạch sẽ được trình lên Thủ Tướng Chính Phủ trong năm nay. Trong đó có đề xuất việc ban hành chính sách, giải pháp cụ thể để hoàn thiện hệ thống văn bản qui phạm pháp luật về chính sách nhân tài, tạo cơ sở pháp lý cho việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng để thu hút và trọng dụng nhân tài tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở.

Theo một vị phụ huynh ở Hà Nội, thu hút và trọng dụng nhân tài là chủ đề quen thuộc từ lúc con của ông bước vào Cấp Một cho tới khi tốt nghiệp đại học.

Bây giờ nếu chúng ta có tự do học thuật và có chính sách trọng dụng nhân tài thực sự như Hàn Quốc thì tự nhiên là nhân tài nảy sinh và được bồi dưỡng và nó phát huy tác dụng. Điều kiện đó bây giờ Việt Nam có không?
-GSTS Nguyễn Thế Hùng

Thoạt đầu khi nghe bản tin liên quan hôm 11 vừa rồi, vị phụ huynh này nói tiếp, ông đã nghĩ đây là kế hoạch của Bộ Giáo Dục- Đào Tạo, nhưng đọc kỹ mới thấy đây là đề án có mục đích gọi là kiếm nhân tài vào các cơ quan hay đơn vị trong chính phủ:

Cái đấy là thu hút vào trong bộ máy Nhà Nước. năm nào mà chẳng có một văn bản sắp sẵn. Không đặt ra thì bên ngoài họ sẽ bảo cái đất nước này không trọng dụng nhân tài à, thì bây giờ làm hẳn một đề án cấp chính phủ đây. Nếu search lại trên Google thì năm nào cũng có cái đề án to tướng như này nhưng không bao giờ nói rõ phải cho bao nhiêu tiền. Còn làm thế nào, kết quả như thế nào người ta cũng chả cần trình báo cho công dân biết sau đợt đề án này chúng tôi đã thu hút được 1.000 nhà khoa học chẳng hạn. Nói chung đề án vẫn cứ là đề án.

Được biết cụ thể trong tháng Sáu 2019 này Bộ Nội Vụ sẽ có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương báo cáo về tình hình thực hiện thu hút, trọng dụng nhân tài.

Đối với nhà giáo Phạm Minh Hoàng, giảng viên Toán tại Đại Học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh trong 10 năm, trước khi bị bắt giam, bị tước quốc tích Việt Nam rồi bị trục xuất về Pháp, thì phải chăng Việt Nam thiếu nhân tài đến nỗi phải nhờ Bộ Nội Vụ lên một kế hoạch đào tạo, thu hút và trọng dụng qui mô như vậy:

Cứ cho Bộ Nội Vụ là cơ quan phát hiện và đào tạo nhưng đúng ra việc này nên để cho Bộ Giáo Dục. Bộ Giáo Dục có trách nhiệm đối với chính phủ, đối với Nhà Nước về vấn đề đào tạo.

Điểm thứ hai, nhà giáo Phạm Minh Hoàng phân tích tiếp bằng những câu hỏi như từ trước đến giờ Việt Nam không lưu tâm đến vấn đề đào tạo hay sao mà đến giờ phải có hẳn một chương trình quốc gia do một Bộ Nội Vụ đứng ra làm chủ quản, và hóa ra trước giờ Nhà Nước cũng không lưu tâm đến việc mời gọi người tài trong đất nước mình hay sao?

Và cái thứ ba tôi nghĩ nhân tài ở đất nước chúng ta rất nhiều chứ không phải là ít đâu, chúng ta không cần phải có một chương trình đại khái là nó đồ sộ qui mô như văn bản này.

Chỉ cần làm tốt vấn đề dạy học cho các em, các cháu, các sinh viên từ nhỏ đến lớn. Một khi mà các em trở thành những con người được đào tạo một cách bài bản thì các em sẽ dùng tài đó phục vụ cho đất nước.

Dĩ nhiên đất nước đó phải xứng đáng để cho các em đóng góp và đó là chuyện mà chính phủ của một quốc gia nào cũng phải biết, nhà giáo Phạm Minh Hoàng kết luận.

Và nếu có thể góp ý thêm về việc thu hút nhân tài, giáo sư Phạm Minh Hoàng khẳng định điều kiện tiên quyết là một đội ngũ mô phạm được phát huy trọn vẹn cái thiên chức giáo dục của mình:

Đã có những Ngô Bảo Châu, đã có những Vũ Hà Văn, đã có những Đặng Thái Sơn và đã có những Trịnh Xuân Thuận và đó là những người nổi tiếng thế giới. Còn những người nổi tiếng của cả nước ta thì phải nói là đếm không xuể. Chúng ta chỉ cần làm đúng, cho các nhà giáo được cái thiên chức nhà giáo để họ làm tốt công việc của họ. Chỉ cần cho Bộ Giáo Dục hoặc các ngành giáo dục có điều kiện hoạt động là đủ chứ không cần phải làm thêm cái gì rắc rối nữa:

Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, Đại Học Bách Khoa Đà Nẵng, cho rằng trong việc thực hiện chính sách nhân tài, tức là phát hiện, thu hút và trọng dụng người có năng lực và biết làm việc thì không kể bộ nào ngành nào mà quan trọng là phải học cách đào tạo người tài từ những nước đã hóa thành những con rồng Châu Á ở gần Việt Nam:

Thu hút nhân tài thì nước nào cũng muốn hết, vấn đề có biết cách sử dụng nhân tài hay không là một chuyện khác. Đào tạo nhân tài là cả một quá trình từ tiểu học, trung học, đại học và sau đại học. Việt Nam muốn làm như vậy thì trước hết là phải học tập những nước đã đi trước ví dụ như Hàn Quốc gần mình. Tức là mình nhìn những nước có phong tục tập quán điều kiện kinh tế trước đây gần giống mình mà giờ nó hóa rồng rồi, nó lên nước tiên tiến rồi để mình đối chiếu. Bây giờ nếu chúng ta có tự do học thuật và có chính sách trọng dụng nhân tài thực sự như Hàn Quốc thì tự nhiên là nhân tài nảy sinh và được bồi dưỡng và nó phát huy tác dụng. Điều kiện đó bây giờ Việt Nam có không?

Bao nhiêu người tài nhưng không phải đảng viên, yêu nước nhưng không yêu đảng là bị loại hết. Một trăm triệu dân mà chỉ có 3 triệu đảng viên thôi, nhiều người động cơ vào đảng cũng chả trong sáng gì. Những người đó thì phẩm chất của họ không thể tin cậy rồi.
-Phó GSTS Mạc Văn Trang

Phải hiểu chính sách nhân tài mà Bộ Nội Vụ đang nhắm tới để đề xuất lên Thủ Tướng Chính Phủ chẳng qua là đào tạo nhân lực mẫn cán cho guồng máy hành chính của Nhà Nước mà thôi. Phó giáo sư tiến sĩ Mạc Văn Trang, nhà nghiên cứu tâm lý giáo dục, hoạt động trong ngành giảng dạy hơn 30 năm nay, giải thích như vậy:

Bao nhiêu người tài nhưng họ không tin tưởng, họ đề ra tiêu chuẩn để họ chọn. Chính thể này luôn chọn lựa, đào tạo, bồi dưỡng, sau đó tổ chức thi theo qui trình vừa hồng vừa chuyên. Ở các nước dân chủ thì nhân tài tự mình phát triển, riêng mình thì bao nhiêu người tài đứng ngoài hệ thống đảng.

Thứ nhất đó là chủ trương của một Nhà Nước nước cộng sản với một thể chế toàn trị, vậy thì đối tượng đào tạo để đưa vào trung ương cho đến cơ sở chắc chắn phải ưu tiên cho đảng viên, là lý giải của phó giáo sư tiến sĩ Mạc Văn Trang. Ông nhấn mạnh:

Bao nhiêu người tài nhưng không phải đảng viên, yêu nước nhưng không yêu đảng là bị loại hết. Một trăm triệu dân mà chỉ có 3 triệu đảng viên thôi, nhiều người động cơ vào đảng cũng chả trong sáng gì. Những người đó thì phẩm chất của họ không thể tin cậy rồi.

Tôi nghĩ người tài xuất hiện trong nền giáo dục, trong quá trình hoạt động thực tiễn, và đặc biệt người tài là người tự học và tự trưởng thành. Cho nên chả cần phải mở trường lớp để mà đào tạo người tài mà quan trọng là công bố một tiêu chuẩn, một chức danh, sau đó thì thi tuyển. Bất kể người ấy là đảng viên hay không đảng viên, bất kỳ người ấy ở vùng miền nào, như vậy sẽ có người tài thôi. Chứ còn bây giờ đi tuyển chọn rồi là đào tạo, học tập rồi thi theo tiêu chuẩn mà họ đặt ra một cách chung chung như vậy thì chả có người tài, mà có người tài người ta cũng chả tham gia được.

Bản tin của Bộ Nội Vụ còn cho hay từ giờ cho tới cuối năm Bộ sẽ tiến hành khảo sát ở ở một số địa phương như Long An, Đà Nẵng, Hải Phòng, đồng thời tổ chức các cuộc hội thảo vùng miền để xin ý kiến chuyên gia cũng như lãnh đạo địa phương về đề án được cho là chiến lược quốc gia như vừa nêu.

 

RFA.ORG
Nguồn tin từ Bộ Nội Vụ Việt Nam ngày 11 vừa qua cho thấy đề án chiến lược quốc gia thu hút trọng dụng nhân tài đang được gấp rút xây dựng.
Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay