Cấm học sinh, giáo viên dùng mạng xã hội đưa thông tin tiêu cực có hợp lý?

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trong trường học, trong đó có quy định cấm học sinh giáo viên dùng mạng xã hội đưa thông tin tiêu cực.

Quy định này có hợp lý, trong khi gần đây nhiều vụ tiêu cực trong ngành giáo dục đều được phát hiện nhờ thông tin trên mạng xã hội?

Cụ thể theo giải thích của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục để ngăn ngừa, xử lý kịp thời các hành vi tiêu cực, xây dựng văn hóa học đường, đảm bảo môi trường giáo dục an toàn và chống bạo lực học đường.

Tuy nhiên quy định cấm dùng mạng xã hội phát tán thông thông tin tiêu cục trong ngành giáo dục lại có vẻ đi ngược lại mục đích của Bộ quy tắc này.

Trao đổi với chúng tôi hôm 19/4, Thầy Đỗ Việt Khoa cho rằng những ai làm sai thì mới sợ bị phanh phui, những kẻ xấu mặt thì sợ minh bạch, mới vẽ ra cái Bộ Quy tắc ứng xử cấm học sinh xử dụng mạng xã hội là kẻ điên rồ, kẻ này vi phạm quyền con người. Ông nói tiếp:

Hiện trạng ứng xử suy đồi tràn lan trong môi trường giáo dục hiện nay chứng tỏ sự thất bại, sai lầm trong chính sách giáo dục. Vấn đề này phải sửa từ gốc chứ không phải sửa từ ngọn bằng văn bản quy định cách ứng xử như Thông tư số 06 vừa nêu.
-Luật sư Đặng Đình Mạnh
“Hầu hết các vụ việc tiêu cực thi cử, bạo lực học đường đều do mạng xã hội phát hiện. Bây giờ bịt miệng sinh viên, học sinh, giáo viên bằng quy định đó thì đúng là điên rồ và sẽ không có tác dụng bởi vì nó vi phạm các quy tắc của pháp luật. Hơn nữa Bộ Quy tắc ứng xử này là không cần thiết vì nó đã có các văn bản khác rồi, có Bộ luật giáo dục, quy chế trường các cấp. Cho nên đẻ thêm Bộ Quy tắc ứng xử là không có tính pháp lý, tôi nghĩ bỏ nó đi.”

Còn Luật sư Đặng Đình Mạnh, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do qua e-mail hôm 19 tháng 4 năm 2019, thì cho rằng không phải đến bây giờ nhờ chế độ XHCN thì Việt Nam mới có nền giáo dục. Việt Nam đã từng có nền giáo dục từ hàng nghìn năm nay, mà trong đó nền giáo dục Việt Nam đã từng có thời kỳ phát triển rực rỡ mà không cần có đến một bản quy tắc ứng xử trong môi trường giáo dục như văn bản Thông tư số 06 /2019/TT-BGDDT ngày 12/04/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Ông viết rõ:

“Bởi lẽ, một trong những kết quả của sự giáo dục đúng đắn là đào tạo nên những con người có cung cách ứng xử chuẩn mực, trong đó, bao gồm cả các thầy cô giáo. Nhất là khi các thầy cô giáo còn được bổ sung kiến thức chuyên môn từ các trường sư phạm.

Ở môi trường giáo dục miền Nam trước năm 1975 không hề có những hiện tượng suy đồi ứng xử trong nhà trường, trong quan hệ giữa thầy cô với nhau, giữa thầy cô với học trò và giữa học trò với nhau. Tiếc rằng nền giáo dục đó đã phải gián đoạn từ ngày thống nhất đất nước.”

Theo Luật sư Mạnh, hiện trạng ứng xử suy đồi tràn lan trong môi trường giáo dục hiện nay chứng tỏ sự thất bại, sai lầm trong chính sách giáo dục. Vấn đề này phải sửa từ gốc chứ không phải sửa từ ngọn bằng văn bản quy định cách ứng xử như Thông tư số 06 vừa nêu.

Hơn nữa, điểm qua Thông tư số 06, với quy định trong khoản 7 điều 4 rằng hạn chế học sinh, giáo viên sử dụng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin hoặc hình ảnh trái đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước … nhằm mục đích bịt miệng học sinh, giáo viên, đã bộc lộ não trạng độc tài, chính trị hóa môi trường giáo dục. Điều này theo Luật sư Đặng Đình Mạnh càng lúc càng bóp nghẹt môi trường giáo dục để làm nó tệ hơn mà thôi, vì nó hoàn toàn đi ngược với tinh thần khai phóng cần thiết cho sự phát triển nền giáo dục nước nhà. Ông viết tiếp:

“Với tư cách phụ huynh, tôi càng thấy lo ngại hơn cho tương lai giáo dục tại Việt Nam.”

Bộ quy tắc ứng xử trong môi trường giáo dục theo văn bản Thông tư số 06 /2019/TT-BGDDT ngày 12/04/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Bộ quy tắc ứng xử trong môi trường giáo dục theo văn bản Thông tư số 06 /2019/TT-BGDDT ngày 12/04/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Courtesy Bộ Giáo dục và Đào tạo 
Gần đây, nhờ mạng xã hội mà nhiều vụ việc tiêu cực được phát hiện và xử lý công khai, như vụ một nữ sinh học lớp 9 ở trường Trung học Cơ sở Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên vào ngày 22 tháng 3, bị nhóm 5 nữ học sinh đánh hội đồng.

Hay nhờ mạng xã hội công bố thông tin mà công an Quảng Ninh đã tiến hành điều tra vụ việc 10 nữ sinh đánh hội đồng hai bạn học vào chiều ngày 6 tháng 4 tại thành phố Hạ Long, dẫn đến bị thương nặng phải nhập viện.

Cũng nhờ mạng xã hội mà vụ việc ông Nguyễn Hữu Linh sàm sỡ bé gái trong thang máy ở chung cư Galaxy 9 gây chấn động dư luận mới bị phát hiện.

Từ Hà Nội, Tiến sĩ Mạc Văn Trang nhận định:

“Tôi thấy não trạng của tuyên huấn, giáo dục của thể chế này luôn luôn không có truyền thông một cách khách quan, chính xác. Mà luôn tuyên truyền theo kiểu tốt khoe, xấu che, mà cái đó xưa nay dân người ta đã phản ứng rất nhiều rồi. Theo tôi, mạng xã hội đã có luật an ninh mạng rồi, còn quy định gì nữa. Chính nhờ mạng xã hội lâu nay mới đưa lên các hiện tượng tiêu cực, để làm thức tỉnh xã hội, cũng như chính phủ phải quan tâm xử lý các vấn đề đó. Thí dụ như bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, vi phạm luật giao thông, mạng xã hội đưa những cái đó lên rất là có lợi.”

Tôi thấy não trạng của tuyên huấn, giáo dục của thể chế này luôn luôn không có truyền thông một cách khách quan, chính xác. Mà luôn tuyên truyền theo kiểu tốt khoe, xấu che, mà cái đó xưa nay dân người ta đã phản ứng rất nhiều rồi.
-Tiến sĩ Mạc Văn Trang
Theo Tiến sĩ Mạc Văn Trang, ai phạm luật thì cứ theo luật mà xử, việc gì mà Bộ Giáo dục Đào tạo phải đưa ra Bộ quy tắc ứng xử đó.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, một sinh viên không muốn nêu tên, đang học tại khu vực các tỉnh miền bắc cho biết ý kiến của mình:

“Nếu mà cấm thì sao được, mạng xã hội bây giờ ai cũng dùng, cái này không thể cấm được, bộ quy tắc này em nghĩ là không khả thi. Bởi vì ai cũng dùng mạng xã hội, và vấn đề này đã có trong luật an ninh mạng, về tiên cực chống phá đã có trong bộ luật rồi. Không cho post lên thì những người bị hại không tìm cách được.”

Việc mạng xã hội phản ánh, thậm chí có những clip bạo lực học đường post lên, hay những tố cáo mà giáo viên đưa lên mạng xã hội, theo Thầy Đỗ Việt Khoa không phải là thứ làm xấu ngành giáo dục. Mà phải hiểu là nó phơi bày, vạch trần cái xấu của ngành giáo dục. Cái xấu này đã có sẵn rồi, mạng xã hội chỉ có mỗi việc là phơi bày sự thật. Vì vậy thầy Khoa cho rằng Bộ quy tắc ứng xử vừa được Bộ Giáo dục Đào tạo ban hành là điều vô lý, không thể chấp nhận được.

Còn Tiến sĩ Mạc Văn Trang thì cho rằng trong giáo dục quan trọng là phải giáo dục cho các em chân, thiện, mỹ, hữu ích. Khi các em biết tôn trọng cái chân, cái thiện, cái mỹ, cái ích thì đương nhiên các em chống lại những cái ác, giả dối, vô tích sự. Chứ bây giờ đưa ra Bộ quy tắc ứng xử để cấm tất cả, là điều không nên làm.

About this website

RFA.ORG
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trong trường học, trong đó có quy định cấm học sinh giáo viên dùng mạng xã hội đưa thông tin tiêu cực. Quy định này có hợp lý, trong khi gần đây nhiều vụ tiêu cực trong ngành g…
Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay