Tháng Tư nói chuyện ‘giải phóng’
Huy Phương
Sài Gòn những ngày êm đềm, có chủ quyền, tự do, dân chúng đang hạnh phúc. Trong hình là cổng chào “Hân Hoan Chào Mừng Phái Đoàn Thủ Tướng Nhật Bản” tại ngã tư Công Lý-Hiền Vương năm 1967 (nay là ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa-Võ Thị Sáu, quận 1, Sài Gòn). Bên phải đường Công Lý là Dinh Phó Tổng Thống (nay là Nhà Văn Hóa Thiếu Nhi). (Hình: Flickr manhhai)
“Hoan hô giải phóng, hoan hô phỏng..!?
Ruột héo gan bầm có biết không?” (P.Đ.)
Chuyện xưa kể rằng: “Khổng Tử đi qua bên núi Thái Sơn, nghe có một người đàn bà khóc bên một ngôi mộ rất bi thương. Ông sai Tử Lộ hỏi bà ta rằng: ‘Tiếng khóc của bà dường như có nhiều nỗi đau đớn?’ Người đàn bà trả lời: ‘Đúng thế. Ngày trước cha chồng tôi chết vì cọp, chồng tôi cũng chết vì cọp, nay con tôi lại chết vì cọp.’ Khổng Tử hỏi lại: ‘Tại sao bà không bỏ đi?’ Người đàn bà đáp: ‘Ở đây không có chính sách hà khắc!’ Khổng Tử quay lại nói với các môn sinh: ‘Các trò hãy ghi nhớ điều đó. Chính sách hà khắc còn tàn bạo hơn cọp dữ.’”
Điều này làm cho chúng ta hiểu nguyên nhân vì sao chế độ Cộng Sản, nhân danh là “giải phóng dân tộc,” đến đâu, dân đều bỏ chạy khỏi nơi đó! Đông Đức vượt tường Bá Linh sang Tây Đức, Bắc Hàn sang Nam Hàn và Bắc Việt trốn chạy vào Nam, và ngay bây giờ ở Việt Nam, người ta còn tìm cách bỏ nước ra đi.
Giải phóng có nghĩ là cởi ra, mở ra. Trong một nghĩa khác thiên về chính trị, đó là “giải trừ câu thúc, đem lại tự do.” Bị Đức Quốc Xã chiếm đóng bốn năm, sau khi đồng minh đổ bộ lên Normandie, ngày 25 Tháng Tám, 1944, Tướng Pháp De Gaulle cùng với một sư đoàn thiết giáp đã vào giải phóng Paris.
Trong một quy mô nhỏ hơn, năm 1968, sau 26 ngày Cộng Sản Bắc Việt chiếm đóng thành phố Huế, ngày 24 Tháng Hai, 1968, Quân Đội VNCH phản công giải phóng Huế. Đó mới gọi là “giải phóng” chính danh và đích thực. Còn những hành động như tấn công, cướp bóc, giết người vào một phần đất đang có chủ quyền, tự do, dân chúng đang hạnh phúc, không thể gọi là giải phóng.
Mặt khác, dân tộc đang bị áp bức, xâm lược luôn khao khát được giải phóng. Khi De Gaulle vào Paris, hàng trăm ngàn dân chúng đổ ra đường đón mừng, khi quân đội VNCH giải phóng Huế, dân chúng trong các vùng chiếm đóng, hay ở các hầm trú ẩn, chạy về phía cờ vàng. Mang danh “giải phóng,” mà khi tiến vào một thành phố, “giải phóng” đã không hề được đón tiếp, dân chúng ở đó đã sợ hãi bỏ chạy hết gọi là “chạy giặc,” thì hành động quân sự đó, không thể xem là một hành động giải phóng.
Chiêu bài “giải phóng” luôn luôn được nói đến trong các bản văn, báo chí, tuyên truyền của Cộng Sản Bắc Việt, và thứ quân vũ trang này luôn luôn tự xưng là “quân giải phóng!” Nhưng trên thực tế, “quân giải phóng” đi đến đâu, dân chúng bỏ nhà, bỏ của chạy xa chừng ấy trong khi những bản nhạc như “giải phóng miền Nam” hay “tiến về Sài Gòn!” đang còn ra rả trong các loa tuyên truyền. Cộng Sản Việt Nam luôn luôn tuyên truyền chính nghĩa thuộc về họ, dân chúng ủng hộ họ, và về chiêu bài giải phóng vẫn không ngớt được nói đến. Vùng tự do quốc gia, chúng gọi là vùng “tạm chiếm,” vùng Cộng Sản kiểm soát, chúng gọi là “vùng tự do.” Nhưng từ bao lâu nay, người dân vẫn từ “vùng tự do” chạy về “vùng chiếm đóng!” Không có dân, lãnh thổ đó thành vô hồn, chính nghĩa đâu?
Năm 1968, khi Việt Cộng tiến chiếm Huế, bao nhiêu đồng bào đã chạy về nơi an toàn, nơi có quân đội miền Nam trấn giữ, không hề có hành vi vùng dậy cướp chính quyền, hay cờ xí xuống đường hoan hô “quân giải phóng!” Khi Paris được giải phóng, dân Pháp còn căm thù Đức Quốc Xã và thẳng tay trừng trị, ngay những kẻ đã trốn chạy, trái lại chúng ta không hề thấy một hành động giết viên chức chính quyền địa phương nào của người miền Nam.
Mùa Hè năm 1972, khi quân Bắc Việt tràn qua sông Bến Hải, dân số Quảng Trị có hơn 300,000, đã có 250,000 người bồng bế gồng gánh, đi về phía Nam “chạy Việt Cộng!” Ngư dân tại Gia Hải di tản vào Đà Nẵng trên 150 chiếc thuyền, chuyến ra đi của họ đã bị Cộng quân ngăn cản, nổ súng vào đoàn thuyền, làm nhiều người bị thương và chết.
Cơn hoảng loạn của miền Nam Việt Nam ngày 30 Tháng Tư, 1975, đã nói đến nỗi sợ hãi khốn cùng của người dân miền Nam trước thảm họa Việt Cộng. Việt Cộng “giải phóng” Quảng Trị, dân chúng chạy vào Huế. Việt Cộng “giải phóng” Huế, dân chúng tràn xuống biển Thuận An, chen nhau lên đèo Hải Vân tìm đường vào Đà Nẵng. Việt Cộng “giải phóng” Đà Nẵng, dân chúng xuống biển đi về phía Nam.
Khi Cộng Sản tuyên bố “giải phóng hoàn toàn miền Nam,” đặt toàn bộ đất nước dưới quyền cai trị của đảng, dân miền Nam đã ùn ùn bỏ nước ra đi, vượt biển băng rừng, không những đã bỏ lại nhà cửa, tiền bạc mà còn chấp nhận thà chết còn hơn sống với Cộng Sản, cứ hai người ra đi mới có một người đến bến bờ tự do!
Trước đó, khoảng năm 1970, Tổng Trưởng Dân Vận-Chiêu Hồi Hồ Văn Châm đã gọi thái độ trốn chạy khỏi chế độ Cộng Sản này bằng thành ngữ “bỏ phiếu bằng chân!”
Theo Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc thì trong khoảng thời gian 20 năm từ 1975 đến 1995 có 796,310 người từ Việt Nam vượt biên bằng đường biển. Và chưa hết đâu! Đất nước còn chế độ Cộng Sản thì dân chúng còn bỏ nước ra đi. Tôi không nói ngoa, ngày nay còn có người đóng tàu vượt biển đi Úc (Tháng Tám và Tháng Mười Một, 2018) hay đến Đài Loan (Tháng Ba, 2018).
Không dưới hình thức vượt biển thì người ta trốn chế độ bằng con đường du học không về, định cư theo con cái, đầu tư để có quốc tịch nước ngoài, đăng ký lấy chồng ngoại nhân, đi lao động hay du lịch trốn ở lại…
Trước thái độ dứt khoát của người dân ghê sợ chế độ, bỏ quê hương ra đi như thế, Cộng Sản coi họ như là những kẻ thù cần phải tiêu diệt, bắn bỏ không thương tiếc. Không hợp tác, nổi dậy, hơn 5,000 người dân Huế bị đập đầu hay chôn sống trong các hầm tập thể. 2,000 người dân Quảng Trị bị tàn sát trên đoạn đường dài độ 9 km từ Quảng Trị vào Huế vì cái tội chạy khỏi quê hương vì sợ “giải phóng!”
Cộng Sản Bắc Việt đã dùng pháo 122 ly, 130 ly, cối 160 ly… từ hướng rừng Trường Sơn bắn vào dòng người di tản. “Chiến công” giết người này, 37 năm sau, đảng Cộng Sản đã thú nhận là công lao của Trung Đoàn Pháo Binh 38-Bông Lau, đơn vị này đã được tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân,” được kể lại trong cuốn sách “Mùa Hè Cháy,” của tác giả Quý Hải, một đại tá của quân Bắc Việt viết về trận thảm sát trên đường di tản của dân Quảng Trị.
Rồi sau đó, bao nhiêu người bị bắn hay bị pháo kích trên các bờ biển miền Trung vì muốn ra khơi chạy trốn Việt Cộng vào những ngày cuối Tháng Ba, Tháng Tư, 1975! Bao nhiêu người bị tù đày, bắn giết vì “tội” vượt biên!
Ngày 30 Tháng Tư, 1975, được Cộng Sản Bắc Việt rêu rao là ngày họ “giải phóng” dân chúng miền Nam khỏi sự “kìm kẹp” của Mỹ-Ngụy. Tới nay đã 44 năm trôi qua, ta thử nhìn lại xem ngày này: Ai giải phóng ai?
Lâu nay chúng ta đã được đọc các bài viết về chuyện “giải phóng” có tên hay giấu tên, cũng như của nhà báo Huy Đức, Trần Quang Thành, nhà văn Dương Thu Hương, Nguyễn Quang Lập, nhà thơ Phan Huy, Tiến Sĩ Lê Hiển Dương, Châu Hiển Lý (bộ đội tập kết,) nhất là qua thực tế của người dân đã sống với chế độ miền Nam, cả nước đều đã mở mắt thấy rõ:
-Cuộc kháng chiến “giải phóng miền Nam,” thống nhất đất nước, thực chất chỉ là cuộc chiến đánh thuê của người lính Bắc Việt cho Liên Xô, Trung Quốc.
-Xã Hội Chủ Nghĩa là một xã hội tồi tệ và được phơi bày rõ rệt qua sự nghèo khổ của nhân dân miền Bắc và là một thời đen tối nhất trong lịch sử Việt Nam, thê thảm và lạc hậu, hy sinh hạnh phúc của nhân dân cho sự nghiệp của đảng Cộng Sản quốc tế.
-Xã hội ngày nay là một xã hội đạo đức băng hoại đến cùng với đĩ điếm, buôn người, rượu chè, giết chóc, hối lộ tham nhũng ngay cả trong ngành giáo dục và tư pháp. Người dân có quyền ăn chơi, nhậu nhẹt, sa đọa… nhưng không có quyền phát biểu hay phê phán người cầm quyền. Hệ thống công an, roi cùm, nhà tù đã bóp chẹt quyền con người. Giàu nghèo cách biệt bởi đảng cầm quyền có quá nhiều quyền lực, tham ô, vơ vét!
Như thế gọi là giải phóng ư?
“Đất lành chim đậu,” nhưng thực tế, là sau 44 năm “giải phóng,” dân chúng còn phải bỏ nước vượt biển ra đi, hai tiếng “giải phóng” trở thành thứ ngôn ngữ lừa dối, điêu ngoa. Cái ngày mà đảng Cộng Sản gọi là “ngày Giải Phóng” chính là cái này thảm họa của cả dân tộc Việt Nam.
Xin đừng quên, và đừng “quen miệng,” đừng vì đầu óc ngu muội, mà dùng hai chữ ‘giải phóng” nữa! (Huy Phương)