Kiên Nhẫn – Kiên Cường: Cậu Bé Glen Cunningham

Kiên Nhẫn – Kiên Cường: Cậu Bé Glen Cunningham

Br. Huynhquảng

Hôm nay, mục Sống Đẹp xin được nêu tấm gương của cậu bé Glen Cunningham nhằm
giới thiệu chủ đề mới: Kiên Nhẫn – Kiên Cường. Qua bốn chủ đề mà chúng ta đã
cùng nhau học hỏi: Tha Thứ Hòa Giải, Xây Dựng Hiệp Nhất, Sống Hiện Tại, và Đơn
Sơ Chân Thật, thì đây là lúc chúng ta cùng nhau trao đổi về chủ đề Kiên Nhẫn –
Kiên Cường. Vì thực ra, để có thể tha thứ, xây dựng hiệp nhất, sống hiện tại,
sống chân thật, tất cả đều đòi hỏi một sự kiên nhẫn không ngơi nghỉ.

Cậu Bé Glen Cunningham

Khi mới bảy tuổi, đôi chân của Glen Cunningham bị phỏng nặng do một vụ thảm
họa. Theo nhận xét của bác sĩ, cậu bé Glen sẽ không bao giờ đi lại bình thường
được. Các bác sĩ đề nghị cưa chân cậu bé nếu muốn cậu được sống sót. Như thế,
vấn đề bây giờ không còn là chuyện khi nào đôi chân của Glen được bình phục,
nhưng là sự sống của cậu bé. Những ngón chân trái dần dần bị hao mòn đi; chân
phải dần dần ngắn hơn chân trái. Với kinh nghiệm đau đớn trong bản thân và
chứng kiến cơ thể mình tàn lụi dần, Glen quyết tâm với lòng mình là không đầu
hàng với số phận. Hằng ngày cậu tập những động tác theo hướng dẫn của bác sĩ
chỉ nhằm với ý chí rằng: Cần làm những gì cần phải làm trước khi mình không bao
giờ còn cơ hội để làm. Với ý chí tích cực kiên cường ấy, ba năm sau, cậu tự đi
mà không cần dùng nạng. Xa hơn, cậu đã tập chạy và không ngừng chạy khi có thể.
Năm 1938, Glen làm cho cả thế giới kinh ngạc khi phá kỷ lục thế giới với 4 phút
4.4 giây trong đường chạy một dặm.

Ca dạo tục ngữ Việt Nam truyền dạy rằng: “Nước chảy đá mòn; có công mài
sắt có ngày nên kim.” Và đúng là như vậy, Glen Cunningham như mẫu gương để
khơi niềm hy vọng cho chúng ta, dù trong hoàn cảnh nào, nếu chúng ta quyết chí
vươn lên, một ngày nào đó, thành quả sẽ đến với chúng ta. Nhìn vào những người
như Glen Cunningham, phần nào ta tìm thêm nghị lực để tiếp tục tiến tới và tiếp
tục hoàn thiện chính mình, và để tiếp tục đi đến cùng đích của đời mình.

Kiên cường, can đảm (fortitude, fortitudo) là một đức tính rất được đề cao
trong nền triết lý văn minh Hy Lạp. Theo triết gia Aristotle (A-ris-tot),
“Kiên cường là đức tính của những người không tỏ lộ sự sợ hãi khi họ dám
chết cho lý tưởng cao thượng.” Nhưng đức tính (virtue, arete) này cần phải
có quá trình tập luyện bền bỉ. Mẫu gương cho những cái chết cao thượng là những
người chiến sĩ anh dũng hy sinh cho quê hương, cho dân tộc. Nhưng theo triết
gia Plato, kiên cường không chỉ được hiểu là can đảm chết cho những lý tưởng
cao đẹp, nhưng còn là “sự chiến đấu với những khát vọng thú vui.” Tức
là phải chiến đấu với chính con người của mình. Còn theo triết gia Cicero (45
B.C), “Kiên cường không gì khác hơn chính là thái độ tinh thần có khả năng
chịu đựng mọi nguy hiểm dù phải chịu cực nhọc đau đớn, nhưng đồng thời không để
cho sự sợ hãi tiếp cận gần ta.” Tóm lại, sự can đảm kiên cường không chỉ
là hành động anh hùng, nhưng còn là sự kiên nhẫn tập luyện chịu đựng gian khổ
để làm chủ con người mình để dám chết, nếu khi cần, cho lý tưởng cao đẹp, và
dám sống mỗi ngày nhằm nâng cao giá trị con người của mình.

Jean-Jacques Rousseau phát biểu rằng, “Kiên nhẫn thì cay đắng, nhưng trái
của nó lại ngọt ngào.” Và quả đúng như vậy, hạt giống chỉ có thể nảy mầm
khi nó liên tục âm thầm tự lột lớp vỏ của mình ra. Như thế, kiên nhẫn đòi hỏi
sự kiên cường và can đảm. Kiên cường ở đây không chỉ là thực hiện những việc
lớn lao, nhưng quan trọng hơn chính là làm những việc nhỏ bình thường hằng ngày
với ý chí hoàn thiện chính mình. Dù làm những việc nhỏ, nhưng sự kiên trì hành
động từng ngày cũng đủ làm ta phải trả giá cho sự đau đớn, mất mát và từ bỏ
những điều thân thiết.

Thưa bạn, trong bài đầu tiên về chủ đề Kiên Nhẫn – Kiên Cường, tôi mời bạn ví đời
mình như là một người thợ xây. Mỗi ngày chúng ta dù làm việc gì (học hành, rèn
luyện nhân đức, thao luyện, cầu nguyện), chúng ta hãy coi như chúng ta đang đặt
một viên gạch lên bức tường của đời mình. Bức tường ấy có chắc chắn hay không,
có thẳng hàng hay không, có đẹp hay không đều lệ thuộc vào từng viên gạch chúng
ta đặt vào nó. Nếu mỗi một ngày chúng ta chỉ được quyền xây một viên gạch, thì
chúng ta cũng nên cẩn thận và kiên nhẫn cho từng viên gạch ấy. Và cũng nếu hôm
nay mình không thể đặt viên gạch vào bức tường của mình, thì mãi mãi chỗ ấy sẽ
là chỗ trống. Nếu một bức tường có nhiều lỗ hổng, càng xây lên cao, nguy cơ sụp
đổ của nó càng lớn. Và cũng vậy, nếu hôm nay tôi không kiên nhẫn và kiên cường
thi hành phận vụ của tôi, thì lỗ hổng vẫn còn đó, không ai giúp cho tôi được.
Vâng, kiên nhẫn thì cay đắng, nhưng trái của nó lại ngọt ngào!

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay