Lại nói về chuyện chia tay

Lại nói về chuyện chia tay

 Tác giả: Phùng Văn Phụng

 (Tên của các nhân vật trong bài này, do tác giả đặt, nếu có sự trùng hợp, ngoài ý muốn của tác giả)

            Tối hôm qua, khi Nguyễn đi làm về, nhận được thơ của học trò cũ là Mai kể chuyện gia đình bất hoà, sống ly thân với Hoàng, một mình nuôi con, vừa làm cha, vừa làm mẹ, lòng Nguyễn buồn vô hạn. Vì sao có sự phân ly, chia rẽ giữa vợ chồng vẫn xảy ra trong những người thân yêu của mình. Sự phân ly vì một trong hai người vợ hay chồng, chẳng may mất đi. Sự phân ly còn do con người quyết định nữa. Người này không chấp nhận được người kia nên đành chia tay.

Gia đình là nền tảng của xã hội. Gia đình hoà thuận, êm ấm mới làm ăn, nuôi dạy con cái được. Thuận vợ, thuận chồng tát biển đông cũng cạn, bằng ngược lại, nếu chia tay, ai cũng khổ cả, vợ chồng và con cái. Sự đau khổ đó ảnh hưởng đến cả hai bên cha mẹ và bà con thân thuộc.           

*    *    *

           Nguyễn đã viết thơ cho học trò cũ như sau:

 Thân mến gởi hai em Mai và Hoàng,

“Sự bất hoà, gây gỗ, xung đột trong gia đình là sự thường. Gia đình nào chẳng có sóng gió, gây gỗ nhau.

 Nếu hai người thương yêu nhau thực sự và biết tha thứ cho nhau thì những sự xung đột, bất hoả chắc chắn sẽ giải quyết được.

Mỗi người cần xét lại mình, xem thời gian qua từ trước ngày cưới mình đã cư xử ra sao với chồng (vợ) mình, những năm đầu sau ngày cưới mình đối xử ra sao với vợ (chồng) mình, rồi những lúc gần đây mình đã nói gì, làm gì và trong những lời nói, việc làm đó có những điều gì lầm lỗi.

Hai em tìm nơi thanh vắng, nhất là về ban đêm càng tốt, tự xét mình thực kỹ, vì tình thương yêu lẫn nhau, thương yêu con cái, mà mỗi người đều nhận lỗi của mình.Vì thật ra ai cũng có lỗi cả. Mỗi người đều có những sai lầm: giận dữ, lớn tiếng, nặng lời với nhau hay lạnh lùng, làm thinh lâu dài v.v…

Con người vốn luôn luôn có sự khác biệt, có cá tính khác nhau, nên mỗi người cần chấp nhận sự khác biệt đó.

Vợ chồng luôn luôn có những khó khăn cần giải quyết, cần lấy tình yêu thương, tha thứ cho nhau mà giải quyết những khó khăn đó”.

  *    *     *

Nguyễn viết tiếp: “Hồi trước, khi thầy về từ trại cải tạo, không có một đồng xu dính túi, không nghề nghiệp, tâm hồn lúc nào cũng khủng hoảng, căng thẳng, vợ chồng gây gỗ với nhau hoài. Nếu mà thầy để tâm giận hờn, có lẽ thầy cũng không sống được với vợ của thầy cho tới ngày hôm nay đâu. Đừng giận hờn qua đêm. Cần thương yêu và tha thứ cho nhau thì hai vợ chồng mới sống lâu dài với nhau được.

Thật ra đời người quá ngắn ngủi, không nên chấp nhất, rồi mình sẽ già đi, rồi sẽ chết, ai ai cũng sẽ trúng số độc đắc một lần. Đó là sự chết. Nhiều bạn bè gặp không may mắn như nghèo khổ, tật nguyền, bịnh nan y… mà sao họ vẫn vui vẻ sống.  

Linh Mục Chu Quang Minh sáng lập “Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình” có đưa ra nguyên tắc để xét mình như sau:

 Khiêm nhường Biết lỗi- Nhận lỗi– Xin lỗi- Sửa lỗi và Tha lỗi.

Hai em chịu khó, ngồi trong thinh lặng, lắng đọng tâm hồn lại, không nghĩ đến tiền bạc,  danh vọng, của cải, bỏ tự ái cá nhân, quên mình đi. Nếu hai em thực sự quên mình đi, nghĩ đến người bạn đời, có lẽ hai em sẽ dễ nghĩ đúng và làm đúng hơn.

Thầy nhớ có đọc trong sách của nhà văn Nguyễn Hiến Lê cũng như sách của Cha Chu Quang Minh đều có thuật câu chuyện như sau:

 Trong những ngày Tết linh thiêng, có hai người tù cùng ở trong phòng giam, không khí ẩm thấp, hôi hám, dơ dáy. Người tù thứ nhất nhìn xuống sàn nhà và buộc miệng than thở:

– Trời ơi, đời tôi sao khổ sở thế này.

            Cũng trong hoàn cảnh sống tương tự, nhưng người thứ hai lại không nhìn vào bên trong phòng giam mà nhìn ra bên ngoài, người này thấy cây cỏ tươi tốt, bông hoa tươi thắm, đủ sắc màu, đàn chim đang líu lo ca hát trên cành cây, người này buộc miệng nói:

            – Ôi, trời bên ngoài đẹp quá.

            Do đó, cùng sống trong hoàn cảnh tù đày giống nhau, nhưng hai người có hai thái độ, hai cái nhìn khác nhau. Thái độ sống, cách suy nghĩ rất là quan trọng. Người lạc quan thì nhìn thấy khía cạnh tích cực, vui vẻ, thoải mái. Còn người bi quan suy nghĩ tiêu cực, chỉ thấy buồn rầu, đau khổ, bế tắc.

            Và Nguyễn viết tiếp như sau: “Hai em phải tự phản tỉnh lại mình, suy nghĩ về những lỗi lầm của mình, làm khổ bạn đời như thế nào và cùng nhau sửa chữa những lỗi lầm đã làm tổn thương bạn đời của mình.Tại sao mình nhịn người ngoài được mà người trong gia đình lại không nhịn được.

            Do đó, khi nhận được thơ này hai em đọc kỹ, suy nghĩ, tĩnh tâm lại, hai em cùng đọc và cùng xin lỗi với nhau. Có thể nhờ người lớn tuổi hơn như ông bà, cha mẹ, hay bác sĩ tâm lý cố vấn cho, bằng mọi cách phải quyết tâm cùng nhau hoà thuận trở lại vì hai em rất xứng đôi, rất hạnh phúc mà hai em không biết.

             Có phải hai em vì tự ái quá cao, không ai nhường nhịn ai, cho mình là quan trọng, xem thường bạn đời của mình, quên cả tương lai của con cái. Như vậy là mình đã sống quá ích kỹ, chỉ nghĩ đến bản thân mình mà thôi.

Mỗi em tự xét mình, biết lỗi, nhận lỗi, nói lời xin lỗi, sửa lỗi và tha thứ cho nhau, thương yêu nhau thực sự thì có gì mà không giải quyết được đâu.

            Rất mong tin vui, hai em sẽ đoàn tụ, hoà thuận,yêu thương nhau. (1)

 Tác giả: Phùng Văn Phụng

Viết xong tháng 09/2000, sửa chữa 11/2018

(1) Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa vì Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,8).

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay