CHẾT TRONG ĐỒN

Đỗ Cao Cường was with Đỗ Cường.

(Tôi viết là để tưởng nhớ những thân phận được mời lên đồn công an làm việc và bị chết một cách mờ ám …)

Trời mưa tầm tã, mưa thối đất thối cát, cứ thế này thì làm sao mà mang hàng đi bán được, bơ thối phân nửa rồi, mà không bán thì chỉ có nước chết đói, cứ cái đà này rồi sẽ phải ngủ ngoài đường, cuối tháng lão chủ trọ sẽ tống cổ mẹ con lão ra khỏi đây.

Tay chắp sau đít, mân mê điếu thuốc sắp tàn, lão hết ra lại vào, trong căn phòng vỏn vẹn chưa đầy 10m2, tiếng nước rơi lả tả trên mái tôn như có thằng nào rắc lựu đạn xuống, lão lẩm bẩm chửi một mình, nhưng chả có ai nghe, chửi thì cứ chửi, mà mưa thì vẫn cứ mưa.

Sấm kèm theo sét, giật đùng đùng vang cả một góc trời, hễ nghe thấy tiếng sấm là con Mác nhà lão lại chạy cong đít, nó rúc đầu vào gầm giường, đuôi nó vẫy vẫy, miệng nó rên ư ử, một số con ve chó rơi ra nền đất, bò lổm ngà lổm ngổm.

Mặc kệ, hắn phải đi, phố xá lúc này ngập ngụa với đủ thứ rác thải, băng vệ

sinh, xác chuột chết nổi trương phình.
– Việt ơi, ngoài đường còn ngập, mới hôm nọ cống sập có đứa rơi xuống chết, con ở nhà đi, thằng Nam ỉa đùn ra quần rồi.
– Không đi thì cuối tháng tất cả ra đường ở, bu cứ để mặc tôi!

Bà cụ Uột rơm rớm nước mắt, mặt cụ méo xệch đi. Ngay lúc này, cụ chỉ muốn chết quách đi cho xong, sắp chết rồi mà còn phải chứng kiến cảnh con, cháu mình lay lắt cực nhọc, sống thế này thì khổ quá.

Mà thử hỏi, có ai khổ bằng cái nhà cụ Uột không, cứ tưởng người xưa nói “ai giàu ba họ, ai khó ba đời” là đúng. Nhưng đến nay đã là đời thứ 5 rồi mà vẫn còn nghèo, nhà cũng toàn người chịu cày, chịu cuốc, chứ có quậy làng quậy xóm gì cho cam.

Ngoài kia, sét vẫn đánh tưng bừng, mưa vẫn còn nặng hạt, thi thoảng lại nổ lên một thứ âm thanh rùng rợn, ánh sáng chiếu thẳng vào phòng trọ, nước cống, nước rác tràn theo, ngồi trên tấm phản tựa vai vào tường, tay quyệt nước mắt rồi cụ Uột nhớ về những ngày trẻ, những ngày còn sống ở quê nhà có mồ mả tổ tiên, đang yên đang lành thì người ta tới bắt vợ chồng cụ đi xa làm kinh tế mới, từ khi cái khu rừng chết tiệt này còn là nơi trú ngụ của bọn hổ, rắn, cáo, chồn, hết năm này qua năm khác, nhờ công đốt rừng làm nương rẫy, bỏ biết bao công sức, mồ hôi, chết lên chết xuống mấy lần mới có được quả đồi cà phê tươm tất. Ấy vậy mà đùng một cái, chả biết giải phóng, giải pháp cái con mẹ gì mà chính quyền thu luôn cả ruộng vườn, nhà cửa của cụ.

Gào mồm đi kêu cứu khắp nơi chẳng được, ông chồng còn bị bắt về tội gây rối làm mất trật tự an ninh, uất quá, ông đứng trước cổng Ủy ban tỉnh tự thiêu rồi lăn đùng ra chết, bà vợ đến nơi thấy chồng mình toàn thân cháy xạm, tóc tai quăn tít, khét lẹt, nhưng mắt chồng cụ thì vẫn mở thao láo.

Cụ Uột có mỗi thằng con trai, lấy được cô vợ thì cuối cùng vợ bỏ, đến giờ vẫn không có tăm hơi gì, ả đi bỏ lại đứa con tật nguyền, tức thằng cháu đích tôn của cụ, nó cứ nằm một chỗ, nằm để chờ chết.
Cuối cùng, ba bà cháu bồng bế, dắt díu nhau lên cái thành phố đông đúc, ô nhiễm này để bấu víu, cụ đi rửa bát trong quán phở, lão con lết ra ngoài vỉa hè đánh giày, bán hủ tiếu, bánh canh rồi giờ chuyển sang bán bơ sáp, bơ do lão nhập từ Đắk Lắk về.

Sau bao nhiêu năm, tưởng sẽ dành dụm được ít tiền, nào ngờ tiền thuốc điều trị cho thằng cháu giờ còn chả có, lại còn nghe đâu chỗ bán thuốc cho nó, ông chủ hiệu thuốc mới bị bắt vì tội nhập thuốc tây giả, thảo nào bệnh thằng cháu cụ ngày càng nặng thêm. Năm nay cụ Uột cũng đã 80 tuổi, lưng còng, mắt mỏi, chân què, thôi thì cứ ngồi chờ chết chứ còn biết làm sao.
Lão cũng đã ngoài 50, ngày trước còn tươi cười hớn hở lắm, nhưng mấy năm nay lão cứ lầm lầm lì lì, ai hỏi cũng không nói, chủ yếu là lắc với gật. Ngày hai bận, lão lại lôi rượu ra tu, không mồi, không bạn, lão ngồi tu một mình.
 

*  *  *

Vậy là cuối cùng lão cũng lết ra được vỉa hè, chỗ mà ban ngày lão đứng, tối phải nhường chỗ cho mấy cô nàng bán thân. Hôm nay là một ngày tồi tệ đối với lão, gần đến nơi thì lão và và nhiều trái bơ của lão lăn đùng ra, không biết cái thằng bỏ bà nào phóng xe như điên khiến sóng đường như sóng biển, làm cho chiếc xe đạp Phượng Hoàng bị nghiêng sang một bên, khiến nhiều trái bơ bị dập.

Lão tới nơi lúc 9 giờ 21 phút sáng, đến 4 giờ chiều mới bán được 5 ký, che miếng nilon nham nhở nên người ướt như chuột lột, trời vừa mới tạnh nhưng đường vẫn đang còn ngập, lão tính đứng một lúc nữa rồi dắt xe về thì tự nhiên một chiếc xe tải đỗ ngay trước mặt lão, hai thanh niên to khỏe, một người mặc sắc phục công an, một người mặc áo đen, đeo kính râm chạy đến, trên xe có một thằng cũng mặc sắc phục bụng phệ, nó quát:
– Đứa nào không làm luật thì cứ thu hết đồ cho tao.

Nghe xong, thằng mặc sắc phục nháy mắt ra hiệu cho thằng kính đen, cả hai thằng lao vào nhấc, khiêng bổng chiếc xe đạp của lão lên, lão giằng lại, thằng mặc sắc phục giả vờ ngã, vừa lăn qua lăn lại nó vừa hét:
– Chống người thi hành công vụ, bắt nó lại!

Lập tức, hai thằng ngồi trên xe tải chạy đến tiếp ứng, chúng túm tóc, quật ngã lão bán bơ nghèo khổ, một thằng bẻ tay lão ra sau, nước dãi từ miệng lão chảy xuống, xong chúng còng tay, ấn đầu và lôi lão đi, đến nơi chúng quẳng cả người, xe lên thùng xe tải, chỉ có mấy trái bơ dập là chúng bỏ lại. Lúc đó, cũng có rất nhiều người tò mò vây quanh, nhưng không một ai dám lên tiếng.

Khi trời đã tối sầm, nước trên đường rút hết mà không thấy con trai về, bà cụ Uột nóng ruột chạy ra chỗ lão đứng bán bơ, hỏi mãi mới được một người đàn ông vá xe di động, vừa rải đinh trên đường ông này vừa cho biết con cụ đã bị công an phường giải đi từ chiều rồi. Bà cụ Uột lại chống gậy lọ mọ lên đồn. Khi đến nơi thì người ta thông báo con cụ vừa mới chết xong, nguyên nhân là do lão lấy dao lam cắt cổ, tự tử trong đồn.

Vừa nghe thấy vậy, bà cụ Uột hoảng quá, tay run lẩy bẩy, rồi cụ khụy dần xuống, cụ nằm lăn ra nền nhà ẩm thấp, toàn thân giật giật, sùi bọt mép một lúc rồi cụ tắt thở, ngoài kia màn đêm buông xuống, những đèn điện cao áp sáng rực lên, tiếng còi xe inh ỏi cho thấy có rất nhiều người đang di chuyển, trên bầu trời thi thoảng có tiếng chim lợn kêu, như đang báo hiệu một mùa chết chóc lại bắt đầu.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay