Kevin Nguyen shared a post.
Đặng Văn Hiến bị tuyên y án tử, người dân la ó phản đối
Ngày 12/7/2018, nhiều người tham dự phiên tòa la ó sau khi nghe hội đồng xét xử tuyên y án tử hình đối với ông Đặng Văn Hiến người nổ súng chống trả đoàn cưỡng chế trái phép của công ty Long Sơn khiến 3 người thiệt mạng, 13 người bị thương hồi tháng 10/2016.
Trong khi đó, tòa án nhân dân cấp cao tại TPHCM quyết định giảm án cho Phó giám đốc công ty Long Sơn là Nghiêm Xuân Thiên Sửu từ 6 năm xuống còn 4 năm tù giam, Trưởng quản lý công ty Long Sơn Phạm Công Thiện từ 4 năm xuống còn 2 năm tù giam.
Ông Ninh Viết Bình giảm từ 20 xuống 18 năm tù; Hà Văn Trường 12 năm còn 9 năm tù. Ông Đoàn Văn Diện được giảm từ 9 tháng tù giam được chuyển thành 9 tháng tù treo về tội che giấu tội phạm.
Mạng báo Zing dẫn thông tin từ phiên tòa cho hay, HĐXX cho rằng các luật sư đưa ra được chứng cứ chứng minh các bị cáo trên có tình tiết giảm nhẹ. Từ đó, HĐXX chấp nhận một phần kháng cáo của các bị cáo.
Sau khi tòa tuyên án, gần trăm người thân của các bị cáo đứng vây trước cửa ra vào phòng xử án của TAND huyện Đăk Lak, buộc lực lượng chức năng phải đưa bị cáo rời tòa bằng cổng sau.
Vụ việc nổ súng khiến 3 người thiệt mạng và 13 người khác bị thương xảy ra vào ngày 23/10/2016 tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Dak Nong.
Những người dân trong cuộc cho rằng Công ty Long Sơn, đơn vị nói được giao đất tại tiểu khu 1535, cho người lái xe ủi, máy cày cũng như người dùng hung khí tiến đến phá khu rẫy của một người dân tên Hoàng Văn Thắng.
Những người dân, trong đó có ông Đặng Văn Hiến, dùng súng bắn chỉ thiên để ngăn chặn người của Công ty Long Sơn. Phía người công ty dùng đá ném lại. Ông Đặng Văn Hiến vào nhà và bắn trả vào đoàn người của Công ty Long Sơn.
Ông Hà Văn Trường tiếp đạn cho ông Đặng Văn Hiến và rồi ông Ninh Viết Bình chạy sang hỗ trợ.
Sau khi xảy ra vụ việc, ông Đặng Văn Hiến và ông Hà Văn Trường bỏ trốn xuống huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Sau đó hai ông ra đầu thú.
Vụ việc tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Dak Nong được cho cũng tương tự như một số vụ việc khác mà người bị cưỡng chế đất đai cho là phi pháp. Đơn cử như vụ gia đình Đoàn Văn Vươn, tại Cống Rộc, Tiên Lãng, Hải Phòng cũng phải sử dụng súng và bình ga tự chế để chống lại lực lượng cưỡng chế.