Thống Nhất và nỗi đau ly tán của dân tộc

Thống Nhất và nỗi đau ly tán của dân tộc

TẠP GHI HUY PHƯƠNG

  

 

 

 

 

 

 

 

… Các mảnh vỡ từ hai bên cố ráp vào vẫn rời ra, xộc lệch không tài nào ăn khớp.
(Trăm Năm Ly Hợp- Lê Khắc Hoan)

Cảnh sum họp của những người con có Cha tập kết ra Bắc trở về Nam sau ngày 30 tháng 4-1975, tưởng chừng vui tươi cảm động đầy nước mắt trong một màn tái ngộ, đã trở thành một cảnh ngỡ ngàng xót xa.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Lưu Quý Kỳ, Vụ Trưởng Báo Chí Ban Tuyên Huấn Trung Ương và TTK Hội Nhà Báo Bắc Việt, năm 1954, đã cùng vợ ra đi tập kết, để lại miền Nam hai đứa con, một trai mới lên một tuổi và một gái mới lên ba, cho bà Ngoại nuôi. Người con trai bị bỏ lại miền Nam khi mới một tuổi nay là Thiếu uý Lưu Đình Triều thuộc Sư Đoàn 7BB, chờ đợi cái ngày hội ngộ với Cha Mẹ sau thời gian ly tán 30 năm, đã thấy rõ ràng mình vẫn là kẻ thù của cha mẹ và những đứa em sinh ra ở miền Bắc, khi chúng đã hát trước mặt anh câu “xô lên xác thù hung bạo!” Kẻ thù đó là đứa con bị bỏ lại 30 năm về trước, đang bị kết án là dắt lính hành quân đi bắt heo, bắt gà của dân!

Lưu Quý Kỳ, hay thân phụ nhà văn Phan Nhật Nam, cũng như biết bao nhiêu người Cha đi tập kết trở về, rút cuộc chỉ có một câu động viên con đang ở trong nhà tù tập trung không có bản án: “Ráng học tập, lao động tốt cho mau về với gia đình!” (theo Bên Thắng Cuộc. T.1)

Trong thời gian chúng tôi đi tù ở huyệnTân Kỳ thì nhà ông anh rể tôi ở huyện Đức Thọ cùng trong một tỉnh, thư không có, mà thăm cũng không. Nghe gia đình ở Huế kể lại ông anh rể tôi viết thư lên án gia đình bên vợ là “đã gây nhiều tội ác” trong khi  nhà chỉ có mình tôi bị động viên vào lính, còn lại là bốn người làm nghề dạy học.

Lê khắc Nghi, Chú họ người viết bài này có vợ là một hoa khôi làng Văn Xá, “cưới nhau xong là đi!” Ở miền Nam đứa con trai duy nhất lớn lên, “được” VC xã dụ dỗ tham gia du kích vì có Cha đi tập kết, trong một cuộc hành quân bị nghĩa quân miền Nam bắn chết. Ba mươi năm sau, ông Chú trở về theo một bà vợ răng đen do đảng “cơ cấu” và mấy đứa con rặt Bắc, “cháu bác Hồ.” Ngày trùng phùng hoá ra là ngày khởi đầu cho một giai đoạn ngỡ ngàng cay đắng. Sum họp như thế thà chia lìa còn hơn! Họ không còn giống nhau từ sự hiểu biết, giọng nói, lối sống và tư tưởng. Vợ chồng mà đó, anh em ruột thịt mà đó, cha con mà đó, nhưng xa cách nghìn trùng, càng dùng ngôn ngữ để tiến lại gần nhau, càng thấy xa nhau.

Trong Đèn Cù, Trần Đĩnh kể chuyện một ông cụ thổi kèn Tây trong ban nhạc của triều đình Huế thời Bảo Đại, tập kết ra Bắc, sau ngày “chiến thắng” chỉ còn độc một đôi dép râu, không có cả…bít tất. Ông cụ nói như lời trăng trối: “- Cảm ơn ông, đoàn với ai, tụ với ai? Vợ con chưa biết hiện ở đâu, đi theo nhà khác mất rồi có khi. Họ hàng thì chết trong Tết Mậu Thân… Tôi về đó vẫn lại trơ làm thằng tập kết đợt hai trơ trọi một mình… Ra đi để thống nhất đất nước, bây giờ ai thống nhất với thân già tôi?”

   Trần Đĩnh cũng như triệu triệu người miền Bắc ngây ngô, mơ màng thằng dân trong này bị bóc lột tận xương tuỷ, không có nổi cái chén mà ăn cơm, trong hành lý vào Nam của Trần Đĩnh có năm bảy thứ cứu đói được mang vào, trong đó có cả một cái thùng nhựa đựng nước kẻo sợ trong Nam không có được cái miểng sành chăng?  Người ngoài Bắc nô nức đi Nam xem chúng nó bị bóc lột đến cỡ nào, không ngờ “trong kia dân nó ối chà giàu ơi là giàu. Vàng chỉ năm chục đồng Cụ một cây. Tủ lạnh vài chục đồng một chiếc. Lạnh cứ là liên lu liền lù suốt năm. Bảo cho tay vào lâu là hoá ra đá!” hay “buồng nào cũng máy lạnh. Xin lỗi anh, tôi thấy sướng nhất là đi toa lét!”

Dân miền Nam quả là không đợi không chờ ai  vào giải phóng. Câu chuyện của Minh Trường, nguyên phóng viên nhiếp ảnh TTX Bắc Việt, kể lại cái hí hửng của kẻ “giải phóng” khi vào Sài Gòn đã bị một thau nước lạnh dội vào mặt. Bà mẹ  ra mở cửa, thấy mặt anh thì vội vàng chấp tay lạy:

– “Anh còn sống thì tôi mừng nhưng anh về thì tất cả các đứa con bao lâu nay sống với tôi, chăm sóc phụng dưỡng tôi đều đã bị các anh lôi đi tù hết mất rồi. Anh về thì nhà này tan nát, thì tôi trơ trọi. Thôi, tôi xin anh, anh đi với đồng chí của anh đi cho mẹ con tôi yên!”

Lê Khắc Hoan, một ký giả, nhà văn cũng là nhà giáo “bên thắng cuộc,” đã viết cuốn “Trăm Năm Ly Hợp” nói về chuyện đoàn tụ và ly cách của dòng họ Lê Khắc từ một ngôi làng nhỏ của miền Trung sỏi đá: Văn Xá, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Sau 30 năm tập kết, cán bộ Bắc Việt Lê Khắc Hoan trở về, hí hửng tưởng bà con dòng họ này ai cũng chờ đợi, hân hoan đón tiếp.. Nhưng sự thật hoàn toàn khác những điều ông đã suy nghĩ! Ông về, vẫn mang theo loại chữ nghĩa nghịch với lỗ tai người miền Nam, có đoạn ca tụng “bác Hồ”, dùng chữ “ngụy quyền Saigon,” kêu gọi bà con “về đầu tư, xây dựng đất nước”, ca tụng làng Văn Xá Anh Hùng chống Mỹ (!), thiết nghĩ không có sức thuyết phục để anh em trong dòng tộc ngồi lại với nhau, mà chỉ gây thêm chia rẽ.

Nhưng khi tác giả trở về Nam, một số thân tộc đã bỏ nước ra đi, một số phải chịu cảnh tù đày, một số khác thất vọng, cay đắng, trừ những người ít bị thương tổn, không ai muốn liên lạc hay hợp tác, nhận họ với phía “giải phóng”. Ông tác giả này đã thú nhận gặp phải những sự lạnh lùng, ngỡ ngàng cay đắng, đã gửi đi hằng trăm e-mail, lời nhắn cho bà con, nhưng không hề được hồi âm, và ngay đối với người viết bài này, đứa em họ ở miền Nam, cũng ngần ngại không muốn cho tác giả biết địa chỉ, dù là địa chỉ e-mail. Ðiều này chứng tỏ, “miền Bắc nhận hàng” đã xong, nhưng miền Nam vẫn còn miễn cưỡng, chưa muốn “nhận họ”.

Cuối cùng, trong một sự thật cay đắng, người đi tập kết trở về đã phải thốt lên: “ … Các mảnh vỡ từ hai bên cố ráp vào vẫn rời ra, xộc lệch không tài nào ăn khớp!”

Sau 30 năm, khi con tàu xuyên Việt có thể nhả khói, kéo những hồi còi, chạy suốt, nối Hà Nội-Huế với Sài Gòn, nhân gian, bao nhiêu dòng họ tưởng là đoàn tụ, nhưng đây là lúc chia cách lớn nhất, không còn là vì khoảng cách của sông núi, mà bởi lòng người ly tán, tưởng chừng, rồi đây cả trăm năm sau, cũng chưa thể hàn gắn được

Để kết luận bài này tôi xin mượn lời của Lê Khắc Hoan, một nhà văn tập kết trở về sau ngày “thống nhất:” Hai phần ba thế kỷ trong vòng xoáy đối đầu tàn khốc, rốt cuộc, không một người nào ở phía nào được hạnh phúc vẹn tròn. Cho dù công danh hiển đạt. Cho dù vợ đẹp con khôn. Cho dù tiếng tăm lừng lẫy, chính trực nhân từ, tài ba uyên bác cũng nổi chìm quăng quật trong cuộc chiến đa diện, đa phương…”

Chúng tôi nghĩ khác, hạnh phúc sẽ được vẹn toàn, nếu từ nửa thế kỷ trước, nếu đất nước này không bất hạnh có nhân vật Hồ Chí Minh, mang chủ nghĩa Cộng Sản từ Liên Xô về để đày đọa dân tộc Việt Nam trong bao nhiêu năm. Chắc chắn chúng ta sẽ có “hạnh phúc vẹn toàn,” đó là ngày chế độ Cộng Sản tàn lụi trên quê hương Việt Nam.

(4- 2018)

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay