Văn hóa tự nguyện

Văn hóa tự nguyện

Cảnh sát giao thông Hà Nội nhận một tờ nghi là tiền từ một người vi phạm giao thông. Sau khi “clip mãi lộ” đăng trên mạng xã hội ngày 11 Tháng Ba, 2018, 20 cảnh sát giao thông thuộc các Đội Cảnh Sát Giao Thông số 3, 5, 6 (PC67, Công An thành phố Hà Nội) bị đình chỉ. (Hình: Tuổi Trẻ)

“Cũng bởi thằng dân ngu quá ‘lợn’
Cho nên quân ấy dễ làm quan!” (Tản Đà)

Một chế độ đào tạo ra những con người của đất nước luôn luôn hành động một cách tự nguyện, không cần roi vọt, không cần ai nhắc nhở, phải chăng là một chế độ “tuyệt hảo?”

Ngày “cách mạng” mới vô, nhân gian thuộc lòng cái thủ tục “đầu tiên” là “tiền đâu?” Điếu thuốc lá đầu lọc được rút trong túi ra, ly cà phê sữa đá hột gà được đưa tận tay, không ai yêu cầu nhắc nhở!

Trong phường khóm, ngoài khu phố, làm ăn phải nhớ là “đất có Thổ Công, sông có Hà Bá,” nhớ chung chi cho đủ, tránh chuyện sạt nghiệp, ra toà hay vào tù, bởi muôn nghìn lý do. Sinh nhật lãnh đạo, vợ con lãnh đạo hay ngày “tứ thân phụ mẫu” qua đời, đừng để ai kêu réo nhắc nhở, công xa nối đuôi trước nhà, với phong bao trong tay, tự động bước tới quan tài, để tiền bên cạnh bát hương.

Ông Bùi Thanh Hiếu, tức Người Buôn Gió, kể chuyện “đi nghĩa vụ” dưới chế độ, lính về nhà hằng tháng cứ đóng tiền, thỉnh thoảng đến đợt huấn luyện thì vào. Còn khi đi lao động thì hằng tháng đóng tiền được về nhà khỏi phải đi lao động. Thấy cách đóng tiền hằng tháng nó cũng lằng nhằng, ông bố làm giá luôn cho gọn với “ông quân lực.”

Thay vì lãnh hình phạt đào ngũ, Người Buôn Gió được đưa về làm “tà lọt” cho đại đội trưởng, Hiếu tưởng mình được may mắn. Thời hạn nghĩa vụ của Người Buôn Gió có 2 năm 8 tháng, trong khi các bạn cùng lứa phải hơn ba năm mới hết hạn phục vụ. Hỏi ra, ông bố đã chạy hay đã mất hai chỉ vàng, lúc nhận giấy xuất ngũ một chỉ, lúc về nhà đóng thêm một chỉ. Toàn là tự nguyện, thấy “những việc cần làm ngay” thì làm, chẳng có ai ra giá cả gì!

Đã mấy chục năm nay, giữa ban ngày ban mặt, ngay giữa ngõ vào Sài Gòn, người ở nước ngoài về, khi đi qua hải quan, phải tự động kẹp tờ đô la vào passport. Cũng không có bảng thông báo giá cả, không có lệnh lạc, xin xỏ gì. Cứ nhìn vào khuôn mặt, ánh mắt của hải quan mà tự nguyện, tự động móc túi. Ở chỗ công đường, đơn từ muốn giải quyết nhanh thì luôn luôn có tờ bạc, tờ “bác” kèm theo. Không có lòng tự nguyện thì phải từ bị thương tới chết, bị chết hay tự nguyện chết.

Tại tòa đại sứ CSVN tại Kuala Lumpur, Malaysia, một phụ nữ Việt Nam tên Bạch Mai đã tự sát bằng dao, vì bị các nhân viên tòa đại sứ này từ chối làm thủ tục cho cô về nước. Thông hành của cô có hiệu lực trong 10 năm, trong khi cô chỉ mới nhập cảnh Malaysia cách đây bốn tháng. Đây rõ ràng là một sự xung đột văn hóa đưa đến cái chết oan khuất của cô. Quan chức Cộng Sản bản chất đã mang thứ văn hóa bôi trơn, văn hóa phong bì, người phụ nữ khốn khổ kia lại thiếu văn hóa tự nguyện, đành phải chọn văn hóa… tự sát.

Chạy xe ra đường, dù là loại xe nào, khi thấy mình có lỗi, hay có cảm tưởng rằng mình không có lỗi, bị công an đứng đường thổi còi chận lại, thì phải tự xét mình, “mỗi cái tóc là mỗi cái tội,” có văn hóa tự nguyện, thì tự động móc túi, giá cả theo buổi chợ. Dân vốn ngoan lẫn ngu, đưa tiền xong còn cảm ơn người thò tay ra nhận, coi mình như vừa được đại diện đảng và chính phủ ban phát đặc ân. Đó là “ơn đảng!”

Báo Dân Trí đưa tin, trả lời phỏng vấn tại hành lang Quốc Hội, đại biểu Quốc Hội Nguyễn Bá Thuyền nói với báo chí: “Có bộ trưởng đã phát biểu là cán bộ tôi không bao giờ đòi hối lộ cả, chỉ tại dân đưa, bởi thực tế, chúng tôi chỉ gây khó khăn, anh phải đưa tiền, không phải đòi.”

Cán bộ của ông bộ trưởng kia không ai đòi hối lộ cả. Thậm chí, người đưa tiền còn bị mắng cho là… không biết cách đưa, và vì hối lộ là tội hình sự. Song, có văn hóa tự nguyện thì quan chức chỉ “gây khó khăn thôi, còn việc đưa tiền là do anh!”

Cứ thử lên chốn công quyền nhờ việc gì đó, dù đó là công việc phục vụ của cán bộ, công chức, họ hạch sách đủ kiểu với hàng trăm lý do. Một trong những lý do là… thủ trưởng đi vắng, và dân hôm nay đợi, ngày mai đợi, ngày kia đợi… đợi mòn mỏi, đợi đến lúc phải có hành động tự nguyện.

Dạy cho người dân có tập quán và hành động tự nguyện không phải đất nước nào cũng làm được, mà phải được un đúc từ đường lối và nghệ thuật cai trị, “học tập và làm việc theo đường lối,” kinh qua một thời gian nhất là 70 tuổi đảng!

Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng, phải biết “tự nguyện” mới xong việc này!

(Huy Phương)

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay