Ngân Hàng Nhà Nước CSVN phủi trách nhiệm tiền dân gửi bị ‘bốc hơi’

Ngân Hàng Nhà Nước CSVN phủi trách nhiệm tiền dân gửi bị ‘bốc hơi’

Bà Nguyễn Thị Hồng, phó thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước CSVN. (Hình: VietTimes)

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “Những người gửi tiền nên thường xuyên đến trụ sở ngân hàng thực hiện giao dịch, kiểm tra số dư thường xuyên. Khi phát diện dấu hiệu bất thường thì phải báo ngay cho ngân hàng, cơ quan nhà nước để ngăn chặn hành vi chiếm đoạt.”

Báo VNExpress thuật lại lời yêu cầu của bà Nguyễn Thị Hồng, phó thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước CSVN, với những “thượng đế” của hệ thống ngân hàng khi gửi tiền vào ngân hàng thì “phải có nhiệm vụ” kiểm tra số tiền gửi, để tránh việc tiền gửi tiết kiệm của mình tại ngân hàng bị “bốc hơi.”

Nhiều Facebooker xem phát ngôn của bà Hồng là cách phủi trách nhiệm của Ngân Hàng Nhà Nước CSVN và đẩy rủi ro về phía người gửi tiền, cũng như tạo tiền lệ giúp các ngân hàng thương mại “né tránh” việc đền bù mỗi khi xảy ra việc tiền gửi bị “bốc hơi.”

Từ khi vụ bê bối ở Eximbank được công bố hồi tháng trước, mạng xã hội đã dấy lên lời kêu gọi Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước CSVN Lê Minh Hưng cần lên tiếng yêu cầu Eximbank trả lại tiền ngay cho khách hàng để “củng cố niềm tin vào ngân hàng của người dân,” cũng như bảo vệ uy tín của người đứng đầu ngành ngân hàng. Tuy vậy, đến thời điểm này, người ta thấy ông Hưng vẫn im thin thít và không cho thấy việc Ngân Hàng Nhà Nước “sẽ có hướng xử lý rốt ráo vụ tiền gửi của khách hàng bị mất.”

Luật Sư Lê Công Định bình luận trên trang Facebook cá nhân: “Nếu người gửi tiền quên kiểm tra vì tin tưởng ngân hàng và bị mất tiền, thì ngân hàng có quyền vô trách nhiệm, và khi đó quyền lợi của người gửi tiền sẽ được bảo đảm bằng cách kiện ra tòa và chờ tòa xét xử theo hướng bắt và tuyên án kẻ lừa đảo? Ngoài ra, thế nào là ‘thường xuyên?’ Mỗi tháng, mỗi tuần, mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút hay mỗi giây? Phát biểu của bà phó thống đốc cho thấy hệ thống ngân hàng thương mại được nhà nước bảo kê sẵn sàng phủi trách nhiệm khi xảy ra mất tiền, với lý do đơn giản là người gửi tiền không thực hiện nghĩa vụ ‘thường xuyên’ kiểm tra tài khoản tiền gửi.”

“Tôi ủng hộ quan điểm này của Ngân Hàng Nhà Nước, bởi như thế dòng tiền sẽ không vào hệ thống ngân hàng để chảy vào nền kinh tế nữa. Thiếu máu tự khắc nền kinh tế sẽ sụp đổ, và tiến trình chuyển đổi chính trị sẽ nhanh chóng hơn. Đây chính là sự tự chuyển hóa tư tưởng ở cán bộ lãnh đạo cấp cao,” ông Định viết trên Facebook. (T.K.) 

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay