Người nghèo Việt Nam mắc bệnh thận chỉ biết ‘bó tay’

Người nghèo Việt Nam mắc bệnh thận chỉ biết ‘bó tay’

Nguoi-viet.com

Một bệnh nhân đang được lọc thận ở Việt Nam. (Hình: dieuduongngoai.com)

HÀ NỘI (NV) – Một bản tin gần đây của tổ chức quốc tế Oxfam cho hay, bị bệnh tiểu đường giai đoạn cuối, chỉ những người giầu có mới có khả năng tiền bạc để thay thận, kéo dài cuộc sống.

Oxfam nêu ra sự bất bình đẳng xã hội này khi dẫn trường hợp một phụ nữ tên Oanh, 27 tuổi, cư ngụ ở vùng nhà quê huyện Mê Linh, Hà Nội, gặp rất nhiều khó khăn tài chánh trong đời sống hàng ngày và phải dọn nhà tới khu vực gần trung tâm thành phố để thuận tiện cho việc “chạy thận nhân tạo” mỗi tuần lễ 3 lần.

Tuy có bảo hiểm y tế trả cho phí tổn chạy thận nhưng tiền mua thuốc uống thì phải tự túc. Vì quá nghèo, chị không có tiền thay ghép thận vì tốn phí ít nhất phải từ trên 180 triệu đồng Việt Nam (khoảng $9,000) trở lên, chị không đào đâu ra được.

“Tôi cảm thấy buồn cho hoàn cảnh của tôi vì thấy không có khả năng trả tiền mua thuốc. Những ai có thể trả được phải là những người khỏe mạnh hơn. Tôi cảm thấy đời tôi quá khó khăn và tôi bị kẹt. Thật bất công.” Lời chị Oanh được dẫn lại trên bài viết của Oxfam.

Chị Oanh chị kiếm được khoảng một triệu đồng một tháng nhờ đi vòng quanh bán nước trà ở ngay trong bệnh viện, số tiền dùng cho các chi phí chữa bệnh. Nhưng nếu bị bắt và bị cấm bán thì chị sẽ không biết xoay xở ra sao.

Lợi tức của người bạn trai của chị cũng chỉ đủ để trả các chi phí cần thiết như tiền thuê nhà, tiền ăn. Cha mẹ của chị đã phải bán hết ruộng đất lấy tiền giúp con đối phó với chứng bệnh, nhất là khi có chuyện khẩn cấp.

“Khi nào trong nhà có người bị bệnh, tất cả các gia đình đều phải vay tiền. Nếu nhà cầm quyền hỗ trợ khi người ta ốm đau, tôi có thể ít khó khăn hơn. Đời tôi không đến nỗi quá khó khăn.” Chị Oanh tâm sự.

Theo lời chị Oanh kể, cả chị và gia đình đều kẹt cứng trong vòng xoay nợ nần. Chị cũng như người bạn trai không dám nghĩ tới kết hôn hoặc có con vì vừa bệnh tật hiểm nghèo lại không có nguồn lực tài chính như đang vây chặt lấy họ. Thay thận để gia tăng phẩm chất cuộc sống cũng như khả năng kéo dài cuộc sống còn không có, nghĩ thế nào được những cái khác.

Mỗi năm, khoảng hơn 10,000 người ở Việt Nam cần được thay ghép thận. Hai năm trước, từng có một số bài viết nói về những người nghèo tại một làng thuộc tỉnh Cần Thơ đã theo nhau đi bán bớt một trái thận để giải quyết các khó khăn tiền bạc trong đời sống.

Tuy các bản thống kê hàng năm đều nói nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng, lợi tức đầu người trung bình được tới 2,000 đô la/năm, nhưng không có tên chị Oanh và gia đình chị trong đó. Hiện vẫn còn khoảng 13 triệu người Việt Nam sống bên dưới mức nghèo khó, phần lớn sống tại các khu vực nông thôn hoặc các miền núi.

Theo bản tường trình mới được Oxfam công bố, nhà cầm quyền hô hào công bằng xã hội, “tiến lên Xã Hội Chủ nghĩa” nhưng khoảng cách về thu nhập giữa nhóm giàu nhất và nghèo nhất ở Việt Nam ngày càng lớn.

Người giàu nhất Việt Nam có thu nhập trong một ngày cao hơn thu nhập của người nghèo nhất Việt Nam trong 10 năm. Trong một giờ, người giàu nhất Việt Nam có thu nhập từ nguồn tài sản cao hơn gần 5,000 lần thu nhập của nhóm 10% nghèo nhất Việt Nam.

Theo Oxfam, thu nhập trong một năm của nhóm 210 người siêu giàu ở Việt Nam dư sức để đưa 3.2 triệu người thoát nghèo. (TN)

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay