Mẹ, động lực tình yêu cho cuộc đời
Đoàn Thị Sáu vẫn cố gắng hết sức đi lượm ve chai đem bán mỗi ngày
WGPSG — Câu chuyện cảm động giữa đời thường
Trên trang báo mạng có đăng một câu chuyện với tựa đề “Mẹ già gần 70 tuổi nhặt ve chai nuôi 2 con tâm thần”. Người mẹ ấy tên là Đoàn Thị Sáu (ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai). Già rồi, bệnh tật nhiều, bà vẫn cố gắng hết sức đi lượm ve chai đem bán mỗi ngày. Bà lấy chồng năm 22 tuổi, sinh được 3 người con trai. Thế nhưng, thật trớ trêu, chồng và hai người con trai của bà đã vĩnh biệt bà. Thật ngậm ngùi và xót xa. Tác giả bài báo này viết như
sau: “Chiều về trong căn nhà nhỏ thật buồn: con trai ngồi nhe răng cười vô hồn, con gái thu mình trong góc nhà ẩm tối; còn bà cụ nước mắt ngắn dài. Ở độ tuổi thất thập, dù mắc nhiều căn bệnh khó chữa nhưng bà vẫn phải oằn lưng kiếm từng đồng lẻ.”
Bạn thân mến, câu chuyện trên đây gợi ta nhớ tới sự hy sinh âm thầm và quả tim vĩ đại vô bờ bến của những người Mẹ giữa đời thường hôm nay. Ngày Lễ Vu Lan (31.08.2012) mới vừa diễn ra cách đây một tuần lễ. Người ta cài lên chiếc áo của mẹ chiếc bông hồng. Đó là loài hoa của tình yêu. Đó là nghĩa cử của tình yêu. Và động lực để Mẹ sống trong cuộc đời này là động lực tình yêu. Vậy, bạn và tôi trải nghiệm “Mẹ, động lực tình yêu cho cuộc
đời” như thế nào?
Mẹ hy sinh trong âm thầm vì yêu thương con
Trước hết, động lực tình yêu của Mẹ được thể hiện bằng sự hy sinh âm thầm cho con cái. Điều này đã được thể hiện cụ thể nơi cuộc đời của người mẹ già gần 70 tuổi trong câu chuyện trên đây. Tác giả diễn tả sự hy sinh của bà như thế này: “Ở độ tuổi thất thập, bà vẫn phải oằn lưng nuôi con. Vài chục ngàn từ gánh ve chai chỉ có thể lo cho 3 mẹ con rau cháo qua ngày. Hằng ngày phải chăm sóc, tắm giặt cho con đã lấy đi của bà Sáu không biết
bao nhiêu sức lực. Vì tuổi cao sức yếu cộng với sự thiếu thốn trăm bề nên nhiều năm nay, bà Sáu mang trên mình các căn bệnh khó chữa: hen phế quản, suy tim độ 2 do suy mạch vành, tụt huyết áp…”. Bà cụ tâm sự cảm động: “Một tháng 30 ngày, hết 20 ngày tôi nằm điều trị ở BV đa khoa Dầu Giây rồi. Uống thuốc nhiều hơn là ăn cơm. Chỉ tội cho 2 đứa con vất vưởng. Đi lên đây mà ruột gan cứ nóng hừng hực…”
Bạn thân mến, nếu không có tình yêu thì người mẹ già trên đây đâu đủ sức hy sinh phi thường như thế. Hy sinh sống ở căn nhà cũ kĩ, nghèo nàn hơn 10 năm. Hy sinh lao động cực nhọc vất vả suốt ngày để kiếm tiền lo cho 2 người con bệnh tâm thần. Bởi thế, nếu không có hy sinh thì tình yêu trở nên vô nghĩa. Nếu không có tình yêu thì không thể hy sinh. Cho nên, Marie Antoinette đã cảm thấu: “Không ai có thể hiểu những đau khổ của tôi, hay
nỗi kinh hoàng dâng lên trong lồng ngực, nếu người đó không hiểu trái tim của một người mẹ.” Còn Thánh Augustinô thì khẳng định: “Hãy yêu đi rồi muốn làm gì thì làm.” Điều này phải chăng được thể hiện cụ thể nơi những hy sinh âm thầm của Mẹ giữa cuộc sống đời thường hôm nay?
Mẹ luôn tha thứ và che chở đời con
Tiếp đến, động lực tình yêu nơi Mẹ được thể hiện qua tha thứ và che chở đời con. Từ thuở chúng ta còn trong nôi, Mẹ luôn dõi mắt chăm nom và bảo vệ từng giấc ngủ của chúng ta. Lời ru của Mẹ, bàn tay của Mẹ đút ta từng bữa cháo, từng ly sữa khi ta còn tấm bé. Đến khi ta lớn khôn, ánh mắt và bàn tay ấy vẫn dõi theo cuộc đời chúng ta. Thật vậy, Mẹ lúc nào cũng muốn bảo vệ và che chở con cái của mình. Cho dù con mình có bệnh hoạn, tật nguyền hay bị người ta khinh ghét nhưng mẹ vẫn luôn là điểm tựa chắc chắn cho cuộc đời của con cái mình. Thế nên, bạn Vũ Vinh Quang tâm sự nỗi lòng nhớ mẹ như sau: “Những lúc gặp nhiều rắc rối trong cuộc sống, gặp những điều không ưng ý, hay là khi qua đây, mỗi khi làm việc vất vả quá, những lúc cảm thấy cô đơn, buồn quá thì Quang nghĩ đến Mẹ nhiều. Ngay cả trong giấc ngủ, từ lúc qua đây đến giờ đã 3 năm rồi, Quang nằm mơ thấy Mẹ liên tục. Nói chung, thường những lúc mình cảm thấy chán nản trong cuộc sống thì Quang hay mơ đến Mẹ, giống như là Mẹ tạo cho mình niềm tin động viên vậy đó.”
Tôi biết được hoàn cảnh cảm động của một người chị ở một vùng quê nghèo. Chồng chị mất sớm với chứng bệnh ung thư cổ. Chị phải sống trong cảnh “gà mẹ nuôi con” cho tới giờ phút này. Bây giờ ba người con trai của chị đều học hành đến nơi đến chốn. Ngẫm nghĩ mới thấy chị thật tuyệt vời. Luôn chăm sóc, che chở và bảo vệ con. Bởi vậy, cũng không lạ gì khi Mẹ tôi thường bảo rằng: ‘Người ta có nói gì thì nói, ghét gì thì ghét nhưng Mẹ làm sao bỏ con cái của mình cho được.” Quả thật, Mẹ lúc nào cũng đón nhận và tha thứ cho con. Dù con có lỗi lầm, sa ngã. Dù con có thất bại hay thành công. Thử hỏi, nếu không có tình yêu thì làm sao có sự tha thứ của Mẹ trong cuộc đời này?
Mẹ, động lực tình yêu cho con cái và cho cuộc đời
Bạn thân mến, thật hạnh phúc khi Thượng Đế ban cho chúng ta những người Mẹ trong cuộc đời. Mẹ luôn sống vì và cho tình yêu. Bởi thế, diễm phúc cho những ai còn Mẹ trong cuộc đời này. Phải chăng, mất cha là mất cả một bầu trời và mất Mẹ là mất cả một cuộc đời? Mẹ là minh chứng của giá trị tình yêu cho cuộc đời. Bởi vậy, bổn phận là con cái, chúng ta cần phải làm gì? Có bao giờ, bạn và tôi đã đọc được những câu ca dao hỏi lòng như thế này: “Mẹ anh quần quật một đời. Sao anh ngoảnh mặt anh cười cợt hoa … Mẹ anh lội bụi lội bờ. Sao anh áo lụa quần tơ ngày ngày. Mẹ anh bụng đói thân gầy. Sao anh vui thú mâm đầy cỗ cao?”
Ngày Lễ Vu Lan qua đi nhưng âm hưởng của nó vẫn còn vang lên tình yêu của Mẹ. Vì thế, đã có những dòng cảm thấu động lực tình yêu của Mẹ nơi những người con thật đáng trân quý. Chẳng hạn cảm nhận của một người con mới chập chững bước chân vào đời như sau: “Em nghĩ tới Mẹ lúc em đi học về, lúc em đói bụng. Nghĩ hồi trước về nhà, đi học về, có Mẹ nấu đồ ăn, có cơm sẵn cho mình ăn. Bây giờ, đi học về, ngồi gặm bánh mì thui thủi một mình hay nấu mì gói.” Hay như bạn Trần Trung Đạo mồ côi Mẹ đã cảm thấu Mẹ là tình
yêu vĩ đại bằng những câu thơ thấm thía như sau: “Giá mà tôi đổi thời gian được. Ðổi cả thiên thu tiếng Mẹ cười.” Hay một người con hiếu thảo nào đó đã trải nghiệm: “Con dù lớn vẫn là con của Mẹ. Đi hết đời lòng Mẹ vẫn theo con.”
Vậy, động lực của mỗi Kitô hữu chúng ta sống trong cuộc đời này là gì? Phải chăng đó là động lực tình yêu như những người Mẹ đã sống? Phải chăng đó là một cuộc đời luôn quy hướng về Thiên Chúa là cội nguồn của tình yêu như Thánh Gioan định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8)?
nguồn:Maria Thanh Mai gởi