Niềm tin có Chúa ở cùng.
Tác giả Phùng văn Phụng
Trong cuộc đời mỗi người, ai ai cũng có những biến cố vui, buồn, đau khổ hay hạnh phúc, riêng tôi, tôi đã ghi nhận vài sự việc sau đây, với cái nhìn của đời sống tâm linh, tôi nghĩ là tôi đã “có Chúa ở cùng” trong cuộc đời trôi nổi của tôi:
I ) Những điểm nổi bật cần ghi nhận như sau:
- 1) Tôi bị tai nạn hồi còn nhỏ lúc 7, 8 tuổi. Ngồi trên bàn, phía sau bàn là tủ kiếng chứa đồ tạp hóa, sơ ý, tôi ngồi bật ngửa ra sau, té, đập đầu sau ót vào tấm kiếng. Chở lên nhà thương quận cách chợ núi khoảng 5,6 cây số bằng xe ngựa. Sau khi khám vết thương, kiếng chỉ đâm vào giữa hai đưòng gân, không chạm vào đường gân nào hết. Chích thuốc cầm máu, rửa vết thương, băng bó và cho về nhà ở với ông cậu bảy. Thoát chết.
- 2) Năm 1978, khi cộng sản đưa chúng tôi từ Lào Cai về Vĩnh Phú trên chiếc xe bít bùng, xe chạy trong mưa gió. Hai người tù chúng tôi bị còng chung với nhau trong một cái còng. Tay người tù này bị còng chung tay với người tù kia . Chúng tôi lên xe trước, ngồi gần tài xế. Khi đổ đèo, xuống dốc, tất cả mấy chục người phía sau xe đổ dồn một lúc lên phía trước, đè lên người tôi, ngộp thở. Tưởng chết, nhưng chưa chết. Khi đỗ đèo, dưới cơn mưa tầm tả, sợ rơi xuống đèo, nhưng nhờ trời thương vẫn về tới trại giam Vĩnh Phú. Tôi cũng không chết.
- 3) Sống ở trại tù K3 Vĩnh Phú chịu đựng cái lạnh thấu xương, chắc khoảng 10 độ C, gió bấc, mưa phùn liên tục hơn hai tháng. Dầu trời lạnh và mưa gió như thế, chúng tôi phải đi ra đồng nhổ cỏ, trồng khoai lang, khoai mì. Gió lạnh, mưa phùn lất phất suốt ngày đêm. Chúng tôi tù nhân bị đói triền miên. Đói quá anh em thường nói “con gì nhúc nhích thì ta ních liền” .
Ăn rau tàu bay, rau má, rau dấp cá, lá khoai mì … con nhái, con cá, con đuông… đói quá, có người ăn cóc, nướng sơ sơ mà ăn nên bị trúng độc mà chết .
Buồi sáng đi làm, buổi chiều về trại, áo quần ướt hết, không thể khô được. Ngày hôm sau mặc áo ướt đó lại đi ra đồng, dưới trời mưa phùn, gió bấc vừa đói, vừa lạnh . Mỗi ngày chỉ ăn bo bo không xay, loại bo bo cho trân bò ăn . Ăn vô 10, 15 phút sau thì tống ra ngoài hết . Ăn khoai mì lát hay củ khoai mì chỉ có hai đầu toàn xơ không có bột . Ăn vô, mấp mấp lấy nước rồi nhả ra hết . Loại khoai mì người dân miền Bắc đóng nghĩa vụ, đóng thuế. Canh rau muống vài cọng rau với nuớc muối . Một năm được ăn thịt ba lần ngày 2 tháng 9, Tết ta và ngày 30 tháng 04. Có lần nấu da trâu, ninh hơn một ngày, một đêm rồi phát cho tù ăn.
Sau vài tháng ở Vĩnh Phú, anh em tù nhân chỉ còn là những bộ xương cách trí biết đi . Cứ vài ngày đóng hòm đưa tù nhân ra chôn. Anh Quế là Giáo sư trung học, người Quảng Nam, đi tù vì tham gia đảng Dân Chủ. Anh người ốm yếu,vì ăn thiếu thốn, bị đói mà còn cuốc đất vất vả nữa , nên anh bị kiệt sức . Một hôm, đang đêm khuya người bạn nằm gần bên la lớn lên “Anh Quế chết rồi.”
Bị bỏ đói triền miên như vậy tôi thường xuyên bị cảm, cứ mỗi lần đi ra đồng trở về là tôi bị cảm . Nóng hâm hấp. Tim đập mạnh . Y tá trại nói tôi bị bịnh tim. Chân bước lên thềm không nổi phải lấy tay nâng đỡ chân lên. Đi muốn không nổi. Cảm tới, cảm lui hoài Thường xuyên ăn cháo. Chân bị phù thủng . Bạn bè ra đi nhiều quá .Tôi nghĩ rằng chắc sẽ tới phiên mình không biết lúc nào ? Chắc sẽ không còn nhìn thấy gia đình, cha mẹ, vợ con. Vậy mà tôi không chết nên bây giờ mới viết bài này.
- 4) Chuyển về trại giam K4 Vĩnh Phú bị sốt vàng da, đi không nổi, anh bạn cỏng lên bịnh xá, nhờ có bác sĩ Thịnh trữ thuốc trụ sinh trị mới hết bịnh sốt vàng da này. Ở đây người ta gọi là Mai Côi ,Thác Guồng, nằm giữa thung lũng chung quanh là rừng núi, ban đêm chỉ nghe tiếng chim kêu “bắt cô trói cột” mà thôi. Nơi đây, anh em tù ở ngoài Bắc gọi là nơi “đi dễ khó về”, bị đày đến đó rồi khó mà sống sót trở về nhà.
- 5) Qua tới Mỹ một tai nạn tưởng như đã ra đi . Đang chạy trên đường Beechnut, đến ngả tư đường wilcrest, đèn xanh vừa bật lên tôi tiếp tục chạy tới bình thường . Nhưng xe bên trái của tôi chạy trên đường wilcrest, vượt đèn đỏ, đâm vào đầu xe của tôi làm cho xe tôi quay 90 độ. Nhờ đâm vào gốc của đầu xe nên xe tôi xê dịch, người không sao, nhưng xe thì bị hư hại nặng . Nếu tôi chạy nhanh hơn chừng hai giây thì xe bên trái đã đụng ngay vào chỗ ngồi của tôi, không chết thì cũng bị thương nặng vì họ vượt đèn đỏ và chạy rất nhanh . Tôi lại thoát chết .
II ) Suy ngẫm: Nếu nhìn vào cuộc sống bằng cái nhìn tâm linh thì trong suốt cuộc đời tôi, tôi phải tạ ơn Thiên Chúa và Đức Mẹ vì nhiều lần tôi suýt chết, mà không chết.
Phải tạ ơn Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh (1) dù thành công hay thất bại cũng phải tạ ơn .Tạ ơn khi thất bại mới có ý nghĩa, vì biết đâu thử thách này để mình cần Chúa hơn , cần cầu nguyện với Chúa, xin Chúa nâng đỡ mình, an ủi mình, mình sẽ càng gắn bó, gần gủi với Chúa nhiều hơn .
Có những điều chúng ta hiểu biết được do kiến thức của chúng ta. Nhưng hiểu biết của chúng ta luôn luôn bị giới hạn . Tất cả biến động của thế giới hay của một nước thì vô cùng. Làm sao biết hết được.
Cho nên phải cầu nguyện trong mọi sự và mọi sự đều phải cầu nguyện .
Trước năm 1975 tôi đâu có thể tin rằng miền Nam thua miền Bắc được. Một thế giới tự do văn minh không thể thua một chế độ độc tài, man rợ.
Và đâu có ai tin rằng phía đã chiến thắng rồi còn giam giữ người thua trận đến thời gian
quá lâu dài đến như thế. Nhiều người ở tù 10, 15 năm, 17 năm.
Làm sao biết được có chương trình H.O. ra đi trong trật tự .
Làm sao biết được công ăn việc làm sẽ ra sao ? khi qua Mỹ sinh sống.
Nếu nhìn mọi sự việc với cái nhìn của đời sống tâm linh thì ta cũng phải tạ ơn Chúa mọi việc, ngoài khả năng tính toán của ta.
Câu chuyện “tái ông mất ngựa” hay chuyện “thánh Gióp” nói lên rất nhiều ý nghĩa của cuộc đời chúng ta. Lúc sung sướng, lúc khổ sở, lúc có công ăn việc làm, lúc thất nghiệp, lúc nghèo, lúc khá giả, lúc khỏe mạnh, lúc đau yếu. Làm sao ta có thể biết trước được. Cho nên phải chấp nhận cuộc đời, chấp nhận mọi sự, tạ ơn Chúa khi thất bại, đau khổ, thì cuộc sống ta mới bình an được.
III ) Kết : Trong gia đình tôi có Bác hai là người biết trước được ngày chết của mình. Hôm đó ông tắm rửa sạch sẽ, măc bộ đồ trắng, thắp nhan trên bàn thờ , rồi ông nằm trên giường và ra đi trong bình an không than khóc.
Một người khác cũng trong dòng họ tôi gọi là ông Út, ông thường ngồi thiền . Ông cũng biết được ngày mất. Ông ngồi thiền khoảng 7 ngày và ông đã ra đi trong lúc ngồi thiền . Hòm để chôn cất ông có hình bát giác.
Khi làm đám tang, bà út,vợ ông khóc, người con trai là chú sáu Rẩy kéo ra phía sau nói: “Tía dặn chết không được khóc sao má lại khóc.” Vì vậy, bà út khi khóc phải ra phía sau nhà mà khóc, chứ không khóc ở nhà trên lúc có nhiều người bà con đến thăm viếng nữa.
Tôi cứ suy nghĩ hoài: “Làm sao lúc ra đi, lúc chết, người thân xung quanh đều khóc lóc mà mình ra đi thì mỉm cười”.
Tác giả Phùng văn Phụng
(1) Thơ của Thánh Phao lô (1TX5, câu 17)
viết xong ngày 27 -02-2016