Tùy bút: Ơn Cho Người Ngoại Đạo

Tùy bút: Ơn Cho Người Ngoại Đạo

Trần Du Sinh

Trở về Châu Âu sau mười một năm kể từ ngày tốt nghiệp. Kỷ niệm một thời của du học sinh đến từ xứ xã hội chủ nghĩa với biết bao bỡ ngỡ khi tiếp xúc với văn minh và tự do Tây Bắc Âu vẫn còn nguyên.

ON NGOAI DAO

Lâu nay đi làm ở Hoa Kỳ nên thời gian đôi khi lại quý hơn cả tiền bạc, nên tôi “tranh thủ” về thăm lại cái nơi đã dạy tôi về sự tự do và trung lập trong tư tưởng, tránh văn hóa bầy đàn và tẩy đi nhiều tỳ vết trong não do bị nhồi từ khi vào lớp một ở Việt Nam.

Chuyến bay về lại Mỹ chỉ còn trống sáng mồng hai Tết, vì tôi mua vé vào giờ cuối nên không có nhiều chọn lựa. Tối mồng một Tết, tôi quyết định tới sân bay Munich ngủ lại qua đêm vì sợ nhỡ chuyến bay sớm về lại Mỹ. Cơ hội có một ghế ngồi trong vài chuyến kế tiếp sau khi dân tình ăn Tết xong là xa vời nên dù không được thoải mái nhưng tôi quyết định chợp mắt trong sân bay, vì không muốn bị nhỡ chuyến bay.

Tới phi trường khá trễ, mọi quán ăn trong khu nhà chờ đều đóng cửa. Thấy hơi khát nước nên tôi kéo lê vali tìm máy bán thức uống tự động. Đi lang thang trong sân bay vắng lặng ngay lúc giữa đêm, tôi bắt gặp ánh mắt của một bà cụ đang nhìn tôi chằm chằm nơi góc ghế ngồi chờ. Bà ngoắc tay ra dấu muốn nói chuyện với tôi.

Khi đang tiến gần tới tôi thấy một bà cụ nhìn rất giống Nữ Hoàng Anh nhưng ăn mặc cũ kỹ kiểu người ăn mày ngoài phố, chỉ khác là quần áo tuy cũ nhưng sạch sẽ. Bà lên tiếng muốn giúp đỡ, có lẽ nhìn tôi giống như đang đi lạc vì mắt dáo dác nhìn xung quanh. Tôi nói là mình khát nước và đang tìm cái gì để uống. Bà thò tay vào túi xách lấy ra một chai nước còn nguyên nắp rồi đưa cho tôi. Tôi ngỏ ý muốn mua lại nó nếu bà vẫn còn nước cho mình. Bà giơ chai nước khác còn khá đầy nên tôi yên tâm cầm lấy chai nước mới kia. Đồng thời tôi chìa bàn tay còn lại đưa ra một nhúm tiền lẻ Euro. Bà vui vẻ nhận lấy hai Euro. Rồi chúng tôi bắt đầu nói chuyện.

Tôi rất đỗi ngạc nhiên về kiến thức của bà. Bà nói về thảm hoạ Sóng Thần ở Nhật Bản và lũ lụt ở Châu Âu. Bà nói đó là sự giận dữ của Chúa. Có thể ai đó cho rằng bà bị tâm thần nhưng cách bà nói không phải như vậy. Bà ăn nói rất sắc sảo và thông điệp rõ ràng trong từng lời nói.

Tôi bắt đầu nghiêm túc lắng nghe hơn. Bà hỏi tôi từ đâu đến, tôi trả lời mình là người Việt sống ở Mỹ. Rồi bà nói về chủ nghĩa cộng sản và sự sụp đổ của bức tường Bá Linh. Và hậu quả của nó là bọn trộm cắp móc túi đến từ Đông Âu như Bungari hay Rumani len lỏi khắp Tây Âu. Và bọn giang hồ mafia, đĩ điếm đến từ Nga làm xấu đi hình ảnh các thành phố lớn và đạo đức ở các xã hội Tây Âu cũng suy đồi theo. Tôi không thể không đồng ý với bà sự sự tàn phá giá trị đạo đức Ki-tô giáo bởi chủ nghĩa cộng sản, và hậu quả là thế giới văn minh phải gánh chịu. Bà cụ còn nói thêm là “Chúa rất buồn lòng về chuyện này”.

Để tránh đi sâu vào vấn đề tôn giáo, tôi nói với bà là tôi không phải người có đạo Ki-tô giáo nhưng vẫn tin vào Chúa Trời. Tôi cũng giải thích là mình không có quyền lựa chọn nơi mình sanh ra và tôn giáo mình được nuôi dưỡng từ nhỏ.

Bà hỏi tôi ở Mỹ lâu chưa. Tôi trả lời là 11 năm. Bà tiếp lời nói: “Nước Mỹ từng là đất được ơn Chúa. Nhưng các chính trị gia đương thời đang đánh mất phước lành của Chúa.”

Đã đến giờ check-in. Tôi giã biệt bà để tới quầy gởi hành lý. Khi chuẩn bị bước qua cổng an ninh thì tôi mới nhớ là chai nước vẫn còn đầy, mà quy định sân bay lại không cho đem qua cổng an ninh. Tôi đứng tại chỗ ráng uống cho hết chai nước, rồi quyết định trở lại nói vài lời chia tay với bà mà không hiểu tại sao mình muốn làm vậy.

Tôi thấy bà đang nằm ngủ yên bình trên băng ghế chờ. Tôi tới gần ngỏ ý giúp bà một ít tiền. Bà ngồi dậy, mỉm cười nói: “Bình thường thì tôi không nhận bố thí. Tôi làm việc cho Chúa. Nhưng tôi sẽ nhận ơn phước của anh. Tôi sẽ cầu nguyện cho anh.”

Tôi tặng bà 20 Euro và nói lời giã biệt một lần nữa. Trước khi tôi rời bước, bà nói: “Một ngày nào đó chúng ta sẽ gặp lại. Anh sẽ biết tôi ở đâu. Anh sẽ tìm tới tôi và cho tôi biết điều mới mẻ. Anh sẽ rất sáng suốt.”

Bước đi với một chút hoang mang, tôi tự hỏi mình, “Làm sao mà tôi có thể gặp lại bà lão nhìn trên 70 tuổi này ở Mỹ? Bà có thể đi xa được bao nhiêu, và sống bao lâu nữa?”

Đi xa được một chút, tôi lại băn khoăn tự hỏi mọi chuyện sao lại xảy ra trong ngày đầu tiên của năm mới, phải chăng đó là ơn cho người ngoại đạo như tôi?

Trần Du Sinh

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay