Những kỷ niệm thật đáng nhớ với anh Lưu Trung Khảo
Hồi tưởng của Đoàn Thanh Liêm
* * * Anh Khảo cùng theo học tại Trường Chu Văn An tại Hà nội với số
đông bạn đồng môn chúng tôi và cùng tốt nghiệp văn bằng Tú Tài 2 năm
- Sau đó, thì chúng tôi cùng di chuyển vào miền Nam và cư ngụ bên
nhau tại các cơ sở dành riêng cho sinh viên di cư vào thời gian ban đầu trong
các năm 1954 trở đi. Và từ vài chục năm nay, chúng tôi lại gặp nhau thường
xuyên trên đất Mỹ qua những sinh họat về văn hóa xã hội – đặc biệt là trong
tổ chức Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam.
Nay anh vừa mới ra đi, tôi xin ghi lại một số kỷ niệm thật đáng nhớ với người
bạn đồng môn, đồng khóa đã có duyên gắn bó thân thiết với nhau từ trên 60
năm trước. Xin lần lượt trình bày câu chuyện qua các tiết mục như sau.
1 – Người học trò cưng của Thầy Nguyễn Tường Phượng.
Từ những năm 1950, thày Phượng dậy môn Quốc văn tại trường Chu Văn
An. Thày đã từng là chủ bút của tạp chí Tri Tân nổi tiếng thời trước năm
- Anh Khảo học ban sinh ngữ mà lại rành cả chữ Nho nữa, nên anh được
thày Phượng chú ý tín nhiệm và thường trao cho anh phụ giúp việc này việc
nọ trong lớp học. Cụ thể là khi Hiệu Đòan Chu Văn An làm tờ “Đặc San Tre
Xanh” dịp Xuân Giáp Ngọ 1954, thì anh Khảo là một trong những học sinh
thường xuyên đem bài viết của các bạn đến cho thày Phượng duyệt lại trước
khi cho đem đi in.
2 – Tết Ất Mùi 1955 tại Khu Lều trên nền đất cũ của Khám Lớn Sài gòn.
Từ cuối năm 1954, sinh viên di cư chúng tôi được chuyển từ nơi tạm cư trong
Trường Gia Long đến cắm lều trên khu đất cũ của Khám Lớn bên cạnh Tòa
Án Sài gòn. Và chúng tôi đã ăn hai cái Tết Dương Lịch và Âm Lịch tại khu
lều này. Dịp Tết Ất Mùi, anh Khảo ra tay viết câu đối bằng chữ Nho, việc này
khiến mấy nhà báo quốc tế tò mò chụp ảnh lia lịa. Tôi còn nhớ anh nhà báo
người Pháp của tờ báo Le Parisien Libéré đến gặp gỡ và phỏng vấn sinh viên
tụi tôi.
Sau vụ này, anh em chúng tôi tặng cho anh Khảo cái biệt danh là “Ông Đồ
Khảo”. Và đến khi được chuyển vào Đại Học Xá Minh Mạng ở Ngã sáu Chợ
Lớn, thì cũng anh Khảo là một trong mấy sinh viên mà thường được giáo sư
Nguyễn Thiệu Lâu rủ đi uống cà phê buổi sáng hay uống bia vào buổi chiều
để mà hàn huyên tâm sự và nhất là trao đổi chuyện trò về môn lịch sử mà
giáo sư là một nhà nghiên cứu rất nổi tiếng vào thời ấy.
3 – Cuộc Hội ngộ kỷ niệm 60 năm của sinh viên di cư (1954 – 2014)
Năm 2014, anh Khảo là một thành viên nòng cốt trong Ban Tổ chức cuộc Hội
ngộ nhân kỷ niệm 60 năm của sinh viện Đại học Hà nội di tản vào miền Nam.
Cuộc hội ngộ đã quy tụ được đến vài ba trăm sinh viên và thân hữu đến tham
dự một bữa tiệc tại một nhà hàng trong khu vực Little Saigon ở miền Nam
tiểu bang California. Đại diện Ban Tổ chức, anh Khảo đã xúc động tường
thuật lại những vui buồn của anh chị em sinh viên di cư trong những ngày
mới đặt chân đến thành phố Sài gòn.
Trong số mấy trăm sinh viên di cư hồi đó, thì đến năm nay đã có rất nhiều
bạn đã ra đi, số còn lại thì cũng đã ở vào tuổi bát tuần cả rồi. Và đây là một
dịp thật quý báu để gặp lại nhau và cùng nhau ôn lại những kỷ niệm vui buồn
của cái tuổi đôi mươi thuở ấy – giữa lòng một đất nước bị phân ly cách biệt
giữa hai miền Nam Bắc và tiếp theo lại là cuộc chiến tranh huynh đệ tương
tàn với bao nhiêu tang thương thù hận.
4 – Câu chuyện về “Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ”.
Từ cuối thập niên 1980, khi xuất hiện các chương trình phát thanh tại
California, thì bắt đầu có những cuộc Hội thọai của ba vị nhân sĩ có tên tuổi
trong cộng đồng người Việt ở địa phương. Ba vị đó là Đại tá Trần Minh Công
và hai Giáo sư Lưu Trung Khảo, Trần Đức Thanh Phong. Trong nhiều năm,
bà con thính giả đã rất hoan nghênh hưởng ứng theo dõi sự trình bày của các
vị nhân sĩ đáng kính với lập trường quốc gia thật kiên định vững vàng này.
Và từ cuối thập niên 1990, cả ba vị đã là những thanh viên họat động tích cực
trong Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam – bên cạnh những vị Cố vấn có tên
tuổi khác như Bác sĩ Nguyễn Tường Bách, bào đệ của nhà văn Nhất Linh
Nguyễn Tường Tam, Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện, Luật sư Trần Thanh Hiệp…
Do những họat động sôi nổi như vậy mà có một số bạn trẻ đã gán cho ba vị
nhân sĩ này cái danh hiệu “Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ” – như trong một
cuốn truyện nổi tiếng của Pháp “Les Trois Mousquetaires” vậy.
5 – Cái áo veste kỷ niệm của bậc huynh trưởng khả kính và khả ái.
Rất đông các thân hữu và các môn sinh đã tới nhà quàn viếng thăm và tiễn
biệt Giáo sư Lưu Trung Khảo vào ngày 2 tháng Giêng 2016. Trong số này, tôi
gặp anh bạn tù chính trị từng sống chung với nhau tại trại giam Z30D ở Hàm
Tân Phan Thiết hồi trên 20 năm trước – đó là anh Nguyễn Thanh Vân cựu sĩ
quan Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. Nhân dịp này, anh Vân tâm sự với tôi: “
Bữa nay, tôi mặc cái áo veste này để đến tiễn đưa vị huynh trưởng mà tôi
luôn quý mến và cũng chính là người đã cho tôi cái áo này. Hồi tôi mới từ
Việt nam qua Mỹ, tôi thường chỉ mặc cái áo gió mỗi khi đi tham dự sinh họạt
ở Quận Cam. Sau vài lần, Giáo sư Khảo thấy tôi không có mặc áo veste, nên
có lần sau buổi họp gặp tôi, ông liền cởi cái áo ông đang mặc và khóac lên
người tôi, rồi nói: “Anh bạn trẻ nên mặc cái áo này, mỗi khi phải ra mắt
thuyết trình trước công chúng đó nha. Đó là mình bày tỏ lòng kính trọng đối
với bà con trong cộng đồng vậy v.v…” Thật đây là một kỷ niệm khó quên của
tôi đối với một bậc đàn anh khả kính và khả ái vậy đó …”
6 – Thật đúng là một chính nhân quân tử.
Cũng trong Lễ Tưởng niệm này, Nghị sĩ Lê Châu Lộc với niềm xúc động
chân thành đã phát biểu rằng: “Trong một buổi lễ tại Westminster, Giáo sư
Lưu Trung Khảo đã thẳng thắn xác nhận trước cử tọa rằng: “ Đối với lớp cả
triệu người di cư từ miền Bắc vào miền Nam năm 1954, thì chúng tôi không
bao giờ lại có thể quên được cái ơn nghĩa và công lao của Tổng Thống Ngô
Đình Diệm đã lo lắng chăm sóc cho gia đình chúng tôi có được một cuộc
sống an lành và êm ấm tại miền Nam….” Nghị sĩ Lộc nói tiếp: “Anh Khảo là
một Phật tử thuần thành, bao nhiêu năm điều khiển chương trình phát thanh
“Hải Triều Âm” rất nổi tiếng của các Phật tử ở Quận Cam. Ấy thế, mà anh đã
rất thẳng thắn ghi nhận công lao của Tổng Thống Diệm trong việc tiếp nhận
và định cư cả triệu đồng bào di cư từ miền Bắc vào miền Nam như anh. Rõ
ràng, anh Khảo đích thực là một con người chính nhân quân tử vậy…”
* * Là một người cùng quê hương từ vùng Hà Nam – Nam Định nổi danh với
các nhà thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương, mà cũng cùng lứa tuổi, lại là đồng
môn dưới mái trường Chu Văn An, rồi lại cùng là sinh viên di cư năm 1954
với anh Lưu Trung Khảo – anh chị em chúng tôi có biết bao nhiêu kỷ niệm
vui buồn thật không thể nào quên được chung với anh suốt bao nhiêu năm
qua.
Anh Khảo thật xứng đáng là một tiêu biểu sáng giá cho thế hệ anh chị em
chúng tôi sinh trưởng ở miền Bắc mà trưởng thành tại miền Nam dưới chế độ
quốc gia thời Việt Nam Cộng Hòa.
Xin vĩnh biệt anh Lưu Trung Khảo với niềm luyến tiếc khôn nguôi và lòng
quý trọng chân thành.
Xin cầu chúc Anh luôn an nhiên thanh thản nơi cõi Vĩnh Hắng./
Westminster California ngày 12 tháng Giêng 2016
Đoàn Thanh Liêm CVA 54