Đi đâu mà vội mà vàng?

Đi đâu mà vội mà vàng?

Bài ghi ngắn của Đoàn Thanh Liêm

* * *

Hồi tôi ở độ 7 – 8 tuổi còn theo học lớp sơ cấp tiểu học, thì được thày giáo

cho các học sinh chép một bài học thuộc lòng gồm có 4 câu thơ mộc mạc đơn

giản theo thể lục bát. Mà nay sau đã trên 70 năm, tôi vẫn còn nhớ rất rõ về

bài thơ đó như sau:

 

“Đi đâu mà vội mà vàng

Mà vấp phải đá, mà quàng phải giây

Thủng thỉnh như chúng anh đây

Chẳng đá nào vấp, chẳng giây nào quàng”

 

Tôi xin mượn câu đầu để làm nhan đề cho bài viết ngắn này.

Sau này, thì tôi được nghe các bậc tôn trưởng cũng nhắc lại câu tục ngữ bằng

chữ Hán gồm có 4 chữ thế này “Dục tốc bất đạt” – có nghĩa là khi làm việc gì

mà cứ muốn có kết quả mau lẹ ngay tức khắc, thì không thể thành đạt được.

Người Pháp cũng có câu khuyên bảo có ý nghĩa tương tự: “ On ne peut pas

bruler les étapes” có nghĩa là “ Người ta không thể đốt giai đọan”. Túc là mọi

sự việc trên đời, thì thường phải diễn ra trong nhiều giai đọan; do vậy mà ta

không thể quá sốt ruột nôn nóng để mà bỏ qua các giai đọan cần thiết bình

thường đó được.

Hồi còn sinh tiền, nhà báo Đỗ Ngọc Yến thường hay tâm sự với bạn bè về

một số nhân vật trong cộng đồng người Việt tỵ nạn trên đất Mỹ như sau:

“Các ông A, ông B đó là những người rất năng nổ tháo vát và có tài năng

nữa, nhưng các ông ấy lại ít thành công do cái lối nôn nóng, cứ đòi đi lối tắt

(anh Yến nói nguyên văn tiếng Anh là short cut). Vì thế mà việc làm của các

ông ấy không lôi cuốn được nhiều người cùng tham gia cộng tác lâu bền

được. Và kết quả là các ông ấy đã không thể thực hiện được một công trình

dự án nào có quy mô lớn lao hòan chỉnh được cả.

Nhìn rộng ra về đại khối trên 4 triệu người Việt chúng ta hiện định cư tại

nước ngòai từ 40 năm qua, thì quả thật đã có rất nhiều gia đình có con, cháu

gặt hái được những thành công thật đáng ca ngợi về nhiều phương diện, đặc

biệt về mặt khoa học kỹ thuật. Đó là một điểm son đáng kể nhất của người

Việt ở hải ngọai vậy.

Nhưng trong sinh họat tập thể cộng đồng, thì vẫn còn có những chuyện lấn

cấn, bất cập kể cả những chia rẽ phân hóa nơi nhiều đơn vị tổ chức – ngay cả

ở những Hội Ái Hữu, Tương Trợ vốn là những tổ chức hòan tòan có tính cách

tự nguyện, bất vụ lợi mà thường không nên có những tranh chấp vì tiền bạc

hay địa vị danh vọng gì cả.

Lại còn cái chuyện rất phổ biến trong nhiều năm nay mà thường được gọi là

“chụp mũ, đội nón cối” tố cáo lẫn nhau, gán cho nhau cái nhãn hiệu là “ Việt

gian, tay sai cộng sản” nữa. Và xét cho kỹ ra, thì cái sự chia rẽ đó phần lớn

đều do những chuyện lẩm cẩm lặt vặt phát sinh từ lòng tự ái, tính hay chấp

nhất bắt bẻ lẫn nhau về mấy chi tiết nhỏ nhoi mà thôi.

Dù thế nào đi nữa, thì chúng ta cũng không nên quá bi quan trước tình trạng

không mấy sáng sủa phấn khởi nơi một số sinh họat cộng đồng nói trên. Mà

do nơi môi trường sinh sống mới lạ nơi đất khách, đa số bà con ta còn gặp

nhiều bỡ ngỡ, hụt hẫng đến độ chóang váng mất phương hướng trong cuộc

sống của cá nhân cũng như của tập thể. Vì thế mà chúng ta cần phải giữ thái

độ kiên nhẫn, bao dung thông cảm nhường nhịn đối với nhau – thay vì vội vã

lên án chỉ trích mạt sát nặng lời với nhau – như một vài người khó tính

thường hay vấp phải.

Nói vắn tắt lại, việc điều chỉnh ổn định cuộc sống nơi môi trường văn hóa xã

hội mới lạ ở xứ người là một quá trình vận động sinh họat rất phức tạp – quá

trình này thường đòi hỏi một thời gian tương đối lâu dài hơn, chứ không thể

được phát triển một cách thuận lợi dễ dàng mau chóng theo như mong ước

chủ quan của chúng ta được.

Vì thế mà người tỵ nạn chúng ta cần có sự bình tĩnh, sáng suốt và nhẫn nại

để lần hồi tìm ra được những phương cách thuận lợi êm thắm trong chiều

hướng hội nhập tốt đẹp với dòng chính nơi xã hội sở tại, bởi vì đây chính là

nơi chốn mà chúng ta đã chọn lựa như là một quê hương thứ hai cho cả gia

đình mình vậy./

Westminster California, Tháng 12 năm 2015

Đoàn Thanh Liêm

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay