Bộ Ngoại Giao Mỹ: Việt Nam vẫn chưa có tự do tôn giáo

Bộ Ngoại Giao Mỹ: Việt Nam vẫn chưa có tự do tôn giáo
Nguoi-viet.com

WASHINGTON (NV) Ðó là nhận định tổng quát của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trong báo cáo thường niên về tự do tôn giáo trên thế giới.

Theo báo cáo này, chế độ Hà Nội vẫn hạn chế hoạt động của các nhóm tôn giáo không đăng ký, đặc biệt là những nhóm tôn giáo mà chính quyền Việt Nam cho là có liên quan đến chính trị.


Ông Kpuih Bơp bị bí thư xã Ayun, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai đánh trọng thương vì “lợi dụng tôn giáo gây ảnh hưởng chính trị.” Hành vi bị cáo buộc “lợi dụng tôn giáo gây ảnh hưởng chính trị” là phát mền cho trẻ mồ côi. (Hình: website chuacuuthe.com)

Ngay sau đó, ông Lê Hải Bình, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam, lập tức lên tiếng phản bác rằng, báo cáo vừa kể là “không khách quan” vì trích dẫn những thông tin sai lạc về Việt Nam. Nhân vật này cho rằng, chính quyền Việt Nam đã và đang thực thi nhiều chính sách, cũng như biện pháp cụ thể để bảo đảm rằng dân chúng có thể thụ hưởng đầy đủ các quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng.

Trong thực tế, chẳng riêng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ có nhận định như vừa kể. Hồi tháng 5 vừa qua, Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam từng đề nghị chính quyền Việt Nam viết lại dự luật về tín ngưỡng, tôn giáo, sau khi chính quyền Việt Nam đề nghị lãnh đạo và tín đồ các tôn giáo tại Việt Nam “góp ý” cho dự luật này.

Cần lưu ý rằng, chính quyền Việt Nam chỉ dành hai tuần cho lãnh đạo và tín đồ các tôn giáo tại Việt Nam “góp ý” về dự luật tín ngưỡng, tôn giáo.

Trước đó, trong nhiều cuộc đối thoại với Liên Hiệp Quốc, đại diện chính quyền nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế về nhân quyền tại Việt Nam, các viên chức đại diện chính quyền Việt Nam nhiều lần nhấn mạnh, việc soạn thảo dự luật tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy Việt Nam đang cố gắng cải thiện tình trạng nhân quyền và càng ngày càng tôn trọng tự do tôn giáo.

Tuy nhiên thư góp ý của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, gửi chủ tịch Quốc Hội Việt Nam và trưởng Ban Tôn Giáo Chính Phủ cho thấy, nội dung dự luật tín ngưỡng, tôn giáo mà chính quyền Việt Nam từng “quảng cáo” là một… nỗ lực đáng ngại.

Theo Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, dự luật tín ngưỡng, tôn giáo đã “đi ngược lại với quyền tự do về tín ngưỡng và tôn giáo, gây lo ngại nhiều hơn là đem lại sự bình an cho mọi người.”

Trong phần nhận định chung về dự luật này, Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam nhận định, dự luật bao gồm “những điều luật chỉ nhằm mang lại quyền lợi cho giới cầm quyền mà quên đi quyền lợi của người dân.” Thiếu sót quan trọng nhất của dự luật là không công nhận tổ chức tôn giáo là một “pháp nhân,” điều đó đồng nghĩa với việc không xác nhận tổ chức tôn giáo có quyền “tồn tại hợp pháp trước pháp luật Việt Nam.”

Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam phân tích 14 điểm bất hợp lý, không khả thi, mâu thuẫn với cả Hiến chương Liên Hiệp Quốc lẫn Hiến Pháp của Việt Nam thể hiện ở nhiều chương, nhiều điều trong dự luật.

Do dự luật tín ngưỡng, tôn giáo trái ngược với cả Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền lẫn Hiến pháp mới của Việt Nam, thậm chí còn có sự thụt lùi so với Pháp Lệnh Tín Ngưỡng, Tôn Giáo năm 2004 bởi “tạo ra quá nhiều thủ tục rườm rà, nhiều cơ chế khắt khe, ràng buộc, khiến các sinh hoạt tôn giáo bị cản trở,” Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam khẳng định rằng, Công Giáo Việt Nam “không đồng ý với dự luật tín ngưỡng, tôn giáo.” Ðồng thời đề nghị “soạn lại một dự luật khác phù hợp với xu thế tự do, dân chủ và mang tầm vóc của xã hội tiến bộ.”

Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam khuyến cáo, dự luật được viết lại cần phải được tham khảo ý kiến của các tổ chức tôn giáo và đặc biệt là chính quyền Việt Nam phải “công nhận tư cách pháp nhân của các tổ chức tôn giáo” để những pháp nhân này được bảo vệ bằng luật pháp.

Hôm 14 tháng 10, khi báo cáo về tự do tôn giáo thường niên được công bố, ông David Saperstein, đại sứ đặc trách về tự do tôn giáo của Hoa Kỳ, nhấn mạnh, trong những lần đến Việt Nam, ông tận mắt chứng kiến các nhóm tôn giáo bị buộc phải thực hiện nhiều thủ tục nhiêu khê và tùy tiện để được hoạt động hợp pháp. (G.Ð)

 

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay