Tình Yêu Thương trong Hành Động

Tình  Yêu  Thương  trong  Hành  Động

( Love  in Action )

( Hồi tưởng về một ngày sinh họat với giới trẻ ở Hòa Lan năm 1971)

Đòan Thanh Liêm

Đầu năm 1971, tôi được mời qua tham dự một ngày “Trò chuyện với Giới Trẻ” tại thành phố Utrecht ở Hòa Lan. Đây là một thứ Đại Hội của giới trẻ nhân dịp đầu năm với cái tên thật ngộ nghĩnh : “Palaver” theo tiếng Anh, còn tiếng Pháp thì viết là “Palabre” mà phiên âm ra Việt ngữ là “Ba láp”, tức là nói thả giàn, lung tung ( Có người còn gọi là “ba láp, ba xàm” hàm nghĩa là không nghiêm chỉnh). Nhưng mà chủ đề của Palaver 1971 thì lại rất là nghiêm túc, đó là : “Love in Action” (Tình Yêu Thương trong Hành Động).

Dịp đó, từ đầu tháng 12 năm 1970, tôi qua tham dự sinh họat với Nhóm Thành lập INODEP (Institut oecumenique au service du developpement des peuples = Viện Đại Kết Phát triển Các Dân Tộc) ở Paris. Nhân tiện Ban Tổ chức ở Hòa Lan cũng mời tôi đến tham dự luôn, sau khi công việc ở Pháp đã hòan tất. Từ Paris, tôi đi xe lửa qua thủ đô Bruxelles nước Belgique để thăm gia đình anh chị Nguyễn Văn Tánh/Lê Thị Bạch Nhựt, rồi từ đó lại đi tiếp qua Hòa Lan. Xe lửa xuyên Âu châu hồi đó đã khá là tiện nghi, thuận tiện.

Lúc đó ở Việt nam chiến tranh còn đang diễn ra tàn khốc, khói lửa tang thương khắp nơi mù mịt. Mà ở các nước Âu châu, thì cuộc sống thật là thanh bình êm ả, thịnh vượng sung túc.

Ban Tổ chức là do Liên Hiệp  các Hội Thánh Kinh (Union of Bible Societies) đứng ra đảm trách việc quy tụ giới trẻ để cùng nhau trao đổi về việc sống theo tinh thần của Tin Mừng trong thời đại hiện nay. Người đại diện cho tôi biết : “ Chúng tôi đã phân phát ra cả hàng triệu cuốn sách Thánh Kinh cho công chúng; nhưng mà chẳng thấy có được mấy người chịu khó đọc và học hỏi về Thánh Kinh cả. Vì thế cho nên chúng tôi từ mấy năm nay, mới tổ chức các buổi Palaver như thế này, để tạo cơ hội cho thế hệ trẻ trao đổi, chuyện trò thỏai mái về những đề tài cụ thể, thiết thực liên quan đến cuộc sống thường ngày của họ (everyday life). Chúng tôi không thể áp dụng cái lối giảng đạo cứng nhắc như ngày trước, mà bây giờ bị coi là nhàm chán lỗi thời mất rồi…” Một vị khác lại nói thêm: “ Chúng tôi mời các vị khách quốc tế đã từng dấn thân phục vụ như ông trong hòan cảnh khó khăn thiếu thốn ngặt nghèo ở các nước trong thế giới thứ ba, hay tại các nơi có chiến tranh như ở Việt nam của ông, để mong các “guestspeaker” này, mỗi người một vẻ, gửi cái chứng từ của việc quý vị đang làm tại xứ sở của mình cũng chính là “thể hiện cái tình yêu thương đồng lọai bằng những hành động cụ thể, trong môi trường riêng biệt của mỗi vị. Tuổi trẻ của chúng tôi ở Hòa Lan hiện đang sống trong cảnh sung túc, an bình thịnh vượng, nên nhiều khi đã sao lãng không chú ý gì đến người đồng lọai đang đau khổ ở nhiều nơi vì đói rét, vì bất công áp bức, hay vì chiến tranh tàn sát với lòng hận thù cuồng nhiệt … Xin quý vị cứ thỏai mái nói lên cái kinh nghiệm và cảm xúc của mình, hầu giúp cho con em chúng tôi có được sự thông cảm và liên đới với nhân dân trong xứ sở của quý vị…”

Địa điểm tổ chức là khu vực trình diễn tranh tài thể thao gồm nhiều tòa nhà rất đồ sộ rộng lớn, có sức chứa đến cả mấy vạn người. Thời tiết đang ở giữa mùa đông, nên nhiệt độ ngòai trời rất thấp, cỡ trên dưới zero độ bách phân. Thành ra trong các tòa nhà đều phải có hệ thống sưởi ấm cho đủ tiện nghi. Buổi sáng được dành cho việc thăm viếng các gian hàng triển lãm tranh ảnh, vừa có tính cách mỹ thuật, vừa có tính thời sự, trưng bày đồ thủ công mỹ nghệ từ các nơi xa của các tổ chức nhân đạo từ thiện gửi tới, lại có một số diễn đàn dành cho các khách từ ngọai quốc đến trao đổi theo yêu cầu của công chúng. Năm đó, đề tài gây được sự chú ý nhất là “ Vấn đề tranh đấu bất bạo động theo tinh thần của Thánh Gandhi và nhất là của Mục sư Luther King là người vừa mới bị ám sát tại Mỹ năm 1968”.Dĩ nhiên là cũng có nhiều quày bán đồ ăn, thức uống cho số khách tham dự rất là đông đảo, đặc biệt là lớp trẻ từ 14-15 đến 20-25 tuổi. Tính ra có đến trên vài chục ngàn người tham dự Ngày Đại Hội này.

Mục chính yếu của Palaver gồm hai phần được bắt đầu vào lúc 1.00 PM tại đại sảnh đường và kéo dài đến 5.00 PM. Hai phần đó là :

1/ Cuộc thi hát trong chương trình “Relipop Song Festival”, tức là Religious Popular Song (Ca nhạc Tôn giáo Đại chúng).

2/ Diễn thuyết của 7 khách mời quốc tế (International Guestspeakers).

Cuộc thi hát chung kết đã rất sôi động hào hứng do sự hợp tác của nhiều tổ chức văn hóa tôn giáo của tòan thể các nước Tây Âu, trong đó có Đài truyền Hình Âu châu (Euro-Vision). Do vậy mà giới truyền thông báo chí tới theo dõi làm phóng sự rất đông. Ban giám khảo gồm 5 vị đều là các nhạc sĩ nổi danh từ nhiều nước Âu châu. Và số thí sinh trình diễn cũng khá đông và đều là các ca sĩ nổi tiếng. Đó là các ca sĩ đã lọt qua được vòng sơ khảo tại mỗi quốc gia, nay thì họ đại diện cho xứ sở của mình để tranh giải chung kết của tòan Âu châu. Đáng chú ý nữa là cả một ban nhạc hùng hậu của Salvation Army từ London cũng đến, để tiếp sức khơi động hào khí nhiệt thành của tòan thể lớp khán giả, mà hầu hết đều còn rất trẻ ở vào tuổi teen age.

Những bài hát trình diễn tuy là phản ảnh tâm tình đạo đức tôn giáo, nhưng đó không phải là thứ “Thánh ca phụng vụ” (Liturgical Song) như các ca đòan vẫn hát ở nhà thờ trong các thánh lễ. Và bài ca này lại có tính cách phổ biến rộng rãi trong quần chúng, chứ không phải hòan tòan có tính cách nghệ thuật trau chuốt. Và kết cục, ca sĩ người Hòa Lan năm ấy đã được Ban Giám Khảo đồng thuận trao giải nhất cho bài ca cô trình diễn.

Về phần các diễn giả quốc tế, thì năm ấy có tất cả 7 vị từ Á châu, Phi châu và châu Mỹ La tinh. Mỗi người chỉ được có 7 phút để trình bày, kể cả thời gian để dịch ra tiếng Hòa Lan nữa. Mỗi diễn giả được mời phát biểu xen lẫn vào giữa các bài hát của các ca sĩ đại diện mỗi nước Âu châu. Nhờ vậy mà các bài diễn thuyết không bị dồn cục vào cùng một lúc, khiến cho cử tọa dễ buồn chán. Tôi thấy mỗi diễn giả đều trình bày ngắn gọn và gây được sự chú ý theo dõi của mọi người, xuyên qua câu chuyện dí dỏm, độc đáo và đặc thù của hòan cảnh thực tế sinh động trong môi trường sinh họat tại địa phương của từng người diễn giả một. Cụ thể là cử tọa đã luôn vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt sau mỗi lần trình bày của các diễn giả.

Riêng tôi là người từ Việt nam đến, thì được cử tọa chú ý hơn là vì lý do tin tức và hình ảnh về cuộc chiến tranh được phổ biến hàng ngày trên báo chí, radio, tivi. Tôi nói đại ý là : “ Người Việt nam chúng tôi như đang sống trong địa ngục chiến tranh, mà ở Hòa Lan thanh bình này, thì các bạn như đang sống ở thiên đàng vậy. Nhưng sau mấy ngày nữa, thì tôi cũng lại trở về với gia đình, với bà con bạn hữu của tôi ở Việt nam, dù nơi đó đang quả thật là một thứ “địa ngục trần gian”. Tôi phải trở về để sống chết với gia đình và dân tộc thân yêu của tôi. Đơn giản vậy thôi. Cụ thể, thì tôi vẫn tiếp tục tham gia vào công việc từ thiện nhân đạo để chăm sóc cho các nạn nhân chiến cuộc (war victims), ngay trong vùng ven biên thành phố tại các quận 6,7 và 8 Saigon, nơi mà cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968 đã tàn phá hàng mấy chục ngàn căn nhà, sát hại bao nhiêu nạn nhân thường dân vô tội, như các bạn đã thấy rất rõ trên màn ảnh tivi. Điều mong ước sâu xa nhất của người dân Việt nam chúng tôi là : “Làm sao chấm dứt được cuộc chiến tranh tàn bạo này, để cho chúng tôi cũng được sống an lành như các bạn trên xứ sở Hòa Lan thanh bình này…”

Sau đó, thì chị Elisabeth trong ban Tổ chức có trao đổi tâm sự với tôi, đại khái chị nói như sau : “ Chúng tôi nhận được cái tín hiệu(message) của anh gửi đến cử tọa rất rõ ràng, chân thực. Đó là một đóng góp rất quý báu, giúp cho giới trẻ Hòa lan chúng tôi hiểu biết và thông cảm hơn với nỗi khổ đau của người dân Việt nam trong cuộc chiến tranh tàn khốc hiện nay. Chúng tôi cũng mong ước có thể đóng góp phần nào trong việc dập tắt được cái ngọn lửa chiến tranh đó, như lời kêu gọi rất ư là thống thiết, chân tình của anh…”

Cũng trong dịp ban Tổ chức khỏan đãi các diễn giả chúng tôi tại bữa tiệc kết thúc Palaver, tôi còn có cơ hội trao đổi chi tiết và thân mật hơn với các bạn quốc tế khác, kể cả người Hòa Lan là chủ nhà. Nhờ vậy mà thắt chặt hơn nữa cái mối tình liên đới keo sơn giữa những anh chị em cùng nhằm chung về một hướng, đó là phục vụ cụ thể cho những người đồng lọai kém may mắn hơn trong môi trường xã hội địa phương của mình.

Nói chung, thì tôi học hỏi được rất nhiều qua những cuộc gặp gỡ trao đổi thân tình như thế này. Nó còn giúp cho tôi thêm nghị lực để tiếp tục công việc cụ thể, tích cực là :“Đem yêu thương vào nơi óan thù” như trong kinh nguyện Hòa bình của Thánh Phanxicô, mà bây giờ người công giáo ở Thái Hà đang hát mỗi ngày./

California, Tháng Năm 2009

Đòan Thanh Liêm

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay