Nhật đòi Việt Nam trả lại toàn bộ $700 triệu tiền viện trợ

Nhật đòi Việt Nam trả lại toàn bộ $700 triệu tiền viện trợ

Nguoi-viet.com

HÀ NỘI (NV)Nhật không đòi nhà cầm quyền Việt Nam trả lại tiền JTC đã hối lộ để được chọn làm nhà thầu của một dự án đường sắt mà yêu cầu Việt Nam hoàn lại toàn bộ tiền đã nhận để thực hiện dự án đó.

Thông tin vừa kể được bà Noriko Yagi, phát ngôn viên của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cung cấp cho BBC, ngay sau khi báo chí Việt Nam loan báo, tại cuộc họp báo do JICA tổ chức.


Mô hình “Dự án tuyến đường sắt số 1 đoạn Ngọc Hồi-Yên Viên.” (Hình: Dân Trí)

Số tiền mà Nhật đòi lại là khoảng 14,000 tỉ đồng, tương đương 700 triệu đô la Mỹ. Ðây là số tiền mà Nhật cho vay ưu đãi (ODA) để thực hiện dự án ‘Tuyến đường sắt số 1 đoạn Ngọc Hồi-Yên Viên.”

Theo nhiều báo ở Việt Nam đăng tải hôm 1 tháng 4, ông Yamamoto Kenichi, phó văn phòng tại Việt Nam của JICA, yêu cầu Việt Nam hoàn trả số tiền mà JTC đã hối lộ để được chọn làm tư vấn cho “Dự án tuyến đường sắt số 1 đoạn Ngọc Hồi-Yên Viên,” được thực hiện bằng viện trợ của Nhật.

Tuy nhiên, bà Yagi nói thêm là JICA đã yêu cầu báo chí Việt Nam đính chính. Bà nhận định việc loan tin sai, từ “yêu cầu trả lại toàn bộ viện trợ đã nhận để thực hiện một dự án vì có hối lộ” thành “trả lại tiền hối lộ,” có thể là do dịch thuật.

Ðầu năm ngoái, giám đốc Tập đoàn Tư vấn Giao thông Nhật Bản, thường được gọi tắt là JTC, thú nhận đã hối lộ cho một số viên chức Việt Nam khoản tiền là 16.4 tỉ đồng để được chọn làm nhà thầu tư vấn cho “Dự án tuyến đường sắt số 1 đoạn Ngọc Hồi-Yên Viên.” Ba cá nhân là lãnh đạo của JTC đã bị Nhật phạt tù và phạt tiền.

Sau scandal JTC, Việt Nam chỉ bắt sáu viên chức ngành giao thông vận tải vì “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” nhưng chưa xử và không có viên chức nào bị cáo buộc đã “nhận hối lộ.”

Tại cuộc họp báo hôm 1 tháng 4, ông Kenichi nhấn mạnh, JTC là vụ thứ hai mà nhà thầu Nhật đưa hối lộ cho các viên chức Việt Nam để được chọn làm nhà thầu cho các dự án thực hiện bằng viện trợ của Nhật. Ông Kenichi cảnh báo, nếu xảy ra thêm một vụ nhận hối lộ tương tự, chắc chắn dân chúng Nhật sẽ yêu cầu chính phủ Nhật ngưng cấp viện trợ cho Việt Nam.

Chưa rõ Việt Nam đã nhận bao nhiêu viện trợ từ Nhật để thực hiện “Dự án tuyến đường sắt số 1 đoạn Ngọc Hồi-Yên Viên.” Tiền hối lộ mà các viên chức Việt Nam đã nhận để chọn JTC làm nhà thầu tư vấn cho dự án này chỉ khoảng 16.4 tỉ, trong khi tiền mà Nhật cho vay ưu đãi để thực hiện dự án được loan báo là khoảng 14,000 tỉ đồng.

Năm ngoái, báo giới Việt Nam cho biết, trên thực tế, JTC không chỉ được chọn làm nhà thầu đảm trách dự án phát triển đường sắt tại Hà Nội mà còn được chọn làm nhà thầu cho… 14 dự án phát triển giao thông. Riêng trong lĩnh vực đường sắt, JTC được chọn làm nhà thầu của 5 dự án.

Không chỉ có báo chí Việt Nam “hiểu sai” ý của JICA mà các viên chức của Bộ Giao Thông-Vận Tải của Việt Nam cũng “hiểu sai” như vậy. Sau cuộc họp báo của JICA, đại diện của Bộ Giao Thông-Vận Tải Việt Nam nói với báo điện tử VNExpress rằng, sau khi kết thúc điều tra vụ nhận hối lộ của JTC, “cá nhân, tổ chức nhận hối lộ sẽ phải hoàn tiền cho phía Nhật và bị xử lý theo pháp luật.”

Trong nửa năm vừa qua có đến hai lần các viên chức Bộ Giao Thông-Vận Tải Việt Nam “hiểu sai” những thông tin hết sức quan trọng về viện trợ của Nhật.

Tháng 10 năm ngoái, sau khi Ủy Ban Kinh Tế của Quốc Hội CSVN nhấn mạnh sự lo ngại về việc chính phủ Việt Nam chưa làm rõ, sẽ tìm từ đâu nguồn tiền khổng lồ để thực hiện dự án phi trường Long Thành, ông Phạm Quý Tiêu, thứ trưởng Giao Thông-Vận Tải, đã chủ động thông tin cho báo giới rằng, dự án phi trường Long Thành là một hình thức “bảo đảm khẩn nguy về an ninh hàng không” thành ra “nhà nước phải đầu tư.” Cũng vì vậy, phải vay vốn.

Về nguồn vay, ông Tiêu “tiết lộ,” Nhật đã “cam kết” cho Việt Nam vay 2 tỷ Mỹ kim để xây dựng phi trường Long Thành. Ông Tiêu bảo là “cam kết” đó được Nhật đưa ra từ cuối năm ngoái khi thủ tướng Việt Nam gặp thủ tướng Nhật. “Nhật quan tâm và sẽ dành 2 tỷ Mỹ kim chi dự án phi trường Long Thành.”

Ngay sau đó, ông Hayashi Hiroyuki, bí thư thứ nhất phụ trách về việc cho vay vốn của Ðại Sứ Quán Nhật tại Việt Nam, khẳng định, Nhật chưa có quyết định nào về khoản đầu tư vào phi trường Long Thành nên “chưa hứa hẹn gì với phía Việt Nam”!

Cho đến nay, Nhật đã từng tạm ngưng cấp ODA cho Việt Nam hai lần vì các viên chức Việt Nam lợi dụng những dự án ODA để đòi hối lộ.

ODA là ba chữ viết tắt của Official Development Assistance (hỗ trợ phát triển chính thức). ODA có thể là các khoản cho vay không tính lãi hoặc tính lãi thấp với thời gian vay dài. Ðôi khi ODA là viện trợ. Mục tiêu của ODA là trợ giúp để phát triển kinh tế và nâng cao phúc lợi ở quốc gia nào đó.

Hồi 2010, Nhật từng cắt viện trợ do Việt Nam không quyết tâm điều tra vụ nhận hối lộ của PCI – một doanh nghiệp của Nhật – để chọn doanh nghiệp này làm nhà thầu đảm trách vai trò tư vấn cho Dự án đại lộ Ðông-Tây ở Sài Gòn.

Ðến tháng 6 năm ngoái, sau scandal JTC, tại một cuộc họp song phương để thảo luận về việc phòng ngừa tham nhũng trong các dự án sử dụng ODA, ông Kimihiro Ishikane, vụ trưởng Vụ Hợp Tác Quốc Tế của Nhật, loan báo, Nhật tiếp tục tạm ngưng cấp ODA cho Việt Nam vì có dấu hiệu đưa-nhận hối lộ.

Theo một số thống kê, có tới 40% vốn ODA cho các chương trình xây dựng trường học, đường sá, hạ tầng tại Việt Nam bị ăn chặn nhưng những cá nhân có liên quan chỉ bị cảnh cáo. Tại Việt Nam, nhiều năm qua, ODA luôn là một nguồn béo bở để các viên chức từ trung ương đến địa phương xà xẻo, bỏ túi riêng. (G.Ð)

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay