Bà Bùi Hằng ‘đả đảo’ phiên tòa bất công
Bà Hằng đã từng tham gia tích cực vào các cuộc biểu tình chống Trung Quốc
Tòa án tỉnh Đồng Tháp vừa y án sơ thẩm đối với bà Bùi Thị Minh Hằng và hai nhà hoạt động khác, luật sư Nguyễn Văn Miếng, người bào chữa cho bà Hằng, nói với BBC.
“Tòa đã quyết định y án Bà Hằng 3 năm tù giam, ông Nguyễn Văn Minh y án 2 năm rưỡi và bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh y án 2 năm,” ông Miếng cho biết.
Hồi tháng Tám, cả ba người đã bị tòa sơ thẩm ở Đồng Tháp kết án tù vì tội ‘Gây rối trật tự cộng cộng’, theo Điều 245, Bộ Luật hình sự.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) trong thông cáo ngày 12/12 đã gọi phiên tòa là “chiến thuật của chính phủ nhằm trấn áp các nhà hoạt động nhân quyền.”
“Câu nói cuối cùng tại tòa của bà Hằng là ‘đả đảo phiên tòa bất công của chính quyền cộng sản’,” luật sư Miếng nói.
“Bà Hằng vẫn quyết tâm không nhận tội”.
Luật sư của bà Hằng cho biết ông đã hy vọng cả ba người có thể được giảm án.
“Trước khi tòa tuyên án, tôi vẫn còn tin vào hệ thống tư pháp của Việt Nam,” ông nói.
Trả lời BBC trong chiều cùng ngày, bà Đặng Thị Quỳnh Anh, con gái bà Hằng, cho biết gia đình đã bị lực lượng an ninh ngăn chặn không cho dự phiên tòa.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục đâm đơn ở trong nước và các cơ quan tối cao để kêu oan cho mẹ,” bà nói.
“Sau khoảng 20 ngày nữa tôi sẽ đi thăm nuôi mẹ và sẽ tùy tình hình sức khỏe của mẹ để quyết định bước tiến tiếp theo”.
Bà Quỳnh Anh cũng cho biết sẽ tăng cường vận động tại các tổ chức quốc tế để kêu gọi trả tự do cho bà Hằng.
HRW lên tiếng
Trong những vụ án chính trị như vậy, tòa án không có một chút độc lập nào trước Đảng Cộng Sản. Tất cả những gì xảy ra đã được dàn xếp trướcÔng Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách châu Á của HRW
Trong thông cáo gửi đến BBC ngày 12/12, ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách châu Á của HRW, đã lên án phiên tòa tại Đồng Tháp.
“Bà Bùi Thị Minh Hằng đã từ lâu là một cái gai trong mắt chính quyền Việt Nam, vì vậy Hà Nội đã sáng chế ra những cáo buộc với động cơ chính trị như “Gây rối trật tự công cộng” nhằm bịt miệng bà cùng hai blogger khác,” ông Robertson nói.
“Đây chỉ là một phần chiến thuật của chính phủ nhằm trấn áp các nhà hoạt động nhân quyền, với những cáo buộc về gây rối trật tự công cộng thay vì hình sự hóa việc thực thi quyền con người”.
“Thế nhưng mục đích của chúng là hoàn toàn giống nhau – ném người dân vào ngục tù chỉ vì dám đòi hỏi sự minh bạch, một chính quyền dân chủ và tôn trọng nhân quyền”.
“Trong những vụ án chính trị như vậy, tòa án không có một chút độc lập nào trước Đảng Cộng Sản. Tất cả những gì xảy ra đã được dàn xếp trước”.
Cả ba người bị bắt vào ngày 11/2/2014, khi đang trên đường thăm gia đình vợ chồng cựu tù nhân chính trị Nguyễn Bắc Truyển tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.
“Lúc đi cùng với mẹ tôi còn có 20 người khác … trên đường đi thì bị một lực lượng lớn công an huyện Lấp Vò chặn lại và dùng dùi cui đánh đập cả đoàn, cướp giật tài sản, máy móc rồi dẫn cả đoàn về giam tại công an huyện Lấp Vò,” anh Trần Bùi Trung, con trai bà Hằng, nói với BBC hồi tháng Hai.
Anh Trung hiện đang có mặt ở Hoa Kỳ để vận động trả tự do cho bà Hằng.
Đại sứ quán Hoa Kỳ hồi tháng Tám đã ra thông cáo kêu gọi trả tự do cho các nhà hoạt động, sau khi tòa sơ thẩm ở Đồng Tháp tuyên án tù cả ba người.
“Việc các cơ quan chức năng Việt Nam sử dụng các điều luật về trật tự công cộng để bỏ tù những người chỉ trích chính phủ vì họ bày tỏ quan điểm chính trị một các ôn hoà là điều đáng báo động”, thông cáo viết.
“Việc kết án này dường như không phù hợp với quyền tự do ngôn luận và những nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị cũng như các cam kết thể hiện trong Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế.”