Đào Hiếu: HUYỀN THOẠI ĐU DÂY
Đào Hiếu
14-10-2014
Khi người ta nói Việt Nam đang đu dây giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ thì sự ví von ấy hàm ý liều lĩnh, bắt cá hai tay, muốn chơi với cả hai bên mà lại không thật lòng với bên nào. Có nghĩa là cà chớn. Và như thế thì rốt cuộc chẳng được gì. Sẽ trơ trọi, sẽ đơn độc. Và trò “đu dây” ấy sẽ rất nguy hiểm.
Nhưng trên thực tế Việt Nam có đu dây không?
Người đu dây là một người tự tin, dũng cảm, mạnh mẽ và tài năng. Nhưng đứng trước Trung Quốc và Mỹ thì chính quyền Việt Nam không hề có các tố chất ấy.
– Không tự tin vì mặc cảm nước nhỏ, nghèo nàn, lạc hậu. Trước đây Việt Nam huênh hoang là “đánh thắng ba đế quốc sừng sỏ”. Nay thì tự ti đến nỗi một ông bộ trưởng Tàu sang Việt Nam để “kêu gọi đứa con hoang trở về” mà chính quyền cứ im thin thít.
– Không dũng cảm vì nó giết ngư dân mình mà mình còn sợ phạm huý, chỉ dám gọi nó là “tàu lạ”. Nó đổ quân chiếm đảo của mình mà mình lại ra lệnh không được kháng cự để đến nỗi bị nó bắn tan xác 65 chiến sĩ hải quân ở Gạc Ma chỉ trong vòng mấy phút.
– Không mạnh mẽ vì vũ khí thời chiến tranh để lại thì đã rỉ sét, vũ khí mới mua thì lèo tèo vài ba cái làm kiểng, và nạn tham nhũng tràn lan, quanh năm lo vơ vét ăn chặn, cắt xén, rút rỉa ngân sách, còn chí khí đâu mà đánh giặc?
Thử hỏi một kẻ nhu nhược, tự ti mặc cảm và nghèo rớt mồng tơi như Việt Nam thì nhìn thẳng vào mặt người ta còn không dám, nói chi tới chuyện đu dây. Vì đu dây là “giỡn mặt tử thần”. Việt Nam có bản lãnh gì mà dám đu dây?
Và điều quan trọng nhất là từ khi ông Hồ tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp đã khẳng định chỗ đứng của mình là trong vòng tay Trung Quốc rồi. Thắng trận Điện Biên Phủ cũng là nhờ vũ khí Trung Quốc, thắng Mỹ cũng nhờ vũ khí Trung Quốc.
Cho nên miệng thì nói “không có gì quý hơn độc lập tự do” nhưng trong lòng thì đã quyết “đổi độc lập tự do đề nắm cho được chính quyền”.
Từ chọn lựa đó mới đẻ ra “Cải Cách Ruộng Đất”. Trong chiến dịch này nhà cầm quyền Việt Nam lệ thuộc Trung Quốc đến nỗi vì muốn lấy lòng họ mà phải bắn bỏ nhiều nhân sĩ yêu nước từng đem cả tài sản mình ra giúp đỡ kháng chiến.
Năm 1990 ông Linh cùng các đồng chí của ông tại hội nghị Thành Đô đã làm một việc mà bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch gọi là: “Bắt đầu một thời kỳ Bắc thuộc mới rất nguy hiểm”.
Năm 2010 liên tiếp nhiều phái đoàn quân sự cấp cao của Việt Nam sang học tập ở Trung Quốc, dấn thêm những bước quan trọng vào sự lệ thuộc quân sự.
Rõ ràng là ngay từ những ngày đầu thành lập chế độ, thì Việt Nam đã hành xử như một tỉnh lẻ của Trung Quốc -trừ một giai đoạn ngắn từ năm 1975 đến 1979 có ý muốn thoát Trung và lập tức bị TQ “cho một bài học” bằng cuộc chiến tranh biên giới 1979 – còn lại, từ trước 1945 đến nay, chính quyền Việt Nam đã một lòng theo Trung Quốc, đã chọn Trung Quốc làm ông chủ, đã nguyện nâng khăn sửa túi cho Trung Quốc, đã khép nép làm “con nuôi” của các vị cha già dân tộc: Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và ngày nay là Tập Cận Bình.
Với một “thân phận” như vậy, liệu Việt Nam có tư cách để “đu dây” qua phía Mỹ không?