Mẹ của 322 đứa con, một phụ nữ phi thường, một người đàn bà vĩ đại
Mẹ của 322 đứa con
Chị là Huỳnh Tiểu Hương, người sáng lập Trung tâm Nhân đạo Quê Hương (ấp Tân Long, P.Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An, Bình Dương). Chưa từng một lần sinh nở, nhưng chị có đến 322 đứa con.
Niềm hạnh phúc của mẹ Hương trước đàn con, những thiên thần bé nhỏ
Từ khi sinh ra, chị đã không biết cha mẹ mình là ai. Lang thang khất thực, chị trải qua vô vàn tủi nhục, từng nhiều lần tìm cách quyên sinh, nhưng “thần chết” từ chối rước đi. Cuối cùng, chị đã tìm thấy hạnh phúc bằng cách mang lại sự sống cho hàng trăm đứa trẻ bị vứt bỏ, và dành hết tình yêu cho chúng.
Chị là Huỳnh Tiểu Hương, người sáng lập Trung tâm Nhân đạo Quê Hương (ấp Tân Long, P.Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An, Bình Dương). Chưa từng một lần sinh nở, nhưng chị có đến 322 đứa con.
Nằm đợi xe tải đâm chết
Chúng tôi về thăm Trung tâm Nhân đạo Quê Hương (TTNĐQH) vào một buổi sáng mùa thu, giữa lúc một nhóm gần chục đứa trẻ đang quấn quýt bên mẹ Hương.
Dáng người nhỏ nhắn, dù đã 46 tuổi, nhưng gương mặt với nụ cười thật hiền của chị còn phảng phất nhan sắc một thời. Cuộc nói chuyện của chúng tôi cứ bị gián đoạn bởi vài phút lại có vài đứa trẻ đến “làm phiền” mẹ Hương. Những lúc ấy, chị lại cười, xin lỗi chúng tôi.
“Tôi không biết chính xác mình sinh ra ở đâu và cha mẹ là ai. Bởi vì, lúc lớn lên, tôi chỉ biết có bà nội. Chúng tôi không có nhà, nên lang thang khắp nơi, làm đủ thứ việc, từ lượm ve chai, rửa chén, bán trà đá, thuốc lá, đến ăn xin trên tàu hỏa từ Sài Gòn ra đến miền Trung.
Cuộc sống của kẻ bụi đời, giang hồ thì anh biết khổ như thế nào rồi. Nhưng khổ nhất là khi bà mất, tôi bơ vơ một mình, cứ đi trong vô định, ngày nào cũng bị đám bụi đời khác ăn hiếp, có đồng nào tụi nó cướp sạch. Nhiều đêm, tôi không thể nằm xuống ghế đá công viên được vì bị tụi nó đánh, người đau ê ẩm. Thế rồi, chuyện gì đến cũng đến…”, chị Hương mở đầu câu chuyện.
Sau khi bị một đám thanh niên bụi đời hãm hại, đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần, nhìn phía trước cuộc đời chỉ thấy một màu đen kịt, lần đầu tiên chị nghĩ đến việc giải thoát cho mình bằng cách nằm ngang đường ray xe lửa giữa đêm vắng.
Nhưng, dường như số phận chưa đồng ý giải thoát cho chị, nên một cụ già đi lượm ve chai đã phát hiện, ngăn cản và đưa chị về nhà cưu mang. Lần đầu tiên trong đời, chị có nhà, hạnh phúc tưởng như đã mỉm cười thì chị lại phải ra đi khi một lần nữa chị bị người cháu của ông cụ tiếp tục hại.
Rời nhà ông cụ, chị lang thang đến một khu đào vàng ở vùng A Lưới (Thừa Thiên – Huế) làm thuê. Ở đây, cuộc sống của chị chẳng khác nào địa ngục giữa trần gian khi ban ngày phải làm cật lực, đêm xuống, những gã đàn ông bặm trợn xúm vào xâu xé chị như một món đồ chơi. Không những thế, chị còn liên tục bị đánh đập.
Tháng ngày cay đắng của chị Hương đã lùi xa, hiện chị đang hạnh phúc bên những thiên thần nhỏ
Tủi nhục đỉnh điểm, một đêm tối trời, chị ra giữa đường nằm đợi xe tải lao tới để kết thúc cuộc đời. Nhưng, lần thứ 2, chị không được toại nguyện khi chiếc xe tải đang ầm ầm đổ dốc vẫn thấy chị, kịp thắng lại. Tay tài xế mặt cắt không còn giọt máu, xuống xe chửi chị xối xả và không quên tặng chị một bạt tai nảy đom đóm trước khi đi. Sau đó, thêm một lần chị được cứu sống khi gieo mình xuống biển ở Vũng Tàu.
“Tôi bỏ ý định quyên sinh khi một lần tôi thấy đứa trẻ mới sinh bị bỏ rơi. Lúc ấy, ngay cả miếng ăn của tôi cũng còn khó kiếm, nhưng nhìn cháu bé đang khóc oe oe, mình mẩy kiến bu đầy, tôi thương quá, không cầm lòng được nên bế cháu lên. Kể từ đó, tình cảm người mẹ trong tôi trỗi dậy. Tôi lượm bất cứ thứ gì có thể ăn được, từ khoai lang, các loại rau sống để nhai, mớm cho cháu. Đến giờ, tôi vẫn không hiểu phép màu nào giúp cháu sống được”, chị Hương kể tiếp.
Người mẹ vĩ đại
Năm 1987, vận may đến khi một người Đài Loan tình cờ gặp chị bế con nhỏ, đã động lòng trắc ẩn, muốn nhận chị làm con nuôi và thuê cho chị một nơi ở.
Trước khi về nước, người đàn ông này đã đưa cho chị một số tiền đủ để mua căn nhà nhỏ. Từ căn nhà này, chị bắt đầu kiếm được tiền bằng cách mua đi bán lại kiếm lời. Có vốn trong tay, chị thành lập Cty SX kinh doanh nước tinh khiết, tạo việc làm cho người cơ nhỡ, mồ côi.
Chị Hương đang bận bịu với những đứa trẻ sơ sinh
“Tôi có 3 điều ước, thứ nhất là xây nhà ở cho các cháu mồ côi có nơi nương tựa, thứ 2 là xây một trường học cho các cháu và điều ước thứ 3 là xây một bệnh viện đa khoa nhân đạo để chữa bệnh miễn phí cho các cháu mồ côi, người già neo đơn, người tàn tật. Ba điều ước trên, tôi đã thực hiện được khoảng một nửa. Nhưng phần còn lại là một hành trình đầy khó khăn mà một mình tôi rất khó thực hiện”, chị Hương nói. |
Kể từ đây, chị không còn phải lang thang nữa mà đã có của ăn của để. Nhưng, chị luôn đau đáu ước mơ là giúp đỡ những đứa trẻ có hoàn cảnh giống chị xưa kia. Vì thế, toàn bộ tiền kiếm được, chị dành hết cho việc từ thiện, mua đất, cất nhà và đón những đứa trẻ mồ côi, tàn tật về chăm sóc.
Năm 2001, Trung tâm Nhân đạo Quê Hương ra đời với diện tích hơn 2.000m2. Năm 2005, chị tiếp tục mở rộng trung tâm lên 4.100m2. Từ 30 em ban đầu, tăng lên 157. Đến nay, diện tích trung tâm là 10.000m2, số trẻ em cơ nhỡ, mồ côi, tàn tạt được chị Hương cưu mang là 322 em.
Bên cạnh đó, trung tâm còn có bếp ăn tình thương dành cho 170 người mù, tàn tật, không nơi nương tựa. Hơn 300 đứa trẻ của trung tâm đều được nhập hộ khẩu và đều mang họ Huỳnh.
Nói về việc đặt tên cho các cháu, ông Phan Văn Bảy, trợ tá đắc lực cho chị Hương, cười buồn: “Mỗi cái tên của chúng gợi nhớ một kỷ niệm. Như cháu bị bỏ rơi ngay cổng trung tâm, chúng tôi đặt tên là Cổng, nhưng sau đó được đổi thành Công cho đẹp, đứa mang tên Hảo là do mẹ chúng đặt trong thùng mì Hảo Hảo… Buồn nhất là nhiều đứa phát hiện muộn, không cứu được, hoặc khi phát hiện, phải đưa đi nằm bệnh viện rất lâu”. Ông Bảy cho biết, số khu công nghiệp ở đây mọc lên tỷ lệ thuận với trẻ bị vứt bỏ.
Chị Hương dạy các con học
Hiện nay, toàn bộ chi phí của trung tâm đều do chị Hương lo là chính, ngoài ra là tấm lòng hảo tâm của các Mạnh Thường Quân và những đứa con của trung tâm đã ra ngoài làm việc.
Tận mắt nhìn cảnh sinh hoạt của các cáu nhỏ ở trung tâm, tôi thấy rất rõ là các em nhỏ đã có một gia đình, được sống trong tình yêu thương thật sự của mẹ Hương và các cộng sự của trung tâm. Ở đây, các em được đi học kiến thức, học nghề, học năng khiếu và đã có những em bước chân vào giảng đường cao đẳng, đại học. Khi các em trưởng thành, chị lại ngược xuôi đi tìm việc cho các em. Đến tuổi, chính chị là người lo việc dựng vợ, gả chồng cho các con. Năm 2012, chị Hương đứng ra tổ chức đám cưới tập thể cho 11 cặp đôi.
Một trang báo không thể nào nói hết 46 năm cuộc đời với vô số những biến cố, thăng trầm của chị. Chỉ biết rằng, Huỳnh Tiểu Hương là một người phụ nữ phi thường, một bà mẹ vĩ đại.
Vĩ đại hơn nữa khi chúng tôi biết được, từ năm 2007 đến nay, chị bị căn bệnh ung thứ vú hoành hành, nhưng chị vẫn luôn tươi cười và chưa bao giờ than thở. “Mấy lần phải nằm viện, ngày nào chị ấy cũng gọi điện về hỏi thăm và nói chuyện với mấy đứa nhỏ”, ông Bảy nói.
KHƯƠNG HỒNG THỦY