TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG và TỔNG HỢP ở SÀIGÒN-CHỢ LỚN và GIA ĐỊNH trước năm 1975

TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG và TỔNG HỢP ở SÀIGÒN-CHỢ LỚN và GIA ĐỊNH trước năm 1975 :

Lời mở đầu (cập nhật 03/05/2023)

Posted on October 27, 2020 by Lê Thy

(TM tổng hợp và bổ túc)

LỜI MỞ ĐẦU
(xem thêm phần bổ túc LỜI MỞ ĐẦU ngày 3/5/2023 tại đây)

Đây là một tổng hợp và bổ túc lược sử các trường trung học ở Sàigòn, Chợ Lớn và Gia Định trước năm 1975.

Những lý do thúc đẩy thực hiện bài này là như sau :

  1. Thứ nhứt : Tình cảm riêng tư. Người viết và các bằng hữu đã may mắn được theo học bậc trung học tại vài trường tọa lạc trong địa bàn Sàigòn và Gia Định . Nay muốn ghi lại để bảo tồn kỷ niệm về những ngôi trường này và tri ân các thầy cô đã dầy công đào tạo chúng tôi nên người ;
  2. Thứ hai : Khoảng thời gian ở bậc trung học, một cách tổng quát, là khoảng thời gian đẹp nhất trong đời học trò. Thật vậy ,trong bảy năm trung học, đặc biệt bậc đệ nhất cấp, học trò nam cũng như nữ ở vào cái tuổi ‘’Ăn không no, lo chưa tới’’ , gần như hoàn toàn vô tư vì chuyện thi cử và chuyện lính tráng còn mờ mờ xa xa, chuyện ăn mặc sinh sống đã có cha mẹ lo, chuyện chiến tranh bảo vệ an ninh hậu phương và bờ cõi đã có các chiến sĩ can trường ngày đêm giết giặc , bắt đầu mơ mộng biết vui, biết buồn, biết nhớ tới cô bạn (hay anh bạn) học ngồi cùng lớp, cùng trường hay trường lân cận hay cô láng giềng bên nhà. Đây cũng là khoảng thời gian gặp gỡ , kết bạn để cùng nhau chia sẻ những mối bận tâm của lứa tuổi niên thiếu , từ đấy nảy nở những mối lương duyên hay tình bằng hữu chân thật , thân thiết , bền bỉ tới lúc bạc đầu ;
  3. Thứ ba : Những trường trung học lớn, lâu đời và danh tiếng của miền Nam Việt Nam thành lập từ cả trăm năm trước , đều tọa lạc ở Sàigòn và Chợ Lớn.

Bậc trung học của hệ thống giáo dục miền Nam trước 1975 có thể được coi là quan trọng nhất trong ba bậc học : tiểu học, trung học và đại học, bởi vì theo tài liệu [1] : ‘’ Ở bậc trung học ,sự xã hội hóa nhắm vào việc thích nghi con người vào tình trạng văn hóa mà người ta muốn có. Thường khi người ta (các nhà làm chính trị, những nhà lãnh đạo) muốn có xã hội thế nào thì người ta nhắm vào lớp người vào trung học để đào luyện họ trở thành những công dân kiểu mẫu cho xã hội người ta muốn có. Những người này sẽ được xã hội hóa để bảo tồn những gì đã có. Các trường trung học của Việt Nam Cộng Hòa cũng đóng vai trò xã hội hóa học sinh giống như bao nhiêu trường trung học khác trên thế giới. Việc xã hội hóa ở đây là thích nghi con người vào trong xã hội Miền Nam nước Việt vào giữa thế kỷ XX’’.

Theo tài liệu [2,3] :

Thời Ðệ Nhất Cộng Hòa, năm học 1960 miền Nam có 112.129 học sinh trung học.

Tính đến đầu những năm 1970, Việt Nam Cộng Hòa có hơn 550.000 học sinh trung học, tức hơn 20% tổng số thanh thiếu niên ở lứa tuổi từ 12 đến 18 và có 534 trường trung học.

Năm học 1973-1974, Việt Nam Cộng Hòa có 1.091.779 học sinh trung học.

Đến năm 1975, có khoảng 900.000 học sinh ở các trường trung học công lập.

Mặc dù chỉ tồn tại trong 20 năm (từ 1955 đến 1975), bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh và những bất ổn chính trị thường xảy ra, phần thì ngân sách eo hẹp do phần lớn ngân sách quốc gia phải dành cho quốc phòng và nội vụ (trên 40% ngân sách quốc gia dành cho quốc phòng, khoảng 13% cho nội vụ, chỉ khoảng 7-7,5% cho giáo dục), nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa đã phát triển vượt bậc, đáp ứng được nhu cầu gia tăng nhanh chóng của người dân, đào tạo được một lớp người có học vấn và có khả năng chuyên môn đóng góp vào việc xây dựng quốc gia và tạo được sự nghiệp vững chắc ngay cả ở các quốc gia phát triển.

Theo tài liệu [4] : Nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa đã đạt được những thành công quan trọng nhất và rõ rệt nhất, đồng thời cũng là một nét vàng son đáng trân quý trong nếp sống và sinh hoạt ở Miền Nam thời trước năm 1975.

Các tài liệu [1,2,3,4,5,] là những tài liệu căn bản và tổng quát viết về nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa với các chủ đề chính yếu : Lịch sử nền giáo dục ở Việt Nam từ thời Pháp thuộc đến thời Đệ Nhị Cộng Hòa, triết lý giáo dục Việt Nam Cộng Hòa , hệ thống tổ chức giáo dục của ba cấp bậc tiểu học, trung học và đại học, nhân sự giáo chức sư phạm, chương trình giảng dạy , tài liệu và dụng cụ giáo khoa, hệ thống thi cử và bằng cấp, và những lý đó đưa đến những thành công to tác của nền giáo dục này. Vì vậy, các chi tiết về các trường trung học ngay cả các trường lâu đời nổi tiếng ở Miền Nam và đặc biệt ở Đô Thành Sàigòn và vùng phụ cận không được đề cập nhiều .

Những dữ kiện về lịch sử của các trường trung học ở Sàigòn, Chợ Lớn và Gia Định trước năm 1975 trên mạng Internet rất ít ỏi , hiếm hoi hoặc không có sẵn. Gần như chỉ có những trường trung học lớn nổi tiếng , nhất là các trường công lập hay trường công giáo có các hội ái hữu cựu học sinh thành lập ở hải ngoại, là có phổ biến lược sử của trường. Các trường trung học nhỏ hoặc là trường tư thục không có hội cựu học sinh gần như không có tin tức , và nếu có thì lại nằm rải rác trong nhiều bài vở với nhiều chủ đề khác nhau của nhiều cá nhân. Những ai còn lưu tâm đến các tin tức này có thể mất rất nhiều thời giờ tìm kiếm trên mạng.

Các trường trung học ở Sàigòn, Chợ Lớn và Gia Định trước năm 1975 , được tổng hợp, bổ túc và trình bày trong bài này rất đa dạng :

  • Trường trung học được thành lập từ thời Pháp mới vào miền Nam cho tới thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa;
  • Trường trung học đệ nhất cấp với lớp đệ thất đến lớp đệ tứ , trường đệ nhị cấp bao gồm các lớp từ đệ thất tới đệ nhứt, trường đệ nhị cấp nhưng chỉ có từ đệ tam tới đệ nhứt và trường đệ nhị cấp nhưng chỉ có lớp đệ nhứt thôi. Nhiều trường trung học còn có các lớp tiểu học trong khuôn viên trường ;
  • Trường trung học giảng dạy chương trình Việt , chương trình Pháp và chương trình dành riêng cho học sinh người Việt gốc Hoa ;
  • Trường trung học công lập và trường trung học cộng đồng ;
  • Trường trung học tư thục thành lập và quản trị bởi giáo hội Công giáo, hay Phật giáo hay tư nhân ;
  • Trường trung học phổ thông, kỹ thuật , mỹ thuật ,kiểu mẫu và tổng hợp.

Bài này là một tổng hợp thực hiện với những dữ kiện trích từ các nguồn sau đây :

  1. Một số tài liệu nghiên cứu lịch sử, địa lý và văn hóa vùng Sàigòn, Chợ Lớn và Gia Định từ thế giữa thế kỷ thứ 18 cho tới những năm 1970, được ấn hành vào thời chính phủ Việt Nam Cộng Hòa ;
  2. Những tin tức, tài liệu và hình ảnh về một số trường học được viết hay kể lại theo trí nhớ hay được cung cấp bởi các cựu học sinh ;
  3. Ký ức của người viết bài này;
  4. Các tài liệu sưu tầm trên mạng Internet đặc biệt là các địa chỉ mạng của các hội ái hữu cựu học sinh ở hải ngoại.

Các dữ kiện từ những tài liệu tham khảo trên Internet đã được kiểm soát chéo (cross check) lẫn nhau trước khi được xử dụng để tổng hợp.

Tuy vậy, dù đã cố gắng tối đa nhưng chắc chắn bài viết vẫn còn thiếu sót.Tác giả rất vui đón nhận những phê bình, chỉ dẫn để có thể hoàn thiện bài này.

Tổng cộng chín mươi bảy (97) trường trung học riêng rẻ ở Sàigòn, Chợ Lớn và Gia Định và một (1) tập hợp các trường trung học công lập không chi tiết ở Gia Định, đã được tổng hợp và bổ túc.

Ngoài ra, bài này còn thêm vào ba (3) cơ sở không hoàn toàn thuần túy là trường trung học vì những lý do sau :

– Chủng viện (Séminaire) Sàigòn : Chủng viện là gốc nguồn xuất phát của vài trường trung học trong bài này. Chủng viện cũng được xử dụng như trường học tạm thời trong một thời gian ngắn cho học sinh của vài trường trung học khác;

– École Normale d’Instituteurs (École Normale) : Chuyên đào tạo thầy cô giáo bậc sơ học và tiểu học khởi đầu cho nền giáo dục ở miền Nam. Cơ sở của École Normale đã được xử dụng làm 2 trường trung học trong bài này;

– Trường Sư Phạm Nam Việt : Trường này đã được ghi dẫn trong lược sử một vài trường trung học .

Và sau cùng là một Phụ trang về các trường chuyên dạy Sinh Ngữ.

Để dễ dàng cho việc tìm kiếm và tham khảo, người viết đã sắp xếp và phân loại các ngôi trường liệt kê trong danh sách dưới đây theo thứ tự như sau :

  1. a) Trường phổ thông, kiểu mẫu và tổng hợp theo địa bàn : Sàigòn – Chợ Lớn và sau đó là Gia Định ;
  2. b) Trường kỹ thuật và mỹ thuật trong chung địa bàn Sàigòn – Chợ Lớn và Gia Định;
  3. c) Trong mỗi thể loại trên, các ngôi trường được sắp theo năm thành lập và tiếp theo đó là thứ tự mẫu tự tên trường . Những ngôi trường mà năm thành lập không xác định sẽ được xắp sau cùng theo thứ tự mẫu tự tên trường .

Danh sách các ngôi trường trình bày trong bài gồm có :

Trường trung học phổ thông & tổng hợp ở Sàigòn-Chợ Lớn :

  1. 1850- Chủng viện (Séminaire) Sàigòn – Quận 1
    (xem thêm phần bổ túc ngày 3/5/2023tại đây)
  2. 1861- Collège d’Adran – Quận 1
    (xem thêm phần bổ túc ngày 3/5/2023tại đây)
  3. 1864- Trường Saint Paul Sàigòn – Quận 1
  4. 1874- Trường Chasseloup Laubat-JJ Rousseau- Lê Quý Đôn – Quận 3
  5. 1874- Trường La San Taberd – Quận 1
    (xem thêm phần bổ túc ngày 3/5/2023tại đây)
  6. 1877- Trường Thiên Phước – Quận 3
  7. 1908- Trường Bác Ái – Quận 5
  8. 1910- Institution municipale des jeunes filles à Saigon – Quận 1
  9. 1915- Trường Gia Long – Quận 3
  10. 1918- Trường Marie Curie Sàigòn – Quận 3
  11. 1922- École Normale d’Instituteurs – Quận 1
    (xem thêm phần bổ túc ngày 3/5/2023tại đây)
  12. 1922- Trường Huỳnh Khương Ninh – Quận 1
    (xem thêm phần bổ túc ngày 3/5/2023tại đây)
  13. 1923- Trường Lasan Đức Minh – Quận 3
  14. 1927- Trường Petrus Ký
  15. 1933- Trường Hồng Bàng – Quận 5
  16. 1940- Trường Bồ Đề – Quận 2
  17. 1945- Centre scolaire Saint Exupéry
  18. 1947- Trường Huỳnh Thị Ngà – Quận 1
  19. 1947- Trường Thánh Linh – Quận 5
  20. 1948- Trường Colette – Quận 3
  21. 1948- Trường Lamartine – Quận 1
  22. 1950- Trường Couvent des Oiseaux – Quận 1
  23. 1950- Trường Les Lauriers – Quận 1
  24. 1950- Trường Sư Phạm Nam Việt – Quận 1
  25. 1950- Trường Vương Gia Cần – Quận 1
  26. 1953- Trường Charles de Gaulle – Quận 3
  27. 1953- Trường Đức Trí – Quận 2
  28. 1954- Trường Chu Văn An – Quận 5
  29. 1954- Trường Nguyễn Trãi – Quận 4
  30. 1954- Trường Trần Lục – Quận 3 (1971 trở thành Nguyễn Du- Quận 10)
  31. 1954- Trường Trưng Vương – Quận 1
  32. 1955- Trường Võ Trường Toản – Quận 1
  33. 1956- Trường La San Hiền Vương – Quận 3
  34. 1956-Trường Nguyễn Bá Tòng (Sàigòn) – Quận 2
  35. 1956- Trường Văn Lang – Quận 1
    (xem thêm phần bổ túc ngày 3/5/2023tại đây)
  36. 1957- Trường Mạc Đĩnh Chi – Quận 6
  37. 1957- Trường Trung Thu – Quận 5
  38. 1958- Trường Văn Hóa Quân Đội – Sàigòn và Gia Định
  39. 1959- Trường Hưng Đạo – Quận 2
    (xem thêm phần bổ túc ngày 3/5/2023tại đây)
  40. 1960- Trường Regina Pacis – Quận 3
  41. 1962- Trường La San Chánh Hưng – Quận 8
  42. 1963- Trường Nữ Thánh Anna – Quận 9
  43. 1963- Trường Phan Sào Nam – Quận 3
  44. 1966- Trường Trung học Cộng đồng Quận 8 – Quận 8
  45. 1967- Trường Saint Martin – Quận 1
  46. 1968- Trường Trung học Cộng đồng Quận 6 – Quận 6
  47. 1970- Trường Đồng Tiến – Quận 10
  48. 1971- Trường tổng hợp Nguyễn An Ninh – Quận 10
  49. 1971- Trường tổng hợp Sương Nguyệt Anh – Quận 10
  50. 1972- Trường Phục Hưng – Quận 3
  51. Khoảng thập niên 1950 hay trước – Trường Kiến Thiết – Quận 3
  52. Khoảng thập niên 1950 hay trước – Trường Thánh Têrêxa – Quận 5
  53. Khoảng thập niên 1950 – Trường Trường Sơn – Quận 3
    (xem thêm phần bổ túc ngày 3/5/2023tại đây)
  54. Khoảng thập niên 1950 – Trường Việt Nam Học Đường – Quận 1
  55. Khoảng thập niên 1960 hay trước – Institution Phan Van Hue – Quận 2
  56. Khoảng thập niên 1960 hay trước – Trường Nguyễn Khuyến – Quận 3
  57. Khoảng thập niên 1960 – Lycée Cửu Long – Quận 3
  58. Khoảng thập niên 1960 – Trường Đông Tây Học Đường – Quận 1
  59. Khoảng thập niên 1960 – Trường Nguyễn Công Trứ – Quận 1
  60. Khoảng thập niên 1960 – Trường Tân Thạnh – Quận 1
  61. Khoảng thập niên 1960 – Trường Văn Hiến – Quận 1
  62. Khoảng thập niên 1960 – Trường Văn Học – Quận 3
  63. Khoảng trước năm 1964 – Trường Thánh Tâm – Quận 10
  64. Năm không xác định – Trường Tân Văn – Quận 3

Trường trung học phổ thông & kiểu mẫu ở Gia Định

  1. 1939- Trường Lasan Mossard Thủ Đức
  2. 1954- Trường Hồ Ngọc Cẩn
  3. 1955- Trường Chu Mạnh Trinh
  4. 1956- Trường Lê Bảo Tịnh
  5. 1956- Trường Nguyễn Duy Khang
    (xem thêm phần bổ túc ngày 3/5/2023tại đây)
  6. 1957- Trường An Lạc
  7. 1957- Trường Lê Văn Duyệt
  8. 1957- Trường Lý Thường Kiệt
  9. 1959- Trường Đạt Đức
    (xem thêm phần bổ túc ngày 3/5/2023tại đây)
  10. 1959- Trường Hoàng Gia Huệ
  11. 1959- Trường Thánh Thomas
  12. 1960- Trường Notre Dame des Missions
  13. 1960- Trường Thánh Liêm
  14. 1961- Trường Chân Phước Liêm
  15. 1963- Trường Quốc Gia Nghĩa Tử
  16. 1965- Trường Kiểu Mẫu Thủ Đức
  17. 1966- Trường Bình Chánh
    (xem thêm phần bổ túc ngày 3/5/2023tại đây)
  18. 1966- Trường Nhà Bè
  19. 1966- Trường Phụng Sự Thánh Minh
  20. 1968- Trường Vinh Sơn Liêm
  21. 1969- Trường Tân Bình (1973 trở thành Nguyễn Thượng Hiền)
  22. 1970- Trường Lasan Thạnh Mỹ
  23. 1970- Trường Nguyễn Bá Tòng (Gia Định)
  24. Khoảng trước năm 1960 – Trường Trung Mỹ Tây
  25. Khoảng trước năm 1968 – Trường Quang Trung
  26. Năm không xác định – Trường Phước An
  27. Khoảng thập niên 1960-1970 – Tập hợp các trường công lập không chi tiết ở Gia Định

Trường trung học kỹ thuật & Mỹ Thuật ở Sàigòn & Gia Định

  1. 1898- Trường kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ – Sàigòn
  2. 1906- Trường kỹ thuật Cao Thắng – Sàigòn
    (xem thêm phần bổ túc ngày 3/5/2023tại đây)
  3. 1913- Trường Quốc Gia Trang Trí Mỹ Thuật Gia Định – Gia Định
  4. 1956- Trường kỹ thuật Don Bosco – Gia Định
  5. 1959- Trường kỹ thuật Régina Pacis – Sàigòn
  6. 1960- Trường kỹ thuật Việt Đức – Thủ Đức – Gia Định
  7. 1965- Trường kỹ thuật Quốc Gia Nghĩa Tử – Gia Định
  8. 1968- Trường kỹ thuật Gia Định – Gia Định
  9. Năm không xác định – Trường kỹ thuật Cao Đạt – Sàigòn
  10. Năm không xác định – Trường kỹ thuật Dương Châu Minh- Sàigòn

Phụ trang

  1. Các trường chuyên dạy Sinh Ngữ27/5/2021

103-Danh sách bổ túc các trường trung học27/5/2021

104-Bổ túc Lời Mở Đầu và chi tiết các trường Trung Học

Để dễ dàng việc định vị các ngôi trường trên, bản đồ Đô Thành Sàigòn và vùng phụ cận , và bản đồ tỉnh Gia Định ấn hành trước năm 1975, được đính kèm dưới đây.

Vì lý do rất hiển nhiên là tất cả các trường trung học trình bày trong tài liệu này đều được xây lên và hoạt động từ trước năm 1975, bài này chỉ dùng các danh từ, ngữ vựng, thành ngữ và các tên đường và địa chỉ đã được đặt ra và xử dụng trước năm 1975 của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.

Từ những kết quả cụ thể đạt được ,những điểm nổi bậc đáng chú ý được ghi nhận như sau :

  • Các trường trung học công lập thành lập bởi người Pháp vào đầu thế kỷ 20 như Chasseloup-Laubat (Jean Jacques Rousseau), Gia Long , Petrus Ký và Chu Văn An… có thể được coi là những nôi đầu tiên đào tạo nhân tài trí thức ưu tú cho xã hội miền Nam Việt Nam;
  • Sau hiệp định Genève năm 1954 , bên cạnh những việc tái định cư và ổn định đời sống cho hơn một triệu người Bắc di cư vào Nam, chính phủ Đệ Nhất Cộng Hòa đã nhanh chóng thiết lập lại các trường trung học di cư để cho việc học của các học sinh không bị gián đoạn;
  • Sau khi người Pháp về xứ, chính phủ Việt Nam đã chuyển tiếp một cách êm thấm chương trình Pháp sang chương trình Việt trong hai trường Gia Long , Petrus Ký. Đến thập niên 1960, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã thêm môn Việt Văn vào trong chương trình giảng dạy của các trường Pháp ở Sàigòn, quản trị và điều hành bởi chính phủ Pháp hay các tổ chức tư nhân;
  • Vào năm 1958 và nhiều năm kế tiếp sau đó,chính phủ Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa đã thành lập trên 4 vùng chiến thuật toàn cõi miền Nam Việt Nam, một hệ thống trường trung học Văn Hóa Quân Đội để giúp đỡ các con em quân nhân tại ngũ, có nơi chốn học hành ở hậu phương;
  • Năm 1963 và nhiều năm kế tiếp sau đó, để tỏ lòng tri ân của quốc gia đối với những người đã cống hiến xương máu hoặc hy sinh cho tổ quốc, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã mở một hệ thống trường Quốc Gia Nghĩa Tử trên toàn quốc cho các cô nhi, con cái của tử sĩ và thương phế binh. Các trường này có các lớp đến đệ nhị cấp, giảng dạy theo ba chương trình giáo dục phổ thông, kỹ thuật và tổng hợp;
  • Nền giáo dục thành lập và để lại bởi người Pháp đã có một ảnh hưởng to lớn và sâu đậm trong nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa. Các trường trung học phổ thông và cả kỹ thuật miền Nam vẫn theo mô hình giáo dục trung học phổ thông Pháp.Tuy nhiên vào đầu thập niên 1960, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã thử nghiệm một hệ thống giáo dục Tổng Hợp theo mô hình giáo dục Hoa Kỳ. Thành công của cuộc thử nghiệm này đã dẫn tới việc thành lập một hệ thống trường Trung Học Tổng Hợp (còn được gọi là trường Trung Học Dẫn Đạo) trên khắp toàn quốc Việt Nam Cộng Hòa;
  • Giáo dục kỹ thuật cũng có những bước tiến đáng kể. Trước năm 1960, Sàigòn chỉ có 2 trường kỹ thuật công lập Nguyễn Trường Tộ và Cao Thắng, xây vào đầu thế kỷ 20 bởi người Pháp. Đến năm 1970, số trường đã tăng lên tới 9 với 7 trường kỹ thuật công lập và tư thục. Nhiều bộ môn chuyên nghiệp mới như Thương Mại, Kế Toán, Doanh Thương, Nữ Công Gia Chánh, Kinh tế gia đình, Dinh Dưỡng… đã được thêm vào trong học trình kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu nhân lực do sự phát triển của kinh tế , thương mại và kỹ nghệ. Vì vậy, trường Nguyễn Trường Tộ ,truyền thống chỉ nhận nam sinh, vào năm 1973 đã mở cửa đón nhận nữ sinh.Vào năm 1971, trường mỹ thuật Gia Định và năm 1973 trường Nguyễn Trường Tộ đã được nâng lên thành trường trung học đệ nhị cấp;
  • Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, mặc dầu phải để dành gần như hết tài lực và nhân lực để đối phó với chiến tranh xâm lược liên tục bởi cộng sản miền Bắc, đã thành công gầy dựng được rất nhiều trường trung học công lập mới. Chính phủ đã đặc biệt chú ý tới các quận nghčo của đô thành Sàigòn và các vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh của tỉnh Gia Định.Nhiều ngôi trường mới đã được khởi đầu từ các trường tiểu học có sẵn. Một số trường mới khác , gian nan hơn ,đã bắt đầu từ con số không và được xây dựng trên những khu đất không được dự trù để xây cất hay trú ngụ.

Trước năm 1954, Sàigòn- Chợ Lớn và Gia Định chỉ có 5 trường công lập: Hai trường phổ thông Gia Long, Petrus Ký, hai trường kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ , Cao Thẳng và một trường mỹ thuật Gia Định để lại bởi người Pháp. Chỉ trong một thời gian ngắn 18 năm từ năm 1954 đến năm 1972, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã thành lập được bảy mươi bốn (74) trường trung học công lập;

  • Sau năm 1954 và vào đầu thập niên 1960, một hệ thống trường trung học tư thục hình thành và phát triển rất nhanh tại Sàigòn- Chợ Lớn và Gia Định để bổ khuyết cho khả năng giới hạn của các trường công lập không đáp ứng được hết nhu cầu gia tăng khối lượng học sinh quá nhanh chóng.Tài liệu [4,6,7]đã có ghi nhận điều này. Đô thành Sàigòn, Chợ Lớn và tỉnh Gia Định có 63 trường trung học tư thục Việt, Pháp và Hoa .

Các trường tư thục được thành lập bởi giáo hội Công Giáo , Phật Giáo và tư nhân. Tuy nhiên chương trình đào tạo học sinh trung học phổ thông của các trường công giáo như trường La San , Nguyễn Bá Tòng ,Chân Phước Liêm, Don Bosco … có thể được coi là hoàn hảo nhất bởi vì ngoài phần văn hóa còn có thêm các sinh hoạt hiệu đoàn ,hướng đạo , văn nghệ, thể thao,công tác xã hội từ thiện.

Nhiều trường tư thục tư nhân như Văn Lang,Trường Sơn, Hưng Đạo, Văn Học, Phục Hưng… đã mời được những giáo sư đầy kinh nghiệm tới từ các trường công lập. Vì vậy phẩm chất giảng dạy của các trường này rất tốt và số học sinh đậu tú tài 2 rất cao chẳng kém trường công lập;

  • Các trường trung học Việt ở Sàigòn, Chợ Lớn và Gia Định trước năm 1975 liệt kê trong danh sách trên , đều được đặt bằng tên :

– Của các anh hùng dân tộc thời trước hay danh nhân, được mọi người từ lâu công nhận như: Trưng Vương, Lý Thường Kiệt ,Hưng Đạo, Gia Long ,Nguyễn Trãi , Lê Văn Duyệt , Mạc Đỉnh Chi, Lê Quý Đôn, Chu Văn An, Võ Trường Toản, Cao Thắng, Nguyễn Trường Tộ, Petrus Ký, Phan Sào Nam v.v … ;

– hoặc những tên có ý nghĩa tôn giáo như tên các Thánh Công giáo, Thiên Phước, Phước An, Bồ Đề… ;

– hoặc các danh xưng văn hóa ,văn học xứ sở như Hồng Bàng, Văn Lang, Văn Hiến, Văn Học, Tân Văn, Tân Thạnh, Bác Ái ,Kiến Thiết, Phục Hưng…

Tuyệt nhiên không hề có một trường trung học công lập nào mang tên của các lãnh tụ đương thời dù đó là Bảo Đại, Ngô Đình Diệm hay Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, kể cả Trần Văn Hương gốc nhà giáo, như đã ghi trong tài liệu [4,5].

Từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, các trường trung học kể trên bị bọn ngụy quyền cộng sản tịch thu. Một số trường bị phá hủy để xây cao ốc thương mại, condos, một vài trường trở thành trường dành riêng cho bọn cán bộ đảng, phần còn lại bị đổi quy chế và trách nhiệm giáo dục và bị đổi tên trường với những tên hoàn toàn xa lạ như Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai hay tên của những kẻ khủng bố như Lê Thị Hồng Gấm và cả những khủng bố vị thành niên như Võ Thị Sáu, Lý Tự Trọng …hay tệ hơn nữa, là ngụy tạo Lê Văn Tám, không có thật, đối với quảng đại quần chúng miền Nam là “ngoài giáo dục” (kiêm luôn vô giáo dục ) hay vài cái tên vọng âm hưởng cải tạo ruộng đất đấu tố tràn đầy máu và nước mắt ngoài Bắc ngày xưa như Bổ Túc Công Nông, Đuốc Sống hay cái tên Đồng Khởi dính liền với đặt bẫy, gài mìn , ném lựu đạn khủng bố , đào đường, đắp mô, phá cầu, đòi tiền mãi lộ, ám sát, chặt đầu, trấn nước thả sông, đốt nhà, phá ấp, pháo kích bừa bãi vào trường tiểu học và nhà dân … chính vì nó mà biết bao người dân vô tội vùng thôn quê miền Nam đã mất mạng sống và sau năm 1975, toàn dân Việt Nam mất luôn Tự Do.

Tài liệu tham khảo :
1. Nguyễn Thanh Liêm – Nền giáo dục miền Nam trước 1975 (trích lược) – 01/07/2019.
2. Nam Sơn Trần Văn Chi – Đạo và Đời Qui Nguyên- Viện Nghiên Cứu Đạo Cao Đài – Giáo dục thời Việt Nam Cộng Hòa.
3. Nguyễn Võ Phương Nam – Tiếc nuối nền giáo dục Việt Nam Cộng Hoà (2) – 06/09/2018.
4. Phạm Cao Dương – Sau 44 năm : Nhìn lại thời vàng son của giáo dục VNCH trước năm 1975 – 06/05/2019.
5. Phạm Cao Dương – Những đặc tính truyền thống cơ bản của nền giáo dục miền Nam trước 75.
6. Huỳnh Minh– Gia Ðịnh xưa và nay – Nhà xuất bản Khai Trí -1973.
7. Lê Nguyễn -Ký ức vụn về chuyện học ở miền Nam thời Đệ Nhất Cộng Hòa..


 

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay