November 14, 2024
Chuyện Vỉa Hè
Đặng Đình Mạnh
Sau khi nhậm chức vào hạ tuần Tháng Mười, ông Lương Cường đã có chuyến công du ra nước ngoài đầu tiên của mình trong cương vị tân chủ tịch nước. Theo thông tin chính thức, ông sẽ đến hai quốc gia Nam Mỹ gồm Chile và Peru để tham dự tuần lễ hội nghị cấp cao APEC.
Nhưng xem ra, chuyến công du đầu tiên của ông tân chủ tịch nước trở nên đáng nhớ hơn khi một trong số cảnh vệ của ông đã bị cảnh sát Chile bắt giữ với cáo buộc quấy rối tình dục. Ngay sau đó, như một động thái “đánh chó nể mặt chủ” khi ông Lương Cường đang là quốc khách của quốc gia này, thay vì bị khởi tố hình sự, người cảnh vệ này chỉ bị trục xuất khỏi Chile và cấm nhập cảnh trở lại trong vòng hai năm.
Ông Lại Đắc Tuấn, cận vệ của Chủ Tịch Nước Lương Cường, ra tòa ở Chile vì “lạm dụng tình dục” và bị trục xuất về nước. (Hình: Báo Chile)
Tuy ông Lương Cường không phải là thủ phạm trong vụ bê bối tình dục, thế nhưng, từ nay cho đến hết sự nghiệp chính trị của ông Lương Cường, câu chuyện đáng xấu hổ tại Chile sẽ còn gắn chặt mãi với danh tính ông tân chủ tịch nước, một chức vụ bị xem là có “huông” “lành ít, dữ nhiều” từ đời Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang.
Từ trước đến nay, chức vụ chủ tịch nước vốn thường bị xem thường với vai trò “kèn trống,” vì vai trò nặng về tính chất nghi lễ của chức vụ hơn là thực quyền. Tuy vậy, chức vụ này vẫn được chế độ Cộng Sản trong nước xếp vào nhóm tứ trụ, tức là một trong bốn chức vụ có quyền lực bậc nhất trong hệ thống chính trị.
Chức vụ thứ hai trong tứ trụ là chủ tịch Quốc Hội.
Thượng tuần Tháng Bảy, 2018, chủ tịch Quốc Hội bấy giờ là bà Nguyễn Thị Kim Ngân có chuyến công du chính thức đến Nam Hàn theo lời mời từ chủ tịch Quốc Hội Nam Hàn.
Có lẽ đây là một cơ hội tốt để bà ấy diện 300 chiếc áo dài mà công chúng đã từng xuýt xoa khi được nhà thiết kế áo dài cho bà ấy, vô tình tiết lộ công khai.
Thế nhưng, những tà áo dài công, phượng vô cùng lộng lẫy của bà ấy, đã chìm khuất trước thông tin làm bùng nổ mạng xã hội về chiếc chuyên cơ của bà chủ tịch Quốc Hội đã chở theo chín người “vượt biên có phép” để “nhập cư trái phép” dưới danh nghĩa doanh nhân Việt Nam tháp tùng bà chủ tịch xinh đẹp!
Cũng bà Nguyễn Thị Kim Ngân, công chúng hẳn chưa quên cảm giác ủ ê đến đỏ mặt khi nhắc đến sự kiện vào Tháng Năm, 2016, khi bà ấy đưa ông Obama, tổng thống Hoa Kỳ đi thăm ao cá trong khuôn viên Phủ Chủ Tịch… Trong một phút “hiện nguyên hình” bản chất, bà ấy đã hắt cả xô thức ăn vào hồ cá, khiến vị quốc khách mắt mở chữ O, mồm há chữ A đầy kinh ngạc…
Trong phi vụ ngoại giao đầy tai tiếng đến Nam Hàn nói trên, ít nhất cũng có điểm son hiếm hoi của hệ thống truyền thông Việt Nam khi họ đưa tin rầm rộ lên mặt báo.
Vì lẽ, không phải bê bối nào của lãnh đạo cũng đều được truyền thông trong nước đưa tin tận tình như vậy. Câu chuyện dưới đây về một chức vụ tứ trụ khác là một trường hợp điển hình.
Cách nay hơn hai năm, vào một ngày trung tuần Tháng Năm, 2022, phái đoàn Việt Nam do ông Phạm Minh Chính, thủ tướng, dẫn đầu có chuyến công du tại Hoa Kỳ để tham gia Hội Nghị Hoa Kỳ-ASEAN.
Khi ông thủ tướng cùng phái đoàn của mình đang nói chuyện phiếm để chờ hội kiến song phương với ông Anthony Blinken, ngoại Trưởng Hoa Kỳ, một máy ghi hình của truyền thông Hoa Kỳ đã thu trọn vẹn hình ảnh ông Phạm Minh Chính đang chửi thề theo cách không thể côn đồ hơn được “rõ ràng, sòng phẳng, mẹ nó, sợ gì.”
May mắn, nước chủ nhà Hoa Kỳ đã không chấp nê. Cho nên, video ghi hình ông thủ tướng Việt Nam chửi thề không trở thành một sự cố ngoại giao. Nhưng rõ ràng, nó đã để lại ấn tượng vô cùng xấu về quan chức cao cấp Việt Nam trong con mắt cộng đồng quốc tế văn minh.
Video ấy đã lan truyền đi khắp hệ thống truyền thông thế giới như một scandal (vụ tai tiếng), thế nhưng, truyền thông Việt Nam có mắt như mù, có miệng như câm trước thông tin ấy. Không chỉ câu chuyện về ông thủ tướng chửi thề như một kẻ côn đồ đường phố, mà dưới đây còn có câu chuyện về một tứ trụ khác cho đủ mâm, đủ bát.
Đầu Tháng Chín, 2022, ông Bùi Tuấn Lâm, một công dân sinh sống tại Đà Nẵng bị bắt giữ. Sau đó, ông bị tuyên mức án năm năm tù giam về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước…”
Ông còn có một danh xưng khác là Peter Bui, nhưng thật ra, công chúng biết đến ông nhiều hơn với danh xưng “Thánh Rắc Hành” khi ông nhại lại những thước phim loan truyền trên mạng xã hội về “Thánh rắc muối-Salt Bae,” có tên thật là Nusret Gökçe, đầu bếp người Thổ Nhĩ Kỳ và là ông chủ của chuỗi nhà hàng sang trọng vốn rất nổi tiếng về món ăn bò dát vàng. Công chúng tin rằng ông Bùi Tuấn Lâm đã phải trả giá khi dám “trêu” ông Tô Lâm, khi ấy đang là bộ trưởng Bộ Công An siêu quyền lực.
Trong một video dài 41 giây, được đăng tải ngày 3 Tháng Mười Một, 2021, trên tài khoản TikTok của Nusret Gökçe với gần 11 triệu người theo dõi, ông ấy tự tay chế biến và phục vụ món bò dát vàng. Trong video, ông cắt miếng thịt bò dát vàng và đút ăn tận miệng cho Bộ Trưởng Tô Lâm.
Ông Lại Đắc Tuấn khoe nhiều hình ảnh mình đi công tác trên trang cá nhân. Trang này đã bị khóa lại. (Hình: Facebook Tuấn Lại Đắc)
Rất có thể ông Tô Lâm là khách được mời bữa ăn xa hoa đó. Hoặc giả, ông cũng có thể thừa khả năng để thanh toán bữa ăn có giá trị tương đương bằng 80 tấn lúa tại Việt Nam. Thế nhưng, vào thời điểm đất nước chỉ vừa thoát khỏi cơn đại dịch COVID-19 gây thiệt hại vô cùng lớn về nhân mạng lẫn tiền của, việc một quan chức cao cấp ăn uống, sống xa hoa một cách công khai như thế là không phù hợp và đúng đắn về phương diện đạo đức xã hội, nhất khi mình là một công bộc của dân.
Để tham khảo, trong một trường hợp tương tự từ trước đó đúng một thập niên. Năm 2011, Thủ Tướng Ý Silvio Berlusconi đã tổ chức những bữa tiệc tình dục xa hoa và trác táng khét tiếng. Dĩ nhiên, là một tỷ phú, ông hoàn toàn có đủ khả năng để chi trả những bữa tiệc như thế, nhưng điều đó vẫn không thể xem là phù hợp và đúng đắn khi hoàn cảnh nước Ý lúc ấy đang có nguy cơ lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính, y như trường hợp Hy Lạp đã vỡ nợ trước đó không lâu.
Thế nên, ông đã bị công chúng chỉ trích dữ dội về phương diện đạo đức xã hội, cho dù những bữa tiệc xa hoa của ông ấy hoàn toàn mang tính cách riêng tư.
Không chỉ hình ảnh tai tiếng bò dát vàng ở Anh Quốc. Mà hình ảnh ông Tô Lam tìm “phao thi” trong phần vấn đáp tại trường Đại Học Columbia, nhân chuyến công du Hoa Kỳ vào hạ tuần Tháng Chín, 2024, khi ông ấy đã giữ chức vụ tổng bí thư cũng lại là một thảm họa về hình ảnh lãnh đạo Việt Nam.
Trên đây chỉ là số ít trong vô vàn câu chuyện cười ra nước mắt của đầy đủ mâm tứ trụ: Chủ tịch nước, chủ tịch Quốc Hội, thủ tướng và tổng bí thư trong những chuyến công du “mang chuông đi đánh xứ người” đầy tai tiếng. Theo đó, những chuyến công du có mang lợi ích gì cho đất nước thì chưa rõ, nhưng nỗi quốc nhục cho xứ sở thì không có gì có thể rõ hơn được nữa.
Phải chịu đựng Cộng Sản độc tài cùng với những lãnh đạo như kể trên, xem ra, người dân Việt Nam thật vô phúc không biết đến khi nào?