Dương Văn Ba, Hồ Ngọc Nhuận, Ngô Công Đức: Một chọn lựa bất hạnh (II)

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Nguyễn Văn Lục

03/10/2024

Xóm Củi, Quận 8, Sài Gòn 1965

Tiếp theo phần 1

Viết được nhận xét trên, quả thực Dương Văn Ba có cái khí chất miền Nam trong đó. Loại người dám nói, nói huỵch tẹt chẳng kiêng nể gì, dám làm, ngay cả làm bậy. Ông có phải là loại người có lý tưởng, theo lý tưởng cộng sản không? Theo tôi được biết là không!

Ngã rẽ thứ hai: Chương trình Xây Đời Mới ở Quận 8

Đây là một chương trình nhằm cải thiện đời sống dân nghèo rất là tốt đẹp; thành phần tham dự chủ chốt vẫn là thành phần giáo sư triết, tốt nghiệp đại học Đà Lạt và một số khác là người Bắc theo Thiên Chúa giáo như các anh Uông Đại Bằng, Hồ Công Hưng, Đoàn Thanh Liêm, Nguyễn kim Khánh và Nguyễn Đức Tuyên.

Chương trình quả thực là có một mục đích, một tầm vóc như một thí điểm làm một cuộc cách mạng xã Hội. Nhiều người đã mang thiện chí của mình ra, dấn thân nhập cuộc, đi tìm một lối đi cho Việt Nam.

Nhưng như mọi điều tốt đẹp khác trên đời này, chương trình Phát tiển Quận 8 trở thành một bước nhảy vào chính trị của một số người. Lý Quý Chung không dính dáng gì đến chương trình này lại được cài đặt ra tranh cử Quốc hội Lập hiến tại quận 8. Và do uy tín và sự vận động của các thành viên trong ban quản trị quận 8. Lý Quý Chung đắc cử. Mặc dầu một số người ra tranh cử dân biểu đã không dính líu gì đến chương trình xã hội này cũng coi chương trình ấy như của chung cả nhóm và họ đã ra tranh cử dựa trên cái vốn chính trị đó.

Lý Quý Chung, một người trẻ nhất trong bọn đã ra tranh cử Quốc Hội Lập Hiến đầu năm 1966 với sự ủng hộ công khai của chương trình Xây Đời Mới ở quận tám.

Lý Quý Chung được coi như một bài toán thử, một test mở đường cho những Dương Văn Ba, Hồ Ngọc Nhuận, Hồ Văn Minh, Nguyễn Hữu Hiệp, Ngô Công Đức thong dong bước vào nghị trường. Mục đích của chương trình thì tốt đẹp, nhưng sau này nó trở thành một bàn đạp chính trị cho một số người như Lý Quý Chung, bác sĩ Hồ Văn Minh, Hồ Ngọc Nhuận.(15)

Họ là những người trẻ làm chính trị mà không vốn.

Thật sự cũng như Lý Quý Chung, Dương Văn Ba đã không dính dáng gì trong Chương trình phát triển quận 8 cả.

Cũng cần nhắc lại rằng có hai loại thành phần sinh viên tham gia các sinh hoạt xã hội, chính trị lúc bấy giờ:

  • Một loại Sinh viên xuống đường

Đó là thành phần những sinh viên tranh đấu. Họ biểu tình, chống chiến tranh, chống chính phủ, đòi đủ thứ. Loại này không nhiều, nhưng lại gây tác động mạnh tới quần chúng và có ảnh hưởng chính trị đến tình hình miền Nam.

Bản chất của nó có tính cách phá hoại và gây rối.

Đó là thành phần sinh viên tranh đấu, biểu tình, chống chiến tranh, chống chính phủ, đòi đủ thứ

  • Nhóm sinh viên lên đường

Những sinh viên Lên Đường. Loại thứ hai âm thầm, thay vì chống đối, phá hoại thì họ âm thầm xây dựng mà trong đó có nhiều loại tổ chức khác biệt: Như các phong trào Du ca, phong trào Hướng đạo, phong trào Thanh niên Thiện chí, Phong trào Học đường mới.

Trong đó nhiều tổ chức do sự tài trực tiếp của Mỹ. Trong các phong trào đó có chương trình phát triển quận 8, do kỹ sư Võ Long Triều đứng ra xin với ông Kỳ mà số thành viên là các cựu sinh viên Triết Đà Lạt các khóa ba và bốn như các anh Uông Đại Bằng, hiệu trưởng ở quận 8, Võ Văn Bé hiệu trưởng ở quận 6 với anh Nguyễn Đức Tuyên. Cộng với một số nhà giáo khác như các anh Nguyễn Phúc Khánh, Dương Văn Long, Nguyễn Ngọc Thạch, Đăng Kỳ Trân. Bên cạnh đó có hai anh Quốc gia hành chánh là Nguyễn Ngọc Phan và Phạm Duy Tu. Ngoài ra một người không thể quên là anh Đoàn Thanh Liêm, một luật sư cùng với bác sĩ Hồ Văn Minh là những người quản lý chương trình phát triển quận 8.

Một trong những thầy giáo đầu tiên và hiệu trưởng đầu tiên của Trường Trung Học Cộng Đồng Quận 8: (T) Hồ Công Hưng (2014, (P) Uông Đại Bằng (1966).

Phần Hồ Công Hưng, nếu tôi nhớ không lầm, anh cũng hoạt động ở quận 8. Họ đã cùng nhau chọn quận 8, một quận nghèo nhất ở Đô Thành làm thí điểm vào năm 1965, một năm sau lan sang các quận 6, quận 7. Họ giúp dân xây cầu đường trường học. Năm 1968, sau tết Mậu thân, họ phải giúp dân tái thiết xây dựng lại hàng ngàn căn nhà bị tàn phá vì bom đạn. Chương trình hình thành từ năm 1965-1971.

Các khu được chia ra thành các ‘hẻm ước’ ‘khóm ước’.

Tôi rất trân quý những tên gọi này. Nguyễn Cao Kỳ đã hưởng ứng tích cực và đã có lần đưa Phó tổng thống Hoa Kỳ Hubert Humphrey đến thăm quận tám mà dại diện là Hồ Ngọc Nhuận ra tiếp đón.

Điều thứ hai là sau khi đã lập xong Phong trào chính trị Phục Hưng miền Nam, Võ Long Triều cùng với kỹ sư Nguyễn Bá Nhẫn, kỹ sư Nguyễn Khắc Thành đã đưa nhiều người trẻ của Phong trào ra tranh cử.

Vận động để có tiền yểm trợ các ứng cử viên này vẫn là kỹ sư Võ Long Triều. Nhưng nhiều người tự hỏi, kỹ sư Võ Long Triều lấy tiền ở đâu để tài trợ nhiều ứng cử viên như vậy?

Dương Văn Ba đã có câu trả lời là kỹ sư Võ Long Triều đã lấy một phần tiền từ Nguyễn Cao Kỳ, phần khác vận động sự tài trợ của các trí thức miền Nam. Tất cả điều này ngay chính những người nhận thụ hưởng số tiền tài trợ cũng không biết thì mọi chuyện suy đoán chỉ bằng thừa.

Một lần nữa, họ đã chính trị hóa các hoạt động xã hội như vận động xây đại học Cẩn Thơ, chương trình xây dựng quận 8 cũng như lợi dụng sự ngây thơ của tướng Kỳ để có đường vào Quốc Hội.

Khi những người này vào được Quốc hội rồi với sự tài trợ tiền bạc của tướng Kỳ, như Dương Văn Ba thố lộ, không một dân biểu đắc cử nào đứng về phe tướng Kỳ.

Sau đây là một danh sách đắc cử vào Hạ viện:

Thầy giáo Phan Xuân Huy ở Đà Nẵng, một con gà nòi của Phật Giáo. Một số các dân biểu trẻ khác, không có một ly ông cụ kinh nghiệm chính trị nào như Bành Ngọc Quý ở Gò Công, Nguyễn Hữu Hiệp tại Đà Lạt và Lê Thành Châu tại Lâm Đồng, Ngô Công Đức ở Trà Vinh, Dương Văn Ba ở Bạc Liêu, Lý Quý Chung, Nguyễn Hữu Chung đơn vị quận một và hai. Bác sĩ Hồ Văn Minh ở quận 6 và Hồ Ngọc Nhuận ở quận 8.

Tôi còn nhớ khi nghe tin các ông Nguyễn Hữu Hiệp và Lê Thành Châu đắc cử ở Đà Lạt (cả hai anh đều học ở Đà Lạt), tôi đặt dấu hỏi phải chăng linh mục viện trưởng đại học Đà Lạt đã nâng đỡ, dùng ảnh hưởng và uy tín của mình để giúp cho Nguyễn Hữu Hiệp đắc cử? Không có một sự tài trợ cả về tiền bạc và ảnh hưởng uy tín cá nhân của linh mục Viện Trưởng, làm sao Nguyễn Hữu Hiệp có thể thong dong vào Hạ Viện? Bằng cách nào họ đã dành được phiếu thắng lợi, hơn phiếu những nhân vật chính trị có uy tín từ ngoài Bắc cỡ bác sĩ Hoàng Cơ Bình?

Những người khác được đắc cử dựa vào tính địa phương. Nhưng bác sĩ Hồ Văn Minh và Hồ Ngọc Nhuận hoạt động trong quận 8 và 6 nên lấy phiếu dễ dàng của các cử tri!

Tôi không hiểu những anh em giáo chức hoạt động ngày đêm, ăn ngủ ngay tại chỗ, đi sát với đồng bào, hy sinh thời giờ và ngay cả sự an nguy đến tính mạng để cho hai ứng viên trên vào Quốc Hội và nhất là Hồ Ngọc Nhuận sau đó trở thành dân biểu đối lập, rồi theo cộng sản, đã nghĩ gì?

Ông Hồ Ngọc Nhuận chỉ có bằng tú tài một, sĩ quan quân đội nay trở thành quận trưởng quận 8 đi trái với mọi thủ tục hành chánh của Việt Nam Cộng Hòa?

Tôi đã có dịp gặp các anh Hồ Công Hưng (giáo sư triết Đà lạt, dân Kontum, công giáo) và Uông Đại Bằng (giáo sư triết Đà lạt, dân Bắc Kỳ, công gíáo) các anh Đoàn Thanh Liêm, anh Nguyễn Đức Tuyên cũng công giáo, xem ra các anh không để ý đến khía cạnh chính trị Liên Trường cũng như thành phần thứ ba và các anh chỉ biết bằng lòng với những kết quả xã hội đã thực hiện được.

Phải nhìn nhận các anh là người có lý tưởng thật. Chỉ biết phục vụ mặc ai làm gì thì làm.

Riêng anh luật sư Đoàn Thanh Liêm (luật sư, Bắc Kỳ, công giáo) còn ngây thơ và dớ dẩn gấp bội lần. Anh ngồi tù cũng làm thơ nghĩ về các công trình quận 8 và coi Quận tám như một thí điểm về một Xã hội Dân sự trong tương lai?

Ls. Đoàn Thanh Liêm, Tổng Quản lý thứ 2 (sau Bs. Hồ Văn Minh, trước ông Hồ Ngọc Nhuận) của Kế hoạch Xây Đời Mới.

Trong trận chiến tranh dành quyền lực giữa Nam Và Bắc, phải nhìn nhận rằng cánh Liên Trường qua Võ Long Triều, Lý Chánh Trung, Hồ Ngọc Nhuận, Dương Văn Ba, Ngô Công Đức, Lý Quý Chung đã vượt xa cánh Bắc Kỳ với tướng Nguyễn Cao Kỳ và nhóm giáo sư công giáo, dạy triết nhiều phần.

Câu chuyện vẫn chưa chấm dứt ở đây, Hồ Ngọc Nhuận khi làm dân biểu đối lập còn nhiều lần đưa Nguyễn Cao Kỳ vào bẫy như chính ông thú nhận.

Cũng chính Hồ Ngọc Nhuận khi phản bác Võ Long Triều đã lật tẩy như sau:

“Tôi cũng dần hiểu ra, sau nhiều lần Triều gọi điện thoại thúc giục, là anh đã có liên lạc với ông Dương Văn Minh, đã được ông Dương Văn Minh cho biết về việc tôi đề nghị ông về nước, và việc Triều bỏ ra rừng đọc sách khi tôi đang ở nhà ông Minh là một sự giả vờ, một thứ hỏa mù.

Tôi cũng nhớ ra Triều là người, từ năm 1965, vừa tính chuyện hợp tác với Nguyễn Cao Kỳ, vừa luôn tính chuyện ‘đá bàn’, theo chính lời Triều.”(16)

Ông Hồ Ngọc Nhuận sang Pháp chơi có đi thăm ông Dương Văn Minh và ông Triều tình nguyện chở ông Nhuận đến nhà ông Minh. Nhưng để cho ông Nhuận nói chuyện riêng với ông Minh, phần ông Triều ra cánh rừng gần đó nằm đọc sách.

Cho nên Nguyễn Cao Kỳ sau này có thua Nguyễn Văn Thiệu cũng là điều xứng đáng lắm. Một con người như ông Nguyễn Cao Kỳ sau này cứ tức tối ông Nguyễn Văn Thiệu mà không liệu sức mình, không tự xét mình, đánh giá khả năng lãnh đạo của mình thì nói làm gì nữa!

Ngã rẽ thứ ba: Làm chính trị đối lập và làm báo

Trong một số suy nghĩ của Dương Văn Ba, ông đã bày tỏ những khát vọng tuổi trẻ, một khát vọng mà ông gọi là thái độ nổi loạn, một thái độ mà ông cho là đa số sinh viên thời đó chọn lựa.

Cái đa số mà ông nói đến ở đây không ra khỏi con số những người cùng học chung dưới mái trường đại học, môn triết thời đó.

Nay thì đã đến lúc, Dương Văn Ba nghĩ đến tương lai chính trị của ông qua cửa ngõ ra tranh cử dân biểu. Ông nhận định:

Chúng tôi hiện diện nơi đây giữa đồng bằng Nam Bộ, các thế lực chính trị, các thế lực chính quyền công khai hay bí mật, các anh nên nhớ và phải biết tới vùng sông nước và đầm lầy nơi đây.”(17)

Có khoảng gần 20 giáo chức trung học, một số không nhỏ tốt nghiệp ban Triết Đại Học Đà Lạt đã ra tranh cử và đắc cử. Họ thường chưa tới 30 tuổi, không có một chút xíu kinh nghiệm chính trị. Tiền bạc để tranh cử hầu như không có.

Bằng cách nào họ đã có thể đắc cử vào năm 1967?

  • Xét về trình độ văn hóa, trình độ chính trị của dân chúng kể như không có. Điều đó chính là lợi thế của mấy thầy giáo tại địa phương. Họ có cái lợi thế nhất định là người địa phương, có thể được nhiều người biết tới và nếu động viên được một đám đông học sinh, phụ huynh học sinh, họ có nhiều cơ may thắng cử. Người dân địa phương đã bỏ một phiếu tín nhiệm (vote de confiance) cho một thày giáo, một thày giáo đã từng dạy con cái họ, chứ không phải bỏ phiếu cho một chính khách, nhất là nhà chính trị thiên tả. Đây là một vấn đề ít ai lưu tâm tới. Nó chứng tỏ trình độ chính trị của dân chúng còn thấp kém và đơn thuần. Vì thế khi vào được Quốc hội rồi, mấy dân biểu thày giáo này không còn nghĩ tới ai đã bầu họ vào quốc hội. Khi họ đã đắc cử rồi, họ làm theo cái mục đích họ theo đuổi mà đôi khi phản bội lại những người đã đặt niềm tin vào ông thày giáo là họ.
  • Phiếu tín nhiệm và phiếu bầu cử là một bài test dân chủ chính trị Việt Nam ở giai đoạn sơ khởi.
  • Nhưng thiệt thòi là đám thày giáo phần đông đều nghèo, không có tiền để cho những chi phí vận động tranh cử. Nội tiền ký quỹ cho việc tranh cử không biết là bao nhiêu, nhiều khi họ cũng không có đủ tiền. Chi phí giao tế hoặc tiền để mua chuộc phiếu cử tri? Theo Dương Văn Ba, có 10 ứng cử viên ra tranh cử hai ghế dân biểu tại Bạc Liêu, nhưng ông và Thạch Phen là hai người yếu thế nhất. Vì họ không được sự hậu thuẫn của chính quyền Sài Gòn cũng như giới chức trong tỉnh. Họ không được sự hậu thuẫn của các quận trưởng, các cấp chỉ huy quân đội cũng như các xã ấp trưởng. Vậy bằng cách nào họ thắng cử?
  • Ai là người trách nhiệm tài trợ cho họ, dù là những số tiền tối thiểu. Theo Dương Văn Ba, ông được Võ Long Triều tài trợ cho một số tiền là 40 ngàn đồng bằng hai lạng vàng. Vợ chồng Dương Văn Ba gom góp thêm cũng được khoảng chừng 40 ngàn đồng. Các giáo sư bạn gom góp được 20 ngàn. Một bà dì bên vợ cho thêm 20 ngàn nữa. Ba má Dương Văn Ba góp thêm được 20 chục ngàn nữa. Cộng chung số tiền là 140.000, một số tiền quá ít để có thể ra tranh cử. Vậy mà Dương Văn Ba đã thắng? Tôi nghĩ rằng ngay khi thắng cử, Dương Văn Ba cũng không hiểu hết ý nghĩa của việc thắng cử này!
  • Dương Văn Ba có thêm một lợi thế ít người khác có được. Ông đã liên kết với Thạch Phen, một người Việt gốc Khờ Me, rồi gia đình Dương Văn Ba có gốc người Triều Châu và người Việt. Hai người đã lập ra một ban tranh cử chung, xin phiếu cả ba thành phần dân chúng địa phương. Cả ba yếu tố đó cộng lại khiến sau này cả Dương Văn Ba và Thạch Phen đều đắc cử dân biểu Hạ Viện.
  • Dương Văn Ba còn tiết lộ, ông được Võ Văn Kiệt ủng hộ ngầm ở bên trong dân chúng các xã. Tôi có cảm tưởng Dương Văn Ba là một Xuân tóc đỏ?

Vào Quốc hội với tư cách một dân biểu đối lập

Sau đây là nhận định tổng kết của Dương Văn Ba sau khi đắc cử ở Bạc Liêu như sau:

“Sự thắng cử của tôi ở Bạc Liêu, của Ngô Công Đức ở Trà Vinh, của Lý Quý Chung, Hồ Ngọc Nhuận, Hồ Văn Minh ở Sài Gòn phải chăng gián tiếp có sự ủng hộ của phía bên kia. Đây là một cuộc chơi chính trị, phía Mỹ và phía Thiệu buộc phải đánh lá bài tự do dân chủ bề ngoài, phía bên trong mặt trận cũng tương kế, tựu kế lấy gậy đập lưng ông, còn phía các thanh niên trí thức chúng tôi lúc đó với bầu nhiệt huyết sẵn có, dựa vào biến chuyển của thời cuộc, cứ theo con đường lý tưởng mà xốc tới.”(18)

Với cái tinh thần đó, bọn họ vào Quốc Hội với mục đich chính là chống phá Thiệu và Mỹ. Tôi thiển nghĩ với sự tiết lộ này, các vị dân biểu trên chưa bao giờ là người đại diện cho nhân dân miền Nam cả. Họ đã đại diện cho một chính sách xâm lược xuất phát từ Hà Nội và đó là điều đáng tiếc nhất của thể chế dân chủ miền Nam.

Và đây cũng là bước khởi đầu cho cái choix malheureux của cuộc đời làm chính trị của họ.

Họ đã sai ngay từ đầu. Họ đã lạm dụng danh từ đối lập trong các thể chế dân chủ.

Sai lầm ấy có từ trước đó nơi các dảng phái chính trị. Các đảng phái đối lập thay vì tìm các phương tiện chính đáng hợp pháp, họ chỉ tìm những âm mưu lật đổ chính phủ.

Chữ đối lập của họ mang nội hàm đả phá hơn là xây dựng.

Tinh thần đối lập ấy mong muốn một sự lật đổ chính phủ, ngay cả thay đổi một thể chế.

Nên, đáng tiếc thay, một cách gián tiếp, qua nhóm dân biểu này Cộng sản Hà Nội đã có tiếng nói chính thức của họ tại diễn đàn Quốc hội miền Nam.

Và chính quyền miền Nam đã trả lương cho đại diện cộng sản để họ cơ hội chống phá lại miền Nam một cách hợp pháp!

Về điểm này, có bao giờ kỹ sư Võ Long Triều tự trách mình về nhận xét người và việc của ông một cách hồ đồ như thế không, khi ông nhân danh một người quốc gia chống cộng? 20 người ông vận động đưa vào Quốc Hội thì cả 20 người trở thành người của cộng sản sau này!

Vì không đủ túc số, chỉ có trên dưới 10 người cộng cả các đảng phái chính trị nên nhóm Hồ Ngọc Nhuận (Dân Tộc, ủng hộ Dương Văn Minh.) phải liên kết với nhóm dân biểu thân Ấn Quang (Khối xã hội) thành nhóm đối lập Dân Tộc Xã Hội (DTXH). Để bầu ra Trưởng Khối thì sau này mọi người đồng ý mời luật sư Trần Văn Tuyên, một lãnh tụ VNQDĐ làm trưởng khối.

Dân biểu Trần Văn Tuyên vốn là một người Quốc gia chân chính, có nhiều kinh nghiệm chính trị, nhưng liệu ông có thể điều khiển được hai thành phần dân biểu: Một bên Ấn Quang, một bên là ủng hộ Dương Văn Minh mà đằng sau có sự giật giây của cộng sản?

Lại thêm một người quốc gia chân chính, một chính trị gia hàng đầu lão luyện cầm đầu một đám người mà sau 1975 ông mới biết họ là ai? Phần ông Tuyên âm thầm đi học tập cải tạo và chết trong nhà tù cải tạo! Phần các dân biểu khối Ấn Quang, nhiều người là người quốc gia như dân biểu Trần Văn Sơn, sau này họ nghĩ sao về việc hợp tác này?

Thành phần dân biểu còn lại thuộc khối đa số gần 90 dân biểu thân chính quyền. Nhóm này do Phụ tá tổng thống, dược sĩ Nguyễn Cao Thăng, điều động chi tiền và mua phiếu khi cần. Sau Nguyễn Cao Thăng bị ung thư chết thì phụ tá của ông là Nguyễn Văn Ngân lên thay.

Nhóm Võ Long Triều-Hồ Ngọc Nhuận-Ngô Công Đức-Dương Văn Ba-Lý Quý Chung làm báo

Trong số 5 người được nêu tên ở đây, có thể coi ông Võ Long Triều là người đầu đàn. Đầu đàn xét về mặt tuổi tác, học vấn, thế lực chính trị và tiền bạc. Cái thế lực chính trị được nói ở đây là cơ hội của ông Võ Long Triều quen biết Phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ.

Làm thế nào để có sự quen biết này?

(Phỏng vấn Võ Long Triều – Người Việt TV 2011)

Chính ông Võ Long Triều cũng không hề bao giờ tiết lộ trong hồi ký của ông. Nhưng trong giới công giáo qua Chủ nhiệm báo Xây Dựng, linh mục Nguyễn Quang Lãm kể lại thì ông Kỳ khi đó muốn tìm một nhân vật công giáo sạch, nghĩa là không dính líu gì đến chế độ cũ, phải là người miền Nam. Linh mục Lãm đã nghĩ đến ông Võ Long Triều và giới thiệu ông với tướng Kỳ. Kỹ sư Võ Long Triều đã nhắc nhở nhiều lần đến mối giao thiệp giữa ông và tướng Kỳ- một mối liên hệ chính trị mà còn có mối liên hệ bạn bè toi-moi, rất gần gũi, gặp nhau bất cứ lúc nào, có thể cãi nhau nếu cần.(19)

Riêng phần tướng Kỳ, ít nhất trong hai cuốn sách của ông, tìm mỏi mắt mới thấy một đoạn ngắn trong cuốn “Buddha’s Child” nhắc đến ông Võ Long Triều trong chương trình phát triển quận 8.(20)

Theo tôi thì chương trình phát triển quận 8 là món quà duy nhất tạo được sự tin cẩn nơi tướng Kỳ của kỹ sư Võ Long Triều. Khi Phó tổng thống Mỹ Humphrey đến Việt Nam, tướng Nguyễn Cao Kỳ đã có dịp dẫn ông Humphey đến thăm quận 8 như một bằng chứng về một chương trình mang tầm vóc một cuộc Cách mạng Xã Hội cho người nghèo.

Sự quen biết đó sau này đưa đến chỗ tướng Kỳ tin tưởng và nhờ ông Võ Long Triều giới thiệu thêm ba người khác vào nội các chính phủ. Ông Kỳ cũng dễ dãi mỗi khi ông Võ Long Triều đề nghị các công việc khác như Chương trình phát triển quận 8 cũng như việc thành lập Viện Đại Học Cần Thơ.

Ông Triều cũng là người tài trợ tiền bạc cho một số dân biểu cánh miền Nam ứng cử dân biểu vào Hạ Nghị Viện. Ông cũng là người bỏ tiền ra cho các ông Ngô Công Đức, Dương Văn Ba, Hồ Ngọc Nhuận làm báo.

Dưới đây, thử tìm hiểu cặn kẽ mối liên hệ cũng như sự xích mích đến đổ vỡ của họ diễn ra như thế nào?

Mối liên hệ Võ Long Triều-Lý Quý Chung

Theo Võ Long Triều, đại tá Lê Quang Hiền, đổng lý văn phòng của bộ Thanh niên đã nhận Lý Quý Chung là cháu -thật sự họ không có họ hàng gì- biết viết báo xin vào làm việc. Sau khi tiếp Lý Quý Chung, ông đã nhận cho làm phụ trách về báo chí. Thấy Lý Quý Chung là người trẻ trung lanh lợi nên sau này ông Triều cử làm Giám đốc tác động tâm lý. Làm việc chưa được bao lâu thì có quân cảnh đến bắt Lý Quý Chung về tội trốn quân dịch. Lại một phen vận động liên lạc của ông Võ Long Triều để xin hoãn dịch cho Lý Quý Chung. Và để tránh cho Lý Quý Chung khỏi đi quân dịch một lần nữa, ông Triều giới thiệu ông Chung ra tranh cử vào Quốc Hội lập hiến. Lý Quý Chung đã đắc cử ở quận 8.

Tất cả là công trạng của ông Võ Long Triều!(21)

Khi đắc cử, Lý Quý Chung đã không một lời cám ơn các người phụ trách ở quận 8 đã vận động cho anh như các ông Hồ Văn Minh, quản lý chương trình.

Nổi giận, ông Võ Long Triều đã gọi Lý Quý Chung vào văn phòng mắng cho một trận.

Cứ theo như Hồi Ký của Võ Long Triều thì dưới mắt ông cỡ Dương Văn Ba cũng như Lý Quý Chung chỉ là một thứ đàn em cắc ké, bội phản, làm bậy và vô ơn bạc nghĩa. Xin trích dẫn vắn tắt một vài đoạn:

  • Hai người mạnh miệng nài nỉ kết thân là Lý Quý Chung và Dương Văn Ba lại là hai người phản bội trước tiên.
  • Nhưng đối với con người thiếu đạo đức như anh [chỉ Lý Quý Chung – NVL] mà nên dù anh có thực hiện nhiều công tác đáng khen nhờ sự hăng say, liều lĩnh và sáng kiến. Trong ‘Hồi ký không tên’ của anh, anh viết nhiều điều sai trái. Vì thế, tôi tin tưởng, giao trọng trách này cho Dân Biểu Lâm Phi Điểu, con người chín chắn, hiền từ, biết hy sinh vì bạn bè nhứt là vì đại cuộc. Anh Điểu lại có tài khéo léo, giải tỏa mọi bất đồng, hàn gắn mọi rạn nứt giữa anh em và bao che mọi sai lầm của người khác. Tôi còn nhớ có một lần các anh phải thảo luận và biểu quyết một điều khoản nào đó của Hiến Pháp mà Lý Quý Chung và Bành Ngọc Quý vì quá nông nổi phát biểu sai lầm làm tôi bất bình. Sau đó, một mình Lâm Phi Điểu tới nhà giải thích và chịu mọi sự trách móc. Cuối cùng tôi nói thôi bỏ qua đi, anh về bảo với anh em tôi đã quên việc đó rồi. Anh Điểu liền nói: “Tụi nó ngồi trong xe chờ ngoài cửa không dám vô, nhờ tôi đỡ đòn thế, khi nào thuận tiện mới vào gặp anh, bằng không thì chuồn luôn chờ khi khác.”
  • Chỗ khác, ông Triều viết: “Sự thật, Lý Quý Chung chưa bao giờ thấy được phòng họp của nội các chiến tranh ra sao mà dám khẳng định rằng: ‘Trung tá Nguyễn Ngọc Loan tự coi mình là nhân vật thứ hai trong chính quyền của Kỳ. Các phiên họp nội các có sự hiện diện của Trung tá Loan với khẩu súng ‘ru lô’ mang kè kè bên hông.’ Sự bịa đặt khôi hài như vậy mà Lý Quý Chung dám viết, tôi không hiểu nổi.”
  • Cũng theo Võ Long Triều, lý tưởng của Lý Quý Chung là tiền bạc, địa vị. “Có lần Lý Quý Chung rủ tôi chơi hụi 300.000 đồng cùng với những người bạn của tôi như Trương Thái Tôn, Nguyễn Chánh Lý và La Thành Nghệ. Cuối cùng mới khám phá ra rằng Lý Quý Chung đã ‘giựt hụi’. Tôi ra lệnh văn phòng tôi đưa Lý Quý Chung ra tòa. Hồ Ngọc Nhuận phải đến gặp tôi: “Tôi lậy ông, xin đừng bỏ tù thằng Chung.” Sau đành tha không kiện.”

Những nhận xét của Võ Long Triều về Lý Quý Chung có phần đúng. Sau này Hồ Ngọc Nhuận cũng nêu ra một số nhận xét tương tự.

Mối liên hệ Võ Long Triều-Dương Văn Ba

Ông Triều viết trong Hồi Ký của mình: Nói về Dương Văn Ba thì cũng đáng buồn cỡ đó.

Qua lời giới thiệu của Lý Chánh Trung, Võ Long Triều đã cử Dương Văn Ba làm Đặc Ủy Viên thanh niên vùng IV chiến thuật thay thế Lâm Phi Điểu, ứng cử dân biểu Vĩnh Long.

Việc đầu tiên là ông Võ Long Triều đã nhờ Dương Văn Ba cầm tiền mà ông gửi thêm cho vài ứng cử viên dân biểu như Bành Ngọc Quý, Lâm Phi Điểu, mỗi người 30.000 ngàn. Dương Văn Ba mê cờ bạc đã thua hết số tiền trên. Trách mắng Dương Văn Ba về vụ này xong, ông Võ Long Triều lại đưa thêm 90.000 để Dương văn Ba đưa lại cho ba ứng cử viên dân biểu. Và đễ gỡ mặt cho Dương Văn Ba, ông Võ Long Triều dạy Dương Văn Ba phải nói dối như sau:

Tao bận việc ở Sài gòn nên xuống văn phòng ở miền Tây trễ, tụi bay làm gì phải mét với ảnh để ảnh lo âu rồi rủa tao một trận thê thảm, tiền của ảnh gửi đây, tao có cắt xén đồng nào đâu mà tụi bay vội vàng la hoảng như vậy.”

Cũng chính Võ Long Triều thúc đẩy Dương Văn Ba nộp đơn ứng cử dân biểu khi chỉ còn hai ngày hết hạn nộp đơn. Nhờ đó Dương Văn Ba đã đắc cử cùng với Ngô Công Đức ứng cử ở Vĩnh Bình, Hồ Văn Minh ra ở quận 8.

Nhưng sau khi vào Quốc Hội, dù thuộc nhóm dân biểu đối lập. Nhưng theo Hồ Ngọc Nhuận nói lại cho Võ Long Triều viết:

Dương Văn Ba lấy tiền của Nguyễn Cao Thăng bỏ phiếu những điều khoản nghịch lý, phi dân chủ, hại cho đại cuộc, lợi cho địa vị hay cá nhân tổng thống. Anh em đề nghị khai trừ Dương Văn Ba. Tôi gọi Ba đến nhà và hỏi sự thật, anh có lấy tiền của Nguyễn Cao Thăng không? Anh chối quanh co và cuối cùng phải thú nhận là có.”

Sau khi Dương Văn Ba thất cử lần tranh cử thứ hai vào Hạ Nghị Viện, cũng theo ông Võ Long Triều,

“Ông đã buộc Ngô Công Đức phải nhận Dương Văn Ba làm việc trong tờ Tin Sáng. Mặt khác, tôi nài xin với Trung tướng Nguyễn Văn Vĩ, Tổng Trưởng Quốc Phòng, cho anh Ba được hoãn dịch hai lần. Anh tiếp tục làm báo kiếm tiền nuôi gia đình. Rồi nghề dạy nghề, Dương Văn Ba trở thành ký giả sáng giá trong tờ báo Điện Tín. Cho đến ngày tôi xuất bản nhựt báo Đại Dân Tộc, gọi Dương Văn Ba về cùng làm việc chung với nhóm anh em, Ba yêu cầu tôi phải trả lương cho anh mỗi tháng năm trăm ngàn đồng thì mới về, bằng không anh vẫn làm việc cho báo Điện Tín, thoái thân của tờ Tin Sáng. Số tiền Dương Văn Ba đòi phải trả lớn gấp năm lần hơn lương của một tổng thư ký giỏi trong làng báo thời đó. Hồ Ngọc Nhuận tức giận tột cùng, nói với Ba rằng:’ Mầy dám bỏ lời thề, phản bội anh em, nhưng anh em sẽ không bao giờ phản bội, bây giờ tao hỏi mầy có bằng lòng làm việc với anh em không? Hay là mày chỉ biết đồng tiền mà bất kể tình bạn kết nghĩa? Câu trả lời của Ba là Không!” (hết trích).(22)

Trên đây, chúng tôi vừa trích dẩn Hồi Ký Võ Long Triều viết về hai người bạn trẻ của ông là Dương Văn Ba và Lý Quý Chung. Để cho đầy đủ, xin được trích dẫn Hồi ký Những ngã rẽ của Dương Văn Ba.

Theo thiển ý, Dương Văn Ba chưa có cơ hội đọc hai tập Hồi Ký của kỹ sư Võ Long Triều nên Hồi Ký Những ngã rẽ hầu như không đế cập đến trường hợp Võ Long Triều phê phán ông. Nếu có đọc thì tôi tin chắc sẽ có một cuộc bút chiến long trời lở đất.

Điểm thứ nhất: Hồi ký Những ngã rẽ cho thấy Dương Văn Ba tự mô tả là người thật thà, không ham tiền, ham bạc. Trái lại là một người lương thiện.

Ông viết như sau:

Chị Năm Jacqueline, chị của bà Thiệu, một lần vào Quốc Hội, thăm tôi tại phòng Đệ nhất Phó Tổng thư kỷ Hạ nghị Viện. Chị nói: ‘Thằng Ba, sao mày quên tình chị em. Mầy chống ông Thiệu làm chi, đó là mầy không khôn. Tình chị em, nếu mày muốn gì kể cả làm Bộ Trưởng thông tin, tao và con Bảy (vợ Thiệu) đủ sức lo cho mày. Bỏ đối lập đi cái gì em cũng sẽ có.”

Tôi đã vô cùng cám ơn chị Năm Jacqueline, vì nhớ tới những ngày ở Mỹ Tho đầy kỷ niệm. Nhưng tôi đã trả lời chị, “Chị đừng buồn, em đã lỡ đi theo con đường khác với ông Thiệu, không thể quay lại được.”

Ông luôn bị ám ảnh về chuyện lương thiện. Trong phần nhận xét về các đại tá Đẩu, thiếu tá Đường, thiếu tá Lộc, những sĩ quan thân cận của tướng Dương Văn Minh, ông Dương Văn Ba đề cao ba người ấy và ‘theo gương các anh, tôi vẫn cố giữ một nếp sống và nếp nghĩ của con người lương thiện và trung thực.’(23)

Sau đây, Dương Văn Ba có thuật lại việc dược sĩ Nguyễn Cao Thăng có mời ông đến ăn cơm chiêu dụ tôi theo chính quyền. Ông Nguyễn Cao Thăng có hứa ngoài việc trợ cấp bao thư ‘lì xì’ mỗi lần bỏ phiếu ủng hộ chính quyền, phủ Tổng thống sẽ can thiệp với Tỉnh trưởng Bạc Liêu chia phân nửa số quota đường, sữa, bột mì hàng tháng cho gia đình tôi. Mỗi tháng tỉnh Bạc Liêu có quota 1.000 tấn đường cát trắng, 1.000 tấn bột mì, 1.000 thùng sữa hộp. Lãnh được phân nửa số quota đó, tôi có thể bán cho các hiệu buôn lớn của người Hoa ở chợ Bạc liêu, làm giàu thật nhanh chóng.

Dĩ nhiên, Dương Văn Ba đã từ chối không làm. Và ông kết luận:

Ông làm thiện, hưởng thiện. Bản thân tôi đã hưởng được cái quả thiện. Tôi bị chế độ này kết án tù chung thân vào cuối năm 1987. Nhưng nhiều người, kể cả một vài ông lớn của chế độ, một số báo chí đã vận động thả tôi ra trước hạn tù. Tôi đã được thả sau khi ở tù 7 năm 4 tháng. Tôi đã được hưởng quả lành.”(24)

Điều thứ hai khi nói về việc ông được hoãn dịch, ông đã nói khác hẳn những gì mà ông Võ Long Triều đã viết trong Hồi ký. Theo Dương Văn Ba, khi thất cử lần thứ hai, ông sắp sửa bị bắt đi quân dịch nên ông mò vào dinh Phó tổng thống Trần Văn Hương, xin bác Hương can thiệp cho tôi được hoãn dịch một hoặc hai năm. Ông viết:

Ông Trần Văn Hương tiếp tôi niềm nở và nói với Nguyễn Thạch Vân (học trò thân cận của ông Trần Văn Hương): ‘Thằng Ba tôi rất thương nó. Nhớ lại lúc làm Thủ tướng, ra điều trần trước Hạ Nghị Viện, bị đám dân biểu gốc Bắc, thân Nguyễn Cao Kỳ la hét, đập bàn, đập ghế, mạt sát. Lúc đó, tôi nhớ mãi chỉ có thằng Dương Văn Ba dám đăng đàn binh vực cho thầy. Bây giờ Thầy phải trả ơn cho nó. Thạch Vân, em liên lạc với Bộ trưởng bộ Quốc phòng nói thầy xin cho Dương Văn Ba được hoãn dịch 6 tháng đến một năm.’”

Anh Nguyễn Thạch Vân đã sốt sắng làm việc đó. Chỉ mấy ngày sau, tôi được Nha Động viên gởi giấy thông báo cho tôi được hoãn dịch đến hết ngày 31 tháng 12 năm 1972. Giấy hoãn dịch do Thiếu tướng Bùi Đình Đạm ký.(25)

Riêng về báo Đại Dân Tộc, tôi xin trích đăng lại Hồi Ký của Dương Văn Ba đã viết như sau:

Đầu năm 1968, tôi chính thức bước vào nghề làm báo với các bài xã luận thưởng xuyên đăng trên báo Tin Sáng. Chưa chịu dừng ở đó, tôi xin giấy phép xuất bản tuần báo Đại Dân Tộc.” [Xin ghi nhận ở đây là tuần báo chứ không phải nhật báo – NVL].

Nhưng vì không có quan hệ với dân buôn giấy nên ông đành để Ngô Công Đức lo liệu. Ông viết tiếp:

“Tuần báo là của tôi, nhưng lại do Ngô Công Đức bỏ tiền ra in, phát hành, thu lợi nhuận.

Chủ nhiệm kiêm chủ bút Dương Văn Ba ăn lương một tháng 30 ngàn đồng (lúc đó bằng 3 lạng vàng) […]

Tổng Trưởng Thông tin Ngô Khắc Tỉnh ký án tử cho Đại Dân Tộc sau 9 tháng hoạt động.”

Nhận xét: Về đoạn trích dẫn trên, cho thấy Dương Văn Ba hậm hực với Ngô Công Đức ngay từ trước 1975, vì cứ bị Ngô Công Đức hớt tay trên, ăn trọn gói.

Cũng theo Dương Văn Ba:

Đến năm 1971, do yêu cầu của kỹ sư Võ Long Triều, tôi ký giấy nhượng tên Đại Dân Tộc để anh Triều đứng tên xin phép xuất bản tờ nhật báo cũng lấy tên Đại Dân Tộc. Vào khoảng cuối năm 1971, Đại Dân Tộc tái xuất giang hồ với tư cách báo hằng ngày. Ba nhân vật chính điều hành báo này là anh Võ Long Triều, (lúc đó là dân biểu quốc hội) dân biểu Kiều Mộng Thu, dân biểu Hồ Ngọc Nhuận.”

Ông Dương Văn Ba đã không nhắc gì đến những chi tiết đã được ông Võ Long Triều viết một cách chi tiết cả.

Ông Võ Long Triều đã xét đoán sai về người và việc và bỏ rơi những người xem ra xứng đáng hơn những người ông đã tài trợ về khả năng và đức độ.

Tôi được biết những người sau đây đều cộng tác làm việc một cách xả thân, hết mình, ăn ở tại chỗ, bất kể nguy hiểm ở quận 8 như luật sư Đoàn Thanh Liêm, các thầy giáo như Hồ Công Hưng, Uông Đại Bằng, Nguyễn Đức Tuyên. Những người này ông dư biết họ đều có học vấn đàng hoàng, có tư cách, có lý tưởng phụng sự xã hội. Và cho đến giờ phút này, họ đều là những người quốc gia chân chính.

Vậy mà ông đã không dùng một người nào chỉ vì họ là người Bắc? Trừ Hồ Công Hưng là người Kontum. Phải chăng vấn đề Nam-Bắc là một đề tài cấm kỵ mà mọi người đều tìm cách né tránh?

Phải chăng chỉ những người thuộc phe cánh miền Nam như vừa nêu trên thì bất kể họ theo cộng sản hay không, ông đều thu nhận, ủng hộ hết mình. Trong Hồi ký của ông, tôi không hề nhận thấy một lời xác nhận nào về việc này?

Nếu chỉ vì tình bạn bị sứt mẻ thì những nhân vật nêu trên có đáng để viết trong Hồi ký cho bạn đọc hay không?

Nhưng có một chi tiết lý thú tôi phải viết ra đây để sổ toẹt những nhà yêu nước, chống Mỹ, những lực lượng thứ ba như Lý Chánh Trung, Hồ Ngọc Nhuận do Dương Văn Ba tiết lộ. Ông Dương Văn Ba viết như thế này:

‘Bộ phận hoạt động thành của cộng sản có tiền nhiều hơn những tài phiệt lớn ở Sài Gòn đang đi theo Mỹ-Thiệu. Tiền của cộng sản hoạt động thành đến từ nhiều nguồn tài trợ, nhất là tài trợ Quốc tế. Nó đến từ Trung Quốc, đến từ Liên Xô, đến từ những phong trào Việt Kiều yêu nước thân cộng. Chính mắt tôi đã chứng kiến hai nhà yêu nước thật sự của Sài Gòn (nghèo thấy mẹ) mà cầm xấp đô la tài trợ cho một số sinh viên hoạt động biểu tình. Không biết tôi có nên nói tên hay không.

Dương Văn Ba hài đích danh hai người cầm đô-la phát cho sinh viên biểu tình,

“Cũng cứ nói, dù các đàn anh đáng kính của tôi có giận: Thầy Lý Chánh Trung và anh Hồ Ngọc Nhuận”(26).

Ông Hồ Ngọc Nhuận hình như chưa đọc đoạn văn này!

Dương Văn Ba đã đưa ra nhận xét:

Chế độ cũ phạm nhiều sơ hở về tình báo và kinh tài so với cộng sản. Sử dụng tiền để làm rào cản trong báo chí, Thiệu và các quân sư của ông đã sa vào cái hố to. To đến sau khi thất trận, mới thấm thía, đau đòn về chiến lược cài người đánh trên mọi mặt trận của phía cộng sản.”

Viết được nhận xét trên, quả thực Dương Văn Ba có cái khí chất miền Nam trong đó. Loại người dám nói, nói huỵch tẹt chẳng kiêng nể gì, dám làm, ngay cả làm bậy. Ông có phải là loại người có lý tưởng, theo lý tưởng cộng sản không? Theo tôi được biết là không! Cuộc đời đưa đẩy, hoàn cảnh bầy ra như thế, ông trôi theo. Vì thế, ông đặt tên cho Hồi ký của ông là Những ngã rẽ! Ông khôn ngoan, nhưng vẫn không tính hết được những cái bá đạo, tàn bạo, cái bẫy sập của cộng sản.

Tưởng bám vào Võ Văn Kiệt như cái dù hộ mệnh là xong. Dễ mấy ai leo lên được chức Phó thủ tướng, rồi thủ tướng? Người ta kể cho tôi, ông và một số người khác thường tụ họp ở Thủ Đức, đánh tennis vởi ông Võ Văn Kiệt, rồi ăn nhậu với nhau.

Nhưng guồng máy ấy khi cần, họ thanh toán nhau, khai trừ nhau mà ông là nạn nhân.

Trong thời gian ông ra tòa, rồi đi tù, Phó thủ tướng Võ Văn Kiệt đã không dám có một lời can thiệp trực tiếp.

Dương Văn Ba đúng là nạn nhân của cặp Nguyễn Văn Linh-Võ Văn Kiệt. Bảo rằng ông hối lộ, tham nhũng, hủ hóa cán bộ. Tôi nghĩ có thể là có. Làm ăn trong chế độ ấy mà không biết hối lộ, có ăn có chia chác phải quấy thì chỉ có dẹp tiệm!

Nhưng cuối cùng thì họ chỉ gán ghép ông vào tội chính trị thì hết đường đỡ. Tội cấu kết, phản động thì chẳng khác một bản án tử hình. Ông bị tù hơn 7 năm trời mới được cứu gỡ ra. Kể cũng là một thời gian khá dài đấy chứ.

Mối liên hệ Võ Long Triều-Ngô Công Đức

Theo nhận xét của Dương Văn Ba: Ngô Công Đức có số mệnh làm việc gì cũng thành công!(27)Nhận xét ấy có thể là tóm tắt cả cuộc đời hoạt động của Ngô Công Đức.

Học lực ít, nhưng lanh lẹn, tháo vát, chơi với đủ giới nhất là dân giang hồ, biết soay sở, nắm thời cơ. Ngô Công Đức vốn có bà con xa gần với tổng giám mục Nguyễn Văn Bình. Tôi được biết sau 1975, vị tổng giám mục bị nhiều áp lực tứ phía mà vốn bản tính hiền lành nên cũng lao đao nhiều chiều. Buổi tối rảnh rỗi có khi Ngài ra nhà Ngô Công Đức ăn cơm, hàn huyên trong tình gia đình đã làm ông thư giãn nhiều.

Cũng nhờ mối liên hệ này mà khi Ngô Công Đức ra tờ Tin Sáng viết bài chửi bới ‘nặng ký’ chế độ Nguyễn Văn Thiệu cũng hăng lắm. Nhưng vẫn được để yên. Không một lần bị đóng cửa cho đến 1975.

Phải chăng ông Nguyễn Văn Thiệu còn nể mặt Tổng giám Mục Nguyễn Văn Bình?

Sau 1975, Trần Bạch Đằng giao cho làm tờ Tin Sáng, đến 1981 thì tan gánh, được coi là đã: hoàn thành nhiệm vụ.

Ngô Công Đức có điều kiện tài chánh, cộng uy tín cá nhân, cộng tài làm ăn tháo vát đứng ra quy tụ anh em cũ lại trong đó có Lý Quý Chung, Dương Văn Ba, Hồ Ngọc Nhuận và nhiều anh em khác như Nguyễn Hữu Hiệp, Nguyễn Ngọc Thạch, Võ Văn Điểm, Nguyễn Hữu An, Nguyễn Văn Binh, Trần Ngọc Báu, Hoàng Ngọc Biên, Trương Lộc, Trần Trọng Thức, Phan Ba, Minh Đỗ, Hồ Ngọc Cứ. Và nhiều nữ cựu sinh viên luật hay Văn Khoa cũng có mặt trong tờ Tin Sáng.

Tôi vẫn nhận ra cái việc quần hào tụ họp chung quanh tờ Tin sáng là có ý nghĩa nhất. Cái ý nghĩa là trong lúc khốn quẫn, bị vây bọc và mất hết phương tiện mưu sinh. Ngô Công Đức vẫn là thứ hảo hán thu nhận mọi liên hệ anh em vào làm Tin Sáng.

Chưa có tòa báo nào như thế mà trí thức có, nhà báo có, nhà chính trị có, giáo sư có, cựu quân nhân có, tù cải tạo được thả về. Rồi vợ chồng, con cái, anh em, bạn bè, chị của bạn bè, cháu của bạn bè đều quây quần trong một tờ báo để người nào cũng có việc. Để không phải đạp xe xích lô, xe ôm không phải bán thuốc lá lẻ, bán vé số đầu đường, để không phải mở cà phê ‘ôm’ và nhất là không mất nhân phẩm làm vợ một tên cán bộ.

Việc làm của Ngô Công Đức sau này cũng y hệt khi Dương Văn Ba thu nhận người làm cho Cimexcol Minh Hải.

Nó có cái nét đẹp của nó trong cái hoàn cảnh cực đoan bi phẫn!

Đây cũng là hình ảnh nổi bật công việc làm báo bất đắc dĩ của mấy chị để khỏi mất nhân phẩm! Nào là các chị Đặng Thị Ánh Nguyệt (luật sư tập sự thời chế độ cũ), Huỳnh Thị Mỵ Cơ từng là vợ phó đốc sự hành chính, Lã Thị Kim Thoa (cử nhân luật), Phan Thị Kim Hoanh, Phạm Thị Minh Tánh, Hoàng Hữu Ly (cử nhân xã hội học), Phạm Thanh Vân (cử nhân luật), Huỳnh Thị Thanh Vân (cử nhân luật)(28).

Bà Huỳnh Thị Thanh Vân sau này lập gia đình với linh mục Nguyễn Ngọc Lan là một thái độ chọn lựa có nhân phẩm nhất.

Thật ra, Sài Gòn sau 1975, người ta đều sống bất đắc dĩ, làm bất đắc dĩ như thế cả.

  1. Trí Quang đang làm chính trị thì bất đắc dĩ phải trở lại chùa quy ẩn. TGM Nguyễn Văn Bình đang tu thì bất đắc dĩ ra làm chính trị.

Kẻ làm chính trị phải đi tu. Kẻ đi tu lại phải làm chính trị.

Thày giáo thì nay đi đạp cyclo. Kẻ trước đây đạp cyclo nay lên làm phường trưởng. Đại tá đi đánh giặc thì nay đi bán vé số hay vá xe đạp. Trong số gần 200 nhân viên của Tin Sáng, thật sự chỉ có độ 2, 30 chục người là có tay nghề còn tất cả đều làm bất đắc dĩ cả.

Và cả miền Nam làm những công việc bất đắc dĩ như thế! Có biết không?

Sau khi Tin Sáng ‘đứt phim’, Ngô Công Đức xoay ra buôn bán, làm chủ hãng sơn mài, đồ gốm vẫn được chính quyền mới giúp đỡ. Lại hái ra tiền chả thua gì lúc làm báo cả. Không lạ gì cả Võ Long Triều đến Dương Văn Ba trước đây khi ra báo đều phải nhờ đến một tay của Ngô Công Đức, vì ông có quan hệ đến dân buôn giấy, biết lo lót giới phát hành, biết phải quấy với nhóm Cựu chiến binh lo phát hành và cả với Trung Ương tình báo VNCH cũ. Ông cũng từng làm ăn với Mỹ, với chính quyền miền Nam cũ cũng trót lọt. Mà đi với cánh phản chiến miền Nam là hợp khẩu vị, vì Ngô Công Đức cũng như Lữ Phuong rất kỵ “rơ” với cán bộ miền Bắc. Nhiều phần do sự thúc đẩy và ảnh hưởng của Hồ Ngọc Nhuận mà Ngô Công Đức xoay trục.

Rơi vào vòng xoáy của cộng sản, tôi nói thật ông là người duy nhất không bị cái guồng máy đó nghiền nát.

Sau này là dân biểu được dịp sang Paris cùng với Dương Văn Ba, Hồ Ngọc Nhuận, ông có cơ hội móc nối với cộng sản và trở thành người của họ sau 1975.

Được Trần Bạch Đằng tin cẩn và giao cho làm tờ Tin Sáng bộ mới với điều kiện cứ làm báo như cũ. Do khéo xoay sở, ông đã được các linh mục gốc Bùi Chu giao lại cơ sở nhà in Nguyễn Bá Tòng với toàn bộ máy móc và một cơ sở đồ sộ 3 tầng ở đường Bùi Chu.

Ông đã thu tập được hầu hết các nhà báo cũ của các tờ Tin Sáng, Điện Tín, Đại Dân Tộc về hợp tác với Tin Sáng bộ mới. Một số đông trí thức miền Nam cũng thỉnh thoảng viết bài cho Tin Sáng như quý ông Phạm Hoàng Hộ, Trần Kim Thạch, Võ Tòng Xuân, Chu Phạm Ngọc Sơn, Nguyễn Xuân Oánh cũng như các cộng tác viên cũ như Nguyễn Ngọc Lan, Lý Chánh Trung, Châu Tâm Luân, Vũ Hạnh.

Một người có tài năng như thế xem ra trái ngược với những điều nhận xét của ông Võ Long Triều sau đây. Theo Võ Long Triều thì văn hóa của Ngô Công Đức rất kém, không có được văn bằng tú tài. Mặc dầu vậy, ông Võ Long Triều đã trao cho Ngô Công Đức một triệu rưởi để hùn làm báo Tin Sáng (báo Tin Sáng được độc giả thích đọc, nhất là mục ký tên Tư Trời biển do Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận và My Sơn Nguyễn Ngọc Thạch thay nhau viết). Nói là hùn nhưng Võ Long Triều cũng thừa biết rằng Ngô Công Đức làm gì có một triệu rưởi để hùn. Võ Long Triều chỉ đặt để Hổ Ngọc Nhuận làm Giám Đốc chính trị để kiểm soát Ngô Công Đức. Cũng theo ông Võ Long Triều thì tờ báo lời nhiều, nhiều lắm, nhưng Ngô Công Đức không hề chia một cắc lời, thậm chí không trả vốn.

Ông viết:

“Tôi có nhắc một lần, nhưng Đức làm ngơ. Tôi cũng không quan tâm, vì mục đích xuất bản báo là để tạo một vũ khí chính trị phục vụ lý tưởng chứ không phải để kiếm lời. Vả lại lợi tức của trại chăn nuôi, trường Anh Văn London School, trường Mẫu giáo Claire Joie cũng đủ cho việc chi tiêu trong gia đình.”(29)

Ở đây, ông Triều không nói rõ, lý tưởng gì, chăn nuôi gì? Theo Hồ Ngọc Nhuận thì ông Triều rất thành công trong việc nuôi heo và nuôi chim cút!(31)

Nói chung, Võ Long Triều đánh giá Ngô Công Đức là ‘tính nết quá khích và xảo quyệt’. Khi Võ Long Triều đòi 100.000 đồng để cho Hồ Ngọc Nhuận có tiền vận động ra tranh cử, Đức không đưa và chỉ đưa cho Nhuận chiếc xe La Dalat cũ kỹ để làm phương tiện đi vận động mà thôi.

Cái tính xảo quyệt của Ngô Công Đức đã có sẵn khi cùng học với Võ Long Triều, Hồ Ngọc Nhuận tại trường Saint Joseph Mỹ Tho rồi.

Vì thế, Võ Long Triều biết được bản chất của Ngô Công Đức nên xa dần lẩn tránh anh ta một cách nhẹ nhàng. Mọi giao dịch ít khi trực tiếp mà chỉ qua trung gian Hồ Ngọc Nhuận mà thôi.

Xem tiếp phần 3

(15) Theo Hồi Ký Võ Long Triều, ông đã cài đặt Lý Quý Chung về quận 8, để ứng cử vào Quốc Hội Lập Hiến, mặc dầu Lý Quý Chung không dính dáng gì đến sinh hoạt của chương trình này. Đây cũng là một việc làm tắc trách của ông Võ Long Triều, lạm dụng các anh em làm việc ở quận 8, vận động cho Lý Quý Chung. Sau đó, Lý Quý Chung đã không một lần bầy tỏ dù là một lời cám ơn với các anh em trong chương trình xây dựng quận 8. Sau này đến lượt bác sĩ Hồ Văn Minh, Hồ Ngọc Nhuận ra ứng cử các quận 6 và quận 8 thì đều đắc cử cả.
(16) Hồ Ngọc Nhuận, Hồi Ký Đời, đã sửa chữa đăng trên diển đàn Forum, Chương 15-16
(17) Dương Văn Ba, Những ngã rẽ chính trị, Chương 5 . Làm chính trị-Vào Quốc Hội
(18) Dương Văn Ba, Ibid., Chương 5
(19) Có thể tin cẩn vào lời nói của linh mục Nguyễn Quang Lãm, vì sau này cũng chính vị linh mục này giới thiệu đại tá Lê Quang Hiền làm đổng lý văn phòng cho Tổng trưởng Thanh niên võ Long Triều. Cũng chính đai tá Hiền giới thiệu Lý Quý Chung vào làm việc trong Bộ. Tất cả những chi tiết này được ông Triều viết lại trong Hồi Ký Võ Long Triều, bài 24: Hoạt động trong Nội các.
(20) Nguyễn Cao Kỳ, Buddha’s child, trang 127-138
(21) Hồi ký Võ Long Triều, Hoạt động trong nội các
(22) Tất cả phần Dương Văn Ba, Lý Quý Chung được trích dẫn trong Hồi ký Võ Long Triều, kỳ 26, 19-1-2007.
(23) Dương Văn Ba, Ibid., Chương 12, Ngô Công Đức trở về Sài Gòn
(24) Dương Van Ba, Ibid., Chương 5, Làm chính trị- Vào Quốc Hội
(25) Dương Văn Ba, Ibid., Chương 4, Làm Báo Sài Gòn, phần 2
(26) Dương Văn Ba, Ibid., Chương 4, Làm báo Sài Gòn, Phần 2
(27) Dương Văn Ba, Ibid., Chương 4, Làm báo Sài Gòn, Phần 2
(28) Dương Văn Ba, Ibid.,Chương 3, Làm báo trong chế độ mới
(29) Hồi ký Võ Long Triều, bài 27 


 

Được xem 2 lần, bởi 2 Bạn Đọc trong ngày hôm nay