Nghề dạy học là một nghề khiêm tốn, nhưng hết sức quan trọng. Có những thầy cô giáo tạo được ảnh hưởng lâu dài, ảnh hưởng đến cả đời của học sinh. Câu chuyện dưới đây là một ví dụ điển hình về những thầy cô giáo tạo được sự khác biệt đến cuộc đời của học sinh. Chúng tôi mượn tựa đề “Tấm Lòng Vàng” của nhà văn Nguyễn Công Hoan để miêu tả câu chuyện.
*************
Hồi năm 1968, tôi còn là một học sinh ở trường trung học Levon & Sophia Hagopian Armenian ở Beirut. Vào lúc ghi danh theo học lớp 10, tôi phải đến văn phòng hiệu trưởng nói với người thư ký rằng cha mẹ tôi không có đủ tiền để đóng học phí. Mặc dù lúc đó tôi là một học sinh giỏi, đứng đầu lớp, nhưng tôi vẫn bị đuổi đi, cho về nhà. Sự việc này làm tôi đau lòng vô cùng, tôi rất thích đi học, và muốn có mặt ở trường ngay từ ngày đầu niên học.
Tôi về nhà, không được đi học nữa. Mỗi ngày tôi phải phụ với cha tôi làm việc trong xưởng vá bánh xe hơi. Cha tôi chỉ kiếm đủ tiền nuôi gia đình, gồm mẹ tôi và ba đứa con, ông không có tiền để đóng học phí cho tôi.
Một ông già trông thấy tôi ở tiệm sửa xe, và thắc mắc không hiểu vì sao tôi không đi học. Tôi nói với ông rằng tôi phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí. Ông đề nghị để ông gọi điện thoại cho một vị hiệu trưởng trường khác, không phải trả học phí, để tôi có thể tiếp tục đi học. Mặc dù trường sau này ở rất xa nhà tôi, nhưng tôi vẫn không bỏ lỡ cơ hội theo học tiếp, tôi đi xe buýt rất lâu để đến trường tiếp tục học. Tôi nói với ông hiệu trưởng rằng tôi đã được thu xếp không phải đóng học phí, hay chỉ đóng với giá đặc biệt. Nhưng tôi vô cùng kinh ngạc khi vị hiệu trưởng sỉ vả, mắng nhiếc tôi, và nói rằng không hề có chuyện học miễn phí, hay mặc cả tiền học.Tôi lập tức quay đầu trở về, và đi thẳng đến nơi sửa xe của cha tôi.
Ba ngày sau, một người bạn cùng lớp với tôi ở trường Sophia Hagopian đến gặp tôi. Ông hiệu trưởng sai nó đến gặp tôi và nói tôi nên quay trở lại trường. Khi đến trường, tôi nói với người thư ký học vụ rằng tôi không có tiền đóng học phí. Nhưng bà ấy báo cho tôi biết tiền học phí của tôi đã được trả hết rồi, và tôi có thể đi học bình thường với bạn bè như trước. Tôi hỏi bà thư ký ai đã đóng tiền học cho tôi, để tôi có thể cám ơn con người tử tế ấy. Nhưng bà thư ký nói rằng người đóng học phí cho tôi muốn giữ kín tên của họ.
Tôi vào lớp học mà trong đầu cứ quanh quẩn suy nghĩ mãi xem ai là người đã đóng học phí cho tôi. Ai là người đã có tấm lòng vàng cho tôi cơ hội may mắn này. Tôi quanh trở lại văn phòng hiệu trưởng và năn nỉ bà thư ký học vụ xin bà vui lòng cho biết ai đã đóng học phí cho tôi. Vì tôi năn nỉ quá, bà thư ký dặn tôi rằng bà sẽ tiết lộ danh tánh người đóng học phí cho tôi với điều kiện tôi phải giữ bí mật, và không được đến cám ơn người ấy. Nếu không, bà thư ký học vụ có thể bị mất việc vì không giữ bí mật tin tức. Bà cho tôi biết người có lòng tốt đóng học phí cho tôi chính là cô giáo dạy Anh Văn, cô Olivia Balian.
Bà thư ký học vụ kể cho tôi nghe rằng khi niên học bắt đầu, bà thấy ghế ngồi của tôi ở trong lớp bị bỏ trống, không thấy tôi đi học. Bà hỏi thăm vì lý do gì. Bà thư ký học vụ nói rằng cha mẹ em học sinh này không có tiền đóng học phí, nên em đó phải nghỉ học. Bà Balian nói với ông Hiệu trưởng yêu cầu nhà trường trừ tiền học phí cho học sinh đó vào tiền lương hàng tháng của bà.
Trong suốt cả niên học, tôi ngồi học trong lớp của cô Balian, suy nghĩ về tấm lòng tử tế của cô, mà không thể nói lời cảm ơn. Một năm sau, gia đình tôi được sang định cư ở Hoa Kỳ. Ở đây, tôi lấy được hai văn bằng Master, một ở trường Columbia University, và một ở trường Pepperdine University.
Tôi không bao giờ quên được tấm lòng tử tế, rộng lượng của cô giáo Balian. Gần 40 năm sau, tôi quanh trở lại Beirut lần đầu tiên, và tặng $4.5 triệu đô la cho Quĩ Giáo Dục Kirk Kerkorian’s Lincy Foundation, cấp học bổng cho 28 trường học của người Armenian hoạt động ở Beirut. Một trong những trường tôi đến thăm, có trường trung học cũ của tôi. Khi trao tấm chi phiếu vài trăm ngàn đô la cho ông Hiệu trưởng, tôi dặn dò ông chớ bao giờ đuổi học sinh về nhà vì em đó không có tiền đóng học phí. Bởi vì không ai có thể biết được trong tương lai em bé đó sẽ trở thành con người như thế nào. Em học sinh đó có thể trở thành một bác sĩ, một nhà ngoại giao tài giỏi, hay trở thành một tỉ phú tặng tiền rất nhiều cho các trường học.
Trong lúc lưu lại Lebanon, tôi đi thăm cô giáo cũ của mình, là cô Balian. Bây giờ cô đã nghỉ hưu, không còn đi dậy nữa. Cô đang sống một mình trong một căn hộ nhỏ bên ngoài Beirut. Cô hết sức vui mùng khi gặp lại tôi. Cuối cùng thì tôi cũng có dịp ngỏ lời cảm ơn cô vì sự tử tế, rộng lượng của cô trong nhiều năm tôi đi học. Nhưng cô rất khiêm tốn, không màng để ý đến việc tôi cảm ơn cô, cô tìm cách đổi đề tài câu chuyện đi hướng khác. Tôi ngỏ lời xin được giúp đỡ cô về mặt tài chánh, hay làm một buổi lễ vinh danh cô vì cô đã dành nhiều năm để dậy dỗ học sinh gốc Armenian. Nhưng cô từ chối tất cả mọi đề nghị của tôi.
Tôi viết câu chuyện này để tôn vinh cô giáo của tôi, bà Olivia Balian. Bà qua đời vào năm 2017. Nhưng cũng nhân dịp này tôi xin được nói ra một điều là người ta có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn cho cuộc đời của một người khác. Nếu không có cô giáo Balian, tôi đâu có dịp học tiếng Anh, và có lẽ chẳng bao giờ có cơ hội sang Hoa Kỳ, để rồi trở thành một nhà xuất bản nhật báo Anh Ngữ The California Courier. Rất có thể tôi đã suốt đời làm việc trong tiệm vá bánh xe của cha tôi ở Beirut.
My Lan Phạm (ST)
Bao Nguyen Quang
– Ảnh: Đỗ quyên cổ thụ trên núi cao ở Ấn Độ.
From: haiphuoc47&NguyenNThu